To love is to admire with the heart:

to admire is to love with the mind.

Theophile Gautier

 
 
 
 
 
Tác giả: Émile Gaboriau
Thể loại: Trinh Thám
Biên tập: Vu Duy
Upload bìa: Vu Duy
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 15
Cập nhật: 2020-11-18 15:22:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
au hơn hai mươi năm chung sống với chồng Valentine de La Verberie, nay là bà Fauvel, chỉ phải chứng kiến một nỗi đau thực sự: Năm 1859, mẹ bà mất vì bệnh sung huyết phổi. Từ đó, bà Fauvel thường thích thú nhắc đi nhắc lại rằng bà chẳng bao giờ có lý do nghiêm túc để buồn phiền cả, chẳng bao giờ có dịp phải nhỏ nước mắt.
Quả thực bà chẳng có gì phải mong ước hơn. André vẫn yêu bà như ngày mới cưới. Cuộc sống giàu có thỏa mãn mọi ước muốn của hai vợ chồng. Hai thằng con trai bà, Lucien và Aben, đẹp trai giống mẹ, có lòng hảo tâm và thông minh sắc sảo. Những lúc chồng con vắng nhà thì bà lại có cô cháu gái xinh đẹp nết na làm bầu bạn, đó là cô Madeleine, cháu gái ông Fauvel. Madeleine mồ côi cha mẹ từ khi còn nằm nôi, và bà Valentine đã nhận về nuôi, có thể là để kỷ niệm đứa con trai tội nghiệp bị bỏ rơi ở London. Ngay từ ngày bà nhận Madeleine về, ông Fauvel đã tuyên bố là sẽ mở một tài khoản cho cô bé. Quả thực ông đã gửi vào ngân hàng 10.000 franc làm của hồi môn cho Madeleine. Ông là người không mê cờ bạc, nhưng ông lại có ý thích ngông cuồng là chơi bạc cho Madeleine bằng tiền của cô. Và thế là trong vòng mười lăm năm, số tiền 10.000 franc của cô đã trở thành nửa triệu.
Dần dần, ngay cả những nỗi ân hận của Valentine cũng nguôi đi. Trong không khí cuộc sống hạnh phúc, bà gần như quên hẳn mọi chuyện và lương tâm trở nên thanh thản. Bà đã phải chuộc tội một cách nhẫn nhục, đã chịu đựng biết bao đau khổ khi phải đánh lừa ông André, đến nỗi bà tin rằng bà đã thoát nợ với số mệnh.
Vâng, đúng lúc bà tưởng rằng đã thoát nợ thì một buổi chiều vào tháng Mười một, khi chồng bà có việc phải vắng nhà, anh đầy tớ đưa cho bà một bức thư do một người lạ đem tới và ông ta từ chối không nói tên họ.
Không hề nghi ngờ gì cả, bà xé phong bì đọc ngay:
“Thưa bà,
Có thể trông mong vào lòng hảo tâm của bà để xin bà một cuộc gặp mặt nửa tiếng đồng hồ không?
Ngày mai, trong khoảng từ hai đến ba giờ chiều, tôi sẽ lấy làm vinh dự được có mặt tại dinh thự của bà.
HẦU TƯỚC DE CLAMERAN.”
Rất may là lúc ấy bà Fauvel chỉ có một mình. Một cảm giác hãi hùng như đứng trước cái chết đã bóp nghẹt trái tim người đàn bà khốn khổ khi bà đọc mảnh giấy này. Bà đọc đi đọc lại tới hàng chục lần để tin chắc rằng không phải là mình nằm mơ. Phải mất một lúc lâu sau bà mới trấn tĩnh lại được và bắt đầu suy nghĩ. Bà bắt đầu tự nhủ rằng có gì mà bà phải hoảng hốt như vậy. Chắc chắn bức thư này là của Gaston. Vậy thì việc gì phải sợ? Gaston đã trở về nước và muốn gặp bà. Bà hiểu được ước nguyện ấy của ông. Bà hiểu ông khá rõ nên bà chẳng có gì phải sợ ông cả. Ông trở về thấy bà đã lấy chồng, đã già đi. Họ sẽ trao đổi kỷ niệm cho nhau, bà sẽ trả lại vật trao gửi của ông, và chỉ thế thôi.
Nhưng bà vẫn bị những mối hoài nghi khủng khiếp dằn vặt. Liệu bà có nên nói cho Gaston biết là bà có một đứa con trai với ông không? Thú nhận ư? Như thế có nghĩa là tự nộp mình. Có nghĩa là phó mặc cho một người đàn ông khu xử không những đối với danh dự và hạnh phúc của bà mà còn cả danh dự và hạnh phúc của chồng con bà, mặc dù người đàn ông đó chắc chắn là đứng đắn và lương thiện nhưng vẫn là một người đàn ông.
Im lặng ư? Như thế là phạm một tội lỗi, là tước đoạt tên họ và của cải của bố nó dành cho nó sau khi bà đã từ bỏ nó.
Bà bỏ cơm tối lấy cớ đau đầu và vừa nằm vừa nóng ruột mong đến ngày hôm sau.
Hôm sau, đúng hai rưỡi chiều, của phòng mở ra và anh đầy tớ vào báo:
- Có ngài hầu tước Clameran tới thăm.
