Kẻ nào chưa một lần thất bại trong quá trình trưởng thành, tức kẻ đó không có gan thực hiện những điều mới mẻ.

Woody Allen

 
 
 
 
 
Tác giả: Antoine Audouard
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1141 / 11
Cập nhật: 2017-08-09 10:29:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12
ự xuất hiện của bài báo Carlisle viết trên tờ Thời báo của Luân Đôn đã khuấy đảo mạnh mẽ cuộc sống của Pierre. Ngay cả khi tên cậu không được nêu rõ, nhưng bức chân dung kể ra cũng khá có thiện cảm của một chàng trai trẻ bất cẩn theo chủ nghĩa lý tưởng, vừa đến đã phải chứng kiến cuộc thảm sát ở Cité Hérault, ban đêm thì viết vì hòa bình và ban ngày thì phục vụ chiến tranh, lưỡng lự rồi say mê đến mức thầm phải lòng phu nhân của một ông chủ xứ thuộc địa - toàn bộ câu chuyện đúng đến mức mà khi bước xuống đường Catinat, Pierre có cảm giác như ai cũng đang nhìn chòng chọc vào mặt cậu, cả người Âu lẫn người An Nam. Phải công nhận là gã người Anh đểu giả này đã nhìn thấu tim đen của cậu, đến bản thân cậu còn không thấy rõ như vậy. Nhưng điều cào xé tâm can cậu, ấy là sự tàn nhẫn vô tình của thực tế: phẩm cách của Inès, sự báo thù của Blaizot, những hậu quả có thể ảnh hưởng tới sự nghiệp của cậu, sự im lặng giản đơn của người mà cậu gọi là bạn - tất cả những điều đó, chẳng có gì ngăn được Carlisle.
Đang lần lữa không biết có nên bước vào hẻm Éden, Pierre sải bước dài trên hè đường trước hiên khách sạn Continental thì đúng lúc Carlisle đến, lặng lẽ ngậm chiếc kẹo bạc hà.
“Thế nào?” gã hỏi với giọng nhã nhặn.
Pierre quan sát gã một lát. Gã chẳng thể hiện một chút lúng túng nào khi gặp cậu rồi còn chìa tay ra với cậu như xưa nay vẫn thế. Gã mặc bộ trang phục tuyệt đẹp bằng vải lanh trắng với chiếc cà vạt cùng màu, có sọc hồng, thể hiện gu thẩm mỹ hoàn hảo. Gã có cái vẻ nhàu nhĩ do những hoạt động ban đêm mà Pierre chưa bao giờ tham dự vì rụt rè chứ không phải vì nguyên tắc. Không, rõ là gã chẳng có vẻ gì ngượng ngùng - chứ đừng nói đến việc xin lỗi - trong đôi mắt xanh lơ nhạt.
Carlisle nắm lấy cánh tay cậu và kéo vào khu vườn phía trong. Đây có thể là một sự nhượng bộ kín đáo. Còn quá sớm để uống thứ gì đó hơi nặng và gã gọi một cốc bia trong khi Pierre hài lòng với một ly nước chanh.
“Thế nào? Carlisle ngây thơ hỏi. Cậu hài lòng chứ?”
Pierre đặc biệt giữ được bình tĩnh trước mặt gã người Anh, cậu thừa biết gã muốn xúi cậu bất cẩn nổi khùng như thường lệ.
“Anh đã dạy tôi một điều, Carlisle. Tôi đã hiểu ra rằng mình không phải là lính dù tôi vẫn yêu quý họ, nhất là những kẻ ngu xuẩn. Nhưng tôi không phải là nhà báo.
- Tôi nghĩ có gì đó chỉ trích trong giọng nói của cậu.
- Khi chúng ta gặp nhau, anh đã phát biểu một trong những quy tắc của nhà báo là hãy xứng đáng với cái danh đó.
- Hãy giúp tôi khai thông trí nhớ đi, giờ này còn hơi sớm đối với tôi.
