Tôi biết giá trị của thành công: cống hiến, làm việc chăm chỉ, và sự hy sinh không cần bù đắp cho những việc bạn muốn nó xảy ra.

Frank Lloyd Wright

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 24
Cập nhật: 2020-10-08 20:38:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
III
Đêm lạnh trong chiếc lán dựng tạm nơi rừng sâu, Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương vẫn lúi húi rắc cát trên mặt phản ghép từ bốn mảnh gỗ, ông giả định các đường tiến binh của giặc. Đâu là quân thủy, đâu là quân bộ, quân kỵ. Chỗ nào ta đặt phục binh, chỗ nào nghi binh đều có các dấu phân biệt như mũi tên, hình tròn, hình vuông hoặc hình nọ chồng lên hình kia.
Yết Kiêu, Dã Tượng hai gia nô nhưng thực tài của họ chẳng thua vị gia tướng nào của Quốc công. Thấy chủ tướng thức khuya, hai người đều lấp ló, quanh quẩn vừa là bảo vệ chủ tướng vừa xem ngài có cần sai bảo điều gì.
Trời lạnh tới mức nhìn hơi thở của Quốc công phả ra qua mũi có màu trắng đục như hai luồng khói chạy song song, Yết Kiêu chạnh lòng về tuổi tác của chủ tướng đã cao mà vẫn chưa được hưởng nhàn, vẫn phải dầu dãi gió sương ngày đêm nghĩ kế phá giặc.
Yết Kiêu mở tấm áo bông chần do phu nhân gói ghém gởi cho đức ông bữa chàng đi truyền lệnh ghé thăm bà tại nơi di tán, chàng lặng lẽ khoác tấm áo lên vai vị tướng già.
Hưng Đạo khẽ so vai ngửng nhìn người gia nô hỏi:
- Áo nào vậy con? Ta thấy ấm hẳn lên.
- Bẩm Quốc công, đây là tấm áo cũ của ngài, đức bà may sửa lại, bữa con đi truyền lệnh cho Nhân Huệ vương ở Vân Đồn về có ghé thăm nơi đức bà cùng gia nhân di tán, đức bà trao cho con mang đi và dặn khi nào trời lạnh thì đem ra để đức ông vận cho đỡ giá buốt.
Vị tướng già nhìn xuống tấm áo cũ được may chần lại cẩn thận mà lòng se thắt. Ông ngoái hỏi Yết Kiêu:
- Bữa con về nhà, phu nhân có đỡ đau hai bên đầu gối không?
- Bẩm phu nhân nói dạo này đã đỡ hơn.
- Sao con không nói với ta.
- Bẩm, con thấy đức ông ít có lúc rảnh rỗi nên con không dám thưa.
Quốc công đang muốn hỏi thêm về phu nhân ở nơi di tán thì vua Nhân Tôn bước vào. Ngài vận sơ sài nếu bằng vào y phục thời không thể biết ngài thuộc đẳng cấp nào. Chiếc áo bông dài may bằng vải thanh cát, đầu đội mũ bồ đài có dây buộc qua cằm, chân đi giày vải, cổ quấn dải khăn lụa màu nâu, ngang lưng không thắt đai mà buộc bằng sợi gióc to bằng ngón chân cái, hai đầu gút lại thành hai quả cầu tròn to bằng chiếc trứng vịt. Sợi dây dài hơn một sải tay khi cần có thể dùng nó làm vũ khí tựa như cây thiết lĩnh.
Vừa thấy nhà vua, Hưng Đạo vội đứng dậy chào:
- Đêm khuya, sao bệ hạ không đi nghỉ để giữ gìn ngọc thể. Trong công cuộc kình chống với giặc dữ phương Bắc, thượng hoàng và bệ hạ là linh hồn của cuộc kháng chiến thần thánh này, vậy nên phải bảo trọng tấm thân muôn quý để dùng cho nước.
Vua Nhân tông nhẹ giọng, và với vẻ khiêm cung ngài nói:
- Bá phụ, nhẽ ra thời tiết giá lạnh thế này, bá phụ mới cần phải bảo trọng, chứ con sức lực còn đang độ tráng niên, lo gì?
Hưng Đạo mỉm cười đáp:
- Diệt xong lũ quỷ phương Bắc, thần sẽ tuân chỉ lui về điền viên dưỡng nhàn. Ngửng nhìn nhà vua, Quốc công lại hỏi: - Chắc có điều gì quan yếu bệ hạ cần chỉ dụ?
Vua Nhân tông thong thả nói:
- Bá phụ, con nghĩ, ta đã tiêu diệt hết đoàn thuyền chở lương thảo của giặc rồi, coi như đã tiêu diệt được một nửa sinh lực nó. Sao bá phụ không thả một ít tù binh trong đoàn vận lương của giặc cùng ít bằng cớ mà ta thu được ném nó vào trại của Thoát-hoan, gây cho chúng hoảng loạn tinh thần, rồi ta làm cuộc đại phản công đuổi giặc ra khỏi bờ cõi để dân chúng còn làm ăn kẻo lại trễ hết cả mùa vụ.
- Bệ hạ nói rất phải, lòng bệ hạ thương dân như thương con. Nhưng giặc Bắc ngoan cố, nếu đuổi nó về rồi nó lại sang. Vì vậy thần muốn diệt hầu hết đoàn quân này khiến nó khó bề hồi phục, và muốn đánh ta nữa cũng phải chuẩn bị hàng chục năm. Do đấy, thần muốn nhử cho nó đuổi theo quân ta tới khi sức nó mỏi mệt, quân nó rải mành mành đóng đâu thì nằm chết dí tại chỗ chứ không đủ sức cho quân ra khỏi trại cướp phá. Bởi nếu giặc chỉ có dăm ba trăm quân xuất trại, thì dân binh các làng hợp lại dư sức cản phá.
Tâu bệ hạ, hiện nay trên mạn bắc, quân ta phối hợp với quân của các đầu mục người man vừa chặn đường tiếp tế lương thực của giặc từ Tư Minh, Bằng Tường sang, vừa phục kích đánh quân tuần thám, đêm đêm thì quấy rối các đồn trại giặc. Còn tại đồng bằng thì việc quấy rối làm cho giặc mất ăn mất ngủ của Hưng Ninh vương cũng đã bắt đầu. Chắc hẳn giặc còn căng sức truy đuổi ta. Vậy ta phải đánh tiêu diệt cho chúng thiệt hại đáng kể, rồi mới tung cái tin giặc đã bị đánh úp cả một đoàn thuyền lương, khi đó tinh thần giặc sẽ suy sụp hoàn toàn, chỉ còn nghĩ kế tháo chạy. Tâu bệ hạ, ta phải trù tính lực lượng và phục quân ở những ngả nào để tiêu diệt được càng nhiều quân giặc càng tốt. Nhưng chủ yếu vẫn là phải đánh gãy xương sống nó, để Hốt-tất-liệt chừa cái thói ngạo mạn, cậy mình là nước lớn dám nghịch mệnh Trời, coi thiên hạ như cỏ rác.
