We have to walk in a way that we only print peace and serenity on the Earth. Walk as if you are kissing the Earth with your feet.

Thich Nhat Hanh

 
 
 
 
 
Tác giả: Agatha Christie
Thể loại: Trinh Thám
Nguyên tác: The Monogram Murders (2014)
Dịch giả: Tuấn Việt
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 257 / 41
Cập nhật: 2020-04-04 20:28:24 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13 - Nancy Ducane
ĩ nhiên tôi không biết Poirot đã biết khả năng có sự tham gia của Nancy Ducane vào ba án mạng. Khi tôi lên tàu tẩu thoát khỏi Great Holling thì Poirot đang bận thu xếp – với sự trự giúp của Scotland Yard – một buổi viếng thăm bà Ducane tại nhà nhà riêng.
Ông xoay xở đạt được việc đó trong cùng ngày hôm ấy, với viên đội Stanley Beer đi kèm. Một cô hầu trẻ đeo tạp dề hồ bột mở cánh cửa dẫn vào một ngôi nhà lớn, tường trát vữa phẳng phiu, ở khu Belgravia. Poirot đoán ông sẽ được mời vào một phòng khách rất đẹp và phải chờ ở đó để được tiếp kiến. Ông ngạc nhiên khi thấy Nancy Ducane đã đứng đợi sẵn trong sảnh, ngay dưới chân cầu thang.
“Ông Poirot phải không ạ? Ông vào đi. Tôi thấy ông có đem theo một cảnh sát. Phải nói rằng điều này hơi bất thường đấy.”
Stanley Beer phát ra một âm thanh trong cuống họng, khuôn mặt bỗng đỏ dừ. Nancy Ducane là một phụ nữ đẹp khác thường với làn da màu kem trộn anh đào, mái tóc sậm rực rỡ, đôi mắt xanh sâu thẳm với cặp lông mi dài. Bà trạc bốn mươi tuổi. Trong bộ y phục xanh thẫm tựa như màu lông công, trông bà rất phong cách. Đó là lần duy nhất trong đời, Poirot không phải là nhân vật lịch thiệp nhất trong mắt những người hiện diện.
“Rất hân hạnh được làm quen với bà, thưa bà Ducane.” Ông nghiêng mình. “Tôi rất khâm phục tài năng của bà trong lĩnh vực hội họa. Tôi đã khá may mắn được xem vài bức họa của bà trong các cuộc triển lãm vài năm gần đây. Bà có một tài năng hiếm có vào bậc nhất.”
“Cảm ơn ông. Ông tử tế quá. Bây giờ, xin các ông trao lại áo khoác và nón cho cô Tabitha đây, và chúng ta sẽ tìm nơi nào đó thoải mái để ngồi trò chuyện. Các ông muốn dùng trà hay cà phê không ạ?”
“Non, merci!”
“Vậy xin hãy đi theo tôi.”
Họ đi qua một phòng khách nhỏ mà tôi chỉ thích nghe kể lại chứ không muốn ngồi trong, vì Poirot nói nó treo đầy những bức chân dung. Tất cả những cặp mắt soi mói đó trên tường…
Poirot hỏi có phải tất cả đều là tác phẩm của Nancy Ducane không.
“Ồ không,” bà đáp. “Chỉ rất ít là của tôi. Tôi mua tranh cũng nhiều như vẽ tranh vậy. Nghệ thuật là đam mê của tôi.”
“Cũng là một trong những đam mê của tôi,” Poirot nói.
“Nếu chỉ ngắm những bức họa của mình thôi thì người ta sẽ cô đơn đến không thể chịu nổi. Tôi luôn nghĩ khi treo tranh của họa sĩ khác thì cũng giống như tôi có thêm một người bạn tốt nữa trên tường nhà.”
“D’accord. Bà khái quát thật ngắn gọn, thưa bà.”
Khi mọi người đã ngồi xuống, Nancy nói: “Tôi đi thẳng vào vấn đề nhé? Xin hỏi điều gì đưa các ông đến đây vậy? Ông nói qua điện thoại rằng ông muốn khám nhà tôi. Xin ông cứ tùy tiện, nhưng tại sao phải làm vậy?”
“Chắc bà đã đọc trên báo, thưa bà. Có ba vị khách của khách sạn Bloxham bị giết chết vào tối thứ năm qua.”
“Tại khách sạn Bloxham ư?” Nancy phá lên cười. Rồi khuôn mặt bà chợt sa sầm. “Ối trời, ông nói có nghiêm túc không đấy? Những ba người ư? Ông có chắc không vậy? Bloxham là một chốn cao cấp, tôi luôn đinh ninh như thế. Tôi không thể hình dung ở đó lại có án mạng.”
“Vậy ra bà biết khách sạn đó?”
“Ồ vâng. Tôi thường đến đó dùng trà chiều. Ông quản lý Lazzari rất dễ mến. Họ nổi tiếng nhờ món bánh nướng. Ông biết đấy, ngon nhất London này. Tôi xin lỗi…” Bà khựng lại. “Tôi không định ba hoa về bánh nướng nếu quả thực đã có ba người chết. Thật khủng khiếp. Tuy vậy tôi không rõ tôi liên quan gì đến chuyện đó?”
“Bà chưa đọc về các án mạng đó trên báo chí?” Poirot hỏi.
“Chưa.” Miệng Nancy Ducane chợt mím lại. “Tôi không đọc báo và không đặt báo tại nhà. Báo chí chỉ toàn đưa những chuyện bất hạnh, mà tôi thì cố tránh chúng tối đa.”
“Cho nên bà không biết tên của ba nạn nhân bị giết?”
“Không. Mà tôi cũng chẳng muốn biết nữa.” Nancy nhún vai.
“Tôi e phải nói cho bà biết dù bà muốn hay không. Tên của họ là Harriet Sippel, Ida Gransbury và Richard Negus.”
