Nguyên tác: Nguyên Tác Tiếng Pháp: Ebène (Aventures Africaines)
Số lần đọc/download: 2271 / 103
Cập nhật: 2017-05-09 22:24:00 +0700
Hẻm Phố Của Tôi, 1967
C
ăn hộ tôi thuê ở Lagos luôn luôn bị trộm viếng thăm. Điều này không chỉ xảy ra khi tôi đi đâu đó lâu ngày – đi Chad, Gabon hay Guinea. Ngay cả khi đi một chuyến ngắn đến thành phố lân cận – Abeokuta hay Oshogbo – tôi cũng biết rằng khi trở về, cửa sổ sẽ bị tháo khỏi khung, đồ gỗ lật nhào, tủ bị khoắng sạch.
Căn hộ nằm trong trung tâm thành phố, trên đảo Lagos. Hòn đảo này trước kia là điểm tập kết của những kẻ buôn bán nô lệ và gốc gác nhạc nhã đen tối ấy đã để lại trong bầu không khí của thành phố một cái gì đó bất an, hung bạo. Người ta luôn luôn nhận thấy nó. Như khi tôi đi taxi và nói chuyện với người tài xế, anh đột nhiên im bặt, lo lắng nhìn quanh đường phố. “Có chuyện gì thế?” Tôi tò mò hỏi. “Very bad place!” Anh hạ giọng đáp. Chúng tôi đi tiếp, anh bớt căng thẳng và lại bình tĩnh trò chuyện. Nhưng lại có một nhóm người đi dọc phố (trong thành phố không có vỉa hè), người tài xế lại im bặt khi nhìn thấy họ, anh nhìn quanh, tăng tốc. “Có chuyện gì thế?” Tôi hỏi. “Very bad people!” Anh trả lời. Mãi tới khi đã vượt qua họ cả cây số, anh mới trở lại câu chuyện đang dở dang.
Trong đầu người tài xế này hẳn phải có một tấm bản đồ giống như những tấm treo ở đồn cảnh sát. Chốc chốc, những cái đèn cảnh báo nhỏ nhiều màu trên đó lại bật đèn, lóe sáng và nhấp nháy, báo hiệu các địa điểm nguy hiểm, những nơi thường bị tấn công và gây tội ác. Các dấu hiệu cảnh báo này đặc biệt nhiều trên bản đồ khu trung tâm, chính là nơi tôi sống. Thực ra tôi có thể chọn Ikoyi – khu vực an toàn và sang trọng của dân nhà giàu Nigeria, của người Âu và giới ngoại giao – nhưng đó là một nơi quá nhân tạo, khép kín, riêng biệt và được canh gác cẩn mật. Mà tôi thì muốn sống trong một đô thị châu Phi, trên một đường phố châu Phi, trong một căn nhà châu Phi. Nếu không, làm sao tôi có thể hiểu được thành phố này? Châu lục này?
Nhưng một người da trắng sống trong khu châu Phi hoàn toàn không dễ dàng chút nào. Trước tiên là những người Âu sẽ nổi giận và phản đối. Ai có ý định giống tôi hẳn phải là một kẻ loạn trí, một người thiểu năng trí tuệ. Họ bắt đầu can ngăn và dọa dẫm: anh sẽ chết chắc, chỉ có là chết theo cách nào. Anh sẽ bị giết, hoặc tự chết, vì điều kiện sống ở đó thật kinh khủng.
