Books are the bees which carry the quickening pollen from one to another mind.

James Russell Lowell

 
 
 
 
 
Thể loại: Kinh Dị
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1284 / 25
Cập nhật: 2018-08-18 10:47:52 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
é Trầm khỏi bệnh, vợ chồng Thăng trở về nhà. Cả dòng họ vui mừng như tìm lại được báu vật. Họ gom góp tiền bạc để giúp vợ chồng Thăng đền đáp công ơn của bác sĩ. Nhưng khổ nỗi cả dòng họ cũng chỉ giàu có tấm lòng. Tiền của gom lại cũng chỉ được vẹn bốn mươi ba ngàn bạc, chưa đầy một chỉ vàng thời nay, trong khi số tiền Dần đưa cho Thăng hôm đưa bé Trầm đi viện đông y những ba trăm ngàn đồng. Số tiền ấy lại là tiền đi B của thằng Hữu được ông bố ghẻ gom lại thành vàng trao lại cho mẹ con Dần trước khi ông bà về Tây Trúc. Dần lại đang định sử dụng số tiền ấy vào ngôi nhà cũng như cơi thêm phòng bệnh. Làm thế nào để trả lại mẹ con Dần sớm nhất, lại cả tiền thuốc men, công sức ngày bé Trầm chữa bệnh tại nhà Dần nữa!.. Suy đi, tính lại mãi cuối cùng Thăng phải bàn với vợ con gán cái ao cá trước cửa nhà cho ông Lều hàng xóm để có đủ số tiền trả cho Dần. Việc hở ra, hàng xóm tai vách mạch rừng, ông Lều bắt được cái mạch ấy thế là cuộc mua bán giằng co thêm vào bớt ra mãi cuối cùng ngã giá cái ao chỉ còn được một trăm rưởi ngàn đồng. Vợ chồng Thăng đành bấm bụng làm thủ tục. Việc đang triển khai thì thấy tiếng chó sủa ran. Thăng ngó ra thì thấy Dần đã phóng chiếc xe 81 cành cạch đậu ngay cửa. Thấy nhà đông người, giọng Dần hồi hộp:
- Nhà ta đang có việc gì, hay bé Trầm tái bệnh?
- Dạ, không, không có gì, cháu Trầm đi học được rồi ạ!. Bác sĩ vào nhà đi - Vợ chồng Thăng xởi lởi, rồi nói tiếp- Chả giấu chị Dần làm gì, đang làm giấy nhượng cái ao trước cửa nhà cho ông Lều. Đây là đồng chí phụ trách đất đai của xã, đây là ông trưởng thôn...
- Dần biết việc anh Thăng phải bán ao rồi. Thôi, xin lỗi người mua và các bác tôi đề nghị anh Thăng ngừng việc này lại.
- Chị định mua tranh bán cướp à? - ễng Lều vằn mắt.
- Bác đừng nói thế, tôi mua ao làm gì, nhưng là chỗ bạn bè thân hữu của gia đình anh Thăng tôi cũng có quyền được tham gia chứ. Chắc ở cùng làng xã bác hiểu hoàn cảnh của anh chị ấy hơn tôi, lẽ ra lúc khó, khổ mình phải biết cái lẽ của dân Việt lá lành đùm lá rách chứ, đằng này bác!...
Dần thở dài. Trước thái độ chân tình và những lời lẽ thẳng thắn của Dần, lão Lều đỏ mặt, lẩm bẩm trong cổ:
- Thế thì thôi!
Lão cắp đít đứng dậy cúi đầu đi một mạch. Dần nhìn theo lão, có nỗi gì cứ day dứt trong lòng. Thấy Dần rầu rầu, Thăng ngậm ngùi:
- Làm thằng nông dân nhiều khi cái khó nó cũng bó hết cái khôn. Cháu Trầm khỏi bệnh, vợ chồng tôi cũng định có chút đỉnh để...
- Để trả công Dần chứ gì?
- Không hẳn thế nhưng cũng muốn đóng góp để chị Dần mở to thêm cái phòng bệnh và trang bị thêm những trang thiết bị để chữa bệnh thuận lợi hơn...
- Nhưng đâu phải vì chuyện ấy mà vợ chồng anh phải bán đất đai, cái tài sản duy nhất của người làm nông dân? Anh không biết để có mảnh vườn, thửa ruộng thế hệ chúng mình phải đổi biết bao xương máu đấy thôi! Nếu bán ao hồ ruộng vườn đi vợ chồng anh lấy gì sinh sống chứ chưa nói đến việc nuôi cháu Trầm ăn học.
