Số lần đọc/download: 7126 / 123
Cập nhật: 2015-09-04 02:58:38 +0700
Chương 13 - Đọa Xứ
Sư bà chùa Trầm quì trước bệ rồng.
Vua Thần Tông nhấp môi vào chén nước sâm từ tay viên Thái giám đứng hầu bên ngài dâng lên mà mắt vẫn đăm đăm vào sư bà. Người đàn bà lạ lẫm vừa rơi xuống từ một đỉnh núi phủ đầy tuyết sương, trên mắt, trên môi, trên đôi vai mỏng còn nồng mặn mùi rễ cây oải hương và gió thổi quấn quyện từ địa ngục.
Ngập ngừng, những lời nói của Thần Tông buông, treo lơ lửng đầu lưỡi:
- Sư bà hãy đem Phật đạo giáo hoá các cung nhân của trẫm!
Những ngón tay dài và mảnh, trong suốt, chắp lại trước ngực. Có thể thấy rõ những mạch máu màu tím đang nhẩn nha chảy, lan toả chút hơi ấm trên mu bàn tay. Mười búp tay tiểu thư hao gầy dưới những móng tay cũng màu tím. Đôi hàng mi sững lặng in bóng lên màu da bạc. Đôi môi đầy đặn như môi Phật, màu trắng. Một bóng tối mờ ảo phủ trên gương mặt. Mong manh. Xa xôi. Không thời gian. Chung quanh ngừng lặng. Vẻ xa hoa của hoàng cung trở nên trơ trẽn trước gương mặt này.
Một nỗi buồn vô cớ thấu vào tận đáy tim Thần Tông.
Sư bà chợt ngẩng đầu, đưa mắt nhìn qua vai Thần Tông. Vẻ hư vô trong mắt bà lóe lên đỉnh điểm một vẻ đẹp không tả xiết. Vẻ đẹp của người đã từng sống và từng chết đi, rồi tái sinh ở thế giới bên kia.
Xa xa, cửa Càn Nguyên điện nhuộm vàng. Hoàng hôn rớt lại trong một vệt ráng chiều thấm máu trên đường chân trời. Thần Tông giật mình nhận ra trong mắt sư bà một ánh lạnh lẽo. Một con thuyền quen lênh đênh trên đại dương trong đêm tối. Với những gỗ những ván ngâm mặn mòi trong nước biển. Không tay chèo không bánh lái, lấy lênh đênh làm bến đỗ. Không ao ước bình yên. Biển cũng trở thành nhạt nhẽo. Giông tố cũng trở thành cợt đùa. Mà những con sóng xô nhanh chỉ là tiếng ru đều đặn giục lênh đênh.
Khẽ nói:
- Kẻ bần ni sợ mình bất túc, tâu bệ hạ. Nơi này không phải là xứ của bần ni. Xứ của bần ni là động Trầm…
Từ trên ngai vàng, Thần Tông cúi nhìn xuống mái đầu cạo trọc mà những gốc tóc nhô lên sớm đã thưa thớt chớm bạc:
- Sư bà bình thân. Ta đã hỏi quan Tây thượng cáp môn sứ về bà. Tiếng tăm về năng lực giáo hoá của sư bà đã được đồn thổi khắp xứ Đoài, về đến tận kinh kỳ. Trẫm vốn sùng đạo, những mong dùng Phật đạo để lấy lẽ từ bi làm phép trị nước.
Sư bà nói mơ màng:
- Các tiên đế vốn là người sùng đạo…
- Phải, trẫm noi gương các tiên đế, lại thêm mong cho khắp thiên hạ không còn kiện tụng tù ngục, nhà nhà cất tiếng âu ca… Muốn vậy, màu cà sa của Phật phải bao trùm khắp cõi phàm. Các tiên đế đã giành lại giang sơn, mở mang bờ cõi. Công lao ấy núi Thái Hằng cũng không thể so bì. Nhưng để được như vậy, máu cũng chảy thành sông… Từng đi kinh lý vùng biên ải, trẫm đã nhìn thấy xương người phơi trắng trên bờ cõi. Trẫm đau lòng khi nhìn thấy cảnh đó. Với Phật pháp, non sông của trẫm sẽ không lặp lại cảnh núi xương sông máu…
Sư bà nhìn vào đôi mắt rực ánh hào quang của Thần Tông:
- Thưa, có phải vì vậy mà vừa mới lên ngôi, tháng Hai năm Mậu Thân ngày Ất Mão, Bệ hạ xuống chiếu tha cho các tù nhân ở phủ Đô hộ. Ngày Nhâm Tuất, người lại xuống chiếu tha cho một trăm ba mươi kẻ bị biếm truất?