Nhưng cả phía châu Phi cũng nhìn vào sáng kiến của tôi không chút nhiệt tình. Thứ nhất là có các khó khăn về mặt kỹ thuật: sống ở đâu? Khu vực này nghèo khổ và chen chúc, những căn nhà, túp lều ổ chuột tồi tàn. Ngột ngạt và thiếu ánh sáng. Bụi bặm, hôi thối và đầy ruồi muỗi sâu bọ. Biết đi đâu? Biết tìm đâu một góc riêng cho mình? Đi lại thế nào? Thử ví dụ chuyện nước nôi. Phải lấy nước từ tít tận cuối phố, vì ở đó mới có vòi bơm. Lũ trẻ đảm nhận việc này. Phụ nữ - rất ít khi. Đàn ông thì không bao giờ. Thế mà lại có một ông đứng xếp hàng đến giếng lấy nước với tụi trẻ con. Ha! Ha! Ha! Làm gì có chuyện ấy! Hoặc là, ví dụ anh có một căn phòng riêng và muốn đóng cửa một mình trong phòng để làm việc. Đóng cửa lại một mình? Đừng nghĩ đến chuyện ấy! Tất cả chúng ta cùng chung sống trong gia đình, trong nhóm; trẻ con, người lớn, người già, không bao giờ xa lìa, thậm chí sau khi chết hồn ta cũng ở lại với người sống, với những người vẫn còn trên thế gian. Đóng cửa một mình trong phòng để không ai vào được? Ha! Ha! Ha! Làm gì có chuyện ấy! Mà hơn nữa – người bản xứ nói nhẹ nhàng với tôi – khu chúng tôi không an toàn. Có nhiều người xấu quanh quất ở đây. Đáng sợ nhất là các boma boy – các băng đảng của đám côn đồ hư hỏng, chúng đánh đập, giết người, cướp của, đám quân kinh hoàng phá hoại tất cả mọi thứ. Chúng sẽ sớm đánh hơi thấy ở đây có một người Âu sống một mình. Mà đối với chúng người Âu nghĩa là người giàu. Khi đó ai sẽ bảo vệ anh?
Tuy vậy, tôi vẫn ngoan cố. Tôi không nghe những lời căn ngăn, tôi đã nhất quyết. Một phần bởi vì đôi lúc tôi bực mình với những người đến đây, sống trong “tiểu châu Âu” hay “tiểu chây Mỹ” (nghĩa là các khách sạn sang trọng) rồi quay về, sau đó huênh hoang rằng mình đã ở châu Phi, nơi mà thực ra họ chưa hề thấy tận mắt.
Và rồi cơ hội xuất hiện. Tôi quen một người Ý, Emilio Madera. Trong hẻm phố không xa Massey Street, anh có kho nông cụ đã ngừng hoạt động (người da trắng đang từ từ bỏ dần việc làm ăn của mình), và bên cạnh nó, nói đúng hơn là bên trên, có căn hộ hai phòng dành cho nhân viên bỏ trống, vì chẳng ai muốn ở đó. Anh vui mừng khi thấy tôi muốn thuê căn hộ này. Một buổi chiều tối, anh chở tôi đến đây bằng xe hơn và giúp tôi mang đồ đạc lên (theo cầu thang sắt gắn vào bức tường mặt ngoài tòa nhà). Bên trong mát mẻ dễ chịu vì Emilio đã bật máy điều hòa từ sáng. Tủ lạnh cũng còn hoạt động. Anh người Ý chúc tôi ngủ ngon rồi vội vàng biến mất. Sáng hôm sau anh phải bay về Roma. Sau vụ đảo chính gần nhất, anh sợ những vụ lộn xộn mới và muốn đem về một phần tiền bạc của mình.
Tôi bắt đầu dỡ đồ đạc ra.
Một giờ sau, điện tắt.
Căn hộ chìm ngay trong bóng tối, mà tôi thì chẳng có lấy một cái đèn pin. Tồi tệ nhất là máy điều hòa ngừng chạy và lập tức thấy nóng, ngột ngạt. Tôi mở cửa sổ. Thứ mùi lẫn lộn của hoa quả thối, dầu rán bị khét, xà phòng và nước tiểu bắt đầu ùa vào phòng. Mặc dù biển hẳn phải ở đâu đó không xa, nhưng trong con hẻm kín mít và chật chội này người ta không cảm thấy một làn gió nào hết. Đó là vào tháng Ba, tháng của những cơn nóng trí mạng, đêm dường như còn nóng và ngột ngạt hơn ban ngày. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Dưới nền hèm, người ta cởi trần nằm thẳng xuống đất hoặc lên chiếu. Phụ nữ và trẻ con đang ngủ, mấy người đàn ông ngồi dựa vào vách đất nhìn tôi chằm chằm. Tôi không biết cái nhìn của họ mang ý gì. Họ muốn làm quen với tôi? Muốn giúp tôi? Giết tôi?
