The man who does not read good books has no advantage over the man who can't read them.

Mark Twain, attributed

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 53
Cập nhật: 2021-05-22 19:07:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12 - Mở Rộng Động Người Pháp - Tiếng Động Khả Nghi - Phann Mất Tích - Phann Trở Về - Chiếm Lĩnh Và Sắp Xếp Đại Sảnh - Thời Tiết Xấu - Đặt Tên - Đảo Chairman - Đảo Trưởng
hững khi đi điều tra thực địa, các thợ săn đã nhiều lần xem xét vách đá, hi vọng tìm được một hang khác để làm kho chứa tất cả các vật liệu đang phải xếp ở ngoài. Nhưng không có kết quả nên các cậu bé phải trở lại với dự định ban đầu là mở rộng nơi ở hiện tại bằng cách đào một hay nhiều phòng liền kề với động Người Pháp.
Nếu là đá granite thì đó là nhiệm vụ bất khả thi. Nhưng ở đây là đá vôi, cuốc chim hay cuốc có thể bập vào dễ dàng, không khó khăn lắm. Thời gian thi công không quan trọng vì có cả những ngày dài của mùa đông để làm việc. Nếu không xảy ra sạt lở hoặc đáng ngại nhất là gặp mạch nước thì công việc có thể hoàn thành ngay trong mùa rét.
Thêm nữa, không cần dùng đến chút thuốc nổ nào. Chỉ cần dụng cụ là đủ. Như khi đục vách đá lắp ống khói bếp lò đấy thôi. Cũng bằng cách ấy, tất nhiên là có vất vả, Baxter chẳng đã khoét rộng cửa động, lắp một cánh cửa với cả bản lề vốn thuộc về tàu Sloughi lúc trước đó sao? Ngoài ra, cậu còn đục hai cửa sổ, đúng hơn là hai lỗ châu mai hai bên phải và trái cửa để trong động sáng và thông thoáng hơn.
Từ một tuần nay thời tiết xấu đã xuất hiện. Những cơn tố lốc ập xuống đảo. Nhờ cửa động quay về hướng đông nam nên động Người Pháp không bị tấn công vỗ mặt. Những trận cuồng phong kéo theo mưa và tuyết quét ầm ầm trên đỉnh vách đá. Chỉ săn bắn được ven hồ. Thú săn có vịt, dẽ giun, le le, gà nước, sâm cầm và mấy con chim “mỏ bao” thường được ví như bồ câu trắng vùng biển Nam Thái Bình Dương. Hồ và lạch chưa đóng băng nhưng chỉ cần một đêm trời quang với đợt rét và khô đầu tiên thường xuất hiện sau kì tố lốc là có thể đông cứng lại.
Buộc phải thường xuyên tự giam mình trong động, các cậu bé khởi công mở rộng động ngay từ ngày 27 tháng 5. Đầu tiên cuốc chim và cuốc thường bập đẽo vào vách phải. Briant bàn:
- Ta đào theo hướng xiên thì có thể mở một cửa động thứ hai quay ra hồ. Như vậy có thể kiểm soát được xung quanh và khi thời tiết xấu, ra cửa này không được thì ra cửa kia.
Thiết kế như vậy rất có lợi cho sinh hoạt và không phải là không khả thi. Thật thế, vách hang chỉ cách sườn phía đông cùng lắm là bốn, năm mươi bộ. Chỉ cần định hướng bằng la bàn rồi đào một hành lang về phía ấy. Trong suốt thời gian thi công, chủ yếu là phải tránh sụt lở. Vì thế trước khi đục cho hành lang rộng và cao như thiết kế, Baxter đề nghị hãy đào một ngách nhỏ hẹp đã, rồi sẽ mở rộng khi đã đủ độ sâu. Như vậy hai phòng của động Người Pháp sẽ ăn thông với nhau qua một hành lang có cánh cửa đóng mở hai đầu. Dọc theo hành lang có thể đục ngang ra một hoặc hai phòng tối. Kế hoạch ấy hiển nhiên là tốt nhất. Trong các điều có lợi, trước hết phải kể là như thế sẽ dễ dàng thăm dò khối đá núi, nếu bất ngờ thấy có hiện tượng thấm nước thì kịp thời dừng việc được ngay.
