People say that life is the thing, but I prefer reading.

Logan Pearsall Smith, Trivia, 1917

 
 
 
 
 
Tác giả: Alice Munro
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ngân Phan
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 11
Cập nhật: 2020-11-29 02:13:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
ột Và Dầm
Lionel kể cho họ nghe mẹ cậu đã qua đời như thế nào.
Mẹ bảo cậu mang đồ trang điểm đến cho bà. Lionel cầm gương cho bà soi.
“Chắc sẽ khoảng một tiếng đồng hồ đấy,” bà nói.
Kem nền, phấn, chì kẻ chân mày, mascara, chì viền môi, môi son, phấn hồng. Bà trang điểm chậm chạp và run rẩy, nhưng trông cũng không tệ.
“Con thấy đâu có mất đến một tiếng đâu,” Lionel nhận xét.
Bà bảo không, bà không có ý đó.
Ý bà là, khoảng một tiếng nữa bà sẽ chết.
Cậu hỏi mẹ có muốn gọi cha đến không. Cha cậu, chồng bà, mục sư của bà.
Bà bảo: “Để làm gì.”
Bà chỉ còn khoảng năm phút nữa, bà tiên đoán.
Họ đang ngồi sau nhà - nhà của Lorna và Brendan - trên cái hiên nhỏ trông ra vịnh Burrard và những ánh đèn ở mũi Grey. Brendan đứng dậy chuyển vòi phun nước qua bãi cỏ khác.
Lorna mới chỉ gặp mẹ của Lionel cách đó vài tháng. Một phụ nữ nhỏ nhắn, tóc trắng, xinh đẹp, với sức lôi cuốn của một người không biết sợ là gì, đến Vancouver từ một thị trấn trên dãy Rocky để xem buổi diễn của đoàn kịch lưu diễn Comédie Francaise. Lionel mời Lorna đi xem cùng với mẹ con cậu. Sau buổi diễn, trong khi Lionel giúp bà mặc chiếc áo choàng nhung màu xanh dương, mẹ cậu đã nói với Lorna, “Bác rất vui vì đã được gặp belle-amie của con trai bác.”
“Thôi mình đừng làm quá bằng tiếng Pháp nữa,” Lionel nói.
Lorna thì thậm chí không chắc lắm từ đó có nghĩa là gì. Belle-amie. Một cô bạn đẹp? Người tình?
Qua đầu của mẹ cậu, Lionel nhướng mày nhìn cô. Như thể cậu muốn phân trần, mẹ em có hiểu lầm gì thì đó hoàn toàn không phải là lỗi của em đâu nhé.
Lionel từng là học trò của Brendan ở trường đại học. Một thần đồng chưa được mài giũa, mười sáu tuổi. Một trí tuệ toán học sáng chói nhất mà Brendan từng biết. Sau này nhìn lại, Lorna tự hỏi không biết Brendan có phóng đại quá hay không, vì anh thường hào phóng một cách không bình thường đối với những sinh viên có năng khiếu. Và cũng vì sự việc đã xảy ra như vậy. Brendan quay lưng lại với tất cả những gì liên quan đến Ai Len - gia đình của anh, giáo phái của anh và những bài hát ủy mị - nhưng anh không thể nào cưỡng lại nổi những câu chuyện bi thảm. Và quả nhiên, sau khởi đầu rực rỡ, Lionel đã bị bệnh gì đó như suy nhược, phải nhập viện, rồi biệt tăm. Cho đến khi Brendan gặp cậu ta ở siêu thị và phát hiện ra là Lionel sống cách nhà họ chỉ khoảng một cây số, ngay tại Bắc Vancouver. Cậu đã hoàn toàn bỏ ngành toán và làm việc cho một văn phòng xuất bản của Anh giáo.
“Hôm nào em đến chơi với chúng tôi nhé,” Brendan mời. Anh thấy Lionel trông có vẻ hơi buồn bã, và cô đơn. “Đến làm quen với vợ tôi.”
Brendan vui vì bây giờ mình đã có nhà và có thể mời khách đến chơi.
“Em không biết cô sẽ như thế nào,” Lionel nói khi cậu kể lại cho Lorna. “Em nghĩ, rất có thể cô là một người khó chịu.”
“Ồ,” Lorna nói. “Tại sao?”
“Em không biết nữa. Các phu nhân thường hay thế.”
Cậu thường đến chơi vào buổi tối, khi bọn trẻ con đã lên giường. Những cuộc viếng thăm có đôi chút xâm phạm vào đời sống gia đình - tiếng trẻ con khóc lọt ra ngoài từ cửa sổ để ngỏ, tiếng Brendan đôi khi phải trách mắng Lorna về chuyện đồ chơi vứt bừa bãi trên bãi cỏ mà không để lại vào khuôn cát, tiếng gọi vọng ra từ bếp hỏi xem cô có nhớ mua chanh để uống với rượu gin và tonic hay không - tất cả những âm thanh này khiến tấm thân cao gầy, gương mặt chăm chú và ngờ vực của Lionel run rẩy và căng thẳng. Những lúc như vậy phải có một khoảng lặng, để quay trở lại mức độ giao tiếp hữu ích giữa người với người. Có lần cậu hát khe khẽ “Ô cuộc sống vợ chồng, ô cuộc sống vợ chồng”, nhại theo điệu nhạc bài hát “O Tannenbaum”. Cậu hơi mỉm cười, hay cũng có thể Lorna có cảm giác là cậu hơi mỉm cười, trong bóng tối. Cái mỉm cười mà đối với cô như là của bé Elizabeth, đứa con gái bốn tuổi của cô, khi con bé thì thầm với mẹ một nhận xét gì đó hơi táo bạo ở nơi công cộng. Nụ cười mỉm bí hiểm, thỏa mãn, có phần hơi cảnh giác.
Lionel đạp lên đồi trên chiếc xe cao, kiểu cũ - ấy là cái thời mà ngoài trẻ con ra ít ai đi xe đạp. Cậu sẽ không thay bộ quần áo làm việc của mình ra. Quần tây đậm màu, áo sơ mi trắng, cổ tay và cổ áo trông lúc nào cũng bẩn và cũ mòn, cà vạt chẳng có gì đặc biệt. Khi họ đi xem buổi diễn của Comédie Francaise, cậu chỉ tròng thêm cái áo vét vải tuýt, vai thì quá rộng trong khi tay lại quá ngắn. Có lẽ cậu chẳng có bộ cánh nào khác.
“Em lao động với đồng lương rẻ mạt ấy mà,” cậu nói. “Thậm chí còn chẳng được làm trong vườn nho của Chúa. Mà chỉ là trong giáo phận của Đức Tổng Giám mục.”
Và, “Đôi khi em cứ nghĩ mình đang ở trong tiểu thuyết của Dickens. Mà buồn cười ở chỗ, em thậm chí còn chẳng thích Dickens.”
Thường khi nói chuyện, đầu cậu sẽ nghiêng qua một bên, ánh mắt như nhìn vào cái gì đó hơi xa hơn một chút, phía sau đầu Lorna. Giọng cậu nhẹ và nhanh, đôi khi rin rít vì hồ hởi kích động. Cậu kể mọi chuyện với cái cách luôn pha chút ngạc nhiên. Cậu kể về văn phòng làm việc trong tòa nhà phía sau nhà thờ. Những ô cửa sổ cao nhỏ kiểu Gothic, và đồ gỗ đánh véc ni (để cho mọi thứ mang vẻ nhà thờ), giá treo mũ và kệ để ô dù (không hiểu sau những thứ này khiến cậu tràn ngập một nỗi u hoài sâu thẳm), Janine - cô đánh máy, bà Penfound - biên tập viên của tờ Tin tức Nhà thờ. Đức Tổng Giám mục thỉnh thoảng xuất hiện, như một bóng ma lơ đãng. Cuộc chiến bất phân thắng bại giữa Janine và bà Penfound về trà túi lọc, Janine thích trà túi lọc, còn bà Penfound thì không. Ai cũng nhai tóp tép món đồ ăn vặt bí mật của mình nhưng chả bao giờ mời nhau. Janine thích ăn kẹo caramel, Lionel thích hạt hạnh nhân tẩm đường. Còn món ưa thích của bà Penfound là gì thì cả Lionel và Janine đều chưa khám phá ra được vì bà không bao giờ bỏ giấy bọc vào thùng rác. Nhưng mà hai hàm răng của bà ta rõ ràng lúc nào cũng bận rộn rón rén nhai.
Khi kể về chuyện ăn vụng, cậu nhắc đến bệnh viện nơi trước đây cậu chữa trị một thời gian và bảo ở bệnh viện cũng thế. Cái gì cũng bí mật. Chỉ khác là ở bệnh viện, thỉnh thoảng họ tóm lấy mình, trói gô lại, lột đồ của mình ra và, theo như cậu nói, cắm mình vào ổ điện.
“Nghe thì khá là thú vị. Thực ra đau đớn vô cùng. Nhưng em không thể nào diễn đạt được. Quái lạ! Em nhớ nhưng em không tài nào diễn tả nổi.”
Vì những chuyện đó ở bệnh viện, cậu nói, cậu thà không nhớ còn hơn. Thà không nhớ chi tiết. Cậu thích nghe Lorna kể chuyện của cô.
Cô kể cho cậu nghe về cuộc đời của cô trước khi lấy Brendan. Về hai ngôi nhà giống hệt nhau, xây cạnh nhau ở thị trấn nơi cô lớn lên. Trước nhà là một cái rãnh sâu gọi là lạch Thuốc Nhuộm vì nó được dùng để dẫn nước thải màu nhuộm từ nhà máy dệt. Đằng sau nhà là cánh đồng cỏ hoang mà bọn con gái không được phép ra đó chơi. Cô sống với cha ở một trong hai căn nhà đó - còn căn kia là của bà nội, bác Beatrice và cô chị họ Polly.
Polly không có cha. Họ đã nói thế và Lorna đã từng thực sự tin như vậy.
Polly không có cha, kiểu như con mèo Manx không có đuôi.
