A man may as well expect to grow stronger by always eating as wiser by always reading.

Jeremy Collier

 
 
 
 
 
Tác giả: Thế Uyên
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Khôi Khiếu Mai
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2305 / 19
Cập nhật: 2015-07-16 13:43:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13 Thất Bại Một Cuộc Cách Mạng
Ở Đà Lạt, một những điều làm thích thú nhất là đi uống cà phê. Thành phố lạnh quanh năm này có đủ các địa điểm và khung cảnh cho một ly cà phê bốc khói lên thơm nhất, quyến rũ nhất. Buổi sáng, khi nắng vàng đã đầy không gian nhưng còn nhẹ dịu lắm, một ly cà phê sữa đậm đặc trong Shanghai với người uống mệt mỏi nhưng thoả mãn trong tình dục thâu đêm. Nếu tình yêu chưa rời khỏi khuôn mặt người yêu để hạ xuống thấp hơn, lãng mạn trong xanh còn nhiều, thì một ly cà phê phin chảy từng giọt trong chiếc ly trong mỏng nơi một quán gỗ ba bề cửa kính không ngăn được nắng sớm lẫn màu hoa bên ngoài. Buổi trưa thao thức, một ly cà phê đá trong Mékong, ngẩn ngơ nhìn qua làn kính ra đường tìm những hình nét đẹp nơi những người nữ nơi này hay chẳng tìm gì cả, nhìn để mà nhìn mà thôi. Nếu hết tiền hay còn nhiều lãng mạn, đi quá vài chục bước ra sau khối nhà trước kia, bao năm về trước, là bến xe. Một cái quán tồi tàn với ba chiếc ghế dài bao quanh một cái quầy, phong dáng của các quán nước bên đường quan lộ ngày xưa ngoài miền Bắc nhưng lại mang một cái tên rất bây giờ là Domino. Nhưng dĩ nhiên là cà phê ngon, bao giờ cũng nóng bỏng và bao giờ cũng được pha chế đậm nhạt theo ý khách hàng. Một buổi trưa bão lớn hơn mười năm trước, nằm nhà không ngủ được và cũng không đọc được, tôi cùng một bạn thân đã mặc áo mưa ra đi, vượt bao con đường dốc nước chảy như thác. Nước lạnh buốt, người ướt sũng, vén chiếc bạt che lên, ngồi xuống ghế dài, đưa ly cà phê đen lên cho nóng bỏng môi trong khi mưa vẫn xối xả từ bề. Một ly cà phê tuyệt vời.
Nhưng khi đêm xuống núi đồi, trời bắt đầu có sương mù hay mưa nhỏ, cần phải có một ly cà phê phin thật đặc sánh đằng sau một khung cửa kính ngăn lạnh và trên một chiếc ghế êm. Đà Lạt cung cấp rất nhiều quán có đủ điều kiện như vậy, nhưng tôi vẫn ưa thích quán Tùng nhất. Dĩ nhiên là tại cà phê nơi đây ngon, nhưng không phải chỉ vì thế. Có lẽ tại lý do cố cựu chăng. Bao nhiêu năm về trước tôi đã đưa Thi vào quán Tùng, nhưng không phải nơi này, mà là một căn phòng nhỏ nằm trong một dãy nhà dài phía ngoài có hàng hiên cột đá phía sau nhìn xuống một thung lũng nhỏ. Dãy nhà này của người Pháp tạo dựng với phong vị rất Pháp đã bị phá hủy đến tận nền khi chính quyền quyết định xây dựng một toà chợ mới nằm trong thung lũng phía sau. Hồi ấy Thi còn là một cô bé mới chợt biết mình là người nữ, tóc còn để cụp vào vai, mắt trong veo dưới những băng đô cài tóc luôn luôn đổi màu.
Ly cà phê đã pha xong, đã nếm thử cân nhắc đúng tỉ lệ ngọt và đắng. Tôi nhấm nháp ngụm đầu tiên, châm một điếu thuốc lá nhẹ và nhìn Thi qua khói thuốc. Thời gian cũng đã qua đi trên nàng. Người con gái thơ ngây trong tà áo dài màu sắc thay đổi như màu hoa cánh bướm đã đi vào trong quá khứ xa xăm, để lại một người nữ trưởng thành về mọi phương diện, đậm đà như một trái cây chín tới. Hẳn thời gian cũng đã đi qua trên khuôn mặt tôi. Tôi ý thức điều ấy không cần phải soi gương lại hay đếm số tuổi, mà do nhìn các khuôn mặt bạn bè đồng lứa, nhất là những bạn cũ nhiều năm không gặp.