Mắt Thần Tông sáng rỡ:
- Sư bà ở chốn hang động, xa lánh phàm trần mà cũng rành việc nước?
Sư bà tiếp giọng đều đều:
- Người còn đi khắp các chùa quán để cảm tạ đức Phật dã giúp cho người chiến thắng quân Chân Lạp ở bến Ba Đầu? Rồi hôm này người lại mở đại lễ khánh thành tám vạn bốn nghìn bảo tháp?
Thần Tông ngạc nhiên lẩm bẩm:
- Kỳ lạ! Bà này sao quá rành rẽ nhất cử nhất động của ta…!
Câu nói đó không qua tai sư bà.
- Tâu Bệ hạ, chẳng có gì lạ… Đầu ngón tay út của Bệ hạ nhấc lên cũng đủ gây mưa móc hay sóng gió trong thiên hạ. Bần ni tuy ngụ nơi thâm sơn cùng cốc nhưng không phải những âm ba chốn kinh thành quyền quí không dội tới. Kẻ xuất gia muốn hành đạo tất phải hiểu việc đời!
"Khẩu khí chẳng phải tầm thường. Mà sao người tu hành này lại cứ toát ra một sự huyền bí khiến ta không thể dằn lòng để rời xa bà ta vậy? Mà bà ta ở độ tuổi có thể sinh ra ta. Cái thân hình có lẽ ngày xưa rất quyến rũ kia đã bị cuộc đời tu hành khắc khổ mài mòn trở nên vóc hạc xương mai. Có một sức hút kỳ lạ ở người đàn bà này. Cái mũi côi cút trên gương mặt. Đôi môi ấy hẳn xưa đã từng sống động và khao khát. Lông mày màu khói nhạt mượt như lụa. Cái cổ cao không thể nào thanh mảnh hơn thế, khi chắp tay cúi xuống hiện rõ vẻ kiêu hãnh của một con ngựa yêu kiều. Trên đầu, làn da trắng xanh chỉ có những chân tóc bị cạo che phủ hắt sáng như toả hào quang…".
Một giấc mơ xa xôi, dịu dàng và cam chịu, khác với sự nôn nóng thường nhật của một ông vua muốn gì được nấy đang manh nha trong lòng Thần Tông. "Không thể hiểu nổi… tại sao giữa muôn nghìn tăng ni Phật tử, ta lại chỉ nhìn thấy bà và lập tức cưỡng bà về cung… Tại sao khi bà ta xuất hiện, mọi thứ xung quanh đều nhạt nhoà, không hiện hữu…". Thần Tông không ngớt ngẫm nghĩ và càng lúc càng thấy lạ trước mình. Ngài chằm chằm nhìn tận mặt của sư bà, dò hỏi, cố đuổi theo một ý nghĩ vô hình vừa loé lên rồi chập chờn trêu cợt bay xa để ngài phải miệt mài theo dõi. Thần Tông quên cả việc đáp lại câu nói của sư bà.
Giai âm trong giọng nói của sư bà vẫn cất lên như tiếng của một ngọn suối đang chảy âm u dưới vòm đá:
- Nhưng tâu Bệ hạ… Xin người thứ lỗi… Lòng nhân đức như trời biển của người thật là đáng trân trọng, làm cảm động đến cả thánh thần. Vậy nên năm rồi nhiều nơi hạn hán ruộng đồng nứt nẻ không có nước cấy cày, người đã trai giới cầu đảo, an chay niệm Phật cầu mưa. Lòng thành của đấng cửu trùng đã cảm động tới Trời Phật. Bệ hạ lại muốn dùng Phật đạo từ bi để giáo hoá chúng sinh khỏi cảnh đầu rơi máu chảy. Điều đó tốt vậy thay!