“Ồ không, không, ông Poirot!” Nancy bịt miệng bằng bàn tay. Bà không nói năng gì trong suốt một phút dài. Rốt cuộc bà lên tiếng: “Không phải là chuyện đùa chứ? Làm ơn nói với tôi đó là chuyện đùa đi.”
“Không phải là chuyện đùa. Tôi rất tiếc đã làm bà không vui, thưa bà.”
“Điều làm tôi không vui là nghe nhắc đến những cái tên đó. Họ sống hay chết tôi chẳng màng, miễn là tôi không phải suy nghĩ gì về họ. Ông biết đấy, ta luôn cố tránh những đau buồn, nhưng không phải lúc nào cũng thành công, và… tôi căm ghét sự buồn đau hơn ai hết.”
“Cuộc đời bà hẳn có nhiều buồn đau lắm nhỉ?”
“Tôi không muốn bàn luận chuyện riêng tư của tôi.” Nancy quay ngoắt đi.
Poirot không tiện nói ra rằng điều ông muốn hoàn toàn trái ngược với điều bà muốn. Thứ hấp dẫn nhất đối với ông là cảm xúc riêng tư, có thể không bao giờ lặp lại, của một người xa lạ.
Thay vào đó ông nói: “Vậy ta hãy trở lại với cuộc điều tra của cảnh sát mà vì thế tôi có mặt ở đây. Bà thấy tên của ba nạn nhân đó có quen thuộc không?”
Nancy gật đầu. “Tôi từng sống tại một ngôi làng tên là Great Holling ở Thung lũng Culver. Ông không biết nó đâu. Chẳng ai biết cả. Harriet, Ida và Richard là láng giềng của tôi. Từ nhiều năm nay, tôi không gặp hay nghe tin tức gì về họ. Kể từ năm 1913, khi tôi chuyển lên London. Có thật là họ bị giết không?”
“Oui, thưa bà.”
“Tại khách sạn Bloxham ư? Nhưng họ đến đó làm gì? Họ đến London làm gì chứ?”
“Đó là một trong rất nhiều câu hỏi mà tôi chưa có lời giải,” Poirot nói.
“Vô lý quá, sao họ lại bị giết?” Nancy bật dậy khỏi ghế, bắt đầu đi qua lại giữa cánh cửa và bức tường ở mé xa. “Người duy nhất có thể làm việc đó thì lại không làm.”
“Người đó là ai vậy?”
“Ồ, xin cứ mặc tôi.” Nancy quay lại ghế của bà và ngồi xuống. “Tôi xin lỗi. Tin của ông khiến tôi bị sốc, ông biết đấy. Tôi không giúp gì được ông. Và… tôi không định thô lỗ, nhưng tôi muốn ông rời khỏi đây ngay.”
“Có phải bà cho mình là người duy nhất có thể gây ra ba án mạng, thưa bà? Và bà đã không làm việc đó?”
“Tôi… không…” Nancy nói rất chậm, mắt bà đảo quanh căn phòng. “À, tôi hiểu ông muốn nói gì rồi. Ông nghe được câu chuyện nào đó và ông nghĩ tôi chính là hung thủ. Đó là lý do ông muốn khám nhà tôi. Này nhé, tôi không giết ai cả. Ông cứ việc sục sạo thoải mái đi, ông Poirot. Hãy bảo Tabitha dẫn ông xem từng phòng một. Có nhiều phòng lắm đấy, ông sẽ bỏ sót phòng nào đó nếu không ai dẫn đường.”
“Cảm ơn bà.”
“Ông sẽ không thấy thứ gì có thể buộc tội được tôi đâu vì chẳng có gì để mà tìm cả. Tôi mong ông chóng rời khỏi đây! Ông làm tôi khó chịu quá.”
Stanley Beer đứng dậy. “Để tôi làm cho,” anh ta nói. “Xin cảm ơn bà đã hợp tác, thưa bà Ducane.” Anh ta rời khỏi phòng, khép cửa lại.
“Ông thông minh lắm, đúng không?” Nancy Ducane nói với Poirot cứ như đó là một khuyết điểm của ông vậy. “Mọi người đều nói thế. Tôi nhìn mắt ông là biết ngay.”
“Oui, người ta nghĩ tôi có một bộ óc siêu việt.”
“Ông nói nghe ngạo mạn thật đấy. Theo thiển ý của tôi, một bộ óc siêu việt chẳng là gì cả nếu không đi kèm một trái tim siêu việt.”
“Naturellement. Là những người yêu nghệ thuật, chúng ta phải tin điều đó. Nghệ thuật gắn với trái tim và tâm hồn nhiều hơn là bộ óc.”
“Tôi cũng nghĩ vậy,” Nancy dịu giọng. “Ông biết đấy, ông Poirot, đôi mắt ông… chúng còn hơn cả thông minh nữa kia. Chúng khôn ngoan. Chúng lùi lại rất xa xăm. Ông không hiểu tôi đang nói gì đâu, nhưng đúng là vậy. Chúng sẽ trông rất tuyệt trên một bức họa, mặc dù tôi sẽ chẳng đời nào vẽ ông vì ông đã mang ba cái tên đáng sợ đó vào nhà tôi.”
“Thật đáng tiếc.”
“Tôi trách ông đấy,” Nancy thẳng thừng nói. Bà siết hai bàn tay. “Ồ, có lẽ tôi cũng nên nói cho ông biết. Ban nãy tôi quả đã nhủ thầm rằng nếu có kẻ nào giết Harriet, Ida và Richard thì lẽ ra kẻ đó phải là tôi, nhưng, như ông đã nghe rồi đấy, tôi không làm việc đó. Vì vậy tôi không hiểu điều gì có thể đã diễn ra.”
“Bà ghét họ lắm nhỉ?”
“Ghê tởm họ. Cầu cho họ chết đi sống lại. Ôi trời!” Nancy chợt bưng đôi má. “Họ đã chết thật chưa? Tôi nghĩ lẽ ra mình phải xúc động hay nhẹ nhõm. Tôi muốn vui mừng về chuyện đó, nhưng lại không vui được khi nghĩ về Harriet, Ida và Richard. Có phải là trớ trêu lắm không?”
