The mere brute pleasure of reading - the sort of pleasure a cow must have in grazing.

Lord Chesterfield

 
 
 
 
 
Tác giả: Paul Auster
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3351 / 200
Cập nhật: 2017-09-12 19:28:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
hi anh nói về căn phòng, anh không có ý định bỏ quên những ô cửa sổ đôi khi xuất hiện trong căn phòng ấy. Căn phòng không cần phải trở trành hình ảnh của một ý thức đóng kín, và khi một người đàn ông hoặc một người đàn bà đứng hay ngồi trong căn phòng thì không có gì xảy ra ở đó cả, anh nhận ra như vậy, ngoài sự im lặng của suy nghĩ, sự im lặng khi cơ thể vật lộn với việc đặt suy nghĩ vào từ ngữ. Anh cũng không có ngụ ý rằng chỉ có sự đau khổ mới chiếm chỗ trong bốn bức tường ý thức, như trong lời ám chỉ dành cho Hölderlin và Emily Dickinson trước đây. Chẳng hạn, anh nghĩ về những người phụ nữ của Vermeer, một mình trong căn phòng của họ, với ánh sáng chói lòa của thế giới thực tràn qua cửa sổ, dù nó đóng hay mở, và sự tĩnh lặng tuyệt đối của những nỗi cô độc ấy, cảm giác đau đớn gợi lên từ những biến thiên mỗi ngày bên trong ấy. Anh đặc biệt nghĩ về bức họa anh từng thấy trong chuyến đi tới Amsterdam, Người đàn bà mặc áo xanh, bức họa đã khiến anh bất động và trầm tư trong Rijksmuseum. Khi một nhà phê bình đã viết: “Bức thư, tấm bản đồ, bụng bầu của người phụ nữ, chiếc ghế trống, chiếc hộp mở, ô cửa sổ không được nhìn thấy – tất cả đều gợi nhắc hoặc làm biểu trưng tự nhiên cho sự vắng mặt, của điều không được nhìn thấy, của những tâm trí khác, mong muốn khác, quãng thời gian và không gian khác, của một thế giới mở rộng ra bên ngoài giới hạn của khung tranh, và của những chân trời lớn hơn, trải rộng hơn chứa đựng và chạm đến bên ngoài khung cảnh gói gọn trước đôi mắt bạn. Và chưa kể đó là sự viên mãn và việc tự khỏa lấp bản thân của thời khắc hiện tại mà Vermeer muốn nhấn mạnh – với niềm tin là khả năng định hướng và những gì nó chứa đựng đã được đầu tư với những giá trị siêu hình.”
Thậm chí hơn cả những vật thể đã được đề cập trong danh sách trên, chất lượng của ánh sáng chiếu xuyên qua ô cửa sổ không được nhìn thấy về phía bên trái của người xem cũng dịu dàng kéo sự chú ý của anh ta về phía bên ngoài, về thế giới ngoài bức vẽ. A. nhìn thật kỹ vào khuôn mặt của người phụ nữ, và khi thời gian trôi qua anh gần như bắt đầu nghe thấy âm thanh bên trong đầu người phụ nữ ấy khi cô đọc lá thư trong tay. Cô, mang bầu rất to, mang nét yên bình từ thế giới nội tại của người mẹ, với lá thư được lấy ra khỏi hộp, không có nghi ngờ gì là đã được đọc hàng trăm lần; và ở đó, treo trên tường bên tay phải cô, là tấm bản đồ thế giới, hình ảnh của tất cả mọi thứ tồn tại bên ngoài căn phòng ấy: ánh sáng kia, dịu dàng phủ lên khuôn mặt cô và chiếu sáng bộ váy bầu của cô, cái bụng tròn căng chứa đầy sự sống, và màu xanh của nó tắm trong sự lung linh, một luồng sáng xanh xao gần như hóa trắng. Còn nhiều tác phẩm tương tự tiếp nối theo: Người đàn bà rót sữa, Người đàn bà cầm cân, Người đàn bà đang đeo ngọc trai, Thiếu nữ cạnh cửa sổ với chiếc bình đựng nước, Cô gái đọc lá thứ bên ô cửa sổ mở.
“Sự viên mãn và tự khỏa lấp của khoảnh khắc hiện tại”.
