Không phải tự dưng kim cương có thể sáng lấp lánh.

Mary Case

 
 
 
 
 
Tác giả: Hữu Mai
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Nguyen Thanh Binh
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3481 / 58
Cập nhật: 2016-07-06 02:05:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
uấn nhìn trước, nhìn sau không thấy ai, anh chống tay nhảy lên miệng giao thông hào. Dạo này, cứ đến đêm là trời đổ mưa. Đường hào trục nhão ra như vữa, lắm chỗ bùn ngập tới đầu gối. Kỷ luật chiến trường đề ra, phải đi dưới hào để tránh pháo địch tập kích bất thần. Trước kia, nếu không có điều quy định này, Tuấn cũng vẫn làm như vậy. Anh chẳng thích đùa với bom đạn làm gì. Đi trên cánh đồng trống trếnh, một quả đại bác rơi xuống bất thần, một viên đạn lạc chả dại gì tự mua lấy cái chết vô ích, hay ít nhất cũng là những giây phút căng thẳng. Đi dưới hào, chậm một chút, không phải lo ngại. Nhưng đến hôm nay, tâm lý ngày đầu ấy đã thay đổi. Lần từng bước trong giao thông hào ngập ngụa bùn lầy, anh thấy phí thời giờ. Giá hành quân cùng đơn vị thì đành vậy, ở cương vị anh, chẳng thể làm khác. Nhưng bây giờ đi một mình... Chiến trường đã dạy anh, đạn địch bắn nhiều thật, nhưng không gian cũng to rộng lắm, một viên đạn trúng được người không phải dễ. Về đến đây, cách đích ba cây số, tuy quay đầu lại, A1 đỏ lòm vẫn đập vào mắt, nhưng anh cảm thấy đây đã là hậu phương. Anh đã quen với bom đạn rồi.
Không khí sớm mai mát rời rợi... Sương phủ trắng đồi núi. Những thửa ruộng nằm nối nhau chạy dài phẳng lặng như cánh đồng miền xuôi. Một dải sương nhẹ quệt trên chiến hào như tà áo trắng dài của người con gái bước vội. Trước mặt anh, thỉnh thoảng lại hiện ra một khóm tre, chìm trong sương sớm ngọn lả cành mềm. Sương đọng trên những đám mạng nhện giăng trên mặt ruộng những giọt nhỏ li ti trắng đục như nước vôi. Những bông hoa lạ rải rác mọc khắp trên cánh đồng. Lần đầu nhìn thấy thứ hoa này, không chú ý, anh tưởng nhầm là hoa bèo Nhật Bản. Giờ nhìn thấy không phải. Cũng là chiếc đài hoa có nhiều cánh xếp chồng lên nhau, nhưng những cánh phía dưới màu xanh mát nạm những nhụy tròn vàng tươi, phía trên màu cánh sen. Hoa tỏa ra một cái gì tươi vui. Nếu không có những chiến hào thô kệch này thì cảnh vật thật thanh bình. Sau những giờ phút căng thẳng ở trận địa, lúc này Tuấn cảm thấy lòng thanh thản, vui vui. Anh cúi xuống ngắt một bông hoa. Cuộng hoa to nhưng mềm, dễ gẫy như ngó sen. Anh đã quen dần với cuộc sống mới. Nó chẳng có gì ghê gớm lắm như khi anh còn phải suy nghĩ hình dung ra nó. Con người ta kể cũng dễ thích ứng với hoàn cảnh.