“Tại sao bà ghét họ?”
“Tôi sẽ không bàn luận chuyện này.”
“Thưa bà, tôi sẽ không hỏi nếu không phải là cần thiết.”
“Dù vậy, tôi vẫn không muốn trả lời.”
Poirot thở dài. “Bà ở đâu tối thứ năm tuần rồi trong khoảng từ 7 giờ 15 đến 8 giờ?”
Nancy chau mày. “Tôi không nhớ gì cả. Tôi còn không nhớ nổi việc gì cần phải làm trong tuần này nữa là. Ồ, đợi đã. Thứ năm, phải rồi. Tôi đang ở bên kia đường, tại nhà cô bạn Louisa của tôi. Louisa Wallace. Tôi vừa vẽ xong chân dung cô ta nên mang nó đến đó và ở lại dùng bữa tối. Hình như tôi ở đó từ 6 giờ cho đến gần 10 giờ. Thậm chí tôi có thể ngồi lại lâu hơn nữa nếu St. John, chồng của Louisa, không hiện diện ở đó. Anh ta là một gã hợm hĩnh kinh khủng. Louisa thì quá dễ thương, cô ấy không có khả năng nhận ra sai trái của người khác, chắc ông cũng biết loại người này. Cô ấy thích nghĩ rằng tôi và St. John cực kỳ quý mến nhau chỉ vì cả hai chúng tôi đều là họa sĩ, nhưng tôi chịu không nổi anh ta. Anh ta tin chắc rằng loại hình nghệ thuật của anh ta ưu việt hơn của tôi, và cứ hở ra lúc nào là lại nói tát vào mặt tôi điều đó. Chủ đề của anh ta là cỏ cây và cá, anh ta vẽ những thứ đó. Những chiếc lá già cỗi, u uất, những con cá tuyết có đôi mắt lạnh lùng!”
“Ông ta là họa sĩ chuyên vẽ động-thực vật?”
“Tôi chỉ quan tâm đến họa sĩ nào vẽ mặt người mà thôi,” Nancy dứt khoát nói. “Tôi xin lỗi, nhưng đúng là thế đấy. St. John khăng khăng rằng muốn vẽ một khuôn mặt thì phải kể một câu chuyện, và khi ta áp đặt câu chuyện vào thì ta sẽ bóp méo dữ-liệu-nhìn. Thật là vớ vẩn! Kể chuyện thì có gì là sai hả trời?”
“Liệu St. John Wallace có kể cho tôi cùng câu chuyện mà bà kể liên quan đến tối thứ năm tuần rồi?” Poirot hỏi. “Liệu ông ta có chịu xác nhận rằng bà ở nhà họ từ 6 giờ đến gần 10 giờ?”
“Dĩ nhiên. Thật là vô lý, ông Poirot. Ông đang hỏi tôi như hỏi tên sát nhân vậy, mà tôi có phải đâu. Ai nói với ông những vụ giết người đó là do tôi gây ra vậy?”
“Có người đã thấy bà từ khách sạn Bloxham chạy ra ngoài trong trạng thái bấn loạn ngay sau 8 giờ tối. Trong khi chạy, bà đánh rơi hai chiếc chìa khóa. Bà cúi xuống nhặt rồi chạy tiếp. Nhân chứng đã nhận ra khuôn mặt bà trên báo và chỉ ra đích xác danh họa Nancy Ducane.”
“Điều đó không thể nào. Nhân chứng của ông đã lầm người rồi. Ông cứ hỏi St. John và Louisa Wallace đi.”
“Tôi sẽ hỏi, thưa bà. Bon. Giờ thì tôi có câu hỏi khác cho bà đây: cái tên họ viết tắt PIJ, hay có thể là PJI, có quen thuộc với bà không? Có thể là ai đó ở Great Holling?”
Khuôn mặt của Nancy chợt thất sắc. “Có,” bà thì thào. “Patrick James Ive. Ông ta từng là mục sư quản nhiệm.”
“À! Cái ông mục sư chết bi thảm có đúng không? Cả vợ ông ta nữa?”
“Phải.”
“Chuyện gì xảy ra cho họ vậy?”
“Tôi sẽ không nói chuyện đó. Không nói đâu!”
“Điều đó cực kỳ quan trọng. Tôi cầu xin bà hãy cho tôi biết.”
“TÔI KHÔNG NÓI!” Nancy hét lên. “Tôi có cố cũng không được. Ông không hiểu đâu. Tôi không nhắc đến chuyện đó từ lâu lắm rồi, tôi…” Miệng bà mở rồi khép trong vài giây mà không có lời nào thốt ra. Khuôn mặt bà méo xệch vì đau đớn. “Chuyện gì xảy ra cho Harriet, Ida và Richard vậy?” bà hỏi. “Họ bị giết như thế nào?”
“Bằng thuốc độc.”
“Ồ, khủng khiếp quá! Nhưng cũng thật là đáng.”
“Tại sao lại đáng, thưa bà? Phải chăng vì Patrick Ive và vợ ông ta cũng chết vì thuốc độc?”
“Tôi không nói về họ, tôi đã bảo rồi!”
“Ở Great Holling bà còn biết cô gái nào tên là Jennie không?”
Nancy hổn hển đặt tay lên cuống họng. “Jennie Hobbs. Tôi không có gì để nói về cô ta, không có bất cứ điều gì. Đừng hỏi tôi thêm câu nào nữa!” Bà quệt nước mắt. “Tại sao người ta cứ phải ác như thế, hả ông Poirot? Ông có hiểu điều đó không? Không, đừng trả lời! Ta hãy bàn chuyện gì khác đi, chuyện gì giúp lên tinh thần ấy. Ta hãy bàn về nghệ thuật, vì cả tôi và ông đều yêu nghệ thuật.”