Nghe Quốc công nói đến việc Hốt-tất-liệt nghịch mệnh Trời, vua Nhân tông trầm ngâm giây lát rồi chậm rãi:
- Bá phụ dạy chí phải, nếu không đánh cho cha con Hốt-tất-liệt gãy xương sống thời không bao giờ chúng chịu để cho ta yên.
Đúng vậy, từ thời vua Lê Hoàn đánh quân xâm lược nhà Tống năm Tân tỵ (981), Trời đã ứng mệnh nước ta qua lời thần mắng giặc trên sông Như Nguyệt. Và nhà vua khe khẽ đọc:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư![69]
Và năm Đinh tỵ (1077) Lý Thường Kiệt đánh quân xâm lược nhà Tống, nửa đêm thần lại xuất hiện mắng giặc một lần nữa trên sông Như Nguyệt.
Nhà vua vừa nhẩm đọc xong, Hưng Đạo liền nói với vẻ xác quyết: - “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”[70].
- Dạ đúng như bá phụ dạy, nhưng sao tới lúc này mà Thoát-hoan vẫn chưa nghĩ tới việc quân lương của nó đã bị tiêu diệt gọn rồi sao.
- Bệ hạ còn lạ gì, giặc lúc nào cũng tự phụ, chúng tin vào tên cướp biển Trương Văn Hổ làm Giao Chỉ vận lương đô tổng quản thời một hạt lương cũng không thể sa sẩy. Thuyền lương đến chậm chỉ vì chở nặng không thể đi nhanh hơn. Nhưng tới nay chúng cũng đã hơi lo, nên cho quân đi sục sạo vơ vét lương thực về tập trung ở đồn trại Chí Linh cũng được dăm vạn thạch, tuy vậy chúng phải đổi mỗi đấu lương bằng một đấu máu.
Ngừng lời trong giây lát, Hưng Đạo lại hỏi:
- Bệ hạ tới đây có đem theo chiếu dụ hoặc ý chỉ gì của thượng hoàng không?
Thật ra Nhân tông tới quân doanh của Quốc công là do ý chỉ của thượng hoàng, song nhà vua chưa tìm được cách truyền đạt. Khi được Hưng Đạo hỏi tới, nhà vua liền đáp:
- Thưa bá phụ, phụ hoàng con dạy, phải thưa lại với bá phụ, ta đã diệt được hết thảy quân lương của giặc, sao không nhân đà đánh đuổi chúng ra khỏi cõi bờ sớm đi, để dân chúng đỡ lầm than.
Nghe nhà vua truyền lại ý chỉ của thượng hoàng, Hưng Đạo nuốt một tiếng thở dài vào đáy dạ, và tự nhiên khiến ông nhớ lại cuộc kháng giặc năm Ất Dậu biết bao khó khăn trở ngại trước thế giặc mạnh, phải gỡ bỏ bằng được sự ngờ vực dấy lên từ trong nội tộc. Sau đó là sự phân vân về khả năng chống đỡ của quân ta, cũng chỉ bởi lòng thương dân của thượng hoàng. Lòng thương dân dù sâu xa đến mấy vẫn là chưa đủ. Phải nghĩ đến sự trường tồn của thế nước mới là thương dân trọn vẹn. Nghĩ vậy, Hưng Đạo bèn nói:
- Bệ hạ nên lựa lời tâu lại để thượng hoàng yên tâm. Thời gian đuổi giặc ra khỏi cõi bờ ta cũng không còn phải đợi chờ lâu nữa đâu, thần chỉ muốn tản mỏng quân giặc ra cho dễ đánh, cho đỡ tốn máu xương sĩ tốt, và càng tiêu diệt được nhiều sinh lực nó thì nó mới bớt hung hăng và không dám coi thường ta. Chắc chỉ nay mai là sẽ có những trận đánh lớn, bệ hạ và thượng hoàng chờ nghe tin báo tiệp. Và khi nào cần, thần sẽ xin bệ hạ đem quân thánh dực trợ chiến.
Từ lâu vua Nhân tông đã biết nỗi lòng trắc ẩn của người cha vợ và cũng là bác của mình. Nhà vua đã hiệp tác với ông để hóa giải mọi hiềm khích, để đạt tới sự đồng tâm nhất trí dẫn tới cuộc đại thắng giặc Nguyên năm Ất Dậu. Nay thì Chiêu Minh vương Quang Khải đã có cái tâm hòa ái, độ lượng, ông tự nhường ngôi tướng quốc cho cháu là Đức Việp, lại nhận làm trợ thủ cho Quốc công. Ôi, cái đức đó chẳng phải từ Quốc công mà ra sao.
Đêm ấy vua Nhân tông nghỉ lại quân doanh của Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Hai bác cháu bàn kế phá giặc thâu đêm.
Sớm hôm sau đã có quân về báo tiệp: “Khoảng đầu giờ tuất đêm qua nhằm lúc mưa dầm nặng hạt, trời tối mịt mùng, hai ngàn kỵ binh giặc tiến vào cổng thành Hoa Lư bị hàng vạn tay cung cứng của tướng Trần Toàn phục đánh, giặc chết tới quá nửa phải quay đầu chạy trở lại Thăng Long”.
Lại nói khi Thoát-hoan đem quân vào Thăng Long chỉ bị chống trả sơ sài, thiệt hại không đáng kể; Thoát-hoan ra lệnh cho ba quân phải cấp kỳ đuổi bắt bằng được hai vua mà y thường gọi một cách hỗn hào là cha con Nhật Huyên.
Hơn hai ngàn quân kỵ do hữu thừa A-ba-tri đã bị quân Đại Việt phục kích tiêu diệt tới quá nửa phải tháo chạy trở lại Thăng Long. Ô-mã-nhi với hơn ba trăm chiến thuyền chở đầy ắp quân lính truy đuổi hai vua. Trịnh Bằng Phi cũng dẫn năm vạn quân tiến theo hai đường thủy bộ về thẳng Thiên Trường nhưng y phải chia quân chiếm đóng ở những nơi có vị trí xung yếu có khả năng kiểm soát cả một vùng.