Ngày đầu kháng chiến, Tuấn đã từng làm chính trị viên ở một đại đội chiến đấu. Với quy mô tác chiến còn nhỏ hồi đó, ta còn đang ở thời kỳ buông rắn nắn mềm, người chính trị viên đại đội không phải thử thách trước nhiều nguy hiểm lắm. Trong công tác chính trị, anh còn có thời giờ ngồi vừa viết bài, vừa trình bày, minh họa bằng thuốc đỏ và ký ninh vàng, hàng tháng bốn số tập san, gửi xuống cho trung đội và đại đội bộ. Công việc này của anh được cấp trên chú ý, khen ngợi. Ít lâu, trung đoàn thiếu một cán bộ phụ trách tuyên huấn, anh được điều về. Với công tác mới, anh nắm trong tay một phương tiện tuyên truyền to lớn hơn, đó là tờ báo in đá của trung đoàn. Rồi anh được nhiều người biết dưới một danh hiệu: thi sĩ Tuấn Nam. Thơ của anh đăng trên tập san Quyết thắng của trung đoàn, được báo Vệ quốc quân in lại. Đoàn văn công của Tổng cục Chính trị mới xây dựng, cần một người chính trị viên. Cơ quan Tổ chức đã phát hiện được anh trong một lớp học chính trị của Tổng cục mở. Nhận công tác mới một thời gian, anh nghĩ đơn giản, nếu cố gắng thì mình cũng có thể làm tròn nhiệm vụ. Công tác lãnh đạo chuyên môn về kịch, về vũ, về nhạc, nhiều điều phức tạp. Với sự thu nhận nhanh của anh, sau ít ngày đầu bỡ ngỡ, anh đã có thể làm việc với các cán bộ chuyên môn theo đúng cương vị của mình. Công tác mới này dù sao cũng không bận rộn bằng công tác tuyên huấn ở trung đoàn, mọi việc đều phải tự tay làm. Ở đây, anh chỉ cần đưa ra kế hoạch là có nhiều người thực hiện. Về phụ trách đoàn văn công ít lâu, anh có thêm rất nhiều người quen mới. Họ là những cán bộ các cục, những cán bộ ở đơn vị chiến đấu có dịp về cục họp, những cán bộ ở đơn vị mà đoàn văn công của anh dã xuống phục vụ. Anh biết những người ấy đến làm quen với anh không phải vì anh. Đi sâu vào công tác, anh nhận thấy trong đơn vị có nhiều cái "đột biến" mà anh rất khó tìm ra nguyên nhân. Đồng chí đội trưởng vũ tích cực, được việc, bỗng bị giảm sút uy tín trước các đội viên của mình. Đồng chí đánh đàn ghita mọi bận đứng trong dàn đồng ca vẫn tươi như hoa, bỗng tôi hôm đó ra biểu diễn mặt nặng trịch, làm tôi sầm cả một góc sân khấu. Phải một thời gian lâu anh mới tìm ra đầu mối của những chuyện phức tạp này. Anh đã tự đặt cho mình phải thật sâu sát anh chị em trong đoàn, đúng với chức trách và tác phong của người chính trị viên. Nhưng anh cảm thấy mình làm việc này với một thú thích hơi là lạ. Một hôm anh dự buổi sinh hoạt, phê bình cán bộ. Đội trưởng đội kịch bị anh em phê bình gay gắt vì chỉ đi sát nữ, không gần gũi nam. Đội trưởng đội vũ cũng bị phê bình như vậy. Anh giật mình, chợt nhận ra đã một thời gian khá dài chính anh cũng mắc khuyết điểm này. Anh đã tới với bộ phận vũ nhiều hơn tới với các bộ phận kịch, nhạc. Và khi đến đội vũ, anh thường chuyện trò tâm sự với các đồng chí nữ nhiều hơn với các đồng chí nam. Thời gian sau đó, anh cố gắng điều hòa trở lại. Nhưng anh thấy rõ ràng gần các anh chị em già dặn, từng trải trong đội kịch và đội nhạc, anh không hứng thú. Những hình ảnh mát mẻ, tươi vui của các đồng chí nữ diễn viên vũ với những tiếng cười trong trẻo, hồn nhiên luôn luôn hiện ra trước mắt anh. Một buổi chiều không gần gũi chuyện trò với họ là một buổi chiều nhạt nhẽo. Anh biết mình đã mắc phải một bệnh nghiện mới rồi. Khi đầu óc tỉnh táo, anh nhìn rõ cái nguy cơ đang đe dọa tình trạng yên ổn của đơn vị mà Đảng đã giao cho anh phụ trách. Anh có giữ mình bằng cách không năng đi xuống dưới, chỉ làm việc qua các đồng chí tổ trưởng đảng và các đội trưởng chuyên môn. Anh