- Đừng bao giờ tin một kẻ làm báo.”
Carlisle bật cười vẻ thẳng thắn giả tạo.
“Cậu rất tức giận, đúng không?
- Tôi không biết. Giận dữ, đúng vậy. Và bối rối.
- Tôi vẫn chưa nói với cậu cái luật bất thành văn đó phải không?
- Chắc chắn cái này cũng còn quá sớm đối với tôi. Shoot!(1)
- Khó mà cưỡng nổi một câu chuyện hay.
- Tôi nghĩ nên coi đó là một lời khen ngợi.
- Tôi đã cắt đoạn về bà Blaizot (vả lại, chẳng ai có thể nhận ra qua những chỉ dẫn mơ hồ đó đâu), nhưng tổng biên tập đã lấy lại. Ông ấy thấy làm như vậy thì tốt hơn cho sự cân đối của bức chân dung.
- Lẽ ra không nên viết câu chuyện đó, để khơi mào. Xin lỗi, tôi quên mất cái luật bất thành văn kia...”
Carlisle làm một động tác có thể coi như là vẻ hối tiếc, rồi cố kéo Pierre vào những cuộc tranh luận phù phiếm liên miên về chính trị. Lần này, Pierre đặc biệt chỉ hạn chế tham gia bằng mấy câu lẩm bẩm: cậu ngờ rằng, cùng với cơn giận dữ lạnh lùng, những lời bình luận tích tụ đã góp phần làm nhiễm độc bầu không khí. Cậu đứng dậy khi đang nói nửa chừng.
“Vậy thì, hẹn sớm gặp lại, Carlisle nói.
- Hẹn sớm gặp lại. Hãy cho tôi biết một điều. Ai là tổng biên tập của anh? Tôi không biết là văn phòng Sài Gòn lại quan trọng đến thế đối với độc giả Anh... Và tôi không nghĩ là mình đã gặp ông ta, không phải ở đây, cũng không phải ở câu lạc bộ báo chí...”
Carlisle hắng giọng.
“Chính là tôi,” gã nói
Pierre không chớp mắt.
“Với anh thì tôi không giận. Nhưng với gã đó, hãy nói với gã rằng gã là đồ khốn nạn.”
***
Trước khi rời cậu, Inès không hôn cũng không hẹn gặp. Cái khoảnh khắc mà ả nói yêu cậu có phải là thực không? Hay ả đã hối hận về lời thú nhận của mình cũng nên?
Mấy ngày qua, cậu chán ngấy phải đi cùng đám đàn ông. Cậu nán lại đến chừng nào có thể trong căn phòng ở Đa Kao, lặng lẽ uống trà với chủ nhà trong khi bà làm bếp, đôi khi một mình trong phòng ngủ, nhìn bức vách ngăn trống trơn mà dưới chân vẫn còn lại chiếc túi của bạn. Cậu đau khổ vì đã không kịp hỏi bạn và cậu thấy nhớ anh ta đến cồn cào. Chắc anh ta phải có người thân nơi nào đó ở cái xứ Đông Dương này, một người anh em làm cảnh sát ở Campuchia hay làm kỹ sư đường sắt mạn Nha Trang.
Một đêm, cậu châm đèn dầu và kéo chiếc túi lại. Đó là một mớ hổ lốn các món đồ linh tinh của lính tráng trong đó có hai cuốn sách chẳng lấy gì làm thú vị, một tạp chí tiếng Pháp cũ kỹ, vài lưỡi dao lam cạo râu và một hộp kim loại màu đen, không ghi gì, và nắp hộp được buộc bằng một sợi dây. Cậu mở ra mà tim đập thình thịch, tin chắc sẽ tìm được bằng chứng về mối quan hệ với Inès. Tại sao Tikho lại tìm cách can ngăn cậu? Và cái từ ấy - mẹ kiếp - ôi, lúc ấy giọng anh ta mới buồn bã làm sao - chẳng phải là cái cách mà anh ta đang cố bộc lộ cơn giận dữ của mình ư? Vì Pierre điên cuồng lục lọi những bức thư, những tấm thiệp nên cậu để cho cái logic phi lý choán hết chỗ, và phải rất lâu sau khi lật giở thư từ - những tờ giấy phép, những lời lẽ nhã nhặn hay ăn năn của một người vợ chưa cưới trước đây - thì cậu mới gần như miễn cưỡng chấp nhận mình là nạn nhân của ảo giác.
