Số lần đọc/download: 2158 / 38
Cập nhật: 2015-11-10 18:12:21 +0700
Chương 12
G
rê-gô-ri Xanh Vanh-xăng mau chóng trở thành một trong những nhân vật tai mắt nhất của xã hội Đao-sơn. Là đại diện cho hội "Liên hiệp báo chí", hắn luôn luôn có sẵn những lá thư giới thiệu sốt sắng nhất với những viên chức cao cấp và những nhân vật có thế lực của xứ sở này. Dần dà, hắn được tiếng là một nhà thám hiểm có tầm cỡ lớn, một con người đã lưu lạc và vật lộn ờ khắp mọi nơi trên trái đất. Với một tiếng tăm như thế nhưng hắn lại tỏ ra khiêm tốn và nhã nhặn đến mức những thành công của hắn không hề làm lu mờ một ai hết.
Tình cờ hắn gặp lại ở đây những người quen cũ. trước đây hắn đã gặp ông Gia-côp Oen-sơ ở Xanh Mi-xen vào mùa thu năm 88, trước khi hắn vượt qua eo biển Bê-rinh trên mặt băng một ít lâu. Khoảng một tháng sau, cha Bác-nom đi ngược dòng sông để trở lại vị trí giám đốc bệnh viện đã gặp hắn ở 200 kilômét về phía bắc của Xanh Mi-xen.
Đại úy A-lếch-xăng-đơ, cảnh sát trưởng, cũng đã tiếp xúc với hắn ờ sứ quán Anh ở Bắc kinh, và Bét-tơn một người bạn cố tri cũ, đã biết hắn ở Po I-u-kông từ 9 năm trước đây.
Bởi vậy dân thành Đao-sơn thường vẫn nghi kỵ những người mới đến nhưng với hắn thì lại dang tay ra tiếp đón. Nhất là đám các bà các cô thì càng dành cho hắn một sự ưu ái đặc biệt. Hắn tổ chức những cuộc vui, dựng những vở kịch nghiệp dư thì hết ý và chẳng mấy chốc nếu như không có mặt hắn thì chẳng có buổi liên hoan nào được trọn vẹn.
Phrôna, theo lời bạn bè cô nói ra, thì cô rất thích nhà viết kịch íp-sen và cô muốn dựng vở kịch "ngồi nhà của búp bê" và tự dành cho mình vai Nôra. Coóc-lít chắc sẽ phải sắm vai Toóc-van nhưng hình như anh không quan tâm đến kịch nữa, viện cớ rằng bận việc khẩn cấp nên đề nghị nhường vai của anh cho người khác. Xanh Vanh-xăng nhận thay cho anh ngay, không hề tỏ ra tự ái. Tuy nhiên Coóc-lít vẫn tham dự một buổi diễn tập. Có thể vì anh cảm thấy mỏi mệt sau một cuộc hành trình dài 60 kilômét với đàn chó hoặc vì anh thấy nhân vật Tooc-van sao lại cứ hay ôm eo Nôra để thủ thỉ vào tai nàng những lời dịu dàng cho nên về sau người ta không bao giờ thấy anh có mặt ở những buổi diễn tập nữa.
Nói cho đúng ra, anh thật sự rất bận rộn, khi anh không rong ruổi trên đường mòn thì anh lại ngồi lì trong phòng với ông Gia-côp Oen-sơ và đại tá Tơ-rit-ta-nê. Do việc ông Gia-côp Oen-sơ, một con người khôn ngoan mà đã bỏ hàng triệu đôla ra để hùn vốn vào việc khai thác khu đất nhượng do anh điều khiển thì người ta đủ biết tầm quan trọng của công việc anh làm. Coóc-lít bao giờ cũng là người miệng nói tay làm. Khi anh phát hiện ra rằng với tất cả mớ kiến thức sách vở của anh, anh vẫn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, thì anh bắt đầu coi việc phải học hỏi nhiều hơn nữa là vấn đề danh dự. Chính anh cũng ngạc nhiên về sự thiếu thận trọng của những người đã giao phó cho anh một trách nhiệm như thế và anh đã nói điều đó ra với ông đại tá. Vị đại tá này, một mặt vẫn thừa nhận những khiếm khuyết của người bạn trẻ về một số vấn đề nhưng mặt khác lại kính trọng tính khiêm tốn của anh và tin rằng anh sẽ thích ứng nhanh chóng với những yêu cầu của cuộc sống mới.