Nancy đứng dậy, bước đến một bức chân dung lớn treo ở bên trái cửa sổ. Đó là chân dung một người đàn ông với mái tóc đen phóng khoáng, miệng rộng và cằm chẻ. Ông ta đang mỉm cười. Có cái vẻ của một người vui tính.
“Cha tôi đấy,” Nancy nói. “Albinus Johnson. Có thể ông biết cái tên này.”
“Nghe quen lắm, nhưng tôi không thể nhớ ra ngay,” Poirot nói.
“Ông mất cách đây hai năm. Lần cuối hai cha con gặp nhau là khi tôi mười chín tuổi. Nay tôi đã bốn mươi hai rồi.”
“Xin thành thật chia buồn.”
“Tôi không vẽ bức đó. Tôi không biết ai vẽ và vẽ khi nào. Không có chữ ký và không ghi ngày tháng, vì vậy tôi không nghĩ nhiều về người vẽ, dù người đó là ai – có thể là một họa sĩ nghiệp dư – nhưng… đó là nụ cười của cha tôi, và đó là lý do vì sao nó được treo trên tường. Giá như ông ấy cười nhiều hơn trong đời thực…” Nancy ngắt ngang và quay sang đối mặt với Poirot. “Ông thấy chưa?” bà nói. “St. John đã sai! Công việc của nghệ thuật là thay những chuyện đau thương có thật bằng những sáng tạo vui vẻ hơn.”
Có tiếng gõ cửa mạnh rồi viên đội Stanley Beer tái xuất hiện. Theo cách anh ta chỉ nhìn ông, lẩn tránh ánh mắt của Nancy, Poirot hiểu ngay đã có chuyện. “Tôi đã tìm ra vài món, thưa ông.”
“Món gì vậy?”
“Hai chiếc chìa khóa. Chúng nằm trong túi chiếc áo khoác màu xanh đậm có cổ tay bằng lông. Cô giúp việc nói nó thuộc sở hữu của bà Ducane.”
“Hai chìa khóa nào?” Nancy hỏi. “Đưa tôi xem. Tôi không bao giờ bỏ chìa khóa trong túi áo khoác. Tôi có ngăn kéo để cất chúng.”
Beer vẫn không dám nhìn bà. Thay vào đó, anh ta tiến đến chiếc ghế Poirot ngồi. Khi đến cạnh ông, anh ta xòe lòng bàn tay ra.
“Anh ta tìm thấy gì vậy?” Nancy bồn chồn nói.
“Hai chiếc chìa khóa có khắc số phòng thuộc về khách sạn Bloxham,” Poirot nói bằng một giọng trịnh trọng. “Phòng 121 và phòng 317.”
“Những con số đó có ý nghĩa gì liên quan đến tôi không?” Nancy hỏi.
“Hai trong số các án mạng đã diễn ra trong các phòng đó, thưa bà: 121 và 317. Nhân chứng thấy bà chạy khỏi khách sạn Bloxham vào đêm án mạng nói rằng bà đã đánh rơi hai chìa khóa có khắc số bên trên: một trăm bao nhiêu đó và ba trăm bao nhiêu đó.”
“Quả là một trùng hợp kỳ lạ!” Nancy phá lên cười. “Ồ, ông Poirot, ông có chắc là ông thông minh không vậy? Chẳng lẽ ông không thấy điều gì ngay trước mũi? Hay bộ ria đồ sộ kia đã chắn mất tầm nhìn của ông rồi? Có ai đó đã gài tôi vào tội giết người. Chắc chắn là một âm mưu! Tôi sẽ có một khoảng thời gian thú vị lắm đây để tìm hiểu xem kẻ đó là ai. Như chúng ta đều biết, tôi không trên đường đi đến giá treo cổ đâu.”
“Ai là người có cơ hội nhét các chìa khóa đó vào túi áo của bà trong thời gian từ thứ năm qua đến hiện nay?” Poirot hỏi.
“Sao tôi biết được chớ? Bất kỳ ai đi ngang qua tôi trên đường, tôi dám nói thế. Tôi mặc chiếc áo khoác xanh đó khá thường. Ông biết đấy, chuyện này hết sức vô lý.”
“Xin bà hãy giải thích.”
Trong khoảnh khắc bà có vẻ chìm đắm trong mơ màng. Rồi bà hồi tỉnh lại và nói: “Bất kỳ ai căm ghét Harriet, Ida và Richard đủ để giết họ… người đó hầu như chắc chắn sẽ có lợi nếu đổ vấy cho tôi. Và y như rằng hắn đã gán cho tôi tội giết người.”
“Tôi có phải bắt giữ bà ấy không, thưa ông?” Stanley Beer hỏi Poirot. “Tôi đưa bà ấy về đồn nhé?”
“Ồ, đừng lố bịch thế chứ,” Nancy ngán ngẩm nói. “Tôi vừa nói ‘gán cho tôi tội giết người’ là các ông đã lập tức nghĩ rằng phải làm như vậy sao? Các ông là cảnh sát hay con vẹt vậy? Nếu muốn bắt ai đó, sao không bắt nhân chứng của các ông đi. Biết đâu hắn không chỉ là kẻ nói láo mà còn là hung thủ? Các ông đã nghĩ đến điều đó chưa? Các ông phải băng qua đường ngay tức thì và nghe sự thật từ St. John và Louisa Wallace. Đó là cách duy nhất để kết thúc câu chuyện vớ vẩn này.”
Một cách khá khó nhọc, Poirot nhấc mình, đứng lên khỏi ghế. Đó là loại ghế bành không thoải mái lắm cho những người có kích cỡ và thể trạng như ông. “Chúng tôi sẽ làm điều đó, précisément,” ông nói rồi quay sang Stanley Beer: “Ông đội, lúc này chúng ta chưa bắt bớ ai cả. Thưa bà, tôi không tin bà giữ lại hai chiếc chìa khóa đó nếu quả thực bà đã giết người trong các phòng 121 và 317 của khách sạn Bloxham. Tại sao bà không thủ tiêu chúng đi chứ?”
