Số lần đọc/download: 1462 / 23
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 13 -
B
arley đi trong các thành phố Leningrad với vẻ tò mò của bất cứ khách du lịch nào, và với cảm tưởng rằng mình đang ở trong các thành phố khác, khi thì Praha, khi thì Vienne, đôi khi là Paris hay một góc của Regent’s Park.
Barley bắt tay một nhà triệu phú Mỹ, nhưng thật sự không phải là triệu phú. Ông đã hỏi thăm sức khỏe bà vợ ông ta, nghe nói bị bệnh tiêu chảy ngay sau khi đến Leningrad, nhưng thật sự bà ta chẳng đau ốm gì cả, và chắc chắn hai ông bà cũng không phải là vợ chồng.
Barley đi tìm gặp Goethe. Paddy đã đưa cho Barley bản đồ thành phố Leningrad với chú giải bằng nhiều thứ tiếng. Cy cũng đưa cho ông quyển Tội ác và hình phạt, loại sách bỏ túi của nhà xuất bản Penguin. Wicklow đã căn dặn Barley bỏ tất cả hai thứ đó vào một cái túi bằng chất dẻo. Nhưng không phải bất cứ cái túi nào cũng được. Cái túi này, có thể được nhận ra cách năm trăm mét, làm quảng cáo cho một loại thuốc hút Mỹ.
Barley tìm một cái sân trông ra sông đào Griboiedov. Trong sân có một cây to bóng mát. Barley chậm rãi bước vào. Ông đẩy cái cửa lưới sắt ngăn cách sân với dòng sông đào, bước ra ngoài, nhìn quanh, rồi trở vào sân lại. Ông ngồi xuống một cái ghế dài và mở bản đồ ra xem.
- Ông lạc đường phải không? - Một người đàn ông hỏi Barley với cái giọng nửa Mỹ nửa Nga. Ông ta có nước da tái mét, trông có vẻ quá già để làm người mách mối.
- Tôi luôn luôn lạc đường. Cám ơn! - Barley trả lời một cách lễ phép.
- Ông có gì bán cho tôi không? Thuốc hút? Rượu uýt-ky? Bút máy? Ông có mua ma túy hay thứ gì khác không?
- Không. Cám ơn. Tôi không cần gì cả.
Người đàn ông bỏ đi.
Thứ sáu, ngay cả các nhà bác học lớn cũng sẽ làm như tất cả mọi người thôi, Paddy đã khẳng định như thế. Họ sẽ đi nhậu nhẹt để mừng cuối tuần sau ba ngày hội họp để báo cáo thành tích mà họ đã đạt được trong các lãnh vực mà họ nghiên cứu. Người ta sẽ đãi họ một bữa tiệc trưa linh đình, nhưng sẽ để cho họ có thì giờ đi chơi đâu tùy thích. Đó là một dịp để cho người bạn của ông đến chỗ hẹn mà không bị ai theo dõi.
Goethe đã không đến được. Nhưng còn hai nơi nữa.
Barley đứng lên, xoa bóp lưng và chọn phương án đi tham quan khu văn hóa Leningrad để giết thì giờ.
“Hãy nhìn chung quanh mình. Hãy làm ra vẻ ngớ ngẩn của một người đi du lịch”. Barley nhủ thầm.
Sau lưng ông là nhà thờ Đứa bà Kazan, và trước mặt ông là Nhà sách thành phố. Là một nhà xuất bản, Barley chần chừ ở đó một lát, xem sách trưng bày trong các tủ, các kệ. Nhưng ông không ở đó lâu, sợ có nhân viên nào trong đó nhận ra mình. Theo đường Géliabova, ông đi tới một trong những cửa hàng cao to đồ sộ của Leningrad. Trong các tủ kính, người ta trưng bày những quần áo thời trang nước Anh trong thời kỳ chiến tranh và những chiếc mũ lông thú trái mùa.
