Nguyên tác: Hunger
Số lần đọc/download: 4258 / 49
Cập nhật: 2015-08-10 14:20:54 +0700
Chương 12
T
ôi lại cắp chiếc chăn dưới nách đi về nhà.
Như không hề có chuyện gì xảy ra, tôi trải chiếc chăn xuống giường, vuốt phẳng, như thể vừa rồi tôi chẳng mang nó đi đâu cả. Khi quyết định làm cái việc phiêu lưu kia, có lẽ lúc ấy tôi không còn tỉnh táo. Và càng nghĩ, tôi càng thấy việc tôi đem chăn đi bán quả là ngốc nghếch. Chắc chắn đó là kết quả của một sự yếu đuối, một sự thoái hóa nội tâm nào đó. Tôi hiểu đó là một cái bẫy, tôi cũng hiểu rằng tôi đang mất trí nên đã đề nghị bán chiếc kính của tôi trước. Bây giờ tôi lấy làm mừng rằng đã không làm cái hành động tội lỗi ấy. Nếu không, những giờ phút cuối cùng của đời tôi sẽ bị đầu độc, trở thành đau khổ vì ăn năn hối lỗi.
Tôi lại đi lang thang khắp các phố.
Đến nhà thờ Đấng cứu thế, tôi lại ngồi xuống một chiếc ghế dài, đầu gục xuống ngực, bộ ngực bị dằn vặt bởi những lo lắng, hồi hộp vừa rồi, bộ ngực đau đớn vì đói. Trong khi đó thời gian cứ trôi.
Tôi ngồi như thế suốt một giờ ngoài trời. ở đây sáng hơn trong nhà. Vả lại, tôi thấy hình như ngoài trời, giữa không khí trong lành, tôi đỡ đau ngực hơn. Mà tôi cũng chẳng việc gì phải vội về nhà.
Tôi suy nghĩ, thiu thiu ngủ. Tình cảnh của tôi thật bi đát. Tôi cúi xuống nhặt một viên đá, lấy tay xoa sạch rồi cho vào miệng mút, và khi làm việc này, tôi ngồi yên bất động, thậm chí đến nháy mắt cũng không. Xung quanh có nhiều người đi ngang, tôi nghe có tiếng xe ngựa lăn, tiếng móng ngựa nện lên lòng đường và tiếng cười nói.
Tại sao lại không thử vận may với những chiếc cúc nhỉ? ồ không, chắc sẽ chẳng mang lại cái gì đâu, mà tôi thì đang ốm, ốm ra trò. Nhưng nếu cân nhắc kĩ, có lẽ có thử cũng chẳng sao, vì dù sao thì hiệu cầm đồ cũng nằm trên đường về nhà, cái cửa hiệu mà tôi thường ghé mắt nhìn vào.
Cuối cùng tôi đứng dậy, thong thả kéo lê chân đi dọc các phố. Trán tôi nóng bừng, cơn sốt đã bắt đầu và tôi cố bước thật nhanh. Tôi đi ngang một hiệu bánh mì với những ổ bánh ngon lành sau
tủ kính.
- Nào, ta dừng lại đây đã, - tôi nói với vẻ rắn rỏi giả tạo. - Hay thử vào xin một mẩu bánh mì? - ý nghĩ này vụt lên rất nhanh rồi bùng to như ngọn lửa. Có thể nói là tự nó xuất hiện, ngoài ý muốn của tôi. - Thôi đi! - Tôi khẽ nói và lắc đầu đi tiếp, vừa đi vừa cười giễu mình. Tôi thừa biết rằng vào hiệu bánh với mục đích ấy chỉ là việc làm vô ích.
Một đôi uyên ương đang thì thầm với nhau bên cổng ở một góc phố nhỏ. Xa hơn chút ít có một cô gái ló đầu qua cửa sổ vẻ lẳng lơ. Tôi đi chậm và thận trọng đến mức có thể nghĩ tôi đang muốn tìm kiếm cái gì đó, - cô gái lẳng lơ kia bước ra phố.