Trong phòng khách nhà bà nội có một cái bản đồ vùng Đất Thánh, được đan bằng nhiều màu len khác nhau, chỉ rõ những địa danh trong Kinh Thánh. Theo di chúc, bà để lại nó cho lớp giáo lý của giáo hội Hiệp Nhất. Cuộc sống giao tiếp xã hội của bác Beatrice không có tí dính líu gì đến đàn ông, kể từ khi chuyện ô nhục của bác được tẩy sạch. Bác rất khó tính và cực kỳ nghiêm khắc về đạo đức, đến nỗi thực sự là cũng dễ dàng khi tin chuyện bác có mang Polly là tinh khiết như Đức Mẹ Đồng Trinh. Điều duy nhất mà Lorna học được từ bác Beatrice là phải ủi quần áo từ đường may bên hông chứ đừng có banh ra, để không nhìn thấy vết ủi, và nếu mặc áo mỏng thì phải mặc thêm áo lót trong để không lộ áo coóc xê.
“Ồ, đúng. Đúng rồi,” Lionel nói. Cậu duỗi chân như thể sự tán thưởng của cậu lan tỏa tới tận từng ngón chân. “Bây giờ cô kể về Polly đi. Sinh ra trong ngôi nhà tăm tối đó, Polly là người thế nào?”
Polly bình thường, Lorna trả lời. Đầy nhiệt huyết, chan hòa, tốt bụng và tự tin.
“Vậy à,” Lionel nói. “Kể em nghe lại chuyện căn bếp đi.”
“Căn bếp nào?”
“Cái căn bếp không có chim hoàng yến ấy.”
À, bếp nhà cô. Cô tả cô đã đánh bóng bếp đun bằng giấy gói bánh mì như thế nào, cái giá ám đen đằng sau bếp để treo xoong chảo, bồn rửa và tấm gương nhỏ phía trên bị khuyết mất một góc hình tam giác, dưới gương là cái khay nhỏ bằng thiếc - do cha cô làm - lúc nào cũng đựng một chiếc lược, một cái tay cầm ly tách đã cũ, một cái hũ bé xíu đựng phấn hồng, chắc từng là của mẹ cô.
Cô kể cho cậu nghe ký ức duy nhất của cô về mẹ. Cô ở trung tâm thị trấn, với mẹ, trong một ngày đông giá. Tuyết đọng giữa vỉa hè và đường phố. Cô vừa mới học được cách xem giờ, cô nhìn lên đồng hồ bưu điện thì thấy đã đến giờ phát vở kịch dài kỳ mà hai mẹ con vẫn thường đón nghe hằng ngày trên đài phát thanh. Cô thấy lo lắng ghê gớm, không phải vì bị lỡ mất một kỳ kịch mà bởi cô không biết điều gì sẽ xảy ra với những nhân vật trong kịch, khi radio không được bật lên và mẹ cô cùng chính cô không nghe. Cô cảm thấy còn hơn cả lo lắng, đó là nỗi khiếp sợ, khi nghĩ về khả năng mọi thứ có thể mất đi, không thể xảy ra, chỉ vì một sự vắng mặt tình cờ hay một điều ngẫu nhiên nào đó.
Thậm chí trong ký ức duy nhất đó, mẹ chỉ là vòng hông, là bả vai, trong chiếc áo choàng dày cộp.
Lionel bảo cảm nhận của cậu về cha hầu như cũng chẳng hơn gì, mặc dù cha cậu còn sống. Trong sột soạt của chiếc áo tế? Lionel và mẹ thường chơi cá độ về việc cha cậu có thể không cần nói chuyện với họ trong bao lâu. Có lần cậu hỏi mẹ vì sao cha có vẻ giận dữ như vậy, bà bảo bà thực lòng không biết.
“Mẹ nghĩ chắc là cha con không thích công việc của mình,” bà nói.
Lionel hỏi, “Sao cha không tìm việc khác?”
“Có thể là cha không nghĩ ra được mình thích việc gì.”
Thế rồi Lionel nhớ ra khi mẹ dẫn cậu vào viện bảo tàng, cậu đã sợ những cái xác ướp, và mẹ bảo cậu rằng họ không thực sự chết, mà sẽ từ quan tài chui ra khi tất cả mọi người đã ra về. Thế nên cậu hỏi, “Liệu cha có thể là cái xác ướp không?” Mẹ cậu hiểu nhầm xác ướp là mẹ[18], và sau đó bà cứ kể đi kể lại chuyện này như một truyện cười, mà cậu thì đã quá nản bòng, thực thế, nên chả đính chính. Quá nản lòng, khi còn quá nhỏ như vậy, về một vấn đề lớn sao như vậy - vấn đề giao tiếp.
Đó là một trong số ít những kỷ niệm mà cậu còn nhớ.
Brendan cười phá lên - anh cười khi nghe chuyện này còn nhiều hơn cả Lorna và Lionel. Thường thì Brendan sẽ ngồi cùng với họ một lúc, hỏi, “Hai người đang huyên thuyên gì đấy và rồi, với cảm giác phần nào nhẹ nhõm, như thể đã tạm thời làm xong nghĩa vụ, anh sẽ đứng dậy và bảo mình có việc cần làm rồi đi vào nhà. Như thể anh vui vì tình bạn giữa họ, ở một phương diện nào đó anh đã tiên đoán được nó, đã thai nghén ra nó - nhưng những câu chuyện của họ làm anh sốt ruột
“Lên đây chơi sẽ tốt cho thằng bé, để nó được bình thường một chút thay vì ngồi ru rú trong phòng,” anh nói với Lorna. “Tất nhiên là nó đang si mê em. Tội nghiệp thằng bé.”
Anh thích nhận xét là đàn ông si mê Lorna. Đặc biệt là khi họ đi dự những bữa tiệc trong khoa và cô là người vợ trẻ nhất ở đấy. Cô thường xấu hổ khi có bất kỳ ai nghe thấy anh nói thế, sợ người ta sẽ cho rằng chính anh mong muốn và ngốc nghếch thổi phồng chuyện đó. Nhưng đôi khi, nhất là những khi Lorna ngà ngà say, cô và cả Brendan nữa đều thấy hưng phấn khi nghĩ cô có thể hấp dẫn mọi người đến thế. Tuy nhiên, trong trường hợp của Lionel, cô khá chắc là không phải như vậy, và cô rất hy vọng là Brendan đừng bao giờ ám chỉ chuyện gì như thế trước mặt cậu học trò. Cô nhớ ánh nhìn của cậu qua đầu mẹ cậu. Đó là sự phủ nhận, một lời cảnh báo nhẹ nhàng.
Cô không nói với Brendan về những bài thơ. Khoảng mỗi tuần một lần cô nhận được một bài thơ trong hòm thư, dán và gửi qua bưu điện khá chỉn chu. Đây không phải là những bài thơ giấu tên - Lionel ký tên đàng hoàng. Chữ ký của cậu nguệch ngoạc, rất khó nhận ra - nhưng tất cả mọi từ trong bài thơ cũng vậy nốt. Cũng may là chẳng có mấy chữ - nhiều khi chỉ có khoảng một, hai chục từ - được viết theo một hàng lối khó hiểu trên trang giấy, như những dấu chân chim ngập ngừng. Thoạt nhìn, Lorna chẳng luận ra được chữ gì. Cô nghĩ tốt nhất là không nên cố gắng quá, cứ giơ tờ giấy ra trước mặt, điềm tĩnh nhìn thật lâu như đi vào trạng thái hôn mê. Và rồi, thường thì những từ ngữ sẽ hiện ra. Không phải là tất cả - mỗi bài thơ sẽ có hai, ba từ cô không nhận ra được - nhưng chẳng ảnh hưởng gì. Không có dấu chấm câu, chỉ có gạch ngang. Hầu hết là danh từ. Lorna không phải là người không biết thơ ca là gì, cũng chẳng phải là người dễ dàng bỏ qua cái gì mình chưa hiểu ngay được. Nhưng cách cô cảm nhận những bài thơ của Lionel cũng gần tương tự cách cô cảm nhận những thứ như đạo Phật chẳng hạn - đó là một kho tri thức mà có lẽ một ngày nào đó cô sẽ lĩnh hội và thấu hiểu được, nhưng bây giờ thì cô chưa thể.
Sau bài thơ đầu, cô đã khổ sở nghĩ xem mình phải nói gì. Điều gì đó vừa để khen ngợi nhưng cũng không có vẻ ngu ngốc. Nhưng rồi cô chỉ có thể nói, “Cảm ơn em về bài thơ” - khi cô chắc chắn Brendan đã đi xa khỏi tầm tai nghe. Cô đã kìm lại không nói, cô thích bài thơ Lionel gật đầu nhát gừng, ậm ừ như để cắt đứt câu chuyện. Thơ tiếp tục được gửi đến nhưng đề tài này không bao giờ được nhắc tới nữa. Cô bắt đầu suy diễn đây là những lời mời chào, không phải là thông điệp. Nhưng không phải là những lời mời chào yêu đương - như Brendan chẳng hạn, sẽ nghĩ trong trường hợp này. Không có một cái gì trong đó nói lên tình cảm của Lionel đối với cô, hoàn toàn không có gì riêng tư cả. Nó gợi cô liên tưởng đến những dấu ấn mờ nhạt thỉnh thoảng ta thấy trên vỉa hè vào mùa xuân - hình bóng của những chiếc lá ướt in xuống mặt đường từ năm trước.
Có một việc khác cấp bách hơn mà cô đã không nói với Brendan. Hay với Lionel. Cô không nói cho họ biết là Polly sẽ đến chơi. Polly, chị họ của cô, sẽ từ quê lên chăng.