Trong mấy ngày từ 27 đến 30 tháng 5, công việc diễn ra thuận lợi. Khối đá vôi mềm, có thể nói là gọt bằng dao cũng được. Vì thế phải chống bằng gỗ cho chắc - việc này không khó khăn lắm. Đá đào ra đến đâu được đưa ra ngoài đến đấy, không để chất đống trong động. Tuy mọi người không đồng thời làm việc được vì không đủ chỗ, nhưng cũng không ai ngồi không. Khi tạnh mưa và tuyết thì Gordon và mấy bạn nữa khui rời chiếc bè, lấy gỗ sàn và đáy bè dùng cho căn phòng tương lai. Họ cũng kiểm tra các vật dụng xếp ở góc vách đá ngang vì những tấm bạt quét hắc ín không đủ sức chống lại những trận cuồng phong.
Công việc tiến triển dần, không ít mò mẫm, vất vả và ngách đá đã dài tới bốn, năm bộ thì một sự kiện rất bất ngờ xảy ra vào chiều 30.
Briant đang ngồi xổm ở cuối ngách đá làm việc chẳng khác một thợ mỏ thì tưởng như nghe một tiếng gì trầm đục từ khối đá phát ra. Ngừng việc để nghe cho rõ hơn thì tiếng động đó lại lọt vào tai. Cậu liền ra khỏi ngách, kể lại chuyện vừa xảy ra trong giây lát cho Gordon và Baxter.
- Ảo giác! - Gordon thốt lên. - Cậu tưởng là nghe thấy thôi!
- Cậu vào chỗ tớ, áp tai vào vách đá mà nghe thử xem! - Briant đáp.
Gordon chui vào ngách, lát sau quay ra:
- Cậu không lầm! Tớ nghe có tiếng gì gầm gừ từ xa.
Đến lượt Baxter vào kiểm nghiệm, khi ra cậu nói:
- Đó có thể là cái gì nhỉ?
- Tớ không tưởng tượng được là cái gì. - Gordon trả lời. - Phải báo cho Doniphan và các cậu kia.
- Đừng cho mấy đứa bé biết, chúng nó sợ đấy! - Briant nói.
Đúng lúc mọi người về ăn trưa, nên mấy chú bé cũng biết chuyện và không khỏi có chút sợ hãi.
Doniphan, Wilcox, Webb và Garnett lần lượt chui vào ngách. Nhưng tiếng động đã ngừng, họ chẳng nghe thấy gì, nên cho rằng các bạn đã lầm. Dù thế nào cũng quyết định không ngừng công việc và sau bữa trưa mọi người lại tiếp tục lao động.
Suốt buổi chiều chẳng có tiếng động nào, cho đến 9 giờ tối thì tiếng gầm gào lại nổi lên rõ ràng qua thành ngách đá. Phann vừa lao vào ngách chạy ra, lông dựng đứng, môi trên nhăn lại, nhe răng nanh như muốn đối đầu với những tiếng gầm gào từ trong khối đá phát ra. Đến lúc đó sự sợ sệt pha đôi chút kinh ngạc của các chú bé đã trở thành kinh hoàng thật sự. Trí tưởng tượng của trẻ con người Anh không ngừng được nuôi dưỡng bằng những truyền thuyết quen thuộc của các xứ sở phương Bắc với những thần giữ của, những yêu tinh, nữ thần chiến tranh, thiên tinh, thủy thần, những vị thần đủ mọi xuất xứ lượn lờ quanh các em từ thuở trong nôi. Vì thế Dole, Costar và cả Jenkins, Iverson không giấu giếm là đang sợ chết khiếp. Sau khi hoài công trấn an các em, Briant buộc chúng phải đi ngủ. Nhưng khuya lắm chúng mới thiếp đi được mà trong mơ vẫn còn đầy bóng ma, ảo ảnh, những nhân vật siêu nhiên ở những nơi sâu thẳm trong vách đá - nói gọn là những ác mộng kinh hoàng.
Gordon và các cậu khác tiếp tục trao đổi nho nhỏ với nhau về hiện tượng lạ lùng này, thấy vẫn tái diễn nhiều đợt, còn Phann thì vẫn tỏ ra khó chịu khác thường. Cuối cùng quá mệt mỏi, trừ Briant và Moko, tất cả đi nằm. Rồi bên trong động Người Pháp chìm sâu vào tĩnh lặng.