Dưới đáy túi, cậu tìm thấy một bức tượng bán thân của Napoléon và nhớ lại chi tiết đau lòng trong câu chuyện mà người bạn đã kể - “tớ là con nuôi của Đế chế Pháp”.
Cậu cười như một kẻ điên. Cơn sốt làm nóng ran khắp cơ thể và khiến cậu run rẩy. Giờ này ả đang ở đâu? Ả từng cùng với ai trước đây? Mẹ kiếp, mẹ kiếp! Đó là lời nói của một người đàn ông ít nói, một người thanh khiết, gần như một vị thánh sao! Ả có yêu cậu không, ả có yêu cậu thực lòng không, chứ không phải chỉ như một “chàng lính cừ khôi” mà ả cần trong một lần thậm thụt khi ông chồng đang đi thăm thú đồn điền ở vùng đất đỏ? Cậu đọc lại những lá thư, mệt nhoài vì sự tầm thường của chúng, bừng bừng lên vì không tìm thấy câu trả lời trong đó, tin rằng chúng chứa đựng một mật mã để giễu cợt cậu, chính cậu, Pierre Garnier. Cuối cùng cậu cũng bình tâm mà không thấy khuây khỏa, bỏ mặc chiếc túi và các vật dụng nằm tứ tung, thổi tắt ngọn đèn rồi nằm duỗi dài như người chết.
Cậu tỉnh dậy lúc bình minh, mệt rã rời trước một ngày mới. Ngược lại với những e ngại của cậu, bài báo ban đầu chẳng hề gây cho cậu những lời quở trách trực tiếp, mà cậu cũng chẳng phát hiện ra những lời bóng gió nào. Chỉ là, đôi khi, cậu thấy gượng gạo khi đến hẻm Éden, nơi bây giờ có một cậu lính còn trẻ hơn cả cậu đứng gác, cậu ta luôn đỏ mặt khi có người nói chuyện nhưng chẳng hề đùa cợt về chuyện mật hiệu. Nhưng sự biến mất của Inès có ý nghĩa hơn cái vẻ tĩnh lặng bề ngoài này. Ban ngày, hình ảnh về ả cào xé cậu đau nhói. Cậu tự nhủ: “Mình yêu nàng, mình cần nàng,” nhưng những từ ngữ ấy vang lên trống rỗng. Cậu tự nhủ: “Đó là một con điếm, ả ngủ với cả phân nửa đàn ông Sài Gòn,” cậu cảm thấy bị kích động và bất hạnh. Nếu cố gắng bình tĩnh nghĩ đến ả thì cậu có thể nhớ lại từng câu những lời lẽ ả đã nói, và những biểu cảm trên khuôn mặt ả, nhưng chúng không làm cậu thích và cậu cũng không hiểu được chúng. Cậu nhớ ả, như nhớ thuốc phiện, và cậu thích thú với cái cảm giác nghiện mạnh đến mức cậu kinh tởm nó.
Tikhomirov được thế chỗ bằng một chàng trai trạc tuổi cậu nhưng bị hói và đeo kính nên trông có vẻ già dặn. Ngay tối đầu tiên, Garel đã kể với cậu rằng cậu ta đã ở sáu tháng trong một trường dòng nhỏ, bị giày vò bởi đam mê mạnh mẽ, khiến cậu ta tưởng sẽ phát điên trong sự kìm hãm. Garel khẳng định chẳng phải do thiếu thốn tình dục làm cậu ta khó chịu, vả lại cậu ta vẫn còn là trai tân và nghĩ rằng mình sẽ mãi như vậy. Cậu ta không ghét đàn bà hơn đàn ông; mà chỉ muống giữ nguyên nguồn “chất lỏng chứa mầm sống” cho những “kế hoạch lớn lao hơn”.