“Thì đó. Tôi sẽ thủ tiêu nó ngay cơ hội đầu tiên, đúng không nào?”
“Tôi sẽ gặp ông bà Wallace ngay sau đây.”
“Thật ra, ông sẽ gặp ngài Wallace và phu nhân,” Nancy nói. “Louisa thì không quan tâm đâu, nhưng St. John sẽ không tha thứ cho ông nếu ông phớt lờ tước hiệu của anh ta.”
Không lâu sau đó, Poirot đã đứng cạnh Louisa Wallace trong khi bà mê mẩn ngắm nghía bức chân dung treo trên tường phòng khách do Nancy Ducane vẽ bà.
“Ông xem nó có hoàn hảo không?” bà thì thào. “Không tôn tạo mà cũng chẳng giảm khinh. Với làn da đỏ và khuôn mặt tròn như tôi thì luôn có nguy cơ bị giống bà vợ bác nông dân, nhưng không hề. Trông tôi không nồng thắm, nhưng rất hiền hòa, tôi nghĩ thế. St. John dùng từ ‘khoan thai’, một từ mà anh ấy chưa từng dùng để nói về tôi, nhưng bức họa đã làm anh ấy bật ra từ đó.” Bà cười thành tiếng. “Có tuyệt vời không khi trên đời này có một người tài năng như Nancy?”
Poirot đang có chút khó khăn trong việc tập trung vào bức họa. Tương đương với cô giúp việc tạp-dề-hồ-bột Tabitha, Louisa Wallace có một cô giúp việc hậu đậu tên là Dorcas. Cô này đã hai lần đánh rơi áo khoác của Poirot, một lần đánh rơi nón của ông mà còn giẫm lên.
Ngôi nhà của vợ chồng Wallace có thể là đẹp nếu có một chế độ cai quản khác, nhưng ngày hôm đó Poirot thấy nó còn nhiều điều chưa hấp dẫn. Trừ những bàn ghế nặng bố trí hợp lý tựa vào tường, mọi thứ trong nhà trông cứ như vừa bị cơn gió mạnh quét qua, nằm rải rác lung tung ở những vị trí rất bất tiện. Poirot không chịu nổi sự bừa bãi, nó ngăn trở ông suy nghĩ mạch lạc.
Sau khi nhặt áo khoác và chiếc nón rúm ró của ông, Dorcas lui ra, để lại Poirot một mình với Louisa Wallace. Stanley Beer đang ở lại nhà của Nancy Ducane để hoàn tất việc khám xét các phòng. Ngài-Quý-phái cũng không có mặt ở đây, nghe đâu sáng hôm đó ông phải về điền trang nông thôn của gia đình. Poirot nhận ra vài chiếc lá già cỗi, u uất và những con cá tuyết có đôi mắt lạnh lùng – như cách nói của Nancy – treo trên tường. Ông tự hỏi không biết những bức tranh đó có phải là tác phẩm của St. John Wallace hay không.
“Tôi xin lỗi ông về Dorcas,” Louisa nói. “Cô bé ấy mới nhận việc. Cô ta là cô hầu đoảng nhất xưa nay ở nhà chúng tôi, nhưng tôi sẽ không đầu hàng đâu. Mới chỉ có ba ngày thôi mà. Cô ta sẽ học được thôi, chỉ cần thời gian và kiên nhẫn. Miễn cô ta đừng quá lo lắng. Tôi biết điều gì diễn ra nơi cô ta: cô ta tự nhủ ‘không được đánh rơi áo mũ của quý ông quan trọng này’, rồi cô ta bị ám ảnh bởi cái ý nghĩ đánh rơi đó, và cuối cùng việc đó đã trở thành hiện thực. Bực thật!”
“Vâng,” Poirot đồng ý. “Thưa bà Wallace, về hôm thứ năm vừa qua…”
“Ồ, vâng, ta đang nói dở chuyện đó thì tôi kéo ông vào đây để khoe mấy bức họa. Phải, Nancy đã ở đây tối hôm đó.”
“Từ mấy giờ đến mấy giờ, thưa bà?”
“Tôi không nhớ chính xác. Tôi chỉ biết chúng tôi thỏa thuận cô ấy đưa bức họa đến đây vào lúc 6 giờ, và hình như cô ấy không đến muộn. Còn cô ấy về lúc nào thì e rằng tôi không nhớ. Nếu để tôi đoán thì chắc là 10 giờ hay sau đó một chút.”
“Và bà ấy đã ở đây suốt thời gian đó, tức đến khi ra về? Bà ấy không đi đâu rồi quay lại chứ?”
“Không.” Louisa Wallace trông bối rối. “Cô ấy đem tranh đến vào lúc 6 giờ, rồi chúng tôi ngồi với nhau cho đến khi cô ấy về. Có chuyện gì vậy?”
“Bà có thể xác nhận bà Ducane không ra về trước 8 giờ 30 chứ?”
“Chao ôi, vâng. Cô ấy về muộn hơn thế nhiều. Vào lúc 8 giờ 30 chúng tôi vẫn đang ngồi ở bàn.”
“‘Chúng tôi’ là những ai?”
“Nancy, St. John và tôi.”
“Chồng của bà, nếu tôi nói chuyện với ông ta, liệu ông ta có xác nhận điều đó không?”
“Có chứ. Ông ngụ ý rằng tôi nói sai sự thật sao, ông Poirot?”
“Không, không. Pas du tout.”
“Tốt,” Louisa Wallace dứt khoát nói. Bà quay sang bức chân dung của chính mình treo trên tường. “Màu sắc là tài năng đặc biệt của cô ấy, ông biết đấy. Cô ấy thể hiện được cả cá tính trên khuôn mặt, nhưng sức mạnh lớn nhất của cô ấy chính là màu sắc. Hãy nhìn xem cái cách mà ánh sáng rơi lên bộ váy xanh của tôi.”