- Công việc thế nào, ông anh? Sao thế, anh ốm à? Trời ơi, anh ốm thật rồi! Như người mất hồn ấy!
Và cô ta vội vã chạy vào nhà. Như người mất hồn nghĩa là thế nào nhỉ? Không lẽ tôi sắp chết? Tôi đưa tay sờ vào má - đúng, tôi gầy quá! Hai má tôi hõm vào như hai chiếc hố. Khiếp thật! Rồi tôi đi tiếp.
Sau đó tôi lại dừng lại. Có lẽ tôi gầy thế này trông đáng sợ lắm. Đôi mắt thì chui sâu vào sọ. Không hiểu bây giờ tôi giống cái gì nhỉ? Thật là một số phận không chê vào đâu được, nó đã biến tôi, một người sống, thành một bộ xương chết! Tôi lại bừng bừng tức giận. Nghĩa là tôi như một người mất hồn? Tôi có một cái đầu đáng giá, khắp đất nước này không thể tìm đâu một cái đầu thứ hai như thế, và tôi có hai nắm đấm - lạy Chúa - có thể đập vỡ sọ bất kì người nào, thế mà tôi phải chết đói ở chính trung tâm của thành phố Christiania nổi tiếng này! Lẽ nào có thể tưởng tượng nổi điều ấy? Tôi phải sống trong chuồng nuôi ngựa, làm việc quần quật từ sáng đến tối như con trâu đen. Vì đọc quá nhiều, mắt tôi gần thành mù, óc tôi teo lại vì quá đói, thế mà thử hỏi tôi được đền bù cái gì? Thậm chí cả những cô gái làm tiền ngoài phố thấy tôi cũng phải ôm mặt kêu lên: "Lạy Chúa!". Nhưng bây giờ thì không thể như thế được nữa, hiểu chưa? Không thể! Đồ chó chết!... Tôi nghiến chặt răng, toàn thân run lên vì tức giận. Tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi, mắt rưng rưng, miệng luôn trút ra những tràng nguyền rủa. Cứ thế tôi lê chân đi tiếp, không thèm để ý những người xung quanh. Lại lần nữa tôi bắt đầu tự hành hạ mình. Tôi cố tình đập mạnh đầu vào cột đèn, bấm móng tay thật sâu vào đùi, cắn lưỡi thật đau mỗi lần tôi nói rời rạc không thành lời, và phá lên cười mỗi lần tôi thấy đau.
- Nhưng dù sao, ta phải làm gì bây giờ? - Cuối cùng tôi tự hỏi mình. Và giẫm mạnh chân mấy cái xuống đất, tôi nhắc lại: - Phải làm gì bây giờ?
Một người nào đó đi ngang mỉm cười bảo tôi:
- Anh phải yêu cầu để người ta bắt anh đi!
Tôi nhìn theo người ấy. Đó là một bác sĩ sản khoa nổi tiếng có biệt danh là "Quận công". Thậm chí ông ta cũng không hiểu tình cảnh của tôi lúc này, mặc dù chúng tôi quen nhau và thường bắt tay nhau mỗi lần gặp. Tôi cụt hứng. Yêu cầu để người ta bắt tôi ư? Vâng, ông ta nói đúng, tôi đã hóa điên. Tôi nhận thấy sự điên rồ ấy trong máu và trong óc tôi. Hóa ra một cái kết cục như thế đang chờ tôi đấy! Vâng! Vâng! Và tôi đi tiếp bằng những bước chân chậm chạp của người đưa đám. Nghĩa là một số phận như thế đang chờ tôi!
Bỗng nhiên tôi dừng lại.
- Không, gì thì gì nhưng không để bị bắt, - tôi kêu to. - Không để bị bắt!
