Nguyên tác: The Sweetness At The Bottom Of The Pie [Flavia De Luce #1]
Số lần đọc/download: 1207 / 27
Cập nhật: 2016-06-27 10:56:59 +0700
Chương 13
X
uống đến chân đồi Oakshott tôi bất chợt nghĩ đến bố, và nỗi buồn nhen nhóm trở lại. Liệu bọn họ có thực lòng nghĩ bố là kẻ đã giết Horace Bonepenny không? Và nếu thật vậy, thì bố đã giết hắn như thế nào? Nếu bố giết hắn ngay bên dưới cửa sổ phòng ngủ của tôi, chắc chắn hành động đó phải được thực hiện trong sự im lặng tuyệt đối. Tôi gần như không hình dung nổi bố lại giết người mà không nói năng câu nào.
Nhưng trước khi tôi kịp suy ngẫm thêm bất cứ điều gì thì con đường trở nên bằng phẳng hơn trước khi quẹo sang Cottesmore và sang Doddingsley Manga. Dưới bóng cây sồi cổ thụ là ghế chờ xe buýt, và trên ghế là một hình dáng quen thuộc: một ông già trông như vị thần giữ của cổ xưa, hay như George Bernad Shaw[44] bị ngâm trong nước. Ông ngồi đó một cách yên bình, hai chân lơ lửng cách mặt đất khoảng mười phân, yên bình đến mức như thể ông được sinh ra trên ghế đá và sẽ sống ở đó suốt đời.
Đó là Maximilian Brock, một người hàng xóm của Buckshaw, và tôi cầu cho ông ta đừng nhìn thấy tôi. Bishop’s Lacey người ta thì thào to nhỏ rằng ông Max, sau khi rút khỏi làng âm nhạc thế giới, đã lui về sống cuộc đời bí mật bằng việc viết lách - dưới bút danh nữ (như Lala Dupree) và viết những câu chuyện đầy tai tiếng cho các tạp chí Mỹ với những cái tít như LỜI THÚ TỘI BÍ MẬT HAY MỘT CHUYỆN TÌNH NÓNG BỎNG...
Chính cái cách ông ta tọc mạch vào chuyện riêng của những người mà ông ta gặp, rồi tự tin biến chúng thành món tiền kếch xù đã khiến ông ta bị gọi là “Máy bơm xịt”, ít nhất là như vậy sau lưng. Nhưng vì ông ta từng là giáo viên dạy piano cho Feely nên tôi khó lòng lờ tịt ông ta một cách lịch thiệp được.
Tôi kéo xe xuống con mương nông choèn choẹn, giả vờ không nhìn thấy ông ta vì còn bận vặn vẹo xích xe của Gladys. Nếu tôi may mắn thì ông ta sẽ tiếp tục nhìn đi hướng khác và tôi có thể trốn bên dưới hàng rào cho đến khi ông ta đi khuất.
“Flavia! Haroo, mon vieux.”
Tai ương chưa! Tôi bị phát hiện rồi. Phớt lờ câu “haroo” của Maximilian - hay dù là phớt lờ một người đang ngồi trên ghế chờ xe bus - tức là phớt lờ lời răn thứ mười một của Chúa. Tôi giả vờ như vừa nhận thấy ông ta và nở một nụ cười tươi rói giả tạo khi tôi đạp Gladys giữa đám cỏ dại đi về phía về ông ta.
Maximilian từng sống nhiều năm ở đảo Alderney - nơi mà, để hạ bệ quyền năng của luật pháp thì chỉ cần đứng giữa quảng trường thị trấn và gào thật to: “Haroo, haroo, mon prince. On me fait tort!” Nó là “tuyên bố bắt tội nhân” và nghĩa là, “Hoàng tử, xin hãy chú ý, có người làm hại tôi!”
“Cháu khỏe không, cô bồ nông tí hon?” Max hỏi, khẽ nghiêng đầu giống một con chim ác đang chờ đợi lời hồi đáp.
“Cháu khỏe ạ,” tôi nói thận trọng, vì tôi nhớ, có lần Daffy nói với tôi rằng ông Max giống y hệt mấy con nhền nhện có thể làm người ta bại liệt chỉ bằng một nhát cắn, và đám nhện đó sẽ không chịu bỏ cuộc cho đến khi hút đến giọt máu cuối cùng trong đời nạn nhân - và trong đời các thành viên thuộc gia đình nạn nhân.