- Đa tạ sư bà…
- Trước khi Đức Thái Tổ mang cơ nghiệp nhà Lý thì nước Nam ta vẫn là xứ man rợ, Phật đạo có nhen nhóm nhưng chưa phổ độ đến chúng sinh. Cùng với Đức Thánh Tông cho tạo tác văn miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Thất thập nhị hiền, thì Linh Nhân Thái hậu và Đức Tiên đế Nhân Tông đã lập hơn một trăm chùa nguy nga lộng lẫy, Phật đạo ngày càng rạng rỡ…
- Đúng vậy. Nhờ ơn các bậc Tiện hoàng, chưa bao giờ Phật đạo lại được phổ độ rộng khắp như ngày nay!
Sư bà làm cử chỉ gần như phản đối:
- Phải, bây giờ khắp nơi đua nhau xây chùa tạo quán, lũ lượt người người nhập chùa làm tăng ni Phật tử. Đi đâu cũng bắt gặp bóng áo cà sa cầm bát đợi bố thí vàng rực khắp góc chợ sân đình.
- Càng nhiều bóng áo cà sa, vương quốc của ta càng bớt những kẻ ác phạm. Ta đang mong bóng áo cà sa của nhà Phật nhuộm mọi hang cùng ngõ hẻm. Khi mới lên kế nghiệp đế vương ta đã thề cùng trời đất quỷ thần…
- Nhưng chẳng lẽ Bệ hạ không thấy rằng trong vương quốc của Bệ hạ đâu phải đã hết những kẻ ác phạm? Năm ngoái Bệ hạ xuống chiếu tha cho bao kẻ gian ác đáng ra phải trừng phạt tại Đô hộ phủ thì năm nay những kẻ đó lại đang hoành hành làm khốn khổ chúng dân. Năm ngoái Bệ hạ rộng lượng xuống chiếu phục chức cho những kẻ bị biếm truất thì năm nay bọn thamm ô quan lại đó lại đang ngất ngưởng trên chức trọng quyền cao để bòn rút xương tuỷ của dân đen…
Nét mặt Thần Tông cau lại. Mắt ngài đã bắt đầu phóng ra những luồng giận dữ. Sư bà nhận thấy nhưng không nao núng. Đôi mắt vẫn chiếu rọi vào mắt Thần Tông khiến đức vua thấy chói chang. Tổng quản Thái giám đứng hầu bên cạnh đức vua lên tiếng quát khẽ:
- Sư bà… Không được lộng ngôn mạn thượng!
Ánh mắt nộ khí của Thần Tông bắt gặp phải cái nhìn chứa chất nỗi đau đớn mênh mang của sư bà. Trong thoáng chốc, Thần Tông buốt lạnh nhận ra trong đó một nỗi buồn hoài huỷ xót thương cho kiếp người. Và rực lên như ánh hoàng hôn loé rạng bên cơn giông ẩn hiện thăm thẳm ở cuối trời.
Ngài muốn biểu hiện một cử chỉ nào đó của quyền lực tối thượng với người đàn bà đang quì trước mặt. Nhưng rút cuộc ngài chỉ im lặng. Năm ngón tay choãi ra trên đầu rồng tay vịn ngai vàng. Ngài trở lại là một đứa trẻ đang bị lạc cả phần hồn lẫn phần xác, chơi vơi trên đồng cỏ mênh mang.
Ngài bỗng muốn được người đàn bà kỳ lạ đang quỳ trước mặt ấy choàng tay ôm vào lòng. Bà ta có biết ru không nhi? Sư bà có thể ru ta với lời ru của một người mẹ hay với sự nóng ấm của lồng ngực người đàn bà? Tại sao ở bà ta lại toát ra nỗi quyến rũ huyền hoặc. Yêu tinh hay thần nữ? Một kẻ tu hành hay là một kẻ bị giáng xuống nơi trần thế này để chịu kiếp nạn?