Poirot hiểu bà muốn nói gì. Màu xanh có lúc trông sáng hơn, nhưng lúc sau lại sậm hơn. Không có một bóng màu cố định nào. Ánh sáng có vẻ như thay đổi khi ta ngắm bức tranh. Đó chính là tài năng của Nancy Ducane. Bức vẽ mô tả Louisa Wallace đang ngồi trên ghế, khoác một bộ váy xanh cổ thấp, phía sau có bộ ấm chén màu xanh trên chiếc bàn bằng gỗ. Poirot đi qua đi lại trong phòng, ngắm nghía bức tranh từ nhiều góc độ và vị trí.
“Tôi muốn trả cho Nancy theo mức thù lao thường lệ của cô ấy, nhưng cô ấy gạt phắt đi,” Louisa Wallace nói. “Tôi thật may mà có được một người bạn hào phóng như thế. Ông biết không, tôi nghĩ chồng tôi có hơi ganh tị, ý tôi là về bức họa. Cả nhà này tràn ngập tranh của anh ấy - chúng tôi chỉ còn mỗi một hành lang chưa treo tranh. Chỉ toàn tranh của anh ấy thôi, cho đến khi có bức này. Giữa anh ấy và Nancy luôn có sự ganh đua ngốc nghếch đó. Tôi thì không bàn luận gì. Cả hai đều tài năng theo cách riêng.”
Vậy là Nancy Ducane đã tặng tranh cho Louisa Wallace, Poirot nghĩ. Có thật bà ta không muốn trả công hay bà ta kỳ vọng vào một chứng cứ ngoại phạm? Giữa bạn bè thân thiết, đôi khi cũng khó lòng mà từ chối một lời nói dối nho nhỏ, vô hại sau khi được tặng cho một món quà hào phóng cỡ đó. Poirot tự hỏi liệu ông có nên cho Louisa Wallace biết ông ở đây để điều tra một vụ án mạng. Cho đến lúc này, ông vẫn chưa nói ra điều đó.
Dòng suy nghĩ của ông bị gián đoạn bởi sự xuất hiện bất ngờ của cô giúp việc Dorcas. Cô ta lao vào phòng với vẻ khẩn trương và lo lắng. “Xin lỗi, thưa ông!”
“Có chuyện gì vậy?” Poirot ngờ rằng cô ta sắp thú nhận đã vô tình làm cháy luôn nón và áo khoác của ông.
“Ông muốn dùng trà hay cà phê không ạ?”
“Đó là điều cô muốn hỏi tôi?”
“Vâng, thưa ông.”
“Không có việc gì khác chứ? Không có gì xảy ra chứ?”
“Dạ, không ạ.” Giọng Dorcas có vẻ bối rối.
“Bon. Vậy thì vâng, cho tôi xin cà phê. Cảm ơn cô.”
“Có ngay ạ, thưa ông.”
“Ông thấy chưa?” Louisa Wallace làu bàu khi cô gái tha thẩn ra khỏi phòng. “Ông tin nổi không? Tôi cứ tưởng cô ta sắp thông báo nghỉ việc gấp vì mẹ đang hấp hối cơ đấy! Cô ta thật là quá đáng mà. Chắc phải cho cô ta nghỉ việc quá. Nhưng có người phụ giúp, dù giúp chẳng là bao, cũng còn hơn là không. Ngày nay thật không dễ tìm được đứa giúp việc nào ra hồn.”
Poirot phát ra một tiếng thở dài như để chia sẻ. Ông không muốn bàn luận về chuyện người ăn kẻ ở. Ông quan tâm hơn tới những ý tưởng của mình, đặc biệt cái ý tưởng đã nảy ra trong khi Louisa Wallace mải ca cẩm về Dorcas còn ông mải ngắm nhìn bộ ấm chén ở trên tranh.
“Thưa bà, nếu như bà cho phép tôi lạm dụng thêm ít thời gian của bà… những bức tranh treo tường ở đây, tất cả đều do chồng bà vẽ chứ ạ?”
“Vâng.”
“Như bà nói, ông ấy cũng là một họa sĩ xuất sắc. Tôi sẽ rất vinh dự, thưa bà, nếu bà cho tôi được tham quan ngôi nhà xinh đẹp của bà. Tôi sẽ rất vui thích được ngắm các bức họa của ông nhà. Bà nói chúng được treo trên khắp các tường, đúng không ạ?”
“Vâng. Tôi rất vui được đưa ông đi xem tranh của St. John Wallace, và ông sẽ thấy là tôi không cường điệu.” Louisa trông rạng rỡ khi chắp hai bàn tay. “Vui thật! Dù vậy tôi vẫn ước có St. John ở đây. Anh ấy sẽ nói được nhiều hơn tôi về các bức vẽ. Tuy nhiên tôi sẽ cố hết sức. Ông Poirot ạ, ông sẽ ngạc nhiên khi biết có rất nhiều người đến nhà này mà không ngắm tranh hay hỏi han gì về chúng. Dorcas là một ví dụ. Có đến cả năm trăm khung tranh treo trên tường mà cô ta vẫn thờ ơ. Ta bắt đầu từ sảnh lớn nhé?”
Thật may mà mình biết thưởng thức nghệ thuật, Poirot nghĩ khi ông được dẫn đi quanh nhà để giới thiệu rất nhiều loại nhền nhện, cây cỏ và cá kiếc. Ông nghĩ về cuộc ganh đua giữa St. John Wallace và Nancy Ducane. Tranh của Wallace công phu và tỉ mẩn, nhưng không gây cảm xúc nào. Tranh của Nancy Ducane thể hiện một tài năng lớn hơn. Bà đã nắm bắt được cái thần của Louisa Wallace và làm cho bà này trở nên sinh động và sống thực trên bức tranh sơn dầu. Poirot chợt muốn ngắm lại bức chân dung trước khi rời khỏi nhà, và điều đó không chỉ để kiểm tra xem ông có nhầm lẫn không cái chi tiết quan trọng mà ông nghĩ mình đã phát hiện ra.