nghĩ thà mắc khuyết điểm quan liêu còn hơn vì sâu sát mà có thể phạm sai lầm, gây nguy cơ rối ren cho đoàn. Khi nghe các đồng chí nữ kêu ca dạo này anh ít đi sát họ, anh lại cảm thấy vui mừng, và muốn họ kêu ca nhiều hơn thế nữa. Anh để ý đến các đồng chí nam, hình như tác phong quan liêu này đã mang lại cho anh nhiều uy tín đối với họ hơn trước. Nhiều buổi chiều anh đã phải đấu tranh nặng nhọc để kìm mình lại trong căn phòng lạnh lẽo của ban chỉ huy đoàn. Đôi khi khó chịu quá, anh phải ra phố kiếm một bình trà, hút vài điếu thuốc cho khuây khỏa di. Đến cuộc học tập chính trị, trong buổi kiểm thảo của anh, đồng chí bí thư đảng ủy cũng tới dự. Anh vẫn không quen chịu để cho mình dối trá trước Đảng. Anh đã thành thật trình bày những diễn biến tư tưởng của mình trước cặp mắt luôn luôn mở to sau lần kính lão của đồng chí đảng ủy viên cấp trên. Anh thú thật chừng nào mình còn ở văn công thì còn rất khó khăn trong việc khắc phục những tư tưởng không lành mạnh này, và không dám quả quyết mình có thể tránh được những sai lầm về sinh hoạt. Hồi đó, tin chiến thắng ở tiền tuyến dồn dập đưa về. Kháng chiến đang chuyển mình những bước kỳ lạ. Cuộc học tập chính trị lần này rung động sâu xa đến tâm hồn vốn dễ rung cảm của anh. Anh muốn được giải phóng khỏi những sợi dây bé nhỏ mà nguy hiểm đang ngày ngày ràng buộc mình. Trong không khí háo hức hướng cả về tiền tuyến, anh đề nghị Đảng giúp đỡ mình bằng cách đưa ra thử thách, rèn luyện trong chiến đấu. Đề nghị của anh được đảng ủy cấp trên nghiên cứu và chấp thuận...
Trước mặt anh là con đường mòn đi tắt vào rừng. Không có đường hào trục chạy về phía này. Đã gần tới khu vực trú quân của đại đoàn bộ. Con đường mòn đưa Tuấn tới một khe suối. Tuấn dừng lại bên bờ suối, rửa mặt rất lâu. Lúc này, anh bỗng thấy mình thiếu một cái gương. Sớm nay, đại đoàn triệu tập tất cả cán bộ từ cấp tiểu đoàn trở lên về đại đoàn bộ họp. Tuy nội dung không thông báo trước nhưng Tuấn cũng đoán được là họp về vấn đề gì rồi... Nhất định chỉ họp để kiểm điểm về trận đánh vừa qua. Tuấn biết trước cuộc họp này sẽ nảy lửa. Trận đánh đã tác động đến tư tưởng anh những điều thật trái ngược. Một mặt, Tuấn đã vượt qua những thử thách gay gắt của chiến tranh, anh đã thực sự thành một người cán bộ của đơn vị. Trong những ngày vừa qua, anh thấy mình gắn bó với các đồng chí, với đồng đội hơn bao giờ hết. Anh đã trải qua những giờ phút thật đáng tự hào. Anh đã có điều liện để làm một bài thơ ước ao từ lâu, bài thơ trong đó “cái tôi” của anh cũng là một người cầm súng chiến đấu. Mặt khác, một đám mây đang phủ lên những hy vọng của anh về kết quả lớn lao của chiến dịch. Sau trận đánh: anh đã xuống thăm các đại đội. Những đơn vị chất lượng của anh hầu như không thể chiến đấu được nữa. Đơn vị anh chỉ mới đến cửa ngõ sở chỉ huy của Đờ Cát-tơ-ri! Tiếp tục nhiệm vụ như thế nào? Người đâu! Người đâu?... Tìm đâu ra được những người như các đồng chí đã hy sinh hoặc bị thương trong trận đánh vừa qua? Bộ đội ta chưa đủ sức đánh một tập đoàn cứ điểm ư? Cuộc rút quân ở Nà Sản năm trước lại diễn ra một lần nữa chăng?... Gặp gỡ các cán bộ, chiến sĩ, Tuấn cảm thấy ngỡ ngàng, hổ thẹn. Trước khi trận đánh kết thúc, họ cũng như anh đều vẫn tin ràng sớm, muộn ta cũng tiêu diệt đồn địch. Họ đều nghĩ, được học tập như vậy rồi, không thể nào không hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu của trên giao cho. Anh nhớ mình đã có lúc nói với họ rằng: “Trận này chúng ta chỉ được thắng không được thua". Vậy mà đến bây giờ thế này...