Bà Fauvel đã quyết định là sẽ giữ bình tĩnh, Nhưng đến giây phút cuối cùng thì bà không chịu nổi nữa, một nỗi hồi hộp rợn người làm bà ngồi ngây ra trong ghế bành không nói nên lời. Trong khi đó, sau khi kính cẩn cúi chào, ông khách đứng im giữa phòng chờ đợi. Đó là một người đàn ông khoảng năm mươi tuổi, để ria mép và mái tóc điểm bạc, khuôn mặt buồn rầu nghiêm khắc, có vẻ đường hoàng và mặc bộ quần áo đen tao nhã. Bà Fauvel rùng mình nhìn kỹ con người trước mắt xem có nhận ra được nét gì của người mà bà đã yêu đến mức quên mình không. Nhưng bà ngạc nhiên khi chẳng nhận ra được một nét quen nào cả. Cuối cùng khi thấy ông khách không nhức nhích, bà thì thào gọi:
- Gaston!
Nhưng ông khách buồn rầu lắc đầu đáp:
- Thưa bà, tôi không phải là Gaston. Anh trai tôi đã chết trong cảnh sống đày ải khổ đau cùng quẫn. Tôi là Louis de Clameran.
Sao? Người viết thư cho bà không phải là Gaston ư? Người đứng trước mặt bà đây không phải là Gaston ư? Vậy thì con người này muốn gì, người mà bà biết là Gaston không đủ tin tưởng để thổ lộ điều bí mật của mình cho ông ta? Bà hoảng sợ nghĩ đến mọi khả năng có thể xảy ra. Dù sao bà cũng nhanh chóng trấn tĩnh lại được và bỗng chốc trở nên minh mẫn. Bà lơ đãng đưa tay mời ông Louis ngồi rồi bình tĩnh nói:
- Vậy thì thưa ông, xin ông vui lòng giải thích lý do của cuộc viếng thăm đường đột này.
Ông hầu tước không muốn nhận ra thái độ bất ngờ ấy. Không rời mắt khỏi bà Fauvel. Ông ta ngồi xuống ghế:
- Thưa bà, trước hết tôi cần hỏi bà xem ở đây có ai có thể nghe được câu chuyện giữa chúng ta không?
- Tại sao lại hỏi thế?… Tôi nghĩ là điều ông nói ra chẳng có gì đáng phải giấu chồng con tôi cả.
Louis nhún vai với vẻ giả vờ lộ liễu:
- Xin phép bà cho tôi được nhắc lại câu hỏi, điều đó không phải vì tôi mà là vì bà.
- Ông cứ nói đi, đừng sợ gì cả, không có ai nghe lỏm đâu.
Mặc dù vậy, ông hầu tước vẫn xích ghế lại gần và hạ giọng nói khẽ, rất khẽ như thể ông ta đang sợ chính những điều ông ta sắp nói ra.
- Thưa bà, tôi đã nói rồi, anh Gaston đã chết. Tôi là người mà anh ấy chọn làm người thi hành ý nguyện tối cao của anh ấy. Bây giờ thì bà hiểu chứ?…
Tất nhiên là bà hiểu, nhưng bà không hiểu ý đồ của ông khách. Có lẽ ông ta đến chỉ là để đòi lại vật trao gửi của Gaston…
- Tôi sẽ không nhắc lại những tình tiết đã làm tan nát cuộc đời và tước đoạt tương lai của anh tôi.
Khuôn mặt bà Fauvel không hề động đậy. Bà có vẻ như đang lục tìm trí nhớ xem ông Louis này định ám chỉ đến những tình tiết gì.
- Thưa bà, bà đã quên rồi ư? - ông ta nói tiếp bằng một giọng cay đắng. - Tôi sẽ cố trình bày rõ hơn. Ôi! Từ lâu, lâu lắm rồi, bà đã yêu người anh trai bất hạnh của tôi…
- Thôi đi ông!…
- Ồ! Bà đừng phủ nhận vô ích. Tôi xin nhắc lại rằng Gaston đã thổ lộ với tôi tất cả.
Nhưng bà Fauvel dường như không hoảng sợ trước điều tiết lộ này. Thế nào là “tất cả”? Chẳng có chuyện gì hết, bởi vì Gaston đã ra đi mà không biết là bà có thai.
Bà đứng lên với vẻ tự tin:
- Thưa ông, hình như ông quên mất rằng giờ đây ông đang nói chuyện với một người đàn bà đã già, đã có chồng và là mẹ của một gia đình. Có thể trước đây anh trai ông đã yêu tôi, nhưng đó là điều bí mật của ông ấy chứ không phải của ông. Nếu như vì tuổi trẻ và không có kinh nghiệm mà tôi đã tỏ ra thiếu thận trọng thì cũng không cần ông phải gợi lại. Chính ông ấy có gợi lại cho tôi đâu!… Mà thôi, cho dù cái quá khứ mà ông gợi ra có thế nào chăng nữa thì từ hai mươi năm nay tôi cũng đã không còn nhớ nó nữa rồi.
- Vậy là bà đã quên?
- Hoàn toàn quên hết.
- Thậm chí cả đứa con, thưa bà?
Câu nói ấy cùng với ánh mắt rọi thấu tâm can đã tác động tới bà Fauvel như một nhát búa. Bà lại buông mình xuống ghế hành và tự hỏi: “Sao? Ông ta biết ư? Làm sao mà ông ta biết được?”
Giá như chỉ có mình bà thì bà đã đầu hàng rồi. Nhưng bà phải bảo vệ hạnh phúc của chồng con bà. Thế là nghĩa vụ thiêng liêng ấy đã tiếp cho bà một nghị lực không ngờ. Bà nói:
- Thưa ông, hình như ông muốn xúc phạm tôi!
- Như vậy đúng là bà không nhớ tới thằng con Valentin-Raoul?
