Số lần đọc/download: 2081 / 60
Cập nhật: 2017-08-09 10:29:01 +0700
Chương 12
S
áng hôm sau, Kwang Meng tỉnh dậy, vẫn còn choáng vì trận say hôm trước. Ánh sáng ban ngày, tiếng ồn của căn nhà đang thức dậy đối với anh xem ra thật siêu thực. Anh phải cố lắm mới ngồi dậy được.
Mẹ anh mắng anh suốt bữa sáng.
“Đừng có lãng phí tiền bạc rượu chè nữa. Sao con muốn uống nhiều đến thế? Muốn thành một tay bợm say xỉn à?”
Anh không trả lời, không muốn tranh cãi gì. Anh cũng không đụng vào bữa sáng. Chỉ uống cà phê đen.
“Con phải chấn chỉnh lại bản thân đi Meng!”
Anh gật đầu rồi bỏ đi.
Ở văn phòng, sếp đòi gặp anh. Ông ta muốn nghe một lời giải thích cho chuyện trốn việc chiều qua. Nếu bị ốm, anh hẳn phải có giấy phép của bác sĩ Chan. Kwang Meng vội nghĩ ra lý do nào đó.
“Cha cháu bị bệnh nặng đột ngột,” anh nói dối. “Huyết áp cao ạ. Cha cháu bị huyết áp cao đã lâu rồi.”
Sếp tha cho anh đi, có chút chần chừ. Anh lại giam mình vào bàn giấy, hình phạt mỗi ngày. Anh cố vùi mình vào đống công việc nhàm chán, không muốn nghĩ ngợi. Anh không trả nổi. Nỗi xấu hổ ngượng ngùng của đêm trước còn làm anh tê người. Anh bắt đầu cảm thấy công việc đều đều nhàm chán này cũng có ý nghĩa, và gần như thấy kinh sợ giờ nghỉ trưa, một giờ đồng hồ trống rỗng khôn cùng. Chiều với màn đêm đã làm anh sợ lắm rồi.
Khi giờ trưa đến, anh lê mình ra mấy xe hàng ăn bên sông Singapore và làm thế nào đó nuốt trôi được một bát laksa. Những chiếc thuyền chở hàng dập dềnh phía cửa sông, như cách người ta vái chào nhau ngày xưa cũ. Khấu đầu, khấu đầu. Những mảnh gỗ ván tàu cũ và các loại rác rưởi cũng dập dềnh trôi, bảy nổi ba chìm giữa dòng nước tanh nhớt, bùn lầy. Mùi bùn lẫn với cà ri, gia vị và dầu ăn thành cái mùi gì rất nặng. Người xung quanh vừa ăn vừa trò chuyện ầm ĩ. Anh đi dạo một vòng giữa sự im lặng của ban trưa. Ở một hẻm nhỏ, cách xa đám đông, anh nhìn thấy mấy con chó hoang khốn khổ đang lục lọi thùng rác giữa cái nóng oi bức. Sau đó, anh quay lại văn phòng.
Hết giờ làm, anh đi bộ ra bến xe. Lại một hàng dài im lặng. Khi cuối cùng cũng leo lên một chiếc xe buýt, anh nhìn ra phố phường đang trôi ngược lại, cố nghĩ xem nên làm gì cho qua buổi tối và đêm nay. Ta phải làm gì với chính ta đây? Câu hỏi lớn đấy. Không trả lời được, anh leo xuống xe rồi thảm não cuốc bộ về nhà.
Anh vặn vòi nước hết cỡ, rồi cứ thế đứng đó một lúc lâu cho nước giội xuống người. Những tia nước bắn vọt ra sắc nhọn châm khắp cơ thể, như dùi trống nện lên mặt da kéo căng. Thùng thùng thùng. Thùng thùng thùng. Nghe như tiếng súng máy.
“Mau lên anh Meng!” em gái anh hét. “Cha muốn đi tắm!”
“OK, OK.”