Hôm sau, ai cũng dậy sớm. Baxter và Doniphan bò vào trong cùng ngách đá. Chẳng còn nghe thấy tiếng động nào nữa. Con chó đi đi lại lại, không tỏ vẻ lo lắng, cũng không tìm cách lao vào vách đá như hôm trước.
- Chúng mình lại làm việc đi! - Briant nói.
- Phải đấy! - Baxter đáp. - Có tiếng động khả nghi thì dừng lại vẫn kịp.
- Liệu đó có phải chỉ là tiếng nước suối ngầm réo trong ruột khối đá không? - Doniphan nhận định.
- Nếu thế thì bây giờ vẫn còn chứ, mà có nghe thấy gì nữa đâu. - Wilcox nói.
- Đúng đấy! - Gordon trả lời. - Mình thì cho rằng đó là tiếng gió hú qua một khe nào đó trên đỉnh vách đá.
- Thế thì ta trèo lên ấy đi, - Service bàn - có thể sẽ tìm ra.
Đề nghị được chấp nhận. Đi xuôi bờ lạch khoảng năm mươi bước chân, có một lối khúc khuỷu lên tới trên vách đá. Một lúc sau, Baxter và hai bạn nữa đã lên tới khoảng bằng phẳng phía trên động Người Pháp. Vất vả vô ích. Trên mặt đá phủ đầy cỏ ngắn và dày, không hề thấy một khe hở nào để không khí hoặc nước lọt qua, và cho đến khi đi xuống họ cũng không hiểu gì hơn về hiện tượng lạ lùng mà các chú bé giải thích hoàn toàn ngây thơ là do một sức mạnh siêu nhiên.
Trong khi đó, việc đục núi lại tiếp tục đến hết ngày, không còn nghe thấy tiếng như hôm qua nữa, tuy Baxter có nhận xét là trước đây gõ vào vách của ngách chỉ nghe tiếng trầm đục thì bây giờ lại vang vang như gõ vào hộp rỗng. Phải chăng ngách đá sắp gặp một khoang hổng tự nhiên ở hướng này? Có phải hiện tượng đã xảy ra là do khoang hổng này? Giả thiết cạnh động Người Pháp có một khoang trống thứ hai không phải là không chấp nhận được, thậm chí còn đáng mong đợi vì sẽ đỡ bao công sức mở rộng động. Dĩ nhiên mọi người làm việc hăng hái lạ thường, và cho đến thời điểm này, ngày hôm ấy được xem là một trong những ngày vất vả nhất của cả nhóm. Tuy nhiên, không xảy ra sự kiện gì đáng ghi nhớ nếu không tính đến chuyện vào buổi tối, Gordon nhận thấy con chó của mình đã biến mất. Bình thường, vào các bữa ăn, Phann bao giờ cũng chiếm một chỗ bên cạnh ghế của chủ. Thế mà bữa nay chỗ ấy bỏ không. Mọi người gọi, Phann không đáp lại. Gordon ra cửa gọi lần nữa. Im lặng hoàn toàn. Doniphan và Wilcox, người thì chạy ra bờ lạch, người thì chạy về phía hồ… chẳng thấy tăm tích gì của con chó. Tìm kiếm ở các vùng lân cận, cách động Người Pháp khoảng một trăm bước đều vô hiệu!… Không tìm thấy Phann. Hiển nhiên là con chó ở ngoài tầm nghe được, nếu không chắc chắn nghe tiếng Gordon nó đã đáp lại. Bảo rằng nó lạc thì không thể chấp nhận được. Hay nó đã sa vào hàm thú dữ?… Có thể lắm, thậm chí đó lại là giả thuyết hợp lí nhất về sự mất tích của con chó. Đến 9 giờ, vách đá và hồ nước đã chìm trong bóng đêm. Các cậu phải ngừng cuộc tìm kiếm để trở về động Người Pháp, lòng đầy lo lắng, không chỉ lo mà còn buồn, thương con chó khôn đã biến mất, có thể là mãi mãi! Người thì nằm dài trên giường, người thì ngồi bên bàn chẳng buồn ngủ nghê… Dường như họ cô đơn hơn, lạc loài hơn, xa đất nước, xa gia đình hơn bao giờ hết!
Đột nhiên, những tiếng gầm gào vang lên phá vỡ sự im lặng. Lần này nghe như những tiếng rú, tiếp theo là những tiếng kêu đau đớn kéo dài khoảng một phút.