- Thật là một chuyện kỳ lạ!…
Giờ đây thì bà thấy rõ là quả thực người đàn ông này biết hết tất cả. Do đâu mà ông ta biết? Điều đó không quan trọng. Cái chính là ông ta biết… Nhưng bà đã quyết là sẽ vẫn cứ khăng khăng phủ nhận. Có một lúc bà định đuổi ông ta về. Nhưng thái độ thận trọng đã ngăn bà lại. Bà tự nhủ là ít nhất bà cũng phải biết được đôi điều về ý đồ của ông ta.
- Vậy thì, - bà cười gượng hỏi tiếp, - ông định đi tới đâu?
- Chuyện là thế này, thưa bà. Cách đây hai năm cuộc sống đầy ải tình cờ đưa anh tôi tới London. Ở đó, tại một gia đình anh gặp một thanh niên tên là Raoul. Vẻ mặt và trí thông minh của chàng trai này làm anh tôi ngạc nhiên đến nỗi anh muốn biết cậu ta là ai. Đó là một đứa con rơi tội nghiệp, và sau khi tìm hiểu, anh tôi tin chắc rằng cậu Raoul này là con của anh tôi với bà. Có phải thế không, thưa bà?
- Ngài nói y như tiểu thuyết vậy.
- Vâng, thưa bà, đúng là tiểu thuyết, và điểm cởi nút đang ở trong tay bà. Tất nhiên là bà bá tước mẹ bà đã hết sức thận trọng giấu kín điều bí mật. Nhưng những kế hoạch hoàn hảo nhất vẫn mắc lỗi ở một chỗ nào đó. Sau khi bà về nước thì một bà bạn của mẹ bà ở London đã đến tận cái làng nơi mẹ bà trú chân và bà ta đã nói tên thật của bà cho bà nông dân nhận nuôi con bà biết. Thế là tất cả đã bị lộ.
Ông ta ngừng lời theo dõi nét mặt của bà Fauvel.
Ông ngạc nhiên thấy bà không hề tỏ ra xúc động và bối rối, con mắt bà có vẻ tươi cười và bà bình thản hỏi:
- Rồi sao nữa?
- Sau đó anh Gaston đã nhận cậu con trai này. Nhưng nhà Clameran tôi nghèo lắm. Anh tôi chết ở khách sạn. Còn tôi thì chỉ sống nhờ khoản tiền trợ cấp 1.200 franc ít ỏi. Raoul sẽ ra sao? Ý nghĩ lo lắng này đã giày vò những giây phút cuối đời của anh tôi.
- Quả thực, thưa ông…
- Để tôi nói hết đã. Thế là chỉ khi ấy anh Gaston mới thổ lộ tấm lòng với tôi. Anh ra lệnh cho tôi đến gặp bà. Anh bảo tôi: “Valentine sẽ nhớ lại. Bà ấy sẽ không chịu được cảnh con trai của anh với bà thiếu thốn đâu. Bà ấy giàu lắm, rất giàu, anh có thể yên tâm mà chết.”
Bà Fauvel đứng lên, lần này thì rõ ràng bà muốn đuổi khách.
- Thưa ông, ông phải thấy rõ là tôi đã quá kiên nhẫn rồi.
Vẻ tự tin không gì lay chuyển ấy đã làm ông Louis chưng hửng.
- Tôi muốn nói cho ông biết rằng, - bà nói tiếp, - quả thực trước đây tôi đã được ông Gaston de Clameran tin cẩn. Bằng chứng là ông ấy đã trao gửi cho tôi đồ nữ trang của bà hầu tước mẹ ngài trước khi ông ấy ra đi. Bây giờ tôi sẽ hoàn lại cho ông.
Vừa nói bà vừa moi dưới đệm ghế bành lấy ra túi đồ nữ trang rồi đưa cho Louis.
- Đây, thưa ngài hầu tước, tôi lấy làm lạ là anh ngài đã không bao giờ đến đòi lại.
Trong cơn lúng túng, Louis đã tỏ ra kinh ngạc, nhưng ông ta vẫn xẵng giọng nói:
- Nhiệm vụ của tôi không phải là đòi gói đồ này.
Không đáp một lời, bài Fauvel đưa tay giật chuông và bảo:
- Ông thấy rõ là tôi đã chấm dứt cuộc nói chuyện, một cuộc nói chuyện mà tôi đã chấp nhận chỉ là để hoàn lại cho ông những món đồ nữ trang ấy.
Ông Clameran thấy không thể nài nỉ hơn được nữa. Ông cất tiếng:
- Thôi được, thưa bà, tôi về. Nhưng tôi phải nói thêm rằng anh trai tôi còn bảo tôi: “Nếu Valentine đã quên hết, nếu bà ta khước từ không chịu đảm bảo tương lai cho đứa con của chúng tôi thì tôi ra lệnh cho chú phải cưỡng ép bà ta.” Thưa bà, bà hãy suy nghĩ cho kỹ về những câu nói đó, bởi vì tôi đã thề danh dự làm điều gì thì tôi sẽ làm bằng được!…
Cuối cùng thì bà Fauvel cũng được tự do ở lại một mình. Cuối cùng thì bà cũng được buông thả cho cơn tuyệt vọng của mình bùng nổ. Thái độ bình tĩnh giả vờ trước mặt ông Clameran đã làm cho bà kiệt sức, bà cảm thấy cả thể xác lẫn tâm hồn đang bị tan nát. Bà loạng choạng cố sức lê bước về phòng ngủ rồi đóng cửa lại.
