Có 04 bước để đạt thành tựu: lên kế hoạch một cách có mục đích, chuẩn bị kỹ lưỡng, tích cực thực hiện, và kiên trì theo đuổi.

William A. Ward

 
 
 
 
 
Tác giả: Rohinton Mistry
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1946 / 89
Cập nhật: 2017-08-29 15:44:17 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
XI: Tương Lai Xán Lạn Bị Che Mờ
hi cảm giác thoải mái và an toàn của dãy hành lang đã bào mòn tính cấp thiết của việc săn lùng một chỗ ở mới, những cuộc dạo bộ tối của hai người thợ hòng tìm kiếm một căn phòng cho thuê biến thành một bài tập thể dục miễn cưỡng. Nó khiến Ishvar hơi gợn chút cảm giác tội lỗi, ông thấy như hai bác cháu đang lợi dụng lòng tốt của Dina, nay đã bước sang tháng thứ ba. Để trấn an lương tâm của bản thân, ông dần hình thành thói quen mô tả cho cô thất bại của họ cụ thể đến từng chi tiết: những nơi họ đến, những khu tập thể, những phòng khép kín, những gian lán họ đã xem, và họ đã để vuột mất nó trong đường tơ kẽ tóc như thế nào.
“Tiếc quá,” ông lặp lại câu này không chỉ trong một ngày một bữa. “Chỉ mười phút trước khi chúng tôi đến, có người đã lấy mất rồi. Mà phòng ốc tốt lắm.”
Nhưng thời gian đã xoa dịu nỗi lo lắng của Dina về lão chủ nhà. Cô khá hài lòng với việc cho phép hai người thợ may tiếp tục ngủ ngoài hành lang. Không ai có thể thuyết phục cô làm khác đi, thậm chí là Zenobia, cô bạn đã vô cùng kinh hoảng khi phát hiện ra chiếc rương cùng chăn chiếu của hai người ở đó trong một buổi tình cờ ghé chơi.
“Nguy hiểm lắm,” cô bạn cảnh báo. “Cậu đang đùa với lửa đấy.”
“Ôi dào, chẳng có chuyện gì xảy ra đâu,” Dina tự tin đáp.
Cô đã trả lại món tiền nợ Nusswan, lão thu tiền nhà không còn quấy quả thêm lần nào nữa, và công việc may vá đang trôi chảy hơn bao giờ hết.
Cuộc đình công được tiên liệu trước trong nỗi lo sợ ở Công ty xuất khẩu Au Revoir cũng bị ngăn chặn, được bà Gupta tung hô như một chiến thắng của cái thiện trước những thế lực hắc ám. “Giờ công ty đã có lực lượng vệ sĩ riêng rồi,” bà giải thích với Dina. “Đây là một thí dụ về chuyện lấy đầu gấu của ta chọi đầu gấu của nó. Họ sẽ xử lý hết bọn lưu manh công đoàn trước cả khi chúng kịp gây chuyện hoặc lôi kéo kích động các công nhân tội nghiệp. Nói cho cô hay, cả cảnh sát cũng ủng hộ chúng tôi đấy nhé. Tất cả mọi người đều chán ngấy những phiền toái bọn công đoàn gây ra rồi.”
Hai người thợ may hết sức hoan hỉ khi Dina về nhà mang theo cái tin tốt lành. “Ngôi sao của chúng ta đang ở đúng vị trí rồi,” Ishvar nói.
“Phải,” cô nói. “Nhưng quan trọng hơn là đường may của hai người phải ở đúng vị trí.”
Ishvar và Om thường lên đường đi tìm nhà thuê sau bữa tối, thỉnh thoảng trước giờ cơm, nếu như hôm đó họ không phải nấu nướng. Cô chúc họ may mắn, nhưng luôn đế thêm câu “Hẹn sớm gặp lại hai bác cháu,” và cô thực lòng mong như thế. Maneck thường đi cùng. Còn lại một mình, mắt cô chốc chốc lại liếc đồng hồ trong khi cô chờ đợi họ quay về.
Và sau đó, khi cuộc lang thang buổi tối được báo cáo lại với cô, lời khuyên của cô là: “Đừng vội vàng quá.” Sẽ là ngu ngốc, cô nói, nếu trả tiền cho một chỗ ở có thể bị san bằng vì nó đã được xây cất trái phép. “Tốt hơn hết nên tiết kiệm tiền và kiếm một căn phòng tử tế mà không ai có thể đuổi hai người ra được. Cứ từ từ mà tìm.”
“Nhưng cô chẳng chịu nhận đồng nào của chúng tôi cả. Chúng tôi có thể quấy quả cô thế này đến bao giờ nữa?”
“Tôi có thấy phiền toái gì đâu. Cả Maneck cũng thế. Cháu có phiền không, Maneck?”
“À có chứ, cháu có một mối phiền toái to đùng đây. Sắp đến kì thi rồi.”
“Một vấn đề khác là,” Ishvar tiếp, “ông cháu thân yêu của tôi đây không thể lấy vợ được chừng nào chúng tôi chưa có chỗ ở riêng.”
“Chuyện này thì tôi chịu, không giúp được đâu,” Dina nói.
“Ai nói cháu muốn lấy vợ?” Om gắt gỏng, trong khi cô và Ishvar nhìn nhau cười như hai bậc phụ huynh khoan dung.
Tin đồn về một căn phòng thuê chung có thể còn trống ở vùng ngoại ô phía bắc dẫn họ đến khu dân cư mà họ đã từng đến tìm việc khi mới lên thành phố. Khi họ tới nơi, căn phòng đã có người thuê mất. Họ tình cờ đi ngang qua tiệm May cao cấp, và quyết định tạt vào chào Jeevan một câu.
“A, hai người bạn cũ của tôi đã trở lại đây rồi,” Jeevan chào đón họ. “Cùng một anh bạn mới. Cậu này cũng là thợ may hả?”
Maneck cười và lắc đầu.
“À, đừng lo, rồi cậu sẽ sớm thành thợ may thôi.” Đoạn Jeevan ôn lại khoảng thời gian khi ba người thợ phải làm việc thâu đêm suốt sáng cho kịp hạn cuộc bầu cử phụ. “Nhớ không, bọn ta phải may một trăm cái sơ mi và một trăm cái dhoti cho khách làm quà hối lộ ấy?”
“Cảm giác cứ như cả ngàn chiếc ấy,” Om nói.
“Sau này tôi mới phát hiện ra là lão ta đã chia việc cho hơn hai tá thợ may. Lão mang tặng những năm nghìn cái sơ mi và dhoti kia đấy.”
“Mấy lão chính trị gia khốn kiếp đấy lấy tiền ở đâu ra nhỉ?”
“Tiền bẩn chứ còn đâu nữa – từ các doanh nghiệp cần xin xỏ nhờ vả. Đấy là cách vận hành của toàn vương quốc li xăng – giấy phép – hạn ngạch mà lị.”
Tuy nhiên, rốt cuộc tay ứng viên nọ lại bị đánh bại, dù đã mang áo tặng những cử tri quan trọng nhất của mình, cũng vì phe đối thủ liên tục phát ra những bài diễn văn rất thông minh: rằng khi đang trắng tay mà nhận những món quà đắt tiền không phải là một tội, chừng nào những cái đầu thông thái vẫn chiếm thế thượng phong trong thời điểm bỏ phiếu.