Polly lớn hơn Lorna năm tuổi và làm việc ở một ngân hàng địa phương từ sau khi tốt nghiệp phổ thông. Trước đây chị đã tiết kiệm gần đủ tiền cho chuyến đi này nhưng rồi lại quyết định dùng số tiền ấy để mua máy hút nước. Nhưng bây giờ chị đang trên đường băng qua đất nước bằng xe buýt. Đối với chị, dường như đây là một việc làm tự nhiên và đúng đắn nhất trần đời - đến thăm em họ, chồng em họ và gia đình của em họ. Đối với Brendan, việc này gần chắc chắn là một hình thức xâm phạm riêng tư, một việc người ta không nên làm trừ phi được mời. Không phải là anh không ưa khách khứa - cứ trông trường hợp của Lionel đấy - nhưng anh muốn mình được quyết định mời ai tới. Mỗi ngày Lorna đều nghĩ đến chuyện làm thế nào để nói cho anh biết. Và cứ mỗi ngày cô lại trì hoãn.
Đây không phải là một chuyện cô có thể tâm sự với Lionel. Không thể nói với cậu ta bất cứ chuyện gì được nhìn nhận nghiêm túc như một vấn đề. Bởi nói chuyện về các vấn đề có nghĩa là phải nói về việc tìm kiếm giải pháp, hy vọng có giải pháp. Mà như vậy thì chẳng có gì thú vị cả, nó không biểu thị thái độ thú vị đối với cuộc sống. Thay vào đó là niềm hy vọng hời hợt và mệt mỏi. Những lo âu đời thường, những cảm xúc không phức tạp không phải là những thứ cậu thích nghe. Cậu thích những thứ khiến người ta hoàn toàn hoang mang, những thứ gây đau đớn khôn kham, nhưng trớ trêu thay người ta vẫn phải cam chịu, thậm chí sung sướng cam chịu.
Cô có lẽ cũng hơi mạo hiểm khi kể cậu nghe một chuyện. Chuyện cô đã khóc như thế nào ngày cô lên xe hoa và trong suốt lễ cưới. Nhưng cô đã có thể đùa tếu về chuyện đó, vì cô kể cô đã cố gắng rút tay mình để lấy khăn tay nhưng Brendan cương quyết giữ chặt tay cô và cô cứ phải sụt sịt suốt. Thực tế, cô không khóc vì không muốn lấy chồng hay vì không yêu Brendan. Cô khóc vì tất cả những thứ ở nhà dường như đột nhiên trở nên quý giá với cô vô cùng - mặc dù cô luôn có kế hoạch ra đi - những con người ở đó dường như gần gũi với cô hơn bất cứ ai khác, mặc dù cô đã giấu họ mọi suy nghĩ riêng tư của mình. Cô khóc vì ngày hôm trước, trong lúc hai chị em sau dọn kệ bếp, cọ rửa vải sơn lót sàn, cô và Polly đã cười ngặt nghẽo khi cô giả bộ như mình đang đóng một vai kịch tình cảm, tạm biệt nhé sàn nhà, tạm biệt nhé vết nứt nơi ấm trà, chào nhé những chỗ tôi đã gắn bã kẹo cao su dưới mặt bàn, tạm biệt.
Sao em không bảo hắn quên đi, Polly gợi ý. Nhưng tất nhiên là chị không có ý đó, chị hãnh diện tự hào, và chính Lorna cũng hãnh diện tự hào, mười tám tuổi, chưa bao giờ có một bạn trai thực thụ, giờ đây đang chuẩn bị cưới một người đàn ông ba mươi tuổi, đẹp trai, giáo sư hẳn hoi.
Vậy mà cô đã khóc, và cô lại khóc khi cô nhận được thư nhà những ngày đầu mới lấy chồng. Brendan bắt gặp cô khóc, anh bảo, “Em yêu gia đình em lắm, phải không?”
Cô nghĩ là giọng anh có vẻ thông cảm. Cô trả lời, “Vâng.”
Anh thở dài. “Anh nghĩ em yêu họ hơn yêu anh.”
Cô bảo không đúng thế, cô chỉ thỉnh thoảng thấy thương gia đình mình. Họ cực khổ quá, bà nội đã phải dạy lớp bốn hết năm này qua năm khác mặc dù mắt bà kém đến nỗi hầu như không thấy được mình viết gì trên bảng, bác Beatrice với quá nhiều những khiếu nại kích động đến nỗi không bao giờ có nỗi một việc làm, và cha cô - cha của Lorna - thì làm việc trong một cửa hàng ngũ kim mà thậm chí ông không phải là chủ.
“Cực khổ á?” Brendan nói. “Thế họ có bao giờ phải trại tập trung chưa?”
Anh bảo trên đời này, người ta cần có óc thực tế. Thế là Lorna, nằm vật xuống chiếc giường cưới của mình, bắt đầu một trong những cơn gào khóc tức giận mà bây giờ cô thấy xấu hổ đến nỗi không muốn nhớ lại nữa. Thường thì một lúc sau Brendan sẽ đến an ủi vỗ về cô, nhưng anh vẫn tin là cô khóc như phụ nữ thường khóc, để giành phần thắng trong tranh luận, vì họ không thể thắng bằng bất cứ cách nào khác.
Có vài điểm về ngoại hình của Polly mà Lorna đã quên. Chị cao như thế nào, cổ dài eo hẹp ra sao, và ngực gần như phẳng lì. Cằm nhỏ hơi nhô và khuôn miệng nhăn nhó. Da xanh xao, tóc nâu nhạt cắt ngắn, mảnh như lông vũ. Trông chị vừa ẻo lả vừa cứng nhắc, như bông hoa cúc trắng trên cái cọng dài. Chị mặc chiếc váy denim thêu diềm xếp nếp.
Brendan biết trước bốn mươi tám tiếng đồng hồ là chị sẽ đến. Chị gọi điện từ Calgary, theo hình thức người nghe phải trả tiền, và anh là người trả lời điện thoại. Sau đó anh có ba câu hỏi. Giọng anh xa lạ, nhưng bình tĩnh.
Cô ta sẽ ở lại bao lâu?
Tại sao em không nói cho anh biết?
Tại sao cô ta gọi điện mà lại bắt mình phải trả tiền?
“Em không biết,” Lorna trả lời.
Lúc này, từ trong bếp nơi cô đang chuẩn bị bữa tối, Lorna căng tai lắng nghe xem họ sẽ nói gì với nhau. Brendan vừa về đến nhà. Cô không nghe thấy tiếng anh chào hỏi, nhưng giọng Polly thì oang oang đầy vẻ xởi lởi liều lĩnh.
“Đúng là tôi đã bước chân trái ra khỏi nhà rồi Brendan ạ, để tôi kể cho mà nghe. Lorna và tôi đang đi dọc phố từ bến xe buýt thì tôi mới bảo, Ui cha, em ở khu phố này trông khá sang trọng đây, Lorna - rồi tôi bảo, Nhưng mà nhìn kìa, cái quái gì lạc vào đây thế nhỉ? tôi hỏi, Trông như cái chuồng nuôi súc vật.”
Đúng là không thể nào tệ hơn. Brendan rất tự hào về ngôi nhà của họ. Đây là ngôi nhà kiến trúc đương đại, xây theo kiểu bờ tây gọi là Cột và Dầm. Nhà kiểu này không sơn phết gì cả; ý tưởng là để cho ngôi nhà hòa vào rừng cây nguyên thủy. Vì vậy ấn tượng là trông từ bên ngoài, nó đơn giản và thực dụng, với mái phẳng nhô ra ngoài các bức tường. Bên trong, xà rầm lồ lộ và tất cả những bộ phận gỗ của căn nhà yếu không được che giấu. Lò sưởi là loại lò ống khói đá xây cao lên đến trần nhà, cửa sổ dài, hẹp và không có rèm. Kiểu kiến trúc này luôn luôn ưu việt, công ty xây dựng đã nói với họ như vậy, và Brendan đã lặp lại nguyên văn cùng với cả từ “đương đại” khi giới thiệu về ngôi nhà với khách khứa mới đến lần đầu.
Anh chẳng thèm bận tâm nói điều này với Polly, cũng như anh chẳng thèm cho chị xem tờ tạp chí có bài báo về kiểu kiến trúc này, với hình ảnh minh họa - mặc dù không phải là ảnh chụp chính ngôn nhà này.
Polly mang theo thói quen từ quê nhà là mở đầu câu bằng cách gọi tên của chính người đối thoại. Chị thường nói “Lorna này…”, hay “Brendan này…” Lorna đã quên kiểu nói chuyện này - giờ đây đối với cô nó nghe có vẻ cưỡng bách và thô lỗ. Hầu hết các câu đối thoại của Polly bên bàn ăn đầu bắt đầu bằng “Lorna này…” và đều về những người chỉ quen biết với cô và Polly. Lorna biết Polly không cố ý thô lỗ, rằng chị đã nỗ lực nhiều để tỏ ra tự nhiên, một nỗ lực tuy ồn ào nhưng dũng cảm. Mới đầu chị cố gắng lôi kéo Brendan vào câu chuyện của họ. Cả chị và Lorna đều cố, họ lao vào giải thích về những người mà họ đang nói tới - nhưng chẳng ăn thua gì. Brendan chỉ nói khi cần gọi Lorna chú ý đến thứ gì đó anh cần trên bàn, hoặc chỉ cho cô thấy là Daniel đã làm đỗ thức ăn nghiền ra sàn xung quanh cái ghế ăn cao của thằng bé.
Polly tiếp tục nói trong khi cùng Lorna dọn bàn ăn, và rồi cả khi họ rửa bát.
Lorna thường tắm cho bọn trẻ con và cho chúng đi ngủ trước khi cô rửa bát, nhưng tối nay cô quá bồn chồn - cô cảm nhận được là Polly sắp phát khóc - nên không thể lo mọi việc đúng trình tự. Cô để cho Daniel bò quanh nhà, còn Elizabeth thì vốn thích những dịp giao tiếp và thích làm quen với những nhân cách mới nên cứ luẩn quẩn để hóng chuyện. Cho đến khi Daniel làm đổ cái ghế cao - may mà cái ghế không đè lên người thằng bé, nhưng nó khóc ré lên vì sợ - và thế là Brendan đi vào từ phòng khách.
“Có vẻ như giờ đi ngủ đã bị hoãn lại nhỉ,” anh nói trong khi kéo thằng bé ra khỏi tay Lorna. “Elizabeth. Con chuẩn bị đi tắm đi.”
