Always read something that will make you look good if you die in the middle of it.

P.J. O'Rourke

 
 
 
 
 
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7729 / 149
Cập nhật: 2017-08-09 10:29:29 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chuyện Không Có Trong Sự Thật
ách đây mười năm anh là một chính khách thời thượng. Chị cũng vậy, chị là một nhà giáo mẫu mực. Khắp thành phố, giới thượng lưu không ai không biết tiếng anh chị. Họ sống với nhau êm thấm hai mươi năm trong một biệt thự nhỏ phía tây Thành phố.
Tôi ở gần nhà anh chị. Thuở nhỏ luôn luôn được anh chị gọi sang nhà cho kẹo bánh hay hoa quả, đôi khi cho cả đồ chơi và áo quần. Anh chị không có con trai nên quý tôi như con, cả hai đều vui vẻ gọi tôi là “ông rể tồ”.
Lớn lên một chút, tôi được chị xin cho vào học trường chị dạy, dù tôi không đủ điểm nhập trường, và được chị kèm cặp dạy dỗ rất chu đáo. Chị nói: “Em tuổi thân, gắng công tu dưỡng, sau này có chữ để dùng”. Anh nói: “Thằng này làm luật sư nhất định sẽ hảo hạng”.
Khi tôi có truyện đăng báo, chị mừng rú. Chị cầm tờ báo, lôi tuột tôi vào phòng làm việc của anh: “Đây này, đọc đi rồi biết ai đoán đúng. Em đã bảo là cấm có sai. Chữ nghĩa nghĩa tuyệt vời đấy, đừng có đùa với nó nhé!”
Chị đương nhiên trở thành bạn đọc thân thiết số một của tôi. Tất cả những gì viết ra tôi đều trình chị trước và nhận được vô vàn lời khuyên chí tình của chị. Trí khôn của tôi được mở mang là nhờ chị, chỉ có chị không còn ai.
Từ ngày hai đứa con gái anh chị đi lấy chồng xa, tôi nghiễm nhiên trở thành một thành viên trong gia đình anh chị. Nhiều ngày ăn uống ngủ ngáy luôn ở đấy, không về nhà.
Năm tám tư, anh dự tiệc mừng người bạn nối khố vừa nhậm chức thị trưởng, loáng quáng thế nào bị rơi từ tầng hai xuống. Không chết, chỉ liệt cột sống. Chị mừng quá, khóc hu hu: “Nhà ta còn hồng phúc”. Anh cũng thế, cũng mừng lắm: “Phải rời nghị trường cũng tiếc, đang có cơ để phất. Bù lại, được gần em suốt ngày”. Chị ôm anh hôn chùn chụt: “Chúng mình sắp già rồi, được gần nhau giờ nào hay giờ đó, nghị trường mà làm gì?…” Tôi nghĩ thầm: “Sau này lấy vợ, cố làm sao kiếm được một người đàn bà như chị”.
Chị dặn tôi: “Anh phải nằm liệt giường, thích có người tâm sự. Chị lại bận rộn việc dạy, cơm áo gạo tiền. Em nên đến thăm anh luôn”. Tôi vâng dạ nhưng không thực hiện được.
Tôi làm báo ra hàng ngày, công việc lu bu quá, hết vào Nam lại ra Bắc, có khi dăm bảy tháng không ghé thăm anh được một lần. Tự thấy áy náy, bèn nghĩ ra sáng kiến mua một con mèo tam thể tặng anh để anh nằm vuốt ve nó, tâm sự với nó những lúc chị vắng nhà và mua luôn con chó becgie tặng chị để chị có bạn đường, lúc chị đi đây đi đó.
Anh chị mừng lắm, tranh nhau khen tôi thông minh và lịch lãm. Con mèo tên là con Ki, con chó tên là thằng Cóp. Quả thật tôi ki cóp mãi mới dành được số tiền đủ làm việc nghĩa nói trên. Về sự nhạy cảm và tinh ý, anh chị thật tuyệt vời.