- Từ phía đó!… Tiếng kêu từ phía đó! - Briant kêu to và lao vào ngách đá.
Mọi người đứng dậy, dường như chờ đợi một cái gì xuất hiện. Các em bé lại kinh hoàng chui đầu dưới chăn…
Vừa ra khỏi ngách đá, Briant đã nói:
- Nhất định là chỗ đó có hang, cửa ở chân vách đá.
- Và ban đêm có những con vật nào đó. - Gordon thêm.
- Có thể lắm, - Doniphan nói, - sáng mai ta đi tìm.
Vừa lúc đó tiếng sủa lại vang lên cùng với tiếng rú bên trong khối đá núi.
- Có phải Phann đang quần nhau với con vật nào ở đó không? - Wilcox kêu lên.
Briant lại vào ngách áp tai sát vách nhưng không nghe thấy gì nữa. Phann thì không rõ có ở đó không, nhưng hang động thì nhất định là có, không còn nghi hoặc gì nữa, cửa hang thứ hai này chắc là bị cây cỏ ở chân vách đá che khuất.
Đêm trôi qua, không còn nghe tiếng rú, tiếng sủa nào nữa. Sáng ra, những cuộc sục sạo cả về phía lạch nước và về phía hồ không thu được kết quả gì hơn cuộc khảo sát trên đỉnh vách đá hôm qua. Phann vẫn biệt tăm mặc dù mọi người đã gọi và tìm kiếm quanh động Người Pháp.
Briant và Baxter lại thay nhau đục ngách hầm, cuốc chim và cuốc hoạt động không nghỉ ngơi. Buổi sáng, ngách sâu thêm chừng hai bộ. Thỉnh thoảng họ dừng lại, nghe ngóng, nhưng không thấy gì. Sau khi nghỉ ăn trưa khoảng một giờ, công việc lại tiếp tục. Mọi biện pháp đề phòng được thực hiện để đối phó với trường hợp nhát cuốc cuối cùng phá bung vách đá mở lối cho con vật nào đó xông vào động. Các em bé được đưa ra bờ lạch. Doniphan, Wilcox và Webb, súng trường và súng ngắn lăm lăm trong tay, sẵn sàng cho mọi bất trắc.
Vào khoảng 2 giờ, Briant kêu lên một tiếng. Lưỡi cuốc chim của cậu xuyên qua đá, làm sụt một mảng vách, mở ra một lỗ hổng lớn. Cậu vội chạy ngay ra với các bạn đang chưa hiểu có chuyện gì… Nhưng trước khi cậu mở miệng thì có cái gì đó lướt nhanh theo ngách hầm rồi một con vật nhảy bổ vào động.
Đó là Phann!
Phải, đúng là Phann. Đầu tiên nó lao đến một xô nước, uống lấy uống để, rồi nó vẫy đuôi, không có vẻ gì giận dữ, nhảy nhót quanh Gordon. Vậy là chẳng có gì đáng sợ cả. Briant liền xách một chiếc đèn hiệu chui vào ngách hầm. Gordon, Doniphan, Wilcox, Baxter và Moko vào theo. Một lát sau, cả bọn bước qua lỗ hổng và thấy mình ở trong một hang tối không có ánh sáng bên ngoài lọt vào. Hang động thứ hai này, chiều cao và chiều ngang tương tự như động Người Pháp, nhưng sâu hơn nhiều. Nền hang là cát mịn, rộng khoảng năm mươi yard vuông. Hình như hang không ăn thông với bên ngoài, có thể e ngại là thiếu không khí để thở. Tuy nhiên, ngọn lửa đèn hiệu vẫn sáng bừng bừng chứng tỏ không khí bên ngoài vẫn lọt vào được qua khe hở nào đó. Mà nếu không phải như thế thì Phann lọt vào đây bằng lối nào? Lúc đó Wilcox vấp chân và lấy tay sờ thì phát hiện một cơ thể cứng đơ và lạnh. Briant soi đèn lại, Baxter kêu:
- Xác chó rừng!
- Phải!… Đúng là một con chó rừng bị Phann dũng cảm cắn chết. - Briant đáp.
Gordon thêm:
- Và đây là lời giải cho những gì mà chúng ta không cắt nghĩa được!