Giờ đây, không còn nghi ngờ gì nữa, những nỗi e sợ của bà đã biến thành hiện thực. Từ nay bà không còn hy vọng gì nữa, con người kia chắc chắn sẽ còn quay trở lại. Bà sẽ trả lời ông ta thế nào? Bà đau khổ khi nghĩ tới đứa con có thể đang phải chịu cảnh khốn cùng. Làm thế nào để cứu được thằng con mà vẫn không phải đầu hàng? Không thể phó thác cho cái lão Louis kia được. Làm như thế tức là bà và chồng con bà phải phụ thuộc vào ông ta, mà đối với ông ta thì bà có một nỗi khiếp sợ bản năng. Bà sợ ông ta đến mức tự hỏi không biết ông ta có nói thật hay không. Khi nhẩm lại câu chuyện của ông ta bà thấy có những điều vô lý đáng kinh ngạc. Làm sao khi Gaston trở về trong cảnh nghèo túng như ông ta nói mà chàng lại không đến đòi gói đồ nữ trang? Làm sao khi lo sợ cho tương lai đứa con của họ mà chàng lại không tìm gặp bà, khi biết bà giàu có? Có lúc bà nghĩ tới chuyện sẽ quỳ dưới chân chồng mà thú nhận tất cả. Nhưng khốn thay bà đã xua đuổi ngay cái ý nghĩ giải thoát ấy. Bà không chịu nổi sự đau đớn của chồng.
Rất may là ông chủ đang đi vắng xa, nên hai ngày sau đó bà Fauvel có thể lấy cớ đau đầu nằm một mình trong phòng để không ai nhận thấy thái độ hồi hộp của bà. Tuy nhiên, với sự nhạy cảm của đàn bà, Madeleine đã đoán ra là bà bác mình có một chuyện lo nghĩ gì đó chứ không phải là đau đầu. Thậm chí nàng còn nhận thấy rõ ràng bệnh đau đầu ấy của bà hình như là do cuộc viếng thăm của người đàn ông lạ mặt gây ra. Hôm sau, nàng đã đánh bạo hỏi bà:
- Thưa bác, trông bác có vẻ buồn, bác làm sao vậy? Bác nói đi, bác có muốn cháu mời ngài cha xứ sang chơi với bác không?
Bà Fauvel vốn tính hiền từ bỗng gắt gỏng từ chối.
Điều ông Louis dự đoán đã xảy ra. Bà Fauvel thấy không còn một lối thoát nào khác nên đành phải quyết định nhượng bộ. Bà sẽ chấp nhận chịu đau khổ một mình, mặc dù bà hiểu rằng điều đó sẽ làm cho cuộc sống của bà vô cùng khó khăn.
Trong khi đó ông Fauvel trở về, bà Valentine lại trở lại cuộc sống bình thường, ít nhất là với cái vẻ bên ngoài. Nhưng bà không còn là một người mẹ hạnh phúc nữa, con người bà đang bộc lộ những nỗi lo âu khủng khiếp. Bà bồn chồn chờ đợi chuyến viếng thăm của ông Clameran.
Nhưng ông Clameran không đến mà ông viết, hay nói đúng hơn là ông ta thận trọng sai người khác viết thư cho bà, bảo với bà rằng vì ông ta ốm nên ông ta hẹn gặp bà ngày kia tại phòng trọ của ông tại khách sạn Louvre. Bà Fauvel gần như thở ra nhẹ nhõm khi nhận được thư này. Bà sẵn sàng chấp nhận tất cả để khỏi phải chịu cảnh lo âu. Thế là bà vừa đốt bức thư vừa tự nhủ: “Ta sẽ đến.”
Quả thực, đến ngày giờ đã định, bà ăn vận giản dị, đội mũ che gần kín mặt, nhét tấm mạng che mặt vào túi rồi ra khỏi nhà. Bà đi bộ một quãng xa mới dám thuê xe ngựa tới cửa khách sạn Louvre. Người gác cổng cho bà biết phòng của hầu tước Louis de Clameran ở tầng bốn. Bà vội leo lên và dừng lại trước căn phòng có con số: 317. Bà đưa hai tay ôm ngực như để kìm giữ nhịp đập con tim. Đến lúc này bà mới thấy một nỗi sợ hãi xâm chiếm toàn thân làm cho bà đứng ngây ra không cử động được. Chỉ khi nhìn thấy một người khách trọ đi ngang qua hành lang bà mới hết do dự. Bà run run đưa tay gõ nhẹ ba tiếng vào cánh cửa. Có tiếng nói “Mời vào” vọng ra. Bà mở cửa bước vào.
Nhưng đứng giữa phòng không phải là ông hầu tước mà là một chàng trai còn rất trẻ, gần như là một thiếu niên, đang nhìn bà với vẻ kỳ cục. Cảm giác đầu tiên của bà Fauvel là bà tưởng nhầm phòng. Bà đỏ mặt như gấc nói lắp bắp:
- Xin lỗi, tôi tưởng đây là phòng ông hầu tước de Clameran.
- Đúng phòng của ông ấy đấy, thưa bà.
Nhìn thấy bà như muốn rút lui, anh ta nói thêm:
- Có phải tôi có vinh dự được nói chuyện với bà Fauvel không?
Bà gật đầu. Bà đang run lên khi nghe thấy người lạ gọi tên bà vì nghĩ rằng Clameran đã tiết lộ điều bí mật của bà.
- Thưa bà, bà cứ yên tâm như ở nhà mình. Ông Clameran đã nhờ tôi xin lỗi bà. Bà sẽ không gặp ông ấy đâu.