Mỗi bận tôi tới thăm là dịp cho anh chị tha hồ ca ngợi con Ki thằng Cóp. Anh kể con Ki rất thích nghe chuyện cổ tích. Nó nằm khoanh tròn bên anh, mắt lim dim nghe anh kể hết chuyện này sang chuyện khác, không biết chán. Đến đoạn hay, hai chân trước của nó cào cào xuống chiếu, miệng kêu “miu miu” ra chiều thích thú lắm.
Chị kể thằng Cóp là tên nô lệ thông minh và trung thành. Tuồng như nó hiểu hết những gì anh chị mong muốn. Nó làm việc vặt rất giỏi. Tỉ như ra mở chốt cổng mời khách vào, nhặt nhạnh đồ rơi vãi xếp lại một chỗ, thậm chí cả việc đun củi vào bếp nó cũng làm được.
Tôi mừng lắm, cho rằng nhờ tôi mà anh chị vẫn hạnh phúc như xưa.
Tôi đến thăm anh chị ngày một thưa thớt dần. Phần vì công việc, phần vì có chút ít tên tuổi, hoạt động quảng giao của tôi được nới rộng ra, hội hè đình đám luôn luôn, nhiều tháng hầu như tôi không nghĩ gì tới anh chị.
Một lần tình cờ tôi gặp chị dạo chơi với thằng Cóp trong công viên. Chị gầy hẳn, mắt có quầng thâm. Tôi hỏi vì sao thế, chị không nói, lẳng lặng kéo tôi đến một chiếc ghế đá. Thằng Cóp nằm bẹp dưới chân chị, vểnh tai nghe chúng tôi tâm sự, cặp mắt màu nâu nhạt của nó ánh lên vẻ cảnh giác.
Tôi hỏi: “Chị bị bệnh mất ngủ phải không?” Chị thở dài: “Chẳng có gì giấu được em.” Tôi hỏi: “Anh chị có chuyện gì phải không?” Chị khẽ lắc đầu: “Không. Anh vẫn yêu chị. Chị cũng thế, vẫn yêu anh”. Mắt chị rân rấn nước. Tôi không hỏi nữa.
Thằng Cóp thè lè lưỡi liếm chân chị. Nó liếm rất khéo. Nó đưa lưỡi lướt nhẹ từ đầu ngón chân chị, vòng ra sau gót, rồi ghểnh mõm liếm dần lên bắp chân chị. Chị khẽ rùng mình, mặt rúm lại. “Cóp!” - Chị quát và hất nhẹ nó ra. Nó kêu ư ử, làm mặt giận bỏ đi xa.
Gần nửa giờ sau tôi ngập ngừng hỏi: “Em hỏi thật chị chuyện này…” Mới nghe thế chị đã giật mình đánh thót, mặt đỏ ửng, miệng lắp bắp: “Chuyện gì vậy?” Thấy vậy tôi im re, ngồi hút thuốc hết điếu này đến điếu khác.
Chị nửa muốn nghe tôi nói, nửa sợ tôi phải nói ra. Ngồi lâu không chuyện gì cũng chán, chị rủ về nhà làm vài món nhậu chơi. Gặp tôi, anh mừng lắm, nói liên miên, uống rượu tì tì. Xưa nay anh không như vậy. Anh vốn nói năng chừng mực, hầu như không có câu gì nói ra mà không nghĩ trước. Rượu cũng vậy, chỉ đến chén thứ ba ai ép thế nào cũng nhất định “mình xin thôi”.
Anh già sọm đi, gân mặt nổi nhằng chịt. Hỏi, anh bảo: “Không. Mình vẫn ăn ngon ngủ yên”. Chị sà vào lòng anh, cầm mũi anh day day: “Thôi, đừng nói dối nữa ông mãnh ơi”. Anh bỗng nổi cáu, hất tay chị ra: “Sao em cười nhạt thế?” Chị xịu mặt. Khóc. Bỏ vào buồng nằm.
Thằng Cóp nhảy chồm lên đùi tôi. Tôi vuốt ve nó, cho nó miếng sườn lợn. Thấy thế, anh đập bàn quát: “Cóp! Cút ngay!” Thằng Cóp cụp tai lủi mất. Tôi hỏi: “Sao tự dưng anh lại nổi đoá với nó?” Anh cau mày: “Nhìn mặt nó gian lắm!”