Polly đã chuyển từ chuyện những người trong thị trấn sang chuyện ở nhà. Tình hình không được tốt. Chủ tiệm ngũ kim - người đàn ông mà cha Lorna luôn nhắc đến như một người bạn chứ không phải ông chủ - đã bán cửa hàng mà không một lời báo trước, cho đến khi mọi sự đã rồi. Ông chủ mới mở rộng cửa hàng trong lúc việc kinh doanh cứ mất dần vào tay hãng Lốp Xe Canada, vì vậy, không ngày nào là ông ta không kiếm chuyện để gây với cha của Lorna. Cha của Lorna quá bất mãn, đến nỗi đi làm về là ông chả muốn làm gì, chỉ nằm bệt ở đi văng. Ông chả quan tâm đến báo chí hay tin tức nữa. Ông uống nước ngọt có ga và không chịu nói về những cơn đau bụng của mình.
Loma nhắc đến lá thư của cha, trong đó ông đã nói giảm nói tránh những khó khăn này.
“Chẹp, dĩ nhiên bố em sẽ làm thế rồi, không phải,” sao Polly nói.
“Với em thôi.”
Việc bảo trì cả hai căn nhà, Polly kể, là cả một cơn ác mộng triền miên. Mọi người nên dồn về ở chung một căn và bán căn kia đi, nhưng bây giờ, khi bà ngoại cô đã nghỉ hưu, bà lúc nào cũng la mắng mẹ của Polly, và cha của Lorna không thể chịu được ý tưởng ở chung với hai người đàn bà này. Polly thường muốn bỏ đi không bao giờ quay trở lại, nhưng họ sẽ xoay xở thế nào nếu không có chị?
“Chị phải sống cuộc sống của riêng mình,” Lorna nói. Cô cảm thấy là lạ khi cô là người khuyên bảo Polly.
“Ồ, tất nhiên, tất nhiên,” Polly trả lời. “Lẽ ra chị phải thoát ly trong khi mọi việc còn tốt, chị nghĩ lẽ ra mình nên làm như vậy. Nhưng khi mọi việc còn tốt là khi nào cơ chứ? Chị chả nhớ có lúc này có thể gọi là đặc biệt tốt. Chị đã mắc kẹt vì phải lo cho em tốt nghiệp phổ thông xong đã, đó là một trong những nguyên nhân.”
Lorna nói với giọng hối hận, thân ái, nhưng cô nhất định không ngừng tay để cho tin tức của Polly cái quyền nó xứng đáng được hưởng. Cô chấp nhận nó như thể đó là chuyện liên quan đến những người cô quen biết và thương yêu, nhưng cô không có trách nhiệm đối với họ. Cô nghĩ đến cảnh cha nằm trên đi văng những buổi chiều tối, lịm đi vì nhưng cơn đau mà ông không chịu thú nhận, và bác Beatrice cạnh nhà, chỉ lo người khác xì xào về mình, lo người ta cười sau lưng và viết lên tường chế nhạo bác. Khóc lóc vì bác đã đi nhà thờ mà để lộ váy lót. Nghĩ về gia đình khiến Lorna đau đớn, nhưng cô không thể không có cảm giác là Polly đang quấy rầy cô, cố bắt cô phải chấp nhận một thỏa ước đầu hàng nào đó, nhấn chìm cô vào nỗi thống khổ riêng tư. Và cô nhất định không đầu hàng.
Cứ trông mày kìa. Trông cuộc sống của mày xem. Bồn rửa bằng thép không gỉ. Nhà có kiểu kiến trúc yêu việt.
“Nếu chị bỏ đi bây giờ, chị nghĩ chị sẽ chỉ thấy có lỗi,” Polly nói. “Chị không thể chịu được. Chị sẽ cảm thấy vô cùng tội lỗi nếu chị bỏ gia đình.”
Tất nhiên có những người chả bao giờ thấy tội lỗi cả. Họ chả bao giờ thấy tội lỗi gì sất.
“Em được nghe chuyện thương tâm quá nhỉ,” Brendan nhận xét, khi họ nằm cạnh nhau trong bóng tối.
“Chị ấy lúc nào cũng suy nghĩ về chuyện ấy,” Lorna nói.
“Em chỉ cần nhớ. Mình không phải là triệu phú gì đâu nhé.”
Lorna giật mình. “Chị ấy đâu có cần tiền.”
“Có thật không đó?”
“Chị ấy kể em nghe mấy chuyện đó không phải để xin tiền.”
“Em đừng có quá tự tin thế.”
Cô nằm cứng đơ, không trả lời. Thế rồi cô nghĩ ra một điều có lẽ sẽ làm anh vui vẻ hơn.
“Chị ấy chỉ ở đây hai tuần thôi.”
Bây giờ đến lượt anh ta không trả lời.
“Anh có nghĩ trông chị ấy xinh không?”
“Không.”
Cô định kể là Polly đã may áo cưới cho cô. Cô định sẽ mặc bộ vét màu xanh dương, nhưng vài ngày trước khi cưới Polly đã nói, “Em mặc thế này không được.” Thế rồi chị lấy ra bộ váy dạ hội thời trung học của chị (Polly lúc nào cũng nổi tiếng hơn Lorna, chị đã từng đi dự dạ hội), đệm thêm vải ren trắng và may thêm hai cánh tay ren trắng. Bởi vì, chị bảo, cô dâu không nên mặc váy áo không có tay.
Nhưng chắc gì anh thèm quan tâm đến chuyện ấy?
Lionel đi xa vài ngày. Cha cậu về hưu và Lionel giúp cha mình chuyển nhà từ thị trấn trên dãy Rocky đến đảo Vancouver. Vào hôm sau ngày Polly đến, Lorna nhận được lá thư của Lionel. Không phải thơ - một lá thư hẳn hoi, mặc dù rất ngắn gọn.
Em mơ thấy mình chở cô đi bằng xe đạp. Mình đi rất nhanh. Dường như cô không sợ gì cả, mặc dù có lẽ cô nên sợ. Mình không nên thấy thôi thúc phải giải thích giấc mơ này.
Brendan đã đi từ sớm. Anh đang dạy lớp hè, anh bảo anh sẽ ăn sáng ở căng tin. Polly ra khỏi phòng ngay sau khi Brendan đi. Chị mặc quần dài thay vì váy viền ren, và chị mỉm cười suốt, như thể cười chuyện gì của riêng mình. Chị cứ hơi cúi đầu xuống để tránh ánh mắt của Lorna.
“Chị nên đi tham quan gì đó ở Vancouver,” chị bảo, “vì chắc là chị sẽ chẳng bao giờ đến đây lần nữa.”
Lorna đánh dấu một vài chỗ lên bản đồ, chỉ dẫn cho chị và bảo cô xin lỗi không đi với chị được, vì có trẻ con đi cùng sẽ phiền hà lắm, không đáng.
“Ồ. Ồ, không có gì đâu. Chị cũng không mong thế. Chị qua đây không phải để bắt em lúc nào cũng phải lo cho chị.”
Elizabeth cảm nhận được không khí căng thẳng. Con bé hỏi, “Sao chúng con lại phiền hà?”
Lorna cho Daniel đi ngủ giấc ngắn buổi sáng, và khi thằng bé dậy, cô cho nó vào xe đẩy và nói với Elizabeth là họ ra sân chơi. Sân chơi cô chọn không phải là cái trong công viên gần nhà - nó ở dưới chân đồi, gần con phố nhà Lionel. Lorna biết địa chỉ nhưng chưa bao giờ nhìn thấy ngôi nhà. Cô biết đó là nhà riêng, không phải khu căn hộ. Cậu sống ở trong một căn phòng trên lầu.
Đến nơi cũng không tốn thời gian lắm - mặc dù chắc chắn, đi về sẽ lâu hơn vì cô phải đẩy xe đi ngược lên đồi. Nhưng cô đã đi vào phần cổ kính hơn của Bắc Vancouver mất rồi, ở đây nhà nhỏ hơn, đậu trên những lô đất hẹp. Căn nhà nơi Lionel sống có bảng tên cậu cạnh một cái chuông, và tên B. Hutchinson bên cạnh một cái chuông khác. Cô biết bà Hutchinson là chủ nhà. Cô bấm chuông nhà bà.
“Cháu biết là Lionel đi vắng và cháu xin lỗi đã phiền bác,” cô nói. “Nhưng cháu cho cậu ấy mượn một quyển sách, sách thư viện và đã quá hạn trả rồi, không biết bác có thể cho cháu chạy lên phòng cậu ấy thử tìm được không?”
Bà chủ nhà bảo, “Thế à.” Đó là một bà già đầu quấn khăn hoa, gương mặt có những đốm đồi mồi lớn.
“Hai vợ chồng cháu là bạn của Lionel. Chồng cháu trước đây là giáo sư của cậu ấy ở trường đại học.”
Từ “giáo sư” bao giờ cũng hiệu nghiệm. Bà ta đưa chìa khóa cho Lorna. Cô đậu chiếc xe đẩy vào bóng mát của ngôi nhà và dặn Elizabeth trông Daniel.
“Đây có phải là sân chơi đâu,” Elizabeth nhận xét.
“Mẹ chỉ chạy lên lầu một tí thôi là xuống. Chỉ một phút thôi, nhé?”
Phòng của Lionel có một cái hốc cuối phòng, nơi để cái bếp ga đôi và tủ chén đĩa. Không tủ lạnh, không bồn rửa, trừ một cái ở trong phòng tắm. Mành kéo xuống lưng chừng cửa sổ một vuông vải sơn lót sàn, hoa văn bị quét chồng lên một lớp sơn màu nâu. Thoang thoảng mùi ga nấu bếp pha trộn với mùi quần áo ấm không được phơi, mùi mồ hôi, và mùi thuốc nhỏ mũi có mùi thông, cái mùi cô chấp nhận - hầu như không nghĩ đến nó và hoàn toàn không ghét nó - là mùi đặc biệt của riêng Lionel.