Tôi nghĩ trong nhà nóng như thế thì chẳng thể chịu nổi cho đến sáng nên đi xuống dưới. Có hai người đàn ông đứng dậy, những người khác thì nhìn, bất động. Tất cả chúng tôi đều đầm đìa mồ hôi, tất cả đều mệt muốn chết, chỉ riêng việc tồn tại trong cái khí hậu này cũng đã là một nỗ lực lớn. Tôi hỏi họ có hay mất điện không. Họ không biết. Tôi hỏi họ có sửa được không. Chúng tôi trò chuyện bằng thứ ngôn ngữ mà tôi không hiểu. Một người trong số họ biến đi đâu đó. Mười lăm, ba mươi, bốn lăm… phút trôi qua. Cuối cùng anh trở về, dẫn theo hai thanh niên. Họ nói có thể sửa điện với giá mười bảng. Tôi đồng ý. Không bao lâu, căn hộ sáng lên, máy điều hòa lại tiếp tục hoạt động. Vài ngày sau – lại hỏng, lại mười bảng, rồi sau đó là mười lăm và hai mươi.
Còn trộm cắp thì sao? Ban đầu, mỗi khi trở về và thấy căn hộ bị lục lọi, tôi tức giận vô cùng. Bị trộm, điều đó trước hết có nghĩa là bị xem thường, bị lừa đảo. Nhưng ở nơi đây, tôi nhận ra rằng coi trộm cắp là sự xem thường và lừa đảo vẫn còn là một sự xa xỉ tinh thần. Khi sống giữa những người dân nghèo trong khu này, tôi đã hiểu: trộm cắp, ngay cả thứ trộm cắp vặt vãnh nhất, cũng có thể là bản án tử hình. Tôi đã nhìn nhận trộm cắp như tội giết người, sát nhân. Một phụ nữ sống đơn chiếc nơi góc nhỏ của mình trong hẻm, tài sản duy nhất của cô là cái nồi. Cô sống bằng cách lấy chịu đậu của các bà buôn, nấu lên, nêm nước xốt và đem bán. Với nhiều người, một đĩa đậu là bữa ăn duy nhất trong ngày. Thế rồi một đêm, chúng tôi bị tiếng kêu thảm thiết đánh thức. Cả con hẻm rúng động. Người phụ nữ vừa chạy quanh vừa khóc, cô như phát điên: kẻ trộm đã lấy cắp mất cái nồi của cô, cô đã mất thứ đồ duy nhất để kiếm sống.
Nhiều người trong hẻm chỉ có duy nhất một thứ gì đó. Người có chiếc áo, người có con dao quắm, người thì có – chẳng biết từ đâu – cái cuốc chim. Ai có áo thì có thể đi làm người gác đêm (không ai muốn thuê một người canh gác ở trần), ai có dao quắm có thể được thuê cắt cỏ, người có cuốc chim có thể đào hào, đào mương. Những người khác chỉ có thể bán cơ bắp của mình. Họ hy vọng sẽ có người cần họ làm phu khuân vác hay người đưa tin. Nhưng trong tất cả các trường hợp này, cơ hội có việc làm rất nhỏ vì cạnh tranh vô cùng lớn. Hơn nữa đó thường chỉ là các công việc thêm thắt – trong vài giờ, một ngày.
Bởi vậy, hẻm phố của tôi, các đường phố lân cận và cả khu vực này đầy ngập người vô công rồi nghề. Buổi sáng họ thức dậy và tìm nước rửa mặt. Sau đó, ai có tiền thì mua cho mình bữa sáng: một cốc trà và miếng bánh mì khô. Nhưng nhiều người không ăn gì hết. Gần trưa, cái nóng trở nên không thể chịu nổi, người ta phải đi tìm nơi có bóng râm. Bóng râm dịch chuyển từng giờ theo mặt trời, còn con người thì dịch chuyển cùng bóng râm. Đối với anh ta đây là việc duy nhất trong ngày: theo sát bóng râm, trốn vào lòng tối mát mẻ của nó. Đói. Người ta rất muốn ăn, nhưng chẳng có gì hết. Vậy mà mùi thịt nướng của quán bar gần đó lại bay đến. Sao những người này không xông vào cái quán nhỉ, họ trẻ và khỏe thế cơ mà?
Nhưng có người đã không chịu nổi, bởi đột nhiên có tiếng hét. Đó là bà bán hàng ngoài phố đang la ầm lên vì bị một cậu trai thủ mất nải chuối trên sạp. Những người bên cạnh đuổi theo và cuối cùng bắt được cậu trai. Không rõ cảnh sát từ đâu xuất hiện. Ở đây, cảnh sát mang dùi cui gỗ lớn, họ dùng chúng đánh đập nạn nhân tàn nhẫn bằng hết sức bình sinh. Cậu trai giờ đây nằm trên phố, co rúm, quắp người lại, tránh những đòn dùi cui. Người ta xúm xít lại ngay lập tức. Ở đây điều này chẳng khó khăn gì, vì cả đám đông những người vô công rồi nghề luôn rình mò từng sự kiện, từng sự xáo trộn, từng chuyện giật gân, chỉ để bàn tán, để có cái mà xem, có chuyện mà làm. Bây giờ họ chen lại mỗi lúc một gần hơn, để tiếng dùi cui thình thịch và tiếng người bị đánh rên rỉ khiến họ cảm thấy thực sự sung sướng. Họ khuyến khích và cổ vũ cảnh sát bằng những tiếng la, tiếng hét. Ở đây, nếu người ta bắt được kẻ trộm, họ muốn xé xác, hành hình kiểu Lin-sơ và nghiền nát hắn ran gay. Cậu trai rên rỉ, tay đã buông nải chuối. Những người đứng gần đó nhất lao vào, bẻ nó ra chia nhau.
Sau đó, tất cả trở lại bình thường. Bà bán hàng vẫn còn tiếc của và chửi bới. Cảnh sát đi khỏi. Cậu trai bị đánh đập hành hạ lết vào một chỗ ẩn náu nào đấy, đau đớn và đói bụng. Mọi người tản ra, tất cả trở về chỗ của mình dưới chân tường, dưới bức vách, dưới mái hiên – về với bóng râm. Họ ở lại đó cho đến tối. Sau một ngày đói và nóng nực người ta thấy yếu mệt và phờ phạc. Nhưng một chút đờ đẫn, một trạng thái tê liệt bên trong thậm chí lại là tốt: nếu không, con người sẽ không sống sót nổi. Phần “con” sinh lý trong bản chất sẽ ăn thịt tất cả những gì là “người” của anh ta.
Buổi tối, con hẻm có chút hồi sinh. Cư dân của nó tụ họp lại. Một số người bị cơn sốt rét hành hạ vẫn luôn ngồi cả ngày ở đây. Những người khác vừa từ thành phố trở về. Một số người đã có một ngày may mắn: họ làm việc ở đâu đó hay tìm được người thân chia cho họ chút tiền mọn. Những người này sẽ ăn tối: bát sắn với nước xốt ớt cay, đôi khi thậm chí có cả trứng luộc hay miếng thịt cừu. Một phần được chia cho lũ trẻ đang hau háu nhìn những người đàn ông ngấu nghiến hết miếng này đến miếng khác. Ở đây, lượng thức ăn nào cũng biến mất ngay không dấu vết. Người ta ăn tất cả những gì có được, đến tận mẩu cuối cùng. Chẳng ai có chút đồ để dành, thậm chí họ cũng không có chỗ mà cất chúng. Người ta sống tức thời, cho khoảnh khắc hiện tại. Mỗi ngày đều là một trở ngại khó vượt qua. Trí tưởng tượng không vươn xa hơn ngày hôm nay, không đặt kế hoạch, không mơ ước.
Ai có một si-linh thì đi ra quán. Đầy quán xá trong các hẻm phố, trên các ngã tư, quảng trường. Đôi khi đó là những chốn tồi tàn, tường ghép bằng những tấm tôn lượn sóng, thay cho cánh cửa là tấm rèm vải. Vậy nhưng ta phải cảm thấy như mình đang bước vào khu vui chơi giải trí, như đang ở trong cuộc hội hè. Tiếng nhạc phát ra từ những chiếc đài cũ, một bóng đèn đỏ treo trên trần nhà. Trên tường treo ảnh các nữ diễn viên bóng nhoáng cắt từ họa báo. Sau quầy thường có một ma đam to béo phốp pháp đang đứng – đó là bà chủ. Bà bán thứ duy nhất trong một cái quán như thế này – bia nấu theo kiểu gia truyền. Có nhiều loại bia – bia chuối hoặc ngô, dứa, dừa. Thông thường, mỗi bà chuyên nấu một loại bia riêng. Một cốc đồ uống như vậy có ba ưu điểm: a) có chất cồn, b) vì là chất lỏng, nên nó giải khát và c) bởi thứ dung dịch này đặc lại dưới đáy cốc, nó trở thành thức ăn phế phẩm cho kẻ đói lòng. Do đó, nếu ai trong ngày chỉ kiếm được một si-linh – nhiều khả năng nhất là anh ta sẽ ra quán.