“À, thế còn bố cháu, ngài Đại tá tốt bụng có khỏe không?”
“Bố cháu bận lắm, hết việc này lại đến việc kia,” tôi nói, tim đập thình thịch trong lồng ngực.
“À, thế còn cô Ophelia?” ông ta hỏi. “Cô ấy có còn tô son trát phấn giống Jezebel[45] và ngắm nghía mình trong bộ tách uống trà không?”
Đây là vấn đề quá riêng tư, đến tôi còn nghĩ thế. Có phải chuyện của ông ta đâu, nhưng nếu tôi không nói thì Maximilian sẽ ngay tức khắc tỏ ra giận dữ điên cuồng. Thi thoảng sau lưng ông ta, Feely gọi ông ta là “Rumpelstiltskin[46]” còn Daffy gọi ông ta là “Alexander Pope[47] - có khi còn thấp hơn”.
Tuy vậy, bất chấp thói quen khó chịu của ông ta, và có lẽ vì sự tương đồng trong tầm vóc giữa tôi và ông ta, nên tôi thấy Maximilian cũng là một người có tài nói chuyện thú vị - chỉ cần bạn đừng nhầm thân hình bé xíu của ông ta với sự yếu đuối.
“Cám ơn ông, chị cháu khỏe,” tôi nói. “Sáng nay da dẻ chị ấy đẹp lắm.”
Tôi không nói thêm từ “đến mức phát bực”.
“Ông Max ơi,” tôi nói trước khi ông ta kịp có thêm một câu hỏi khác, “ông có nghĩ cháu có thể chơi một đoạn Paradis không ạ?”
“Không,” ông ta trả lời không cần suy nghĩ. “Đôi tay cháu không phải là đôi tay của một nghệ sĩ đại tài. Mà là đôi tay của một kẻ giết người bằng độc dược.”
Tôi cười toét miệng. Đây là câu đùa nho nhỏ của tôi với ông ta. Và rõ ràng là ông ta vẫn chưa biết đến vụ án mạng ở Buckshaw.
“Thế còn cô kia nữa thì sao?” ông hỏi. “Daphne ấy... cô chị gái chậm chạp của cháu ấy?”
“Chậm chạp” là từ ám chỉ năng lực của Daffy, hoặc sự kém cỏi trong việc học piano của chị ta: một nỗ lực đau thương và vô vọng khi đặt những ngón tay không có thiện chí lên những phím đàn có vẻ đang cố né tránh khỏi bàn tay mình. Cuộc chiến của Daffy với cây đàn là cuộc chiến giữa con gà mái đang phải gồng mình lên để đối đầu với một con cáo, để rồi, kết quả luôn là thất bại trong nước mắt ngắn nước mắt dài. Vì bố cương quyết bắt chị phải học, nên chiến tranh cứ thế dai dẳng mãi.
“Chị ấy khỏe ạ,” tôi nói. “Cả ngày chỉ thấy chị ấy dán mắt vào truyện của Dickens thôi ạ!”
“À,” Maximilian nói. “Dickens quá cố.”
Có vẻ như ông ta không nghĩ thêm được điều gì khác về chủ đề này, còn tôi chìm sâu vào yên lặng trong chốc lát.
“Ông Max ơi,” tôi nói. “Ông là người đàn ông uyên thâm từng trải…”
Nghe thấy câu này, ông ta làm đỏm, lấy hết sức bình sinh vươn cao người lên thêm một chút nữa.
“Không chỉ là người đàn ông uyên thâm từng trải - mà còn là một thị dân phong lưu,” ông ta nói.
“Đúng thế ạ,” tôi nói và tự hỏi từ đó nghĩa là gì. “Ông đã bao giờ đến Stavanger chưa?” Có lẽ hỏi thế này sẽ giúp tôi tiết kiệm thời gian tra trên bản đồ.
“Gì cơ? Stavanger ở Na Uy ư?”
“ÁI CHÀ!” tôi gần như hét to lên. Horace Bonepenny đã từng ở Na Uy! Tôi hít một hơi thật sâu để lấy bình tĩnh, hy vọng hành động đó sẽ được hiểu nhầm là sự mất kiên nhẫn.
“Hiển nhiên là ở Na Uy rồi,” tôi nói trịch thượng. “Còn có Stavanger nào khác chứ?”