Đoàn chiến thuyền của Ô-mã-nhi cờ xí rợp trời kéo dài tới mấy chục dặm sông. Tới đâu y cũng xua quân lên bộ bắt dân hỏi về tăm tích hai vua. Tất cả mọi người trả lời đều có thấy một đoàn thuyền hàng trăm chiếc chở đầy quân lính, trong đó có cả hai chiếc lâu thuyền trang hoàng màn sáo lộng lẫy, nhưng không biết chở ai… Và họ mới qua đây chỉ có một ngày.
Ô-mã-nhi bèn hội chư tướng nói: - “Quân nó chạy trốn lại hộ giá hai vua nó nữa nên không thể chạy nhanh được. Vậy phải lập đội khinh thuyền đuổi gấp còn đại quân tiến sau”. Ô-mã-nhi sai chọn năm chục chiến thuyền nhỏ hơn so với các thuyền khác, lại chọn các tay thủy thủ khỏe nhất, dạn dày chiến trận cùng một vạn quân cung thủ thiện xảo đích thân Ô-mã-nhi thống lĩnh ngày đêm rượt đuổi hai vua nhà Trần và Trần Hưng Đạo.
Khi chiến thuyền Ô-mã-nhi đến cửa Hải Thị thì không thấy bóng dáng quân Đại Việt, chỉ thấy vài chiếc thuyền thả trôi bồng bềnh giữa ngã ba sông, y bèn cho quân ra thu lấy. Trên thuyền còn bỏ lại vài đồ khí giới như cung, nỏ, giáo, mác với ít đồ ăn như cơm nắm, cá khô, muối vừng. Ô-mã-nhi biết là quân Đại Việt đã đưa vua nó đi trốn nhưng không biết đi về nẻo nào, y sai quân lên bờ bắt dân chúng tra hỏi.
Giặc xua quân lên bờ, chúng kéo nhau vào các trang ấp thuần gặp cảnh vườn không nhà trống chúng liền phóng hỏa đốt, khói lửa rừng rực khắp xóm thôn. Cuối cùng chúng bắt được hơn chục cụ già. Những người già râu tóc bạc trắng run rẩy trong giá lạnh. Vì rằng giặc lột hết áo ấm, hai cánh tay bị trói, hai cổ tay bắt chéo bị trói bởi một dây thừng thắt nhiều nút, và một dây thòng lọng thòng vào cổ, đầu dây do một tên lính Hán kéo căng, thỉnh thoảng y lại giật sợi dây cho người bị trói ngã giúi giụi.
Ô-mã-nhi sai mấy đứa thông dịch hỏi:
- Quan tham tri chính sự bạt-đô tha tội chết cho mấy lão già, đó là phúc lớn sao mấy người không quỳ xuống lạy tạ?
Các cụ rét nổi da gà, mặt tái xám nhưng không một ai kêu xin. Bỗng từ giữa đám đông người bị trói, một cụ nói giọng thều thào:
- Các ông trói, người cứng như khúc gỗ sao còn có thể cúi mà đáp lễ được.
- Cởi trói cho chúng nó. - Ô-mã-nhi ra lệnh.
Dù đã được cởi trói, nhưng trời giá lạnh các cụ vẫn cứ run cầm cập, hai hàm răng chạm vào nhau, hơi thở phả ra mờ như khói như sương.
Tâm địa sói lang như Ô-mã-nhi cũng động lòng trắc ẩn. Y biết những người này sao có thể chống lại quan quân. Vì vậy y bắt bọn thuộc cấp phải trả lại áo ấm cho mấy người già.
Nhận lại áo, hơi ấm dần làm các cụ đã có khí sắc. Một cụ nói: “Tạ ơn ông lớn trả lại áo rét cho người già”. Không một ai quỳ lạy. Dường như điều đó cũng không làm Ô-mã-nhi bực giận. Vì rằng Ô-mã-nhi là người Mông Cổ theo văn hóa du mục, nên không chấp nê như đám tay sai người Hán.
Ô-mã-nhi cất giọng đe:
- Ta hỏi, các người phải trả lời đầy đủ, nếu quanh co giấu giếm, chắc mạng sống của các người sẽ nằm trong bụng cá. Chỉ tay về phía cụ già đứng ở cuối hàng, y hỏi: - Lão già trông thấy đoàn thuyền của vua An Nam và quan quân chạy qua đây từ lúc nào?
Cụ không có vẻ gì là bối rối, nói ngay:
- Bẩm ông, nhà tôi ở sâu trong thôn ấp, không ruộng cấy ngoài bờ bãi, hoặc đi bắt cá bắt tôm gì ngoài sông, nên không biết đã có thuyền bè gì ngoài sông.
Ô-mã-nhi hỏi tới sáu, bảy người, ai cũng tìm cách nói một cách rất hợp lý về sự không trông thấy quân Đại Việt rút qua đây vào lúc nào. Ô-mã-nhi mặt đỏ phừng phừng, y cho rằng các cụ già đã cố tình che giấu. Bỗng cụ già đứng phía đầu hàng liền nói:
- Lão có thấy, lão có biết các việc mà ông lớn đang hỏi.
- Vậy ngươi nói đi!
- Tôi vừa sống bằng nghề nông, vừa sống bằng nghề chài lưới. Cách đây đúng ba ngày tôi đang thả lưới ở cửa lạch giáp với con sông này, bỗng nghe thấy tiếng à à vang khắp mặt sông và sóng gợn mỗi lúc mỗi to hơn, tôi nghi là thuyền giặc tức là các ông sắp qua đây, vội cuộn lưới rồi lui thuyền vào ẩn trong bãi cói. Khoảng nửa canh giờ sau thì thấy thuyền quân đi rợp cả sông, chỉ thấy tiếng mái chèo khua nước, tiếng thuyền xé nước rào rào. Độ bốn năm chục chiếc thuyền cứ ầm ầm lao đi, chiếc đi đầu trương hiệu cờ Đại Việt, tiếp đó là hai chiếc lâu thuyền, tầng trên quây màn sáo, chiếc đi trước vẽ hình con cá vàng (Kim Ngư), chiếc đi sau vẽ hình con rồng vàng (Kim Long). Cả hai chiếc đều lộng lẫy lắm. Nhưng tôi không thể biết trong đó chở những ai.