Khi nhận điện triệu tập đi họp, Tuấn hy vọng trên sẽ mở cho mình một lối thoát khỏi tình trạng khó khăn này. Nhưng hy vọng đó rất mong manh. Anh cho là việc lớn đã lỡ rồi. Bộ đội của anh chỉ còn cách rút về củng cố xây dựng đợi đến một chiến dịch sau. Anh không lo lắng nhiều về việc phải kiểm điểm tinh thần trách nhiệm của mình trong những ngày qua. Nhưng anh cũng không cảm thấy hào hứng như những lần được triệu tập lên để phổ biến nhiệm vụ chiến đấu. Cho đến tối hôm qua. Quân đi họp ở trên Bộ về chuyển lá thư của một đồng chí nữ văn công gửi cho anh...
Anh Tuấn kính mến!
Được tin các chiến sĩ ở mặt trận phía đông lên họp, chúng em đã phải đến chỗ các anh ấy ở, chờ cả buổi tối, đợi các anh đi họp về, bắt các anh kể chuyện A1 cho nghe. Không ngờ lại gặp anh Quân và anh Khỏe là người ở trong đơn vị của anh. Lúc này bớt hồi hộp rồi, chúng em mới cảm thấy điều tự hào là có một người đã lãnh đạo giáo dục mình, hơn nữa một người anh, đã trực tiếp cầm súng chiến đấu trong trận đánh lịch sử này.
Em xin báo cáo qua với anh về công tác của chúng em trong những ngày qua. Chiến dịch này hầu hết chúng em đã phân tán thành những bộ phận nhỏ xuống phục vụ đơn vị ngay trên đường hành quân. Đi sát chiến sĩ, chúng em học tập được rất nhiều. Có thể nói với anh là chúng em đã lớn lên về cả công tác và tư tưởng. Em đã sáng tác được một điệu vũ. Bây giờ thì chúng em đang ở Mặt trận bộ chuẩn bị một số tiết mục chào mừng chiến thắng của các anh. Trưa hôm nay, đồng chí chủ nhiệm tới thăm chúng em và chỉ thị cho em xuống ngay các trạm quân y đê phục vụ. Riêng em được may mắn ở trong số các đồng chí xuống đơn vị anh. Chúng em chỉ ở phòng quân y đại đoàn bộ thôi, ở hậu phương chứ không được ra hỏa tuyến cùng các anh đâu. Như thế chúng em cũng thấy thỏa mãn một phần rồi, chúng em sẽ được gần gũi những cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị anh, sẽ được nghe họ kể chuyện về anh. Và ở đó em vẫn có hy vọng gặp anh nhiều hơn là ở trên này.
Chúng em cần gặp anh lắm, anh Tuấn ạ. Anh sẽ giúp cho chúng em hiểu nhiều điều trong thực tế chiến đấu rất cần cho sáng tác. Anh Tuấn sẽ tranh thủ về gặp chúng em nhé! Không biết các đồng chí nam thì thế nào, chứ chúng em là nữ thì không có hy vọng được các anh ấy cho ra hỏa tuyến đâu. Chúng em thật khổ tâm khi thấy các đồng chí phụ trách cứ lo, cứ săn sóc chúng em như những đứa trẻ nhỏ. À, anh Tuấn ạ, hôm nọ anh Thanh Tùng cũng đến nói chuyện với chúng em một buổi về thơ Mai A. Riêng em, em không thể quên được những buổi chiều ở ATK, anh đến chơi với chúng em, dịch và giảng cho chúng em nghe những bài: “Lê nin”; "Ống sáo đốt xương sống", "Đám mây mặc quần"... Nghe anh Thanh Tùng nói chuyện, chúng em càng thấy nhớ anh hơn.