Trong một tích tắc tôi thầm nghĩ Max đang theo dõi mình. Hai mắt ông ta nheo lại và tôi cảm nhận được cơn rùng mình khi mây dông trong cơn thịnh nộ của ông ta bay ngang qua mặt trời. Nhưng rồi ông ta khẽ cười khúc khích, giống như nước nguồn chảy òng ọc vào trong một cái ly.
“Stavanger là bàn đạp đầu tiên dẫn đến Road to Hell… tức là ga tàu hỏa ấy,” ông nói. “Ta đã đi qua nó để đến Trondheim, rồi đến Hell nữa, và dù cháu tin hay không thì đó cũng là một ngôi làng cực nhỏ ở Na Uy, ở đó, khách du lịch thường gửi thiệp kèm ảnh cho bạn bè với lời nhắn, “Ước gì bạn đang ở đây!”. Đó cũng là nơi ta biểu diễn bản Piano concerto in A Minor của Grieg. Thật tình cờ, tác giả là người mang dòng máu Scot và Na Uy. Ông nội của ông ta là người Aberdeen, đã bỏ đến Culloden trong sự căm hờn - để rồi phải nghĩ lại khi nhận thấy mình vừa chuyển từ một vũng ao tù sang một vũng ao tù khác.”
“Trondheim là một nơi vĩ đại, ta phải nói vậy… những nhà phê bình thiện chí, công khai, lịch thiệp. Nhưng cháu biết đấy, bọn họ không bao giờ hiểu âm nhạc của chính mình. Họ chơi Scarlatti để mang một thoáng ánh nắng của nước Ý đến miền Bắc tuyết rơi lạnh giá. Dù vậy, trong lúc tạm nghỉ, ta vô tình nghe thấy một thương nhân ở Dublin rủ rỉ với bạn anh ta thế này, ‘Thor ơi, tớ chỉ cần nghe Grieg thế là đủ’.”
Tôi mỉm cười ngoan ngoãn, mặc dù đã nghe câu chuyện giỡn này đến lần thứ bốn mươi lăm rồi.
“Nhưng mà là từ lâu lắm rồi đấy, trước khi xảy ra chiến tranh cơ. Stavanger! Tất nhiên là ta đã từng đến đó. Nhưng tại sao cháu lại hỏi ta?”
“Ông đến đó bằng cách nào ạ? Bằng tàu thủy sao?”
Hồi còn sống Horace Bonepenny ở Stavanger, và bây giờ ông ta bỏ mạng ở Anh - tôi muốn biết ông ta đã ở đâu giữa lúc sống và chết.
“Hiển nhiên là phải đi bằng tàu rồi. Flavia này, cháu không định bỏ nhà đi đấy chứ hả?”
“Mấy chị em cháu vừa thảo luận - thật ra là tranh cãi về nơi này hồi tối qua, khi dùng bữa ăn nhẹ trước lúc đi ngủ ông ạ.”
Một trong những cách tận dụng lời nói dối đó là xoáy thẳng vào sự ngay thẳng.
“Ophelia nghĩ là người ta có thể đi tàu từ London; bố cháu thì quả quyết phải là từ Hull; còn Daphne lại nghiêng về Scarborough, cũng chỉ vì Anne Bronte[48] được chôn ở đó.”
“Newcastle-upon-Tyne,” Maximilian nói. “Thật ra phải từ Newcastle-upon-Tyne.”
Có tiếng rầm rầm vang lên phía xa khi chiếc xe buýt Cottesmore đến, lắc lư giữa hai hàng giậu giống như một con gà đi trên dây. Chiếc xe dừng ngay trước ghế, kêu khùng khục nặng nhọc khi nó nghỉ ngơi sau một chặng đường dài xuyên qua muôn trùng đồi núi. Cánh cửa mở ra với tiếng lầm bầm sắt đá.
“Ernie, mon vieux,” Maximilian nói. “Chuyện làm ăn của ngành vận tải sao rồi?”
“Lên xe,” Ernie nói, nhìn thẳng ra phía trước qua kính ô tô. Nếu hiểu câu nói bông đùa ấy thì ông ta đã làm ngơ rồi.
“Ernie, hôm nay tôi không đi đâu. Tôi chỉ ngồi nhờ trên ghế để cho thận nghỉ ngơi thôi.”