Còn Đen Bi-xốp tuy lúc nào cũng chỉ nghĩ đến những lợi ích riêng của mình nhưng cũng bằng lòng giúp việc cho Coóc-lít bởi vì công việc ấy tạo cho anh ta cơ hội để được đi khắp mọi nơi. Với một đàn chó tuyệt vời và dược trang bị đầy đủ, anh ta chỉ việc dỏng tai căng mắt ra để mà tìm kiếm một rốn vàng. Nhưng không phải vì thế mà anh sao nhãng bổn phận của mình, anh đã ghi vào đầu óc tất cả những dữ kiện thiên nhiên liên quan đến đất đai ở vùng này vùng nọ, để đến mùa hè, khi tuyết tan, anh dự định sẽ ngược dòng sông để đi đến tận ngọn nguồn.
Coóc-lít là một ông chủ tốt, anh trả lương hậu cho những người giúp việc và đòi hỏi họ cũng phải làm việc tích cực như chính anh. Những ai đã giúp việc cho anh thì hoặc là được nhân lên gấp bội khả năng của mình hoặc là phải cuốn xéo ngay lập tức với những lời chua chát về cuộc sống của anh. Ông Oen-sơ đã biết đánh giá cao người kỹ sư mỏ trẻ tuổi này, đi tới đâu ông cũng hết lời ca ngợi. Phrôna là người đầu tiên vui mừng vì những lời ca ngợi ấy vì cô cũng có những cảm tình như bố đối với Coóc-lít, nhưng Coóc-lít thì quá bận rộn nên càng ngày cô càng ít gặp anh, trong khi đó thì Xanh Vanh-xăng lúc nào cũng quanh quẩn bên cô hầu hết những lúc rỗi rãi của hắn ta. Tính cách bộc tuệch và lạc quan của hắn làm cho Phrôna thích và hắn đáp ứng hoàn toàn lý tưởng của cô về một con người mộc mạc chất phác. Lúc đầu, cô tỏ ra hoài nghi một chút khi nghe hắn kể về những chiến công của hắn nhưng những mối nghi kỵ đó đã mau chóng tan biến đi vì những người biết về những xứ sở hắn đã đi qua đều phải khăng định lời hắn nói là đúng.
Như thế là đã có nhà báo Y-ăng Sô-lây của báo tin tức Ban-nô và Hôm, có viết bài nhắc đến cuộc trở về thế giới văn minh của hắn vào năm 91 và đã gây ra được sự hứng thú ở khắp nơi. Xit Uynh-slô cũng đã có dịp gặp hắn một ít lâu sau khi hắn được một chiếc tàu của hải quan đưa về Hoa Kỳ. Sau hết, hắn tỏ ra là một con người khá lịch lãm. Phrôna còn nhận thấy ngay là ở hắn dung dưỡng một sức sống của người cổ và sự kiêu hãnh về dòng giống của mình.
Khi vắng mặt Coóc-lít, hai người cũng vỗn thường gặp nhau và cuối cùng là trở nên rất tâm đắc. Sự thân thiết giữa Phrôna và Xanh Vanh-xăng làm cho Coóc-lít rất không hài lòng. Trong những phút chốc ngắn ngủi mà anh có thể dành được cho cô thì sự có mặt của người khách tự nhiên xuất hiện này làm cho anh không thể chịu nổi. Coóc-lít và một số người đã chứng kiến cuộc xung đột ở quán rượu thì chẳng thấy thích Xanh Vanh-xăng mấy và chỉ tiếp chuyện hắn một cách chiếu lệ.