Tôi ngã người ra thành ghế sau. Hình ảnh vài người bạn cũ mới gặp lại trong quán Doanh Doanh trong thành phố cố đô xuất hiện sau ngụm cà phê thứ ba. Đêm đó tôi đã ngồi trên chiếc ghế mộc với một ly cà phê đặt trên mặt bàn cũng gỗ mộc, những chất gỗ lấy từ các vỏ thùng đạn. Chung quanh, ngoài vài khuôn mặt cũ nhưng đã già đi nhiều, còn vài chục người trẻ khác chưa từng quen biết. Tôi không hơn họ quá số mười năm là bao, nhưng trong có mười năm ấy, tôi đã trải qua một đoạn đường chiến binh – và có lẽ vì thế chăng nên vào một lúc nào đó, những câu hỏi chất vấn đã cất lên với nội dung gay gắt nhưng đầy thiện ý tìm cảm thông. Tôi trả lời dễ dàng và vui vẻ mọi điều cho tới khi một câu hỏi làm tôi sững người: Tại sao chúng ta không làm được cách mạng ở miền Nam này?
Tại sao? Tôi cúi xuống nhìn ly cà phê đang cầm trong tay. Tại sao? Làm sao tôi có thể trả lời trong khoảnh khắc tất cả một dự phóng đổi mới xã hội kéo dài đã trên bốn mươi năm hay lâu hơn nữa nếu chỉ coi Nguyễn Thái Học và khởi nghĩa Yên Bái như một mốc dấu mà thôi. Tại sao những người quốc gia lại không làm được cuộc cách mạng của mình trong khi những người cộng sản trên miền Bắc đã đi một chặng khá dài – theo phương thức của họ. Tôi là cái gì, thành tích gì, tuổi tranh đấu lẫn tuổi đời chẳng là bao, làm sao tôi có thể cắt nghĩa được sự thất bại của một công trình lớn và dài dặc như thế. Tôi có đọc một cuốn sách của một ngoại quốc mang nhà đề The Lost Revolution, cuộc cách mạng đã lỡ, cuộc cách mạng đã mất. Nhưng tự bao giờ và vì cớ gì? Tôi cũng ngẩn ngơ như một nhà văn ngoại quốc khác đã viết cuốn Ông đại sứ: …làm sao dân tộc này không tìm được sinh lực để hoàn tất cuộc cách mạng đã khởi đầu từ mấy chục năm…
Nhưng rồi tôi cũng lên tiếng trả lời câu hỏi đó, bằng những nhận định riêng tư và chủ quan. Chúng ta không làm được cuộc cách mạng bởi vì chính yếu tại chúng ta không muốn làm… Thật là một câu trả lời đầy nghịch lý nhưng không hề vô lý. Các nguyên nhân căn bản của mọi tình tự và hành động cách mạng là sự đói khổ và mất tự do. Thành phần thường được coi là lực lượng chủ chốt và tiền phong của cách mạng theo quan niệm của Mác Lê và của cả nhiều người không cộng sản nữa là thành phần lao động thành thị. Họ không hề đói. Hơn nữa, còn giai cấp đang lên. Tôi đã từng ở nhiều trong các khu lao động và xét bề ngoài tôi có địa vị nhưng tôi đi xe gắn máy cũ, nhà không tủ lạnh và con cái thường sang coi nhà ti vi bên các hàng xóm làm lao công sở ngoại kiều, lái xích lô hay những nghề tương tự. Lợi tức ngay thẳng của họ – nếu xoay xở thêm lại khác – thường là gấp ba lần lương công chức hạng A hay là bốn lần lương của một đại uý. Đại tướng của quân lực hoạ chăng mới có lương cao bằng lợi tức của những người thường được gọi là vô sản ấy. Với tất cả kỹ thuật tuyên truyền tinh vi của mình, những