TV. If kids are entertained by two letters, imagine the fun they'll have with twenty-six. Open your child's imagination. Open a book.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Chu Sa Lan
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2187 / 23
Cập nhật: 2017-05-19 13:25:55 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13 -
oài bước song song với Tiên Sa vào cổng trường trung học Phan Thanh Giản. Hôm nay là ngày niêm yết danh sách thí sinh trúng tuyển kỳ thi trung học đệ nhất cấp. Vì ngại tới vào lúc đông người nên hai đứa đợi xế chiều mới đi dò tên. Trường vắng lơ thơ năm ba học sinh. Tiên Sa nắm tay Hoài thật chặt như sợ mình không có tên trên danh sách.
- Hoài dò dùm Tiên Sa đi...
Tiên Sa nhắm mắt không dám nhìn trong lúc Hoài liếc nhanh danh sách tới vần L mới dừng lại. Cái tên Lê Thị Tiên Sa sinh ngày 3 tháng 1 năm 1945, nơi sinh Châu Bình hiện rõ trên tờ giấy trắng tinh. Nhìn thấy chữ Bình, Hoài lẩm bẩm:
- Tiên Sa giỏi hơn mình...
- Có tên không Hoài?
- Không... Không có tên của Tiên Sa mà có tên của cô nào lạ hoắc sinh ngày 3 tháng 1 năm 1945 ở Châu Bình. Cô này học dở lắm nên chỉ đậu hạng bình...
Tiên Sa mở mắt nhìn theo tay chỉ của Hoài. Nở nụ cười sung sướng nàng bấu vai người bạn tình.
- Mắc dịch... Làm người ta sợ muốn đứng tim...
- Tiên Sa nên tập đứng tim đi bởi vì Hoài sẽ hôn tới năm chục cái lận...
- Không chịu đâu... Mỗi lần một cái thôi...
Tiên Sa càng thêm vui mừng khi thấy tên của mấy người bạn thân như Hương, Hạnh, Thùy Dương, Linh và Quỳnh trên danh sách.
- Mình phải ăn mừng Tiên Sa thi đậu hôm nay...
- Thôi ăn hàng hoài tốn tiền lắm. Mình đi chợ rồi về nhà nấu cơm ăn nghe Hoài...
Biết tính của Tiên Sa nên Hoài không cãi. Trong lúc người bạn tình nấu cơm Hoài xem xét lại chiếc xe đạp vì sáng mai hai đứa sẽ đi Mỏ Cày và Thạnh Phú.
Bến bắc Hàm Luông khá nhộn nhịp bởi vì nó là cửa ngõ để thông thương với ba quận nằm phía bên kia sông. Hai đứa đứng ngắm dòng sông nước đục và chảy xiết. Lục bình xếp hàng trên sông. Hoài cười khi thấy Tiên Sa diện. Quần lụa đen. áo sơ mi trắng dài tay xắn lên khỏi cùi chỏ, giầy ba ta trắng, lưng mang cây đàn nàng giống như một nghệ sĩ lang thang đang chờ đò qua sông.
- Em đi Thạnh Phú hả?
Quay lại khi nghe có tiếng người hỏi ở sau lưng mình Hoài thấy một thanh niên lớn tuổi mặc quần tây với áo sơ mi bốn túi và mang giày da. Anh trông có vẻ nửa tỉnh nửa quê. Tóc cắt ngắn, nụ cười hiền hậu dễ gây cảm tình với kẻ khác.
- Dạ... Hai đứa tôi đi Mỏ Cày. Anh cũng về Mỏ Cày?
Liếc Tiên Sa đang đứng ngóng trời thanh niên hỏi:
- Hai em chắc ở Sài Gòn?
- Dạ tụi tôi ở Sài Gòn về thăm quê ngoại ở Giồng Trôm. Tụi này đi Mỏ Cày thăm người bạn...