“Lão cố đổ tội cho tôi đã làm lão thua cuộc. Rằng cử tri không chọn lão vì áo may xấu quá. Tôi mới bảo, đem đến đây cho tôi xem nào. Tôi không bao giờ còn gặp lại lão nữa.” Jeevan dọn hết các thứ đang làm dở dang trên mặt quầy và phủi sạch tơ vải bám trên mặt trước áo sơ mi. “Nào, ngồi xuống đi, làm tí trà với tôi nhé.”
Lời mời ngồi chỉ là một cách nói hình tượng. Quang cảnh bừa bộn trong cửa tiệm bé tí tẹo khiến người ta khó có thể hiểu nó theo nghĩa đen cho được. Một số cải tạo đã được thực hiện kể từ lần cuối cùng hai người thợ ở đây, và khoảng không phía sau đã được ngăn riêng ra để kê một gian buồng che rèm phục vụ việc thử đồ. Ishvar đón lấy cái đĩa đặt tách trà trên mặt quầy; Jeevan nhấp từng ngụm từ cốc. Hai cậu trai mang phần của mình ra bậc cửa bên ngoài để uống chung.
Hôm đó hóa ra lại là một buổi tối bận rộn cho tiệm May cao cấp. “Ba người đem vận may đến cho tôi đấy,” Jeevan nói. Một gia đình tới đặt quần áo cho ba đứa con gái nhỏ, bà mẹ hãnh diện cắp súc vải dưới nách, ông bố mặt mày cau có dữ tợn. Họ muốn may cho mỗi đứa một chiếc áo cánh và một cái váy dài sao cho kịp diện vào lễ Divali.
Vừa đưa một ngón tay lên búng búng môi, Jeevan vừa vờ săm soi cuốn sổ đặt hàng. “Chỉ còn một tháng nữa thôi,” anh ta ca cẩm. “Ai cũng vội.” Anh ta ậm ừ, ngâm nga, tạo thành những âm thanh lách cách qua kẽ răng, rồi trả lời có thể may được, nhưng chỉ xong vừa kịp hạn mà thôi.
Mấy đứa bé gái nhảy cẫng lên vì mừng rỡ và sung sướng. Ông bố dữ tợn bèn quát chúng đứng im không ông ta sẽ đập vỡ đầu cả ba đứa. Vợ con ông ta chẳng thèm lý gì đến lời đe dọa thái quá kia. Họ đã quá quen với cung cách ăn nói kì quặc của ông.
Jeevan đo súc vải, một tấm vải polyester in họa tiết chim công. Anh ta cau mày vẻ nghiêm trọng, đo lại vải, và tuyên bố, ngón tay vẫn búng môi, rằng số vải này không đủ cho ba chiếc áo cánh và ba cái váy dài. Lũ trẻ bậm bịu chực khóc.
“Gã khốn chân khoèo đang nói điêu đấy,” Om thì thào với Maneck. “Cứ xem khắc biết.”
Anh ta đo lại lần thứ ba và nói, với giọng điệu ra chiều ta đây nhân đức, rằng có một giải pháp khác. “Sẽ là rất khó, nhưng tôi có thể may váy liền dài tới gối.”
Ông bố và bà mẹ tuyệt vọng vồ lấy phương án thay thế, bảo Jeevan cứ theo thế mà làm. Anh ta rũ tung cuộn thước trong không khí và mời mấy đứa trẻ đứng lên phía trước để đo. Chúng đứng thẳng đuỗn, như những con búp bê của một nghệ sĩ múa rối, quay người, ngẩng đầu, giơ tay với những cử động cứng ngắc.
“Tay lưu manh này sẽ ăn bớt ít nhất ba thước vải, có khi là bốn,” Om nói nhỏ, đoạn né người khỏi bậc cửa cho gia đình nọ đi ra. Ba đứa bé gái khẽ than thở rằng chúng rất rất thèm được diện váy dài. Bố chúng âu yếm ôm chặt đàn con, dọa sẽ đánh cả ba đứa gãy răng nếu chúng không ngoan, và gia đình hạnh phúc nọ khuất dạng dần phía cuối con đường.
Jeevan gập mảnh vải lại và gài tờ giấy ghi số đo của ba đứa trẻ vào bên trong. “Cánh thợ may chúng ta cũng phải kiếm ăn, chứ lại không à?” Anh ta đang tìm kiếm sự ủng hộ cho hành động của mình.
Ishvar gật đầu nước đôi.
“Cái bọn khách hàng này, lúc nào cũng đòi hỏi chúng ta quá lắm,” Jeevan lại nói, vụng về giấu mình sau những lời lẽ sáo rỗng.
Anh ta được rứt khỏi tình huống khó xử nhờ sự xuất hiện của một khách hàng khác. Người phụ nữ, có hẹn thử áo từ trước, được đưa một chiếc áo choli lụa mới dựng dáng. Cô ta biến mất vào buồng thử, kéo kín rèm che lại.
Maneck huých Om, cả hai bèn quay lại nhìn. Tấm rèm rung rinh cách mặt đất khoảng mươi phân, qua đó, người ta có thể nhìn thấy gấu sari của cô ta khẽ vuốt ve hai bàn chân đi xăng đan. Jeevan ngoắc ngón tay về phía đó, rồi chính anh ta cũng lia mắt nhìn chòng chọc vào gian buồng.
“Một tấm rèm mỏng hơn sẽ điểm thêm biết bao nhiêu hương vị cho đời tôi,” Om nói. Họ có thể nghe thấy tiếng vòng xuyến của cô ta va nhau lanh canh.
“Suỵt!” Jeevan nạt, mồm cười hi hí. “Hai cậu làm tôi mất khách quen bây giờ.”
Sự xuất hiện trở lại của người phụ nữ khiến cả ba phút chốc rơi vào một bầu không khí im lặng tội lỗi. Họ lén lút săm soi cô, đầu cúi thấp, mắt liếc qua vai. Vạt sari của cô đã được gạt khỏi vai để Jeevan có thể xem xét chiếc áo đang may dở. “Xin chị giơ tay lên một chút,” anh ta nói, đoạn luồn sợi thước dây qua nách cô ta. Giọng anh ta lúc này lạnh te, hệt như một bác sĩ đòi xem lưỡi bệnh nhân.
Giữa chiếc choli và eo, bụng cô phơi trần. Chiếc áo cô đang mặc là kiểu hippie theo lối hiện đại, để lộ rốn. Maneck và Om giương mắt nhìn trong khi Jeevan đề xuất nên may thêm hai đường li ở lưng và khoét phần cổ sâu thêm một chút xíu. Người phụ nữ quay lại phía sau rèm.
Om thì thọt với Maneck rằng đây chính là thứ cậu nhớ nhất khi phải làm việc cho cô Dina với mẫu may bằng giấy.
“Tớ cả còn cơ hội nào để đo đạc cho phụ nữ cả.”
“Cậu làm như có thể xơ múi gì được trong lúc đo ấy.”