- Cũng biết thế nhưng nghĩ đến hoàn cảnh chị vợ chồng tôi...
- Nếu anh chị băn khoăn về hoàn cảnh của mẹ con tôi thì anh chị phải thành người khỏe, người giàu có thì mới tựa vào nhau được chứ. Nếu anh chị bán đất đai đi, cái nghèo, cái khổ bám lấy, mẹ con tôi quay mặt đi sao được. Anh là bạn máu xương của Hữu, chúng mình tìm được lại nhau thế này có khác gì cha mẹ sinh thành ra anh em mình một lần nữa, phải gắn bó lâu dài với nhau và cùng nhau bày cách làm ăn, tự mình phải dấn qua hoàn cảnh phải thoát khỏi đói nghèo và tự trở thành người giàu có từ chính đôi bàn tay của mình thôi anh ạ...
- Biết vậy nhưng nông thôn mình làm ăn còn mắc cỡ nhiều lẽ lắm. Tôi lại...
- Lại nhút nhát và chưa chịu đổi mới tư duy... - Dần cười tủm.
- Thì Dần bảo bao nhiêu năm làm chính trị viên, mình nói gì, làm gì cũng phải cân nhắc và theo đường lối nó quen rồi...
- Thì cũng có ai bảo anh làm sai đường lối đâu, nhưng cũng không nên cứng nhắc. Cái gì cứng nhắc nó sẽ tự trở thành cái dây vô hình trói buộc mình trong cái vòng quẩn quanh "con kiến mà... " đấy anh Thăng ạ - Dần lại cười tủm.
Thăng tần ngần chưa biết nói gì thì vợ Thăng cởi mở:
- Tôi cũng nghĩ như bác sĩ Dần, nhưng ông Thăng nhà tôi không chịu. Giá ông ấy nghe tôi thì cái quả gò sau nhà này bây giờ thành rừng rồi. ễng ấy bảo làm thế mình lại quay về con đường cũ, thành địa chủ... mà thành địa chủ thì tôi sợ lắm!...
- Thành kẻ cổ hủ, tham nhũng thì mới sợ chứ thành ông chủ thì sợ gì! Nay mai người ta còn khuyến khích, tôn vinh các ông chủ đấy. Miễn là ta phải là ông chủ thật...
- Dần nói như người ngủ ngày nằm mơ ấy.
- Chả mơ đâu, rồi anh phải giật mình. Chả đâu xa những cái đầu như ông Lều vừa đến mua ao của anh nay mai họ sẽ thành những ông chủ ở đất này đấy. Anh không tỉnh sẽ có ngày anh phải đến nhà ông ấy mà làm thuê...
- Làm thuê?
Thăng tròn mắt ngơ ngác và cứ nhìn Dần như nhìn người ở hành tinh khác vừa rơi xuống. Vợ Thăng thì cười toang toang:
- Cứ cả như ông Thăng nhà tôi thì việc bác sĩ vừa nói sẽ là thật, nhưng đừng hòng, trong nhà này còn có tôi chứ. Tôi sẽ đưa cây lên quả gò trồng kín bỏ đấy chỉ vài năm bán cho nhà máy giấy Bãi Bằng rẻ cũng có bạc triệu. Tôi sẽ mở cái xưởng làm đậu phụng, kết hợp với chăn nuôi chỉ vài năm chả thành bà chủ tôi cũng thành... nhưng cứ nói ra là ông Thăng nhà tôi lại gạt phăng teo... bây giờ nghe bác sĩ nói thế, tôi đếch sợ, tôi phải tự làm, làm để có tiền. Khi có tiền tôi sẽ góp vốn cho bác sĩ xây cái nhà bệnh xá tư nhân. Bác sĩ làm giám đốc, tôi làm nhân viên. Ruộng gò giao cho ông Thăng, còn cháu Trầm nếu đỗ đạt cho nó đi học ngành y, về cũng vào làm ở chỗ bác sĩ, đếch phải phiền lụy thằng nào...
Chị lại cười toang toang làm căn nhà rộn rã hẳn lên và chị nắm cổ tay Dần đi dạo khắp gia cảnh. Thăng cũng đứng dậy bước theo. Câu chuyện làm ăn của họ cứ thì thầm lan rộng khắp khu gò đồi đang phập phồng trong làn gió trời dìu dặt. Dần nắm chặt tay chị bảo:
- Chị có cái đầu rộng lại mới, nếu anh Thăng hợp lực sẽ thành, dăm năm nữa bác sĩ Dần này nhất định sẽ là con nợ để xây bệnh viện tư của mình... - Họ cùng cười vang.
