Số lần đọc/download: 549 / 41
Cập nhật: 2019-05-14 10:23:13 +0700
Chương 12
M
ấy cái bóng bắt đầu bu lại quanh rìa vòng tròn. Tôi liếc qua khóe mắt thì thấy những vệt nhòe nhòe không hình thù chỉ ở đó, đúng thật là đang ở đó. Khi đó trông chúng mới giống như chim. Khi đó trông chúng mới đói khát.
Chưa bao giờ tôi thấy khiếp sợ như buổi chiều hôm đó, lúc đứng trong vòng cỏ có cái cây chết khô ở giữa. Không có chim hót, không có sâu bọ kêu vo ve hay râm ran. Không có gì khác đi. Tôi nghe tiếng lá xào xạc và tiếng cỏ rì rào khi gió lướt qua, nhưng không có Lettie Hempstock ở đó, tôi cũng không nghe thấy tiếng nói trong làn gió. Không có gì khiến tôi khiếp sợ ngoài mấy cái bóng mà thậm chí có nhìn thẳng cũng không thấy rõ được chúng.
Trên bầu trời, mặt trời lặn xuống thấp hơn, mấy cái bóng nhập nhòa vào ánh chạng vạng, có chăng thì chúng đã mờ hơn nên giờ tôi không biết chắc ở đó có gì hay không nữa. Nhưng tôi không bước ra khỏi vòng cỏ.
“Ê! Nhóc!”
Tôi quay lại. Ông ta đi băng qua bãi cỏ về phía tôi. Ông ta ăn mặc như lần sau cùng tôi thấy: áo vét dạ hội, sơ mi trắng có diềm, nơ bướm đen. Mặt ông ta vẫn đỏ lựng màu anh đào như thể vừa ngồi quá lâu ngoài bãi biển, nhưng hai bàn tay lại trắng bệch. Ông ta trông không giống con người mà như hình nhân bằng sáp, thứ ta nghĩ sẽ nhìn thấy trong Ngục Tra Khảo. Ông ta cười nhăn nhở khi thấy tôi nhìn, giờ thì trông ông ta như hình nhân bằng sáp đang mỉm cười nên tôi nuốt nước bọt đánh ực một cái và ước gì mặt trời lại ló ra.
“Thôi nào thằng nhóc,” ông thợ mỏ đá mắt mèo nói. “Mi chỉ đang kéo dài điều không thể tránh khỏi mà thôi.”
Tôi không nói tiếng nào. Tôi theo dõi ông ta. Đôi giày đen bóng loáng bước tới vòng cỏ nhưng không tiến vào trong.
Tim tôi đập thình thịch trong lồng ngực mạnh đến nỗi tôi dám chắc ông ta đã nghe thấy. Gáy và da đầu tôi râm ran.
“Nhóc,” ông ta nói, giọng Nam Phi lanh lảnh. “Bọn chúng cần phải làm cho xong chuyện này. Đó là việc của chúng: chúng là loài ăn xác thối, là kền kền của hư vô. Việc của chúng. Dọn sạch sẽ những tàn tích cuối cùng của đống lộn xộn. Sạch sẽ gọn gàng. Kéo ta ra khỏi thế gian như thể ta chưa từng tồn tại. Cứ chấp nhận đi. Sẽ không đau đớn đâu.”
Tôi giương mắt nhìn ông ta. Người lớn mà nói vậy thì tức là ta sẽ bị đau kinh khủng lắm, dù việc làm ta đau có là gì.
Người đàn ông đã chết mặc bộ vét dạ hội từ từ xoay đầu lại cho đến khi mặt ông ta đối diện với mặt tôi. Hai mắt ông ta trợn ngược lên toàn lòng trắng và dường như đang ngây nhìn vô hồn lên bầu trời bên trên tôi như một kẻ mộng du.
“Con bạn nhỏ của mi ấy, nó không cứu mi được đâu,” ông ta nói. “Số phận của mi đã được niêm phong và định đoạt từ mấy ngày trước rồi, từ khi con mồi của lũ kền kền dùng mi làm cửa dẫn từ chỗ của mụ ta đến chỗ này, từ khi mụ ta thắt chặt lối đi trong tim mi.”