“Ối dào, cậu không tưởng tượng nổi người ta có thể làm được những trò gì đâu.” Được may một cái áo cánh, nhất là loại choli bó sát như chiếc này, Om nói, là thiên đường, vì thước dây được ôm vòng qua hai bầu ngực. Khi luồn thước ra sau lưng rồi dang tay kia để kéo đầu thước qua phía trước, cậu sẽ phải đứng sát sàn sạt với cô ta. Riêng được làm thế thôi đã đủ sướng rồi. Sau đó ngón tay cậu giữ lấy sợi thước ở đúng đường khe giữa hai bầu vú – tức là cậu không hề chạm vào cô ta – nhưng thích nhòm một tí thì thoải mái. Cậu phải thật cẩn thận, và phải biết khi nào thì có thể làm tới. Nếu cô ta co rúm lại ngay khi thước vừa chạm lên người, thì thử làm gì cũng đều rất nguy hiểm. Nhưng có một số người chả ngại ngùng gì sất, và cậu chỉ cần nhìn ánh mắt và đầu vú họ là đủ biết ngón tay có thể nghí ngoáy chút đỉnh không.
“Cậu đã làm bao giờ chưa?”
“Khối lần. Hồi ở Hiệu may Muzaffar, với Ông trẻ Ashraf ấy.”
“Có lẽ tớ nên bỏ học thật, và đổi sang nghề thợ may.”
“Nên chứ. Vui hơn nhiều.”
Maneck cười. “Thật ra, tớ đang nghĩ đến chuyện học tiếp đại học sau khi hết khóa này đấy.”
“Tại sao? Tớ tưởng cậu ghét học cơ mà.”
Trong chốc lát Maneck chỉ im lặng, gõ gõ lên khớp tay của mình như đánh đàn. “Tớ nhận được một lá thư của bố mẹ. Nói họ mong năm nay kết thúc vô cùng, rằng không có tớ, họ cô đơn lắm – toàn những lời rác rưởi cũ rích. Lúc tớ ở nhà, họ toàn thúc đi, đi, đi. Thế nên tớ quyết định sẽ viết thư báo là tớ muốn ở đây thêm ba năm nữa, học hẳn chương trình có văn bằng, chứ không làm chứng chỉ một năm nữa.”
“Giời ạ, cậu dốt thế. Phải tớ, tớ sẽ lao về với bố mẹ càng nhanh càng tốt.”
“Để làm gì? Để lại cãi cọ, gây sự với bố tớ à? Vả lại, ở đây tớ đang vui.”
Om ngắm nghía móng tay mình và lùa tay qua mớ tóc bồng. “Nếu cậu tính ở lại, cậu nên chuyển qua học may, chắc luôn. Bởi vì cậu đâu thể đo phụ nữ để làm tủ lạnh.” Cậu cười khùng khục. “Cậu định nói gì? ‘Thưa cô, ngăn của cô sâu bao nhiêu?’”
Maneck cười phá lên. “Tớ có thể hỏi ‘Thưa cô, tôi có thể kiểm tra bộ nén khí của cô được không?’ Hoặc ‘Thưa cô, khoang điều nhiệt của cô cần một bộ điều nhiệt mới.’”
“Thưa cô, núm điều chỉnh nhiệt độ của cô cần hiệu chỉnh.”
“Thưa cô, ngăn đựng thịt của cô bị kẹt.”
Vị khách rời cửa hàng đúng lúc hai cậu trai đang cười nói rổn rảng, Ishvar gọi: “Ê, hai đứa, đến giờ về rồi. Có chuyện gì mà cười ghê thế?”
“Tưởng bọn này không biết à,” Jeevan nhe nhởn cười, rồi chúc họ may mắn và chào tạm biệt. “Chúc hai người sớm tìm được phòng.”
Trong tuần ôn tập trước kì thi của Maneck, lão thu tiền nhà đột nhiên tìm đến vào một chiều nọ không theo lịch hẹn. Nghe tiếng chuông cửa, hai người thợ lập tức ngưng tiếng máy may.
“Chào chị, chị có khỏe không ạ?” Ibrahim cất lời, bàn tay giơ lên phía chiếc mũ.
“Chuyện gì nữa đây?” Dina hỏi, đứng chắn đường lão. “Tiền thuê nhà tháng này tôi đóng rồi còn gì.”
“Tiền không phải vấn đề chị ạ.” Người rúm ró lại khi nói, lão tuôn ra một hơi rằng công ty phái lão đến để chuyển thông báo cuối cùng buộc cô dọn đi trong vòng ba mươi ngày vì họ đã có bằng chứng cho thấy cô đang dùng căn hộ vào mục đích thương mại bất chấp lời cảnh cáo từ nhiều tháng trước.
“Vớ vẩn! Bằng chứng đâu?”
“Chị ơi, chị nổi cáu với tôi mà làm gì,” lão van vỉ, đoạn vỗ vỗ lên cuốn sổ cất trong túi. “Tất cả đều ở trong này – ngày, giờ, chuyến đi – chuyến về, tắc xi, váy. Cả những bằng chứng khác đang ngồi ở phòng trong nữa.”
“Phòng trong? Ông muốn chỉ cho tôi xem không?” Cô đứng sang một bên và ra hiệu cho lão vào nhà.
Cử chỉ thách thức ngang ngược khiến lão giật mình. Lão không còn cách nào ngoài chấp nhận nó. Đầu cúi gằm, lão bước thẳng vào phòng may. Hai người thợ, hóa đá trước chiếc máy Singers, đang ngồi bồn chồn chờ đợi, còn Maneck đang từ phòng mình nhìn ra.
“Vấn đề là đây, thưa chị. Chị không thể thuê thợ may và mở xưởng ở đây.” Lão khoát bàn tay khổ sở về phía căn phòng ngủ còn lại. “Đã thế, lại còn cả một khách trọ nữa. Thật quá lắm, chị ơi. Chắc chắn công ty sẽ đuổi chị ra đường.”
“Ông nói vớ nói vẩn gì thế!” Cô mở màn phản pháo. “Người đàn ông này,” cô nói, tay chỉ vào Ishvar, “ông ấy là chồng tôi. Hai cậu con trai này là con tôi. Và đống váy vóc đều là của tôi hết. Một phần của chỗ quần áo mới cho năm 1975 của tôi. Về đi, bảo với ông chủ nhà của ông là chẳng có việc gì hết.”
Thật khó nói ai mới là người bị sốc nặng hơn vì tuyên bố nguỵ tạo của cô: Ishvar, mặt mũi đỏ lựng, tay mân mê cây kéo, hay Ibrahim, hai tay xoắn vặn lấy nhau và thở dài.
Được đà lấn tới, cô chì chiết: “Ông còn gì để nói nữa không?”
Ibrahim khom vai lại sao cho trông vừa đủ độ quỵ luỵ. “Thế giấy đăng kí kết hôn đâu ạ? Giấy khai sinh? Tôi có thể xem được không?”
“Có mà cho ông xem một dép của tôi vào giữa mồm ông ấy! Sao ông dám sỉ nhục tôi! Bảo với lão chủ của ông, là nếu lão không chấm dứt trò quấy rối gia đình tôi, tôi sẽ lôi lão ra tòa!”
Lão thoái lui, lí nhí kêu rằng lão phải làm báo cáo đầy đủ để trình lên công ty, rằng sao nỡ chửi bới lão vì đã thực hiện bổn phận của mình, rằng lão đâu có thích thú gì việc này hơn những người thuê nhà.