- Nhưng theo bức thư ông ta gửi cho tôi hôm kia thì…
- Thưa bà, ông ấy đã từ bỏ mọi ý định mà ông ấy đã đặt ra khi viết cho bà.
Bà Fauvel kinh ngạc hỏi với vẻ hơi nghi ngờ:
- Sao? Ông ta đã từ bỏ ý định ư?
Vẻ mặt chàng trai bộc lộ một nỗi thương cảm đau đớn như thể anh ta đã phải chịu hậu quả gián tiếp của những nỗi lo âu của người đàn bà bất hạnh này. Anh cất tiếng dịu dàng và buồn rầu nói:
- Ông hầu tước đã từ bỏ cái mà ông đã sai lầm cho là một nghĩa vụ thiêng liêng. Bà hãy tin rằng ông ấy đã phải do dự rất lâu trước khi chịu đến để đòi hỏi bà lời thú nhận đau đớn nhất. Nhưng bà đã khước từ, và ông ấy đã không hiểu được những lý do nghiệt ngã nào đã xui khiến bà xử sự như vậy. Hôm ấy, bị mù quáng bởi một cơn giận vô lý, ông ấy không được bà tự nguyện trao cho. Với ý định quyết làm nguy hại hạnh phúc của bà, ông ấy đã thu thập những bằng chứng để làm lộ chuyện chống lại bà. Xin bà tha lỗi. Ông ấy đã bị một lời thề trước người anh đang hấp hối ràng buộc.
Anh ta cầm tập giấy để trên nóc lò sưởi vừa giở từng tờ vừa nói:
- Những bằng chứng đó là đây. Đó là những bằng chứng hiển nhiên không thể bác bỏ được. Đây là chứng chỉ của linh mục Sedley, đây là lời khai của bà nông dân Dobbin nhận nuôi đứa bé, một giấy chứng nhận của bác sĩ đỡ đẻ, lời khai của những người đã quen bà La Verberie ở London. Ôi! Chẳng thiếu cái gì cả. Những bằng chứng này, tôi đã phải vất vả mới đoạt được từ tay ông Clameran. Có thể ông ấy đã đoán được ý đồ của tôi. Và đây, thưa bà, bà hãy xem tôi làm gì với chúng.
Bằng một động tác nhanh nhẹn anh ta quẳng cả tập giấy vào bếp lửa. Chúng bốc cháy và chẳng mấy chốc đã biến thành tro.
- Thưa bà, tất cả đã bị thiêu hủy, - anh ta nói tiếp với vẻ mặt rạng rỡ. - Quá khứ đã bị xóa sạch như những tờ giấy kia. Nếu bây giờ có ai dám cho rằng trước khi lấy chồng bà đã có một đứa con thì bà cứ mạnh dạn gọi hắn ta là kẻ vu cáo. Chẳng còn bằng chứng gì nữa, bà đã được tự do.
Cuối cùng bà Fauvel đã hiểu được ý nghĩa của sự việc. Người con trai đang cứu bà thoát khỏi cơn giận của ông Clameran kia chính là đứa con bị bỏ rơi: Thằng Valentin-Raoul.
Lúc này bà quên đi tất cả. Tình âu yếm của người mẹ bị kìm giữ quá lâu đang trào dâng trong lòng bà. Bằng một giọng không ra tiếng bà thì thào gọi:
- Raoul!
Nghe tiếng gọi ấy, chàng trai loạng choạng như muốn khuỵu xuống trước niềm hạnh phúc bất ngờ quá sức chịu đựng. Anh kêu lên:
- Vâng, Raoul con đây, Raoul đang muốn thà chết hàng nghìn lần còn hơn là gây ra cho mẹ mình một nỗi đau nhỏ bé nhất, Raoul đang sẵn sàng để đến giọt máu cuối cùng để tránh cho mẹ mình phải rơi một giọt nước mắt.
Toàn thân bà run lên. Bà dang hai tay và Raoul vừa chạy bổ tới vừa nghẹn ngào gọi:
- Mẹ! Mẹ thân yêu của con! Cầu phúc cho mẹ vì nụ hôn đầu tiên này.
Đúng như vậy, bà chưa bao giờ được nhìn thấy mặt đứa con này. Khi nó ra đời, mặc dù bà đã khóc lóc van xin mà người ta vẫn cứ mang nó đi không cả cho bà hôn nó, và cái hôn bà vừa cho nó đây thật sự là cái hôn đầu tiên. Sau biết bao nỗi lo âu nghiệt ngã, bà vô cùng sung sướng khi được hưởng niềm vui lớn lao này.
Bà Fauvel buông mình xuống ghế bành, và thả mình trong nỗi say sưa ngây ngất, bà khao khát ngắm Raoul đang quỳ dưới chân bà. Ôi! Tội nghiệp thằng con bị từ bỏ, sao mà nó đẹp trai thế! Nó có vẻ đẹp rạng rỡ của những đứa trẻ sinh ra do tình yêu mà nét mặt còn giữ lại dấu vết của niềm hạnh phúc linh thiêng. Bà đưa tay xoa mái tóc đẹp mịn màng lượn sóng của chàng trai, chiêm ngưỡng vầng trán trắng phau thanh tú như trán con gái, ngắm nghía đôi mắt to lung linh của anh, và khát khao nhìn đôi môi đỏ thắm.