Sau đó, anh kê ghế mây ra ban công, ráng đọc tờ Malay Mail buổi chiều. Anh lật đến trang truyện tranh, để đọc tiếp về bác sĩ Kildare, Mandrake, thẩm phán Dee và Rip Kirby. Anh chàng bác sĩ đẹp trai vừa chẩn đoán xong một ca bệnh khó, nhà ảo thuật vừa thôi miên một đám đông tội phạm nguy hiểm, ngài thẩm phán đáng kính vừa phá xong một vụ án bí ẩn ở Trung Quốc thời xưa, và anh chàng thám tử người Mỹ với anh đầy tớ người Anh sắp phá được một vụ án bí ẩn khác ở nước Mỹ hiện đại. Tốt. Thế giới an bình cả. Tốt lắm. Anh ném tờ báo xuống, hút tù tì bốn điếu thuốc. Mẹ anh bước ra, bắt đầu càm ràm.
“Sao hút nhiều quá vậy con? Nhìn coi, bao nhiêu là đầu thuốc. Con muốn bị ung thư à? Lại còn đốt tiền thế kia?”
“Ổn hết mà, mẹ.”
“Ổn, ổn cái gì. Phải bỏ bớt đi, hiểu chưa?”
“Vâng ạ.”
“Vâng ạ, vâng ạ,” bà làu bàu, bước lại vào nhà. “Uống như hũ hèm, hút như ống khói nhà máy, mà lúc nào mình nói nó cũng chỉ vâng ạ, vâng ạ.”
Kwang Meng đứng dậy, tựa người vào lan can. Cụm cây phía dưới đường như một cụm gia đình nhỏ. Buổi chiều tối dần, lá cây chuyển màu xanh thẫm rồi đen ngòm. Đời cứ thế chảy trôi trong các dãy nhà khác. Người anh căng thẳng quá, không biết làm sao giải tỏa, và khoảng thời gian đến gần không biết làm sao để vượt qua. Quán bar Paradise, Lucy, tất cả đều đã trôi vào quá khứ. Thứ gì đó không hồi sinh được nữa rồi. Chết rồi. Như bà nội vậy. Một phần của quá khứ. Một phần của anh.
Anh bị gọi vào ăn tối. Ăn để sống. Sống, sống thêm chút nữa. Mỗi ngày, một chút nữa thôi.
Anh bỏ ra ngoài sau bữa tối. Mẹ nhắc anh không được uống nữa. Không được uống, không được hút. Biết sống thế nào? Biết đốt thời gian thế nào? Đều như nhau cả thôi. Sống là đốt thời gian.
Anh trở lại Happy Bar. Dần dần, lại thấy quen thuộc. Rồi lần nữa, lần nữa, cho đến khi điều đó trở thành một phần của hiện tại, một phần của thói quen. Anh đợi cho đêm trôi qua theo cách ấy.
Cuộc đời anh chẳng mấy chốc mà chia làm hai mảnh. Mảnh ban ngày là những giờ phút bên bàn ăn sáng, trên xe buýt, ở văn phòng, bên bàn ăn trưa, trên xe buýt, bên bàn ăn tối, là khi anh tuân theo nghi thức. Phần còn lại là phần không thể chịu nổi, những giờ ban đêm, dạo này cứ thay đổi luân phiên. Thay đổi luân phiên vì anh phải quyết định đến bar nào, nói chuyện với ai, phải làm gì. Cứ như sống ở hai thế giới, bản thân mình chia làm hai con người. Ví dụ như, anh dần dần nhận ra mình đang nghĩ về chính mình bằng chữ “tôi ban ngày” và “tôi ban đêm”. Có những thứ anh làm buổi đêm, nói buổi đêm sẽ không tưởng tượng nổi, không chấp nhận nổi vào ban ngày. Và nếu có chuyện gì đó không vừa ý xảy ra, ở văn phòng chẳng hạn, anh có thể tự thuyết phục mình rằng điều đó sẽ phai nhạt đi, biến mất khi đêm xuống. Gần giống như phần này hỗ trợ cho phần kia. Anh có thể chạy trốn vào thế giới này hay thế giới kia. Như chuyện về ông triết gia Trung Hoa ấy nhỉ. Mạnh Tử ngày kia nằm mộng thấy mình là cánh bướm, và sau đó không hiểu nổi mình là người mơ thành bướm, hay là bướm mơ thành người. Kwang Meng cảm thấy mình cũng chẳng khác gì, chia nửa giữa hai thế giới.