“Kế hoạch lớn lao hơn ư? Cậu muốn giữ hạt giống của mình cho vinh quang của Chúa à?
- Cậu không nên nói về những điều này với vẻ hời hợt như thế. Tình dục, ấy là năng lượng thuần khiết. Gieo rắc khắp nơi một cách vô ích cũng chẳng khác nào xả nó xuống cống.”
Garel tháo cặp kính ra và lau nó một cách kỹ càng máy móc.
“Nói cách khác thì, tớ không muốn đến chỗ bác sĩ rồi nói với ông ta rằng tôi bị đau chim và bị bỏng rát khi đi tiểu.
- Giờ thì cậu nói chuyện cứ như một người đàn ông rồi đấy.”
Bất chấp những lời giễu cợt của cậu ta, Pierre vẫn rất ấn tượng với những ý định nghiêm túc của Garel. Cậu ta đã biến thành người theo chủ nghĩa Mác trong chuyến vượt biển do ảnh hưởng của một sĩ quan, người đã khuyên cậu trốn đi sau khi thuyết phục được cậu.
“Thậm chí, anh ấy còn trích dẫn cả Trang Tử - hoặc là Lão Tử gì đó. ‘Cá khôn bơi nước dòng sâu’.
- Thế thì, cá khôn này, cậu không thấy phiền khi ở đây chứ? Ý tớ là đang chiến đấu cho chủ nghĩa đế quốc ấy?”
Họ đang trong một quán bar dành cho lính ở Chợ Lớn, không xa doanh trại Drouhet, nơi mà trong bóng tối, tất cả các cô gái người Hoa đều trẻ trung và bia thì ấm. Garel khẳng định có thể tìm thấy ở đây sự yên tĩnh cần thiết cho những kẻ mưu phản như họ. Cậu ta đã tuyên bố những điều khiến Pierre sững sờ: không ngồi xe kéo mà đi xích lô, đúng thế. Uống trà nhài trong quán bar bán bia. Cười với gái và chuyện trò với họ nhưng không động chạm đến họ. Không hút thuốc phiện, nhưng cậu ta biết hết các tiệm hút có thể ló mặt vào.
Pierre muốn chọc ghẹo cậu ta một chút.
“Tháng Sáu năm 1940 thì một người cộng sản gương mẫu phải ở đâu nhỉ? Giấu mình chăng? Ở Mátxcơva? Hay trong quân đội Pháp?
- Khi ấy tớ vẫn chưa là cộng sản.
- Tớ biết, tớ biết. Tớ nói với cậu vậy thôi, chỉ để biết thôi mà.
- Khả năng cao là ở trong quân đội - chứ không phải đang rải truyền đơn đòi hòa bình.
- Tớ không hiểu. Như vậy, đó hẳn là một người cộng sản thách thức đường lối của đảng.
- Hoàn toàn không! Đường lối của đảng rất rõ ràng và anh ta chỉ việc đi theo.”
Garel lau mồ hôi túa ra trên trán bằng chiếc khăn tay trắng có thêu những chữ cái đầu không có trong tên cậu ta.
“Vậy thì, nhắc lại cho tớ đường lối của đảng xem nào, tớ không theo kịp.
- Trong giai đoạn đó của chiến tranh đế quốc, tốt hơn là không nên để bị chú ý.
- Tóm lại là làm một con cá khôn.
- Đúng vậy. Vả lại những kẻ theo chủ nghĩa đế quốc lại lấy đó làm một trong những cái cớ để phát động chiến tranh: đè bẹp chúng ta trong máu, tái hiện vụ 1871(2).
- Việc này, tớ còn chưa nghe nói đến!