Ngoài ra, căn phòng này hầu như chả nói lên điều gì cả. Tất nhiên cô đến đây chẳng phải vì cuốn sách thư viện nào, mà là để có được một khoảnh khắc ở trong không gian nơi cậu sống, hít thở không khí của cậu và nhìn qua cửa sổ nhà cậu. Cảnh quan là những ngôi nhà khác, chắc cũng như ngôi nhà này, được băm nhỏ ra thành những căn hộ bé xíu, nằm cheo leo dọc theo sườn núi Grouse phủ đầy cây rừng. Sự trơ trụi và thiếu bản sắc của căn phòng quả là một thách thức thực sự. Giường, tủ, bàn, ghế. Những thứ đồ đạc được bày biện chỉ để quảng cáo là căn phòng được trang bị nội thất. Ngay cả tấm khăn trải trang trí giường dệt bằng len xù màu nâu có lẽ cũng đã có sẵn khi cậu dọn vào đây ở. Không tranh ảnh - không cả một tờ lịch - và ngạc nhiên nhất là, không có sách.
Mọi thứ chắc phải được giấu đâu đó. Trong ngăn kéo tủ chăng? Cô không thể nào tìm trong đó. Không phải chỉ vì cô không có thời gian - cô nghe tiếng Elizabeth đang kêu réo từ ngoài sân - mà chính sự thiếu vắng cái gì riêng tư lại khiến cô cảm nhận được sự hiện diện của Lionel rõ rệt hơn cả. Không chỉ là cảm giác về sự khổ hạnh và những bí mật của cậu, mà còn là cảm giác mình đang bị theo dõi - gần như thể cậu đã đặt bẫy sẵn và đang chờ xem cô sẽ làm gì.
Điều cô thực sự muốn làm không phải và điều tra thêm nữa, cô chỉ muốn ngồi xuống đất, giữa vuông vải sơn lót sàn. Ngồi đó hàng giờ, không phải để quan sát căn phòng, mà là để chìm đắm vào nó. Ở trong căn phòng này, nơi không ai biết cô là ai và không ai đòi hỏi gì từ cô. Ở đây lâu, thật lâu, để cô có thể tôi luyện thành sắc bén hơn và nhẹ nhàng hơn, nhẹ như một cái kim.
Sáng thứ Bảy, Lorna, Brendan và bọn trẻ con chuẩn bị lái xe đến Penticton. Một sinh viên vừa tốt nghiệp mời họ đến dự đám cưới. Họ sẽ ở chơi đêm thứ Bảy, cả ngày Chủ nhật cũng như đêm Chủ nhật, và sẽ về nhà vào sáng thứ Hai.
“Em đã nói với cô ta chưa?” Brendan hỏi.
“Không có gì phải lo cả. Chị ấy không định đi đâu.”
“Nhưng em đã nói chưa?”
Cả ngày thứ Năm họ đã đi bãi biển Ambleside. Lorna, Polly và bọn trẻ con đến đó bằng xe buýt, phải hai lần đổi tuyến, lỉnh kỉnh nào là khăn tắm, đồ chơi bãi biển, tã lót, đồ ăn trưa và cả cái phao hình cá heo của Elizabeth. Tất cả những lễ mễ khổ sở mà họ thấy mình đang lâm vào, vẻ bực bội và kinh hoàng của các hành khách trên xe khi nhìn thấy bầu đoàn nhà họ, đã khơi dậy một phản ứng phụ nữ đến kỳ quặc - một tâm trạng gần như vui nhộn. Thoát ra khỏi ngôi nhà nơi Lorna được sắp đặt như là một người vợ cũng góp phần cho tâm trạng vui nhộn này. Họ đến bãi biển trong chiến thắng, lôi thôi lếch thếch, họ dựng trại, thay phiên nhau xuống nước, trông chừng bọn trẻ con, lấy nước ngọt, kem que, khoai tây chiên.
Lorna hơi rám nắng. Polly thì hoàn toàn không. Chị duỗi một bàn chân ra cạnh chân Lorna và bảo, “Nhìn này. Trắng như bột.”
Bao nhiêu việc phải làm ở cả hai nhà, rồi việc ở ngân hàng, chị kể, chị không được rảnh rỗi dù chỉ mười năm phút, để ngồi phơi nắng. Nhưng bây giờ chị nói về điều đó rất thản nhiên, không còn mang giọng điệu đức hạnh và oán trách nữa. Cái không khí chua chát vây quanh chị - như những cái khăn lau bát lâu ngày - đang rơi rụng dần. Chị đã tự tìm được đường đi nước bước trong Vancouver - một việc trước đó chị chưa bao giờ làm khi đến một thành phố. Chị nói chuyện với người lạ ở trạm xe buýt, hỏi han xem nên đi tham quan nơi nào và chị đã nghe theo lời khuyên của ai đó là đi xe cáp lên đỉnh núi Grouse.
Khi họ nằm trên cát, Lorna thanh minh.
“Thời điểm này trong năm là lúc khó khăn cho Brendan. Dạy khóa hè rất căng thẳng, vì phải làm nhiều trong một thời gian ngắn?”
Polly nói, “Thế à? Vậy lý do không phải là do mình chị à?”
“Đừng có ngớ ngẩn thế. Tất nhiên không phải tại chị?”
“Thế thì đỡ quá. Chị cứ nghĩ là anh ấy ghét cay ghét đắng chị.”
Rồi chị kể về một người đàn ông ở quê, người muốn tìm hiểu chị.
“Anh ấy nghiêm túc quá. Anh ấy muốn kiếm vợ. Chắc Brendan cũng thế, nhưng chị nghĩ em đã yêu anh ta.”
“Đã và đang yêu,” Lorna cải chính.
“Ừ, còn chị thì không.” Polly nói, mặt ép vào khuỷu tay. “Chị nghĩ là chuyện cũng có thể thành nếu mình chỉ cần thinh thích ai đó, đi chơi với họ và quyết tâm chỉ để mắt đến ưu điểm.”
“Vậy ưu điểm là gì nào?” Lorna ngồi dậy để có thể trông Elizabeth bơi với cái phao cá heo.
“Đợi một lát để chị nghĩ đã nhé,” Polly nói, cười khúc khích. “Không. Rất nhiều ưu điểm. Chị chỉ chọc thế thôi?”
Khi họ thu dọn đồ chơi và khăn tắm, chị nói, “Chị không phiền nếu ngày mai mình lại làm y sì như hôm nay đâu?”
“Em cũng vậy,” Lorna trả lời, “nhưng mà em phải chuẩn bị để đi Okanagan. Chúng em được mời dự đám cưới.” Cô làm ra vẻ như đây là việc phải làm - một việc đến tận bây giờ cô mới nhắc tới vì cô không thích và chán ngấy.
Polly nói, “Ồ. Vậy à, chắc chị sẽ đi một mình.”
“Được thôi. Chị nên đi.”
“Okanagan ở đâu?”
Tối hôm sau, sau khi cho bọn trẻ con đi ngủ, Lorna vào phòng Polly. Cô vào để lấy va li từ trong tủ kho, cô đoán là trong phòng không có ai - cô nghĩ Polly vẫn ở trong phòng tắm, ngâm vết cháy nắng hồi ban ngày trong nước ấm và soda.
Nhưng Polly đang nằm trên giường, quấn chăn quanh người như một tấm vải liệm.
“Chị tắm xong rồi à?” Lorna hỏi, làm như những gì cô thấy là hoàn toàn bình thường. “Mấy chỗ cháy nắng của chị thế nào rồi?”
“Không sao cả,” Polly nói giọng nghẹn ngào. Lorna biết ngay là chị đã khóc và rất có thể là vẫn đang khóc. Cô đứng ở chân giường, không thể rời khỏi phòng. Cô cảm thấy một nỗi thất vọng tràn trề, như một cơn bệnh, một làn sóng phẫn nộ. Polly thực sự không có ý định giấu giếm, chị lăn người nhìn ra, mặt nhăn nhúm, bất lực, đỏ vì cháy nắng và vì khóc. Nước mắt trào lên trong mắt chị. Chị là cả một đụn đau khổ, một lời lên án đanh thép.
“Có chuyện gì vậy?” Lorna hỏi. Vờ ngạc nhiên và vờ quan tâm.
“Em không muốn chị.”
Mắt chị nhìn Lorna khôn nguôi, tràn đầy nước mắt, tràn đầy cay đắng với lời buộc tội phản bội, nhưng không chỉ có thế, cặp mắt còn đòi hỏi quá đáng, đòi được ôm ấp, vỗ về, an ủi.
Lorna chỉ muốn đánh chị. Cô muốn gào lên, chị có quyền gì? Tại sao chị cứ bám lấy tôi? Chị có quyền gì cơ chứ?
Gia đình. Mối liên hệ gia đình cho Polly cái quyền ấy. Chị đã dành dụm tiền và lên kế hoạch trốn thoát, nghĩ bụng là Lorna sẽ đón nhận chị. Có phải thế không- rằng chị đã mơ ước được ở lại đây và không bao giờ trở về quê nữa? Được hưởng hơi hướm vận may mà Lorna đang có, được đổi đời như Lorna?
“Chị nghĩ là em có thể làm gì cho chị,” Lorna hằn học dữ dội, đến nỗi chính cô cũng ngạc nhiên. “Chị nghĩ em có quyền lực gì à? Anh ấy không bao giờ cho em quá hai mươi đô la.”
Cô kéo lê cái va li ra khỏi phòng.
Điều cô nói là giả dối và đáng ghê tởm - bịa ra những than vãn của chính mình cái kiểu ấy, để so đo với nỗi khổ của Polly. Chuyện hai mươi đô la thì có liên quan gì ở đây? Cô có thẻ tín dụng và nếu cô cần tiền, anh không bao giờ từ chối cô cả.
Cô không tài nào ngủ được, trong tâm trí, cô không ngừng nhiếc móc Polly.