“Nếu ông không thích thì đừng làm. Đằng nào ở tuổi này, ông cũng đâu cần làm việc nữa. Lũ con cái khắc chăm lo cho ông.”
“Tôi phải làm việc, tôi chỉ có một thân một mình thôi,” lão nói đúng lúc cánh cửa đóng sập lại.
Vị ngọt của chiến thắng tan biến. Cô đứng chờ, nghe thấy tiếng lão thở hổn hển ngoài cửa, cố lấy lại hơi rồi mới có thể đi tiếp được. Chỉ trong khoảnh khắc những lời ngắn ngủi của lão vang lên, cuộc đời cô độc của chính cô, những năm tháng sóng gió bỗng ùa về, nhắc nhở cô rằng niềm hạnh phúc mới được khai phá trong vài tháng vừa qua thật mới mẻ và mong manh biết bao.
Ở phòng trong, Ishvar đã bình tĩnh trở lại sau cái tin hôn phối bất ngờ. Hai cậu trai lăn ra cười như nắc nẻ, thay nhau trêu chọc bộ mặt ông khi nãy. “Bác suốt ngày đòi lấy vợ cho cháu đi,” Om nói. “Giờ bác đã có vợ trước rồi nhá.”
“Thật là một sáng kiến tuyệt cú, dì ạ. Dì có chuẩn bị sẵn từ trước không vậy?”
“Thôi quên đi, cháu nên chuẩn bị cho kì thi thì hơn.” Trường đại học cho nghỉ lễ Divali tận ba tuần, nên Dina khuyến khích Maneck thử sắm vai du khách. “Suốt thời gian qua cháu toàn đi từ nhà đến lớp, rồi lại từ lớp về nhà. Nhưng thành phố này có nhiều chỗ đẹp lắm. Bảo tàng và thủy cung và các hang động chạm khắc sẽ làm cháu mê mẩn cho mà xem. Cả Vườn Victoria lẫn Vườn Treo đều đáng tham quan lắm, cứ tin dì.”
“Nhưng cháu đã xem hết rồi còn đâu.”
“Lúc nào? Cách đây cả chục năm, cùng mẹ cháu ấy hả? Hồi đó cháu chỉ là một thằng bé con thôi, làm sao còn nhớ được gì. Cháu phải đi lần nữa đi. Mà cháu cũng phải đi thăm các cô dì chú bác bên nhà Sodawalla nữa chứ, họ đều là ruột thịt của mẹ cháu kia mà.”
“Vâng,” cậu hững hờ đáp, và không buồn nhích chân khỏi nhà một li.
Tuần đó, những tiếng pháo hoa đầu tiên của kì lễ Divali dội đến. “Hai Ram,” Ishvar kêu lên. “Như bom nổ ấy.”
“Thế này đã là gì,” Dina nói. “Cứ chờ đến gần chính hội khắc biết.”
Những tiếng ồn đẩy giờ đi ngủ hàng đêm muộn gần hai tiếng, khiến những ngày nghỉ nhạt nhẽo của Maneck thêm dài dặc và chống chếnh. Để bù lại, cậu cố dậy thật muộn, nhưng buổi bình minh ầm ĩ, bị choán ngợp bởi những tiếng lạch cạch của người đưa sữa và tiếng người cãi cọ chửi bới nhau, luôn giành phần thắng.
Dina ghi số xe buýt và đường đi vào giấy cho cậu. “Tìm các điểm du lịch dễ lắm, cháu sẽ không lạc đâu mà lo,” cô nói, cho rằng có lẽ đó là điều khiến cậu e sợ. Nhưng Maneck chẳng mảy may nhúc nhích.
Phát chán vì phải nhìn cậu thơ thẩn quanh nhà, cô chuyển sang mắng mỏ cậu. “Lúc nào cũng ru rú trong nhà, cứ như lão khốt già. Thật không bình thường với một chàng trai trẻ. Mà cháu cứ đi lên đi xuống cả ngày, làm bọn dì cũng đến phát điên mất thôi.”
Sự hiện diện vật vờ của cậu dần dần khiến Om mất tập trung, cậu này lại tiếp tục ra Vishram la cà trà nước với Maneck khi đến giờ nghỉ, hoặc đánh bài ngoài hành lang, ra điều ta đây chán việc. Hết Ishvar mắng nhiếc thằng cháu, đến lượt Dina lên lớp cậu, nhưng chẳng ăn thua gì.
Đến cuối tuần, họ bèn chuyển cách khác; họ thống nhất là tốt hơn hết nên cho Om nghỉ ngơi một thời gian. Thật phi lý nếu cứ kì vọng cậu sẽ gò lưng trước máy mà làm việc trong khi bạn cậu lúc nào cũng rình rập ngay bên cạnh. Nói cho cùng, số cậu cũng đủ khổ rồi, đang tuổi này phải nai lưng ra kiếm sống thay vì được đi học đi hành như Maneck.
Vì vậy, Om được báo rằng cậu có thể giảm giờ làm và chỉ cần may từ tám đến mười một giờ sáng. “Cậu đã làm việc rất chăm chỉ trong mấy tháng vừa rồi,” Dina nói. “Cậu xứng đáng được hưởng một kì nghỉ.”
Giờ thì không có gì có thể giữ họ ở nhà. Ngay giây phút Om kết thúc ca làm việc ngắn ngủi của mình, cả hai liền biến mất không sủi tăm cho đến bữa tối. Tiếp đó là những câu chuyện không ngưng nghỉ kéo xuyên qua bữa cơm tới tận giờ đi ngủ, vì họ có hàng đống thứ để kể về những việc mình đã làm.
“Sóng to lắm, xuồng nhảy chồm chồm như con ngựa điên ấy,” Om kể. “Sợ khiếp đi được.”
“Cháu nói thật, ông khách trọ cùng nửa xưởng may của dì suýt chút nữa đã chết chìm ở chỗ đê chắn sóng rồi.” “Đừng nói gở thế chứ,” Ishvar gàn.
“Sau chuyến đi xuồng đấy, đến vào thủy cung cũng làm đầu óc cháu quay cuồng – xung quanh sao mà lắm nước thế chứ lị.”
“Nhưng bọn cá đẹp thật đấy. Mà bọn nó bơi điệu đàng thế không biết. Trông cứ như bọn nó đang đi dạo, hay đi chợ, nắn bóp cà chua, hoặc giống cảnh sát đuổi kẻ trộm ấy.”
“Có mấy con nom sặc sỡ cực, hệt như mấy tấm vải lấy từ Au Revoir về,” Maneck tiếp lời. “Còn mũi của con cá mũi cưa trông giống hệt cái cưa thật luôn, cháu thề.”
“Ngày mai, cháu muốn thử một chầu mát xa trên bờ biển,” Om nói. “Hôm nay bọn cháu thấy họ đi rong, có đủ cả dầu xoa lẫn kem và khăn.”
“Phải hết sức cẩn thận đấy,” Dina cảnh báo. “Mấy tay mát xa dạo rặt một phường lưu manh. Chúng sẽ xoa bóp cho cậu thật tận tình, khiến cậu lâng lâng đến mức ngủ quên lúc nào không biết. Tới lúc ấy chúng sẽ nẫng hết túi ví của cậu.”