Dorcas xuất hiện ở thềm cầu thang trên gác. “Cà phê của ông đây ạ.” Vừa ở trong phòng vẽ của St. John Wallace đi ra, Poirot bước tới để đón tách cà phê. Cô ta lui ra sau như thể không ngờ ông tiến tới, vì thế làm sánh cà phê ra chiếc tạp dề trắng. “Ối trời! Tôi xin lỗi, thưa ông. Tôi đúng là hậu đậu mà. Để tôi pha cho ông tách khác.”
“Không, khỏi đi. Không cần đâu.” Poirot đón lấy tách cà phê vơi và uống cạn chỉ một ngụm, trước khi cô gái kịp làm đổ nốt chỗ còn lại.
“Đây có lẽ là bức tôi thích nhất,” Louisa Wallace nói, vẫn đang trong phòng vẽ. Bà đang trỏ vào bức họa mà Poirot không thể thấy. “Bìm bịp xanh: thuộc họ cà Solanum Dulcamara. Ngày bốn tháng 8 năm ngoái, ông thấy chưa? Đó là quà kỷ niệm đám cưới của St. John tặng tôi. Ba mươi năm đấy. Đẹp quá, đúng không ông?”
“Ông có muốn một tách cà phê nữa không ạ?” Dorcas hỏi.
“Ngày bốn tháng… Sacrétonnerre.” Poirot lẩm bẩm khi một cảm giác phấn khích chợt dâng trào. Ông quay về phòng vẽ, ngắm nghía bức tranh bìm bịp xanh.
“Ông ấy đã trả lời một lần rồi mà, Dorcas. Ông ấy không muốn uống thêm cà phê nữa.”
“Không phải đâu ạ, thưa bà, thật đấy. Ông ấy muốn uống cà phê, nhưng lúc ông ấy cầm lên thì trong tách hầu như chẳng còn gì.”
“Nếu không có đó thì ta không thấy gì,” Poirot chợt đăm chiêu một cách khó hiểu. “Ta nghĩ là không có gì – đó là một việc khó, ngay cả với Poirot này – cho đến khi ta thấy ở nơi khác thứ mà lẽ ra phải ở đó.” Ông cầm tay Dorcas, hôn lên nó. “Cô gái trẻ thân mến ơi, điều mà cô đem đến cho tôi còn quý giá hơn nhiều so với món cà phê!”
“ỒỒỒ.” Dorcas nghiêng đầu, nhìn sững. “Mắt ông sao tự nhiên vui và xanh quá, thưa ông.”
“Ông ngụ ý gì vậy, ông Poirot?” Louisa Wallace hỏi. “Dorcas, đi làm việc gì có ích đi.”
“Vâng, thưa bà.” Cô gái hấp tấp rời đi.
“Tôi mắc nợ cả Dorcas lẫn bà, thưa bà,” Poirot nói. “Lúc tôi đến đây – bao lâu rồi nhỉ? – mới nửa giờ trước tôi không thấy rõ ràng lắm. Tôi chỉ thấy lộn xộn và rối rắm. Giờ thì tôi đã sắp xếp được mọi thứ… Suy nghĩ liền lạc là rất quan trọng đối với tôi.”
“Ồ.” Louisa có vẻ thất vọng. “Nếu ông đã vội đi như thế…”
“Ồ, không, không, bà hiểu lầm tôi rồi. Xin lỗi, thưa bà. Lỗi là do tôi, tôi đã không diễn đạt rõ ràng. Dĩ nhiên chúng ta phải hoàn tất chuyến tham quan nghệ thuật. Còn rất nhiều thứ để khám phá! Chỉ sau đó tôi mới đi và tiếp tục việc suy nghĩ của tôi.”
“Ông chắc không đấy?” Louisa nhìn ông, vẻ hơi hoang mang. “Vậy thì, tốt lắm, nếu như không phải là quá nhàm chán.” Bà nói lại những bình luận hào hứng về các bức vẽ của chồng khi họ đi hết phòng này sang phòng khác.
Tại một trong các phòng ngủ dành cho khách – căn phòng cuối trên gác mà họ đến – có một bộ ấm chén màu trắng với nắp đậy màu đỏ, xanh và trắng. Có cả một chiếc bàn và một chiếc ghế. Poirot nhận ra cả hai món này trong bức vẽ chân dung Louisa của Nancy Ducane. Ông nói: “Xin lỗi, thưa bà, còn bộ ấm chén màu xanh trên bức chân dung đâu mất rồi?”
“Bộ ấm chén màu xanh…” Louisa lặp lại, vẻ bối rối.
“Tôi nghĩ bà đã ngồi cho bà Nancy Ducane vẽ trong phòng này, n’est-ce pas?”
“Phải, đúng vậy. Và… chờ đã! Bộ ấm chén đó là bộ ở phòng ngủ khác dành cho khách!”
“Thế nhưng nó không ở đó. Nó ở đây.”
“Đúng vậy thật. Nhưng… nếu vậy bộ ấm chén màu xanh đâu mất rồi?”
“Tôi không biết, thưa bà.”
“Vậy nó hẳn phải ở trong một phòng ngủ khác. Phòng của tôi có lẽ. Chắc Dorcas đã tha nó đi lung tung.” Bà lao vội đi tìm món vật thất lạc.
Poirot đi theo sau. “Không có bộ ấm chén nào trong các phòng ngủ,” ông nói.
Sau một hồi kiểm tra kỹ càng, Louisa Wallace nói qua hàm răng nghiến chặt: “Cái con bé vô dụng này! Tôi sẽ nói cho ông biết chuyện gì xảy ra, ông Poirot ạ. Dorcas đã làm vỡ mà không dám nói với tôi. Ta đi hỏi cô ta đây, ông nghĩ sao? Dĩ nhiên cô ta sẽ chối, nhưng đó là cách giải thích duy nhất. Ấm chén không tự nhiên biến mất được, chúng không thể tự di chuyển từ phòng này sang phòng khác.”