Khi anh Quân về đến chỗ anh thì chúng em cũng đã có mặt ở đại đoàn bộ rồi. Thế nào anh Tuấn cũng đến gặp chúng em nhé, đến gặp những người đội viên cũ, những đứa em gái nhỏ của anh. Em thay mặt toàn đội yêu cầu anh như thế, tin rằng thể nào anh cũng sẽ tới tuy biết rằng anh lúc này rất bận.
Chúng em chờ được gặp anh ngay từ bây giờ.
Em
BÍCH HẠNH
Tái bút: Khi nào gặp anh, anh sẽ đọc cho chúng em nghe bài thơ mới nhất của anh, bài thơ anh làm trong chiến đấy ấy nhé!
Sáng nay, Tuấn dậy rất sớm, Quân vẫn còn ngủ... Anh dặn đồng chí liên lạc, khi tiểu đoàn phó thức dậy thì nói anh đi trước để rẽ vào quân y thăm đồng chí Vinh. Anh định sẽ đồng thời tới thăm Bích Hạnh và một số anh chị em trong đoàn về đây phục vụ. Lòng Tuấn vui và mát rời rợi. Anh cảm thấy như mình vừa tìm lại được một vật kỷ niệm đánh rơi từ lâu. Giữa chiến trường ngột ngạt bom đạn này, bức thư của người nữ đồng chí như một dòng nước mát giội vào người anh, dòng nước cử chảy mãi vào những ngóc ngách quanh co nhất trong tâm hồn anh. Giờ phút này anh quên khuấy nhiệm vụ, những lo lắng, những ràng buộc với chung quanh. Anh chỉ sống với những tình cảm thú thích riêng tư của mình, cái thú thích mà Bích Hạnh đã gợi lại cho anh trong lá thư "em không thể quên được những buổi chiều ở ATK, anh đến chơi với chúng em...". Lát nữa, bên tai anh sẽ ríu rít những tiếng nói như tiếng chim, những tiếng nói hiếm hoi như dòng nước ở giữa sa mạc. Đôi mắt đen huyền hơi xếch (anh vốn có một cảm tình đặc biệt với những đôi mắt xếch) sẽ nhìn anh không chớp, như muốn nuốt từng lời nói của anh. Đã bao lần những người đồng chí đó ngồi nghe anh nói chuyện như thế, và những câu chuyện của anh lần này còn đặc biệt hơn nhiều, vốn nghiêm khắc với mình, có lúc anh tự hỏi: Tại sao mình không nghĩ gì đi những đồng chí bị thương mà chỉ mong gặp Bích Hạnh? Anh không trả lời cho mình được. Nhưng câu hỏi đó cũng khô át nổi nguồn vui trong lòng anh...
Tuấn soi bóng mình xuống dòng suối. Dòng nước mỏng bị đá dưới lòng suối gợn lên lăn lăn, làm anh chỉ nhận thấy anh hình bóng nhòe nhoẹt, da mặt mình xám ngoét.
Tuấn tụt giầy lội hết khúc suối thì vào tới trạm quân y. Chiếc áo choàng trắng toát của một nữ đồng chí vụt qua phía trước. Màu trắng như một tia nắng bất thần rọi đúng mắt anh. Anh vào qua bộ phận hành chính. Cái hầm khá rộng, vừa cửa không phải cúi đầu. Nóc hầm ken những thân cây to bằng bắp đùi. Chỗ nằm lót đệm ổ gianh. Vách hầm, những túi bằng vải hoa đựng bàn chải, thuốc đánh răng, bát ăn cơm, bình toong đựng nước... được treo rất ngăn nắp. Một đồng chí đeo kính trắng tiếp anh với lối nó lễ độ, kểu cách. Anh ta chỉ vẽ cho Tuấn khá rõ ràng khu vực Vinh hiện đang nằm. Anh cho biết thêm, vết thương của Vinh rất nhẹ. Vinh định trong ngày hôm nay cũng sẽ ra viện để về họp kiểm điêm trận đánh.