Tuy nhiên, ba ngày tiếp theo lại được dành cho các viện bảo tàng. Om về nhà và quả quyết các thợ xây ắt hẳn đã dựng mái vòm để mô phỏng cái bụng của ông bác cậu. “Bác mày mà được béo tốt thế thì đã phúc,” Ishvar nói. Trong liền ba tối, ông và Dina được nghe đủ thứ về triển lãm Trung Hoa, triển lãm Tây Tạng, triển lãm Nepal, ấm samovar, bình hãm trà, đồ chạm khắc từ ngà voi, lọ đựng thuốc hít bằng ngọc, thảm dệt.
Gây ấn tượng đặc biệt là bộ sưu tập vũ khí – những bộ áo giáp, dao găm chuôi nạm ngọc, đao, kiếm lưỡi răng cưa (“y xì cái bàn nạo dừa trong chạn bếp,” Om kể), những thanh gươm báu khảm đầy châu ngọc, cung và tên, gậy, giáo, thương, chùy gai.
“Trông giống hệt những vũ khí trong phim cổ trang Mughal-e-Azam,” Maneck nói, và Om bèn chen vào là những món đấy sẽ rất hữu dụng nếu đem trang bị cho tất cả dân Chamaars ở các làng mạc, rồi đi giết sạch bọn chúa đất và lũ người đẳng cấp trên. Nghe vậy, Ishvar cau mày tỏ ý không bằng lòng, nhưng tiếng cười của hai cậu trai đã kịp trấn an ông.
Và cứ thế, họ ngốn ngấu kì nghỉ bằng tất cả sự háu đói của tuổi trẻ. Những kì quan của thành phố tuôn trào từ lưỡi họ tới Ishvar, người được gián tiếp thưởng thức những cuộc du ngoạn của họ, và Dina, ngập trong cơn sóng nhiệt huyết của hai cậu trai, bỗng thấy lại điều gì đó trong những ngày thơ bé của chính mình.
Khi kì nghỉ đã trôi qua phân nửa, một đợt mưa muộn tràn đến phủ kín bầu trời. Những trận mưa rào giữ rịt hai cậu trai trong nhà. Trong lúc buồn chán và ngứa ngáy chân tay, Maneck bỗng nhớ đến những quân cờ. Om chưa bao giờ trông thấy một bộ cờ vua nào, những con cờ bằng nhựa thu hút trí tưởng tượng của cậu. Cậu đòi học chơi.
Maneck bắt đầu bằng việc dạy tên từng quân: “Vua, hậu, tượng, mã, xe, tốt.” Những chữ tạc sẵn rót vào tai cậu những thanh âm êm ái quen thuộc. Cậu khoan khoái mân mê những quân cờ trong tay mình sau biết bao thời gian qua, hồi sinh chúng từ cỗ quan tài bằng gỗ dán bọc nỉ để về với ô vuông dành cho mình, sẵn sàng cho cuộc chiến.
Rồi, đột nhiên, âm thanh giọng nói của cậu biến thành những tiếng vọng xa xăm của một giọng nói khác – giọng nói đã từng kể tên những quân cờ cho chính cậu hồi còn ở kí túc xá đại học. Cậu ngưng bặt, không tài nào tiếp tục giải thích luật chơi nữa. Giọng nói ấy đang dần moi móc những tàn cốt từ quá khứ mới đây của cậu, quá khứ mà cậu đang cố quên đi, đã quên được một nửa, và không bao giờ muốn thấy lại. Nay chúng đột ngột trỗi dậy bằng một sự hăm hở đến lố bịch.
Cậu trân mắt nhìn bàn cờ, nơi mỗi con cờ chứa chấp một hồn ma trong ô vuông của nó. Ba mươi hai hồn ma khởi động nước đi của riêng mình, một đội quân kí ức đang múa may, xô đẩy, giễu cợt, nhăm nhe đấu với ý chí quyết lãng quên của cậu. Rồi những quân cờ nhảy múa thay hình đổi dạng, và từ sáu mươi tư ô vuông, khuôn mặt của Avinash hiện ra, tươi cười với cậu.
Lấy hết sức bình sinh, Maneck bỏ bàn cờ và ra đứng bên cửa sổ. Mưa sầm sập dội xuống phố phường. Chiếc xe máy của ai đó nằm im, được phủ kín bằng một tấm vải dầu hắt ra những tiếng lộp bộp điếc tai. Những vũng nước bao quanh nó lầy bùn, nom chẳng lấy gì làm hấp dẫn. Chẳng có đứa trẻ con nào đùa nghịch hay té nước, đường phố buồn tênh dưới cơn mưa quá ư dai dẳng và dữ dội này. Cậu ước sao mình chưa bao giờ mở hộp cờ ra.
“Có chuyện gì thế?” Om hỏi. “Không có gì.”
“Thế thì tiếp đi. Đừng phí thời giờ nữa, dạy tớ cách chơi đi.”
“Chỉ là một trò chơi ngu ngốc thôi. Bỏ đi.”
“Nếu nó ngu ngốc, sao cậu lại có nó?”
“Có người cho tớ mượn. Rồi tớ cũng sẽ phải trả lại thôi.” Cậu nhìn dòng nước xoáy từ cống ngầm cuốn nuốt những vỏ bao thuốc rỗng và nắp chai nước giải khát. Kohlah Cola sẽ không có mặt trong số đó. Không, chừng nào bố cậu vẫn còn duy trì cung cách bảo thủ cũ kĩ. Lẽ ra nhà cậu đã có thể ăn nên làm ra biết chừng nào. Và cậu sẽ không bao giờ phải đi học ở cái trường chết giẫm này. Hẳn trong đời cậu đã có nước đi nhầm nào đó, cậu chợt nghĩ, nên giờ mới thành ra thế cờ này.
“Cậu không muốn dạy tớ chứ gì,” Om nói, đoạn gạt những quân cờ vào hộp. Chúng rơi xuống với những âm thanh lộp độp trách móc. Maneck nhìn lại, và mở miệng ra như thể sắp nói điều gì. Om không để ý thấy, vẫn đẩy nắp hộp đóng lại.
Maneck nán lại bên cửa sổ một lát rồi quay lại với bàn cờ. “Tớ chẳng muốn làm phiền cậu đâu,” Om nói, giọng mỉa mai. “Cậu có chắc cậu muốn dạy tớ không?”
Cậu không nói năng gì, sắp lại bàn cờ và bắt đầu giải thích luật chơi. Nước mưa đập ầm ầm lên tấm vải dầu phủ chiếc xe máy.
Trong hai ngày tiếp đó, Om học được nước đi và quy tắc ăn quân của các quân cờ, nhưng khái niệm chiếu tướng vẫn vượt quá tầm lĩnh hội của cậu. Nếu Maneck dựng một thế cờ trên bàn, cậu nắm được ngay, cảm nhận rõ sự bất lực của con vua bị giam cầm bằng một nỗi đau bản năng. Nhưng việc tự mình đạt đến kết cục tương tự thông qua cuộc chơi nằm ngoài khả năng của cậu, và cậu đâm ra mất kiên nhẫn.