Tôi xin phép ra về, anh vội vàng giữ lại: “Mười phút nữa về, được không?” Biết anh có chuyện gì quan trọng, tôi ngồi lại. Đợi mãi vẫn không thấy anh nói gì, hút hết bao thuốc vẫn không nói gì, mắt vẫn trân trố nhìn lên trần nhà.
Tôi nói: “Có lẽ em sẽ kiếm một cái đầu vidéo, anh chị xem phim cho vui.” Anh bảo: “Thôi.” Sau lại bảo: “Ừ, hay đấy”. Quá nửa đêm anh mới cầm tay tôi, run run: “Em biết hoàn cảnh anh chị rồi đấy…” Anh ngừng, vớ cốc to rượu tu sạch mới nói tiếp: “Tự lòng thành của anh… Em là em của anh chị. Em có quyền làm cho anh… và chị vui”. Nói rồi mặt anh đuỗn ra, nước mắt giàn giụa: “Chị buồn lắm!”
Tối đó tôi không ngủ được.
Chiều sau tôi đến rủ chị đi tắm biển. Anh mừng ra mặt, luôn mồm giục chị. Chị tỏ vẻ không ưa lắm. Anh cười nửa miệng. Thằng Cóp quanh quẩn bên chân chị, nó đòi đi, chị không cho. Chị lừa nó vào buồng sập cửa, nó tinh ý lủi mất.
Tôi chở chị ra biển được năm phút đã thấy thằng Cóp vọt tới. Nó sà vào lòng chị, miệng ư ử, đuôi ngoáy tít. Chị đẩy nó ra, mắng: “Mày khôn như chó!” Tôi phì cười: “Có nó thêm vui, việc gì!” Chị lườm tôi: “Chuyện!…”
Chị ngồi trên phao, tôi bơi đứng đẩy chị ra xa. Chị cười nói ríu rít. Thằng Cóp bơi theo chúng tôi, được vài chục mét, bị sóng đánh nó phải quay trở vào. Nó đứng trên bờ tức tối sủa nhặng xị. Chị nhìn nó cười: “Đáng kiếp!” Tôi nói: “Chị quan tâm đến nó làm gì?” Chị sầm mặt: “Nó hư lắm”.
Nhiệm vụ của tôi là làm sao cho chị vui, anh dặn thế. Tôi đẩy phao chị bay qua từng đợt sóng. Chị bấu chặt lấy tôi, không ngớt miệng kêu: “Ôi, sợ quá!” Và cười ré lên, sặc nước.
Mặt trời sắp lặn, tôi đưa chị vào bờ. Chúng tôi nằm sấp trên cát ấm. Thằng Cóp vui mừng lao tới, chồm lên lưng chị, thè lưỡi liếm lưng. Chị hét lên một tiếng kinh hồn, co cẳng đạp vào mặt thằng Cóp. Nó lăn ra, lộn mấy vòng trên cát. Nó cụp đuôi, hằm hằm nhìn tôi như nhìn một thằng vô lại, như chính tôi đánh nó chứ không phải là chị.
Bây giờ mới nhìn thấy trên lưng chị có nhiều vết bầm đỏ. Định hỏi chị vì sao nhưng lại thôi. Chị nói: “Đã lâu lắm chị mới có một buổi chiều như thế này”. Tôi hỏi: “Chị có thích không?” Ngón tay trỏ của chị gí vào trán tôi: “Ngốc ơi, lại còn hỏi nữa”.
Tôi cười cười, nửa đùa nửa thật: “Em không đưa chị đi tắm luôn luôn được. Chị muốn có nhiều buổi chiều như thế này, tốt nhất chị nên kiếm lấy một tình yêu, dù chỉ là tình vờ…” Ngỡ chị cười to, ném cát vào tôi: “Này, xui dại này”, không ngờ chị im lặng, đăm đắm nhìn ra biển.