Đôi lúc, trong những chuyến dạo đêm, khi đã nốc bia cho đã, anh sẽ nhớ về Paradise và về Lucy. Một đêm nọ, anh viết lên tường nhà vệ sinh ở quầy bar May-May thế này…
“Ngày trôi đi nặng nề
Màn đêm thì lề mề
Chẳng có gì làm được
Không có năm mươi đô.”
Đêm đó, anh làm quen với một thủy thủ người Anh tên Frank. Họ gặp nhau ở Happy Bar và đi lòng vòng dạo bar với nhau. Ngày đó Frank mới xuống tàu. Đó là một tàu chở hàng từ châu Âu tới Trung Quốc. Frank khoảng ba mươi lăm tuổi, đã đi biển từ ngày mười sáu. Anh ta đã nhìn ngắm cả thế giới rồi.
“Nhưng tôi ghét biển lắm,” Frank nói. “Ngày này qua ngày khác, giống hệt nhau. Ra biển là thế đó.”
“Nghe như văn phòng của tôi nhỉ,” Kwang Meng trả lời.
“Tôi ghét biển lắm,” Frank tiếp tục. “Tôi ghét những thằng sĩ quan chết tiệt. Những thằng khốn tự phụ.”
“Nghe như sếp tôi ấy nhỉ,” Kwang Meng trả lời.
“Khi nào có đủ tiền, tôi sẽ quay lại thị trấn quê hương mở một quán bia xinh xẻo. Plumbstead.”
“Đó là chỗ nào thế? Tôi chưa từng nghe thấy nó.”
“Plumbstead? Đó là một chỗ ở ngay trên Greenwich, bên ngoài London.”
“Anh thích nơi nào nhất, Frank, ý tôi là ở những nơi đã đi qua ấy?”
“Hong Kong. Một chỗ hơi bị chúa. Lũ chim hơi bị chúa, lũ chim ở Wanchai.”
“Chỗ Suzy Wong ấy à?”
“Đúng, đúng chỗ đó đấy.”
“Singapore thì sao?”
“Cũng được. Một chỗ tử tế sạch sẽ để nghỉ ngơi chút chút, đặc biệt sau khi tới Đông Dương và Philippines, rồi còn Indonesia với Ấn Độ nữa. Những chỗ đó kinh lắm. Nghèo bẩn mạt rệp.”
“Tôi ước gì được làm thủy thủ đi đây đó. Bẩn thỉu cũng không sao. Tôi quen cái đó rồi.”
“Ôi, anh không khoái chuyện đó đâu. Cuộc sống đó nhàm chán lắm, tôi bảo đảm đấy.”
Kwang Meng cảm thấy một trong những giấc mơ đẹp nhất của mình sắp vụn vỡ. Nên họ đổi đề tài. Lại tiếp tục lang bạt quán bar. Frank đề nghị họ cùng nhau tới nhà thổ. Kwang Meng từ chối. Anh nói mình không muốn trả tiền để ngủ với gái. Frank không tranh cãi, không thèm thuyết phục, và vẫy tay chào anh. Một lý do khác là Lucy. Làm sao anh làm thế được.
Anh trở về nhà một mình. Sự đơn độc và lặng lẽ này khiến anh hài lòng. Anh đi qua một con chó, và tự nghĩ mình lúc này cũng thảm hại như con chó ghẻ xác xơ trong hẻm tối, không nhà không cửa, cả đêm lang thang lục lọi hít ngửi thùng rác và hú lên
Hú… u… hú…
Hú… u… hú…
như thế dưới ánh trăng. Tiếng khóc than vô gia cư trôi giữa đêm vô định.