Maneck cảm thấy thất bại là ở mình – cậu không phải là một ông thầy giỏi như Avinash. Hai hệ quả bí cờ và hòa cờ cũng khó tiêu không kém. “Đôi khi, cả hai phe đều không còn đủ quân, vì thế quân vua mãi mãi chạy trốn được khỏi thế chiếu tướng,” cậu giải thích đi giải thích lại.
Một lần nữa, Om hiểu khi nó được minh họa trên bàn cờ; nhưng ẩn dụ vua và quân đội không chạm tới ngưỡng thỏa mãn của cậu, và cậu quyết không vượt ra ngoài ngưỡng ấy. “Vô lý,” cậu cãi. “Đây nhé, quân của cậu và quân của tớ đang đánh nhau, và lính của cả hai bên đều chết cả. Thế là chỉ còn mỗi hai ta. Giờ một trong hai chúng ta phải thắng, ai mạnh hơn sẽ giết chết kẻ kia, đúng không?”
“Có lẽ. Nhưng luật lệ trong môn cờ vua lại khác.”
“Luật lệ phải luôn cho phép ai đó thắng chứ,” Om khăng khăng. Kết cục tất yếu khiến cậu hoang mang.
“Cũng có lúc, chẳng ai thắng cả,” Maneck nói.
“Cậu nói đúng, rõ là một trò chơi ngu ngốc,” Om nói.
Sau năm ngày mưa liền, trời đất không quang quẻ lên tí nào, và hai cậu trai đã biến thành một mối phiền toái không thể chịu đựng được trong nhà. Họ tiêu khiển bằng cách xem Ishvar và Dina làm việc. “Xem kìa,” Maneck nói. “Những khi chú ấy khởi động máy, cái lưỡi lúc nào cũng chọc vào má.” Và họ thấy thói quen bặm môi lại khi đo đạc cái gì đó của cô rất buồn cười.
“Dào, chậm quá,” Om bình phẩm, khi thấy ông bác dừng tay để lấy chỉ trong lô lớn cuộn vào ống con. “Cháu chỉ cần ba chục giây là cuốn xong.”
“Mày còn trẻ, bác già rồi,” Ishvar hiền lành đáp. Ông lắp ống chỉ mới vào suốt và gạt nắp kim loại che lại.
“Cháu toàn chuẩn bị sẵn sáu cuộn chỉ,” Om nói. “Như thế cháu có thể thay trong chớp mắt, khỏi cần dừng lại lúc đang may dở váy.”
“Dì ơi, dì nên nuôi móng tay út cho dài ra như chú Ishvar ấy. Trông sẽ đẹp lắm.”
Lòng kiên nhẫn của cô nhanh chóng cạn kiệt. “Hai đứa đang biến thành rắc rối viết hoa rồi đấy. Hai đứa được nghỉ không có nghĩa là chúng bay ngồi không mà gặm nhấm trí óc hai người chúng tôi bằng những chuyện tầm phơ tầm phào đấy. Đi ra ngoài chơi đi, không thì xin mời làm việc cho tôi nhờ.”
“Nhưng dì ơi, trời đang mưa mà. Dì không muốn chúng cháu bị ướt đấy chứ?”
“Cháu nghĩ cả thành phố sẽ kéo chăn ra che lên đầu chỉ vì một cơn mưa vớ vẩn này ư? Đem ô đi, ô treo ở tủ trong phòng cháu ấy.”
“Đấy là ô nữ mà.”
“Thế thì chịu ướt đi. Nhưng đừng làm phiền bọn dì nữa.”
“Thôi được,” Om nói. “Đến chiều chúng cháu sẽ đi đâu đấy.”
Họ lê thân ra hành lang, và Maneck gợi ý đi chơi thủy cung một lần nữa. Om nói cậu có ý tưởng hay hơn: “Cửa hiệu của Jeevan.”
“Dào, chán chết – ở đấy thì có quái gì để chơi đâu.”
Om tiết lộ kế hoạch của mình: thuyết phục Jeevan để họ đo cho các khách hàng nữ.
“Được, đi liền,” Maneck nhe nhởn cười.
“Tớ sẽ dạy cậu trò này,” Om nói. “Đo ngực dễ hơn chơi cờ nhiều. Mà vui hơn nữa chứ, chắc luôn.”
Khi họ đến nơi, cửa hiệu im lặng như tờ. Jeevan đang ngủ, nằm duỗi dài trên mặt sàn đằng sau quầy. Trên chiếc ghế đẩu ngay cạnh đầu anh ta là một chiếc đài bán dẫn đang phát ra tiếng đàn sarangi êm dịu. Om vặn tướng nút điều âm lên, Jeevan giật bắn mình, lập tức choàng dậy.
Trong suốt một phút, anh ta chỉ ngồi ngớp ngớp không khí, mắt lồi tướng. “Sao chú em lại làm thế? Đùa kiểu gì đấy? Thế này thì anh mày sẽ bị đau đầu cả chiều nay mất thôi.”
Anh ta chẳng thèm lý gì đến đề nghị giúp đỡ của Om. “Đo cho khách của anh ấy hả? Quên đi. Anh biết tỏng chú mày muốn gì rồi. Cục cửng giữa háng chú mày sẽ kéo tên tuổi của cửa hiệu anh xuống bùn mất.”
Om hứa sẽ ứng xử thật chuyên nghiệp và không cho phép ngón tay mình táy máy. Cậu kêu rằng kĩ thuật của mình đã han gỉ vì phải làm việc với mẫu giấy quá lâu. “Em chỉ muốn tiếp xúc với công việc may đo đích thực thôi.”
“Vú vê là thứ chú mày muốn tiếp xúc thì có. Chú mày không lừa được anh đâu. Tránh xa các khách nữ của anh ra, anh báo trước rồi đấy.”
Maneck thơ thẩn bước vào trong buồng thử đồ phía sau tấm rèm. “Được trốn trong này lúc họ vào thay quần áo chẳng khoái à?”
Om cũng vào săm soi phía trong. Cậu thấy ba chiếc móc treo đồ và một tấm gương, nhưng tịnh chả có chỗ nào để có thể nguỵ trang cho một người. “Bất khả thi,” cậu kết luận.
“Chú em nghĩ thế thật à?” Jeevan nói. “Để anh chỉ cho hai thằng lỏi chúng bay xem cái này nhé.” Anh ta dẫn họ ra đằng sau quầy, đến mặt hậu của bức vách tạo thành lưng buồng. “Ghé mắt vào đây,” anh ta nói, đoạn chỉ vào một kẽ nứt trong góc.
Om ồ lên. “Từ đây mình có thể nhìn thấy tất tật!”
“Để tớ xem nào,” Maneck vừa nói vừa đẩy cậu ra. “Ối chà, hoàn hảo!”
Jeevan búng môi và cười khẩy. “Phải, nhưng đừng có hòng. Anh đây họa có điên mới để hai đứa chúng mày chui vào đó.”
“Trời ơi, thôi mà!” Om kêu lên. “Đây đích thị là một sô miễn phí từ-đầu-đến-đít hoàn hảo!”
“Hoàn hảo, có. Miễn phí, không. Cái gì cũng có giá cả. Mấy chú em đi xem phim thì phải mua vé. Đi tàu hỏa cũng phải xùy tiền.”