* * *
Chính Rembrandt và Titus đã lôi kéo A. đến Amsterdam theo một phương thức nào đó, nơi anh bước vào những căn phòng và thấy mình đối diện với những người phụ nữ (những người phụ nữ của Vermeer, Anne Frank), chuyến đi của anh tới thành phố ấy cùng lúc cũng như khởi đầu của một chuyến hành hương về quá khứ của chính anh. Một lần nữa, sự chuyển động bên trong anh được thể hiện dưới dạng những bức họa: một trạng thái xúc cảm tìm thấy sự thể hiện bằng chất liệu hữu hình trong tác phẩm nghệ thuật, như thể sự cô độc của người khác trên thực tế là tiếng vọng cho sự cô độc của chính anh.
Trong trường hợp này thì đó là Van Gogh, và bảo tàng mới đã được xây để chứa những tác phẩm của ông. Giống như những chấn thương ban đầu được chôn trong vô thức, mãi mãi kết nối với hai vật thể chẳng liên quan với nhau (chiếc giày này là cha tôi; đóa hồng này là mẹ tôi), các bức họa của Van Gogh đứng trong tâm trí anh như hình ảnh của tuổi mới lớn, của sự diễn dịch cho những xúc cảm sâu thẳm nhất nơi anh trong quãng thời gian ấy. Anh thậm chí có thể lấy làm chắc chắn về điều ấy, chỉ ra những sự kiện và cách phản ứng của anh trước chúng qua các địa điểm và thời gian (chính xác cả địa điểm và thời gian: năm, tháng, ngày, thậm chí cả giờ). Tuy nhiên, điều quan trọng không hẳn là trình tự qua thời gian mà là hệ quả của nó, sự vĩnh cửu trong không gian của ký ức. Vì thế, để ghi nhớ, một ngày tháng Tư khi anh mười sáu tuổi, bỏ học cùng một cô bé anh đem lòng mến yêu: thật say đắm và vô vọng đến nỗi ý nghĩ về nó vẫn còn nhức nhối. Để nhớ lại con tàu, và rồi chuyến phà tới New York (con phà ấy, giờ đã biến mất từ lâu: được đúc bằng thép, tỏa khói ấm, đã hoen rỉ), và rồi tới dự một buổi triển lãm lớn giới thiệu các bức họa của Van Gogh. Để nhớ lại rằng anh đã đứng đó như thế nào, run lên vì hạnh phúc, như thể việc ngắm nhìn các tác phẩm ấy đã nhập chung vào sự tồn tại của cô gái, đã biến mất đầy bí ẩn trong tình yêu anh dành cho cô.
Vài ngày sau đó, anh bắt đầu viết một chùm thơ (giờ đã mất hết) dựa trên những bức tranh anh được thấy, mỗi bài thơ lại có tên của một bức họa do Van Gogh vẽ. Đó là những bài thơ thực sự mà anh từng viết. Còn hơn là một cách để bước vào thế giới của các bức tranh, những bài thơ là nỗ lực để ghi dấu lại ký ức của ngày hôm ấy. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua thì anh mới nhận ra được chuyện này. Chỉ tới lúc ở Amsterdam, khi nghiên cứu lại những bức tranh mà anh từng thấy cùng cô bé (nhìn lại chúng lần đầu tiên kể từ lúc đó – gần nửa cuộc đời anh đã trôi qua), thì anh mới nhớ tới việc đã viết ra những bài thơ ấy. Vào đúng lúc ấy cán cân mới hiện lên rõ ràng với anh: hành động viết cũng là hành động ghi nhớ. Trên thực tế thì, ngoài chính các bài thơ ấy, anh đã không quên bất cứ điều gì.
* * *
Đứng trong Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam (tháng Mười Hai, 1979) trước bức tranh Căn phòng ngủ,được hoàn thành tại Arles, tháng Mười, 1888.
Van Gogh viết cho em trai: “Lần này nó chỉ đơn giản là phòng ngủ của anh… Cần phải để cho não hoặc trí tưởng tượng nghỉ ngơi khi nhìn vào bức tranh…
“Bức tường có màu tím nhạt. Sàn nhà lát gạch đỏ.
“Gỗ đóng giường và ghế có màu vàng của bơ tươi, khăn lót giường và gối có màu xanh vỏ chanh rất nhạt.
“Khăn phủ giường màu đỏ thắm. Ô cửa sổ màu xanh.
“Bàn phấn màu cam, chậu rửa màu xanh dương.
“Cánh cửa màu hoa cà.
“Và đó là tất cả - không có gì trong căn phòng này với ô cửa chớp đóng kín…
“Đây là cách trả thù cho sự nghỉ ngơi ép buộc mà anh đã ngoan ngoãn tuân theo…
“Anh sẽ vẽ phác thảo những căn phòng khác cho em vào một ngày nào đó.”