Thần Tông chú mục vào khoé miệng khoé mắt đã hằn nhiều nếp nhăn khắc khổ của sư bà để kìm giữ ngọn lửa cứ chợt muốn cháy bùng lên ở trong lòng.
Sư bà vẫn không rời mắt khỏi gương mặt Thần Tông. Cái gương mặt vừa quen vừa lạ như thấp thoáng vẳng lên từ một cõi xa xôi huyền bí nào đó trong cuộc đời oái oăm này. Nỗi đau cô quạnh nhói lên trong vùng ngực mảnh mai của sư bà.
Đoạ xứ!
Bến Đá sông Gâm. Bè nứa với chiếc nón lá của người tỳ kheo. Cơn giông sầm đổ. Rồi trời quang mây tạnh và hoa gạo như những bụm máu qua vai một người con trai. Thác Oán. Túp lều lau sậy le lói bếp lửa. Người đàn ông cá bơn… Ta tưởng dứt bỏ lòng trần, đường tu trọn kiếp. Nào ngờ…
Đoạ xứ!
Sư bà cố tìm lại nét thư sinh ngời ngợi mà ngang tàng thân thiết xưa kia. Đâu đây dường như vãn phảng phất gương mặt tưởng chừng xa xôi quên lãng mà thật ra vẫn ám ảnh lẩn khuất sâu thẳm trong đáy cùng tâm trí sư bà. Dường như chúng đang được cầm tù trong vài đường nét còn lộ chút thân thuộc. Cái thân hình nhỏ nhắn xanh xao của một đứa trẻ mà dục vọng đã rừng rực ám ảnh như định mệnh. Ngai vàng tôn nghiêm quá lạc lõng trước vị đế vương nhỏ bé này. Không rõ đức vua mong muốn điều gì? Một lần nữa sư bà lại rúng vai rùng mình sợ hãi nghĩ đến nỗi cám dỗ tục luỵ cõi trần!
- Tâu Bệ hạ… Người đã nhận ra người còn thiếu điều gì trong khi dùng phép từ bi vô tận của Phật đạo chăng?
Viên Tổng quản Thái giám đứng hầu bên cạnh ngai vàng lại một lần nữa giật mình cố trừng mắt về phía sư bà.
Thần Tông giơ mấy ngón tay:
- Sư bà là kẻ tu hành lẽ nào chẳng hiểu đạo từ bi có thể cải hoá khắp lượt chúng sinh. Tôn vinh Phật đạo và cai trị bằng cách giáo hoá Phật đạo khắp thiên hạ, phép trị quốc của ta vậy là đã đầy đủ.
- Vậy Bệ hạ nghĩ sao về những kẻ đã được ân sủng của ngài mà trở lại làm điều thất đức? Bởi vì hạt thiện mà gieo không đúng chỗ ắt sẽ mọc lên mầm ác. Cũng vậy, lời giáo hoá của chốn thanh bần sao có thể len lỏi vào nơi cung cấm ngào ngạt son phấn. Bần ni xin tạ ơn lòng đoái thương của Bệ hạ mà không dám nhận trọng trách Bệ hạ vừa giao phó. Xin Bệ hạ rộng lượng gia ân cho bần ni được trở về ngay động Trầm.
- Không được!… Sư bà đừng trái lời trẫm… Bay đâu!
Thần Tông giật giọng, mấy ngón tay trắng mảnh co lại, đấm mạnh lên ngai vàng.
- Xin tuận lệnh! Tâu bệ hạ!
Viên Tổng Thái giám đứng hầu vội rạp mình rồi lui bước, khuất vào phía sau bóng tối nội điện.
Hai tấm rèm nặng trĩu sau lưng Ngài ngự được từ từ kéo ra. Luồng ánh sáng chói loà từ đằng sau tấm rèm đập vào mắt. Hàng trăm cung nữ nối nhau quì mọp. Dào dạt mùi phấn sáp chế từ bột nếp, chu sa và hoa hồng. Mùi xạ hương, mùi trầm xông ướp trong xiêm áo của các cung nữ cùng ganh đua ngào ngạt. Xiêm áo ba bảy lớp trăm hồng ngàn tía.