Khi Tuấn hỏi đến khu vực tạm trú của văn công thì anh bắt đầu nhìn Tuấn bằng cặp mắt kém lịch sự đi, và trả lời với một lối nói thiếu thiện cảm.
- Văn công à!... Các đồng chí ấy mới tới đi phục vụ khắp nơi suốt ngày, chả biết bây giờ các đồng chí đó chạy đâu.
Tuấn đang ngẫm nghĩ xem có nên hỏi thăm anh ta nữa hay không, thì đồng chí trẻ tuổi ngồi cộng sổ bên cạnh người đeo kính trắng, nhanh nhảu nói:
- Đồng chí vừa đi theo suối vào đây phải không?... Thế thì đồng chí đã đi qua chỗ các đồng chí văn công rồi đấy, chỗ có mũi tên trỏ phía tay phải, đi thẳng vào vài chục thước, cứ nghe thấy tiếng đàn, và tiếng phụ nữ cười là... trúng tủ.
Cảnh ngăn nắp, sạch sẽ, an toàn ở đây và thái độ của người đeo kính làm Tuấn khó chịu. Tuấn hơi ghen với họ. Trong khi mình sống những phút thật căng thẳng, rất khổ sở, thiếu thốn ở ngoài kia, không biết cái chết đến lúc nào, thì họ sống thế này... Tàu bay, đại bác nhìn ngó gì tới cái xó rừng này mà hầm hố của họ như thế kia. Tuấn nhớ lại những lúc mình nhớn nhác tìm một hố đại bác để ép mình xuống ngoài trận địa. Anh chợt nghĩ, nếu anh không đề nghị xin ra đơn vị chiến đấu thì lúc này, anh cũng được yên ổn, sạch sẽ như họ. Vì sao hắn lại không muốn chỉ cho anh tới nơi ở của các đồng chí văn công? Hắn cho anh cũng là một trong số những cán bộ cứ thấy văn công là chạy vòng quanh như đèn cù chăng? Anh mong lát nữa khi anh gặp các đồng chí văn công, hắn sẽ có một ở đấy. Hắn sẽ thấy các đồng chí văn công đối với anh như thế nào... Hắn sẽ hiểu chính các đồng chí đó đã yêu cầu anh tới. Nhưng ngay lúc đó, cái điều anh đã tự hỏi mình ban nãy lại hiện ra trong óc anh, làm cho thái dương anh nóng bừng lên.
Tuấn lững thững đi ra phía bờ suối. Từ trong đám người đang đứng nói chuyện gần đó, mót người cao lênh khênh chạy xô lại nắm tay Tuấn, reo lên:
- Chiến sĩ A1 về đây rồi!
Tuấn nhận ra Cảnh, người bạn quen từ những ngày anh còn là chính trị viên đoàn văn công dẫn đoàn về đây phục vụ. Cảnh phụ trách công tác tuyên huấn ở trung đoàn. Cảnh vẫn đỏm dáng với chiếc áo bốn túi chiến lợi phẩm bằng vải bạt, cái mũ nồi dạ tím to quả đội chênh chếch một cách có tính toán trên đầu, đôi giày da vừa gột bùn dưới suối nửa ướt thẫm, nửa khô. Cảnh xoắn lấy Tuấn hỏi chuyện. Cảnh nói mình tới đây gặp các chiến sĩ hỏi một số gương chiến đấu để viết theo yêu cầu của báo Quân đội nhân dân Mặt trận. Cảnh nói với Tuấn một cách khẩn khoản:
- May quá! Tiện gặp cậu đây, cậu phổ biến cho mình một số kinh nghiệm về công tác cổ động chiến trường. Trên thúc ghê quá mà bọn mình có nắm được đâu! Bây giờ cậu đi họp ở đại đoàn phải không? Đấy may quá! Tớ mà xuống đơn vị lại không gặp cậu. Cậu tranh thủ nói tớ nghe một lúc. Cử nói thoải mái những việc cậu và đơn vị đã làm như nói chuyện thôi. Đúc kết thế nào để mặc bọn mình....
Tuấn nhũn nhặn:
- Mình cũng là lính mới đã nắm được gì!...