Hiếm có ai sống lâu dài trong hẻm phố của tôi. Những người qua chốn này là đám dân nay đây mai đó muôn đời của đô thị, những người lang thang lạc lối trong mê cung hỗn độn và bụi bặm của các đường phố. Họ chuyển đi rất nhanh và biến mất không một dấu vết, bởi thực ra họ chẳng có gì hết. Họ tiếp tục lên đường vì bị ảo vọng của bất kỳ công việc nào đó lôi cuốn, hoặc họ sợ bệnh dịch đột nhiên vừa bùng phát trong hẻm, hoặc họ bị chủ nhân các ngôi nhà hay hàng hiên đuổi đi vì không có tiền thuê chỗ. Mọi thứ trong cuộc sống của họ đều tạm thời, tan chảy và mong manh. Có đấy rồi không đấy. Ngay cả nếu có thì cũng trong bao lâu? Sự bất an vĩnh cửu này khiến những người hàng xóm trong hẻm phố tôi luôn luôn sống trong nỗi đe dọa thường xuyên và niềm sợ hãi không ngừng. Họ từ bỏ cái nghèo đói của làng quê và đi ra thành phố với hy vọng được sống tốt hơn. Ai tìm được họ hàng thì có thể mong người ấy cho nương tựa và tìm giúp bước khởi đầu. Nhưng nhiều người không tìm được ai thân thích, chẳng một người cùng bộ tộc. Thường thì thậm chí họ không hiểu thứ ngôn ngữ mà họ nghe trên phố, không biết phải hỏi thăm thế nào về bất cứ chuyện gì. Cuộc sống đô thị hút họ vào, trở thành thế giới duy nhất của họ, đến mức ngay hôm sau họ đã không còn biết cách nào thoát ra khỏi nó.
Họ bắt đầu dựng cho mình một mái nhà, một góc, một chốn riêng. Bởi những người mới đến không có tiền – họ đến thành phố chính là để kiếm tiền (làng quê châu Phi truyền thống không biết đến khái niệm tiền) – họ chỉ có thể tìm thấy chỗ cho mình ở các khu ổ chuột. Việc xây dựng khu này là một cảnh tượng lạ thường. Chính quyền thành phố thường dành những vùng đất tồi tệ nhất cho mục đích đó – các đầm lầy hoặc bãi cát hoang mạc trơ trọc. Trên nền đất ấy, ai đó dựng lên cái lều đầu tiên. Kế bên, ai đó dựng lên cái lều thứ hai. Sau đó – cái lều tiếp theo. Đường phố hình thành ngẫu hứng như thế. Đối diện với nó, một đường phố khác chạy qua. Khi gặp nhau, chúng tạo ra ngã tư. Bây giờ các đường phố này bắt đầu trải rộng, chia ra, rẽ nhánh. Một khu hình thành như vậy. Rồi lúc này, người ta thu thập nguyên vật liệu. Không thể biết được từ đâu. Họ đào dưới đất lên? Lôi từ trên mây xuống? Dù sao thì cũng có thể chắc chắn một điều: đám người không xu dính túi ấy chẳng mua thứ gì hết. Họ đội, cõng, cắp nách những miếng tôn, ván, gỗ dán, nhựa, bìa các tông, khung xe, thùng, rồi lắp ghép, dựng, đóng và dán tất cả lại thành một thứ nửa lều nửa chòi nơi các bức vách ghép thành tác phẩm cắt dán ngẫu hứng sặc sỡ kiểu ổ chuột. Để có chỗ nằm ngủ, bởi nền thường là đất bùn lầy hoặc đá sắc, họ trải cỏ voi, lá chuối, lá cọ hay rơm xuống sàn nhà. Những khu này, các sáng tạo papier-mâchê Phi châu ấy quả thực là được làm từ bất-kể-thứ-gì và chính chúng – chứ không phải La Défence của Paris hay Manhattan – mới là sản phẩm tuyệt đỉnh của sự sáng tạo, khéo léo và trí tưởng tượng loài người. Cả thành phố được dựng lên không có lấy một viên gạch, một cọc sắt, một mét vuông kính!