- Khi đảng kín đáo đề nghị với chính phủ cầm quyền của bè lũ Reynaud-Daladier-Mandel trang bị vũ khí cho nhân dân để kháng chiến chống lại của quân Đức xâm lược vào Paris, họ thậm chí còn chẳng thèm hồi đáp. Điều phải chứng minh đấy.”
Pierre cười bò ra nhưng Garel lại rất nghiêm túc. Vì cũng mới “cải đạo”, cậu ta hẳn phải có một năng lực tự nhiên đối với phép biện chứng: không gì lay chuyển được cậu ta một khi đã đưa ra lập luận. Cậu ta thể hiện nó với vẻ lạnh lùng đầy đam mê mà Pierre không thấy đáng sợ chút nào - mà thấy vui thì đúng hơn.
Ngay từ những bài báo đầu tiên, Garel không gặp khó khăn gì trong việc thể hiện khát khao chiến đấu, nhiệt huyết chinh phục, những thứ ấy vượt quá xa những lời khuyên bảo của đại úy Blondeau. Đó là trò của giống cá khôn, Pierre nghĩ thế, nuối tiếc vì không được sinh ra trong cùng một bể cá.
Pierre thỉnh thoảng ngồi cùng với Carlisle, nhưng giờ đã quá muộn, cậu từ chối chia sẻ những chuyện riêng tư và cân nhắc từng lời nói. Cậu đón Giáng sinh trong các chiến dịch, dưới Mỹ Tho, bên bờ một con sông đầy rễ cây trôi nổi, vừa chén baked beans(3) đóng hộp vừa uống rượu đế pha nước. Họ hát những bài ngớ ngẩn nhưng lại làm họ cười vui. Từ xa họ nghe vọng lại tiếng cồng chiêng nhưng nỗi sợ hãi đã bị đẩy lùi vào một xó, tối nay sẽ chỉ có muỗi để mà vỗ thôi. Một người cũ từ xứ thuộc địa, người đảo Corse, gốc Ota với khuôn mặt lưỡi cày, kể những câu chuyện thời xa xưa và tất cả cùng cười. Có một nữ nhân viên quân y nhút nhát, một trong những người cuối cùng của đội “Rochambelles”(4) mới đến, một cô gái cao ráo, người phẳng lì chẳng ai dám nói chuyện cùng, nhưng chỉ riêng sự có mặt của cô đã khiến mọi người giữ gìn ý tứ, thậm chí khơi gợi một mong muốn mơ hồ được quyến rũ dù cô chẳng xinh đẹp gì. Những gương mặt anh hùng được nêu ra: Ponchardier, Conus, người “đốn củi” của Gabon, những người được gán cho những kỳ tích xuất sắc hơn nhiều so với thực tế. Một giọng nói vô danh ứng tấu một bài thánh ca
Ba hộp đậu
Không rượu vang
Vài chiếc bánh cũ
Trong một góc.
Một cây nến bập bùng
Lũ kiến uống
Trà của chúng ta;
Một chiếc bàn đầy thùng chồng đống.
Một bầu trời với nghìn vì sao
Hát lời ngợi ca
Mừng Chúa-Hài-Đồng.
Ấy là Giáng sinh
Bên bờ sông Bé.
Có tiếng hò hét và tiếng hoan hô rồi nhanh chóng chuyển thành những tiếng rì rầm rồi sự đờ đẫn, mỗi người trơ trọi với chính mình, nghĩ về bầu trời và những vì sao trên ngọn đồi hay dòng sông của mình, nhắc đến những Giáng sinh trước đây, mỗi người đều thấm thía sự mong manh của nó và giữ lại riêng cho mình.
Đêm đó Pierre không ngủ trong dãy nhà tranh cùng những người khác mà cậu buông màn bên bờ sông, chốc chốc lại bỏ miệng một miếng bánh đa vừng, nhìn linh hồn của những người thân thiết trôi theo dòng nước và kinh ngạc nhận ra rằng rất nhiều người đã ra đi.
Sau đó khi chìm trong giấc ngủ, cậu có cảm giác bị những bàn tay vô hình của họ tóm lấy, cuốn theo dòng quên lãng trước khi bị nuốt gọn trong đó.
Hai ngày sau, khi trở lại Sài Gòn, trời vang rền tiếng sấm.
***
Ở doanh trại Martin-des-Pallières, bị tàn phá nặng nề sau ngày 9 tháng Ba, lòng quyết tâm không gì lay chuyển được của Leclerc cộng với sự trợ giúp của người Anh đã cho phép dựng được một doanh trại xứng đáng với tên gọi của nó trong vài tháng.
Trong sân, bánh của những chiếc xe Jeep, xe GMC; những tòa nhà với cột đá thưa thớt được sơn sửa lại, lắp quạt gió; những kho đầy vũ khí và đạn dược; những bộ quân phục mới, không còn khiến lính Pháp trông như mặc lại đồ của quân Anh nữa.
Phòng làm việc nhỏ của Blondeau trống trơn, trừ một chiếc quạt trần và một tấm ảnh do Leclerc đề tặng treo trên tường, ngay bên cạnh cuốn lịch năm 1946 vừa mới bắt đầu.
“Zui zẻ cả chứ?”
Pierre cất tiếng chào rồi ngồi xuống chiếc ghế kim loại. Cậu nhìn thấy ngay bài báo, được cắt xén cẩn thận đặt trên một tờ giấy có tiêu đề Phòng Nhì; một vài từ viết nguệch ngoạc bên lề. Blondeau thở dài.
“Tôi không muốn nói với cậu về chuyện này bởi vì nếu tôi phải rao giảng đạo đức thì có lẽ phải có cả tá lũ ngu ngốc cần xử lý trước cậu. Nhưng điều tôi lo sợ đã xảy đến: cậu phải ra đi.”
Bình thường anh không có kiểu nói chuyện khô khan như vậy nhưng lần này ánh mắt đen, thẳng thắn, dữ dội của Blondeau hướng thẳng về phía cửa ra vào.
“Tôi hiểu.
- Cậu gặp may vì tôi thì không.
- Anh không muốn biết chi tiết hay sao, thưa đại úy.
- Cậu muốn về Pháp không?”
Pierre đã không lường đến chuyện đó; màn đánh úp khiến cậu lúng túng:
“Không, nếu tôi tránh được việc ấy, thưa đại úy. Tôi chẳng biết sẽ làm gì ở đó.”
Khuôn mặt của Blondeau thoáng biến dạng do chứng máy cơ mặt.
“Vậy thì, sẽ là Hà Nội. Cậu sẽ là phóng viên của tờ Tự do! ở Bắc Kỳ. Tất cả những sự kiện quan trọng đều diễn ra ở đó, phải vậy không? Tôi hy vọng họ sẽ coi như thế là đủ. Tôi sẽ nói với họ rằng cậu đã bị trừng phạt và họ sẽ không gây khó dễ nữa. Còn nếu như thế vẫn chưa làm họ vừa lòng, thì đó sẽ là vấn đề của tôi.
- Tại sao họ lại làm khó đến vậy, thưa đại úy?
- Trừ khi cậu muốn kể cho tôi điều mà cậu muốn tránh cách đây một phút, tôi tin là cậu biết rõ hơn tôi những lý do của họ.
- Tôi rất lấy làm tiếc.
- Ồ không, không cần phải thế.
- Không phải vậy, thưa đại úy. Tôi tự nhủ rằng lẽ ra tôi nên nói với anh điều này, rằng tôi đã khiến anh thất vọng.
- Cậu có lý lẽ của cậu. Cậu không làm tôi thất vọng hơn làm chính cậu thất vọng đâu. Trời ơi, tôi có cảm giác như nghe một kẻ hủ lậu. Thôi được, tôi sẽ tặng cho cậu một câu nói của Goethe mà tôi rất thích - và cũng là câu duy nhất tôi biết: Không có tội ác của con người nào mà tôi chưa từng hình dung mình mắc phải. Cậu thích không?”
Anh mỉm cười.
“Đừng để tâm đến họ, chỉ mất thời gian thôi. Hãy để tâm đến cậu, chính bản thân cậu ấy. Tôi rất buồn vì không giữ được cậu nhưng tôi không muốn thấy cậu một buổi sáng nổi lềnh phềnh làm thức ăn cho cá trên kênh Tàu Hũ. Hãy thận trọng từ giờ cho đến trước khi đi.”
Pierre không ngăn được nụ cười gượng gạo. Lại con cá khôn ranh ấy nữa...
“Cũng chỉ tệ đến thế thôi, phải không?
- Tôi hy vọng cô ấy đáng để mất công.”
Pierre đỏ mặt. Cậu thấy câu nhận xét dung tục này không phù hợp với Blondeau.
“Tôi sẽ cho cậu đi chuyến Dakota sớm nhất có thể ở Tân Sơn Nhất. Cậu còn muốn điều gì nữa không?
- Không, xin cảm ơn.”
Khi đứng dậy, cậu kinh ngạc nhận ra rằng mình sắp làm điều không nên làm.
“Cậu có thể lấy danh dự người lính để hứa với tôi rằng cậu sẽ không làm gì ngu ngốc trước khi đi không?
- Tôi xin hứa.”
Câu trả lời bật ra rõ ràng và cậu nhìn thẳng vào mắt Blondeau.
“Vậy thì tốt rồi. Tôi có một thứ cảm tình ngớ ngẩn đối với cậu và tôi muốn giúp cậu sống lâu hơn một chút so với khi chỉ có mình cậu chăm lo cho bản thân mình thôi.
- Tôi sẽ sống, thưa đại úy. Cảm ơn anh.
- Tốt rồi. Cậu đã nói thế mà.”
Blondeau vòng qua bàn làm việc để bắt tay cậu rồi vỗ vỗ vào lưng đẩy cậu ra phía cửa.
Lẽ ra phải trở lại văn phòng, thì Pierre lại tha thẩn giữa những lối đi của khu nghĩa trang Massiges(5). Giữa hai ngôi mộ, một phụ nữ trong trang phục màu ghi đang cắt nghĩa cho một thanh niên ngực trần cách sử dụng kiếm. Rõ ràng là, cậu nói gần như thành tiếng, mình lang thang với ma hay ma lang thang với mình đây. Rồi quay lưng lại phía dinh Norodom, cậu vẩn vơ trong khu vườn thuộc địa, phía trên kênh Avalanche, nơi cậu đã hôn ả lần đầu tiên. Cậu không mong chờ ả xuất hiện, nhưng tính cho đến khi cậu phải đi, cậu cảm thấy thật vô ích và đau lòng khi phải làm gì đó khác ngoài việc thường xuyên nhắc đến ả; cậu quay lại khu Plateau gần ngôi nhà có hàng râm bụt, và cả phòng tranh trên đường Lagrandière; cậu thậm chí còn cố tìm lại những con đường quanh co mà ả đã dẫn cậu đi để ra đến bờ sông, vừa gần lại vừa xa như trong mơ. Còn hơn lời hứa danh dự của người lính, chính hình ảnh về sự vô lý của những kế hoạch ấy đã khiến cậu đổi hướng.
Khi cậu trở lại hẻm Éden, ả đang ngồi trước mặt Thiệp, hai bàn tay đeo găng đặt trên đầu gối. Garel đang miệt mài viết lách và ngước mắt lên đúng lúc cậu bước vào. Pierre đứng trên khuôn cửa, vịn vào song sắt, gần như dựa lưng vào chàng lính trẻ, ghi nhớ những chi tiết của căn phòng đã được nhanh chóng kê đầy đồ kể từ khi họ đến ở, một cuộc xâm lấn của giấy tờ mà Thiệp, dưới vẻ bề ngoài là người ưa sắp xếp, chỉ biết chồng đống lên nhau. Inès đứng dậy nắm lấy tay cậu không nói một lời. Khi họ ra đến đường Catinat, ả buông tay ra và chỉ nói: “Về nhà anh.”
Cậu lên xích lô còn ả đi bằng ô tô. Khi cậu đến phố Đa Kao thì ả đã có mặt ở đó và bà chủ nhà của cậu đã chuồn đi, cùng với một chiếc phong bì giấu trong tay áo. Tiếng ồn ào của thành phố bị cây cối chặn lại và ngay cả thời gian cũng bị tiêu tan trong ánh sáng tối đen: chỉ còn họ với nhau.
“Em đã hy vọng, ả liếc mắt nhanh và tỏ vẻ không ưng căn phòng nghèo nàn, em đã hy vọng rằng anh sẽ tự hiểu đấy là sự thực - em đã hy vọng anh sẽ làm gì đó. Và bây giờ anh sắp hiểu, nhưng bây giờ thì đã quá muộn rồi.”
Pierre sửng sốt. Inès hẳn đã nói một thứ tiếng lạ lẫm nào đó. Làm điều gì đó ư? Quá muộn là sao?
Khi họ làm tình bên bờ sông, cậu đã ghi nhớ cái cách ả uốn mình; sự mềm mại vô cùng của ả dưới bàn tay cậu. Cậu khao khát làn da đen của ả, và khao khát nếm hương vị đôi môi ả thêm lần nữa. Cậu đưa tay lại gần.
“Em không muốn, ả nói. Em không biết mình đang làm gì ở đây. Lẽ ra em phải...”
Ả quay gót bước đi nhưng cậu giữ ả lại một cách cuồng nhiệt, ngờ rằng đó là những lời nói dối giấu đằng sau cái nén lòng của ả, rốt cuộc để tìm hiểu xem những lời ả nói có nghĩa là thế này hay thế khác, chỉ là do tâm trạng chứ không phải trong trạng thái ổn định. Đấy là ả - còn cậu thì sao? Cậu nắm lấy vai ả từ phía sau và cắn vào cổ ả, mạnh đến nỗi ả kêu lên nhưng vẫn đứng im. Người ả cứng đờ, cưỡng lại, nhưng đồng thời lại run rẩy; ả không chịu nhượng bộ nhưng cũng không có động tác lẩn tránh. Bàn tay Pierre luồn xuống ngực ả rồi xuống phía dưới phần kín: ả mở đùi ra rồi khép chặt tay cậu lại, không cho cậu biết xem liệu ở đó đã ẩm ướt chưa, chỉ để cậu chạm vào phần da khô và săn chắc. Bây giờ chính ả là người giữ cậu bất động dù chính cậu mới là người đã giữ ả lại. Khi cậu đã hoàn toàn phục tùng ả xoay người lại: vì không biết điều đó cậu đã buông lỏng thôi ôm ghì ả.
Cậu tiến đến hôn ả nhưng ả đã lấy tay ôm lấy gương mặt cậu và kéo xuống. Ả hít hà mái tóc cậu, dùng lưỡi liếm láp. Cậu cảm nhận những cái hôn, liếm láp, cào cấu. Rồi ả đẩy cậu ra.
Ả bật khóc.
Ả đã nói rằng cậu sẽ hiểu nhưng đã quá muộn mà cậu vẫn luôn chẳng hiểu gì cả, nếu không đã chẳng có sự trống rỗng kinh khủng trong lòng cậu, cái vị đắng của đầu môi và thậm chí ngay cả cảm giác nôn nao này.
Cậu nhớ điều ả đã nói bên bờ sông: “Sau này, anh hãy nói với em rằng không phải là em nằm mơ.”
Thậm chí điều ấy cũng chẳng chắc chắn.
Cầu Ô Thước Cầu Ô Thước - Antoine Audouard Cầu Ô Thước