Biết đôi trai gái này là dân thành thị thanh niên tỏ ra niềm nở và thân thiện hơn.
- Lạ đường vậy hai em cứ đi theo anh... Nhà anh ở Thạnh Phú. Anh tên là Thường... Anh mời hai em xuống nhà anh chơi...
- Tôi tên Hoài còn cô bạn của tôi tên Tiên Sa...
- Cha... Cô đẹp mà tên ngộ quá...
Nghe người thanh niên la khen Tiên Sa quay nhìn Thường.
- Dạ cám ơn anh... Sông lớn như vầy mà chiếc ghe nhỏ xíu rủi chìm rồi mình làm sao anh?
- Đò này không phải là đò mình đi đâu Tiên Sa. Đò mình đi lớn hơn nhiều. Nó chở mấy chục người và thêm cả xe đạp với xe gắn máy nữa. Tiên Sa thấy chiếc đò đó không?
Hoài và Tiên Sa nhìn theo tay chỉ của Thường. Hai đứa thấy chiếc ghe thật lớn với máy kêu xình xịch và nhiều khói đen ra nơi sau lái.
- Mình sẽ ngồi đò đó tới rạch Bàng Cung rồi đạp xe về quận Thạnh Phú. Nếu như hai em muốn đạp xe đạp thời ngồi đò qua bên kia sông lên Chợ Xép sau đó đạp xe xuống Mỏ Cày rồi về Thạnh Phú...
Hoài nhìn Tiên Sa:
- Anh Thường mời hai đứa mình xuống Thạnh Phú chơi một hai ngày. Tiên Sa chịu không?
- Tiên Sa không biết... Hoài đi đâu Tiên Sa theo đó...
Thường cười cười. Anh biết đôi trai gái này là tình nhân với nhau. Chỉ cần nhìn cách ăn mặc anh biết họ thuộc con nhà khá giả. Nhất là cô gái. Dù không tô son điểm phấn nhưng cô ta diện quần áo đắt tiền và mode cộng thêm chiếc đàn guitar đeo sau lưng khiến cho cô gái có dáng vẻ văn nghệ. ngộ nghỉnh và dễ thương.
- Chắc anh đi làm việc trên tỉnh?
- Không... Nhà anh ở Thạnh Phú. Lúc còn đi học ở Mỹ Tho anh có quen một cô bạn học. Tụi này quen nhau cả năm rồi nên cũng muốn tính chuyện lấy nhau. Anh lên gặp Mỹ để định ngày đám hỏi...
- Chị Mỹ chắc đẹp lắm hả anh?
Thường cười vì câu hỏi của Tiên Sa.
- Cũng thường thôi em... Nhưng được cái hiền lành và đức hạnh...
- Người ta bảo cái nết đánh chết cái đẹp mà anh...
Thường vổ vai Hoài.
- Hoài còn trẻ mà sâu sắc lắm... Hoài học lớp mấy rồi?
- Dạ... Hết hè này tôi sẽ vào đệ nhị thưa anh...
- Giỏi lắm... Ráng học để sau này làm ông tú, ông cử với người ta...
- Tôi học đâu có giỏi bằng Tiên Sa. Đổ trung học hạng bình đó anh...
Thường trợn mắt nhìn Tiên Sa.
- Bình thì hách thật... Anh thi trung học chỉ đậu thứ thôi là mừng húm. Về nhà má giết heo giết gà vái tạ ông bà độ dùm...
Tiên Sa cười thánh thót vì câu nói đùa của Thường.
- Thôi đi... Mình xuống sớm kiếm chỗ tốt ngồi để cho hai em ngắm cảnh đồng quê...
Hoài trả tiền đò cho hai đứa nhưng anh Thường gạt đi bảo là anh đã trả rồi. Hoài nài nỉ thời anh cười nói:
- Tiền bạc mà nhằm nhò gì em... Gặp hai em anh vui vì có người nói chuyện...
- Dạ cám ơn anh...