“Bao nhiêu?” Om hỏi.
“Bao nhiêu cũng chả quan trọng. Anh không thể mạo hiểm danh dự của cửa hiệu này được.”
“Thôi mà, giời ạ, anh Jeevan, em xin đấy!”
Anh ta bắt đầu thấy hối hận. “Hai chú em sẽ kiềm chế chứ? Không phát rồ phát dại lên lúc nhìn thấy da thịt chứ?”
“Anh nói gì chúng em cũng xin nghe.”
“Thôi được. Hai rupi một người.”
Om nhìn Maneck kiểm tra túi. “Được, ta có đủ.”
“Nhưng anh muốn từng đứa vào thôi. Mà không được gây tiếng động, thậm chí thở cũng không nốt, hiểu chưa?” Họ gật đầu. Jeevan kiểm tra sổ đặt hàng. Tối hôm đó có hai khách nữ đến hẹn, một người may áo còn người kia may quần. “Đứa nào thích em nào?”
Maneck đề xuất tung đồng xu. “Mặt ngửa,” Om chọn, và thắng cuộc. Cậu nhắm mắt, toét miệng cười, cố cân nhắc, và chọn quần. Mưa đã ngớt, nên hai cậu quyết định đi dạo một lát.
Đó là một cuộc dạo bộ lặng lẽ, căng thẳng, không khí trĩu nặng những háo hức đợi chờ. Họ nói duy nhất một lần, để nhất trí là nên quay lại phòng khi mấy khách nữ đến sớm. Mới chưa đầy mười lăm phút trôi qua.
Họ nhấp nhổm đứng chờ trong cửa hiệu, khiến Jeevan muốn phát rồ. Có tới bốn cuộc báo động giả – khách đến lấy đồ sửa sang và thay mới. Đến sáu giờ kém mười lăm, lòng kiên nhẫn của họ đã được tưởng thưởng.
“Vâng, thưa cô, áo của cô đã sẵn sàng để thử,” Jeevan nói, đoạn kín đáo gật đầu với hai cậu trai. Anh ta quay ra lục tìm giữa một chồng quần áo để cho Maneck thời gian lẻn ra sau quầy vào khoảng tối. Xong xuôi, lấy được chiếc áo rồi, anh ta chỉ tay về phía tấm rèm cho cô khách thấy. “Trong kia, thưa cô, cảm ơn cô rất nhiều.”
Maneck có cảm tưởng tiếng tim mình nện thình thịch sẽ xô đổ cả tấm vách mất. Gót giày nhọn gõ những tiếng đanh sắc trên sàn đá, cô ta bước vào, treo chiếc áo mới lên móc, và kéo rèm lại. Cô kéo gấu áo giắt gọn gàng trong váy ra và cởi khuy, lưng quay về phía cậu. Cậu ngắm hình ảnh của cô phản chiếu trong tấm gương.
Cậu nín thở khi chiếc áo rơi ra. Cô mặc một cái coóc xê màu trắng. Hai ngón tay cái của cô luồn xuống bên dưới dây vai, điều chỉnh vị trí của chúng. Rồi cô đưa tay ra sau lưng và tháo móc coóc xê.
Trong một khoảnh khắc điên rồ, cậu đã nghĩ nó sẽ rơi ra. Cậu siết chặt nắm tay. Nhưng đầu chốt chỉ chuyển sang vòng móc bên cạnh trên vòng chun cũ sờn. Cô xoay vai mấy lần và cân chỉnh hai quả áo, đẩy chúng lên cao cho đến khi vừa vặn ngay ngắn, và mặc chiếc áo mới vào.
Những giọt mồ hôi chảy dài trên trán Maneck và nhỏ vào mắt cậu cay xè. Người phụ nữ rời buồng. Cậu bèn nhân cơ hội này hít một hơi thật dài. Qua kẽ nứt, vượt tấm rèm để ngỏ, cậu thấy Jeevan đang kiểm tra độ vừa chật. Om bất thần quay lại và hướng về phía kẽ nứt rồi nháy mắt, đặt tay lên ngực và nắn bóp.
Chiếc áo rất ưng ý. Cô ta quay lại để thay đồ, và bước ra chỉ trong chưa đầy một phút. Maneck chờ đợi; cậu có thể nghe thấy tiếng Jeevan cảm ơn cô ta và báo ngày trả hàng. Rồi gót giày nện xuống bậc cửa, và cậu chui ra khỏi chỗ ẩn náu.
Cậu giơ cổ tay áo chùi lông mày, rũ rũ nách áo sơ mi. “Đằng sau vách nóng khiếp đi được.”
“Đừng có đổ tội cho cái vách. Nhiệt của chú mày chạy từ hạ bộ lên chứ đâu,” Jeevan cười hô hố. Anh ta ra dấu đòi tiền, và Maneck trả đủ.
“Thế nào?” Om hỏi. “Cậu nhìn thấy gì?”
“Đã lắm. Nhưng cô ta có mặc áo lót.”
“Thế chú em mong thấy gì?” Jeevan cự. “Khách của anh không phải là các bà các chị nhà quê vớ vẩn đâu nhá. Họ toàn làm việc trong các công ty lớn – thư kí này, lễ tân này, đánh máy này. Ai cũng môi son má phấn và mặc đồ lót nhất hạng cả.”
Om phải chờ thêm nửa tiếng nữa thì khách hàng của cậu mới tới. Cậu thản nhiên lách qua quầy, biến mất trước khi Jeevan tìm thấy món đồ và hướng dẫn cô gái vào buồng thử.
Khi cô ta bước ra, Maneck chỉ ước sao mình đã chọn cô này. Chiếc quần ôm lấy đùi cô ta và thít lên đũng khiến một cục nghẹn dâng lên tận cổ cậu. Jeevan quỳ gối trước mặt cô ta để xem xét đường may, Maneck nuốt ực xuống.
Cô ta quay lại đằng sau tấm rèm. Ít giây sau, một tiếng bịch trầm trầm và một tiếng thét bật ra.
Jeevan nhảy dựng lên. “Thưa cô! Mọi việc có ổn không ạ?”
“Tôi nghe có tiếng động! Ở phía sau.”
“Không sao đâu, thưa cô, tôi xin hứa,” anh ta xuê xoa bằng một thái độ bình tĩnh và tốc độ bậc thầy. “Chỉ là chuột thôi. Xin đừng lo.”
Cô ta lao ra, đỏ mặt tía tai, quẳng toẹt chiếc quần lên mặt quầy. Anh ta bèn cung kính treo nó lên mắc. “Tôi rất tiếc vì cô phải sợ hãi như thế, thưa cô. Chuột đúng là một vấn nạn ở bất kì nơi nào ta lui tới trong thành phố này.”
“Anh nên làm gì đó đi,” cô ta giận dữ mắng. “Chẳng khách nào thích thế đâu.”
“Vâng, thưa cô. Thỉnh thoảng chúng lại núp trong những hang hốc sau vách và gây ra tiếng động. Tôi phải rắc thêm bả mới được.” Anh ta lại xin lỗi lần nữa và tiễn cô khách ra về.
