Những người vĩ đại không những phải biết chớp lấy cơ hội mà còn phải biết tạo ra cơ hội.

C.C. Colton

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 178 / 17
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
ét quen thân của làng Dao trước hết là những đường kẻ ngang dọc rối rít của những máng nước lần bắc từ nguồn suối trên núi cao về. Vầu bổ đôi, đục thông mấu, nối tiếp nhau, đặt trên những ngoãm cây[79] cao lênh khênh. Nước theo lòng máng về tới tận gian bếp mỗi nhà. Người Dao ở đâu, nước theo về đó ở cùng. Đó là một tập tục đã có từ lâu đời.
Ở giữa xóm, nhà ông nội chú bé Tả là căn nhà to rộng nhất thôn U Sung. Căn nhà dài hun hút năm gian, cửa ra vào đặt ở hai đầu hồi. Nửa nhà trên đất ngăn vách, chia buồng. Nửa nhà trên sàn vầu là nơi khách nghỉ, nơi để đồ đạc, dụng cụ của gia đình. Bếp nấu cám ở gian đầu hồi đằng kia. Bếp khách đặt ở gian giữa.
Sự xếp sắp trong nhà ông cụ còn giữ nguyên nền nếp cổ, biểu hiện vai vế ông cụ là người trưởng tộc, người thầy cúng cao tay nhất của dòng họ. Đồ sộ, gắn vào vách ngăn là cái hồng lầu, tức bàn thờ thờ chín đời tổ tiên, Bàn Vương và các thánh thần, ma quỷ. Hai ống nứa dài đầu nút kín treo ở hai bên hồng lầu là hai ống đựng tranh vẽ Tam Thanh ba vị thánh thiêng, chỉ được treo trong các ngày lễ trọng. Thanh la, não bạt, sách cúng, gậy tầm xích mắc la liệt trên liếp hoặc đặt trên mặt một chiếc hòm sơn đỏ kê dưới hồng lầu.
U Sung đối với Sào đã quá quen thân. Mùa khô, anh lên đây đi săn cùng bà con. Mùa làm nương, anh lên cày giúp họ những khi anh rỗi rãi. Từ ngày vào hội sư tử, tuần nào anh cũng lên U Sung, tìm cây thuốc bóp cho săn gân, rắn thịt. Nhác thấy bóng Sào, Tả đã xô cánh cửa chạy vào nhà reo to: “Ông ơi, anh Sào lên chơi.” Ông cụ Tả bước vội ra cửa với vẻ xởi lởi của người Dao mến khách:
- Húi! Lâu lâu rồi mới thấy anh Sào lên chơi. Con Sừ Mẩy và chồng nó đi canh nương lúa. Ngồi uống nước đi!
Ông cụ kiễng chân với ống chè ở trên gác bếp, dốc chè vào mảnh nồi đất, đặt lên bếp kiềng, mắt nheo nheo tránh khói.
- Ông để con chụm lửa cho! - Sào nói, cúi xuống thổi bếp.
- Ừ! - Ông cụ ngồi dịch ra. - Có đi lấy cây thuốc không? Hấy! Hôm vừa rồi nhà U Phìn lấy được một cây chúc tiết nhân sâm già sáu mươi tuổi nhé.
- Sáu mươi tuổi?
- Ừ, gần bằng tuổi tôi. Đếm vòng khoanh ở củ nó thì biết. Một khoanh là một năm mà. Củ dài đúng hai gang tay.
Lửa cháy. Ông cụ thò cái que vầu vào mảnh nổi đảo chè. Sào ngồi lên cái sạp cạnh bếp, cây súng kíp nòng dài nghêu tựa vai.
- Hồi này con không được rỗi. Chân tay cứ quay như guồng nước. Con vừa phải đi làm cỏ lúa ở đồng Phà cho lí Tăm đấy chứ.
- Ông cụ anh có khỏe không? Hẹn năm lần bảy lượt rồi sao không thấy lên chơi?
- Bố con vẫn thế thôi! Chân cẳng thế, đi lại cũng ngại.
Ông cụ Tả dừng tay sao chè:
- Mời ông lên chơi nhé. Tôi cho thằng Tả đem ngựa xuống đón.
- Vâng. Để con tính ngày. Ông à, tổng đoàn Ngao nó không cho lập hội sư tử nữa rồi. Hôm nay con lên thăm ông, xem ông có việc gì cần làm, con giúp.