Sẫm tối, gió biển hùn lên. Chị lật người ép sát vào người tôi, nói: “Em ôm chặt vào, chị lạnh quá”. Chị mềm và ấm và ngậy mùi đàn bà. Tôi nuốt nước bọt nằm im.
Thằng Cóp từ đâu lết tới, nó ngoạm vào chân trái tôi kéo mạnh ra. Tôi nghĩ bụng: “Mẹ, nó là chó mà ranh thật”. Và bật dậy. Chị ngơ ngác hỏi: “Sao thế?” Một lát sau chị thở hắt ra: “Cũng đúng thôi… chị là chị của em”. Chị ngả vào vai tôi thì thầm: “Em khuyên chị kiếm lấy một tình vờ phải không? Chị không làm thế được…” - “Chị yêu anh quá phải không?” - “Ừ, yêu muốn chết đi được. với lại… chị nhỡ sắm vai sang trọng mất rồi”. Chị ôm tôi nấc lên. Tôi ngậm ngùi đưa chị về nhà, không nói một lời.
Tối đó tôi lại không ngủ được. Hễ chợp mắt lại thấy con vượn đen cụt đầu. Hãi quá, đái cả ra quần.
Hôm sau, tôi kiếm cớ đi công tác, đi thật xa thật lâu ngày. Được một tuần, ruột gan bỗng cồn cào, làm việc gì cũng hỏng, đành quay về.
Thấy tôi, anh mừng quýnh: “Đi đâu mà lâu thế?” Tôi thú thật: “Đang ở tỉnh Q. không hiểu sao ruột gan như lửa đốt. Ở nhà có chuyện gì không? Chị đâu?” Anh cười cười: “Có chuyện gì đâu. Vẫn thế. Vẫn mất ngủ. Chị ở trong nhà tắm. Dạo này sáng nào chị cũng ở trong nhà tắm cả tiếng đồng hồ.”
Con Ki thấy tôi, nó rón rén sà vào lòng. Thằng Cóp lấc láo nhìn tôi, không thèm vẫy đuôi. Tôi nói: “Con Ki, thằng Cóp mỗi đứa một tính”. Anh gật đầu: “Ừ. Dạo này chúng nó hay đánh nhau lắm. Con Ki luôn gây sự với thằng Cóp. Có hôm nó cắn cổ thằng Cóp rách bươm”.
Anh với tay lấy chai rượu trong hộp đầu giường: “Uống một chút gọi là tẩy trần”. Tôi xua tay: “Mới bảnh mắt uống rượu hại gan lắm. Dạo này sức khỏe anh xuống cấp nghiêm trọng”. Anh gạt đi: “Ối dào, bây giờ chết đã quá muộn!” Tôi ngậm thinh.
Uống. Uống nữa. Mặt anh đỏ rực. Đột nhiên anh đập tay vào đùi tôi: “Này, anh bảo thật, đừng giận nhé! Em mang họa vào nhà anh đấy!” Tôi giật mình: “Sao ạ?” Anh nghiến răng: “Chính con Ki, thằng Cóp làm vợ chồng anh mất ngủ”. Tôi cãi: “Không phải thế” - “Phải! - Anh quát - Ngày mai em thủ tiêu chúng nó đi cho anh!”
Tôi nói: “Phải hỏi chị. Bán thằng Cóp nhỡ chị buồn thì sao?” Anh gầm lên: “Buồn cái con c…” Tôi há hốc mồm. Lần đầu tiên anh văng tục. Anh tống vào họng cả chục viên thuốc ngủ, nằm thở dốc một lúc rồi lịm đi.
Rung lên trong tôi một nỗi đau đớn và thương xót.