- Và tôi sẽ thành nhân viên giúp việc cho bác sĩ...
Chị lại siết chặt tay Dần và cười toang toang. Tiếng cười của chị như gọi về bên tai Thăng những ngày lính tráng bọn anh ôm nhau reo hò sau những trận chiến đấu ác liệt giành chiến thắng. Tiếng cuời ngày 30 tháng 4. Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Còn tiếng cười của vợ Thăng và bác sĩ Dần tràn trên quả đồi gầy guộc này là tiếng cười tìm thấy con đường thoát khổ của dân thường, của những người lính sau chiến tranh. Phải ủng hộ và góp sức cùng họ để làm xanh tươi quê nhà, để cứu mình ra khỏi sự nhếch nhác nghèo nàn mà sống cho thật đàng hoàng. Nghĩ vậy Thăng lại nhớ Hữu và thấy những điều Hữu đối lập với Thăng trên chiến hào ngày trước càng có lí. Giá mà Hữu còn sống chắc tư tưởng của nó cũng sẽ là những ánh lửa góp vào ngọn lửa cho sự đổi thay nay mai. Thăng ngậm ngùi bảo vợ:
- Ta về nhà, hôm nay phải làm tiệc để chiêu đãi bác sĩ Dần...
- Chiêu đãi vì lí do gì?
- Lí do Dần đã gợi cái chí của Hữu về cởi được sợi dây không có hình thù vẫn trói buộc Thăng từ bao nhiêu năm nay để hòa hợp, thống nhất với vợ con...
- Thế thì tôi đồng tình- Dần cười và họ cùng nắm tay nhau xuống đồi, nắng buổi trưa cũng tràn xuống bát ngát.
Về nhà vợ Thăng túm con gà mái ghẹ cắt tiết. Thăng sực nhớ quyển nhật kí của Hữu. Anh mở tủ lôi ra cái ba lô lộn thận trọng tháo nút dây. Những hộp huân huy chương cùng lăn ra, Thăng nhẹ tay xếp vào một góc và mang quyển sổ ra đặt trước bàn. Thăng gọi Dần đến và lật mở từng trang, những dòng chữ như có linh hồn cứ hiện lên vóc dáng Hữu cùng đồng đội ở chiến hào khói lửa, Dần òa khóc nức nở và Thăng cũng khóc theo. Bao nhiêu năm xông pha trận mạc, chôn cất bao nhiêu đồng đội Thăng chưa hề khóc, thế mà trước những dòng chữ nhòa mực, trước sự nghẹn ngào của Dần nước mắt Thăng cứ ứa ra. Có lẽ cái tâm cảm con người ở trong Thăng bây giờ mới hoàn thiện. Thăng bắt đầu có những cảm xúc thật từ lòng mình. Cả hai người cứ ngồi trước quyển sổ như đang ngồi trước linh sàng Hữu và những người đồng đội đã khuất. Vợ Thăng ở trong bếp ngó ra, chị kêu giời:
- Khổ quá anh lấy cái vật thiêng ấy ra làm gì vội, để cho bác sĩ nghỉ ngơi, ăn miếng cơm cho nó ngon đã chứ.
Nói rồi chị chạy lại định cất quyển sổ đi thì giọng Dần nghèn nghẹn:
- Chị cứ mổ gà đi, tôi không sao đâu mà...
- Ừ, mẹ Trầm mổ gà đi, chính ngày hôm nay là ngày cái cột sóng trùm lên thân thể thằng Hữu giữa dòng sông Thạch Hãn đấy! - Thăng thở ra và nói tiếp- Mẹ Trầm đồ luôn gạo nếp ta làm giỗ thằng Hữu. Từ nay cứ lấy ngày này làm giỗ nó và cũng là ngày để hai gia đình ta họp mặt nhau.