- Ôi dô ô... Anh giúp nhiều quá rồi. Xóm này ai nó cũng yêu quý anh đấy. Nó bảo sao anh cũng nghèo, anh cũng đói mà sao anh lại hay giúp đỡ nó thế.
Sào cười khe khẽ:
- Có gì đâu, ông. - Rồi đột ngột chuyển giọng, hỏi. - Ông à, hồi này thú rừng nó có hay về không?
- Ui, lợn rừng về cả đàn, phá bắp hại quá. Con hươu cũng về. Đêm trăng nó ra tận suối này uống nước, ăn rêu đá.
Hương chè bốc lên thơm nổng nàn. Chén nước nóng giãy, ngào ngạt cầm tay, ông cụ Tả vừa nhấp từng ngụm nhỏ vừa xuýt xoa thích thú. Chỉ tay về phía bếp, nơi để những bộ xương đầu hươu, da cáo, da gấu.
- Tôi săn được gấu đấy. Hồi còn trẻ kia. Cần nhất là phải gan. Cầm một cái chạc cây to. Nó đi tới, muốn tát mình, nó phải chồm. Lúc nó chồm, ta giơ chạc cây ra, thế là nó mắc vào đấy.
Sào xuýt xoa:
- Cái mật nó với hai chân trước nó quý lắm. Hồi chúng con tập võ thuật, bố anh Cắm cho chúng con ăn cơm nếp, uống rượu thuốc ngâm tay gấu, tiếng Tày còn gọi là hùng chởng.
- Quý chứ. - Ông cụ Tả gật đầu. - Nhưng mình săn được mà có được lấy đâu.
- Sao thế ạ?
- Lí Tăm nó đòi lấy chứ sao?
- Vô lí! Trâu cày ruộng, chó ăn cơm à?
- Rừng của lí Tăm. Núi của lí Tăm. Con thú ở trong rừng cũng là của lí Tăm.
Sào lắc đầu:
- Người Dao ta có lí của người Dao ta chứ!
- Lí của người Mán là: Con thú chia đều cho những người đi săn. Khẩu súng cũng được một phần. Con chó săn cũng được một phần.
- Thế mới là công bằng!
Trời đã nhá nhem tối. Ông cụ Tả đi ra gian bếp cám. Chảo nước đun từ nãy đã sôi cuộn trên bếp lò. Cầm cái gáo là nửa quả bầu khô vợi nước sôi vào một cái thùng gỗ thông đánh ba vòng đai mây ông cụ Tả vẫy tay gọi Sào:
- Anh Sào, sửa soạn vào tắm đi!
Người Dao U Sung ăn ở sạch sẽ. Ngày nào cũng tắm nước nóng, nhưng cả nhà tắm chung một thùng nước, theo thứ tự người già rồi tới người trẻ, nếu là khách quý thì được mời tắm đầu tiên.
Sào cởi áo, bước vào thùng nước. Nước nóng quá, vừa thò chân vào và dúng nửa người xuống nước, anh đã bật lên kêu ồi ồi. Ông cụ Tả cười hà hà, bảo, cứ ngồi xuống đi, rồi sẽ quen thôi. Lát sau, người ngứa ran, đỏ hồng như tôm luộc, Sào bước ra, ông cụ Tả đã cởi áo chờ sẵn. Tả đã về, đang quay một con sóc trên đám than hồng ở cửa bếp lò.
Bữa cơm tối có món thịt sóc nấu với hoa chuối, món đặc sản người Dao thường dùng để đãi khách quý, vui vẻ khác thường. Sào bưng bát cơm độn củ mài:
- Người Dao, người Tày xã ta cùng ăn nước một con suối, cùng khổ như nhau, ông à. Dưới làng con, nhiều nhà bây giờ cũng chỉ ăn củ mài.
Ông cụ Tả gật đầu:
- Ta khổ đủ điều đấy. Thuế nương năm nay lại tăng. Lợn rừng lại về phá. Trời hại mình, làm mình khổ quá!
Sào lắc đầu:
- Đời mình phải được sung sướng hơn mới phải chứ!
- Không được đâu! Trời ra lệnh, ma cho phép thì súng mới nổ, hổ mới về. Cái gì cũng do ma, do trời cả chứ, anh à.
Sào nhún nhường:
- Cái gì thuộc quyền trời, quyền ma thì con không nói.