Sư bà cúi mặt, khó thở với vị phàm trần nồng nặc, nhưng vẫn phải sững sờ vì vẻ đẹp rực rỡ của các cô gái hầu hết đang tuổi trăng tròn…
Sư bà biết rằng tất cả những cô gái đẹp của trăm miền được Thần Tông tuyển nạp về đây mới chỉ trong vòng hai năm trời từ khi người lên nối đức tiên đế lên ngôi hoàng đế trị vì thiên hạ. Sư bà chợt hiểu đâu là cái căn nguyên của ngọn lửa rừng rừng lúc như thiêu đốt lúc như lặn tắt trên gương mặt, trong đôi mắt của con người ngồi trên ngai vàng kia. Bất giác sư bà cúi xuống khẽ thở dài:
Thần Tông nhìn sư bà, dịu giọng:
- Hãy xem… các cung nhân của ta đã sẵn sàng. Sư bà hãy theo ta!
- Tâu bệ hạ… Bần ni không thể…
Nhưng Thần Tông đã đứng dậy. Viên Tổng quản Thái giám lén nhẹ trở lại chỗ cũ bên ngai vàng từ lúc cánh rèm kéo lên vội đưa tay đỡ ngài ngự. Sư bà định nói nữa nhưng nhìn Thần Tông đã đứng dậy quay gót, bất đắc dĩ, sư bà đành bước theo Thần Tông.
Hai hàng cung nữ quì bất động trên điện ngọc. Chỉ thấy những tấm lưng thon, những bờ vai mỏng, những mái tóc dày rung rung. Và phảng phất đâu đó những hơi thở rộn ràng cố ghìm nén lại trong lồng ngực. Vốn quen với khoảng không gian trong trẻo và lạnh lẽo của hang động Trầm, mỗi bước đi sư bà mỗi thấy bức bối ngột ngạt.
Tay đỡ đức vua, Tổng quản Thái giám không ngăn được gườm mắt khi đi qua sư bà. Từ hôm sư bà vào cấm cung đến nay, mâm Lục đầu bài bỏ ngỏ. Sự bất thường chưa từng có ở Tử Cấm Thành, từ ngày Hoàng đế lên ngôi.
Theo lệ của triều đình, ngoại trừ Hoàng hậu là người làm chủ trong cung cấm, còn thì mọi phi tần cung nữ đều được ghi trên mỗi tấm thẻ bài màu xanh. Thần Tông lên ngôi hai năm, số thẻ bài nằm chất đầy mấy chiếc tráp lớn để chật trên giá. Đã vậy, mùa thu năm ngoái, Hoàng thượng còn xuống chiếu cho con gái các quan và các nhà hào phú trong thiên hạ đến tuổi cũng chưa được lấy chồng, phải chờ đợt tuyển chọn người vào hậu cung, ai bị loại mới được tính tới chuyện hôn thú… Buổi tối, sau khi Hoàng thượng dùng ngự thiện, viên Tổng quản Thái giám quì xuống, hai tay dâng chiếc mâm bày các Lục đầu bài để ngửa. Vua liếc nhìn qua, trong đám phi hậu cung tần, vua thích ai thì cầm tấm thẻ có tên người đó lật úp xuống. Được lệnh truyền, các Thái giám nội thị cứ theo thẻ được chọn mà sửa sang, chuẩn bị đưa người vào nội thất hầu hạ đức vua.
Trừ ngày đầu tháng, Đức vua thường ngự ở cung Nghênh Xuân của Hoàng hậu, còn các ngày trong tháng, viên Tổng quản Thái giám thường là người biết tường tận mọi ham muốn sở thích của vua mà chọn lựa phi tần mỹ nữ cho vừa lòng ngài ngự.