- Ôi mẹ, - anh nói, - con không hiểu chuyện gì đã xảy ra với con khi con biết chú con đã dám dọa nạt mẹ, Ông ấy mà dám dọa mẹ ư!… Mẹ thấy đấy. Con yêu cả hai người: mẹ và bố, nhà quý tộc Gaston de Clameran. Vâng! Khi bố con bảo chú con đến gặp mẹ là lúc bố con không còn hoàn toàn minh mẫn nữa. Từ lâu con đã biết rõ mẹ rồi. Nhiều lần hai bố con con đã lảng vảng quanh dinh thự nhà mẹ, và khi được nhìn thấy mẹ là bố con con sung sướng trở về. Khi thấy mẹ đi qua là bố con bảo: “Mẹ con đấy, Raoul!” Được nhìn thấy mẹ là niềm vui của bố con con. Khi được biết mẹ sẽ đi dự hội ở đâu đó là bố con con đợi mẹ ngoài cổng để được ngắm mẹ trong trang phục lộng lẫy. Biết bao nhiêu lần vào mùa đông con đã chạy thi với xe ngựa của mẹ để được ngắm mẹ lâu hơn.
Những giọt nước mắt ngọt ngào nhất trong đời chảy ướt đẫm khuôn mặt bà Fauvel. Giọng nói ngân nga của Raoul đang hát bên tai bà những hòa âm tuyệt diệu. Giọng nói ấy làm bà nhớ lại giọng nói của Gaston, và bà lại trả lại cho nó những cảm giác mới mẻ đáng yêu của tuổi thanh xuân. Kỷ niệm về cái đêm tình ái xa xưa làm cho bà quên hết cuộc sống hiện tại. Trong khi đó Raoul vẫn nói tiếp:
- Chỉ đến hôm qua con mới biết được rằng chú con đã đến xin mẹ vài miếng cơm thừa cho con. Làm thế để làm gì? Đúng là con rất nghèo nhưng con không sợ. Con có hai bàn tay và trí thông minh để sinh sống. Người ta bảo mẹ giàu lắm. Nhưng điều ấy có can hệ gì đến con? Mẹ yêu quý, mẹ cứ giữ lấy của cải giàu có của mẹ, nhưng hãy cho con một chút tình thương. Hãy để cho con được yêu mẹ. Mẹ hãy hứa với con là nụ hôn đầu tiên này chưa phải là nụ hôn cuối cùng. Mẹ đừng sợ, sẽ không có ai biết gì đâu. Con biết cách giữ kín niềm hạnh phúc của minh.
Thế mà bà Fauvel đã sợ đứa con này! Ôi, bà thật là đáng trách! Thật đáng trách là bà đã không bay tới sớm hơn để đón anh. Bà liền hỏi anh về cuộc sống của anh, bà muốn biết xem anh đã sống ra sao, đã làm những gì. Anh bảo rằng anh chẳng có gì phải giấu bà cả, cuộc đời của anh cũng giống như cuộc đời của những đứa trẻ nghèo đói khác. Người nông dân nuôi anh đã có một chút tình cảm với anh. Thậm chí thấy cậu bé có bộ mặt dễ thương và có vẻ thông minh, bà đã nảy ra ý thích cho cậu học hành, mặc dù điều đó vượt quá khả năng của bà và thân phận của cậu. Đến năm mười sáu tuổi, bà xin cho anh vào làm việc tại một nhà băng tư nhân và trong khi anh đang cố sức làm việc để kiếm sống thì một hôm có một người đàn ông đến bảo anh: “Ta là cha của con”, rồi ông mang anh đi. Từ đó anh sống đầy đủ chẳng thiếu một cái gì ngoài tình cảm âu yếm của một người mẹ. Sự thực thì trong đời anh đã phải chịu đau khổ một lần, đó là vào cái ngày mà cha anh, Gaston de Clameran đã chết trong vòng tay anh.
- Nhưng bây giờ thì, - anh nói, - con đã quên hết cả. Con đã phải trải qua một cuộc đời bất hạnh ư? Con cũng không biết nữa, bởi vì con đã được gặp mẹ, bởi vì con yêu mẹ.
Thời gian trôi đi mà bà Fauvel không nhận ra. Rất may là Raoul còn tỉnh táo, anh bỗng kêu lên:
- Bảy giờ rồi!
Tiếng kêu bỗng kéo bà Fauvel trở về với thực tại. Bảy giờ cơ à? Liệu sự vắng mặt quá lâu của bà có gây ra sự chú ý không?
- Con có còn được gặp mẹ nữa không, thưa mẹ? - Raoul hỏi khi họ chia tay nhau.
- Ồ, có chứ! - bà đáp với một giọng âu yếm cuồng nhiệt. - Có chứ, ngày nào con cũng được gặp, ngày mai…
Kể từ ngày cưới đến giờ, đây là lần đầu tiên bà Fauvel nhận ra rằng bà hoàn toàn không làm chủ được hành động của mình. Chưa bao giờ bà khát khao được tự do như lúc này.
Bà về tới nhà thì đã hơn bảy giờ rưỡi. Mọi người đang đợi bà để ăn cơm. Ông Fauvel thấy bà về muộn như vậy thì chỉ nói đùa. Bà đang quá mê muội đến nỗi đã cho chồng mình là lố bịch vì ông đã tin tưởng tuyệt đối vào bà.
Từ đó trở đi bà không còn là một người vợ tận tâm nữa, không còn là một người mẹ mẫu mực nữa. Tâm hồn bà đã ở lại trong căn phòng của Raoul. Bà đang muốn bù đắp cho đứa con nghèo đói kia. Bà không hề có một chút ân hận nào cả. Bà cho rằng cái chết của Gaston đã xá tội cho cả quá khứ lẫn hiện tại của bà.