Nhưng nếu đấy là hang ổ của một hay nhiều con chó rừng thì chúng vào bằng lối nào? Đó là điều phải khám phá. Vì thế Briant ra khỏi động Người Pháp đi men theo vách đá phía quay ra hồ, vừa đi vừa gọi thì nghe bên trong có tiếng đáp. Bằng cách ấy, cậu tìm ra một cửa hẹp sát mặt đất giữa các bụi rậm là lối chó rừng chui vào. Nhưng khi Phann đuổi theo vào động, đã có chỗ sụt lở một phần, bịt mất cửa này. Mọi người hiểu ngay sự thể là vậy.
Thế là mọi chuyện rõ như ban ngày: tiếng rú của chó rừng, tiếng sủa của chó nhà và sự vắng mặt suốt hai mươi bốn giờ của nó.
Thật là vui sướng biết bao! Chẳng những Phann đã trở về với các cậu chủ mà còn đỡ tốn biết bao công sức! Nói như Dole là có một hang động “làm sẵn” cho họ, hang động mà François Baudoin không ngờ là đã tồn tại! Mở rộng lối vào là có cửa trông ra hồ. Từ bây giờ thật dễ đáp ứng những yêu cầu về nội thất. Các cậu bé họp mặt ở hang động mới cất tiếng hoan hô, có cả tiếng sủa vui vẻ của Phann hòa theo.
Các cậu lại hăng say tiếp tục làm việc để mở rộng ngách hầm thành một hành lang dễ đi hơn. Vì kích thước của nó, hang động thứ hai rất xứng đáng được mang tên “đại sảnh”. Trong khi chờ đào các hầm ngách trong hành lang, vật dụng các loại được mang vào sảnh. Phòng ngủ và phòng làm việc cũng được bố trí ở đây. Bếp, kho bếp, phòng ăn vẫn nguyên vị trí, kho tổng hợp cũng tại nơi này, nên Gordon đề nghị và được mọi người nhất trí, gọi động cũ là kho.
Việc đầu tiên là chuyển các giường ngủ sang sảnh, kê đối xứng với nhau vì không thiếu chỗ. Rồi xếp đặt các đồ đạc của tàu Sloughi trước đây: đi văng, ghế bành, bàn, tủ, v.v., và quan trọng là bố trí các lò sưởi ở phòng khách và phòng ngủ trước đây của du thuyền sao cho sưởi ấm được cả căn phòng rộng này. Đồng thời, các cậu cũng đục cửa trông ra hồ để lắp vừa một cánh cửa vốn của du thuyền, một công việc khá vất vả dành cho Baxter.
Việc sắp đặt, bố trí ấy phải mười lăm ngày mới xong. Cũng là đúng lúc vì thời tiết đã chuyển biến sau những ngày tương đối ổn định. Chưa cực kì rét, nhưng gió thì quá mạnh nên không ai được ra ngoài động.
Thật thế, mặc dầu đã có vách đá che chở mà gió vẫn làm hồ dậy sóng ầm ầm như ở ngoài biển. Nếu có thuyền bè, thuyền đánh cá hoặc thuyền độc mộc ở đó thì chắc chắn là rất nguy hiểm. Phải chuyển chiếc xuồng lên cạn, nếu không sẽ bị sóng gió lôi cuốn đi. Nhiều lúc gió thổi làm cho nước con lạch chảy ngược dòng tràn bờ, e là có thể chảy tới vách ngang. May sao, cả kho và sảnh đều không trực tiếp phơi ra trước cuồng phong vì gió thổi hướng tây. Lò sưởi và lò bếp cũng luôn được tiếp tế củi khô, có dự trữ lớn, hoạt động tốt.
Thật là kịp thời vì mọi tài sản cứu được từ tàu Sloughi đều được đảm bảo an toàn! Thức ăn dự trữ không còn sợ bị hư hỏng vì thời tiết khắc nghiệt nữa. Lúc này, bị mùa trời xấu giữ chân, Gordon và các bạn có đủ thời gian rỗi rãi để sửa sang, sắp xếp nơi ăn chốn ở cho tiện nghi hơn. Họ mở rộng hành lang, đào thêm hai hầm nhỏ và sâu, một hầm có cửa, dành chứa đạn dược, phòng nguy cơ phát nổ. Cuối cùng, tuy các thợ săn chỉ có thể loanh quanh ở vùng kế cận động Người Pháp để săn các loài chim nước, thực đơn hằng ngày vẫn đảm bảo, tuy cũng có khi tài chế biến của Moko chưa đủ làm mất mùi đầm lầy của món ăn nên cũng có người này phàn nàn, người kia nhăn nhó. Có lẽ không cần phải nói con nandu cũng có chỗ trong góc kho trong khi chờ làm chuồng bên ngoài.