Những ngày xuân, tiết trời ẩm ướt, cây hăng hăng lộc, cái rét vẫn ngấm ngầm làm tê tái thịt da, Tổng quản thận trọng đặt lên mâm lục đầu bài những chiếc thẻ mang tên các cung tần đến từ phương Nam với nước da nâu hồng ấm áp, mắt to mi rợp, môi mọng hơi trề như nũng nịu. Tổng quản biết, các cung tần này đầu gối tay ấp bên vua sẽ như mang ánh nắng phương nam chói gắt đến sưởi ấm cho ngài, làm tan hơi lạnh của tiết đông xuân. Mùa hạ, trên mâm Lục đầu bài chen chúc tên của các mỹ nữ tuyển từ Bắc phương. Mí mắt dài hẹp tản khoé thu ba trên làn da trắng muốt như bạch hoa trà. Tóc đen dài vấn vít quấn cao trên đầu, cài chặt bằng trâm vàng, trâm bạc hoặc cành thoa có gắn hoa sen còn hàm tiếu thơm ngào ngạt. Cẩn trọng hơn, tổng quản còn xem ai có làn da mát lạnh giữa mùa hè thì mới chọn khi lâm hạnh, vua hài lòng như được đắm trong dòng suối mát.
Bây giờ, Đức vua đã cho vời sư bà đã ngoài sáu chục tuổi này vào giữ trong cung làm gì đây? Viên Tổng quản Thái giám không dám nghĩ tiếp. Ông ta băn khoăn nhìn sư bà bước đi, mong manh lạc lõng giữa hậu cung muôn hồng nghìn tía.
- Sư bà! Các cung nhân của trẫm thành thạo về đường son phấn mà vụng dại về đường phụng thờ Phật. Ta lưu sư bà trong cung để sư bà uốn nắn điều này…
Mắt không rời sư bà, Vua nhắc lại:
- Hậu cung của Bệ hạ đã quá đủ đầy. Mà Phật đạo thì quá xa lạ với những chỗ huyên náo. Xin Bệ hạ đừng buộc kẻ kém cỏi này phải nói ra những lời lạc lõng.
Môi sư bà run rẩy như cố ghìm tiếng nấc:
- Xin Bệ hạ cứ trọn hưởng lạc thú, cho sớm trọn kiếp này…
Nhìn những giọt nước mắt long lanh bên khoé mắt sư bà, Thần Tông ngạc nhiên, gần như mừng rỡ:
- Sư bà sao lại khóc? Trẫm đã làm sư bà đau lòng ư?
Sư bà cố kìm những giọt nước mắt:
- Tâu Bệ hạ! Bần ni chỉ là phận con sâu cái kiến, có đáng kể gì đối với Đấng cửu trùng. Xin người đừng để tâm. Chỉ có điều, xin Bệ hạ hiểu cho rằng, với một kẻ đã rắp tâm xa lánh cõi phàm, chỉ quen ăn rau rừng, uống nước suối, nhìn ngắm đất nâu và cỏ xanh, thì việc bắt buộc phải ở lại nơi này, cũng không khác gì bị hãm vào đoạ xứ… Xin hãy cho bần ni được về chốn cũ.
Đức vua nổi giận:
- Sư bà! Nên nhớ rằng, bà dầu đã dâng mình cho Phật đạo, nhưng bà sống ngày nào thì vẫn ăn ở đi lại trên đất của Thiên tử. Nếu bà quá ngang ngược, ta sẽ không dung tha.
Sư bà ai oán ngẩng nhìn. Đôi mắt chỉ biểu lộ sự tuyệt vọng, ngao ngán, mà không oán giận:
- Vậy thì, Bệ hạ cứ một mực như thế, xin hãy nghe. Bần ni chỉ xin nói lại lời di chúc của đức Phật mà thôi. Quyển bốn, Phá tăng sự, đã nói: lúc Bồ Tát còn là hoàng tử ở trong cung, khi vui vẻ chơi đùa, hay nói lảm nhảm. Một mình của ngài có ba bà phu nhân và sáu vạn mỹ nữ. Ngài nói, nếu ta không làm chuyện tục lậu với họ, e rằng người ngoài nói ta không phải là kẻ trượng phu…
Mắt Thần Tông sáng rỡ:
- Sư bà thật hiểu rộng biết nhiều. Ta này đường đường là vua một nước, mấy trăm mỹ nữ cung tần, chưa có chi là nhiều…
- Nếu Bệ hạ quả thực sùng đạo Phật, vậy có thể làm theo đức Phật dạy được chăng? Phật dạy: "Tỳ kheo các người, nên tự cạo đầu, bỏ hết đồ trang sức, mác áo nâu màu xấu, cầm bát xin ăn cho sống qua ngày. Phải tự biết như thế mới là phải phép, hễ hơi có lòng kiêu ngạo là phải dẹp đi ngay!".
- Khổ ải như thế phỏng có ích gì đối với một bậc đế vương?
- Theo chỗ bần ni biết, Bệ hạ và những người trong cung cấm, dù vui chơi, tận hưởng xa hoa thỏa chí mà tâm vẫn phiền não. Đó là vì chưa xem phép "biết đủ" của đức Phật. Cái phép "biết đủ" tức là chỗ vui vẻ yên ổn. Con người biết đủ, dẫu nằm trên đất lạnh vẫn yên vui. Kẻ không biết đủ dẫu ở lầu cao cửa rộng giữa son phấn ngọc ngà cũng không xứng ý. Không biết là đủ, dù giàu cũng là nghèo, Biết đủ, dù nghèo cũng như giầu. Kẻ không biết đủ thường bị ngũ dục lôi đi. Người biết đủ lấy thế mà thương xót…!
Thần Tông cả cười:
- Dương như ta đã nghe những lời này nhiều lắm rồi. Từ kiếp trước! Nhưng ta thấy, thiên hạ chỉ có những kẻ không có thì mới tự an ủi rằng mình đang "tri túc". Còn những bậc đế vương xưa nay, dẫu có cả thiên hạ trong tay cũng không bao giờ tự cho là đủ. Nếu không, việc ra sức động binh mở mang bờ cõi, sơn hào hải vị đầy bàn, son phấn mỹ nhân bao bọc quanh mình… chẳng là hão huyền sao…!
Sư bà rạp đầu, chắp hai tay vái dài Thần Tông:
- Muôn tâu! Xin Bệ hạ gia ân, cho phép bần ni ra khỏi đoạ xứ này!
- Không được. Sư bà phải ở lại!
Thần Tông ghé vào tai sư bà, khẽ nói:
- Sư bà nên biết, hình như những năm qua, đêm đêm ta mơ thấy gương mặt của sư bà…
Câu nói thầm đó tựa như tiếng sét bên tai sư bà. Lồng ngực mảnh mai run rẩy của sư bà không ghìm nổi tiếng nấc. Sư bà buột miệng:
- Quá lắm! Từ Lộ! Hai kiếp của người rốt cục cũng chỉ đầy đoạ thân ta mà thôi!
Thần Tông giật nẩy mình khi nghe hai tiếng "Từ Lộ". Đứng sững. Cau mày như nhớ lại một điều gì. Giây lâu. Có một cái gì như bóng mây thoáng qua. Cố nhớ lại một hình bóng nào đó. Nhưng rốt cục, chỉ thấy gương mặt thiếu nữ nhạt nhoà. Đôi mắt sũng nước như lá. Và trong không gian ngòn ngọt nhàn nhạt mùi sữa dã nhân.
Thần Tông bất chợt đưa hai tay về phiá sư bà đang khóc nức nở. Như một đứa trẻ đòi mẹ che chở. Lại như một người tình khao khát được ôm ấp. Mắt vua cũng giàn giụa nước.
Nhưng sư bà động Trầm bỗng sững lại.
Từ phiá sau Thần Tông, một cung nhân tha thướt trong bộ xiêm áo màu hồng. Đôi mắt xám mênh mang với con ngươi ánh nâu như mắt mèo hoang. Môi mọng màu hoang thổ. Tóc mượt như lụa không thèm búi chảy tràn xuống bờ vai thon mảnh. Thấp thoáng sau tấm sa mỏng, chiếc rốn màu chu sa ẩn hiện theo bước đi kiêu hãnh của loài ngựa hoang.
Duờng như không gian tràn ngập nàng. Cung nhân hồ ly.
Dù không quay lại, Thần Tông vẫn biết dó là Ngạn La. Ngài ngự rụt đôi tay đang đưa về phía sư bà, cất tiếng vọng lại:
- Ngạn La! Sao bây giờ nàng mới đến?