Tuy nhiên, khi A. tiếp tục nghiên cứu bức tranh, anh không thể ngăn được cảm giác rằng Van Gogh đã làm một điều tương đối khác với những gì ông lên kế hoạch. Ấn tượng đầu tiên của A. thực sự là cảm giác về một sự bình thản, về sự “nghỉ,” như họa sĩ đã mô tả nó. Nhưng cuối cùng, khi cố gắng làm quen với căn phòng được vẽ lại trong tranh anh bắt đầu cảm thấy nó như một nhà tù, một không gian bất khả, một hình ảnh, không phải là một chốn để sống mà của một tâm trí đã bị bắt phải sống ở đó. Quan sát thật kỹ. Chiếc giường chặn một cánh cửa, chiếc ghế chặn một cánh cửa khác, cửa chớp đóng chặt: bạn không thể bước vào, và một khi bạn đã bước vào, bạn sẽ không thể bước ra. Bị nhồi cứng giữa những món đồ và những vật thể hàng ngày của căn phòng, bạn bắt đầu nghe thấy tiếng khóc ai oán trong bức tranh ấy, và một khi bạn đã nghe thấy nó, nó sẽ không dừng lại. “Tôi khóc bởi nỗi oán ghét của mình…” Nhưng rồi chẳng có lời đáp nào cho tiếng khóc ấy. Người đàn ông trong bức tranh này (và đây là một bức chân dung tự họa, chẳng có gì khác bức tranh vẽ khuôn mặt của một người đàn ông, với mắt, mũi, môi và hàm) đã cô đơn quá lâu, đã vật lộn quá nhiều trong hố sâu cô độc. Thế giới kết thúc ở cánh cửa ngăn cách ấy. Căn phòng không phải là sự tái hiện của nỗi cô độc, mà nó là cốt lõi của chính nỗi cô độc ấy. Một thứ nặng nề, khó thở, và không thể thể hiện ra ở bất cứ bình diện nào ngoại trừ chính nó. “Và đó là tất cả - không có gì trong căn phòng này với ô cửa chớp đóng kín…”
***
Bình luận thêm về quy luật của tình cờ.
A. đến London và rời đi từ London, dành ra một vài ngày cuối của chuyến đi để thăm mấy người bạn Anh. Cô gái của chuyến phà và những bức tranh của Van Gogh là người Anh (cô lớn lên ở London, sống tại Mỹ từ khoảng năm mười hai đến mười tám tuổi, và sau đó quay lại London để học tại một trường mỹ thuật), và việc đầu tiên trong chuyến đi của anh là chia sẻ nhiều giờ đồng hồ cùng cô. Sau nhiều năm kể từ ngày tốt nghiệp trung học, họ đã giữ mối liên lạc ở mức độ chặt chẽ nhất, đã gặp nhau năm hay sáu lần. A. đã đi qua cơn say đắm của mình từ lâu, nhưng anh không hề loại bỏ cô hoàn toàn ra khỏi tâm trí, ở một mặt nào đó vẫn bám víu lấy lòng say mê ấy, cho dù bản thân cô đã mất đi tầm quan trọng với anh. Đã nhiều năm trôi qua kể từ lần cuối họ gặp nhau, và giờ anh thấy việc ở cạnh cô thật ảm đạm, gần như là ngột ngạt. Cô vẫn xinh đẹp, anh nghĩ, và nỗi cô độc dường như đã đóng kín cô, theo cái cách một quả trứng bọc kín lấy một con chim chưa nở. Cô sống một mình, gần như chẳng có bạn bè. Nhiều năm qua cô đã dấn thân vào việc điêu khắc gỗ, nhưng cô từ chối cho bất cứ ai nhìn thấy. Mỗi lần hoàn thành một tác phẩm, cô lại phá hủy nó, và rồi bắt đầu cái mới. Một lần nữa, A. lại đối mặt với sự cô độc của người đàn bà. Nhưng ở đây nó đã tự thu mình lại và khô cạn tới tận cội nguồn.
Một hay hai ngày sau đó, anh tới Paris, và cuối cùng là tới Amsterdam, và sau đó lại quay về London. Anh tự nhủ: không có thời gian gặp lại cô đâu. Vào một trong số những ngày trước khi anh trở lại New York, anh định đi ăn tối với một người bạn (T., người bạn đã tưởng rằng họ có thể là anh em họ) và quyết định dành ra buổi chiều tại Học viện Nghệ thuật Hoàng gia, nơi một cuộc triển lãm lớn về các bức họa “Hậu Ấn tượng” đang được tổ chức. Tuy nhiên, dòng khổng lồ người xem kéo về bảo tàng, khiến anh thấy khó mà ở lại cả buổi chiều, như anh đã lên kế hoạch, và thấy mình còn có tới ba tới bốn tiếng dư thừa trước bữa tối đã hẹn. Anh tìm tới một chỗ bán cá và khoai tây rán rẻ tiền ở khu Soho ăn trưa, cố gắng quyết định xem mình nên làm gì trong khoảng thời gian rỗi. Anh trả tiền, rời khỏi nhà hàng, rẽ vào một góc, và ở đó, khi cô đứng nhìn chằm chằm vào một ô cửa sổ trưng bày của cửa hàng giày dép lớn, anh nhìn thấy cô.