“Bà thấy bộ ấm chén màu xanh lần cuối là khi nào vậy, thưa bà?”
“Tôi không biết. Lâu rồi tôi không để ý đến chúng. Tôi cũng hiếm khi nào bước vào các phòng ngủ dành cho khách.”
“Có khi nào Nancy Ducane đã mang theo bộ ấm chén xanh khi bà ấy rời khỏi đây tối thứ năm?”
“Không đâu. Cô ấy cầm nó theo làm gì? Làm vậy thì ngớ ngẩn quá! Tôi đứng ngoài cửa chào tạm biệt cô ấy mà có thấy cô ấy cầm gì theo đâu, ngoài chìa khóa nhà cô ấy. Hơn nữa, Nancy không phải là kẻ trộm. Còn Dorcas thì… Chắc là vậy rồi! Cô ta không làm vỡ mà lấy trộm, chắc chắn là như vậy. Nhưng làm sao chứng minh đây? Thế nào cô ta cũng chối cho coi.”
“Thưa bà, xin hãy dành cho tôi một ưu ái,” Poirot nói. “Chỉ chút xíu nữa thôi, tôi sẽ để bà được yên, nhưng trước hết liệu tôi có thể xem lần cuối bức chân dung xuất sắc của bà do Nancy Ducane vẽ?”
“Được, rất hân hạnh.”
Louisa Wallace và Hercule Poirot cùng trở về phòng khách. Họ đứng trước bức họa.
“Chết tiệt thật,” Louisa làu bàu. “Giờ thì nhìn bức tranh tôi chỉ thấy có mỗi bộ ấm chén màu xanh thôi.”
“Nó nổi bật lên, đúng không ạ?”
“Lẽ ra nó phải ở trong nhà tôi, mà giờ thì lại không, và tôi chỉ có thể ngắm bức tranh và tự hỏi bộ ấm chén đi đâu mất rồi! Ôi trời, hôm nay quả là một ngày bực bội.”
Khi Poirot trở về nhà trọ, bà Blanche Unsworth, theo thói quen, ân cần hỏi han xem ông có cần thứ gì không.
“Có đấy,” ông nói. “Tôi muốn một tờ giấy và vài cây bút chì để vẽ. Chì màu đấy nhé.”
Khuôn mặt bà Unsworth xị xuống. “Giấy thì tôi có, nhưng bút chì màu thì không biết có hay không. Trừ phi ông chấp nhận màu của bút chì thường.”
“À! Màu xám: tốt nhất là màu đó.”
“Vậy tôi kiếm cho ông nhé, ông Poirot? Xám hả?”
“Oui,” Poirot vỗ vỗ một bên đầu. “Màu của các tế bào xám nho nhỏ.”
“Ồ, không, thà là màu hồng nhạt hay hoa cà còn hơn.”
“Màu sắc không quan trọng – một chiếc váy màu xanh lục, một bộ ấm chén màu xanh lam, một bộ khác lại màu trắng.”
“Tôi không theo kịp ông, ông Poirot ạ.”
“Tôi đâu yêu cầu bà theo kịp tôi, bà Unsworth. Chỉ cần bà lấy cho tôi một cây bút chì thông thường của bà và một tờ giấy, nhanh lên. Và một phong bì nữa nhé. Hôm nay tôi đã có cuộc thảo luận rất dài về nghệ thuật. Giờ thì Hercule Poirot muốn tạo ra tác phẩm nghệ thuật của chính mình!”
Hai mươi phút sau, ngồi tại bàn ở phòng ăn, Poirot lại gọi Blanche Unsworth đến. Khi bà xuất hiện, ông trao cho bà chiếc phong bì đã niêm kín. “Xin bà hãy gọi điện cho Scotland Yard giúp tôi,” ông nói. “Bảo họ cho người đến lấy phong bì này ngay lập tức và chuyển cho viên đội Stanley Beer. Tôi đã ghi tên anh ta trên phong bì. Làm ơn giải thích rằng việc này rất quan trọng. Có liên quan đến các án mạng ở khách sạn Bloxham.”
“Tôi tưởng ông vẽ tranh kia mà,” bà Blanche nói.
“Bức họa của tôi được niêm trong phong bì này, kèm với một lá thư.”
“Ồ. Vậy tôi có thể xem tranh ông vẽ được không ạ?”
Poirot mỉm cười. “Bà không cần phải xem đâu, thưa bà, trừ phi bà làm việc cho Scotland Yard, mà theo như tôi biết thì bà đâu có làm việc ở đó.”
“Ồ.” Blanche Unsworth có vẻ phật ý. “Tôi đành đi gọi điện thoại cho ông vậy,” bà nói.
“Merci, madame.”
Khi trở lại năm phút sau đó, bà bịt miệng bằng cả hai tay, đôi má bà có hai đốm hồng rực. “Ôi trời, ông Poirot,” bà nói. “Ôi, đây là tin xấu cho tất cả chúng ta! Tôi không hiểu tại sao người ta lại làm vậy, thực sự không hiểu.”
“Tin gì vậy?”
“Tôi gọi cho Scotland Yard như ông yêu cầu. Họ nói sẽ cử ai đó đến lấy phong bì của ông. Ồ, ông Poirot, thật là khủng khiếp!”
“Bình tĩnh lại đi, thưa bà. Xin hãy cho tôi biết.”
“Lại có thêm một án mạng nữa ở Bloxham! Tôi không hiểu có gì bất ổn ở mấy cái khách sạn sang trọng đó, thực sự không hiểu.”
Kỳ Án Dòng Chữ Tắt Kỳ Án Dòng Chữ Tắt - Agatha Christie Kỳ Án Dòng Chữ Tắt