- Đúng đấy. - Ông cụ Tả ngừng nhai, cướp lời Sào. - Năm ngoái vào ngày bạch lộ[80] tục lệ là cấm không ai được đi nương. Ngày ấy đi nương thì con chuột, con lợn rừng theo vết chân người ra phá lúa. Có mấy người ở nơi khác mới dọn đến, họ không biết, họ cứ đi làm. Vì vậy năm nay mới hại thế!
Sào cười:
- Nhưng, ví dụ ông bắn được con gấu, nếu ông không phải nộp cái chân, cái mật của nó cho lí Tăm thì có phải ông bán được tiền, tiêu pha sung sướng hơn không?
- Phải thế đấy!
- Thế thì có phải là có đứa nó bắt mình khổ không?
Ông cụ Tả ngồi thần người, vẻ ngẫm nghĩ. Lát sau, ông cụ gắp miếng lườn sóc đặt vào bát cơm của Sào.
- Ăn đi, anh Sào. Anh Sào à, người Dao tôi là cái kiềng, cái chảo nặng mấy nó cũng đặt lên trên được. - Ông cụ lắc đầu chép miệng. - Biết khổ đấy, nhưng có cái kiềng thì có cái chảo mà.
- Có cách làm cho không có cái chảo ấy chứ!
- Cách nào?
- Con biết có người dạy ta cách bỏ cái chảo nặng đi!
Sào nói khe khẽ rồi cúi xuống bưng bát cơm củ mài đã nguội. Chú bé Tả từ nãy im lặng, giờ mới nghếch lên:
- Anh Sào à, hôm nọ em mới biết thằng Tiển đấy.
- Thế à?
- Binh thầu làng Hẻo nó giữ trâu của em. Thằng Tiển nó chui rào vào cởi chạc dắt con trâu ra hộ em.
Ông cụ Tả nhìn cháu:
- Anh Tiển anh ấy thế chứ! Cháu ở nhà thì là trâu đực, sang làng khác thành trâu cái mà.
Tả nhe răng cười hì hì. Nhưng tiếng cười tắt ngay. Chú nhổm dậy, nhấc cái nỏ gài trên vách, nhảy ra cửa. Cái vòng cổ nảy lách cách.
Lát sau, nghe tiếng Tả gọi, Sào bước ra cửa.
Trời đã tối. Không gian có tiếng vỗ cánh vi vút và tiếng con gì kêu chít chít. Tả lom khom bước dưới lùm cây lim đen. Quen dần với bóng đêm, mắt Sào đã nhìn thấy những cánh dơi đen thầm đang chao liệng tới tấp.
- Anh Sào! Anh có nhìn thấy gì không?
Sào ngước lên ngọn cây lim. Chỉ thấy những cành cây đen sì vươn nghều ngào trên nền trời đen nhợ.
- Anh có thấy không? - Tả kêu sung sướng. - Như là sao mọc đầy trời. Mắt con dơi đấy anh à.
Sào vẫn không nhìn thấy gì. Chú bé kéo anh lại gần, ấn anh ngồi xuống, chỉ lên một cành lim thấp:
- Dơi nó cắp quả xoan về rồi treo mình trên cành, ăn. Mắt nó đỏ đỏ đấy. Anh đứng yên để em bắn nhé.
Pách! Mũi tên vụt đi. Liền ngay sau đó cành cây loạt xoạt tiếng một vật rơi qua mấy cành cây. Bịch! Tả chạy ngay lại. Một con dơi bị mũi tên xuyên trúng bụng, hai mắt còn mở đỏ khé, miệng kẹp quả xoan mới nhằn vỏ, mình chắc như chim gáy.
Tả đưa cho Sào con dơi:
- Đến mùa đông, xoan chín nó về mới nhiều cơ anh ạ.
Một ý nghĩ lóe sáng trong óc, Sào hỏi:
- Em biết ở đâu có hang dơi không?
- Khối, trên đỉnh U Sung ấy. - Tả chỉ lên đỉnh núi. - Nhưng đấy là dơi ăn muỗi, không phải dơi ăn quả.
o O o
Suốt mấy ngày liền Sào theo chú bé Tả đi khắp vùng đất đai của dòng họ Bàn. Vùng đất nằm từ đỉnh U Sung theo triền núi xuống gần tới thung lũng lúa bị chắn lại bằng một bức tường đá xếp nay đã đổ vỡ nhiều đoạn. Trong cái phạm vi cư trú của dòng họ Bàn mang nhiều tàn dư cuộc sống công xã thị tộc ấy, Sào đã tìm thấy vô số hang dơi có nguồn phân lưu cữu dày hàng gang tay - một kho nguyên liệu để chế thuốc súng. Song, điều không kém phần thú vị là anh được gần gũi với một chú thiếu niên hồn nhiên chất phác và thông thạo cuộc sống thiên nhiên như một người từng trải.