người cộng sản cũng chẳng sao lôi kéo những người lao động thành thị Việt Nam đi làm cách mạng; nói gì tới người quốc gia… Ở miền Nam, trong các thành thị sung túc phồn thịnh tràn ngập hoá phẩm tiêu thụ xa xỉ của Hoa Kỳ và Nhật, thành phần cùng đinh mới đã xuất hiện: đó là chính chúng ta, những kẻ trước kia thường được gọi là giai cấp trung lưu hay tiểu tư sản. Nếu bây giờ có loa bắc lên hô nhai lại khẩu hiệu xưa của đấng tổ sư cộng sản: “Hỡi những người vô sản Việt Nam, hãy vùng lên đoàn kết lại!”, thì chúng ta sẽ thấy tiến ra, từ Bến Hải đến Cà Mau từ những đồn điền biên cương tới men bờ cát trắng, không phải những người lao động nữa, mà những người lính áo sờn rách lưng còng xuống mặt xanh mét vì thiếu ăn. Và đằng sau họ, là đông đảo dày đặc đám người nông dân đói khổ mắt ngơ ngác vì nhìn đồng lúa vườn cây tàn rụi dưới thuốc khai quang, vì nhìn họ hàng thân thuộc gục chết tan tành vì cả súng đạn giải phóng lẫn bom tự do.
Lời nói của tôi càng cất lên, không khí quanh bàn càng căng thẳng. Mọi dịu dàng của đêm cố đô, những cành lá rũ xuống mặt bàn mơn trớn tan biến đi đâu cả. Không gian như có lửa nung nấu. Mặc, tôi sẽ nói hết những điều tôi đã nghĩ mặc dù rồi sau đó có bị ném đá nguyền rủa cũng cam. Tôi đã giơ tay chỉ ra những chiếc xe gắn máy Nhật đang đỗ hàng hàng lớp lớp, đã khoát tay chỉ những bao thuốc lá, những phin, những áo những quần của tất cả bạn bè đang ngồi chung quanh hỏi tiếp. Ngay chúng ta đây, những người trẻ tiền phong có nhiệm vụ mở đầu và hướng dẫn cho một cách mạng tương lai, liệu chúng ta có thực sự muốn làm cách mạng không một khi mới ngay trong giai đoạn đầu của cách mạng, chúng ta sẽ phải hạn chế tối đa xăng nhập cảng, vải vóc và nhiều xa xỉ khác, kể cả xe gắn máy, để tiết kiệm ngoại tệ mua máy móc, nông cụ cùng nhiều thứ cần thiết khác để tái thiết đất nước, xây dựng một quốc gia độc lập về kinh tế – điều kiện tối cần để có một nền tự chủ nơi phần đất ông cha đã để lại này. Chúng ta muốn làm cách mạng mà lại không muốn xếp xe gắn máy lại đi xe đạp, không muốn từ bỏ vải vóc cùng nhiều tiện nghi để ở khổ, mặc áo vải dệt lấy, đi dép Bình Trị Thiên… Chúng ta đánh lừa tâm mình mất rồi. Chúng ta đã không thắng được người cộng sản, và chúng ta đã thua cả người tư bản, cách mạng chỉ thể là một đốm lửa đỏ xa xôi trên ngọn núi cao và khuất nẻo như một địa đàng đã mất.
Tôi lơ đãng ngửng đầu lên nhìn hai người khách vừa đẩy cánh cửa kính bước vào, mang theo một chút hơi lạnh ẩm nước mưa. Quán đã đông người, tiếng rì rào chìm lẫn trong tiếng một bản nhạc buồn đang nói về chiến tranh và cái chết. Ly cà phê của tôi đã cạn và cổ họng bắt đầu khô mong ước một làn nước bia lạnh buốt. Cổ họng tôi cũng đã khô cứng như thế trong đêm thành Nội khi một người trẻ khác lên tiếng hỏi: Theo ý anh, nỗ lực của anh là thành công hay thất bại?