“Đừng ở đây, Goethe. Đừng ở đây. Ở đây làm sao chúng ta nói chuyện một cách kín đáo được. Đừng ở đây, Goethe”, Barley nhủ thầm.
Paddy đã có giải thích: Nếu ông ta chọn cửa hàng áo quần thời trang, tức là ông ta muốn gặp ông một cách rất công khai. Ông ta sẽ huơ tay và la to “Scott Blair! Thật là bất ngờ!”
Trong mười phút tiếp theo, Barley không nghĩ ngợi gì nữa. Ông liếc mắt đưa tình với các cô gái, và vào cái ngày mùa hạ ấy ở Leningrad, các cô cũng liếc mắt đưa tình đáp trả lại.
Mười phút đã trôi qua, nhưng ông đợi thêm năm phút nữa. Sau đó mới theo đường Nevski đi tới phía cầu Anitchkov, tìm chiếc trôlâybuyt(1) số bảy, để đi đến chỗ hẹn thứ ba.
Hai thanh niên mặc đồ jean đứng trước Barley trong chuỗi người xếp hàng đợi xe và đứng phía sau ông là ba bà già. Xe trôlâybuýt đến, hai thanh niên bước lên xe, cãi cọ om sòm, Barley lên theo sau.
Người ta lắc chuông để báo trôlâybuýt đã ngừng. Barley xuống xe, đi vào trong công viên và thấy Goethe đã ở trong đó. Goethe, người tình lớn, một triết gia và là người theo thuyết hư vô (2) đang ngồi trên cái ghế dài thứ ba bên trái đường đi rải sỏi nhỏ.
*
Goethe đang đọc báo, ngồi co ro và có vẻ chưa ăn uống gì cả. Ông ta mặc bộ com lê đen, làm cho ông ta không già đi. Khi thấy Goethe già hẳn đi như thế, thoạt tiên Barley cảm thấy buồn, nhưng rồi yên tâm hơn. Đâu còn bóng dáng của một nhà thơ lớn một thời. Khuôn mặt xưa kia nhẵn nhụi, bây giờ đầy vết nhăn. Rõ ràng chẳng còn gì của bậc thiên tài nơi người Nga rậm râu, với dáng dấp của một công nhân viên bậc thấp, đang ngồi hóng gió trên ghế một công viên trong giờ ăn trưa.
Tuy nhiên, quả thật đây là Goethe. Những người đi dạo chung quanh Goethe có vẻ cũng tầm thường như ông ta. Bây giờ ánh mặt trời sáng chói đã biến đổi bầu trời u ám lúc sáng sớm, và những kẻ nhàn du ấy cởi áo ra một cách thoải mái như nhau. Các thanh niên ở trần, các thiếu phụ mặc xu-chiêng xa tanh nằm dài trên thảm cỏ, nghe đài bán dẫn, ăn bánh xăng-uých và nói những chuyện khiến họ cau mày hay bật cười vang.
Barley đi dọc theo con đường nhỏ rải sỏi, với vẻ chăm chú nghiên cứu nước những điều chú giải ở phía sau bản đồ thành phố. Paddy đã căn dặn Barley khi đến gần chỗ hẹn, phải để cho “người ta” quyết định muốn gặp mình hay không. Barley còn cách Goethe năm mươi mét. Ông đã đi quá mau hay quá chậm? Có lúc ông bám sát gót một cặp đi trước mình, và một lát sau ông lại bị những người khác xô đẩy. Paddy cũng đã căn dặn, nếu “người ta” giả vờ không biết, thì hãy đợi năm phút và kiếm cách đến gần một lần thứ hai. Khi đi ngang qua trước mặt Goethe, Barley thấy ông ta ngẩng đầu lên. Ông thấy hai má trắng bệch, đôi mắt tàn tạ và sâu hoắm của ông ta. Goethe gấp tờ báo lại một cách cẩn thận, xem đồng hồ, đứng lên và xen vào đám đông đang kéo nhau đến bờ sông.