Không phải ngày nào anh cũng tình cờ gặp ai đó trên các con phố London (ở thành phố có hàng triệu dân ấy, anh chỉ biết vài ba người), và cuộc gặp gỡ này có vẻ như hoàn toàn tự nhiên với anh, thậm chí là một sự kiện tầm thường. Anh mới bắt đầu nghĩ về cô trong khoảnh khắc trước đó, hối hận vì đã quyết định không gọi cho cô, và giờ thì cô ở đó, đột nhiên đứng ngay trước mắt anh, anh không thể nào không cảm thấy anh đã cầu mong cô xuất hiện.
Anh bước về phía trước và gọi tên cô.
* * *
Các bức họa. Hay sự sụp đổ của thời gian trong hình ảnh.
Trong buổi triển lãm tại Học viện Hoàng gia anh tới tại London ấy, có rất nhiều bức tranh của Maurice Denis. Khi ở Paris, A. đã tới thăm bà góa phụ của thi sĩ Jean Follain (Follain, người đã chết trong một vụ tai nạn năm 1971, chỉ vài ngày trước khi A. chuyển tới Paris) vì liên quan tới một bộ sưu tập các bài thơ Pháp mà A. đang chuẩn bị, trên thực tế chính là lý do đưa anh quay lại châu Âu. Madame Follain, anh sớm biết, là con gái của Maurice Denis, và có rất nhiều bức tranh của cha bà được treo trên tường của căn hộ. Bản thân bà giờ đã ở cuối độ tuổi bảy mươi, có thể là tám mươi, và A. rất ấn tượng trước phong cách Paris cương quyết, giọng nói lạo xạo, sự tận tụy dành cho các tác phẩm của người chồng quá cố của bà.
Một bức tranh trong căn hộ có tên: Madelaine à 18 mois (Madelaine lúc 18 tháng), mà Denis đã viết ở lề trên cùng của bức họa. Đó chính là cô bé Madelaine đã lớn lên và trở thành vợ của Follain và là người vừa mời A. bước vào căn hộ của mình. Trong một khoảnh khắc, không hề biết, bà đứng ngay trước bức tranh ấy, bức đã được vẽ ra gần tám mươi năm trước, và A. thấy, cho dù đã có cả một khoảng thời gian đáng kinh ngạc ngăn cách, khuôn mặt của đứa trẻ trong tranh và khuôn mặt của cụ bà đứng trước mặt anh y hệt như nhau. Trong đúng giây phút ấy, anh cảm thấy anh đã cắt qua được ảo giác thời gian của nhân loại và trải nghiệm nó theo đúng bản chất: không lâu hơn một cái chớp mắt. Anh đã thấy toàn bộ cuộc đời đứng trước mặt anh, và nó đã bị đổ sụp trong khoảnh khắc ấy.
* * *
O. nói với A. trong một cuộc trò chuyện, mô tả lại cảm giác khi trở thành một ông già. O., giờ ở độ tuổi bảy mươi, trí nhớ suy giảm, khuôn mặt nhăn nheo như một lòng bàn tay khép nửa. Nhìn vào A. và lắc đầu với sự mỉa mai chết sững. “Thật là một điều lạ lùng xảy ra với một cậu bé con.”
Phải, có khả năng chúng ta sẽ không lớn lên, và thậm chí khi chúng ta già đi, chúng ta vẫn là những đứa trẻ như chúng ta luôn là thế. Chúng ta nhớ lại bản thân mình của một thời đã qua, và chúng ta cảm thấy mình vẫn như thế. Chúng ta biến mình thành người như trong hiện tại, và chúng ta vẫn là chúng ta như cũ, bất chấp năm tháng.
Chúng ta không thay đổi vì bản thân mình. Thời gian làm chúng ta già đi, nhưng chúng ta không thay đổi.
Khởi Sinh Của Cô Độc Khởi Sinh Của Cô Độc - Paul Auster Khởi Sinh Của Cô Độc