Hành khách lục tục xuống. Lát sau chiếc đò lớn đầy đặc người ngồi. Chiếc đò phăng phăng rẻ sóng băng qua bên kia sông. Gió mạnh. Sóng vổ vào mạn thuyền văng bọt tung toé. Tiên Sa nắm chặt tay Hoài. Mặt hơi tái nàng thì thầm.
- Hoài ơi... Tiên Sa sợ...
- Không sao đâu Tiên Sa...
- Coi vậy chứ không có sao đâu em. Anh đi đò hoài mà chưa bao giờ bị chìm...
- Chìm đò rồi mình phải làm sao anh Thường. Lội hả?
Hoài cười.
- Nước chảy như vầy mà lội gì Tiên Sa. Ngay cả Yết Kiêu cũng chịu thua luôn...
- Yết Kiêu là ai vậy Hoài?
- Là một gia tướng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Không những giỏi võ Yết Kiêu còn có biệt tài về lặn lội. Người ta đồn ông ta có thể lặn sâu dưới nước cả ngày. Tiên Sa biết Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là ai không?
Tiên Sa lườm người bạn tình của mình.
- Biết sao không biết. Hưng Đạo Vương là vị anh hùng của nước ta từng ba lần đánh bại quân Mông Cổ...
- Giỏi... Hoài tưởng Tiên Sa không biết là lấy lại bằng trung học liền...
- Bằng trung học của Tiên Sa là do bộ giáo dục cấp chứ bộ của Hoài cho sao mà đòi lấy lại của người ta... Mắc cở...
Tiên Sa thúc cùi chỏ vào hông người bạn tình.
- Ui da... Gãy be sườn rồi...
- Xạo... Hoài cọp vật còn chưa chết mà bị thúc cùi chỏ một cái nhẹ hều đã la om xòm...
Thường cười khi nghe đôi trai gái ăn miếng trả miếng và đùa giỡn với nhau.
- Vùng này sông rạch chằng chịt chắc dân chúng sinh sống bằng nghề đánh cá phải không anh Thường?
- Tiên Sa đoán đúng... Người có nhà ven sông thời sinh nhai bằng nghề đánh cá, còn ở sâu trong đất liền thời trồng lúa hoặc trồng trái cây. Ở quận Thạnh Phú vì gần biển nên chỉ trồng lúa...
- Người ta ở có đông không anh?
- Tại quận thời đông đúc hơn còn ngoài xa thời ít hơn...
- Toàn quận chừng bao nhiêu người anh biết không?
Thường cười nhìn Tiên Sa:
- Có chuyện gì mà Tiên Sa hỏi tỉ mỉ vậy?
- Dạ em viết bài gởi đăng báo ở Sài Gòn...
Thường trợn mắt nhìn cô bé với vẻ ngạc nhiên.
- Viết báo hả... Phải văn chương chữ nghĩa giỏi lắm mới viết báo được à nghe... Anh không biết dân ở Thạnh Phú được bao nhiêu nhưng đoán là khá đông...
- Theo thống kê năm 1960 của Nha Địa Dư thời diện tích của quận Thạnh Phú hơn 400 cây số vuông và dân chúng chừng 60 ngàn người thành ra mật độ khoảng 150 người trên một cây số vuông... Cũng theo thống kê này thời tỉnh Bến Tre có diện tích chừng 2300 cây số vuông được chia ra một thị xã và bảy quận là Trúc Giang, Ba Tri, Giồng Trôm, Bình Đại, Chợ Lách, Mỏ Cày và Thạnh Phú... Thạnh Phú là quận lớn nhất của tỉnh Bến Tre...
- Phải hôn... Làm sao Hoài biết?
- Quê hương của anh mà sao anh không biết... Anh còn biết là chính phủ của mình sẽ đổi tên tỉnh Bến Tre thành ra tỉnh Kiến Hoà...
- Kiến Hoà nghe không hay bằng Bến Tre... Tiên Sa thích tên cũ hơn...