Tới lúc đó, Gordon có ý tưởng là sẽ dự thảo một chương trình để mọi người bổ sung và khi được tất cả tán thành thì ai cũng phải thực hiện. Sau đời sống vật chất, phải nghĩ đến đời sống tinh thần. Nào ai biết sẽ ở đây bao lâu. Giả thử cuối cùng họ có thể rời đảo được thì sẽ vui sướng biết bao nếu đã tận dụng được thời gian lưu lại tại đây. Với số sách trong tủ của du thuyền, các cậu lớn lại không thể tự học để nâng cao kiến thức của mình và dạy các em bé được hay sao! Một công việc tuyệt vời, sử dụng thời gian có ích và thú vị trong những ngày mùa đông dài dằng dặc.
Tuy vậy, trước khi dự thảo chương trình thì một việc khác được quyết định trong hoàn cảnh sau đây:
Tối 11 tháng 6, sau bữa ăn mọi người quây quần ở sảnh quanh cái lò sưởi đang cháy ro ro. Chuyện trò dẫn đến ý kiến là đã đến lúc đặt tên cho các vị trí địa lí chính của đảo. Briant nói:
- Như vậy sẽ rất có ích và rất thực tế.
- Phải đấy, đặt tên… cần nhất là chọn được những cái tên đẹp. - Iverson reo to.
- Những Robinson có thật và tưởng tượng đều làm thế cả! - Webb trả lời.
Gordon nói:
- Thì chúng ta có khác gì họ đâu…
- Một kí túc xá Robinson! - Service thốt lên.
- Hơn nữa, - Gordon nói tiếp, - nếu đặt tên cho vịnh, cho các con lạch, các khu rừng, hồ, vách đá, đầm lầy, các mũi biển… thì ta trao đổi ý kiến với nhau cũng dễ dàng hơn.
Kiến nghị đó được chấp nhận ngay. Vấn đề bây giờ là phát huy trí tưởng tượng, tìm ra được những cái tên thích hợp. Doniphan nói:
- Chúng ta đã quen gọi nơi du thuyền gặp nạn là vũng Sloughi rồi. Mình đề nghị cứ giữ lại cái tên ấy.
- Hẳn là thế rồi! - Cross trả lời.
- Và ta cũng giữ cái tên động Người Pháp để tưởng nhớ nạn nhân mà chúng ta đã thế chỗ. - Briant nói thêm.
Không ai phản đối gì cả, kể cả Doniphan, dù đó là ý kiến của Briant.
- Bây giờ nên đặt tên con lạch chảy vào vũng Sloughi là gì?
- Lạch Zealand! - Baxter đề nghị. - Tên ấy nhắc chúng ta nhớ đến đất nước mình.
- Chấp nhận! Chấp nhận! - Mọi người đồng thanh thông qua.
- Còn cái hồ? - Garnett hỏi.
- Con lạch đã mang tên nước Zealand của chúng ta, - Doniphan nói, - thì ta nên gọi hồ là hồ Gia Đình để nhớ đến gia đình chúng ta.
Đề xuất được hoan hô hưởng ứng.
Thật là nhất trí đồng lòng. Cũng trên tinh thần tương tự, vách đá được đặt tên đồi Auckland. Mỏm đá ở mũi biển, nơi Briant tưởng phát hiện ra biển ở phía đông, theo đề nghị của cậu, được mang tên mũi Lầm Biển. Những tên khác lần lượt được đặt như sau:
Cái tên rừng Hố Bẫy được đặt cho khu rừng phát hiện ra những hố bẫy thú; rừng Vũng Lầy là khu rừng nằm giữa vũng Sloughi và đồi Auckland; khoảnh truông giáp với đầm lầy được gọi là truông phía Nam; con suối có những phiến đá xếp thành lối để đi qua là suối Xếp Đá; bờ biển nơi du thuyền gặp nạn là bờ Mắc Cạn; và cuối cùng, dải đất giữa lạch và hồ, phía trước sảnh, giống như một bãi cỏ được đặt tên là Bãi Tập vì sẽ được dùng làm nơi rèn luyện thân thể trong chương trình tương lai.
Còn những địa điểm khác trên đảo thì sẽ đặt tên tùy theo đặc điểm và những sự kiện có liên quan. Tuy nhiên, cũng nên đặt tên cho những mũi đất chính được vẽ trong bản đồ của François Baudoin. Như vậy, phía bắc đảo có Mũi Bắc, phía nam có Mũi Nam. Cuối cùng với sự đồng thuận, các mũi đất phía tây đảo trông ra Thái Bình Dương được lần lượt mang tên mũi Pháp, mũi Anh, và mũi Mỹ vinh danh cho ba dân tộc có đại diện ở khu di thực này.
Khu di thực! Phải, từ ấy nêu lên để ai nấy nhớ rằng cư trú tại đây không phải là tạm bợ. Hiển nhiên đó là sáng kiến của Gordon, người luôn luôn bận tâm tổ chức cuộc sống trên vùng đất mới này hơn là tìm cách thoát ra. Các cậu bé không còn là nạn nhân của vụ đắm tàu Sloughi nữa mà là dân di thực trên đảo… Đảo gì nhỉ? Thế là đến lượt hòn đảo cần được đặt tên.
- Rồi! Rồi! Em biết nên đặt tên là đảo gì rồi! - Costar reo.
- Em biết à? Em ấy hả? - Doniphan hỏi.
- Costar khá lắm! - Garnett khen.
- Chắc em đặt tên là đảo Nhóc Con chứ gì? - Service giễu.
- Thôi nào, đừng đùa Costar nữa, - Briant nói, - để nghe ý kiến của em ấy đã.
Chú bé sững lại, không nói.
- Cứ nói đi, Costar! - Briant vừa nói tiếp vừa phác một cử chỉ khuyến khích. - Anh tin là em có ý kiến hay.
- Thế thì, - Costar nói, - vì chúng ta đều là học sinh của trường nội trú Chairman, ta hãy gọi nơi đây là đảo Chairman.
Và đúng là không có ý kiến nào hay hơn nữa. Mọi người vỗ tay tán thành khiến Costar rất tự hào.
Đảo Chairman! Cái tên này có ngữ điệu địa lí nhất định và có thể có mặt đàng hoàng trong những cuốn atlas tương lai.
Lễ đặt tên kết thúc trong sự hài lòng chung. Đến lúc đi nghỉ thì Briant xin được nói:
- Các bạn ạ, ta đã đặt tên cho đảo của chúng ta. Vậy thì nên chăng có một đảo trưởng để cai quản?
- Đảo trưởng à? - Doniphan hỏi lại vẻ sốt sắng.
- Đúng thế! - Briant nói tiếp. - Mình cho rằng nếu trong chúng ta có một người có quyền chỉ huy những người khác thì mọi việc sẽ trôi chảy hơn. Ở nước nào cũng thế, thì tại sao ở đảo Chairman lại không?
- Đúng! Một đảo trưởng! Chúng ta hãy bầu một đảo trưởng! - Cả lớn lẫn bé đều reo to.
- Chúng ta hãy bầu đảo trưởng, - Doniphan nói, - với điều kiện là chỉ trong một thời hạn nhất định thôi, chẳng hạn một năm…
- Và có thể được bầu lại. - Briant bổ sung.
- Tán thành! Vậy chúng ta bầu ai đây? - Doniphan hỏi, giọng lo lắng.
Hình như cậu bé có tính đố kị này sợ một điều: các bạn không chọn mình mà chọn Briant… Cậu sớm biết mình lầm.
- Bầu ai? - Briant trả lời. - Người khôn ngoan nhất trong chúng ta là… Gordon.
- Đúng! Đúng! Hoan hô Gordon!
Lúc đầu Gordon định từ chối vinh dự mà các bạn dành cho mình vì cậu có sở trường về tổ chức hơn là chỉ huy. Nhưng rồi cậu nghĩ đến những rắc rối có thể xảy ra trong tương lai khi những thành kiến khác biệt của các bạn trẻ va chạm với nhau chẳng khác gì giữa những người lớn thì quyền hạn của cậu không phải là vô ích.
Gordon được suy tôn là trưởng đảo Chairman như vậy đó.
Hai Năm Trên Hoang Đảo Hai Năm Trên Hoang Đảo - Jules Verne Hai Năm Trên Hoang Đảo