- Xin anh đừng lười đi... Các cậu là những người trực tiếp mà không chịu nói thì định để anh em xếp bút chắc. Nói đi cậu... Chưa rút được ra hẳn thành vấn đề thì cứ làm thế nào kể chuyện lại cho mình nghe thôi cũng được.
Cảnh đã để quyển sổ nhỏ trên tay, mở săn nắp bút “pácke" vàng óng đứng chờ. Lần trước, đưa văn công xưởng phục vụ đơn vị này, chính Tuấn đã dẫn một số cán bộ đến ngồi nghe và ghi chép những điều Cảnh phổ biến về tình hình tư tưởng của anh em. Bây giờ tình hình đã ngược lại. Tuấn tự biết những điều mình nói ra chưa được chín chắn lắm, nhưng Cảnh cứ ghi lia lịa, thỉnh thoảng lại reo lên: "Hay quá". Do đó anh lại cảm thấy những lời nói của mình là có giá trị... Anh vừa ở A1 về. Trong lịch sử quân đội ta từ xưa đến giờ đã có trận chiến đấu nào to như thế này? Đánh vào một tập đoàn cứ điểm, công kiên liên tiếp ba bốn ngày đêm, đánh trận địa, đánh phòng ngự dưới hỏa lực phi pháo dày đặc của địch... Tuấn càng nói càng thấy say sưa. Anh nói hơi nhiều. Chợt nhớ ra mình còn nhiều việc phải làm.
Tuấn kết thúc câu chuyện.... Cảnh như còn tiếc rẻ muốn nghe nữa. Anh định đi. Cảnh nắm tay giữ lại. Anh tưởng Cảnh định hỏi thêm kinh nghiệm nữa, nhưng lần này thấy đôi mắt nhỏ nhanh nhanh của Cảnh dán vào khẩu súng bên hông anh. Cảnh ngần ngừ, rồi nở một nụ cười ngượng nghịu:
- Cậu kiếm cho mình một khẩu súng ngắn nhé! Tớ có tiêu chuẩn được trang bị rồi. Cung cấp đồng ý giải quyết cho mình trong chiến dịch này, nó bảo thấy đâu có thì phát hiện. Chờ nó phát thì chỉ toàn súng ốm thôi. Cậu xem có gì kiếm cho mình một khẩu như loại của cậu. Nếu có, cậu gọi điện cho mình biết ngay nhé! Chỉ các cậu ở đơn vị mới có điều kiện giúp tớ. Cán bộ ở cơ quan chỉ toàn điếu đóm, thừa các anh vứt đi mới đến lần...
Tự nhiên, bộ quần áo sạch sẽ, đỏm dáng của Cảnh gây cho anh một cảm giác không thích thú. Tuấn buộc lại mảnh vải dù hoa, lốm đốm rất rộng choàng thay ngụy trang trên người. Mảnh vải dù chiến lợi phẩm này hôm qua đồng chí liên lạc mới đưa cho anh. Cậu ta chú ý kiếm cho anh một miếng thật lành lặn, vuông vắn, khi cần có thể đắp thay chăn. Cảnh lại dán mắt vào mảnh vải dù.
Tuấn muốn kết thúc cuộc gặp gỡ, anh nói:
- Mình sang thăm Vinh một lát để còn đi họp.
- Còn sớm chán? Nghe nói sáng mai cuộc họp mới bắt đầu. Sang văn công chơi một tí đi! - Cảnh nheo đuôi mắt vừa nhìn Tuấn vừa mỉm cười.
Tuấn cảm thấy cái nhìn của anh ta rọi đúng vào đáy lòng mình. Anh bỗng thay đổi ý định.
- Mình bận quá, không sang bên đó được.
Cảnh nài thêm:
- Vội gì đâu! Thủ trưởng cũ gì mà lạnh nhạt với anh chị em thế!
Tuấn kiên quyết:
- Mình đang bận thật. Cậu sang đừng nói với anh chị em là gặp mình ở đây.
Tuấn chia tay Cảnh đi về phía Vinh nằm điều trị.
Cao Điểm Cuối Cùng Cao Điểm Cuối Cùng - Hữu Mai Cao Điểm Cuối Cùng