Bây giờ Barley mới đi hơi xa xa một chút phía sau Goethe, và thấy ông ta đứng tựa lan can ngắm nhìn dòng sông Neva. Barley chậm rãi đi tới phía ông ta.
- Này ông? Xin ông thứ lỗi, hình như chúng ta đã gặp nhau ở đâu thì phải? - Goethe nói.
Barley không trả lời ngay, mà cứ tiếp tục nghiên cứu các lời chú dẫn trong bản đồ đường thành phố.
- Này ông? - Goethe lặp lại.
Barley ngẩng đầu lên.
- Có phải ông là Scott Blair, nhà xuất bản danh tiếng người Anh không?
- Lạy Chúa! Đây đúng là thiên tài Goethe rồi! Tôi là Barley đây. Chúng ta đã gặp nhau tại làng văn ở Peredelkino lâu lắm rồi. Ông khỏe không?
- Tôi rất khỏe - Goethe đáp - Barley, hoan nghênh ông đã đến Leningrad. Rất tiếc là chiều nay tôi bận việc. Ông có thời giờ để đi dạo chơi và hàn huyên một lát không?
Rồi hạ thấp giọng. Goethe nói thêm:
- Tốt hơn là không nên ở luôn một chỗ.
Goethe nắm cánh tay Barley và kéo ông ta đi nhanh theo mình dọc bờ sông. Sự hấp tấp nóng nảy ấy thúc giục Barley phải nhập đề ngay.
- Này Goethe, có một vài vấn đề chúng ta phải bàn bạc với nhau.
- Đó là lý do vì sao ông và tôi, chúng ta đang ở đây. Cám ơn ông đã chịu khó đi đến tận Leningrad này. Khi nào ông sẽ xuất bản sách của tôi? Phải làm nhanh lên. Tại đây, các tác giả phải chờ đợi ba hay năm năm mới xuất bản được tác phẩm của mình. Tôi không thể chờ đợi lâu như thế đâu.
- Vì tôi đã không đi dự hội chợ triển lãm audio ở Matxcơva, Katia đã giao bản thảo của ông cho một trong những người đồng nghiệp của tôi.
- Tôi biết. Bắt buộc Katia phải chấp nhận điều rủi ro nguy hiểm ấy.
- Điều mà ông chưa biết, đó là đồng nghiệp của tôi đã không thể giao lại tận tay cho tôi khi anh ta trở về nước Anh. Vì thế, anh ta đã chuyển giao các quyển sổ tay cho nhà chức trách. Những người rất thận trọng, những chuyên viên.
Goethe đột ngột quay mặt về phía Barley, lộ vẻ hốt hoảng và thất vọng cực độ.
- Tôi không ưa các chuyên viên - Ông ta nói - Tôi khinh rẻ các chuyên viên hơn bất cứ ai khác.
- Nhưng ông cũng là một chuyên viên đấy, không phải sao?
- Chính vì tôi cũng là một chuyên viên, nên tôi biết rõ những gì tôi nói! Phần nhiều các chuyên viên là những kẻ có tư tưởng cuồng tín. Họ chẳng giải quyết được gì cả! Họ là những người làm thuê cho chế độ nào dùng họ. Ông đã không đọc những gì tôi đã viết trong bản thảo của tôi sao? Khi mà thế giới sẽ bị hủy diệt, thì sẽ không phải bởi các kẻ điên khùng, mà chính là bởi các chuyên viên tài ba mù quáng, và bởi sự dốt nát của các nhà chức trách quan liêu. Họ ngụy biện rằng sự răn đe hạt nhân là để giữ gìn hòa bình và đã không muốn thấy cuộc chạy đua vũ trang đưa thế giới đến bờ vực thẳm, nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra thì sẽ không có kẻ thắng người bại. Thôi rồi, Barley, ông đã phản bội tôi. Ông đã phản bội lời thề của ông.