Chiến thuyền đi cứ rầm rập, chờ mãi không biết đến bao giờ cho hết, tôi bèn bỏ thuyền lội bộ qua bãi cói về làng. Sáng hôm sau tôi ra bãi lấy thuyền thấy mặt sông vắng hoe chỉ còn mấy xác thuyền dập dềnh trên mặt nước. Chắc ra biển, những chiếc thuyền kia nhỏ bé, ọp ẹp nên người ta vứt bỏ lại.
Nghe ông già kể có đầu có đuôi hợp lý hợp tình, Ô-mã-nhi giận dữ rút gươm chỉ về phía biển nói như đe dọa các vua nhà Trần: “Các ngươi chạy lên trời ta theo lên trời, các ngươi chạy xuống đất ta theo xuống đất, ngươi trốn lên núi ta theo lên núi, ngươi lặn xuống nước ta theo xuống nước”. Nói xong Ô-mã-nhi sai hải đội binh thuyền lập tức lên đường.
Lòng đầy tức giận, Ô-mã-nhi nói với tả hữu:
- Ta quyết bắt bằng được vua tôi nước nó để Trấn Nam vương trị tội.
Tham tri Phàn Tiếp bèn thưa:
- Cứ như mấy lão già cung khai thì đúng là hai vua nó đã chạy qua đường này. Nhưng chúng chạy khỏi đây đã qua hai ngày đêm, và biển mênh mông biết nó chạy đường nào mà đuổi, chi bằng chủ tướng cho quân lên bờ giết hết dân nó, cướp lấy của cải của nó, khiến nó vừa sợ hãi vừa lo ta giết hết dân nó thì buộc vua tôi nó phải ra hàng.
Ngẫm nghĩ giây lát, Phàn Tiếp lại nói:
- Tôi có kế này, nếu chủ tướng làm theo ắt cha con Nhật Huyên phải tới cửa Trấn Nam vương xin hàng ngay.
Ô-mã-nhi vụt tươi hẳn lên, hỏi ngay:
- Tham tri có kế gì hay nói thử ta nghe?
Phàn Tiếp làm ra vẻ nghiêm trọng nói:
- Các nước theo về văn hóa Khổng - Mạnh của Trung Quốc thì không có gì quan yếu và kính cẩn bằng tôn miếu và lăng mộ.
- Thế thì sao? Ô-mã-nhi vội hỏi, bởi Ô-mã-nhi theo về văn hóa du mục đâu biết đến lễ nghĩa.
- Tham tri chính sự bạt đô không biết thật sao? - Phàn Tiếp vừa cười lớn vừa hỏi lại. Rồi y tiếp: - Vậy ý tướng quân thế nào?
- Có phải nếu ta phá những thứ đó thì chúng sợ hãi mà ra hàng không? Nếu đúng vậy sao ta không ra tay sớm đi?
- Cuộc chinh Nam năm Ất Dậu, để phá tán cái linh khí của họ Trần, quan hữu thừa Lý Hằng đã xui Trấn Nam vương cho quân vào đóng trong điện Chí Kính[71] và trong nhà Thái miếu[72], trong điện Thiên An[73] của nó. Tướng quân còn lạ gì đám lính ô hợp, nó đóng ở đâu thì nó phá phách, nó gây ô uế ở đó, dù có ngăn cấm cũng không được.
Phàn Tiếp xúi Ô-mã-nhi làm điều thất đức mà không nghĩ đến hậu quả phải gánh chịu. Hai viên hữu thừa, tả thừa Lý Hằng, Lý Quán xúi Thoát-hoan làm điều xằng bậy, chúng đều phải đền tội ác, ngay cả khi chúng đã chạy về Tư Minh là đất Trung Quốc, vẫn bị quân Đại Việt truy đuổi và dùng tên độc hạ sát.
- Vậy mồ mả nhà Trần táng ở đâu, ông có biết dẫn đại quân vào đó quật mả tổ tiên nó lên mà trừng phạt. Ô-mã-nhi như người sắp chết đuối vớ được đám bọt nước liền bấu ngay vào. - Bây giờ chưa biết vua tôi nó chạy ngả nào, để cho quân thám đi dò xét rồi ta sẽ tính sau. Vậy trước hết hãy làm việc cần làm.
Phàn Tiếp liền mở tấm bản đồ ra dò tìm. Một lát y nói: - Đất phát tích của họ Trần ở Thái Đường. Mồ mả tổ tiên họ Trần hẳn phải chôn cất tại đó. Nghe nói tại đó có cả mộ chôn Thái vương tức cha đẻ của Nhật Huyên.
Thế là tiện đường sông, đại binh thuyền của Ô-mã-nhi căng buồm đi thêm vài chục dặm nữa là cập bến rồi xua hàng vạn quân lên bờ. Chúng sục sạo vào trong thôn ấp bắt dân dẫn đi, nói là qua viếng tổ đường nhà Trần và khu lăng mộ.
Dân chúng vô tình dẫn giặc đi mà không lường được dã tâm của nó.
Giặc vào tới nhà thờ họ Trần, chúng thấy các đồ thờ đã di chuyển chỉ còn lại mấy bát bình hương cổ kính và ít hoành phi câu đối.
Ô-mã-nhi không đọc hiểu được các chữ nghĩa kia nói gì, nhưng cái màu vàng son chói lọi của các hoành phi câu đối đập vào mắt khiến y khó chịu. Ô-mã-nhi rút phăng thanh kiếm đeo bên sườn, giương thẳng tay chém chiếc câu đối treo áp vào cột. Kiếm sắc lại được kẻ vũ phu dùng hết sức nên y chỉ chém một nhát là tấm gỗ dày tới cả đốt ngón tay đứt làm đôi và rơi xuống sàn gạch nhẹ như một chiếc lá, còn lưỡi kiếm lại mắc vào thân cột khiến Ô-mã-nhi phải dùng hết sức mới giật được thanh kiếm ra khỏi thân cột. Ô-mã-nhi kinh ngạc không hiểu cây cột kia làm bằng một thứ đá hoặc sắt thép gì mà rắn vậy. Y ra lệnh đốt căn điện thờ.
Phàn Tiếp vội ngăn lại:
- Tướng quân, không nên đốt, vả lại thứ gỗ này rắn như sắt, bền như đá dẫu có đốt cũng không cháy. Để tôi phá các vật trong điện thờ, tổ tiên nhà Trần sẽ mất thiêng. Nói xong y chỉ tay về phía mấy chiếc bình hương bằng gốm men nâu đặt trên những chiếc kỷ thờ chạm trổ khá tinh xảo.