Chiều tối, hai anh em từ hang dơi về tới nhà, Sào đã thấy cụ Tả đang ngồi có ý mong đợi anh, Sào vừa bỏ khẩu súng khoác vai, ông cụ đã nhìn anh, mặt lộ vẻ băn khoăn:
- Anh Sào này, người biết cách bảo ta sống đời sung sướng có ở gần đây không?
- Con nghĩ là gần thôi, ông à.
- Sào không bảo họ lên đây?
- Biết mình có bằng lòng không?
- Tôi bằng lòng. Lúa ruộng là lúa, lúa nương cũng là lúa. Người Dao tôi cũng như người Tày thôi.
- Nhưng còn người khác?
Vừa dứt câu nói, Sào bỗng thấy mắt ông cụ chớp chớp, rồi cả con người bé nhỏ ấy rung lên đầy vẻ tức giận.
o O o
Sào đã vô tình xúc phạm vào lòng tự tôn của ông cụ Tả rồi! Ông cụ có phải là một con người bình thường đâu. Ông cụ là người đứng đầu họ Bàn ở U Sung này! Người Dao U Sung có mối quan hệ họ hàng thân tộc chặt chẽ lắm. Liên kết lại và nhất thiết phải có một vị thủ lĩnh chỉ huy tối cao đứng đầu, để điều khiển việc làm ăn, bảo vệ xóm làng với tinh thần nhất hô bá ứng, cái lí của đời sống dạy họ vậy và họ đã sống như vậy từ bao đời nay rồi mà Sào không biết!
Ông cụ Tả được người họ Bàn bầu cử theo lối tuyển cử dân chủ, một tục lệ truyền thống đã có từ ngàn xưa, làm người trưởng tộc. Ông cụ có những ưu điểm cần có của người cầm cân nảy mực: Công bằng, biết phải trái, am hiểu phong tục tập quán, thông tỏ kinh nghiệm làm ăn, giao dịch rộng rãi, được mọi người tôn kính. Cùng với chức trách điều hành việc làm ăn và phân xử các vụ xích mích trong dòng họ, ông cụ còn đóng vai người thầy cúng toàn năng trong các buổi lễ trọng của dòng họ, như lễ đặt tên con, lễ cấp sắc[81]... Ông cụ không phải chỉ là bản thân mình. Ông cụ là cả dòng họ, là toàn thể cộng đồng, là toàn quyền quyết định. Tây đưa Cai Vàng, một tên lính khố đỏ cũ, lên làm binh thầu ở U Sung. Nhưng quyền hành trong thôn, thực tế vẫn thuộc về ông cụ. Binh thầu Cai Vàng muốn làm gì cũng phải đến xin ý kiến ông cụ. Ông cụ gật đầu thì được làm, lắc đầu thì thôi.
Thành ra nghe Sào hỏi vậy, ông cụ Tả phật ý lắm. Mặt ông cụ đỏ rân rân. Phải người khác lúc khác, ông cụ bỏ đi rồi. Nhưng nhìn Sào, thấy cặp mắt Sào mở to hơi ngơ ngác và đầy vẻ chân thật thì ông cụ nghĩ lại và vỗ vai Sào dịu giọng:
- Anh Sào à, anh chưa biết thôi. Tôi nói thì người họ Bàn đều nghe theo cả thôi mà.
Sào đã nghĩ ra, liền nắm tay ông cụ:
- Con không biết! Con không biết cái lí lối của người Dao ta!
- Được rồi! Được rồi! Tối nay, tối nay anh ở đây họp với tôi nhé.
Đó là một buổi họp kì lạ mà Sào chưa từng thấy. Kì lạ vì đông quá. Kì lạ vì cả trăm người đến là dụi đóm vào bếp lửa, rồi đàn bà thì đứng, đàn ông thì ngồi, nhưng tất cả đều im phắc lắng nghe. Và ông cụ Tả thoát ra khỏi hẳn cái vẻ tiều tụy giản dị thường ngày. Nhập vai người trưởng tộc, ông thầy cúng cao tay, ông cụ vừa sang sảng vừa linh hoạt và quắc thước lạ thường. Điểm sơ qua công việc làm ăn, nhắc nhở việc làm lễ cấp sắc cho mấy em nhỏ như cậu bé Tả, ông cụ bắt ngay vào câu chuyện mong muốn đổi đời khổ lấy đời sung sướng.