- Không có ai phản bội ông cả - Barley giận dữ đáp - Bản thảo của ông đã đi lạc đường, chỉ có thế thôi. Các nhà chức trách của chúng tôi đã đọc và khâm phục bản thảo ấy, nhưng họ cần phải biết thêm về bản thảo ấy. Họ không thể tin cậy bản thông điệp ấy chừng nào họ chưa có thể tin cậy người gửi nó.
- Nhưng ít nhất họ có đồng ý cho xuất bản không?
- Trước hết, họ muốn biết chắc chắn rằng ông không phải là một kẻ lừa dối họ. Và cách tốt hơn hết để họ chịu tin cậy ông, đó là họ có thể thảo luận với ông.
Goethe đi rất nhanh, kéo Barley đi theo, mắt nhìn đâu đâu và hai thái dương ướt đẫm mồ hôi.
- Goethe, tôi là một nhà văn chuyên khảo cứu các tác phẩm văn học - Barley vừa nói vừa thở hổn hển và không thể bắt gặp nét nhìn của Goethe - Lâu nay tôi chỉ biết có Beowulf(3), gái và rượu bia. Vật lý hoàn toàn không thuộc sở trường của tôi, cũng như của Katia. Nếu ông muốn tiếp tục đi theo con đường ấy, ông hãy nhờ cậy các chuyên viên của chúng tôi, ông phải để cho tôi và Katia được yên ổn. Tôi đến đây là để nói với ông điều đó.
Goethe và Barley đi ngang qua một con đường nhỏ trải sỏi và đi vào một bãi cỏ khác. Một đoàn học sinh phải rẽ ra tránh để cho hai người đi qua.
- Thế có nghĩa là ông đến đây để nói với tôi rằng ông từ chối xuất bản sách của tôi, phải không?
- Nhưng làm sao ông có thể muốn tôi xuất bản sách của ông được? Ngay cả trong trường hợp tôi có thể cho các tài liệu của ông lên khuôn, thì còn có Katia! Katia là người chuyển giao tài liệu của ông, ông nhớ không? Bà ta đã chuyển các tài liệu mật về quốc phòng cho một người nước ngoài. Đó không phải là một chuyện đùa, mà thật sự là chơi với lửa. Nếu người ta phát giác hoạt động của ông và Katia, thì ngay trước khi bản đầu tiên được bày trên kệ sách, ông và Katia sẽ không còn trên cõi đời này nữa rồi. Một nhà xuất bản không thể đóng vai trò ấy! Ông tin rằng tôi sẽ đợi một cách yên ổn ở Luân Đôn và bấm cái nút làm cho cả ông và Katia nổ tung thành tro bụi sao?
Goethe thở hổn hển, thôi không nhìn đám đông nữa mà nhìn đăm đăm vào Barley.
- Goethe, ông hãy nghe tôi. Tôi hiểu ông. Tôi thật sự tin rằng tôi hiểu ông. Ông có tài nhưng người ta đã dùng tài của ông vào những mục đích khác với hoài bão của ông. Nhưng ông không phải là Chúa Giêsu, đấng Cứu Thế. Nếu ông muốn tự tử, đó là việc của ông. Chỉ có điều là ông giết luôn luôn cả Katia. Nếu ông không quan tâm một chút nào đến người mà ông sẽ giết, vì sao ông quan tâm đến người mà ông sẽ cứu? Goethe, ông hãy đi sang nước Anh. Họ sẽ có cách đưa ông vượt biên một cách kín đáo. Sau đó ông có thể phát giác với toàn thế giới tất cả những gì ông muốn. Người ta sẽ đón tiếp ông tại cung điện Albert Hall. Người ta sẽ mời ông nói chuyện trên đài phát thanh, đài truyền hình, người ta sẽ tuân theo tất cả các đòi hỏi của ông. Và khi mọi sự xong xuôi, người ta sẽ cấp cho ông một giấy thông hành, bạc tiền, và ông sẽ có thể sống những ngày êm đềm tại nước Úc.