Vì quá sợ hãi, tôi lạc cả giọng. Tôi cầu nguyện, tôi van xin tất cả thánh thần để tôi không bị bắt. Vì nếu bị bắt, tôi lại sẽ bị giam trong phòng tối, nơi không có chút ánh sáng nào. Gì thì gì, nhưng không thể bị bắt! Chắc còn nhiều lối thoát nữa mà tôi chưa biết, chưa thử, nhưng tôi sẽ thử. Tôi sẽ có đủ kiên nhẫn, tôi không tiếc thời gian, tôi sẽ đi hết nhà này đến nhà khác không chút mệt mỏi. Thí dụ còn có cửa hàng âm nhạc Xixlê mà tôi chưa thử. Có thể ở đó tôi sẽ tìm được lối thoát... Tôi vừa đi vừa lẩm bẩm. Sau đó tôi lại thút thít khóc vì thương hại mình. Gì thì gì, nhưng không được để người khác bắt!
Xixlê! Biết đâu hạnh phúc đời tôi lại chính là ở đây? Tự nhiên cái tên ấy chui vào đầu tôi. Ông ta sống khá xa, nhưng tôi sẽ tới được. Tôi sẽ đi một cách thong thả, thỉnh thoảng mệt sẽ ngồi xuống nghỉ. Tôi biết khá rõ cửa hàng này. Trước đây, khi đang ở vào thời kì thịnh vượng nhất, tôi thường lại đây mua các bản nhạc. Sẽ thế nào nếu ta hỏi vay ông ta nửa curon? Không, ít thế có thể làm ông ta bất tiện. Tốt nhất cứ hỏi vay luôn một curon.
Tôi bước vào cửa hàng, nói là muốn gặp ông chủ. Người ta chỉ đường tôi đi tới phòng Xixlê. Trong phòng có một người đang ngồi, ăn mặc theo mốt mới nhất và đang lật lật những thứ giấy tờ gì đó.
Tôi ấp úng xin lỗi và trình bày hoàn cảnh của mình. Rằng do quá quẫn bách, tôi phải nhờ đến ông ta... rằng chẳng bao lâu nữa tôi sẽ trả lại... Ngay sau khi tôi nhận được tiền nhuận bút bài báo... Rằng ông ta sẽ cứu tôi, nếu..
Tôi chưa nói hết câu thì ông ta đã cúi xuống bàn làm tiếp công việc bỏ dở. Khi tôi im lặng, ông ta liếc nhìn tôi, khẽ lắc lắc cái đầu xinh đẹp và nói:
- Không!
Chỉ đơn giản "không". Không thêm một lời nào. Không giải thích.
Hai đầu gối tôi run run, tôi phải tựa vào một chiếc tủ nhỏ đánh vécni bóng nhoáng. Tôi quyết định thử một lần nữa. Tại sao tôi lại nghĩ đến ông ta, vì tôi sống ở Waterlan, cách đây rất xa cơ mà? Hông trái tôi nóng hừng hực, cả người tôi đầm đìa mồ hôi.
- Hừm... Xin ông hiểu cho, tôi rất yếu, - tôi nói. - Tôi ốm lắm. Chỉ vài ngày nữa tôi sẽ có tiền trả lại ông. Ông hãy làm ơn giúp tôi...
- Này anh bạn thân mến, sao anh lại chọn đúng tôi mới được chứ? - Ông ta nói. - Tôi chưa bao giờ thấy anh, có thể nói anh là người hoàn toàn xa lạ với tôi. Hãy đến tòa soạn mà vay. Ở đấy người ta biết anh mà.
- Nhưng tôi chỉ vay một hôm thôi ạ, - tôi nói. - Hôm nay tòa soạn đóng cửa, mà tôi thì rất đói.
Nhưng ông ta vẫn nhất quyết lắc đầu, thậm chí cả khi tôi ra đến cửa, ông ta còn tiếp tục lắc đầu.
- Chào ông! - Tôi nói.
Tôi lại đi tiếp, hết khu phố này đến khu phố khác, chốc chốc lại ngồi xuống bậc đá nghỉ. Có điều, không được để bị bắt! Nỗi kinh hoàng trước phòng giam tối om luôn ám ảnh tôi, không chịu để tôi yên, dù chỉ một phút. Hễ thấy có bóng cảnh sát là tôi vội rẽ ngang để tránh gặp họ.
- Nào, bây giờ ta thử đếm bước chân cho đến một trăm, - tôi nói, - và thử tìm vận may lần nữa! Thử vào cửa hàng này xem sao.