“Tôi đâu có gây ra chuyện đó!”, tôi bảo ông ta. “Vậy là không công bằng. Ông đã gây ra chuyện đó.”
“Phải,” người thợ mỏ đã chết nói. “Mi có đi hay không đây?”
Tôi ngồi bệt xuống, dựa lưng vào cái cây chết ở giữa nhẫn thần, nhắm mắt lại, không nhúc nhích. Tôi nhớ lại mấy bài thơ và mở miệng đọc thầm cho khuây lãng đi.
Fury về nhà thấy
Liền gọi chuột bảo ngay
Mình lên tòa cả thảy
Ta tố mi kỳ này...
Tôi đã học thuộc lòng bài thơ ấy ở trường. Đó là lời kể của chú chuột trong truyện Alice ở xứ sở thần tiên, chú chuột Alice đã gặp khi chú đang bơi trong bể nước mắt của chính cô. Trong cuốn truyện của tôi, những dòng thơ cuộn tròn và co rút lại như cái đuôi con chuột.
Tôi có thể đọc một mạch cả bài thơ, và tôi đã làm thế, từ đầu chí cuối.
Quan tòa là ta này
Hội thẩm cũng ta đây,
Fury cáo già dạy,
a sẽ xử vụ ấy
Rồi thì ta sẽ đẩy
Án tử cho chú mày.
Khi tôi mở mắt ra ngước nhìn lên thì ông thợ mỏ đá mắt mèo đã không còn ở đó nữa.
Bầu trời đang ngả sang màu xám, vạn vật mất đi chiều sâu và trải phẳng lì vào ánh chạng vạng. Mấy bóng đen mà còn ở đó đi nữa thì tôi cũng không nhìn ra được; hay đúng hơn, cả thế gian đã trở thành những bóng đen.
Nhỏ em từ trên nhà chạy xuống, vừa chạy vừa gọi tên tôi. Nó dừng lại trước khi tới chỗ tôi rồi hỏi, “Anh đang làm gì đó?”
Chẳng làm gì cả.
“Bố đang nói chuyện điện thoại. Bố nói anh phải đến nói chuyện với bố.”
“Không. Không có chuyện đó đâu.”
“Gì cơ?”
“Bố không nói vậy.”
“Anh mà không tới ngay thì anh sẽ gặp rắc rối đấy.”
Tôi không biết đây có phải em tôi không, nhưng tôi đang ở bên trong vòng cỏ, còn nó ở ngoài.
Tôi ước gì mình có mang theo một cuốn sách, mặc dù trời đã gần tối mịt, không đọc được nữa rồi. Tôi thầm đọc lại trong đầu bài thơ “Bể nước mắt” của chú chuột.
Nhớ là phải đi đấy
Ta sẽ không lung lay
Lời khước từ giữ lấy
Hai ta ra tòa ngay
Ta không có việc mấy
Cả một buổi sáng này...
“Cô Ursula đâu?” em tôi hỏi. “Cô ấy lên phòng, nhưng rồi không còn ở đấy nữa. Cô ấy không ở trong bếp mà cũng không ở trong phòng vệ sinh. Em muốn ăn chiều. Em đói bụng rồi.”
“Em cứ tự làm cái gì mà ăn đi,” tôi bảo nó. “Em có còn là em bé đâu nào.”
“Cô Ursula đâu rồi?”
Mụ ta bị lũ kền kền yêu quái ngoài trái đất xé xác ra từng mảnh rồi, và nói thật thì anh nghĩ em là một đứa trong bọn chúng hoặc bị chúng khống chế hay sao ấy.
“Không biết.”
“Khi nào bố mẹ về, em sẽ mách bố mẹ là hôm nay anh hết sức dễ ghét với em. Anh sẽ gặp rắc rối cho mà xem.” Tôi băn khoăn không biết đây có phải là em tôi không. Nghe thì dứt khoát là con bé rồi. Nhưng con bé không bước thêm một bước nào qua vòng cỏ xanh vào trong chiếc nhẫn. Con bé lè lưỡi ra với tôi rồi chạy trở lại phía nhà.
Chuột nói bảo cặn ráy
Quý ông nghe tôi này
Quan tòa chẳng ở đây
Hội thẩm lại chả thấy
Một quan tòa như vậy
Đến cũng chỉ nhọc thây...
Trời nhá nhem tối, vạn vật không sắc màu và căng thẳng. Muỗi vo ve bên tai rồi đậu trên má và hai bàn tay tôi, từng con, từng con một. Tôi mừng là lúc ấy mình đang mặc thứ áo quần cổ quái mà ông anh họ của Lettie Hempstock để lại vì nhờ thế da thịt tôi không bị phơi trần ra quá nhiều. Tôi đập vào chỗ lũ muỗi đậu khiến chúng bay đi ít nhiều. Có một con không chịu bay đi, nó hút máu mặt trong cổ tay tôi đến căng ních cả người, và khi tôi đập thì nó vỡ toét ra, để lại một giọt máu lem nhem chảy xuống mặt trong cánh tay tôi.
Lũ dơi bay trên đầu tôi. Tôi thích dơi, đó giờ vẫn luôn thích, nhưng đêm đó chúng đông quá, chúng khiến tôi nghĩ đến lũ chim đói và làm tôi rùng cả mình.
Hoàng hôn đã thành màn đêm lúc nào không hay, và giờ tôi đang ngồi ở cuối vườn, trong một vòng tròn mà tôi không còn nhìn thấy được nữa. Những ánh đèn điện thân thiện vụt sáng trong nhà.
Tôi không muốn tỏ ra sợ bóng tối. Tôi không sợ bất cứ thứ gì có thật. Tôi chỉ không muốn ở đó thêm nữa, không muốn ngồi trong bóng tối chờ người bạn đã bỏ tôi chạy đi và dường như không trở lại.
... Fury cáo già dạy,
Ta sẽ xử vụ ấy
Rồi thì ta sẽ đẩy
Án tử cho chú mày.
Tôi vẫn ngồi yên ở đó. Tôi đã chứng kiến Ursula Monkton bị xé tan thành mấy mảnh giẻ rách, bị ngấu nghiến bởi lũ chim ăn xác thối đến từ một vũ trụ nằm ngoài tầm hiểu biết của tôi. Tôi tin chắc là mình mà bước ra ngoài vòng tròn thì chúng sẽ làm hệt như vậy với tôi.
Tôi chuyển từ truyện của Lewis Carroll sang bài hát của Gilbert và Sullivan.
Khi bạn thao thức đau đầu sầu thảm, niềm khắc khoải đâu cho bạn nghỉ ngơi, tôi hiểu bạn dùng ngôn ngữ mình cảm, để đường hoàng mê mải mãi chẳng rời...
Tôi thích thanh điệu trong mấy câu này mặc dù không hiểu rõ lắm nó muốn nói gì.
Tôi muốn đi tè. Tôi quay lưng về phía nhà, bước vài bước ra khỏi cái cây, cứ sợ mình mà bước xa quá đi một bước là sẽ ra ngoài vòng tròn. Tôi tè vào bóng tối. Tôi vừa tè xong và quay lại phía nhà thì có ánh đèn pin làm tôi chói mắt, rồi giọng bố hỏi, “Con đang làm cái quái gì dưới đây vậy?”
“Con... con chỉ ở dưới đây thôi,” tôi nói.
“Phải. Em con có nói. Thôi được, đến lúc quay về trên nhà rồi. Bữa ăn tối của con đã dọn sẵn trên bàn.”
Tôi cứ ở yên tại chỗ. “Không,” tôi vừa nói vừa lắc đầu.
“Đừng có ngốc thế.”
“Con không ngốc. Con sẽ ở lại đây.”
“Thôi nào.” Và rồi, bằng giọng vui vẻ hơn, “Đi nào, George Xinh Trai.” Đó từng là cái tên cưng nựng ngớ ngẩn bố đặt cho tôi ngày tôi còn bé. Bố còn sáng tác một bài hát theo cái tên ấy và thường hát mỗi khi tung tôi trong lòng. Đó là bài hát hay nhất trên đời.
Tôi nín thinh.
“Bố sẽ không ẵm con về trên nhà đâu,” bố nói. Sự bực dọc bắt đầu len lỏi vào giọng bố. “Con đã lớn quá rồi, đâu làm vậy được.”
Phải, tôi nghĩ. Còn bố sẽ phải bước vào nhẫn thần mà bế con.
Nhưng giờ thì dường như nhẫn thần mới thật ngớ ngẩn làm sao. Đây là bố tôi, không phải thứ hình nhân bằng sáp nào đó mà lũ chim đói biến hóa thành để dụ tôi ra. Trời tối rồi. Bố mới đi làm về. Đến lúc rồi.
Tôi nói, “Ursula Monkton đi luôn rồi. Cô ta sẽ không bao giờ về lại nữa đâu.”
Giọng bố nghe có vẻ tức giận. “Con đã làm gì? Con đã nói gì đáng ghét với cô ấy sao? Con đã hỗn xược phải không?”
“Không.”
Bố rọi tia đèn pin vào mặt tôi. Ánh đèn làm ta muốn lòa cả mắt. Trông như bố đang cố kiềm chế để khỏi nổi nóng. Bố nói, “Nói bố nghe xem con đã nói gì với cô ấy.”
“Con không nói gì với cô ta cả. Cô ta cứ vậy bỏ đi thôi.”
Điều đó là sự thật, hay gần như vậy.
“Quay vào nhà, ngay.”
“Làm ơn đi bố. Con phải ở lại đây.”
“Con quay vào nhà ngay!” bố tôi quát khản cả giọng, vậy là tôi không nhịn được nữa: môi dưới run run, nước mũi chảy thò lò, nước mắt trào ra. Nước mắt làm mắt tôi cay sè và nhòe đi, nhưng mấy giọt nước mắt không nhỏ xuống, rồi tôi chớp chớp để kìm nước mắt lại.
Tôi không biết có phải tôi đang nói chuyện với bố mình hay không.
Tôi nói, “Con không thích bố quát con.”
“Còn bố thì không thích con cư xử như con thú nhỏ mọn!” bố quát, và giờ thì tôi khóc thật rồi, nước mắt chảy giàn giụa trên mặt, đêm đó tôi ước gì mình đang ở đâu khác chứ không phải ở đây.
Trong vài giờ qua, tôi đã đương đầu với những thứ còn khủng khiếp hơn cả bố. Thế rồi, bất chợt tỏi chẳng còn quan tâm nữa. Tôi ngước nhìn lên hình thù đen thui đằng sau và bên trên ánh đèn pin mà nói, “Khiến một thằng bé khóc có làm bố thấy mình quan trọng không?” và khi vừa nói ra, tôi đã biết đó là điều mình không bao giờ nên nói.
Mặt bố, phần tôi thấy được trong ánh đèn pin, nhăn nhúm lại và trông sửng sốt. Bố mở miệng định nói gì đó nhưng rồi ngậm lại. Cả trước hay sau chuyện xảy ra lần đó, tôi nhớ bố chưa bao giờ lúng túng không biết phải nói gì như vậy. Chỉ có lúc ấy thôi. Tôi cảm thấy khổ sở. Tôi nghĩ, Mình sẽ sớm chết tại đây. Mình không muốn chết khi vừa, thốt ra những lời đó.
Nhưng ánh đèn pin xoay ra khỏi phía tôi. Bố chỉ nói, “Bố mẹ sẽ ở trên nhà. Bố sẽ cho bữa ăn tối của con vào lò hâm.”
Tôi nhìn ánh đèn pin đi lui qua bãi cỏ, ngang mấy bụi hồng rồi đi lên phía nhà cho đến khi tắt ngấm không thấy đâu nữa. Tôi nghe tiếng cửa sau mở ra rồi đóng lại.
Khi bạn chợp mắt nghỉ ngơi đôi chút, mặt nóng ran
cùng những cơn đau đầu, ác mộng ào vào giấc ngủ
như trút, chẳng thà thức còn hơn ngủ trong sầu...
Có ai đó cười. Tôi ngừng hát và nhìn quanh nhưng không thấy ai.
“Bài ca ác mộng,” một giọng nói vang lên. “Sao mà phù hợp quá.”
Mụ ta bước lại gần hơn cho đến khi tôi thấy được mặt mụ ta. Mụ ta vẫn gần như trần truồng và đang mỉm cười. Vài giờ trước, tôi đã thấy mụ ta bị xé tan thành từng mảnh, nhưng giờ thì mụ ta lành lặn. Vậy nhưng, trông mụ ta ít rắn chắc hơn những người tôi đã thấy đêm đó; tôi còn thấy được ánh đèn trong nhà lung linh đằng sau mụ ta, xuyên qua mụ ta. Nụ cười của mụ ta vẫn không đổi.
“Bà chết rồi mà,” tôi nói với mụ ta.
“Phải. Ta bị ăn thịt mất rồi,” Ursula Monkton nói.
“Bà chết rồi. Bà không có thật.”
“Ta đã bị ăn thịt,” mụ ta nhắc lại. “Ta không là gì cả. Nên chúng thả ta ra, chỉ một lát thôi, từ cái chốn bên trong chúng. Trong đó lạnh lẽo, trống trải lắm. Nhưng chúng đã hứa để mi cho ta, để ta còn có cái mà chơi; để ta có thứ bầu bạn trong bóng tối. Và khi mi bị ăn thịt mất rồi, mi cũng sẽ không là gì cả. Nhưng bất cứ thứ gì còn lại từ cái không là gì đó sẽ ở cùng ta, những mảnh bị nhai nuốt rồi tập trung lại cùng một chỗ ở trong đó sẽ là đồ chơi của ta, là thứ mua vui cho ta mãi mãi. Ta với mi sẽ rất chi là vui.”
Một bàn tay ma đưa lên chạm vào nụ cười, rồi nó thổi tới cho tôi bóng ma nụ hôn của Ursula Monkton.
“Ta sẽ chờ mi,” nó nói.
Trong bụi đỗ quyên đằng sau tôi có tiếng xào xạc, rồi một giọng thiếu nữ vui vẻ, trẻ trung nói, “Xong rồi. Bà của chị giải quyết chuyện đó rồi. Đã lo liệu mọi thứ cả rồi. Đi nào.”
Lúc này, mặt trăng đã ló ra bên trên bụi đỗ quyên, một mặt trăng lưỡi liềm sáng như cái viền móng tay dày.
Tôi ngồi xuống bên cái cây chết, không nhúc nhích.
“Đi nào ngốc. Chị bảo em rồi. Chúng về nhà rồi,” Lettie Hempstock nói.
“Nếu chị thật sự là Lettie Hempstock,” tôi bảo nó, “chị đến đây đi.”
Đứa con gái mờ ảo đó vẫn đứng yên. Rồi nó cười khanh khách, duỗi người ra và rùng một cái, thì ra nó lại chỉ là một bóng ma khác, một bóng ma làm đầy đêm đen.
“Mi đang đói,” một giọng nói trong đêm cất lên, và đó không còn là giọng của Lettie nữa. Nó có thể là giọng nói bên trong đầu tôi, nhưng nó đang nói ra thành tiếng. “Mi đang mệt. Gia đình mi ghét bỏ mi. Mi không có bạn bè. Còn Lettie Hempstock hả, ta rất lấy làm tiếc mà cho mi biết, con bé sẽ không bao giờ quay lại nữa đâu.”
Tôi ước gì mình thấy được ai đang nói. Nếu ta có cái gì cụ thể và hữu hình để sợ thì sẽ dễ đối phó hơn là cái có thể là bất cứ thứ gì.
“Chẳng ai quan tâm đâu,” giọng đó nói, vừa cam chịu vừa thực tế. “Nào, bước ra khỏi vòng tròn mà đến với bọn ta đi. Chỉ cần một bước thôi mà. Cứ đặt một bàn chân qua ngưỡng, rồi thì bọn ta sẽ làm cho mọi đau đớn tiêu tan mãi mãi: cơn đau mi cảm thấy lúc này và cơn đau sẽ còn đến. Nó sẽ không bao giờ xảy ra.”
Đó không còn là một giọng đơn lẻ nữa. Đó là hai người đang đồng thanh nói. Hay một trăm người. Tôi không phân biệt được. Nhiều giọng quá.
“Làm sao mi sung sướng được trên cõi đời này? Mi có một cái lỗ trong tim. Bên trong mi có một cánh cổng dẫn đến những vùng đất ở phía bên kia của thế giới mi biết. Bao giờ mi lớn lên, chúng sẽ mời gọi mi. Không một phút giây nào mi quên được chúng, không có lúc nào mà trong lòng mi không tìm kiếm thứ gì đó mi không thể có, cái gì đó mi còn chẳng thể mường tượng rõ ràng, không có nó thì giấc ngủ của mi, ngày tháng của mi và cả đời mi đều sẽ bị hủy hoại cho đến khi mi nhắm mắt lần cuối, cho đến khi người thân yêu của mi đầu độc mi và đem bán cho bên giải phẫu, và thậm chí lúc ấy mi cũng sẽ chết với cái lỗ bên trong, rồi mi sẽ than khóc nguyền rủa một cuộc đời yểu mệnh. Nhưng mi sẽ không lớn lên đâu. Mi hãy bước ra để bọn ta đặt dấu chấm hết cho những việc ấy một cách sạch sẽ, hoặc mi cứ chết rục trong đó vì đói khát và sợ hãi. Và khi mi chết thì cái vòng tròn của mi sẽ chẳng còn nghĩa lý gì nữa, rồi bọn ta sẽ moi tim mi ra và lấy linh hồn mi làm kỷ niệm.”
“Có lẽ sự thể sẽ giống như vậy,” tôi nói với màn đêm và mấy cái bóng, “mà cũng có thể không. Và có lẽ, nếu đúng là vậy thì dù sao nó vốn đã giống như vậy rồi. Tôi chẳng thiết. Tôi sẽ ngồi đây chờ chị Lettie Hempstock và chị ấy sẽ quay lại với tôi. Còn nếu tôi chết ở đây, tôi cũng sẽ chết khi đang chờ chị ấy, mà làm theo cách đó thì hay hơn là để các người và tất cả những thứ khủng khiếp, ngu ngốc các người xé xác tôi ra từng mảnh bởi bên trong tôi có cái thứ mà tôi thậm chí còn chẳng muốn.”
Im lặng. Mấy cái bóng dường như lại một lần nữa biến thành một phần của đêm đen. Tôi ngẫm nghĩ điều mình vừa nói và biết đó là sự thật. Phút giây ấy, lần đầu tiên trong tuổi thơ mình, tôi không sợ bóng tối và đã hết sức sẵn sàng để chết (sẵn sàng như bất kỳ đứa bảy tuổi nào có thể sẵn sàng, những đứa luôn đinh ninh trong đầu là mình sẽ bất tử), nếu như tôi chết trong khi chờ Lettie. Vì cô bé là bạn tôi.
Thời gian trôi qua. Tôi chờ đợi màn đêm lại bắt đầu nói chuyện với mình, chờ mọi người đến, chờ cả lũ bóng ma và yêu quái từ trí tưởng tượng của tôi đứng bên ngoài vòng tròn mà gọi tôi ra, nhưng tôi không thấy có gì khác nữa. Không phải lúc đó. Tôi chỉ đợi.
Mặt trăng lên cao hơn. Mắt tôi đã quen với bóng tối. Tôi hát lí nhí, miệng thì thầm lặp đi lặp lại mấy câu.
Người ốm liên miên
Cổ thì bị vẹo,
Đạt đầu không khéo
Sàn ngáy o o,
Từ gót lên giò
Cứ tê tê mãi,
Da thịt sởn gai
Cẳng chân ngủ khẽ,
Ngón chân vọp bẻ
Mũi đậu chú ruồi
Phổi bông một nùi
Lưỡi thì nóng bốc,
Cổ khô không khốc
Cảm giác lông bông
Chẳng say giấc nồng...
Tôi hát cho mình nghe cả bài, một hơi từ đầu chí cuối, hai hay ba lần, và tôi thấy nhẹ nhõm vì mình thuộc lời, dù cho không phải lúc nào tôi cũng hiểu được.