Hai người, một lần nữa lại im lặng. Goethe có nghe rõ Barley nói không? Có hiểu không? Nhìn đăm đăm Barley như nhìn một điểm ở chân trời, vẻ nhìn của ông ta không biểu lộ một chút xúc động nhỏ nhặt nào.
- Barley, tôi không phải là một tên phản bội tổ quốc, đào ngũ theo địch. Tôi là người Nga, và tương lai của tôi là ở tại nước Nga, ngay cả khi tương lai của tôi còn rất ngắn ngủi. Ông sẽ xuất bản sách của tôi không? Xuất bản hay không? Tôi cần phải biết.
Để tranh thủ thời gian, Barley thò tay vào túi áo, lấy ra quyển sách của Cy.
- Tôi phải trao cho ông cái này. Một vật kỷ niệm. Các câu hỏi của họ có ghi trong đó, cùng với một địa chỉ ở Phần Lan mà theo địa chỉ đó ông có thể viết thư, và một số điện thoại ở Matxcơva với các mật hiệu mà ông phải nói khi nào ông gọi cho họ. Nếu ông chấp nhận thảo luận trực tiếp với họ, họ sẽ cho ông đủ thứ máy móc rất tinh vi để liên lạc với nhau một cách dễ dàng.
Barley đặt quyển sách vào tay của Goethe.
- Ông sẽ xuất bản quyển sách của tôi hay không?
- Nếu tôi có thể lấy lại bản thảo, và theo đó có thể làm thành một quyển sách, thì tôi sẽ xuất bản.
- Tôi yêu cầu ông trả lời tôi một cách rõ ràng dứt khoát. Xuất bản hay không xuất bản?
- Đồng ý. Sẽ xuất bản.
Goethe trả lại quyển sách cho Barley. Họ ôm hôn nhau để từ giã.
*
- Scott! Ôi, thật là bất ngờ! - J.P Henziger kêu lên một cách hân hoan thái quá của một người bận rộn công việc mà bắt phải chờ đợi. Ông ta vừa nói vừa mở cửa căn phòng lớn nhất của khách sạn Europe. - Xin mời vào. Hãy vào chào Maisie đi.
Ở giữa phòng có đặt những chiếc giường đôi, vải phủ nệm màu vàng lục. Trên một chiếc giường, bà Henziger đang nằm dài, không son phấn, tóc xõa quanh vai. Một người đàn ông mặc com lê đen, đeo kính màu vàng nhợt, đang đứng cạnh bà ta. Một bộ đồ nghề của y sĩ đang còn để trên giường.
Henziger tiếp tục đóng màn kịch của ông ta.
- Scott, tôi xin giới thiệu với ông, đây là bác sĩ Pete Bernstorf của tòa Tổng lãnh sự Mỹ tại Leningrad. Một bác sĩ tài ba và tận tâm. Chúng tôi mang ơn ông ấy rất nhiều. Maisie hồi phục rất nhanh chóng. Chúng tôi cũng mang ơn ông Wicklow rất nhiều. Léonard đã lo liệu về phòng khách sạn, về việc tổ chức tour du lịch và về thuốc men.
Barley liệng cái túi bằng chất dẻo lên trên giường, và cả quyển sách mà ông rút ra từ túi áo. Hai tay run run, ông cởi áo vét, lôi máy ghi âm ra và cũng buông mình ngồi xuống trên giường.
Lẹ làng như một con mèo, Henziger cầm cái túi bằng chất dẻo lên, lấy quyển sổ tay ra và đưa cho Bernstorf. Bernstorf nhanh tay giấu nó vào trong bộ đồ nghề của mình chẳng khác nào một nhà ảo thuật. Henziger đưa tiếp quyển sách cho Bernstorf và quyển sách cũng biến mất theo đường đó. Sau hết, Wicklow đưa cái máy ghi âm cho Bernstorf và cái máy ấy cũng chui vào trong bộ đồ nghề thầy thuốc trước khi bác sĩ đóng nó lại và dặn dò con bệnh:
- Bà Henziger, bà đừng dùng thức ăn khó tiêu trong bốn mươi tám tiếng đồng hồ. Bà hãy uống thật nhiều nước, tốt nhất là nước trà, mỗi bữa ăn một lát bánh mì là đủ rồi. Và xin bà hãy uống cho hết đơn thuốc, ngay cả trong trường hợp bà cảm thấy khỏe khoắn hơn. - Ông ta vừa nói dứt lời, Henziger đã nói tiếp theo.