Tôi thất bại chứ, thất bại hiển nhiên như các bạn đã thấy, tôi đã lên tiếng trả lời như thế. Tôi còn nói thêm rằng khi bắt đầu tranh đấu cùng bạn bè, tôi không có nhiều ảo tưởng cho lắm về việc mình làm. Sự thất bại có phần nào đã được tiên đoán trước. Nhưng tôi vẫn cứ làm, như nhiều người khác đã làm và sẽ còn làm. Mỗi người trong đời, đều có một thời kỳ muốn làm hiệp sĩ như người xưa, cật ngựa thanh gươm tang bồng hồ thỉ cứu khốn phò nguy. Đánh những đường gươm đẹp rồi lưỡi thép lạnh trả vào bao, lên ngựa mà đi về quê cũ, cầm bút lên ngâm thơ vịnh nguyệt coi công danh trong cuộc đời qua như đám mây bay trên đầu núi.
Đó là một thái độ dại dột, không thực tế, mọi người đã phê phán như thế và tôi đồng ý. Nhưng làm sao được. Cách mạng, tự bản chất đã giống như một giấc mơ xa – cho đến khi thực hiện được. Người làm cách mạng phải là người lãng mạn đến cùng cực. Nếu không lãng mạn, làm sao có thể tin được mình sẽ đổi mới được xã hội, xây dựng một tương lai huy hoàng cho dân tộc và nhân loại. Đi vào cách mạng, là một cuộc lữ hành đầy bất trắc, lộ trình nào cũng có thể dẫn đến chỗ tắc, trong khi thành công cứ như một đỉnh núi xanh mướt dưới mây trắng nơi xa. Nếu không là thế, làm sao có thể chịu nổi bao gian khổ tràn trề trên con đường dài dặc. Một Ngô Đình Diệm, một Nguyễn Tường Tam khi lang thang quê người, lắm lúc lo từng bát cơm manh áo ấm, không lãng mạn mà mơ đến một quốc gia mới huy hoàng, liệu họ có đi được tiếp nữa hay không. Một Võ Nguyên Giáp khi ngồi trên đá với không quá mười người bạn võ trang vài khẩu súng săn vài thanh mã tấu trong rừng già Việt Bắc, nếu không lãng mạn mà mơ đến trăm vạn hùng binh cờ xí rợp trời, thì liệu đến giờ phút này chúng ta có đuổi được người Pháp đi hay không. Bởi thế, tôi rất thông cảm khi đọc trong một tuần báo Mỹ chụp hình một lãnh tụ ngoài Bắc tay cầm một bông thược dược mà nói rằng: Chúng tôi là những người lãng mạn…
Cuộc cách mạng của những quốc gia đã thất bại phần lớn vì tại miền Nam, chúng ta thiếu những những lãng mạn. Sau một Ngô Đình Nhu mơ xây dựng một xã hội cộng đồng, sau một Nguyễn Tường Tam mơ tạo dựng một quốc gia xã hội như Thuỵ Điển nhưng giữ được truyền thống Đông phương như Nhật Bản, chúng ta đâu còn thấy những người lãnh tụ lãng mạn nữa. Chúng ta chỉ có những tướng lãnh vô cùng thực tế, những chánh khách vô cùng khôn ngoan, ít khi ngồi nhìn mây bay vần vũ trong trời giông bão, cuồng ba ào ào ngoài đại dương mà mơ đến một xã hội mới, một nền văn minh mới, một quốc gia Việt Nam kiêu hùng trong góc trời phía nam lục địa Á châu cố cựu.
Trong đêm đã vào rất khuya trong bốn bức tường thành dài cổ kính và đổ nát của một triều đại oai hùng của cố đô, bằng một nhận định chủ quan của riêng tôi, tôi nói rằng tôi đang chán nản nhưng tôi chưa hề tuyệt vọng. Gươm cùn của tôi đã tra vào vỏ, giày cỏ đã mòn dưới gót trên đường về núi, nhưng nhìn tứ phía, tôi vẫn htấy những đường gươm khác loáng dưới trăng, những đường kiếm lẻ loi nhưng thật đẹp. Và khi ngồi nghỉ vì thấm mệt trên một mỏm đồi thấp, tôi đã thấy nhiều người khác hăm hở đi trên những con đường mòn chông gai tiến về đỉnh núi lúc nào cũng xanh mướt dưới nắng ở một nơi chân trời.
Đoạn Đường Chiến Binh Đoạn Đường Chiến Binh - Thế Uyên Đoạn Đường Chiến Binh