Tôi lao vào buồng tắm. Chị trợn mắt, hai tay ấp ngực. Tôi ôm ghì lấy chị, hổn hển nói: “Em yêu chị!” - “Không!” Chị xô tôi ngã ngửa, lấy chổi vệ sinh quất tôi tối tăm mặt mũi. Tôi ôm mặt bỏ về. Ra đến cổng cũng vừa chị đuổi kịp. Chị vừa khóc vừa nói: “Đừng bỏ chị mà đi. Chị chỉ còn một mình em thôi!…”
Tối hôm đó tôi ngủ lại buồng chị, xoay trở đủ cách vẫn không làm chị thỏa mãn. Chị tấm tức khóc. Tôi nói: “Chị đừng khóc nữa. Rồi thế nào em cũng làm chị vui”. Chị nói: “Không phải đâu. Em tuyệt lắm, lỗi là ở chị”. Chị lại khóc rưng rức, dỗ thế nào cũng không nín.
Chị hỏi đi hỏi lại hoài một câu: “Chị mất mùi rồi phải không?” Tôi nói chị mắc bệnh hoang tưởng. Chị không tin. Thằng Cóp rên rỉ cào cửa buồng suốt đêm, đôi khi nó tru lên như bị trọng thương. Con Ki mấy bận xông vào đánh nhau với thằng Cóp, chúng vờn đuổi nhau, gầm rú vang nhà. Tôi nghĩ: “Anh nói đúng. Cần phải tống khứ con Ki, thằng Cóp”.
Khó ngủ quá, tôi xoay trở chị, mân mê. Chợt lại thấy những vết bầm trên lưng chị, lần này nhiều hơn. Hỏi, chị nói: “Chị thường bị cảm mạo, ngày nào cũng nhờ người đánh gió.” Tôi không tin. Da bụng chị run bần bật.
Quá nửa đêm tôi buồn nôn. Nôn thốc tháo. Đợi chị thiếp đi, tôi trốn về. Thằng Cóp thoáng thấy tôi liền xông tới. Mắt nó vằn máu. Nó gằn một tiếng sởn óc và nhảy chồm lên mặt tôi. Tôi ngã. Khiếp đảm đến nỗi không kêu lên được một tiếng nào.
Thằng Cóp cắn xé, vày vò tôi như vày vò một miếng giẻ rách. Tôi ngất đi. Tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong phòng cấp cứu. Chừng như mấy ngày đêm chị ngồi bên tôi, nom chị hốc hác ghê gớm.
Chị cầm tay tôi úp vào mặt mình, nghẹn ngào: “Tha lỗi cho chị”. Tôi gắng cười: “Gớm, chị cứ nghĩ lẩn thẩn. Chị có đánh em bị thương thế này em cũng chả trách chị, nữa là…” Nước mắt chị hai hàng, tôi ngủ một giấc dài, tỉnh dậy vẫn thấy hai hàng nước mắt chị.
Tôi ra viện và quyết định ngay lập tức phải tống khứ con Ki, thằng Cóp. Buổi trưa tôi đến nhà anh chị, định bụng sẽ cùng anh chị nhậu một trận tơi bời mừng thoát nạn rồi mới xử lý vụ “Ki Cóp”. Vào nhà, thấy giường anh trống hoác, chăn màn rơi lung tung, thốt nhiên tôi ớn lạnh xương sống.
Tôi lao vào nhà trong và sững người thấy anh nằm sấp trước cửa buồng chị. Tôi bế xốc anh dậy, hỏi: “Sao thế này?” Mặt anh đờ dại, trắng dã. Anh run rẫy chỉ vào buồng: “Chị chết rồi!”
Dường như có ai túm tóc tôi lôi ngược lên.
Tôi điên dại phá cửa buồng. Chị treo rũ trên trần nhà. Mùi nước hoa sực nức. Góc phòng có đến mấy chục vỏ chai nước hoa. Dưới chân chị, thằng Cóp nằm ngửa. Nó bị một nhát dao xốc ngược từ cổ họng ra sau ót.
Tôi không khóc. Lặng lẽ ôm chị vào lòng. Lặng lẽ vuốt mắt cho chị. Tôi hôn lên trán chị, thì thầm: “Dù thế nào chị cũng được lên thiên đường. Chúa đã hiểu chị…”.
Lò Sũ, ngày thầy thuốc - 1995
Chuyện Nhà Quê Chuyện Nhà Quê - Nguyễn Quang Lập Chuyện Nhà Quê