Phàn Tiếp nhặt chiếc vồ gõ chiêng rồi tự tay y đi đập vỡ từng chiếc bình hương.
Ngước nhìn bức hoành phi sơn then với hai hàng chữ vàng chói:
Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Tên Hán gian tay sai của người Mông Cổ này dường như không chịu nổi, y sai lính hạ xuống cùng với tất cả câu đối trong ngôi đền rồi bắt chúng phải đốt cho bằng hết.
Nhìn thẳng ra phía trước ngôi đền thấy có mấy gò đất cao như núi, Phàn Tiếp biết ngay đó là khu lăng mộ tổ phụ nhà Trần, y bèn nói với Ô-mã-nhi:
- Bẩm tướng quân, ta phải cho đào mấy cái mả kia mới có thể kinh động đến đám vua tôi nhà Trần, sớm muộn chúng cũng phải ra hàng Trấn Nam vương.
Ô-mã-nhi gật đầu:
- Thấy việc cần làm sao ông không làm ngay đi?
Thế là ngay lập tức, giặc xua tới cả ngàn tên quân ào ạt xông lên các gò đất cao, ngoài võ khí thường mang chúng còn đem theo cả mai, cuốc, thuổng. Những gò đất cao hơn cả ngọn tre và rộng như cả một cánh đồng.
Chúng sục sạo vạch cây vạch cỏ tìm mãi không thấy một chỉ dấu nào về ngôi mộ tổ họ Trần, mà chỉ có tấm mộ chí cắm trên đỉnh gò cao nhất và to nhất với dòng chữ triện khắc sâu vào đó: “Thái vương chi mộ”.
Giặc yên tâm đã tìm thấy mộ của vua Trần Thái tông (Trần Cảnh) liền cho quân khai đào. Cả một trái núi rộng lớn không biết quan quách nằm ở chỗ nào. Mặc dù giặc đã lấy bia mộ làm chỉ dấu để khai một miệng hố khá rộng và đào sâu tới bốn, năm sải tay. Giặc cho quân hì hục đào bới cả buổi chiều tới khi trời đã mờ mờ tối vẫn chưa thấy quan quách, Ô-mã-nhi cho thu quân xuống thuyền và tiến thẳng ra biển để truy đuổi vua tôi nhà Trần, và để lại sau nó những đám cháy rừng rực khắp làng quê. Sự thật giặc đã đào đúng huyệt mộ, chỉ còn cách vài thép mai[74] nữa là tới nắp quan tài, nhưng chúng đã nản, tưởng cách chôn cất các bậc vua chúa An Nam cũng che đậy rắc rối, mù mờ như ở bên Trung Hoa, mộ đấy mà chẳng phải mộ như mả Tần Thủy Hoàng, Khổng Minh, Tào Tháo…
Giặc đã khùng, đã phải dụng đến mạt kế là đào mồ cuốc mả, cũng có thể nói đây là ô nhục kế của kẻ làm tướng, rốt cuộc cũng chẳng ăn thua gì. Vẫn phải quay đảo như quân đèn cù do sự điều khiển vô hình của Quốc công tiết chế thống lĩnh chư quân sự Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.
Trong khi đó các tướng Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão sắm vai hai vua chạy trốn khiến quân giặc lẽo đẽo theo sau cho đến khi mất hút. Hoàn thành diệu kế, hai tướng đưa quân về ra mắt Hưng Đạo, ra mắt hai vua được nhà vua ngợi khen và sai ghi tên vào sổ bộ để sau khi đuổi xong giặc triều đình sẽ định công khen thưởng.
Hưng Đạo đã đưa các quân thủy, bộ về tăng cường cho vùng Tháp Sơn, vùng Nghi Dương[75] và đang chuẩn bị cho cuộc phản công đuổi giặc.
Năm nay cả nước hầu như không có tết, giặc vào cõi từ cuối tháng một, qua tháng chạp chúng đánh rộng ra các vùng, chiếm các nơi hiểm yếu, các đường giao thông thủy bộ đi về phía nào cũng đụng phải giặc. Và gần giáp tết thì Thoát-hoan kéo quân về chiếm cả kinh thành Thăng Long.
Cũng như cuộc kháng giặc năm Ất Dậu, theo lời hiệu triệu của triều đình, toàn dân làm kế thanh dã. Giặc đi tới đâu cũng chỉ gặp vườn không, nhà trống, không có gì để cướp nên chúng đốt phá nhà dân, triệt phá hoa màu thiệt hại không biết đâu mà kể.
Qua hai tháng, chờ quân tiếp lương không thấy đến, quân tải lương từ Quảng Tây sang bằng đường bộ đều bị quân man tập kích, mười phần mất tới tám chín phần, số lương thực quân đem theo cũng đã cạn, Thoát-hoan đang lo lắng. Số quân tuy nhiều nhưng phải rải mỏng ra chiếm đất, muốn tập trung quân đi đánh chỗ nọ lại phải bỏ đất đã chiếm ở chỗ kia. Đã thế, đêm đêm quân Việt còn quấy rối, chỗ thì hò reo, đánh trống đồng, chiêng đồng khua náo inh ỏi, quân mất ăn mất ngủ, mỏi mệt, ốm đau ngày một nhiều hơn. Chỗ nào sơ hở, quân Việt cậy đông xông vào, có khi diệt hết một doanh trại tới cả ngàn quân. Lại cũng có khi quân Việt dùng tên bùi nhùi bắn hàng loạt vào doanh trại, nhân lúc trời hanh heo gây cháy hết nơi này đến nơi khác, khiến lòng quân sinh rối.
Từ khi Thoát-hoan sai Phàn Tiếp đem thêm quân và thuyền bè đi tăng viện cho Ô-mã-nhi để đuổi bắt bằng được các vua nhà Trần, Trấn Nam vương chỉ giữ bên mình một phần ba số quân thủy cùng thuyền bè để tiện sai khiến hoặc khi cần chuyển quân qua sông sẽ bớt đi trở ngại.
Thoát-hoan về Thăng Long giao cả vùng Vạn Kiếp cho Áo-lỗ-xích thống lĩnh vẫn không quên dặn viên phó tướng phải đốc quân ngày đêm đóng mới thuyền bè để dự phòng, để bù vào chỗ hao hụt trong khi giao tranh.
