Số lần đọc/download: 1343 / 13
Cập nhật: 2015-11-21 05:49:54 +0700
Chương 12
N
gày Tết cổ truyền sắp tới rồi; đây là biến cố đầu tiên của một năm, và mọi người - ngoại trừ những kẻ mang công nợ nhiều, mà theo truyền thống thì phải trả nợ trước cuối năm - đều hăng hái mong chờ Tết đến. Ngày Tết từ từ tới gần, mỗi ngày mang lại một báo hiệu mới của ngày đến. Toàn thể thành phố Thành Ðô bừng lên với đời sống, ngoài đượng phố đông người hơn bình thường. Nhiều đèn lồng và trò chơi xuất hiện. Khắp nơi người ta có thể nghe thấy âm thanh của những tiếng tù và của hội hè.
Mặc dù dinh cơ nhà họ Cao nằm ở một con đường tương đối yên tĩnh, cái gia đình trưởng giả này cũng bắt đầu nhộn nhịp, tuy bề ngoài trông có vẻ bình tĩnh dè dặt. Ðã có những sửa soạn cho ngày lễ đầu năm; rất nhiều thứ phải được sẵn sàng. Dĩ nhiên đầy tớ cũng bận như chủ nhà; họ nóng ruột chờ ngày lễ và những món tiền thưởng cổ truyền mà họ nhận được vào ngày Tết.
Mỗi tối người đầu bếp bận rộn làm món bánh gạo nếp. Ban ngày, tất cả đàn bà trong gia đình - trẻ cũng như già - tụ tập trong phòng của Cao Ðại lão gia và gấp những giấy vàng giấy bạc thình hình thỏi vàng - những hình này sẽ được đốt trong lễ cúng tổ tiên, và như vậy "gửi" cho tổ tiên tiêu dùng trong thế giới bên kia; đàn bà cũng cắt nhưng hình ảnh đủ kiểu bằng giấy đỏ và giấy lục - những hình này sẽ dán lên cửa sổ hoặc những bình đèn dầu.
Cao Ðại lão gia ban ngày ít khi ở nhà. Nếu không đi coi hát thì ông viếng thăm bạn bè và chơi mà chược. Ông và những bạn thân của ông đã thành lập một cái họ gọi là "Câu Lạc Bộ Chín Ðại Lão Gia", và mọi người luân phiên tổ chức đãi tiệc tại nhà mình để mời người khác, khoe những đồ cổ, hoạ phẩm và sách vở hiếm quý.
Giác Tân và người chú Khắc Minh rất bận trông nom cái nhóm gia nhân đông đảo, trong nhiệm vụ sửa soạn cho ngày Tết: Những đèn lồng đỏ lớn treo trong đại sảnh; mỗi bên tường treo những tấm lụa đỏ thêu. Hình của những tổ tiên đã chết được lấy ra từ những hộc tủ, nơi các hình ảnh yên nghỉ suốt cả năm, được thận trọng treo lên tường đại sảnh, để hưởng sự cung kính dành cho họ trong dịp Tết.
Nhà họ Cao có truyền thống tổ chức một bữa đại tiệc hai ngày trước Tết. Buổi chiều ngày đại tiệc, Giác Dân và Giác Tuệ tới thăm Giác Tân tại văn phòng, đêm theo một vài tờ tạp chí vừa mua tại tiệm sách. Hai người cũng mua bản dịch cuốn tiểu thuyết On The Eve của Turgenev.
Khi tới gần văn phòng của Giác Tân, hai người có thể nghe thấy tiếng lách cách của bàn toán. Hai người vén màn cửa bước vào.
Giác Tân ngẩng lên và ngạc nhiên khi trông thấy Giác Tuệ. Chàng hỏi, "Em đã ra ngoài rồi hả?"
"Ðã bốn ngày rồi còn gì nữa. Anh không nhớ à?" Giác Tuệ nhăn mặt trả lời. Chàng hoàn toàn thoải mái.
Giác Tân lo lắng hỏi, "Nếu ông nội biết thì sao?" Chàng lại cúi xuống bàn toán.