Cái nóng của Okanagan làm cho mùa hè có vẻ đúng là mùa hè hơn so với mùa hè dọc bờ biển. Những ngọn đồi cỏ úa, thưa thớt vài bóng râm của những cây thông vùng đất khô cằn, dường như là một khung cảnh tự nhiên cho một đám cưới đình đám như vậy, với rượu sâm banh không bao giờ cạn, nhảy múa, tán tỉnh, không khí tràn ngập thiện chí và tình bạn nảy sinh trong phút chốc. Lorna nhanh chóng bị say và ngạc nhiên khi thấy thật dễ dàng làm sao để thoát khỏi ràng buộc tâm hồn bằng rượu. Đau khổ tan biến hết. Cô lên giường mà vẫn còn say, và phóng đãng, chỉ lợi cho Brendan. Thậm chí cơn váng vất vào sáng hôm sau cũng có vẻ êm dịu, mang lại cảm giác thanh tẩy chứ không phải hành xác. Cảm thấy yếu ớt, nhưng hoàn toàn không bất mãn với bản thân một chút nào, cô nằm bên bờ hồ quan sát Brendan giúp Elizabeth xây lâu đài cát.
“Con có biết là bố mẹ lần đầu gặp nhau ở một đám cưới không?” cô hỏi.
“Nhưng không giống đám cưới này mấy,” Brendan xen vào. Ý anh là đám cưới đó, khi bạn anh cưới con gái nhà Mc Quaig (McQuaig là gia đình giàu nhất thị trấn), chính thức không cho phép uống rượu. Tiệc cưới được tổ chức trong đại sảnh của nhà thờ giáo hội Hiệp Nhất - Lorna là một trong những cô gái được thuê để phục vụ bánh sandwich - và người ta phải uống rượu vội vã trong bãi đậu xe. Lorna không biết mùi rượu whisky từ đàn ông là như thế nào, cô tưởng đâu Brendan đã bôi quá nhiều một loại dầu tóc lạ lẫm nào đó. Nhưng cô mê đôi vai dày, cái cổ trâu, giọng cười và cặp mắt nâu vàng uy nghiêm của anh. Khi được biết anh là thầy giáo dạy toán, cô đã yêu thêm cả những gì nằm trong đầu anh. Cô hào hứng với bất cứ thứ kiến thức nào mà một người đàn ông có thể có, những kiến thức hoàn toàn xa lạ đối với cô. Kiến thức về cơ khí tự động có lẽ cũng sẽ có tác động như vậy đối với cô.
Tình cảm đáp lại của anh đối với cô thì như là một phép mầu. Sau này cô mới biết lúc đó anh đang đi tìm vợ; cũng tới tuổi rồi, đã đến lúc lấy vợ. Anh muốn có vợ trẻ. Không phải là đồng nghiệp, không phải là học sinh, có lẽ thậm chí không phải là loại con gái mà cha mẹ muốn cho đi học đại học. Không hư hỏng. Thông minh, nhưng không được hư hỏng. Một bông hoa dại, anh ví von như vậy trong những ngày nóng bỏng thuở đầu tiên ấy, và đôi khi ngay cả bây giờ.
Trên đường lái xe về nhà, họ bỏ lại sau lưng mình làng quê nóng bức óng vàng, đâu đó giữa Keremeos và Princeton. Mặt trời vẫn rạng rỡ, và Lorna chỉ hơi gợn một chút lo âu trong tâm trí, như một cọng tóc vướng mắt, chỉ cần búng nhác là bay đi, hay có thể tự nó sẽ trôi ra khỏi tầm mắt.
Nhưng mà nó cứ quay lại. Nó càng lúc càng rõ hơn, như một điềm gở, và dai dẳng hơn, cho đến khi hiện rõ ra hoàn toàn và cô hiểu nó là cái gì.
Cô sợ cô gần như chắc chắn - là trong lúc họ ở Okanagan, Polly có lẽ đã tự tử trong phòng bếp của căn nhà ở Bắc Vancouver.
Trong phòng bếp. Lorna hình dung được rõ ràng. Cô thậm chí hình dung được chính xác Polly sẽ tự tử như thế nào. Chị sẽ treo cổ ngay đằng sau cửa hậu. Khi họ về, khi họ vào nhà từ ga ra, họ sẽ thấy cửa khóa. Họ sẽ mở khóa và đẩy cửa vào nhưng sẽ không vào được vì vướng xác của Polly. Họ sẽ vội vã chạy vào nhà theo lối cửa trước rồi vào bếp từ lối đó và sẽ thấy toàn bộ cảnh tượng Polly đã chết như thế nào. Chị sẽ mặc cái váy denim viền ren và chiếc áo trắng có dây rút - bộ cánh chị đã dũng cảm mặc lần đầu tiên khi đến thử lòng hiếu khách của họ. Đôi chân dài nhợt nhạt của chị treo lủng lẳng, đầu ngoẹo quặt xuống trên cần cổ mảnh dẻ. Trước mặt chị là chiếc ghế nhà bếp chị đã dùng để trèo lên, rồi bước ra, hay nhảy ra, để xem mọi đau khổ có thể tự kết liễu ra sao.
Cô đơn trong căn nhà của những người không muốn chị, nơi mà cả những bức tường, những cửa sổ và cái tách cà phê chị uống cũng dường như khinh miệt chị.
Lorna nhớ lần mọi người để cô lại với Polly, cho Polly trông cô cả một ngày, ở nhà bà nội. Có thể là cha cô đi làm ở cửa hàng. Nhưng cô có cảm giác là cha đi xa, cả ba người lớn đều đi xa. Chắc đó phải là một dịp gì đó khác thường, vì họ chả bao giờ đi mua đồ, chứ đừng nói là đi chơi cùng nhau. Chắc là một đám tang - cô gần như chắc chắn đó là một đám tang. Hôm đó là thứ Bảy, không phải đến trường. Đằng nào thì Lorna cũng còn quá nhỏ, chưa đi học. Tóc chưa đủ dài để tết thành bím. Tóc cô thổi tung bay quanh đầu như tóc Polly bây giờ.
Polly lúc ấy đang ở giai đoạn thích làm các loại bánh kẹo ngọt, theo cuốn sách dạy nấu ăn của bà nội. Ga tô sô cô la với quả chà là, bánh quy hạnh nhân, kẹo kem mềm. Hôm đó, trong cúc đang khuấy trộn gì đó thì chị phát hiện ra trong tủ thiếu một nguyên liệu chị cần. Chị phải đạp xe lên phố trên để mua. Trời hôm ấy gió lạnh, mặt đất trơ khốc - chắc đang là cuối thu hoặc đầu xuân. Trước khi đi, chị Polly đóng ống thông khí của bếp củi. Nhưng chị vẫn nghĩ đến những câu chuyện được nghe kể về trẻ con thiệt mạng vì cháy nhà trong khi mẹ chúng cũng chạy ù ra ngoài có chút việc thế này. Thế nên chị bắt Lorna mặc áo ấm, mang Lorna ra ngoài, vòng ra góc giữa bếp và nhà trên, nơi gió không quá mạnh. Nhà bên cạnh chắc là khóa cửa, nếu không chị đã mang Lorna qua đó. Chị bảo cô ngồi yên đợi, để chị đạp xe ra cửa hàng. Ngồi đó, không được đi đâu hết, đừng lo lắng gì nghe chưa, chị dặn dò. Rồi chị hôn vào tai Lorna. Lorna nghe theo lời chị, đúng từng chữ. Mười, có thể là mười lăm phút, cô ngồi thu lu đằng sau bụi tử đinh hương màu trắng, quan sát hình thù từng viên đá móng nhà, những viên đậm màu, những viên nhạt màu. Cho đến khi Polly hộc tốc chạy về, quăng xe đạp ngoài sân và gọi tên cô. Lorna, Lorna, chị vứt gói đường vàng hay hạt óc chó gì đó xuống đất, hôn chùn chụt khắp đầu cô. Vì chị bất chợt nghĩ đến chuyện Lorna có thể đã bị bọn bắt cóc trẻ con hay rình rập bắt gặp đang ngồi ở cái góc ấy - bọn đàn ông xấu xa mà vì chúng, các bé gái không được ra cánh đồng sau nhà chơi. Suốt đường về chị chỉ cầu cho chuyện này đừng xảy ra. Và nó đã không xảy ra. Chị hối hả giục Lorna vào nhà, sưởi ấm đôi bàn tay và hai đầu gối hở ra ngoài trời lạnh.
Ôi, tội nghiệp hai bàn tay nhỏ xíu, chị xuýt xoa. Ôi, em có sợ không? Lorna thích thú khi được chị rối rít quan tâm như vậy và cúi đầu để được chị vuốt ve, như một chú ngựa non.
Những cây thông đã nhường chỗ cho rừng cây thường xanh dày đặc hơn, những đồi đất nâu nhường chỗ cho những ngọn núi xanh màu lục lam cao dần. Daniel bắt đầu thút thít, Lorna rút bình nước quả ra cho thằng bé. Lát sau cô bảo Brendan dừng xe để cô có thể đặt thằng bé nằm xuống ở ghế trước và thay tã. Brendan tránh ra xa khi cô làm việc này để hút thuốc lá. Lễ nghi thay tã luôn làm anh thấy hơi hơi khó chịu.
Lorna tiện thể lấy một cuốn sách cho Elizabeth và khi bọn trẻ đã yên vị đâu vào đó, cô đọc sách cho chúng nghe. Đó là cuốn của Dr. Seuss. Elizabeth nhớ hết các câu thơ, ngay cả Daniel cũng mang máng biết phải chêm những từ thằng bé tự sáng chế vào chỗ nào.
Polly không còn là người đã xoa ấm hai bàn tay nhỏ xíu của Lorna trong tay chị, không còn là người biết mọi thứ mà Lorna không biết và không còn là người có thể được tin cậy giao phó chăm lo cho cô trọn đời này nữa. Mọi thứ đã đảo ngược, và dường như trong những năm tháng kể từ khi Lorna lấy chồng, Polly chỉ giậm chân tại chỗ. Lorna đã vượt qua chị. Và bây giờ Lorna có hai con nhỏ đang ngồi ở ghế sau để chăm sóc và yêu thương. Thật không đúng khi một người ở tuổi Polly lại đến giằng xé đòi phần của mình.