- Cám ơn bác sĩ nhiều, khi nào bác sĩ đến Boston và có cần bất cứ điều gì, xin đừng ngại. Bác sĩ cứ cho tôi biết. Đây, danh thiếp của tôi, và đây…
*
Ngày hôm sau người ta tổ chức chào mừng một cách kín đáo người hùng của chúng ta trở về nước.
Ned không muốn cuộc tiếp đón tưng bừng, không có sự hiện diện của người Mỹ, của cả Clive, nhưng muốn ít ra dành cho Barley một sự chào đón niềm nở. Chúng tôi đến phi cảng Gatwich và ngồi trong phòng đợi dành riêng cho Bộ Ngoại giao và cơ quan của chúng tôi.
Chúng tôi phải chờ đợi lâu, vì máy bay đến trễ. Từ Grosvenor Square, Clive gọi điện cho tôi và hỏi: “Palfrey, việc gì đã xảy ra thế?” như thể ông ta lo sợ Barley đã ở lại Liên Xô.
Nửa giờ sau Clive gọi lại lần nữa. Vừa lúc ấy cửa phòng mở ra, và Wicklow bước vào.
Vài giây đồng hồ sau, Barley đi vào.
- Mấy thằng khốn nạn, thế mà chúng còn vỗ tay nữa chứ! - Barley chửi rủa ngay lập tức, trước khi Brock kịp đóng cửa phòng lại. - Cả cái thằng pêđê thiếu tá phi công ấy với cái giọng vùng Surrey của nó!
Trong lúc Barley còn tiếp tục quát tháo, Wicklow cho chúng tôi biết lý do vì sao Barley nổi giận: Chuyến bay thuê bao của họ đã bị một phái đoàn thương gia Anh xâm chiếm. Nhiều người trong bọn họ đã say mèm khi lên máy bay. Vài phút sau khi máy bay cất cánh, viên thiếu ta phi công cho biết là máy bay đã ra khỏi vùng trời Liên Xô. Họ hét lên mừng rỡ trong lúc các tiếp viên hàng không rót rượu sâm banh mời họ uống. Và tất cả đã cất giọng hát: Rule, Britannia!
- Đối với tôi, kể từ bây giờ sẽ chỉ là Aeroflot! - Barley nói. - Tôi sẽ viết thư cho hãng hàng không, tôi sẽ…
- Ông sẽ không cần làm những chuyện đó, - Ned ngắt lời Barley một cách ngọt ngào. - Ông để cho chúng tôi tiếp đãi ông như một ông hoàng. Và sau đó ông sẽ nổi giận nếu ông muốn.
Vừa nói, Ned vừa siết chặt bàn tay Barley thật lâu. Và cuối cùng Barley mỉm cười.
Bàn tay Barley run lên một cách dữ dội, trong lúc ông uống rượu mà chảy nước mắt, một điều hoàn toàn bình thường đối với một Joe từ chiến trường trở về, theo như Ned đã nói với tôi sau này.
Chú thích
(1) Trôlâybuýt: xe buýt chạy theo dây cáp điện.
(2) Hư vô chủ nghĩa: Danh từ này dùng để chỉ những nét điển hình của những người trí thức bình dân Nga trong những thập niên 50-60 của thế kỷ 19: nhiệt tình, chính trực, không công nhận những cái cũ, có thái độ phê phán đối với những vấn đề do xã hội đặt ra, thiết tha đối với khoa học tự nhiên, khinh bỉ sự lười biếng của bọn quý tộc.
(3) Beowulf: Anh hùng thần thoại của một sử thi Germain.