Ô-mã-nhi, Phàn Tiếp đã gắng hết sức mình vẫn chưa làm được điều Thoát-hoan cũng như Hốt-tất-liệt trông đợi, trong lòng hai viên dũng tướng này luôn tỏ ra áy náy. Khi thuyền ra gần đến cửa biển, Ô-mã-nhi chợt hỏi:
- Phàn tướng quân, ông thử đoán cha con Nhật Huyên và Hưng Đạo trốn chạy nẻo nào? Chúng vào Thanh Hóa, Champa hay chúng lại trở về Vân Đồn chiêu tập đám quân thất tán rồi đánh vào Vạn Kiếp? Chúng ta phải phán đoán thật thấu đáo và phải quyết ngay cho các viên đô đốc biết hải trình.
Một thoáng ngẫm nghĩ, Phàn Tiếp đáp:
- Thưa tướng quân, quyền nguyên soái trong tay, ngài quyết thế nào tôi cũng xin theo. Nhưng chắc cha con vua Trần và Hưng Đạo chưa bỏ cuộc đâu. Nếu họ trốn vào Champa có khác chi bỏ nước cho ta. Như vậy cũng có khác chi Giao Chỉ đầu hàng. Cho nên cái ý nguyên soái dự phỏng họ chạy về Vân Đồn, tập hợp lại lực lượng để đánh vào Vạn Kiếp là có lý. Vì vậy ta nên càn quét vùng Tháp Sơn, qua cửa Đại Bàng, sau đó trở lại Vân Đồn xem Trương Văn Hổ đã tới chưa, nhân tiện tảo thanh quân nó xong, ta qua nẻo An Bang vào cửa Bạch Đằng rồi ngược Vạn Kiếp. Ta quét một vòng như thế tất sẽ gặp giặc ở chỗ này chỗ khác. Chỉ có thế ta mới có cơ hội vặt trụi lông cánh Hưng Đạo, buộc cha con vua Trần phải ra hàng Trấn Nam vương, công việc bình định của thiên triều mới sớm kết thúc để còn chia nước nó thành quận huyện mà cai trị.
Nghe Phàn Tiếp nói có lý, Ô-mã-nhi bèn hạ lệnh cho đại đội binh thuyền giong buồm qua hướng bắc. Một đoàn mấy trăm chiến thuyền khi còn đi ở trong sông thì trùng trùng điệp điệp nom như binh tướng nhà trời, thế mà khi ra biển lại lọt thỏm giữa mênh mông trời nước chẳng khác chi một đám bèo trôi dật dờ.
Đang mùa gió bắc, thuyền lại đi về hướng bắc nên ngược gió thuyền cứ phải chạy vát để buồm hứng gió, cả mấy trăm chiến thuyền cứ lăng xăng kiếm gió, xa trông như một bầy bướm vỡ đàn. Và vì ngược gió nên đoàn binh thuyền đi có vẻ lờ đờ chậm chạp.
Khoảng một ngày sau khi binh thuyền của Ô-mã-nhi quay đầu về hướng bắc, trên đỉnh ngọn tháp Tường Long[76] những người lính canh phòng trên vọng hải đài này nhìn thấy màu sắc cánh buồm lờ mờ hiện lên từ rất xa. Tin được loan báo rất nhanh bằng đường ngựa trạm về đại bản doanh của Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương.
Trong trướng hổ nhận được tin đại quân giặc sắp tới, Hưng Đạo mỉm cười:
- Thế là ta đã dụ được nó ra khỏi hang ổ. Và ông sai triệu các tướng đến nhận mệnh.
Lát sau thượng tướng Trần Nhật Duật, đại tướng Phạm Ngũ Lão cùng tướng Đỗ Hành và nhiều đô tướng khác đã có mặt đầy đủ.
Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương ban lệnh:
- Binh đội của Ô-mã-nhi đi ngược gió, chắc phải quá giờ thân mới ló vào khu vực biển Tháp Sơn của ta. Số thuyền giặc ước tính từ ba tới bốn trăm chiếc chở theo từ hai muôn đến hai muôn rưởi quân. Chúng đang hùng hổ đi tìm diệt quân ta, lòng đầy kiêu ngạo nên ít đề phòng. Vậy bắt đầu từ hôm nay ta tuyên lệnh khai chiến với giặc, mở đầu cho công cuộc đánh bại giặc hoàn toàn. Trận này chủ đích của ta không phải tiêu diệt hoàn toàn mà chỉ tiêu diệt một phần binh lực của giặc. Chiêu Văn vương lĩnh bảy ngàn quân với sáu chục chiến thuyền, Phạm Ngũ Lão, Đỗ Hành mỗi tướng đem theo năm ngàn quân với năm chục chiến thuyền. Nói tới đây Hưng Đạo liền chỉ vào tấm bản đồ treo trên vách, ngài lấy đầu que chỉ vào những chấm đen rải rác - đó là những trái núi đá mọc trơ trọi giữa biển cả mênh mông rồi cho các tướng bàn bạc về cách bày trận và phép đánh hỏa công trên biển. Khi mọi người bàn bạc đã thấu đáo, đã lãnh hội được ý đồ của vị chủ tướng thì trở về ngay quân doanh và đưa đại đội binh thuyền đi chiếm lĩnh trận địa.
Bữa nay lại đúng ngày triều cường, nước lên khoảng từ giờ mùi nên gió đông bắc thổi càng mạnh, thuyền của ta ra đi cứ nhẹ tênh còn thuyền của giặc ngược gió di chuyển khá chậm chạp, mãi gần cuối giờ dậu thuyền giặc mới ló vào khu biển địa đầu của vùng Tháp Sơn.
Trời tối, mặt biển đen sì, bầu trời le lói mấy vì sao thưa thoáng, trăng đầu tháng mảnh như chiếc lưỡi liềm treo chênh chếch phía lưng trời tỏa ra một thứ ánh sáng yếu ớt vừa đủ soi cho chính nó. Đúng lúc đó các binh thuyền của ta xuất kích. Binh đội hải thuyền của Trần Nhật Duật xông thẳng vào chính diện đại đội binh thuyền của Ô-mã-nhi. Đánh móc vào sườn bên tả là binh đội của tướng Trần Toàn, đánh xéo vào sườn bên hữu là binh đội của tướng Phạm Ngũ Lão. Mỗi mũi đều có mười chiếc thuyền nhỏ hơn thuyền chiến chất đầy cỏ khô rắc diêm tiêu và mỗi thuyền gài tới cả trăm quả pháo đại. Trên mỗi thuyền lèn đầy chất cháy đó căng tới ba cánh buồm và chỉ có năm thủy thủ dũng mãnh bơi lặn như rái cá và cũng là những tay cung thủ vào loại bách bộ xuyên dương[77] tinh thông các ban võ thuật.