Thường phụ họa.
- Anh đồng ý với Tiên Sa. Bến Tre nghe êm đềm hơn. Bến là nơi mà mình trở về để nghỉ ngơi sau một chuyến đi xa, giống như những đứa con đi làm ăn xa trở về nhà để tìm lại sự bình yên êm ả của lòng mình...
- Anh Thường cũng văn chương ra rích đâu có thua ai...
Tiên Sa cười khen người bạn lớn tuổi tình cờ gặp nơi bến đò Hàm Luông. Hoài nhìn Tiên Sa và Thường.
- Sở dĩ người ta thay tên Kiến Hoà là vì lý do chính trị và tâm lý. Đó là sự cố gắng kiến tạo một nền hoà bình cho dân chúng trong toàn tỉnh Bến Tre. Cái ý đó thời cũng tốt nhưng thực hành được hay không là chuyện khác...
Sau câu nói trên ba người im lặng không nói chuyện nữa. Sau khi ngừng ở Chợ Xép đò bắt đầu xuôi dòng. Hoài mơ màng nhìn ra mặt sông rộng. Nước chảy phăng phăng. Lục bình trôi từng dề lớn. Hoa lục bình tim tím. Sóng nhấp nhô. Dường như đâu đây có tiếng bìm bịp kêu nước lớn nghe thật buồn. Âm hưởng của nhiều chữ bịp... bịp... được lập lại dài lê thê. tan loãng trong gió. lất lây trên mặt nước đục ngầu phù sa.
- Tiên Sa biết bài thơ này không?
Tiên Sa trả lời liền như đã có sẵn ý nghĩ trong đầu.
- Biết... Phải bài thơ này hôn:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngã
Củi một cành khô lạc mấy dòng...
Hoài nhìn Tiên Sa. Cô học trò tỉnh lỵ đọc thấy trong mắt người bạn tình nỗi thương yêu chất ngất. đam mê vô hạn và kính phục thầm lặng. Bằng thông cảm tuyệt vời của tình yêu nàng đã đọc ý nghĩ của người bạn tình. Điều đó khiến cho Hoài mừng vui. ngạc nhiên. thích thú.
- Tri kỷ tìm nhau mắt đã mờ phải không Hoài...
Tiên Sa cười nháy mắt. Hoài gật đầu trầm tư.
- Có phải em vừa đọc bài thơ của Huy Cận không?
Tới phiên Hoài và Tiên Sa ngạc nhiên khi nghe Thường hỏi.
- Dạ đúng... Thưa anh bài thơ có tên Tràng Giang...
Tiên Sa cười trả lời. Giọng đọc thơ của Thường vang rời rạc. buồn buồn.
- Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vẳng chợ chiều
Nắng xuống chiếu lên sâu chót vót
Sông dài trời rộng bến cô liêu...
Hoài và Tiên Sa nhìn nhau cười. Hai đứa biết mình đã gặp được một kẻ đồng điệu trong chuyến viếng thăm quê hương. Cái chất văn nghệ của một người sinh trưởng nơi sông nước, ruộng vườn của Thường đã lộ ra khi gặp người đồng điệu với mình.
- Hồi còn đi học Phan Thanh Giản ở Bến Tre anh và mấy người bạn cũng đàn hát. thơ văn đủ thứ. Sau khi thi trung học xong thời mỗi người một ngã. Nhiều khi cũng nhớ...
- Anh biết đàn không?
- Thổi sáo... Tối nay hai đứa về nhà anh rồi tụi mình đàn hát với nhau...
- Gì chứ đàn hát là Tiên Sa chịu liền...
Hoài cười nói với Thường. Con đò ghé vào bờ cho hành khách lên rồi lại chạy tiếp. Càng gần cửa biển dòng sông càng rộng ra. Dường như gần tới thủy triều lên nên nước chảy chậm hơn. Gió thổi mạnh hơn. Lá cờ vàng ba sọc đỏ treo đằng sau lái tàu bay phần phật. Khoảng mười giờ đò bỏ sông Hàm Luông đi vào con rạch lớn với nhiều nhà cửa cất dọc theo hai bên. Hành khách lên bờ gần hết chỉ còn độ chục người.
- Mình sẽ lên bờ ở đằng kia để anh lấy xe đạp. Hoài đạp xe theo anh về quận...
Thường chỉ tay về xóm nhà xa xa. Lát sau đò ghé vào một xóm nhỏ khá đông dân cư. Ba người lên bờ. Chở Tiên Sa ngồi sau Hoài thong thả đạp xe trên con lộ trải đá đỏ.
- Hoài ơi...
Hai tay vòng ngang hông người bạn tình và từ từ xiết chặt lại Tiên Sa thì thầm. Hơi thở nồng ấm của nàng phà lên cổ khiến cho Hoài rùng mình.
- Tiên Sa...
- Dạ...
- Tiên Sa biết đi xe đạp không?
- Biết...
- Tiên Sa đạp xe đạp chở Hoài đi...
- Chịu...
Hoài ngừng xe lại. Tiên Sa ngồi lên yên. Hoài ngồi sau. Xe lảo đảo giây lát rồi lấy lại thăng bằng.
- Hoài làm gì vậy?
Tiên Sa nói trong tiếng cười ròn rã. Hoài nhe răng cắn nhẹ vào vai khiến cho Tiên Sa phải hét lên.
- Ê... Đừng làm bậy nha... Tiên Sa lủi xuống ruộng bây giờ...
Hoài cười lớn.
- Lủi đi... Có gì thời mình chết chung...
Thường mỉm cười khi nghe đôi bạn trẻ cười nói sau lưng mình.
- Cảnh ở đây khác với Châu Bình của mình hả Tiên Sa...
- Ừ... Ở đây trống trải và quang đãng hơn vì không có vườn dừa... Ruộng lúa xanh đẹp vô cùng...
Từ An Khương về quận không xa lắm nên không đầy một tiếng đồng hồ ba người đi vào khu dân cư đông đúc. Ai ai cũng quay nhìn khi thấy cặp trai gái lạ mặt đạp xe đạp. Họ cười vì thấy một cô gái trẻ măng chở cậu con trai bằng xe đạp. Xe qua khỏi khu phố chợ rồi lát sau Thường ngừng trước một ngôi nhà ngói rộng và khang trang, có vườn cây ăn trái bao quanh.
- Nhà nghèo hai em đừng cười...
Tiên Sa nhìn Hoài. Nếu Thường biết được nhà của nàng còn nghèo hơn chắc anh sẽ ngạc nhiên lắm. Hai đứa con trai và ba đứa con gái chạy ùa ra...
- Cậu ba về... Cậu ba có mua bánh cho tụi con không cậu ba...
- Có... Mấy con chào chú Hoài và cô Tiên Sa đi rồi cậu ba cho bánh...
Năm đứa khoanh tay cúi đầu.
- Dạ... Con chào cô chú...
Một người đàn bà tóc bạc, mặc bà ba đen và quần mỹ a đen bước ra.
- Thưa má... Đây là hai bạn con mới quen. Cậu Hoài và cô Tiên Sa đây ở Sài Gòn. Hai em đi thăm Thạnh Phú nên con mời hai em về nhà mình ở vài ngày...
- Vậy hả con... Mời hai cháu ngồi chơi... Để dì bảo mấy đứa nhỏ lấy nước cho hai cháu uống...
- Dạ hai cháu cám ơn dì...
Có tiếng xe gắn máy ngùng nơi cửa rồi chút sau một thanh niên còn trẻ bước vào. Thường cười nói với Hoài và Tiên Sa.
- Đó là Hùng, em út của anh...
- Chào anh ba... Chào cô và cậu...