Như nhiều sản phẩm của những “biến cố” tự nhiên, các khu ổ chuột thường cũng chẳng thọ lâu. Chỉ cần chúng quá bành trướng hay chính quyền thành phố quyết định xây gì ở đó là đủ để bị dẹp. Có lần tôi đã chứng kiến một cuộc giải tỏa như thế, không xa hẻm phố của tôi. Khu nhà ổ chuột lan ra tận bờ đảo. Chính phủ quân sự cho rằng điều đó là không thể được. Sáng sớm, những chiếc xe tải chở cảnh sát đến. Đám đông tụ tập lại ngay. Bấy giờ cảnh sát xông vào những căn nhà ổ chuột, đuổi dân ra khỏi nhà. Tiếng kêu khóc dậy lên, mọi thứ náo loạn. Những chiếc xe ủi đất tiến đến, đồ sộ, vàng chóe, hiệu Caterpillar. Trong giây lát, từng đám bụi đất lớn tung lên cao: các cỗ máy đang tiến lên, ủi đổ hết từ phố này sang phố khác và để lại đằng sau mặt đất bị nghiền nát, trống trơn. Ngày hôm đó, hẻm phố đầy chật người lánh nạn từ khu nhà bị phá bỏ. Chen chúc, ồn ào và càng ngột ngạt hơn nữa.
Một hôm, tôi có khách. Đó là một người đàn ôg trung niên trong y phục Hồi giáo màu trắng. Ông tên là Suleiman, xuất thân từ miền Bắc Nigeria. Ông từng làm việc cho anh người Ý trong vị trí người gác đêm. Ông biết hẻm phố này và cả vùng lân cận. Thái độ rụt rè, ông không muốn ngồi xuống trước mặt tôi. Ông hỏi tôi có cần người gác đêm không, vì ông vừa bị mất việc. Tôi trả lời là không, nhưng ông khiến tôi có thiện cảm nên tôi cho ông năm bảng. Vài ngày sau ông lại tới. Lần này ông ngồi xuống. Tôi pha trà mời ông. Chúng tôi bắt đầu trò chuyện. Tôi than phiền rằng mình suốt ngày bị ăn trộm. Suleiman coi chuyện đó là hoàn toàn bình thường. Trộm cắp – đáng tiếc, đây là sự thật – là một hình thức giảm bớt bất bình đẳng. Họ ăn trộm của tôi, như vậy là tốt, ông nói, thậm chí đó là một cử chỉ thân thiện từ phía họ. Bằng cách ấy họ cho tôi biết rằng tôi có ích cho họ và do đó, họ chấp nhận tôi. Về cơ bản, tôi có thể cảm thấy an toàn. Đã có điều gì đe dọa tôi ở đây chưa? Tôi công nhận là chưa. Chính thế! Ở đây, chừng nào còn cho phép họ ăn trộm thoải mái, tôi sẽ an toàn. Khi tôi báo cảnh sát và họ bắt đầu bị truy bắt, tốt hơn hết là nên chuyển đi chỗ khác.
Một tuần sau ông lại tới. Ông uống trà, đoạn nói bằng giọng bí mật rằng ông sẽ đưa tôi đến Jankara Market. Ở đó, chúng tôi sẽ mua một số thứ thích hợp. Jankara Market là khu chợ nơi các phù thủy, thầy lang, thầy bói và thầy ma bán các loại bùa, ngải, đũa dò mạch và thần dược. Suleiman đi từ bàn này sang bàn khác, xem xét, hỏi han. Cuối cùng, ông bảo tôi mua bó lông gà trắng của một phụ nữ. Lông đắt, nhưng tôi không phản đối. Chúng tôi trở về con hẻm. Suleiman xếp các sợi lông, dùng chỉ buộc lại rồi treo lên xà cửa.
Kể từ khi ấy, trong căn hộ của tôi không còn thứ gì bị biến mất nữa.