Chồng con bà không bao giờ nghi ngờ những ý nghĩ đang khuấy động tâm hồn bà. Nhưng bà sợ cô cháu gái, bà có cảm giác như những lúc bà từ chỗ Raoul trở về thì nàng nhìn bà bằng ánh mắt khác lạ. Nàng nghi ngờ gì chăng? Từ mấy ngày nay nàng đã không ngớt đặt ra cho bà những câu hỏi kỳ lạ. Cần phải cảnh giác với cô nàng. Thế là điều lo lắng của bà đã biến tình cảm của bà dành cho cô con nuôi thành nỗi căm ghét. Làm thế nào để thoát khỏi cô ta? Rồi bà bỗng mừng rỡ khi phát hiện ra một phương tiện đang ở trong tầm tay.
Từ hai năm nay Madeleine và anh thủ quỹ Prosper yêu nhau chỉ còn đợi ngày cưới. Bà Fauvel cho rằng bà chỉ cần thúc bách làm sao cho họ cưới nhau để Madeleine về nhà chồng là bà sẽ được tự do. Lập tức bà nói chuyện với Madeleine về Prosper. Sau vài câu đưa đẩy, bà bảo:
- Bác sẽ bảo bác trai động viên Prosper. Trong hai tháng nữa các con sẽ có thể thành vợ thành chồng.
Nhưng thật rủi ro: bị cuốn hút vào cơn lốc si mê mới, bà không còn thời gian để thực hiện ý đồ ấy của mình. Tâm trí của bà đang luôn luôn phải lo đến chuyện làm thế nào để tạo cho Raoul một địa vị và đảm bảo cho anh có một tài sản riêng. Nhưng bà vẫn chưa dám nói với anh. Bởi vì càng gần anh bà càng phát hiện thấy trong anh có tất cả lòng tự hào quý tộc của bố anh, nên bà sợ sẽ bị khước từ nếu bà nói ra. Nhưng rất may là ông Louis de Clameran đã đảm nhiệm giúp bà. Từ lâu nay con người này đã chiếm được cảm tình thầm kín của bà thay cho sự ghê tởm ban đầu. Trái với Raoul, ông là người có kinh nghiệm và tỏ ra quan tâm sốt sắng đến số phận của đứa cháu.
Chính vì thế mà một hôm, sau vài lời nhận xét chung chung, ông đề cập ngay đến vấn đề nghiêm túc ấy:
- Cuộc sống của cháu tôi thế này chắc chắn là thú vị rồi. Nhưng nếu ta nghĩ cách đảm bảo cho nó có một địa vị trong xã hội thì có hơn không? Nó chẳng có một tài sản gì cả.
- Ồ! Thưa chú, - Raoul ngắt lời. - Cứ để mặc cho cháu được hạnh phúc như thế này, cháu có thiếu gì đâu?
- Bây giờ thì không, cháu ạ, nhưng chẳng bao lâu nữa, khi hai chú cháu hết tiền thì cháu sẽ ra sao?
- Cháu sẽ nhập ngũ, cả họ nhà Clameran đều là lính từ bé, và nếu chiến tranh nổ ra! …
Bà Fauvel dịu dàng đưa tay bịt miệng con:
- Con ác lắm! Con không muốn cho mẹ được gặp con nữa sao?
- Không phải thế, mẹ yêu quý, không…
- Cháu thấy rõ là cháu phải nghe lời chúng ta, - ông Louis nói thêm.
- Con không đòi hỏi gì hơn. Sau này con sẽ làm việc, sẽ kiếm được nhiều tiền.
- Nhưng bằng cách nào, con trai tội nghiệp của mẹ?
- Chà!… Con không biết. Nhưng mẹ cứ yên tâm, con sẽ tìm ra cách.
Thật khó có thể thuyết phục được chàng trai kiêu hãnh này. Ông Louis và bà Fauvel bàn bạc và quyết định là sẽ bắt cậu ta phải nghe ý họ. Nhưng chọn nghề không phải là dễ. Ông Louis cho rằng cần phải thận trong suy nghĩ, phải tham khảo sở thích của Raoul. Trong khi chờ đợi, bà Fauvel nên trao cho hầu tước các khoản trợ cấp để đáp ứng mọi chi tiêu của Raoul.
Từ đó bà Fauvel coi ông Louis như là người cha của con trai mình. Mọi cái bà đều hỏi ý kiến ông. Cho đến một hôm bà rất hài lòng khi Louis yêu cầu bà cho ông vinh dự là được đến chơi công khai nhà bà. Điều đó rất dễ. Bà sẽ giới thiệu hầu tước Clameran với chồng như là một người bạn cũ của gia đình. Từ đó, mặc dù không thể gặp Raoul hàng ngày, bà vẫn nhận được tin tức về anh qua ông Louis.
Nhưng chẳng bao lâu tin tức bà nhận được không còn là tin lành nữa. Chưa đầy một tháng kể từ khi bà Fauvel tìm thấy con trai, ông Clameran thổ lộ với bà rằng thằng Raoul bắt đầu làm cho ông lo ngại. Ông bảo rằng nó tiêu xài hoang phí như con một nhà triệu phú. Bà Fauvel thì lại thông cảm với anh và cho rằng chỉ vì trước đây anh đã phải chịu quá nhiều bất hạnh. Ông Louis bảo để bà có thể kiềm chế được cậu con trai thì bà phải tạo được một quan hệ thân mặt công khai giữa hai mẹ con. Nghĩa là bà phải cho phép cậu con trai đến thăm bà để khỏi gây nghi ngờ cho chồng bà mỗi khi bà cứ phải đi thăm con như thế này.