Chẳng ích lợi gì cho Lorna khi nghĩ về chuyện này. Ngay khi vừa củng cố lý lẽ bào chữa thì cô lại cảm giác thân thể chị Polly tấn vào cánh cửa khi họ cố đẩy cửa vào. Sức nặng của cái xác, thân thể xám xịt. Thân thể của Polly, người chả cho lợi lộc gì. Không tìm được chỗ đứng trong gia đình, không một hy vọng về sự thay đổi mà hẳn chị đã mơ sẽ đến với cuộc đời mình.
“Mình đọc Madeline đi mẹ,” Elizabeth đề nghị.
“Hình như mẹ không mang theo quyển Madeline,” Lorna trả lời. “Không. Mẹ không mang theo. Nhưng có sao đâu, con thuộc làu rồi mà.”
Rồi cô và Elizabeth cùng bắt đầu.
“Giữa kinh thành cổ Ba Lê
Một căn nhà cũ bốn bề tường rêu
Mười hai bé gái chia đều
Cùng nhau thức, ngủ, ăn theo hai hàng…”
Thật ngu ngốc, thật ủy mị, thật tội lỗi. Chuyện này không thể xảy ra được.
Nhưng những chuyện như thế quả thật vẫn xảy ra. Có những người quỵ ngã, họ không được trợ giúp đúng lúc. Họ không được trợ giúp một chút nào. Có những người bị ném vào tăm tối.
“Khuya khoắt lúc nửa đêm
Clavel chợt thức giấc, bật đèn
‘Sao có gì không ổn’
Cô vội hét toáng lên…”
“Mẹ ơi!” Elizabeth gọi. “Sao mẹ dừng lại?”
Lorna trả lời, “Mẹ phải dừng lại một chút. Miệng mẹ khô quá.”
Họ dừng ở Hope, ăn bánh hamburger và uống sữa lắc. Khi xuống đến thung lũng Fraser thì bọn trẻ con đã ngủ hết ở ghế sau. Vẫn còn một lúc nữa. Một lúc nữa thì mới tới Chilliwack, mới tới Abbotsford, mới nhìn chấy những ngọn đồi New Westminister phía trước, rồi những ngọn đồi khác mà nhà cửa bao trùm, nơi bắt đầu vào thành phố. Còn những cây cầu phải vượt qua, những ngả đường phải rẽ, những con đường phải đi theo, những góc phố phải băng qua. Tất cả những thứ ấy là tiền sự. Khi cô thấy chúng sắp tới đây thì tất cả sẽ trở thành hậu sự.
Khi họ vào đến công viên Stanley, cô nảy ra ý nghĩ là mình cần phải cầu nguyện. Thật đúng là không biết hổ thẹn - một kẻ vô tín cầu nguyện chỉ lúc cần. Những câu chữ lắp bắp xin-đừng-để-chuyện-đó-xảy-ra, xin-đừng-để-chuyện-đó-xảy-ra. Xin đừng để chuyện đó là sự đã rồi.
Trời vẫn quang mây. Từ cầu Lion’s Gate, họ trông ra eo biển Georgia.
“Hôm nay em có thấy được đảo Vancouver không?” Brendan hỏi. “Em thử xem, anh không nhìn được.”
Lorna nghển cổ nhìn qua đầu anh.
“Xa tít,” cô nói. “Em thấy được nhưng chỉ mờ mờ?”
Khi nhìn những cái gò xanh như đang trôi dạt trên mặt biển càng lúc càng mờ dần và cuối cùng tan biến, cô nghĩ là còn một việc nữa cô có thể làm. Xin được đánh đổi. Cô tin là vẫn còn kịp, cho đến phút cuối cô vẫn còn thời gian để thương lượng.
Phải thật nghiêm túc, một lời hứa hay một sự dâng hiến hết sức kiên định và khổ hạnh. Xin hãy nhận lấy. Con xin hứa sẽ làm. Chỉ cần Người làm cho chuyện đó không biến thành hiện thực, chỉ cần nó không thể là sự đã rồi.
Không thể là bọn trẻ. Cô giật lại ý nghĩ đó như cố chộp con mình ra khỏi ngọn lửa đang cháy. Không thể là Brendan, nhưng vì một lý do hoàn toàn ngược lại. Cô không đủ yêu anh. Cô có thể nói yêu anh, và thật lòng ở một mức độ nào đó, và cô cũng muốn được anh yêu, nhưng gần như lúc nào cũng vậy, luôn có chút thanh âm của lòng căm ghét ong ong bên cạnh tình yêu của cô. Vì vậy, việc xin được đánh đổi anh là một điều đáng bị quở trách - và cũng không ích gì.
Hay là chính cô? Sắc đẹp của cô? Sức khỏe của cô?
Thế rồi cô chợt nghĩ rằng rất có thể mình đang đi lầm đường. Trong trường hợp như thế này, rất có thể mình không có quyền tự lựa chọn. Mình không có quyền ra điều kiện. Mình sẽ biết mình phải làm gì khi đến lúc. Và mình phải hứa sẽ thực hiện đúng điều kiện, mặc dù mình không biết sẽ là điều kiện gì. Hứa.
Nhưng không được liên quan đến bọn trẻ.
Lái xe lên đường Capilano, vào chính địa phận thành phố của họ, cái góc nhỏ của chính họ trong thế giới này, nơi cuộc đời họ nhận lấy gánh nặng thực sự và hành động của họ nhận lãnh hậu quả. Và kia, đang hiện dần qua hàng cây là những bức tường gỗ không khoan nhượng của ngôi nhà họ.
“Đi cửa trước tiện hơn,” Lorna đề nghị. “Mình không phải lên bậc tam cấp?”
Brendan bảo, “Chỉ có vài bậc thì đã làm sao?”
“Con lại không được nhìn thấy cầu,” Elizabeth òa khóc, thình lình con bé hoàn toàn tỉnh táo và thất vọng. “Tại sao mẹ chẳng bao giờ đánh thức con để con được nhìn thấy cầu?”
Không ai trả lời con bé.
“Tay Daniel bị cháy nắng hết rồi,” cô nói, giọng không hài lòng cho lắm.
Lorna nghe thấy tiếng ai đó, cô nghĩ là vọng qua từ sân nhà bên cạnh. Cô đi theo Brendan vòng ra sau nhà. Daniel nằm tựa vai cô, vẫn đang say ngủ. Cô đeo theo túi đựng tã và túi sách, còn Brendan mang va li.
Cô nhìn thấy những người mà cô nghe thấy tiếng ngay trong chính sân sau nhà cô. Polly và Lionel. Họ xoay ghế lại để tránh ánh mặt trời. Lưng họ quay về phía nhìn ra vịnh.
Lionel. Cô đã hoàn toàn quên mất cậu.
Cậu đứng bật dậy và chạy ra mở cửa sau cho họ.
“Đoàn thám hiểm đã trở về với đầy đủ mọi thành viên cậu nói, với cái giọng mà Lorna tin là cô chưa từng nghe thấy bao giờ. Một vẻ chân tình tự nhiên không gượng ép, một sự tự tin thoải mái và thích hợp. Giọng của một người bạn gia đình. Khi giữ cửa, cậu nhìn thẳng vào mặt cô - một việc cậu hầu như chưa bao giờ làm - và mỉm cười với cô một nụ cười hoàn toàn không có tí gì là mơ hồ, bí mật, mỉa mai đồng lõa và sùng bái bí ẩn. Tất cả những rắc rối phức tạp, những thông điệp riêng tư đã hoàn toàn rũ sạch.
Cô hùa theo giọng điệu của cậu ta.
“Ô… em về bao giờ vậy?”
“Thứ Bảy,” cậu trả lời. “Em quên mất là cả nhà đi vắng. Em hùng hục lên trên này để chào mà mọi người không có nhà, nhưng có chị Polly, và tất nhiên chị ấy nói cho em biết, lúc đó em mới nhớ ra.”
“Polly nói gì nào?” Polly vừa nói vừa vào theo sau cậu. Đây thực ra không phải là câu hỏi để hỏi, mà là một câu trêu đùa một người phụ nữ nói khi cô ta biết hầu hết những gì mình nói sẽ được người nghe vui vẻ chấp nhận. Vết cháy nắng của Polly đã sạm, thành một màu da ửng hồng mới, trên trán và cổ chị.
“Đưa đây cho chị,” chị nói với Lorna, đỡ túi đeo trên vai và chai nước quả đã uống cạn trong tay Lorna. “Chị sẽ mang hết cho, trừ em bé ra.”
Mái tóc mềm của Lionel bây giờ nâu đen chứ không đen tất nhiên đây là lần đầu tiên cô nhìn thấy cậu dưới trời sáng - và da cậu cũng sạm nắng, vừa đủ sạm để trán cậu trông không còn ánh nhợt nhạt nữa. Cậu vẫn mặc quần tây đậm màu như thường lệ, nhưng cái áo thì cô chưa thấy bao giờ. Áo sơ mi vàng, tay ngắn, vải sáng bóng loại rẻ tiền đã được là đi là lại nhiều lần, vai quá rộng, chắc là mua từ cửa hàng đồ cũ của nhà thờ.
Lorna mang Daniel lên phòng. Cô đặt thằng bé vào trong cũi, rồi đứng bên cạnh nhẹ nhàng vỗ về và xoa lưng cho thằng bé.
Cô nghĩ chắc Lionel đang trừng phạt cô vì cô đã lỡ vào phòng cậu ta. Bà chủ nhà chắc là đã nói cho cậu ta biết. Lẽ ra Lorna phải biết trước điều đó, nếu cô thận trọng suy nghĩ. Nhưng cô đã không làm thế, rất có thể vì cô nghĩ và nó sẽ chẳng ảnh hưởng gì. Có thể thậm chí cô còn định sẽ tự nói cho cậu nghe.
Trên đường ra sân chơi tôi đi ngang qua nhà em, thế là tôi chỉ nghĩ tôi sẽ vào ngồi trên sàn. Tôi không giải thích được vì sao. Dường như làm như vậy tôi sẽ được một khoảnh khắc bình yên, ở trong phòng em và ngồi ở giữa sàn nhà.