Rồi thế nào cũng có lúc thành công...
Đó là một cửa hiệu nhỏ mà tôi chưa hề đặt chân tới. Đứng sau quầy hàng là một người có vẻ ngoài giản dị. Sau lưng anh ta là cánh cửa có cái bảng treo bằng sứ. Hàng hóa được bày trên các giá. Tôi chờ cho đến lúc bà khách cuối cùng ra khỏi cửa hiệu. Bà ta là một phụ nữ sang trọng, còn trẻ, với hai lúm đồng tiền trên má. Mặt rạng rỡ hạnh phúc! Không muốn bị bà ta chú ý, tôi quay sang hướng khác.
- Ông cần gì ạ? - Người bán hàng hỏi.
- Tôi có thể gặp ông chủ được không?
- Ông ấy vào vùng núi Iotunhen rồi, - anh kia đáp. - Ông có chuyện quan trọng à?
- Tôi cần mấy ere để mua bánh mì, - tôi nói với nụ cười giả tạo. - Tôi đang đói, mà trong túi chẳng có gì cả.
- Nếu vậy thì tôi cũng không giàu hơn chút nào, - anh ta nói rồi bắt đầu trải các cuộn len lên quầy.
- Ôi, đừng bỏ rơi tôi trong giờ phút khó khăn này! - Tôi nói, toát mồ hôi lạnh. - Ông biết không, tôi sắp chết đói, đã mấy ngày nay tôi chưa được ăn gì vào bụng.
Với vẻ vô cùng nghiêm túc, anh ta lặng lẽ lộn ngược các túi áo của mình cho tôi xe.
Hóa ra tôi không tin lời anh ta nói?
- Tôi chỉ cần năm ere thôi, - tôi nói. - Hai ngày nữa tôi sẽ trả ông mười ere.
- Này anh bạn, anh muốn tôi ăn cắp tiền cửa hàng cho anh hả? - Người bán hàng giận dữ hỏi.
- Vâng, - tôi đáp. - Hãy lấy cắp cho tôi năm ere.
- Tôi không quen ăn cắp, - anh ta đáp rồi nói thêm: - Mà đến giờ tôi đóng cửa rồi đấy!
Tôi đi ra, đỏ bừng mặt vì xấu hổ và kiệt sức vì đói. Thôi, thế là đủ! Quá đủ! Suốt chừng ấy năm, cả những năm gian khó nhất, tôi đã chống đỡ được để giữ vững lòng tự trọng, thế mà bây giờ, tôi bỗng lăn nhanh xuống dốc và trở thành một kẻ ăn mày sơ đẳng nhất. Chỉ trong một ngày, tôi đã kịp làm bẩn tâm hồn tôi, thui chột các ý nghĩ cao đẹp trong tôi bằng sự trơ trẽn bần tiện của chính mình. Không chút ngượng ngập, tôi đã rên rỉ vòi tiền một anh bán hàng hạ đẳng. Mà rồi tôi được cái gì? Lẽ nào chẳng phải trước không bánh, bây giờ vẫn không đó sao? Chính tôi cũng tự thấy mình đáng khinh bỉ. Vâng, phải kết thúc mọi chuyện ngay lập tức! Chắc lúc này là lúc cổng vào sân nhà tôi sắp đóng, phải vội mới kịp, nếu không muốn nằm một đêm nữa ở đồn cảnh sát...
Điều này làm tôi tăng thêm sức. Tôi không muốn ngủ ở đồn cảnh sát một chút nào. Cúi gập người, tay ôm hông bên trái để dịu bớt cơn đau, tôi vật vờ đi tiếp, mắt luôn để ý nhìn lên hè phố để nếu gặp người quen thì lẩn tránh cho họ khỏi phải cúi chào tôi. Tôi đi tới trạm cứu hỏa. May quá đồng hồ nhà thờ Đấng cứu thế mới chỉ bảy giờ, nghĩa là còn những ba giờ nữa cổng mới đóng. Thế mà tôi đã hoảng sợ vô ích!