Đã một đôi lần, ông Tư-rit-ta-nê đánh bạo nói về Xanh Vanh-xăng bằng một giọng hơi châm biếm thì lập tức hắn được mấy bà mấy cô vốn khâm phục hắn ra sức bảo vệ đến nỗi ông đại tá vội khéo léo lái ngay câu chuyện sang vấn đề khác. Một dịp khác, Coóc-lít sau khi nghe bà Xô-vin hết lời tâng bốc ca ngợi con người anh hùng ấy bèn cười một cách ngờ vực thì thấy Phrôna đỏ mặt lên và cau mày làm cho anh hiểu ngay là cần phải cảnh giác.
Một hôm nữa, anh vô ý nhắc đến câu chuyên đã xảy ra ở quán rượu. Câu chuyện anh định nói ra trong buổi tối hôm ấy không nhằm làm tăng thêm uy tín của anh cũng như của Xanh Vanh-xăng nhưng cô đã ngắt lời anh ngay từ đầu:
- Em đã biết chuyện đó rồi. Ông Xanh Vanh-xăng đã nói cho em biết. Hình như là từ tối hôm đó ông ta mới quen biết anh. Các anh đã phải đánh nhau một cách chính đáng vì ông ta, nhất là anh và đại tá Tơ-rít-ta-nê. Ông ta nói về anh một cách kính phục, thậm chí rất nhiệt thành.
Coóc-lít khoát một cử chỉ phản dối.
Thật đấy, thật đấy! em bảo đảm với anh như vậy! Hình như các anh đã tỏ ra rất anh dũng. Thật là thú vị biết chừng nào khi ta được giải phóng con người thô bạo vẫn ẩn náu trong ta, được làm theo cái bản năng tự nhiên ấy và mặc cho sự phẫn nộ lôi kéo ta đi, trong lúc đó thì lương tri dẫn dắt ta vẫn bình thản quan sát và tuyên bố: Đó là cái tôi thứ hai của tôi đang đánh nhau một cách mù quáng, còn tôi Chỉ là trọng tài điều khiển trận đấu vì tính chất chính nghĩa của nó nên tôi đã ra lệnh cho cái bản năng nguyên thủy của tôi vùng dậy hay không được tham gia. Ôi, sao mà tôi muốn là nam giới thế!
Thế là Cooc—lit ra về, hài lòng vì thấy mình giữ được sự dè dặt, ý tứ. Anh cũng thấy phải thán phục sự thận trọng của gã Xanh Vanh-xăng này, hắn đã dự phòng trước mọi điều không hay nói về hắn nên đã kể trước câu chuyện một cách khiêm tốn như thường lệ, nghĩa là bao giờ cũng Chỉ đóng một vai trò rất mờ nhạt.
Hai người đàn ông và một phụ nữ! Từ thời tổ tiên chúng ta rời bỏ cuộc sống leo trèo trên cây để đứng thẳng trên mặt đất thì bộ ba này vẫn là một trong những nhân tố mạnh mẽ nhất của những mâu thuẫn và bi kịch xảy ra trong lịch sử của loài người. Lẽ dĩ nhiên cùng còn có những nguyên nhân thứ yếu khác nữa tham gia đúng lúc đó cho diễn biến của những mâu thuẫn và xung đột ấy trở nên gay cấn hơn.
Câu chuyên sau đây xảy ra trong căn lều bên con đường mòn ở Mi-lơ Krik, nơi Coóc-lít muốn được quyền quản lý một số khu đất nhượng có vàng để tính chuyện khai thác trên quy mô lớn. Đen Bi-xôp tính vốn nóng nảy, lại được giao phó trách nhiệm giúp anh thực hiện ý đồ đó.
_ Tôi mà vớ được một mạch vàng thì chắc chắn tôi sẽ không thắp nến mà sống ở cái xứ chết tiệt này đâu.
Gã thợ mỏ lớn tiếng tuyên bố như vậy trong lúc làm tan một cục đá để lấy nước pha cà phê.
- Thì anh sẽ dùng đèn dầu hỏa chứ gì? Coóc-lít hỏi, khi anh đang, bận rán mỡ trên cái chảo.
- Đèn dầu hỏa thôi ư? Cái đó thì thấm tháp gì! Anh sẽ chỉ nhìn thấy khói trên con đường mòn tôi đi khi tôi quyết định chuồn về quê hương của Chúa với đồng tiền xủng xoảng trong túi và mặt trời trong tim. Anh nghĩ thế nào về một miếng bí-tết đầy đặn, xung quanh có khoai rán và...? Khi về đến nơi tôi sẽ bắt đầu bằng việc đánh chén cái đã. Sau đó trong vòng 1 tuần tôi sẽ phá phách xả láng...ở Xít-tơn hay ở San Francisco cũng được rồi.
- Rồi khi đã không còn đồng xu dính túi thì anh sẽ lại bắt buộc phải làm việc chứ gì.
Không, không đời nào! Đen Bi-xôp gầm lên. Tôi sẽ để đồng tiền của tôi vào chỗ bảo đảm và, hấp! đi về California phương nam. Đã từ lâu tôi mơ ước có một trang trại nhỏ ở đó...Tôi sẽ mua một trang trại 40 ngàn đôla. Tôi không muốn phải vất vả lam lũ để có miếng ăn nữa. Phải, tôi đã nghĩ đến điều đó từ khá lâu nay rồi. Tôi sẽ thuê mướn người để khai khẩn trang trại cho tôi, có một người quản lý để điều hành mọi công việc và tôi sẽ chia phần trăm hoa lợi cho anh ta. Trong chuồng ngựa của tôi luôn luôn có sẵn hai con ngựa để khi nào tôi nổi máu vàng lên là lên ngựa đi ngay. Đó là một xứ sở có vô số những mạch vàng, nhất là ở phương đông và vùng ven sa mạc.
Thật ư?
- Có, chắc chắn phải có chứ, có giàn hoa leo thơm ngát bò trên tường và sau nhà là một vườn rau trồng đậu đũa, mồng tơi, bắp cải và nhiều thứ linh tinh khác nữa. Tôi cũng sẽ có một người vợ để giữ tôi ở nhà mỗi khi tôi thèm đi trăng hoa. Anh có biết đó là cái tính gì không, đó là cái tính không ngồi yên được sau một đoạn đời lê la tìm kiếm khắp nơi rồi trở về. Điều này có liên quan đến anh đấy. Cái tính đó còn tồi tệ hơn cả nghiện rượu cờ bạc hay cá ngựa. phụ nữ không bị mắc cái tật này. Bởi vậy khi ta quá mải mê với vàng thì ta phải tu tỉnh và lấy vợ đi. Đó là phương thuốc duy nhất. Tôi quyết tâm như vậy đã lâu rồi. Coóc-lít, hãy nghe tôi khuyên đây, cả anh nữa cũng nên lấy vợ đi...Đừng có chần chừ, phải bỏ ngay cuộc sống độc thân đi.
Coóc—lít phá ra cười.
- Tôi không nói đùa đâu. Tôi lớn tuổi hơn anh, tôi có kinh nghiệm. Tôi biết hiện nay ở Đao-sơn có một người con gái thanh tú mà tôi muốn anh kết hôn. cả hai người đều rất xứng đôi vừa lứa.
Coóc-lít đã chuyển sang giai đoạn mà có thể anh đã cho phép Đen Bi-xôp tham dự vào cả những công việc riêng của anh. Những tối ngủ lại bên đường ở trong lều, sự mập mờ giữa chủ và thợ khi cùng đắp chung một tấm chăn đã mau chóng san bằng sự khác biệt về đẳng cấp xã hội, cho nên anh không đáp, và tiếp tục lật đi lật lại chiếc bánh rán trên chảo.
- Tại sao anh không thử đánh tiếng đi? Đen Bi-xôp vẫn hỏi miết. Cô ấy không biểu lộ gì với anh sao? Chắc là phải có chứ, ngoại trừ anh không nghĩ đến chuyện gia đình khi anh tiếp xúc với cô ấy. Anh nên thử xem sao khi còn đủ thời gian. Anh hãy nghe câu chuyện đã xảy ra với tôi đây. Trước đây tôi quen biết Em-mi, một phụ nữ. Hai chúng tôi lập tức mê nhau ngay. Nhưng bởi tôi quá mê mẩn vì cơn sốt vàng nên tôi không thể ngồi yên một chỗ được mãi. Thế là có một gã sơn tràng đen như củ súng, bắt đầu lăng xăng bên cô ta. Lúc tôi sắp sửa quyết định ngỏ lời với cô ta thì tôi lại phải ra đi để thăm dò một rốn vàng...Cái rốn vàng cuối cùng...Khi tôi quay về thì cô ấy đã trở thành "bà Tác-tăm-pông" rồi.
Anh hãy đề phòng! Phải coi chừng cái tên nhà báo ấy, cái thằng khốn kiếp mà tôi đã cho nó một quả đấm ở cửa câu lạc bộ đó. Nó không buông tha cô ấy ra đâu, trong khi đó thì anh cũng như tôi trước đây, anh đi khắp đó đây và bỏ qua cơ hội duy nhất. Hãy nghe tôi, Coóc-lít! Một buổi sáng lành lạnh nào đó, anh trở về nhà và đã thấy họ thành vợ thành chồng rồi. Tôi nói thật đấy! Khi đó thì anh không còn cách an ủi nào khác là lại ra đi để tìm vàng.
Cái viễn cảnh u ám đó làm cho Coóc—lít rất khó chịu đến nỗi anh phải yêu cầu Đen Bi-xôp im đi.
- Tôi im ư? Tôi mà lại phải im à?
Gã thợ mỏ hỏi lại bằng một vẻ rất tức tối đến nỗi làm cho Coóc-lít phải bật cười.
- Này, thế thì ở địa vị tôi thì anh sẽ làm gì? Anh hỏi Đen Bi-xốp.
- Vì quyền lợi của chính anh nên tôi sẽ nói để anh biết. Ngay khi ta quay về Đao-sơn, anh phải đến thăm cô ấy ngay. Phải hẹn gặp cô ấy lu bù, dù có phải ghi vào sổ tay nếu như sợ quên mất. Phải choán hết thì giờ rỗi của cô ấy, như vậy gã kia sẽ bị loại ra. Đừng có quỳ rạp dưới chân cô ấy mà ngỏ lời, như thế không có nhằm gì đâu, cũng không được tỏ ra quá kiêu hãnh hay quá khinh khỉnh, phải vừa vặn. Anh hiểu không? Rồi khi thấy cô ta nở nụ cười hài lòng thì hãy ngỏ lời cầu hôn. Lẽ dĩ nhiên tôi không thể nói với anh sau đó phải làm những gì. Tự anh phải dự đoán trước! Nhưng chớ có dài dòng. Thà rằng nói ngay còn hơn là không nói gì. Nếu thằng khốn nạn kia định chõ mũi vào việc của anh thì hay lôi nó vào nhà và khóa cửa lại! Phải dạy cho nó một bài học! Hoặc tốt hơn nữa là dẫn nó vào một góc và nói cho nó biết hai điều thôi. Nói cho nó hiểu rằng anh thực chất không phải thuộc loại hiền lành đâu và nếu từ nay nó còn dính mũi vào thì anh sẽ đánh vỡ mặt nó ra!
Bi-xôp đứng dậy, vươn vai rồi đi ra ngoài để cho lũ chó ăn:
- Đừng có quên đánh cho nó vỡ mặt! Gã vừa quay lưng vừa nhắc lại. Nếu như anh thấy kinh tởm quá thì cứ gọi tôi đến. Không việc gì phải đắn đo cả, tôi bảo đảm với anh.