Cô nghĩ - chắc là sau lá thư - rằng giữa họ có một mối quan hệ không cần phải làm rõ ràng nhưng có thể nương tựa được. Cô đã sai lầm, cô đã làm cậu sợ. Quá mạo muội. Cậu thoái lui và Polly xuất hiện. Vì tội lỗi của cô, cậu đã đánh bạn với Polly.
Nhưng, cũng có thể không phải là như vậy. Cũng có thể chỉ đơn giản là cậu thay đổi. Cô nghĩ đến vẻ trơ trọi khác thường của căn phòng, ánh sáng trên những bức tường. Từ đó có thể sinh ra một phiên bản biến thể của chính cậu, một phiên bản được kiến tạo lại dễ dàng trong nháy mắt. Đó có thể là để phản ứng lại một chuyện gì đó hơi chệch hướng, hay do cậu nhận thức được là cậu không thể tiếp tục như vậy. Hay không phải là do một cái gì cụ thể cả - đơn giản chỉ trong nháy mắt.
Khi Daniel đã ngủ say, cô đi xuống lầu. Trong phòng tắm cô thấy Polly đã xả tã cẩn thận và bỏ vào xô, ngâm trong dung dịch màu xanh để khử trùng. Cô nhấc va li đang nằm giữa sàn phòng bếp, mang lên lầu, để trên chiếc giường lớn rồi mở ra soạn quần áo, cái nào cần giặt cái nào cất đi.
Cửa sổ căn phòng là nhìn ra sân sau. Cô nghe được tiếng mọi người - giọng
Elizabeth cất cao, gần như thét, phấn khích vì đã về đến nhà, và cũng có thể là vì con bé cố gắng tập trung sự chú ý của số khán giả đông hơn bình thường, giọng Brendan nghe rất oai nhưng vui vẻ dễ chịu, đang kể về chuyến đi của họ.
Cô đến bên cửa sổ và nhìn xuống. Cô thấy Brendan đến lán trữ đồ, mở khóa và bắt đầu lôi ra cái bể phao cho trẻ con. Cửa đóng sập vào Brendan và Polly vội vã chạy lại giữ cửa.
Lionel đứng dậy và kéo vòi nước ra. Cô không nghĩ là cậu thậm chí biết vòi nước cất ở đâu.
Brendan nói cái gì đó với Polly. Cảm ơn chị chăng? Nếu không biết thì người ta có thể nghĩ là hai người bọn họ thân thiện với nhau lắm.
Sao mà có thể xảy ra thế được nhỉ?
Có thể bây giờ Polly đã xứng đáng được chiếu cố đến, vì cô đã được Lionel chọn. Vì sự lựa chọn của Lionel, không phải vì sự áp đặt của Lorna.
Hoặc giả, đơn giản là Brendan cảm thấy thoải mái hơn sau chuyến đi chơi xa. Vì anh đã có thể được nghỉ ngơi chốc lát khỏi gánh nặng của một người chủ gia đình. Có thể anh nhận ra rằng, công bằng mà nói, cái cô Polly trở tính trở nết này cũng không phải là mối đe dọa.
Một cảnh tượng thật bình dị và tuyệt vời, xảy ra như một phép mầu. Tất cả mọi người đều hạnh phúc.
Brendan bắt đầu thổi phồng bể phao bằng nhựa dẻo. Elizabeth cởi hết quần áo chỉ chừa lại quần lót và nhảy nhót vòng quanh vì sốt ruột. Brendan cũng chẳng buồn bảo con chạy vào nhà mặc áo tắm vì mặc quần lót là không đúng chỗ. Lionel vặn nước, và trong khi đợi chuẩn bị bể bơi, cậu tưới những cây sen cạn, trông như chủ nhà thực thụ. Polly nói với Brendan, anh đóng van và đưa cái bể bơi phao đang thổi nửa chừng cho cô.
Lorna nhớ lại chính Polly là người đã thổi cái phao hình con cá heo khi họ chơi ở bãi biển. Như chị nói, chị rất nhiều hơi. Chị thổi đều đều, dường như không có tí khó khăn nào. Chị đứng đó, mặc quần sóc, vững chãi giạng đôi chân trần, da ánh lên như vỏ cây bạch dương. Và Lionel đang ngắm nhìn chị. Có lẽ cậu đang nghĩ, đây đúng là cô gái mình cần. Thật là một người phụ nữ tháo vát và khôn ngoan, mềm mỏng mà mạnh mẽ. Một người không phù phiếm, mơ mộng hay đỏng đảnh. Rất có thể đó là kiểu phụ nữ mà một ngày nào đó cậu sẽ cưới về làm vợ. Một người vợ có thể đảm đương mọi việc. Còn cậu sẽ thay đổi và thay đổi nữa, có lẽ sẽ phải lòng một người đàn bà khác, theo cách riêng của cậu, còn cô vợ thì quá ư bận bịu nên chả biết gì.
Chuyện đó rất có thể xảy ra. Polly và Lionel. Mà cũng có thể không. Polly có thể sẽ về nhà như kế hoạch, và nếu chị đi, sẽ không có ai phải đau khổ cả. Hay đó chỉ là điều Lorna nghĩ. Polly có thể lấy chồng, hay không lấy chồng, nhưng dầu gì thì chuyện liên quan đến đàn ông không phải là chuyện có thể làm trái tim chị tan vỡ.
Chẳng mấy chốc chiếc bể phao đã căng phồng và trơn bóng. Chiếc bể được đặt lên cỏ, vòi nước đặt và trong bể và Elizabeth lấy chân tạt nước tung tóe. Con bé ngước lên nhìn Lorna, như thể nó biết là mẹ nó ở đó từ nãy giờ.
“Lạnh quá,” con bé hết lên sung sướng. “Mẹ ơi… lạnh quá.”
Bây giờ thì Brendan cũng ngước lên nhìn Lorna.
“Em làm gì ở trên đó?”
“Dỡ đồ.”
“Em không cần phải làm bây giờ. Xuống đây đi.”
“Em sẽ xuống. Một chút nữa.”
Từ lúc cô bước vào nhà - chính xác hơn và từ lúc cô nhận ra tiếng nói cô nghe được phát ra từ chính sân sau nhà mình, và đó và tiếng của Polly và Lionel - Lorna không nghĩ gì về cảnh cô tưởng tượng ra, hết dặm đường này qua dặm đường khác, cảnh Polly treo trên dây ở cửa hậu. Giờ thì ý nghĩ ấy khiến cô ngạc nhiên, như thỉnh thoảng người ta ngạc nhiên khi nhớ lại một giấc mơ, rất lâu sau khi thức dậy. Nó có sự tác động và bẽ bàng của một giấc mơ. Cũng như sự vô dụng.
Cô không nhớ ra cùng một lúc, nhưng dần dần cô nhớ về chuyện cô thương lượng đánh đổi. Khái niệm non kém và ấu trĩ của cô về đánh đổi.
Nhưng mà cô đã hứa gì?
Không được liên quan đến bọn trẻ.
Cái gì đó của riêng cô
Cô hứa là cô sẽ làm cái việc mà cô sẽ phải làm, khi cô nhận ra đó là việc gì.
Đó là kiểu đi nước đôi, đánh đổi nhưng lại không phải là đánh đổi, một lời hứa không có ý nghĩa gì cả.
Nhưng cô đã thử mọi khả năng. Gần như là cô đang lên hình hài cho một câu chuyện để kể cho ai đó - bây giờ Lionel không phải là người đó nữa - nhưng mà một ai đó, để mua vui.
Nhịn đọc sách.
Nhận nuôi trẻ từ những gia đình không tốt và những nước nghèo đói. Làm việc nặng nhọc để chữa chạy những vết thương cho chúng và bù đắp vì chúng đã bị ghẻ lạnh.
Đi nhà thờ. Chịu tin vào Chúa Trời.
Cắt tóc, không dùng son phấn, sẽ không bao giờ mặc áo gọng thép để nâng ngực nữa.
Cô ngồi xuống giường, mệt mỏi vì toàn bộ cái trò này, một việc làm chẳng đáng.
Khôn ngoan hơn cả, điều cô hứa phải thực hiện chính là tiếp tục sống như cô đang sống. Nếu thế thì giao kèo đã có hiệu lực. Chấp nhận những gì đã xảy ra và rõ ràng về những gì sẽ xảy ra. Những tháng ngày và những cảm xúc cũng sẽ vẫn như thế, ngoại trừ việc trẻ con sẽ lớn lên, họ có thể sẽ có thêm một hay hai đứa nữa, và rồi chúng cũng sẽ lớn, cô và Brendan sẽ già và già nữa.
Chỉ đến bây giờ, đến đúng thời điểm này, cô mới ngộ ra một điều, cô đã cầu cho có một sự cố nào đó xảy ra, một sự cố sẽ thay đổi đời cô. Cô đã chấp nhận cuộc hôn nhân của mình như là một thay đổi lớn trong cuộc đời, nhưng cô không muốn đó là thay đổi cuối cùng.
Vậy, giờ đây không có gì ngoài cái điều mà cô hay bất cứ ai khác có thể dễ dàng đoán trước. Đó là hạnh phúc của cô, đó chính là cái mà cô đã đánh đổi. Sẽ không có gì thầm kín nữa, sẽ không có gì mới lạ nữa.
Hãy chú tâm nào, cô thầm nghĩ. Cô bỗng nảy ra một ý định mạnh mẽ là mình phải quỳ xuống. Đây là chuyện nghiêm túc.
Elizabeth lại gọi, “Mẹ ơi, xuống đây đi.” Và rồi những người khác - Brendan, rồi Polly, rồi Lionel, hết người này đến người khác, cũng gọi cô, trêu cô.
Mẹ.
Mẹ.
Xuống đây đi.
Chuyện xảy ra lâu lắm lắm rồi. Ở Bắc Vancouver, khi họ còn ở ngôi nhà kiểu kiến trúc Cột và Dầm. Khi cô hai mươi tư tuổi, và chỉ mới bắt đầu biết đánh đổi là gì.
Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới - Alice Munro Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới