Nguyên tác: Fleurs De Ruine
Số lần đọc/download: 0 / 18
Cập nhật: 2023-07-22 21:46:19 +0700
Chương 13
C
húng tôi gặp lại ông, hôm sau, vẫn chỉn chu y hệt, vẫn nhẵn lì y hệt trong bộ com lê vải màu be, cùng đôi giày da hoẵng, ông không còn cầm cái va li, mà đeo chéo qua người một cái túi du lịch nhỏ bằng vải thô màu xanh lính thủy của hãng British Airways. Ánh mắt chúng tôi giao nhau, ánh mắt ông cũng vẫn trống trải như lệ thường. Một mình tôi sẽ phải giải cái câu đố mà người đàn ông kia đặt ra. Pacheco. Philippe de Bellune. Với sự trợ sức của hai cái tên ấy, tôi sẽ phải tìm ra các chi tiết khác về ông. Ngay từ hồi đó, để kiếm chút tiền vặt, tôi đã bắt đầu mua đi bán lại những lô sách, nhiều loại phiếu ghi chép, rồi thì đủ bộ các tạp chí. Tôi loay hoay tìm cách khám phá cái tên Bellune và Pacheco nơi tận sâu các danh bạ và báo cũ qua tay tôi, như một người chuyên nhặt rác với cái móc của mình lục lọi trong đống rác thải.
Bằng cách ấy tôi đã thu thập được vài thông tin: Công tước de Bellune cuối cùng từ đằng mẹ là hậu duệ Anh-Bồ Đào Nha qua các gia đình Lemos và Willoughby da Silveira. Chết năm 1907, không có thừa kế nam. Con gái thứ của ông lấy một người tên là Femand-Marie-Désiré Werry de Hults, người Bỉ, nhưng là “bá tước La Mã”, và từ cuộc hôn nhân giữa họ sinh ra hai con trai và một con gái, Éliane. Năm 1919, theo Niên giám thượng lưu Bottin, tất cả họ sống ở một dinh thự tư, số 4 phố Greuze, quận 16. Quả thật, ở cùng địa chỉ đó có nêu tên một người tên là Riclos y Perez de Pacheco và phu nhân, nhũ danh Éliane de Hults. Chắc chắn hai người đó là bố mẹ của Pacheco mà tôi quen. Ngay năm 1927, nếu tin vào các danh bạ, cái gia đình lạ thường ấy đã biến mất khỏi số 4 phố Greuze, không để lại dấu vết. Năm 1953, xuất hiện trở lại một nữ bá tước de Hults-Bellune, ở số 4, phố Dôme và, năm tiếp theo, tại cùng địa chỉ và cùng số điện thoại: Pacheco (bà de). Rồi, không có gì nữa.
Những khoảnh khắc hiếm hoi chỉ có tôi với Pacheco ở nhà ăn, tôi thử mạo hiểm một câu hỏi với hy vọng ông sẽ trả lời và cung cấp cho tôi những thông tin khác về ông.
- Hồi năm 1953, ông hay đến gặp mẹ ông ở phố Dôme chứ?
Khi đó, tôi nhận ra là cú đòn đã trúng đích. Mặt ông chợt tái nhợt đi. Cần phải tận dụng lợi thế đã có.
- Tôi không hiểu cậu đang muốn nói gì.
Ông đang ở thế phòng thủ. Tại sao chi tiết ấy lại khiến ông bị rối trí? Tôi nghĩ đã có một câu trả lời: 1953, 1954... Vấn đề không còn là thống chế Victor tổ tiên của ông nữa. Chúng tôi xích lại gần hiện tại theo lối thật nguy hiểm, cũng xích lại gần luôn một kẻ vô gia cư vận áo măng tô bợt màu và đôi giày dành cho người trượt tuyết cũ nát hồi mùa đông trước đi bộ trên đại lộ Jourdan. Tôi sốt ruột được thấy phản ứng của ông chừng nào tôi nhắc với ông về kẻ đó. Ông có nhảy dựng lên giống như một người sợ cái bóng của chính mình hay không?
Nhiều tuần trôi qua, ông không hề xuất hiện. Có phải công việc của ông giữ ông ở xa Cité universitaire? Tại nhà Các Tỉnh Pháp, tôi hỏi có ai tên là Pacheco có phòng ở đó không. Tại đó người ta không biết sinh viên nào mang cái tên ấy, cũng như bất kỳ người đàn ông trạc ngũ tuần nào, với mái tóc cắt ngắn, vận com lê vải màu be và đi giày da hoẵng. Tối đến, ở nhà ăn, tôi hỏi các thành viên của nhóm nhỏ chúng tôi:
- Không có tin tức gì của Pacheco à?
- Không.
Những người bạn Maroc và Scandinavia của chúng tôi đã chẳng còn nhắc đến ông nữa. Ông dần bị xóa đi khỏi ký ức của họ. Cuộc sống tiếp tục mà không có Pacheco: các buổi chiều và buổi tối trên bãi cỏ lớn, những cuộc dạo chơi trong công viên Montsouris, những bữa tối dưới giàn cây của quán ăn phương Đông trên đại lộ Reille... Rốt cuộc tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ không gặp lại ông nữa. Sự tình cờ đã muốn rằng, trong một lô báo cũ của những năm 1946 và 1948, tôi rơi trúng hai ô báo. Cái thứ nhất nói đến một danh sách những người bị truy nã vì các hoạt động của họ thời Chiếm đóng. Trong số đó có “Philippe de Bellune, biệt danh ‘de Pacheco’, hẳn đã chết hồi năm ngoái sau khi bị nhốt ở trại Dachau”. Nhưng người ta thể hiện nghi vấn về cái chết đó. Hai năm sau, năm 1948, một tờ báo đăng ở phía cuối trang một bản danh sách khác gồm những người bị cáo buộc đã không đến trình diện tại phiên xử của một tòa án, và họ bị truy nã: số ba của danh sách là “Philippe de Bellune, sinh ở Paris ngày 22 tháng Giêng năm 1918, không biết địa chỉ nơi ở”. Điều này muốn nói rằng vào thời điểm ấy cái chết của ông vẫn chưa được xác nhận.
Số phận của một người bị truy nã vì thông đồng với kẻ thù, mà người ta không biết có sống sót sau trại Dachau hay không khiến tôi bối rối. Do kết hợp các hoàn cảnh như thế nào mà ông bị lôi kéo để rơi vào tình thế mâu thuẫn như thế? Tôi nghĩ đến bố tôi, người từng trải qua tất tật những bấp bênh của thời Chiếm đóng và đã gần như chẳng hề nói gì cho tôi biết trước khi chúng tôi chia tay nhau mãi mãi. Và mới chỉ vừa được thoáng nhìn thấy, cả Pacheco cũng đã biến mất đi mà không cung cấp cho tôi lời giải thích nào.