Ngồi cạnh Tả, nhìn quanh, nửa mừng, nửa lo, Sào ghé tai chú bé:
- Tất cả người trong làng đều đến, hả em?
Đang mân mê cái vuốt hổ trên vòng bạc, nghe Sào hỏi, Tả ngẩng lên:
- Không!
- Thế những ai đến họp?
- Cả làng.
- Sao em vừa nói: Không!
- Đến không đủ.
- Thiếu nhiều à?
- Không có Cai Vàng. Ông em bảo: Không cho ông ta đến. Vợ con ông ấy thì được.
Sào chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện thì ông cụ Tả đã đứng dậy, vỗ tay đánh độp:
- Ta nói điều cực khổ thế là đủ rồi. Nói mãi không ưa. Chỉ muốn nói điều tốt. Nhưng không nói không được. Có đúng không?
- Đúng! - Mọi người đồng thanh đáp.
- Thế đấy. - Ông cụ tiếp. - Bây giờ có cách làm cho người Dao ta không khổ nữa, mọi người có muốn nghe không?
Câu nói như mồi lửa châm vào đống rơm khô. Ran ran khắp căn nhà tiếng hỏi, tiếng nói. Cả những người lầm lì nhất cũng như bừng tỉnh, nghiêng bên trái nói, ngả bên phải hỏi.
Ngồi xuống ghế, tay đập đập đầu gối, ông cụ Tả dằn từng tiếng:
- Có cách làm cho ta khỏi khổ nên mới mời người họ Bàn ta đến đây.
- Cách gì ạ?
- Chưa biết được. - Mặt ông cụ thoáng ánh cười, cái miệng hơi móm hõm sâu xuống một vệt đen đen. - Bây giờ ta hỏi cả họ, có muốn bỏ đời khổ, lấy đời sướng không?
- Muốn chứ! - Mọi người cùng đồng thanh đáp.
- Được! Vậy ta sẽ mời người tới bày cách cho. Người này tài giỏi, sẽ chỉ cách cho ta. Chỉ cần ta đồng lòng. Một cây vầu không thành rừng. Một hòn đá không đắp được phai. Vậy ta hỏi lại lòng mọi người. Cùng tắm trong một thùng nước, phải nói thật.
- Con xin lỗi ông trưởng, hỏi một câu: Có phải làm giống như ngày xưa không? - Một người đàn ông ngồi cạnh bếp lửa cất tiếng.
- Ngày xưa nào?
- Hồi ông Bàn Kim Cấn[82] nổi lên đánh Tây hay hồi người Dao tỉnh ta nổi dậy ở Xuân Giao ấy ạ.
Cuộc họp bỗng ồn lên, thật hào hứng. Người ta nhắc tới những cuộc nổi dậy chống lại quân Pháp xâm lược của người Dao. Những cuộc nổi dậy, những cuộc khởi nghĩa có giết dê tế cờ, tướng lĩnh, binh lính nghĩa quân có quân phục đồng loạt, có quân kỉ chặt chẽ, giờ xuất quân cầm ngọn giáo chỉ về phía giặc, hô vang lời thề, trên áo mỗi người từ tướng nhất, tướng nhì đến những người nông dân mới cầm giáo mác đều đeo một lá bùa hộ mệnh.
Tận khuya, cuộc họp mới tan.
Sào ngồi gần bếp lửa. Ngọn lửa vẫn bập bùng cháy. Sào không muốn đi nằm. Ông cụ Tả và vợ chồng chị Sừ Mẩy cũng ngồi quanh bếp lửa trò chuyện. Lửa và người cùng thức với nhau.
Ông cụ Tả bảo Sào:
- Anh Sào à, anh về gặp người đó bảo lên đây đi, kẻo chúng tôi mong. Cứ lên ban ngày. Không sợ! Ngày mai vợ chồng Sừ Mẩy sẽ đi gài súng khắp các ngả đường. Tây không dám lên đâu. Còn thằng Cai Vàng, nó làm phản người Dao U Sung thì người Dao U Sung đuổi nó đi về đồn Tây rồi.
Tả buông con dao đang vót tên, ngước lên:
- Anh Sào về làng à? Cho em về chơi với thằng Tiển nhé!
Chim Én Liệng Trời Cao Chim Én Liệng Trời Cao - Ma Văn Kháng Chim Én Liệng Trời Cao