- Không thể như thế được! - bà kêu lên. - Điều ấy thật là xấu xa…
- Đúng, - ông hầu tước trầm ngâm đáp. - Nhưng đó sẽ là lối thoát cho thằng con.
- Không! Tôi không thể chấp nhận được.
Bà giẫy giụa một cách vô ích giữa những lời nài nỉ có vẻ hăm dọa của ông Clameran với những lời van xin nũng nịu của Raoul.
- Nhưng bằng cách nào? Lấy cớ gì mà tôi tiếp thằng Raoul được.
- Rất đơn giản, bà cứ chấp nhận cậu ấy như chấp nhận một người lạ, như bà đã chấp nhận tôi chẳng hạn.
Và chỉ sau khi đã hành hạ bà một thời gian bằng những thái độ khủng bố xen lẫn những câu nói thuyết phục ngọt ngào, ông Louis mới tiết lộ ý đồ cuối cùng của ông. Ông hỏi bà:
- Có phải bà có một người họ hàng ở Saint-Rémy, đã già, góa chồng, và chỉ có hai người con gái không?…
- Phải, đó là bà chị họ tôi tên là de Lagors.
- Đúng thế. Tài sản của bà ấy thế nào?
- Bà ấy nghèo lắm ông ạ.
- Đúng thế, và nếu không có những khoản cứu trợ bí mật của bà thì chắc là bà ấy đã phải đi ăn xin rồi.
- Sao? - bà Fauvel lắp bắp. - Ông biết cả điều đó ư?
- Vâng, thưa bà, tôi biết điều đó và những điều khác nữa. Chẳng hạn như chuyện chồng bà không hề biết một ai trong dòng họ nhà bà, thế cho nên ông ấy khó có thể nghi ngờ gì về sự tồn tại của bà de Lagors. Bà bắt đầu hiểu kế hoạch của tôi rồi chứ?
Bà Fauvel đã lờ mờ hiểu ra và đang tự hỏi làm thế nào để từ chối.
- Vậy là tôi định thế này, - ông Louis nói tiếp. - Ngày mai hoặc ngày kia bà sẽ nhận được một bức thư của bà chị họ từ Saint-Rémy gửi tới báo cho bà biết rằng bà ta gửi thằng con trai lên Paris và nhờ bà trông hộ. Tất nhiên là bà phải cho chồng bà xem bức thư ấy. Rồi vài ngày sau ông nhà sẽ tiếp nhận một cách tuyệt vời thằng cháu Raoul de Lagors của mình, một chàng trai xinh đẹp, giàu có, vui tính, dễ thương, có thể làm được tất cả để cho ông ấy vui lòng. Và ông ấy sẽ thích nó.
- Không đời nào thưa ông, - bà Fauvel kêu lên. - Không đời nào chị tôi lại làm cái trò xấu xa như thế.
Ông hầu tước mỉm cười đầy vẻ tự phụ:
- Ồ! Bức thư đó sẽ do bất cứ một người đàn bà nào khác viết hộ tôi và một người thân tín của tôi sẽ đem nó thả vào hòm thư ở Saint-Rémy.
- Nhưng đó là một tội ác, thưa ông, một tội ác ghê tởm mà ông bắt tôi phải làm.
Bà Fauvel đứng lên đầy vẻ phẫn nộ.
Ông Clameran cũng đứng lên. Mọi dục vọng xấu xa của ông ta đang được bộc lộ, chúng làm cho bộ mặt tái nhợt của ông ta trở nên dữ tợn. Ông ta nói gay gắt:
- Hình như chúng ta không hiểu nhau. Trước khi nói đến tội ác, xin bà hãy nhớ lại quá khứ. Sao lúc còn trẻ bà đã không rụt rè khi bắt bồ với tình nhân. Quả thực là bà đã từ bỏ anh ấy, đã khước từ không theo anh ấy khi mà vì bà mà anh ấy vừa giết chết hai người và suýt nữa thì bị treo cổ. Bà đã không ngại ngần khi vừa đẻ giấu đẻ giếm xong bà đã từ bỏ con mình. Bà phải chịu trách nhiệm về tội đã quên hẳn đứa con đó. Trong khi giàu có bạc triệu mà bà vẫn không hề tìm hiểu xem nó có chết đói hay không. Liêm sỉ của bà ở đâu khi bà lấy ông Fauvel? Bà có nói cho người đàn ông trung thực này rõ vòng hoa cam đội đầu cô dâu của bà đang che giấu một bộ mặt gì không? Đó chính là những tội ác của bà. Thế mà khi nhân danh anh Gaston tôi xin bà một sự chuộc tội thì bà lại tỏ ra phẫn nộ! Muộn quá rồi. Bà đã đánh mất một người cha, vậy bà hãy cứu lấy con trai của người đó, nếu không, tôi thề danh dự là bà sẽ không còn được thiên hạ quý trọng nữa đâu.
- Tôi chấp nhận, thưa ông, - người đàn bà bất hạnh tuyệt vọng thều thào.
Thế là tám ngày sau, Raoul, nay trở thành Raoul de Lagors, đã có mặt tại bữa tối ở nhà ông chủ nhà băng, ngồi giữa bà Fauvel và tiểu thư Madeleine.
Hồ Sơ Số 113 Hồ Sơ Số 113 - Émile Gaboriau Hồ Sơ Số 113