Giác Tuệ lạnh lùng nói, "Em không thể bận tâm đến tiểu tiết. Em không cần nếu ông nội biết được."
Giác Tân lặng lẽ nhìn em, rồi cau mày tiếp tục với bàn toán.
Giác Dân an ủi nói, "Không sao đâu. Ông nội chắc đã quên chuyện của Giác Tuệ rồi." Chàng ngả người trên chiếc ghế bằng tre bên cạnh cửa sổ.
Giác Tuệ ngồi xuống gần bức tường, và bắt đầu đọc cuốn sách của Turgenev:
"Tình yêu là một chữ vĩ đại, một cảm giác lớn lao... nhưng bạn nói về loại tình yêu nào?
Tình yêu nào? Dù bạn thích tình yêu nào cũng được, miễn là đó là tình yêu. Về phần tôi, tôi thú nhận rằng không có những loại tình yêu khác nhau. Nếu bạn yêu - thì hãy yêu với tất cả tâm hồn."
Hai người anh nhìn chàng ngạc nhiên, nhưng Giác Tuệ không biết. Chàng đọc tiếp:
"Ðó là lòng khát khao yêu, khát khao hạnh phúc, chứ không có gì khác.
Chúng ta còn trẻ, chúng ta không phải là quái vật, không phải là những kẻ điên rồ. Chúng ta sẽ chinh phục hạnh phúc cho chính chúng ta."
Một sự ấm áp tràn khắp người Giác Tuệ; tay chàng run vì xúc cảm. Không thể đọc tiếp được, chàng gập cuốn sách lại và uống vài ngụm trà.
Ðúng lúc ấy, Kiến Vân chậm chạp bước vào, và hỏi bằng cái giọng khô khan của chàng. "Giác Tuệ, anh đang nói chuyện gì mà say sưa thế?"
"Tôi chỉ đọc sách thôi mà." Giác Tuệ trả lời với một tiếng cười chua chát. Chàng lại mở sách và đọc to:
"Thiên nhiên đánh thức nhu cầu của tình yêu, nhưng không có khả năng thoả mãn tình yêu."
Căn phòng rất yên lặng. Ngay cả tiếng bàn toán cũng im lặng nữa.
"Trong thiên nhiên có Sống và Chết...
Trong Tình yêu cũng có Sống và Chết."
Kiến Vân khẽ hỏi, "Thế nghĩa là gì?" Không ai trả lời. Mắt chàng có vẻ nghi ngờ rồi sợ hãi, nhưng cảm giác ấy qua rất nhanh.
Một nỗi kinh hoàng không tên bắt đầu lãng đãng trong căn phòng nhỏ, nhưng rồi dần dần biến đi, và một nỗi đau khổ xâm chiếm tất cả bốn chàng thanh niên.
Giác Tuệ giận dữ to tiếng, "Trong cái xã hội này, người ta có được cuộc đời thế nào? Cái đời sống thế này chỉ là phí phạm tuổi trẻ, phí phạm đời sống!"
Gần đây chàng ngày càng bị dày vò bởi cái cảm giác này. Kể từ thời thơ ấu, chàng đã đam mê một khát khao khác hẳn với những người thuộc thế hệ lớn tuổi hơn chàng. Khi còn bé, chàng đã đi nhiều nơi với ông bố là một viên chức cao cấp của một huyện, và đã được nhìn nhiều chuyện kỳ lạ. Chàng thường mơ ước được bỏ đi đến một chốn xa xăm lạ lùng, được theo đuổi sự nghiệp khác thường. Chàng đã từng có một cái gì đáng mơ mộng về đời sống trong nha môn của ông bố. Sau này khi trở lại Thành Ðô, chàng phải va chạm với thực tế, và có một ý thức khác về đời sống.
Trong nhà họ Cao, đầy tớ và phu khiêng kiệu lên tới vài chục người. Những gia nhân này, mặc dù đến từ nhiều địa phương khác nhau, đã bị trói buộc với nhau bởi cùng một số phận. Những người trước kia là kẻ xa lạ, vì một đồng lương ít ỏi, bây giờ phục vụ cùng một ông chủ, sống chung với nhau giống như một bộ lạc lớn - hoà thuận, và ngay cả thương nhau nữa - bởi vì họ cùng là một hạng người; chỉ cần hôm nay họ làm chủ nhân tức giận, thì ngày mai họ không biết làm sao có chén cơm ăn.
Cảm tình với họ, Giác Tuệ sống hết thời thơ ấu cùng với họ, và chàng được gia nhân đầy tớ yêu thương và kính trọng. Chàng thường nằm trên giường của một tên khiêng kiệu, trong ánh sáng của ngọn đèn dầu lạc, nhìn tên khiêng kiệu gầy gò hút thuốc phiện và kể chuyện. Giác Tuệ thích ngồi quanh một lò than trong khu vực gia nhân và nghe chuyện của những kiếm sĩ can đảm tuyệt luân, mơ một ngày chàng lớn lên, chàng sẽ cướp của nhà giầu và phân phát cho người nghèo, làm một tay giang hồ hiệp khách không có gia đình.
Sau này khi chàng vào trường trung học, thế giới của chàng bắt đầu biến đổi. Từ sách vở và lời giảng của giáo sư, chàng dần dần xúc động cảm hứng với những tình cảm ái quốc và cải cách. Chàng trở nên một người say sưa đọc những bài báo khích động của Lương Khải Siêu, người đòi hỏi phải thay đổi hiến pháp, và ủng hộ đề nghị của Lương Khải Siêu về việc tuyển lính quốc gia thay thế cho việc các sứ quân tuyển lựa lính đánh thuê. Một lần Giác Tuệ đã từng nghĩ tới việc bỏ nhà để đi lính.
Nhưng khi cuộc Vận Ðộng Ngũ Tứ bột phát năm 1919, chàng dường như được đưa vào một thế giới mới. Chàng không còn khâm phục Lương Khải Siêu nữa, và đi theo những lý thuyết mới hơn và tiến bộ hơn. Ðó là lúc chàng được gán cho danh hiệu Ðại Ca. Lý do chính của cái tên gọi này là vì chàng từ chối không chịu ngồi kiệu. Chàng bị ảnh hưởng bởi một số bài báo trong tạp chí Tân Thanh Niên, chẳng hạn như bài "Ý Nghĩa Ðích Thực Của Cuộc Ðời" của Trần Ðộc Tú, nói về ý nghĩa đời sống của một con người trong xã hội. Thoạt đầu Giác Tuệ chỉ có những khái niệm mơ hồ. Nhưng gần đây chàng có thêm kinh nghiệm - đặc biệt là vụ bị "giam" gần đây - và sau nhiều cuộc tranh đấu nội tâm và đọc nhiều sách, cái nhìn của chàng mở rộng và chàng bắt đầu hiểu ý nghĩa của đời sống và một người đích thực phải hành động thế nào.
Giác Tuệ đau lòng vì sự phí phạm của tuổi trẻ. Nhưng chàng ghét cái đời chàng đang sống, chàng càng cảm thấy những cái gò bó trói buộc chàng, ngăn cản chàng rời bỏ cái đời ấy.
Chàng phẫn nộ, "Cái đời sống đáng nguyền rủa!" Mắt chàng tình cờ bắt gặp cái nhìn ngỡ ngàng của Giác Tân, và chàng vội quay đi chỗ khác. Chàng quan sát vẻ buồn bã và khép kín của Kiến Vân, rồi quay nhìn Giác Dân. Người anh thứ hai có vẻ chăm chú đọc tờ tạp chí. Căn phòng im lặng, im lặng như chết. Giác Tuệ cảm thấy như thể có một cái gì đang gậm nhấm trái tim chàng. Chàng không thể chịu đựng được nữa.
Chàng bật la lên," Tại sao các anh không nói gì cả? Các anh cũng đáng bị nguyền rủa nữa... tất cả tại các anh!"
Mấy người kia nhìn chàng kinh ngạc.
Giác Dân gập sách lại và dịu dàng hỏi, "Tại sao? Chúng ta đều cố gắng hòa hợp trong một gia đình cổ, em cũng vậy."
Giác Tuệ nóng nẩy cãi lại, "Ðó chính là nguyên do! Các anh quá dễ bảo. Các anh không dám dựng lên một sự chống đối nhỏ nhặt. Các anh chịu đựng sự áp bức được bao nhiêu? Các anh nói rất nhiều về việc chống lại cái hệ thống đại gia đình, nhưng thực ra các anh ủng hộ nó! Các ý kiến của các anh thì mới nhưng hành vi của các anh vẫn còn cổ hủ. Các anh không có xương sống! Các anh có quá nhiều mâu thuẫn!"
Giác Tuệ lúc đó quên rằng chính chàng cũng có nhiều mâu thuẫn.
Giác Dân khẳng định, "Tam đệ, hãy bình tĩnh đôi chút. Một sự ồn ào như thế có ích gì không? Em không thể giải quyết được bất cứ cái gì bằng một cái quét tất cả như thế. Một mình em thì thực hiện được cái gì? Em phải biết rằng hệ thống đại gia đình tồn tại bởi vì cái căn bản kinh tế và xã hội của nó." Giác Dân vừa đọc câu nói cuối cùng trong tờ tạp chí, và nó tuôn ra khỏi miệng chàng một cách tự nhiên. Chàng nói thêm, "Em không cần thiết phải tệ hơn những người khác trong chúng ta."
Giác Tuệ lại tình cờ băt gặp cái nhìn của Giác Tân. Giác Tân nhìn chàng một cách buồn bã và trách móc. Cơn giận của Giác Tuệ từ từ giảm đi và chàng quay lại đọc sách. Sau một lúc im lặng, chàng đọc to lên:
*
"Cha tôi đúng khi nói, "Con ơi, chúng ta không phải là giai cấp thượng lưu, những đứa trẻ hư hỏng của số phận, chúng ta cũng không phải là những kẻ tử đạo - không, chúng ta chỉ là những công nhân, công nhân, công nhân. Hãy đeo cái tạp dề bằng da của bạn lên, hỡi công nhân, và bước lại cái ghế của nơi làm việc tối tăm của bạn! Hãy để ánh nắng mặt trời cho người khác. Ðó là niềm kiêu hãnh và hạnh phúc ngay trong cái kiếp sống đen tối của chúng ta."
Kiến Vân tự nghĩ đây có thể là sự mô tả của chính đời ta. Nhưng niềm kiêu hãnh và hạnh phúc của ta đâu? Tất cả chỉ là ảo tưởng.
Giác Tân thở dài, "Hạnh phúc? Tìm được hạnh phúc ở đâu? Có thực có một cái gọi là hạnh phúc không?"
Giác Tuệ nhìn anh, rồi lật vài trang sách tại nơi chàng đánh dấu. Chàng đọc to, như thể trả lời cho câu hỏi của người anh:
"Chúng ta còn trẻ, chúng ta không phải là quái vật, không phải kẻ điên khùng. Chúng ta sẽ chinh phục hạnh phúc của chúng ta."
Giác Tân năn nỉ, "Tam đệ, xin đừng đọc nữa."
Giác Tuệ ngoan cố, "Tại sao không?"
"Em không biết được anh cảm thấy đau như thế nào. Anh không còn trẻ nữa - anh không bao giờ có tuổi trẻ. Anh chưa bao giờ có hạnh phúc, và anh sẽ chẳng bao giờ có hạnh phúc." Một người khác có thể nói lời này một cách giận dữ, nhưng giọng của Giác Tân chỉ buồn buồn mà thôi.
"Có phải chỉ vì anh chưa bao giờ có hạnh phúc, nên anh sợ nghe người khác nói về cách tranh đấu cho hạnh phúc, phải không?" Giác Tuệ hỏi một cách thô bạo. Chàng rất bất mãn thái độ quỳ gối trước đời sống của người anh cả.
"Hà, em không hiểu, địa vị của em khác với anh," Giác Tân trả lời, đẩy cái bàn toán và thở dài nhìn Giác Tuệ. "Em đúng lắm. Anh sợ nghe người khác nói về hạnh phúc. Bởi vì anh không còn hy vọng đạt được hạnh phúc. Cuộc đời của anh kể như xong rồi. Anh không chống lại bởi vì anh không muốn. Anh sẵn sàng làm một nạn nhân. Một lần, giống như các em, anh cũng có những giấc mộng đẹp của anh, nhưng tất cả đều tan vỡ hết. Không một hy vọng nào của anh được hoàn thành. Anh không trách ai mà chỉ trách mình thôi. Anh sẵn sàng giữ cái gánh nặng mà Ba để lại cho anh...
"Anh nhớ lại cái ngày trước khi Ba chết. Ba yếu lắm. Ngày đó em gái chúng ta chết; nó chỉ mới lên năm tuổi, và cái tin em gái chết làm Ba đau đớn lắm. Ba khóc, nắm tay anh và nói, "Khi mẹ con chết, mẹ giao cho ba tất cả các con sáu đứa. Nhưng ba đã phụ lòng mẹ con rồi. Hôm nay ba mất một đứa con." Nước mắt tuôn tràn và ba nói, "Ba không có nhiều cơ hội hồi phục. Trong trường hợp chuyện ấy xảy ra, ba giao kế mẫu con cùng với các em của con cho con. Hãy săn sóc tất cả cho ba. Ba biết tư cách của con. Con sẽ không làm cha thất vọng...
"Anh không thể đè nén tiếng khóc được. Ông nội lúc ấy đi ngang qua, tưởng Ba chết, nên chạy vội vào. Ông nội mắng anh làm người bệnh hoảng sợ, rồi an ủi Ba mấy cau. Sau đó ông nội gọi anh vào phòng và hỏi anh chi tiết chuyện gì đã xảy ra. Khi anh kể cho ông nội nghe, ông nội cũng khóc nữa. Ông nội dường như muốn nói cái gì, nhưng không thể nói ra. Cuối cùng ông nội vẫy tay bảo anh lui ra, bảo anh chăm sóc bệnh nhân cẩn thận...
Ðêm đó Ba gọi anh vào bên giường để viết chúc thư. Kế mẫu cầm cây nến và Ðại tỷ cầm nghiên mực. Anh viết theo lời Ba, và anh vừa viết vừa khóc. Ngày hôm sau Ba chết, và gánh nặng của Ba rơi xuống vai anh. Anh vẫn khóc bất cứ khi nào anh nghĩ đến cái chết của Ba. Anh phải hy sinh đời anh cho Ba. Anh có thể làm gì khác? Anh sẵn lòng làm một nạn nhân. Dẫu thế, anh cũng đã phụ lòng ủy thác của Ba, bởi vì anh đã mất Ðại tỷ."
Nước mắt giàn giụa mặt Giác Tân trong lúc chàng kể chuyện này, và mỗi lúc chàng càng nức nở hơn. Cuối cùng không thể tiếp tục nói được, chàng gục đầu xuống bàn và khóc thảm thiết.
Giác Tuệ cũng gần như khóc nữa, nhưng chàng cố gắng nén khóc. Chàng trông thấy Kiến Vân dùng khăn tay lau mắt, và Giác Dân giấu mặt sau tờ tạp chí.
Trong cái thương xá bên ngoài cửa sổ, tiếng bước chân cứ lại gần, rồi đi ngang qua và tắt đi.
Giác Tân lấy trong túi ra một khăn mặt và lau nước mắt, trong lúc chàng nói tiếp:
"Còn nhiều việc khác các em không biết. Anh kể lại chuyện cũ của Ba. Khi anh mới lên năm và chưa em nào sinh ra, Ba được bổ nhiệm làm bảo an ở một huyện nào đó. Ba Mẹ đến sống ở huyện ấy cùng vói anh và Ðại Tỷ. Vùng ấy lúc đó đầy quân cướp Hội Lồng Ðèn Ðỏ; quan huyện mỗi ngày phải đem quân đi dẹp bọn cướp nổi loạn, và Ba đêm nào cũng phải ra ngoài canh chừng thị trấn. Thường mãi một hai giờ khuya Ba mới trở về, và mọi người chờ đợi Ba về rồi mới đi ngủ. Lúc ấy anh được mọi người trong nhà coi như đã trưởng thành, và mỗi tối anh thường thức cùng với Mẹ, ngồi cắn hạt dưa trong lúc nói chuyện này chuyện kia với Mẹ. Mẹ thường thích dùng lời lẽ dịu dàng khuyên anh phải chăm chỉ học hành, để nên người và làm cho Mẹ được hãnh diện, rồi Mẹ chảy nước mắt kể lại những kinh nghiệm đau đớn Mẹ phải chịu đựng khi vào làm dâu nhà chúng ta. Anh khi thì khóc theo Mẹ, khi thì nói chuyện để Mẹ vui lòng cho đến khi Mẹ mỉm cười trở lại. Anh thường nói anh sẽ học chăm để có thể làm quan tới chức ngự sử, để đem lại danh dự và vinh quang cho Mẹ, và lúc ấy Mẹ sẽ tin anh. Sau đó anh quả thực học hành rất chăm chỉ và quan huyện họ Ðường rất vui lòng nghe thấy thế, và ông thường sai người mang kiệu tới đón Mẹ và anh tới thăm dinh của ông ta. Tất cả nhà họ Ðường đều khen ngợi và thèm muốn địa vị của Mẹ có đứa con trai sáu tuổi mà đã học hành xuất sắc, và sau này có thể an ủi Mẹ trong những giờ thử thách, và sẽ bảo đảm với Mẹ rằng khi lớn lên anh sẽ giữ một địa vị cao. Như vậy Mẹ có thể bắt đầu cảm thấy dễ chịu hơn và quên đi một số những đau đớn và lo lắng của Mẹ...
"Khoảng hơn một năm sau, Tổng đốc phái một người khác đến thay thế Ba. Trong lúc chúng ta sửa soạn ra đi, Mẹ chảy nước mắt kể cho anh mọi khó khăn của Ba. Vào lúc ấy Mẹ đang có chửa Giác Dân, chỉ còn một tháng nữa là đến ngày sinh. Ba rất lo ngại sự vất vả khổ cực của cuộc hành trình có thể gây cho Mẹ, nhưng chúng ta bắt buộc phải lên đường, không có cách nào khác. Rồi không đầy hai tháng sau khi trở lại Thành Ðô thì Mẹ sinh Giác Dân. Ðây cũng là một giai đoạn thử thách và cuộc sống rất khó khăn cho Mẹ. Năm sau Ba đi Bắc Kinh để triều kiến nhà vua để được bổ nhiệm chức huyện quan. Mẹ ở nhà chờ đợi tin Ba, và lúc đó Giác Tuệ sinh ra. Liền sau đó có tin việc bổ nhiệm của Ba bị đình hoãn bởi vì thiếu một số điều kiện đòi hỏi, và Ba phải ở lại Bắc Kinh chờ kỳ bổ nhiệm tới. Ông nội rất khó chịu khi được tin ấy và bày tỏ lòng giận dữ, trong khi người khác trong gia đình nói ra những lời lẽ không tử tế với Mẹ. Mẹ rất đau khổ vì việc này, và chỉ có anh và Ðại tỷ ở bên an ủi. Mãi tới khi nhận được tin Ba đã được bệ kiến nhà vua và được bổ nhiệm, và sẽ về nhà vào dịp Hội Gặt Lúa, Mẹ mới tuôn ra được một tiếng thở dài và tìm được sự nghỉ ngơi. Chắc chắn Mẹ đã chịu đủ những sự tủi nhục đau đớn rồi. Tóm lại, kể từ lúc vào làm dâu nhà chúng ta cho tới lúc chết, Mẹ không có nhiều ngày vui và yên ổn. Mẹ yêu anh lắm, và mong đợi nhiều ở anh! Anh sẽ trả lại Mẹ được gì? Bất cứ khi nào anh nghĩ tới Mẹ, lòng anh đau đớn vô cùng... Ðối với Mẹ, anh sẵn sàng hy sinh tất cả mọi thứ, ngay cả hy sinh mọi viễn ảnh tương lai, để đem được danh dự và vinh quang để báo đáp cho Mẹ, thì mục đích của đời anh đã hoàn thành. Ðiều này anh muốn các em hiểu kỹ cho..."
Giọng của Giác Dân từ sau tờ tạp chí, "Ðại ca đừng cảm thấy hối tiếc nữa. Chúng em hiểu anh mà."
Giác Tuệ không cầm được nước mắt, nhưng chỉ một lát sau chàng dừng lại. Chàng nghĩ cái gì của quá khứ đều đã chết và chôn kín rồi. Tại sao bây giờ đào lên làm gì? Tuy thế chàng không thể nào không thương xót người cha quá cố.
"Tam đệ, những dòng chữ em vừa đọc đúng lắm," Giác Tân cười ảo não và nói. Chàng đã hồi phục được sự bình tĩnh đôi chút. "Anh không phải là kẻ vô tích sự hoặc một đứa trẻ nuông chiều của số phận. Anh chỉ là một công nhân. Anh đeo túi tạp dề và làm việc trong một góc tối tăm... Anh là một công nhân không hãnh diện và không hạnh phúc. Anh - " Chợt Giác Tân dừng lại, mặt chàng lộ vẻ giật mình. Chàng vừa nghe thấy tiếng ho quen thuộc bên ngoài cửa sổ. Chàng khẽ nói với Giác Tuệ, "Ông nội tới. Làm thế nào bây giờ?"
Giác Tuệ cảm thấy một nỗi hoảng hốt, nhưng chàng đè nén lại được ngay. Chàng lạnh lùng nói, "Việc gì mà hoảng hốt vậy? Ông nội không ăn thịt em đâu."
Màn cửa đẩy ra và ông già bước vào, theo sau là tên gia nhân đứng chờ ngay tại cửa. Bốn chàng thanh niên đứng lên chào, và Giác Dân nhường cho ông nội cái ghế mây mà chàng đang ngồi.
"Như vậy là các con ở đây cả," Cao Ðại lão gia nói, một nụ cuời hiện lên trên khuôn mặt tối tăm của ông. Ông trông có vẻ dễ thương hơn khi ông vui vẻ. "Các con có thể về nhà sớm. Chúng ta sẽ ăn tiệc mừng năm mới tối nay." Ông ngồi xuống chiếc ghế mây bên cửa sổ, nhưng đứng ngay lên.
Ông ra lệnh, "Giác Tân, ông muốn đi mua sắm một vài thứ. Hãy đi theo ông." Bước đi một cách khoan thai trong đôi giầy làm bằng vải đen, ông bước qua ngưỡng cửa trong khi Giác Tân vén màn cửa. Giác Tân và tên gia nhân đi theo ông.
Ngay cái lúc mấy người đi rồi, Giác Dân thở phào nhẹ nhõm và nhăn mặt cười với Giác Tuệ. "Ông nội đã quên tất cả về em rồi."
Giác Tuệ trả lời, "Nếu em hiền lành như Ðại ca, chắc em đã bị nhốt ở trong nhà suốt đời. Có đôi chút can đảm là điều tốt. Thực ra em quá ngu không chịu bỏ nhà đi ra ngoài sớm hơn. Ông nội tức giận, nhưng rồi chuyện qua là quên hết. Làm sao ông nội có thể nhớ rằng em vẫn đang chịu đựng, sống bên trong nhà? Thôi, hãy đi về nào. Không cần thiết phải chờ Ðại ca - chúng ta đi bộ và anh ấy sẽ dùng kiệu. Ngoài ra nếu chúng ta trở về nhà sớm, chúng ta sẽ tránh đụng phải ông nội."
Giác Dân đồng ý. "Phải rồi." Chàng quay lại hỏi Kiến Vân, "Còn anh thì sao?"
"Tôi cũng phải về nhà. Tôi sẽ đi cùng với các anh."
Trên đường về nhà, Giác Tuệ rất vui sướng. Chàng đã đóng chặt ngôi mộ của quá khứ và gắn chặt cửa. Chàng tự nhủ: "Ta còn trẻ. Ta không phải là kẻ tàn phế, không phải kẻ khùng ngu. Ta sẽ chinh phục được hạnh phúc của ta."
Một lần nữa chàng biết ơn chàng không giống như Ðại ca của chàng.