“Ghế chỉ dành cho người chờ xe buýt thôi. Sách luật có ghi đấy ông Max ạ. Tôi và ông biết rõ là như thế mà.”
“Ernie, tôi biết chứ. Cám ơn đã nhắc tôi.”
Max trượt khỏi ghế chờ và rơi tọt xuống đất.
“Vậy chào ông,” ông ta nói, vẩy mũ và đi giống y chang Charlie Chaplin.
Cánh cửa xe buýt đóng lại ken két khi Ernie vào số và chiếc xe lại rền rĩ miễn cưỡng di chuyển về phía trước. Rồi chúng tôi mỗi người đi một đường: Ernie và xe buýt đi đến Cottesmore, Max đi về ngôi nhà tranh, còn Gladys và tôi tiếp tục đi đến Hinley.
Sở cảnh sát ở Hinley nằm trong một toà nhà một thời từng là quán trọ. Bị chèn ép giữa một công viên nhỏ và một rạp hát, mặt tiền nửa ốp gỗ của nó thò ra ngoài đường, một bóng đèn màu xanh treo lơ lửng ở phần nhô ra đó. Có một phần xây thêm bằng than xỉ, gạch và xi măng được quét sơn màu nâu không có gì nổi bật, dính chặt vào toà nhà giống như một chuồng bò bị móc vào toa xe lửa đang chạy. Tôi ngờ rằng đấy chính là xà lim.
Đặt Gladys trong bãi đầy những xe Raleighs đen, tôi đi lên bậc tam cấp mòn vẹt và tới cửa trước.
Một Hạ sĩ mặc đồng phục ngồi cạnh bàn đang lật giở mấy trang giấy và cào cào mái tóc thưa thớt bằng đầu nhọn bút chì. Tôi mỉm cười và cứ thế đi ngang qua.
“Dừng lại, dừng lại,” viên Hạ sĩ phát hiện ra tôi. “Cô bé, cô nghĩ cô đang đi đâu vậy?” Chú ấy hỏi.
Có vẻ như đặc điểm của cảnh sát là nói chuyện theo kiểu hỏi này nọ. Tôi mỉm cười như thể mình không hiểu gì rồi đi về phía cánh cửa mở, và ở đó, tôi nhìn thấy một lối đi tối tăm. Nhanh hơn tôi tưởng, viên Hạ sĩ đứng bật dậy và tóm lấy tay tôi. Tôi bị tóm cổ. Chẳng biết làm gì đành khóc nức nở.
Tôi ghét phải khóc, nhưng đó là thứ công cụ duy nhất tôi mang theo mình.
Mười phút sau, chúng tôi cùng ngồi uống ca cao trong phòng trà của sở cảnh sát - cảnh sát Glossop và tôi. Chú ấy kể với tôi rằng ở nhà chú ấy cũng có con gái trạc tuổi tôi (nhưng tôi nghi lắm) tên là Elizabeth.
“Con bé biết giúp mẹ lắm, Lizzie nhà chú ấy,” chú ấy nói. “Cô Missus Glossop, vợ chú vừa bị ngã thang và bị gãy chân hai tuần nay.”
Suy nghĩ đầu tiên của tôi là chú này đọc quá nhiều truyện tranh Beano hoặc Dandy; đến mức bịa chuyện hơi thái quá với mục đích tiêu khiển. Nhưng vẻ mặt nghiêm chỉnh và đôi lông mày nheo lại của chú nhanh chóng cho tôi biết một điều: đây là cảnh sát Glossop thực thụ và tôi phải đối mặt với chú theo đúng tiêu chuẩn của chú.
Vậy là tôi lại bắt đầu thổn thức và nói với chú ấy rằng tôi không có mẹ, mẹ tôi mất ở mãi tận Tây Tạng trong một vụ tai nạn leo núi, và rằng tôi nhớ mẹ phát điên.
“Này cháu,” chú ấy nói, “ở đây không cho phép khóc lóc đâu. Phải từ bỏ những yếu đuối bình thường. Tốt nhất là cháu nên lau khô nước mắt đi, nếu không chú sẽ tống cháu vào nhà giam.”
Tôi cố gượng cười, và chú ấy tỏ ra thích thú.
Một vài thám tử vào uống trà và ăn bánh sữa trong lúc tôi đang đóng kịch, và mỗi người đều dành cho tôi một nụ cười khích lệ. Ít nhất bọn họ cũng không hỏi tôi này nọ.
“Chú ơi, cháu gặp bố cháu được không?” Tôi hỏi. “Bố cháu là Đại tá de Luce, và cháu biết là các chú đang giữ bố cháu ở đây.”
Nét mặt cảnh sát Glossop bất chợt lúng túng và tôi nhận thấy mình đã quá vội vàng; có lẽ tôi sắp phải đương đầu với chế độ quan liêu hành chính thực sự.
“Đợi ở đây,” chú ấy nói và bước vào một hành lang hẹp. Ở cuối nơi ấy có lẽ là bức tường đầy rẫy các thanh sắt đen sì.
Ngay khi chú ấy đi mất, tôi nhìn thật nhanh xung quanh. Tôi đang ngồi trong một căn phòng nhỏ ảm đạm với đồ nội thất tồi tàn đến mức hẳn chúng đã được mua trực tiếp từ các gánh hàng rong. Chân ghế chân bàn sứt mẻ và được đóng chốt như thể chúng phải chịu đựng vô số những cú đá từ những đôi ủng chính quy của chính phủ.
Với cố gắng vô ích để làm mọi thứ trong phòng tươi vui hơn, một chiếc tủ gỗ nhỏ xíu được sơn màu xanh táo, nhưng bồn rửa lại vấy bẩn gỉ sét - chắc hẳn nó được mượn, từ Wormwood Scrubs[49]. Cốc chén sứt sẹo và đĩa lót rạn nứt nằm buồn bã cạnh nhau trên chiếc khay khô cong, và lần đầu tiên tôi nhận thấy chấn song cửa sổ ở đây chỉ có một nửa được làm bằng sắt. Cả căn phòng toả ra mùi hắc kỳ cục giống một lọ nước sốt bị lãng quên từ nhiều năm trước ở trong một ngăn kéo bị bung nắp.
Một đoạn bài hát Hải tặc vùng Penzance chợt xuất hiện trong đầu tôi. “Chỗ cảnh sát không phải là chỗ vui vẻ…”
Bỗng nhiên tôi nghĩ đến việc bỏ đi. Nhiệm vụ này quá liều lĩnh, chỉ là cơn bốc đồng muốn cứu bố; có gì đó rơi phịch xuống phần não sâu thẳm nhất của tôi. Chỉ cần đứng lên và đi ra cửa, tôi tự nói với mình. Sẽ không ai nhận thấy là mày đi rồi đâu.
Tôi lắng nghe một giây, hếch đầu lên giống Maximilian để khởi động khả năng nghe sắc bén của mình. Ở đâu đó vang lại giọng nói trầm đục như tiếng ong kêu vo vo trong cái tổ xa tít tắp nào đó.
Tôi chầm chậm trượt chân này trước chân kia, giống y một tiểu thư đang nhảy điệu tango, và dừng đột ngột ở cửa. Từ chỗ đứng, tôi chỉ nhìn thấy một góc bàn của viên Hạ sĩ ở ngoài hành lang và may thay, không có khuỷu tay nào tựa trên góc bàn ấy.
Tôi liều mình nhìn trộm. Hành lang trống không, và tôi cứ bước điệu tango như thế mà không bị cản trở suốt quãng đường ra cửa và bước ra ngoài ánh sáng ban ngày.
Mặc dù tôi không phải là tù nhân, nhưng ý nghĩa của sự chạy trốn này cũng lớn lao lắm.
Tôi đi bình thường ra chỗ để xe đạp. Mười giây nữa thôi là tôi sẽ rời khỏi đây. Nhưng... như thể có người dội một xô nước lạnh vào mặt, tôi sững sờ chết đứng: Gladys đã biến mất! Tôi suýt nữa thì gào lên.
Ở đó vẫn còn những chiếc xe đạp của chính quyền, nhưng Gladys thì biến mất!
Tôi ngó ngang ngó dọc và không hiểu sao, thật đáng sợ, con đường bỗng nhiên khác hoàn toàn khi tôi phải đi bộ về nhà. Đi đường nào về nhà đây? Đường nào để về nhà đây?
Làm như tôi chưa có đủ rắc rối không bằng, một cơn bão lại chực ập xuống. Mây đen kéo đến ùn ùn, những đám mây ngay trên đầu tôi đã chuyển dần sang màu tím thẫm khó chịu.
Nỗi sợ hãi ập đến trong tôi, kế đến là cơn giận. Làm sao tôi lại ngu đến mức để Gladys không khoá ở một nơi xa lạ như thế này? Tôi phải về nhà thế nào đây? Sao Flavia lại trở nên đáng thương đến thế?
Có lần Feely nói với tôi rằng đừng bao giờ để lộ vẻ yếu đuối ở một nơi xa lạ, nhưng bây giờ, tôi thấy mình đang băn khoăn tự hỏi, liệu có ai thực sự làm được như thế không?
Bất chợt một bàn tay nặng trịch đặt lên vai tôi và một giọng nói vang lên, “Tôi nghĩ tốt nhất cháu nên đi với tôi.”
Đó là Thanh tra Hewitt.
“Thế là không đúng quy tắc,” viên Thanh tra nói, “không được phép đâu.”
Chúng tôi đang ngồi trong văn phòng của ông ta: một căn phòng hẹp và gọn gàng đến ấn tượng.
Một tủ hồ sơ và bàn làm việc có thiết kế hết sức bình thường; một chiếc ghế, một chiếc điện thoại và một giá sách nhỏ, trên cùng giá sách là bức ảnh một người phụ nữ mặc áo khoác lông lạc đà đang ngồi trên lan can của cây cầu đá độc đáo. Hình như tôi trông đợi nhiều hơn thế.
“Bố cháu sẽ bị giam ở đây cho đến khi chúng tôi có được thông tin chắc chắn. Đến lúc đó có thể ông ấy sẽ được chuyển đi chỗ khác, một nơi mà tôi không được phép tiết lộ. Flavia, tôi xin lỗi, nhưng gặp bố cháu là điều không thể.”
“Bố cháu bị bắt giữ ạ?” Tôi hỏi.
“Tôi e là vậy,” ông ta trả lời.
“Nhưng tại sao?” Đây là một câu hỏi ngớ ngẩn, và tôi biết ngay khi nó buột ra khỏi miệng. Ông ta nhìn tôi như thể tôi chỉ là một đứa con nít.
“Flavia, cháu nghe này,” ông ta nói, “tôi biết cháu buồn lắm. Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Cháu không được gặp bố cháu trước khi... ừm, cháu không có ở Buckshaw khi chúng tôi đưa ông ấy đến đây. Cháu biết đấy, đây luôn là việc rất khó cho một viên cảnh sát, có những lúc tôi rất muốn cư xử như một người bạn, nhưng với tư cách là người đại diện của Đức Vua, tôi không được phép làm như vậy.”
“Cháu biết,” tôi nói. “Vua George VI không phải là một người nhẹ dạ.”
Thanh tra Hewitt buồn bã nhìn tôi. Ông ta đứng lên khỏi bàn và đi về cửa sổ, ở đó, ông ta nhìn ra những đám mây đang tụ lại với nhau, hai bàn tay đan chặt sau lưng.
“Ừ,” cuối cùng ông ta cũng nói, “Vua George không phải là một người nhẹ dạ.”
Rồi đột nhiên tôi có một ý tưởng. Giống như một tia chớp, mọi thứ đâu vào đấy nhẹ nhàng như kéo tấm rèm sân khấu mà ở đó từng miếng ghép của trò chơi lắp hình cùng nhảy vào vị trí thích hợp, tự hoàn chỉnh bức họa ngay trước mắt bạn.
“Thưa ông Thanh tra, cháu nói với ông một chuyện được không?” Tôi hỏi.
“Được,” ông ta nói. “Có gì cháu cứ nói đi.”
“Xác chết ở Buckshaw là người đàn ông đến Bishop’s Lacey vào ngày thứ Sáu, sau một chuyến đi dài từ tận Stavanger, Na Uy. Ông Thanh tra, ông phải thả bố cháu ngay lập tức, bởi vì, ông biết đấy, bố cháu không làm việc đó.”
Mặc dù hơi ngạc nhiên nhưng viên Thanh tra lấy lại bình tĩnh ngay và nở nụ cười khoan dung với tôi.
“Bố cháu không làm ư?”
“Không,” tôi nói. “Mà là cháu làm. Cháu đã giết Horace Bonepenny.”