Mọi người cùng đứng lặng. Dần lặng lẽ mở tiếp trang sổ. Nét chữ màu xanh nhòe trong thời gian được chiếu lên theo ánh mắt của Dần tự phát ra âm thanh sang sảng: "Bầu trời xám xịt, bốn phía bom gầm đạn rít, xác đồng đội, xác thù gục lên nhau, máu me ròng ròng bê bết. Cái bãi xác là những hồn ma, những hồn ma thì không có ta và địch nữa, các người tan cả vào đất. Ngày mai hết chiến tranh đất sẽ lý giải tấn bi kịch này. Chắc chắn lúc ấy các bà mẹ đi tìm con, cho dù là những đứa con chết ở phía bên kia nhưng những bà mẹ cũng sẽ lại gù vào nhau mà khóc, khóc rồi lại thắp hương vì dưới tầng đất kia đều là xương cốt con cái ta cả! Nỗi đau ở các bà mẹ đi tìm con là to lớn nhất! Và các bà mẹ mất con sẽ là người căm giận chiến tranh và thù hận kẻ gây ra chiến tranh nhất! Còn ta! May hơn, bố mẹ ta đều đã khuất cả! Ngày mai nếu cái số không may, ta phải chết trong chiến tranh chỉ xót bố Bành người nuôi ta phải lầm lũi một mình và nữa nếu khi cái giấy báo tử về đến làng Thông, cũng đau lắm tiếng thở dài của Dần nữa! Cầu cho điều này không xảy ra... "
...
"Điều ấy không xảy ra thật, trời ơi! Tại sao trời lại dắt Dần đến đây, nơi dưới đất trên trời toàn bom đạn! Hay ta nhầm nhỉ? Ta mơ à! Không, Dần thật, Dần đang chữa vết thương cho ta. Ha ha, Dần thành bác sĩ thật rồi... Ta mở mắt ra. Dần tràn sang ta mênh mông vô tận. Ta đã trôi trên biển hạnh phúc ấy mặc dù trên đầu ta đạn bom đang gào thét. Ta không sợ tiếng bom nhưng ta giật mình nếu khi tiếng bom tắt hẳn, mặt đất phẳng im, một trong hai ta vắng mặt! Nếu là ta vắng, Dần sẽ phải lận đận nhưng Dần sẽ vượt qua bởi Dần là bác sĩ... Và nếu giời chiều, con ta vẫn khôn lớn vẹn toàn vì ta tin mẹ nó, chính mẹ nó đã từng chia xẻ tuổi thơ bơ vơ của ta, khi con ta sinh ra từ lòng dạ ấy ta phải băn khoăn gì!"... Đọc đoạn này, tự nhiên nước mắt Dần khô ráo, Dần bảo Thăng:
- Chắc đoạn này Hữu viết sau ngày gặp Dần ở cái trạm phẫu!...
- Tôi cũng nghĩ thế. Văn của nó mộc mạc nhưng gai ngạnh. Ngày còn làm chính trị viên đại đội tôi chỉ đọc một mình, nhiều đoạn cứ thấy nổi gai ốc, nhưng vì tin yêu Hữu nên tôi giữ. Tôi định mượn những điều trong này để viết văn. Có lần tôi cũng đùa với Hữu như thế, nhưng mình rốt lại về quê miếng cơm manh áo nó quấn hết. Nó bị cất kín như những tấm huân huy chương trong cái ba lô này, gặp Dần mới lấy ra. Bây giờ đọc thấy chả cần viết văn nữa bởi chính những dòng Hữu ghi trong ấy đã là đỉnh cao của văn chương rồi. Hữu hy sinh nhưng tâm hồn và những suy nghĩ của nó luôn sống trong ta và con cái của chúng ta sau này... Còn đây nữa, đoạn này mới hay... "Vẫn trên đồi Mặt Thớt nhưng chiều nay oi nóng quá, gió Lào từng đợt hất sang như người đổ nước sôi lên mặt đồi. Lính tráng ở trần chỉ có cái quần cộc, khát nước trườn cả lên mặt hào hi hóp thở. Thình lình thằng F111 vồ liên tục, mặt hào mù mịt, tướng sĩ tụt hết xuống tuyến hai. Hết vồ chụp pháo cỡ lớn từ bốn phía dội về, ngừng tiếng pháo, đám bọ hung lừ lừ đũi ngược, sau những đụm đen xì, lố nhố đám rằn ri bám theo. Cứ thế chúng đũi ngược phía mặt đồi.
- Địch đông quá, tính kế gì?
- Đánh chứ còn kế gì. Một sống một mái thôi thủ trưởng ạ! - Nói rồi thằng Diên kéo hỏa lực về vị trí. Lính tráng vẫn ở trần súng chĩa thẳng mục tiêu. Ba con bọ hung ghệch nòng pháo chiếu thẳng mặt đồi, gầm rú, bụi mù mịt.
- Bắn, bắn...
Pình - Pàng, Pình - Pình- Pàng, Pàng... Những cột lửa đỏ nhừ từ chỗ tổ hỏa lực của Tấn phun ra. Một con bọ hung bốc lửa khét mù còn hai con quay đầu tạt ngang. Đám rằn ri lố nhố tiến ngược. Các cỡ súng gầm lên, mặt đồi mù mịt. Máu người tẩm trong khói lửa tanh lợm. Địch vẫn tiến ngược, hai con bọ hung lại quay nòng pháo bò ngược, nòng pháo vừa nghếch lên thì hai luồng lửa từ ổ hỏa lực của Tấn lại phun lửa, đám cháy ngụt trời. Địch vẫn la ó bò ngược như kiến vỡ tổ. Súng các cỡ gầm ran. Đỉnh đồi nhiều ụ súng hết đạn, lưỡi lê, dao găm bật ra. Đâm, chém, tổ của Tấn bị đám rằn ri đẩy xuôi chân đồi. Chúng khép vòng vây quanh Tấn như vòng cái nia, trong mờ khói thấy mấy anh em Tấn quay ngang, quay dọc đều nghẽn! Cái vòng nia càng quận lại giống như con rắn quận quanh mấy anh em Tấn. Oành, tiếng quả mìn DH20 gầm lên, một luồng lửa như vệt chớp quét thẳng, cái vòng nia ấy nhọ nhem tan trong lửa khói. Đám rằn ri còn lại tuồi xuôi. Khói lửa tắt dần, bãi xác hở dần ra đứa chết cháy, đứa lòi ruột, kẻ vỡ mặt, cụt tay... tất cả đều được đẩy xuôi những hầm hố dưới chân đồi! Nắng tắt sao trời rụng xuống cùng những tiếng chim đêm nghe rợn gáy. Thăng bảo:
- Cách nào tìm được xác cánh đồng chí Tấn?...
- Cứ để họ nằm cả đấy- Giọng Hữu lạnh.
- Ông giữ chốt thì kiên cường nhưng thiếu tình đồng đội!...
- Một đống xác cùng đen nhẻm biết ai vào ai, người Việt ta cả mà! Lo việc giữ vững chốt đã, mất chốt nó tràn ra vùng giải phóng đổ nát còn to hơn! Chết là hết, xương cốt trong những hoàn cảnh này đành vậy. Nay mai im tiếng súng hai miền, các bà mẹ sẽ đi tìm, nếu còn sống sót ta cùng giúp các mẹ. Lúc ấy ta cũng có nỗi đau như các mẹ thôi ông chính trị viên đại đội Thăng kính mến ạ!... Bây giờ ai còn sức tập trung vào củng cố trận địa, tiếp thêm đạn dược, vũ khí, ngày mai ló mặt trời là chúng nó trả đòn đấy... "
...
- Đoạn văn này Hữu ghi vào cuối mùa hạ những năm bẩy mốt, bẩy hai ở đồi Mặt Thớt đấy. Khi ấy tôi và Hữu bất đồng với nhau rất nhiều về quan điểm, nhưng mệnh lệnh chiến trường vẫn phải nhất nhất để giữ kì được đồi Mặt Thớt. Bây giờ đọc lại, thấy Hữu có lí hơn! Có lẽ cũng phải bỏ một chuyến đi về vùng khói lửa năm xưa thật!- Thăng thở dài.
- Không chỉ có lẽ mà phải đi- Giọng vợ Thăng cả quyết- Bây giờ thì vào thắp hương cúng ông Hữu đi, mọi thứ tôi sắm đầy đủ.
Nói rồi vợ Thăng ngoay ngoảy đi xuống bếp. Thăng nhìn Dần rồi vào buồng đóng bộ quân phục đã bạc màu, đeo quân hàm, quân hiệu rất nghiêm trang.
Vợ Thăng bưng mâm cỗ đặt ngay ngắn trên án thờ. Thăng thắp nhang, cả ba người cùng quỳ thụp vái ba lễ. Việc xong, con bé Trầm cũng đi học về, thấy hương khói nghi ngút trên bàn thờ, nó thỏ thẻ:
- Hôm nay đã đến ngày giỗ bà đâu mà...
- Bác sĩ Dần lên, bố lần quyển nhật kí đọc lại, nhớ ra ngày hôm nay chính là cái ngày bác Hữu bị dìm trong cái cột sóng khi quả bom từ bụng cái tàu bay của thằng Mỹ đổ xuống. Bố thống nhất cùng bác sĩ Dần lấy ngày này làm hương khói cho bác, cũng để lấy luôn cái ngày hai gia đình ta sum họp. Năm nay là lần đầu tiên làm ở nhà ta, bố đã xin phép thần linh thổ địa và tổ tiên ông bà rồi. Bác Hữu là người che chở để bố còn sống đến ngày hôm nay mà! Sang năm đến ngày này là phải làm lễ to rước chân hương đưa bác Hữu về nhà bác sĩ Dần, nhà ta phải theo!...
- Thế bác Hữu là anh hay là em?
- Sinh đôi nhưng bố phải gọi bác là anh vì bác đi Tây Trúc trước!...
- Thế còn bác sĩ Dần?
- Con phải gọi là bá, vì bác sĩ Dần là vợ của bác Hữu mà...
- Thế thì bố mẹ cũng phải gọi bác sĩ là chị đấy, phải không bá Dần nhỉ?
- Phải!
Thăng cười và cả nhà cùng cười theo và từ đây trật tự nếp nhà cũng bắt đầu được sắp xếp rõ ràng trên dưới. Dần bảo:
- Theo cháu Trầm bây giờ tôi coi vợ chồng anh Thăng là chú thím, là chú thím thì bác cả nói gì phải nghe, không được bửa. Mọi người đồng tâm không?
- Đồng tâm ạ!
- Việc đầu tiên chú thím phải quên ngay cái băng lo tiền chạy chữa bệnh tật cho cháu Trầm, số tiền ấy nếu kiếm được để bồi dưỡng sức khỏe và lo tiền học hành cho cháu thật chu đáo. Việc thứ hai, chú thím phải bỏ công đầu tư ngay cho khu trang trại nhà mình. Trước mắt bỏ vốn mua cây giống về thuê người trồng kín quả đồi phía sau nhà cho nó xanh lên thành một rừng keo, chỉ dăm, bẩy năm là nhà máy giấy Bãi Bằng họ sẽ tìm đến, tiền về đông lắm đấy. Đồng hành với việc này phải củng cố ngay cái ao, xây bờ cao lên vừa lấy nước tưới cho đồi cây vừa chăn thả cá... để tạo sinh hoạt hàng ngày.
- Chị cả nói chí hay nhưng lấy...
- Lấy đâu ra vốn chứ gì? - Nói rồi Dần lặng lẽ mở cái túi lấy ra một gói nhỏ bọc kỹ trong chiếc khăn mùi xoa, giọng bùi ngùi - Đây là một nửa cây vàng, chính là số tiền đi B của anh Hữu bố Bành và bầm Khăn tích trữ di chúc lại cho mẹ con chị, chị đã sử dụng một phần vào phòng khám bệnh, còn lại định khi làm ăn nên, cháu Nghị ra trường sẽ tu sửa lại ngôi nhà làm chỗ thờ tự tổ tiên và anh Hữu. Việc đó phải làm nhưng để sau, chú thím cầm lấy một phần trang trải cho những công việc chị vừa nêu ra. Sau này thu hoạch trả để chị mở to phòng khám bệnh theo tâm nguyện của anh Hữu. Còn đâu hai gia đình ta tổ chức một chuyến vô miền Trung tìm hài cốt, đón anh Hữu về!...
Nước mắt Dần ứa ra, gian nhà im phắc, gió nam rào lên rười rượi. Thăng nghẹn ngào:
- Chị cả nói như có nỗi lòng của anh Hữu hiện về, chú thím quyết làm theo nhưng cũng không ít cản trở đâu. Người nông quê mình cái bệnh "giàu ghen, khó ghét"... vẫn luôn thường trực. Chú Thăng lại là đảng viên, khó phá rào lắm!...
- Việc này không ngại. Giời đang từng ngày cao rộng ra. Làm ăn có lúc cũng phải táo bạo và mạo hiểm như đánh giặc thì mới giành được thắng lợi.
- Vâng, chú Thăng sẽ cố gắng từng bước đổi mới tư duy để dần dần cải tạo sự nghèo khó ngay trong ngôi nhà của mình.
- Anh chả cố thì em cũng xoay cho anh phải cố- Vợ Thăng vừa nói vừa cười ha hả - Từ rày anh mà bàn ngang việc làm ăn là em cách chức...
- Chức gì?
- Chức làm chồng, làm bố cái Trầm
- Thế thì biết sống với ai!
- Thế mới cần anh nêu cao vai chò và chức danh của ông bố... Mà thôi, ta làm lễ vái bác Hữu để ăn cơm.
Cả nhà cùng trịnh trọng quỳ trước án thờ vái ba lễ. Việc xong, vợ Thăng bê mâm cỗ xuống cái chiếu bé Trầm đã trải ở gian cạnh, vừa làm chị vừa bảo:
- Hương khói quấn vòng vậy là thiên thời, địa lợi, nhân hòa đấy, chắc là bác Hữu cũng rất vui....
- Bác Hữu?... - Bé Trầm tập tọng, nó muốn hỏi cho thật rõ mọi nhẽ.
Hiểu lòng, Thăng vội đỡ lời:
- Bác Hữu là chồng của bác sĩ Dần người cứu con qua căn bênh hiểm nghèo, là bố của anh Nghị, là người cùng đơn vị chiến đấu với bố thời chiến tranh đánh Mỹ. Bác hy sinh rồi. Hôm nay bác Dần về đây làm giỗ bác Hữu và nhận nhà ta là anh em cả nhà vừa thống nhất từ lúc đầu còn gì!... Từ rày con là em của anh Nghị. Bố sẽ bố trí thời gian để anh em gặp nhau...
- Hôm nay con theo bác Dần...
- Anh Nghị đang đi học tận Hà Nội, tết anh mới về cơ.
- Thế thì đến tết bố mẹ phải cho con về nhà bác Dần để gặp anh Nghị. Ngày sau con cũng đi Hà Nội học như anh Nghị. Bố mẹ cho con đi nhé!
- Thế cháu thích học nghề gì nào? - Giọng Dần chen vào âu yếm.
- Cháu, cháu thích học làm bác sĩ như bác. Sau này cháu cũng bắt chước bác chữa bệnh cho dân thường, chữa bệnh hiểm nghèo để cứu người như bác đã cứu cháu ấy...
- Gớm, chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng, con mà thành bác sĩ lại tài như bác sĩ Dần thì đúng mồ mả ông bà nhà ta táng vào hàm rồng... - Thăng cười nhại con.
Bé Trầm gân cổ:
- Bố đừng coi thường, con quyết làm được mà. Con học thành bác sĩ, ra trường về phụ việc cho bác Dần, khi đủ sức con cũng mở phòng bệnh ngay ở đây để làng xóm ai đau ốm khỏi phải đi xa...
- Đúng- Vợ Thăng cười như nắc nẻ- Con gái của mẹ, cháu của bác Dần có khác...
Câu chuyện dưới mái lá rôm hơn. Thăng nhìn con tự bật ra y nghĩ, "Con trẻ bây giờ nó nhạy bén nhanh thật. " Và cũng từ cái ý nghĩ vừa bật hé ấy Thăng lại thấy lạnh ngắt phía sau gáy với những cổ hủ trong cái vòng "kim cô" bấy nay vẫn quấn chặt trên đầu mình. Những dòng nhật kí trong quyển sổ của Hữu và những cuộc tranh cãi nhau trên chiến hào năm xưa lại bày ra. Những điều Hữu nói về thân phận của những người lính sống sót sau cuộc chiến nếu không tự mình rút ra được cái bóng quá khứ vinh quang thì sẽ bị cái đói nghèo và những ích kỷ bám lấy, nó sẽ kéo lùi sự phát triển của đời sống con người còn tàn tệ hơn bom đạn trong chiến tranh vãi ra. Chiến tranh đã lùi cách ngót hai chục năm rồi, Hữu không về!... Còn mình thì cứ vẫn lấn bấn với chức sắc ở làng xã, vẫn bo bíu gìn giữ lề thói, cách nghĩ theo thời chiến tranh cuối cùng không những chỉ bản thân và vợ con mình nhếch nhác mà còn để cả làng cả xã rồng rắn lên rừng kiếm củ mài củ chụp! Có lẽ mình sai lầm về cách thức làm ăn. Mình không chịu thoát những điều Hữu đã tiên dự ngay trong những ngày cuộc chiến còn ác liệt. Mặc dù lúc ấy mình vẫn biết nó là cái "mống bão" Mình cứ gói những khát vọng đích thực của Hữu trong cái ba lô cùng với những tấm huân huy chương chói lọi. Nếu bây giờ không gặp lại Dần chắc cái đầu mình còn tối tăm mãi. Dần là bác sĩ, có con chữ trong đầu, Dần đã nhìn thấy rõ bức tranh đời sống sau chiến tranh, nhờ thế Dần đã ngộ được. Dần dám từ bỏ mọi hư danh trước hết là để mình thanh thản, để mình mãi xứng đáng với quá khứ vinh quang mà bản thân đã được cống hiến, đóng góp để rồi từ đó tìm được hướng đi đúng có ích cho mình, cho người, giúp được con người... Có lẽ cái phòng bệnh của Dần được sinh ra và mỗi ngày càng phát triển. Thằng Nghị, đứa con của mối tình huyền thoại trong chiến tranh của hai đứa được đẻ ra từ đức tính lì lợm, thông tuệ, biết tính việc gần, biết nhìn việc xa, biết tự phát ra ánh sáng như những con đom đóm để tự lần lấy đường đi trong gió, giông tối trời mà trở về với bình minh buổi sáng đồng thời lại được uống dòng sữa trắng chắt ra từ lòng dạ của Dần, một người phụ nữ vừa dịu dàng vừa cứng cỏi giữa nắng gió phong ba nên cháu nó đã khôn lớn và đang từng bước trưởng thành. Bây giờ nó đã vào đại học Nông nghiệp. Nó sẽ phải lăn lộn với ruộng đồng, cỏ cây, giống má để tìm ra công ăn việc làm và bồ lúa đầy cho hàng triệu con người nông dân sau bao nhiêu năm bom đạn mới giành lại được đất đai về tay mình! Thăng hy vọng ngày mai sẽ gặp lại nó và chắc chắn nó sẽ giúp được gia đình Thăng nhiều hơn trong việc củng cố phát triển cái trang trại này theo ý? tưởng mà Dần vừa đặt ra với Thăng. Thăng bóp trán suy tư. Dần cười, giở giọng bà chị:
- Chú Thăng vò đầu vì việc gì thế?
- Có gì đâu. Em đang tính số vàng chị vừa cho vay sẽ phải làm thế nào để nó sinh ra cả cái trang trại này thành vàng hết. Làm được như vậy chắc ở nơi chín suối anh Hữu sẽ mỉm cuời, bởi những khát vọng của Hữu ngay từ những ngày cuộc chiến còn ác liệt đang được tái hiện, nó giống như những ánh sáng của những con đom đóm dù rất nhỏ nhoi nhưng lại rất diệu kỳ, làm vỡ tan cái vòng kim cô từng làm mờ mịt đôi mắt của Thăng bấy nay... Cám ơn linh hồn Hữu đã đưa chị về với ngôi nhà này!...
- Cũng nhờ sự kỳ diệu trong tâm hồn của Hữu đấy! Cứ mỗi lần nhìn cái chai đèn và bó roi cật nứa tôi lại bo mặt ngẩng lên trời khóc! Vì vậy tôi dám bứt ra tất cả để được tự do, để lòng mình được giành tất cả cho thằng cháu Nghị, giọt máu Hữu gửi lại cho mình. Đấy cũng chính là động lực thôi thúc mình sống và làm việc. Chiến tranh mình đã mất bao nhiêu mồ hôi xương máu để giành lại quyền tự chủ, để mình có chính mình. Cho dù nó chỉ là cái phòng bệnh nhỏ nhưng nó thật sự có ích, thật sự của mình là được rồi. Mình phải tự cứu mình đừng để ai cứu...
- Vâng, cảm ơn chị, cảm ơn giời đất đã đưa chị về đây, có chị nghĩa là vẫn có Hữu đấy! Vợ chồng tôi sẽ quyết chí vươn lên, quyết biến khu trang trại đang còn hoang mạc này thành bạc, thành vàng...
- Khi ấy tôi sẽ vay chú thím để xây to cái phòng bệnh của mình thành cái bệnh viện tư nhân và tôn ngôi nhà bố Bành, bầm Khăn để lại thành nơi cúng tổ tiên và sẽ tự vẽ bức tranh đẹp tái tạo lại tuổi thơ của Hữu trong lấp lánh cỏi chai đèn đom đóm đặt cạnh cuốn sổ nhật kí của Hữu làm tài sản vô giá trong toàn gia và cũng để cho cháu con ta soi vào để chúng thấy thế nào là hào quang quá khứ mà sống đẹp cho hiện tại, tương lại của chúng! Còn bây giờ, cơm no rồi, tôi phải xuôi về làng Thông, ở nhà nhiều việc với lại nhỡ có bệnh nhân họ phải chờ...
Nói rồi Dần lặng lẽ lại trước án thờ thắp nhang cúi đầu vái ba lễ, cả nhà Thăng kính cẩn vái theo. Họ chia tay nhau giữa gió nắng núi đồi còn gắt gay nhưng dạt dào hy vọng.
Đồng Làng Đom Đóm Đồng Làng Đom Đóm - Trịnh Thanh Phong Đồng Làng Đom Đóm