- Đây là Hoài và Tiên Sa, bạn của anh ở Sài Gòn...
Hùng là một thanh niên cao và gầy, lớn hơn Hoài ba tuổi. Anh học tới lớp đệ ngũ rồi thôi học ở nhà làm việc. Theo lời Thường kể thời ba anh có một nhà máy xay lúa lớn cho nên Thường và Hùng đều làm việc với ba của họ.
Thường đem bản nhạc Thiên Thai chỉ cho Tiên Sa biết cách nhận ra nốt nhạc do, re, mi, fa, sol, la, si và nốt nào tương ứng với các lổ của cây sáo.
Để Tiên Sa học nhạc với Thường Hoài lững thững bước ra đường. Nhà cửa lưa thưa. Con lạch rộng nước trong xanh chạy dọc theo đường đất trắng mịn. Chiếc xuồng vỏ vọt gắn máy đuôi tôm rẻ nước phăng phăng. Đi chừng trăm thước Hoài thấy một ngôi nhà tôn thật lớn nằm sát bên con rạch mà anh đoán là nhà máy xay lúa của gia đình anh Thường.
Quay trở lại nhà Hoài thấy Tiên Sa đang say mê tập luyện tới độ Hoài tới gần cũng không biết.
- Tiên Sa...
- Dạ... Hoài đi đâu vậy. Tiên Sa kiếm mà Hoài đi mất tiêu...
- Chứ không phải Tiên Sa mê dợt đàn tới độ quên Hoài...
Tiên Sa cười ôm eo ếch Hoài.
- Quên sao được mà quên... Hai đứa mình đi bộ ra chợ chụp hình nghe Hoài...
Như một người tình bé bỏng Tiên Sa ôm ngang hông Hoài đi trên con đường ra chợ quận. Mấy người đi trên đường nhìn cặp trai gái rồi xì xầm. Con gái ở đây không có ai dám nắm tay hay ôm con trai đi nghênh ngang trên đường. Hoài và Tiên Sa biết chuyện đó nhưng hai đứa lờ đi. Thấy cây cầu ván bắt ngang con rạch nhỏ Hoài dừng lại. Cạnh đầu cầu có cây dừa cao.
- Hoài chụp Tiên Sa đứng cạnh gốc dừa này chắc đẹp lắm...
Giày bata, quần lụa màu đen, áo sơ mi dài tay được xăn lên khỏi cùi chỏ, Tiên Sa tựa vào gốc dừa. Dáng của nàng thật dễ thương. thật xinh xắn. thật ngộ nghĩnh làm cho Hoài đứng nhìn mê mẩn quên cả chụp hình.
- Hoài ơi... Hoài chụp đi chứ...
Hoài mỉm cười chụp hai lần cho chắc ăn. Hai đứa thay phiên nhau đứng trước ngôi chợ với tấm bảng đề ba chữ " Chợ Thạnh Phú " để chụp hình. Đi vòng vòng chụp hình xong Tiên Sa đòi về nhà Thường để học thổi sáo. Biết tính ham mê của người bạn tình Hoài chiều ý. Hai đứa ngồi bên hông nhà. Trong lúc Tiên Sa dợt đàn Hoài ngồi im mơ tưởng.
- Hoài mơ gì vậy?
- Khu rừng mù u...
- Tiên Sa cũng nhớ rừng mù u của mình... Mai mình lên Mỏ Cày chơi với nhỏ Hạnh rồi về nhà. Hoài chịu hôn?
Hoài cười gật đầu.
- Tiên Sa đàn khiến Hoài mê luôn. Mê tiếng đàn ít mà mê người đàn nhiều hơn...
Tiên Sa ngã đầu vào vai người bạn tình. Hai đứa im lặng lắng nghe tiếng chim hót. tiếng gió rì rào. tiếng đập của trái tim hai đứa thành một nhịp.
Hương Mù U Hương Mù U - Chu Sa Lan Hương Mù U