Trời tối mịt mờ, thuyền quân ta xuất kích giặc không hề biết. Khi cách nhau chỉ còn khoảng một dặm, giặc mới phát hiện phía trước có thuyền đang băng băng lao tới.
Ô-mã-nhi sai các tay cung thủ dàn hết lên phía trước nhất loạt bắn đứt dây lèo cho các thuyền kia phải đổi hướng. Nhưng trời tối, giặc sao có thể nhắm trúng dây lèo. Vả lại thuyền nhẹ, gió thuận, buồm căng và khi chỉ còn cách thuyền giặc độ non trăm sải tay, cả ba chục chiếc thuyền từ ba hướng đều nhất loạt phóng hỏa, tất cả bùng lên như một bể lửa lao thẳng vào binh thuyền giặc khiến Ô-mã-nhi, Phàn Tiếp bất khả kháng. Các dũng sĩ đều nhảy xuống nước bơi trở lại phía quân ta. Mấy trăm thuyền giặc hoảng sợ chạy loăng quăng tránh lửa va vào nhau chiếc quay dọc chiếc quay ngang trở nên ngáng đường nhau. Những chiếc thuyền ở vòng ngoài tiếp giáp với các thuyền lửa của ta đều bốc cháy. Nhất là khi nghe những tiếng pháo đại nổ liên tiếp như sấm sét từ trời cao giáng xuống, khiến quân giặc trên các thuyền bị cháy đều hốt hoảng nhảy xuống biển. Phần nhiều trong số đó bị chết chìm bởi chúng bơi lội kém lại trong lúc hoảng loạn chỉ níu lấy nhau mà chết chìm, đứa nào ngoi lên mặt nước lại bị các thuyền cháy làm bỏng, bơi vài sải tay là đuối sức rồi chìm dần.
Nhân lúc thế trận giặc rơi vào rối loạn, ba mũi quân ta xốc tới, ào ạt nhảy lên thuyền giặc chém giết tơi bời. Các chiến sĩ của ta đã đem tất cả sự căm thù và phẫn nộ dồn hết vào dây cung, mũi giáo khiến trận đánh bất ngờ nổ ra như sấm sét, giặc không chống đỡ nổi. Chừng nửa canh giờ sau, tất cả đại đội binh thuyền của ta lùi ra và giương buồm tiến về hướng nam, thuận gió thuyền đi nhanh như ngựa phi nước đại. Giả như giặc có muốn đuổi theo quân ta cũng không biết hướng nào mà đuổi.
Trong trận đánh táo bạo này, quân ta đốt cháy được hơn bảy chục chiến thuyền của giặc, chúng tự đâm vào nhau, va đập vào nhau khiến thuyền gãy, vỡ chìm mất hơn năm chục chiếc nữa. Số giặc nhảy lên thuyền ta, bị quân ta chém còn hơn chục chiếc đầu lâu rơi trong thuyền của ta, và nhân khi chúng leo lên, ta bắt sống tống vào các khoang nhốt tù cũng được hơn trăm đứa. Không tính được số giặc chết là bao nhiêu, nhưng mấy ngày sau xác giặc nổi thành bè, trôi dạt vào bờ kể có ngàn tên. Phía quân ta ngoài ba chục chiếc thuyền lửa bị cháy tiêu cũng mất hơn chục chiếc nữa bị gãy chìm trong khi lao thẳng vào thuyền giặc, binh sĩ của ta vừa chết vừa bị thương cũng tới vài trăm. Sau trận đánh thắng oanh liệt, ta chỉ dùng số quân và số thuyền bằng một phần ba binh lực của giặc, nhưng đã đánh cho giặc không biết đằng nào mà kháng cự, do vậy tinh thần quân ta hào hứng lên cao chưa từng thấy.
Sau trận kịch chiến Ô-mã-nhi, Phàn Tiếp thoát chết là nhờ chúng dày dạn kinh nghiệm chiến trường, tẩu rất nhanh khỏi nơi hỏa điểm, Và sau khi quân ta rút đi rồi, giặc vẫn chưa thoát được ra khỏi vùng chiến sự. Mãi gần sáng chúng mới tập hợp được nhau, chấn chỉnh đội ngũ, phiên chế lại thuyền bè. Tính ra có gần bốn trăm chiến thuyền lúc rời khỏi Long Hưng, nay kiểm lại chỉ còn linh ba trăm chiếc, số thuyền hao hụt và số quân chết cũng tương ứng nhau. Sự thiệt hại thật không ngờ. Quân An Nam cũng táo tợn không thể ngờ được.
Phàn Tiếp mở bản đồ rồi chỉ vào nơi chiến sự vừa diễn ra, y nói: - Quân An Nam phục ở chỗ này. Chỗ này gần cửa Đại Bàng. Liệu ta có nên đem quân trở lại Vân Đồn để tảo thanh quân nó, nhân thể đón Trương Văn Hổ như dự định của nguyên soái?
Suy ngẫm giây lát, Ô-mã-nhi đáp:
- Phàn tướng quân nhận định về quân An Nam thế nào? Từ bữa vào đất nó, ta cứ tưởng nó không còn sức kháng cự nữa. Vậy mà tối hôm qua nó xuất hiện cứ như nó là thiên binh từ trên trời đáp xuống.
- Nguyên soái nghĩ thế nào về quân An Nam chứ tôi thấy không thể coi thường mưu lược của Hưng Đạo được đâu. Trong khi ta tưởng quân nó kiệt quệ, vua tôi nó sắp phải ra hàng thì đùng một cái nó hiện ra thật bất ngờ và cũng thật là táo bạo.
- Ta chưa bao giờ chê Hưng Đạo là tướng bất tài, trái lại ông ta luôn làm cho ta ngạc nhiên. Ta những mong bắt sống ông ta đem về nộp thiên tử, việc đó xem ra còn khó hơn cả “Đường Minh Hoàng du Nguyệt điện”[78]. Vậy ta lưu ý ông từ nay không được coi thường quân An Nam.
- Thưa nguyên soái, hẳn ông còn nhớ trong buổi thiên tử thết yến các tướng Nam chinh trước khi xuất phát, ngài đã dặn rất kỹ rằng: “Không được coi thường Hưng Đạo” và “Chớ thấy Giao Chỉ là nước nhỏ mà khinh thường”.
- Phải, ta nhớ, - Ô-mã-nhi xác nhận. Và y cũng nhớ lại cuộc chiến năm Ất Dậu suýt nữa y đã bị quân An Nam bắt sống trước cửa Hàm Tử. May ta cướp đường chạy thoát được ra biển còn Toa-đô thì bị mất đầu.
Trong khi đó thì Hưng Ninh vương Trần Tung, anh ruột Trần Hưng Đạo, anh họ của Nhật Huyên đưa hết thư này đến thư khác hẹn ngày vua nó ra hàng. Sự thật ta không tin lắm vào lời lẽ của nó. Nhưng sao nó nói tình thế thống thiết gần như là một sự thành thực, khiến ta không thể không tin. Ta trách nó sai hẹn thì nó bảo muốn tự mình ra mắt Trấn Nam vương mà cứ bị quan quân truy đuổi. “Nếu ra hàng trong lúc bị truy đuổi sợ Trấn Nam vương cho rằng vì bức bách mới phải ra hàng chứ không thực lòng quy thuận”. Nó nói thế ai chẳng mủi lòng. Nhưng chẳng lẽ vì lời nói ngọt ngon đó mà ta bắt các tướng phải án binh bất động sao. Thôi được, ta vừa truy bắt vừa chờ vua tôi nó thực lòng quy thuận.
Ô-mã-nhi sau khi bàn bạc với Phàn Tiếp suy đi xét lại quyết định không qua Vân Đồn nữa mà về thẳng An Bang để vào cửa Bạch Đằng rồi ngược Vạn Kiếp xem Áo-lỗ-xích có tin tức gì mới không.
Khi đại đội binh thuyền của Ô-mã-nhi kéo tới gần cửa An Bang thì đã non nửa chiều rồi.
Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư cho quân phục sẵn chờ giặc từ lâu. Nay chúng mới tới, thật là một cơ hội tốt cho các tướng lập công. Nguyễn Khoái, Nguyễn Chế Nghĩa từng tham gia đánh tan đoàn quân tải lương của Trương Văn Hổ, nay lại có mặt ở đây chờ bắt Ô-mã-nhi.
Mặc dù trận chiến khốc liệt vừa diễn ra ở gần cửa Đại Bàng hôm trước, nhưng sao bữa nay lại có vẻ thanh bình làm vậy. Bầu trời xanh và cao thăm thẳm, nắng xuân chợt lóe hoe vàng, chim hải âu chao liệng trắng trời, bên mạn thuyền cá heo bơi lội từng đàn nhưng khi quân giặc vừa ném cơm, ném bánh xuống biển với những lời cầu khấn thiêng liêng thì chúng lại bỏ đi hết, không một con nào thèm đớp mồi. Lạ thay!
Đoàn hải binh giặc với hơn ba trăm chiến thuyền, buồm nào buồm ấy no gió căng phồng đi phăng phăng như ngựa chạy, thoạt trông có vẻ oai hùng, nhưng nhìn kỹ mới thấy nó xộc xệch, cờ xí nhiều lá đã rách bươm, thứ đến là buồm, nhiều lá đã rách vá hai ba màu vải. Ngay cả những chiếc thuyền to đùng kia nhiều chiếc cũng rệu rã, sàn ván gãy, thủng lỗ chỗ bởi qua các trận giao tranh, trận nào quân Nguyên cũng thiệt hại đáng kể mà chúng vẫn chưa kịp tu bổ hoặc thay thế. Và trận nào quân nó cũng chết la liệt. Có điều rằng quân giặc đông quá, nó lúc nhúc như những đám giòi bọ, vì vậy nếu nó có chết tới cả mấy ngàn, thậm chí cả chục ngàn tên thì cũng chẳng hề hấn gì. Vả lại có chết cũng chỉ là chết đám quân người Hán, một thứ dân nô lệ bị bắt đi lót đường hoặc làm bia che đỡ tên đạn cho quân Mông Cổ.
Đoàn chiến thuyền vẫn nghênh ngang đi trên mặt biển của ta như đi trên ao nhà của nó. Bỗng một tiếng nổ đanh như tiếng sét, rồi từ bên sườn mấy trái núi quanh đó cả trăm chiến thuyền của tướng Nguyễn Khoái xông ra cắt ngang khúc đuôi của đoàn thuyền giặc, chặn lại khoảng trên dưới một trăm chiếc.
Tiếp đó ở phía sau, tướng Nguyễn Chế Nghĩa cũng đưa quân phục với cả trăm chiến thuyền hợp với quân của Nguyễn Khoái tạo thành một vòng tròn quây lấy giặc mà đánh. Thuyền giặc thuận gió vẫn cứ chạy băng băng. Những chiếc đi sau cùng thoát chết truyền được tin tức lên thuyền chỉ huy của Ô-mã-nhi, Phàn Tiếp mãi tít trên đầu thì đoàn chiến thuyền đã đi quá xa nơi đoạn đuôi bị quân Đại Việt cắt lại. Cái khó cho nguyên soái Ô-mã-nhi là không thể lập tức quay mũi thuyền lấy hậu quân làm tiền quân cự địch được, vả lại thuyền ngược gió, khi đưa quân trở lại thì mọi sự chẳng còn cứu vãn được nữa. Ô-mã-nhi quyết định không quay lại cứu hậu quân, đó là một quyết định đau lòng nhưng cũng là một quyết định sáng suốt của một tên tướng dạn dày kinh nghiệm chiến trường. Vì rằng quân ta dùng lực lượng đông áp đảo để siết giặc trong vòng vây khốc liệt và quân ta từ các vị tướng đến người lính trơn đều nuôi chí diệt thù, trong khi đó quân giặc phần lớn là người Hán, là lính đánh thuê, vả lại vừa chết hụt trong trận thủy chiến ngày hôm trước, nên chúng chỉ đánh trả cốt tìm đường tháo chạy. Khi bị quân ta siết chặt vòng vây, khí thế hừng hực, giáo gươm tua tủa, quân hét, trống thúc vang ầm như mặt biển đang nổi sóng thì giặc co cụm lại rồi đầu hàng.
Huyết Chiến Bạch Đằng Huyết Chiến Bạch Đằng - Hoàng Quốc Hải Huyết Chiến Bạch Đằng