Om thò mặt ra với một nụ cười ngớ ngẩn, xem ra đã sẵn sàng đón nhận những câu chọc ngoáy về con chuột trong đũng quần của cậu. Jeevan tát bôm bốp vào đầu cậu. “Thằng ngu chết tiệt! Suýt nữa làm anh mày ăn bùn rồi! Sao lại có tiếng động thế?”
“Xin lỗi, em bị trượt chân.”
“Trượt chân! Mày làm trò bậy bạ gì mà đến nỗi bị trượt chân? Cút ngay, cả hai đứa chúng mày! Tao không muốn thấy mặt chúng mày ở cửa hiệu này một lần nào nữa.”
Maneck cố vỗ về Jeevan bằng cách chìa ra hai rupi cho lượt xem trộm của Om, nhưng cử chỉ đó chỉ khiến anh ta thêm điên tiết. Anh ta vung tay lên làm như sắp chuẩn bị đánh cậu. “Giữ lấy tiền của mày! Và giữ thằng khốn rắc rối này tránh xa cửa hiệu của tao ra!” Anh ta đẩy hai người ra khỏi cửa và xuống bậc cấp.
Cả hai nguôi ngoai dần khi họ bước trên con ngõ dẫn lên đường cái. Một con quạ đậu trên bậu cửa sổ kêu quang quác. Tác dụng lay tỉnh do cơn thịnh nộ của Jeevan tạo ra càng đậm thêm nhờ ánh đèn chờn vờn giữa bóng đêm. Đèn đường bắt đầu le lói những đốm vàng ngập ngừng, báo hiệu sự xuất hiện của quầng sáng chói lòa. Thứ gì đó lao vụt qua trước mặt họ và biến vào một con hẻm.
“Trông kìa,” Maneck nói. “Con chuột của quý cô chạy mất rồi.” Họ thoáng trông thấy một vệt da hồng bên dưới bộ lông nhung nhúc bệnh tật của con vật họ gặm nhấm, loang lổ và lở loét.
“Nó đang tìm hiệu May cao cấp đấy,” Om nói. “Định đặt bộ cánh mới.” Cả hai cười phá lên. Con chuột biến mất trong những hốc hõm tối om của con hẻm, nơi một rãnh nước đang lóc bóc chảy. Những tiếng chí chít chói tai rộ lên, và tiếng nước khua lõm bõm. Họ đi về phía bến xe buýt.
“Kể tớ nghe đi,” Maneck huých khuỷu tay. “Vừa nãy cậu làm gì trong đấy thế?”
Vừa cười nhăn nhở, Om vừa khum khum bàn tay và kéo lên kéo xuống. Một tràng cười ngắn, nghe như một tiếng ho, bật ra từ họng Maneck.
Phía trước, thứ gì đó từ cửa sổ tầng trên đổ rào rào xuống vỉa hè kín đặc người đi lại. Những khách bộ hành bị dính “đạn” ngửa mặt lên tòa nhà mà chửi. Họ ngoặt vào bậc cấp và cắm cổ lao lên cầu thang, dù rằng xác định cửa sổ nào đang che giấu kẻ tội đồ là chuyện bất khả thi.
“Cậu trông thấy nhiều không?” Maneck hỏi.
“Tất. Cái quần mới chật quá, lúc cô ta tụt quần xuống, quần xi líp cũng đi theo luôn.”
Maneck đá một hòn sỏi xuống rãnh. “Cậu nhìn thấy lông không?”
Om gật đầu. “Cả một bụi luôn.” Cậu dùng cả hai tay để mô tả nó, uốn éo ngón tay ra điều túm lông cực kì rậm rịt. “Cậu đã nhìn thấy cái nào chưa?”
“Mới một lần. Cách đây lâu lắm rồi. Hồi tớ còn nhỏ, nhà tớ từng có một cô giúp việc. Tớ trèo lên ghế lúc cô ấy đang tắm rồi nhòm qua ô thông gió phía trên cánh cửa. Nó làm tớ sợ hết hồn. Trông ghê cả người, cứ như nó sắp cắn tớ ấy.”
Om cười hô hố. “Bây giờ nó sẽ không làm cậu sợ nữa đâu, chắc luôn. Cậu chả nhảy vội vào ấy chứ.”
“Cứ cho tớ một cơ hội xem.”
Họ chờ đèn hiệu chuyển màu để sang đường. Ở mép vỉa hè, hai cảnh sát giữ một sợi dây căng ngang, giữ đám đông khỏi tràn xuống đường. Ai nấy xô về phía sợi dây chắn, hệt như những đợt sóng trào lên bờ biển. Hai người cảnh sát xuống tấn, vừa gồng mình, vừa quát thét, cố ghìm giữ đoàn người thiếu kiên nhẫn đang đổ về nhà.
“Này, cũng may là đằng sau bức vách không có chuột thật đấy,” Maneck nói. “Nếu không nó sẽ xơi tái con chim còi của cậu trong chớp mắt.”
“Còi là còi thế nào?” Om nói. “Nó cửng lên thế này này.” Đoạn cậu hăng hái vung tay lên.
Bàn tay màu đỏ cấm đoán trên đèn giao thông biến mất, và một hình người que màu xanh hiện lên soi sáng mặt đèn thủy tinh tròn. Đám cảnh sát nhanh chân dạt sang một bên cùng sợi dây; đám đông ùa qua đường.
Pháo hoa lên đến đỉnh điểm vào đêm trước lễ Divali, và quá nửa đêm rất lâu cũng chẳng dễ gì mà ngủ. Đến mỗi đợt nổ, nhất là của những khối pháo hộp màu đỏ gọi là Bom Nguyên Tử, Ishvar lại rên rỉ “Hai Ram” và giơ tay lên bịt chặt tai.
“Bác cứ bịt tai sau khi pháo đã nổ rồi thì phỏng ích gì?” Om nói.
“Bác còn làm thế nào được nữa. Điên quá là điên, khoảng thời gian của ánh sáng và lễ hội lại biến thành nỗi khổ sở và bệnh đau tai mất rồi. Chẳng lẽ không có cách nào khác để chào đón Thần Ram trở về Ayodhya sau thời gian bị đi đày trong rừng ư?”
“Vấn đề là cái thành phố này thừa tiền quá,” Dina nói. “Nếu người ta phải đốt tiền lấy khói, tôi chỉ ước họ làm sao cho đẹp.” Cô rúm ró lại khi một quả Bom Nguyên Tử nữa phát nổ. “Nếu tôi có quyền, tôi sẽ chỉ cho phép được trưng đèn nhấp nháy, đài phun nước, và tổ chức diễu hành.”
“Phải đấy, nhưng các chuyên gia tôn giáo tiếng tăm sẽ bảo cô rằng như thế là chưa đủ để xua đuổi bọn tà ma,” Ishvar châm biếm.
“Mấy quả Bom Nguyên Tử đó đủ dọa cho các thần sợ mất vía ấy chứ,” cô nói, và bỏ hành lang vào nhà. “Giá tôi là Thần Ram, tôi thà chạy thẳng về rừng, còn hơn phải chịu đựng mấy trò cháy nổ của lũ loạn trí này.”
Mỗi tai nhồi một viên bông, cô bắt tay vào ghép tấm chăn. Ít phút sau, Ishvar cũng theo cô vào, hai tay bịt tai, cô bèn lấy bông cho cả ông. Đến đợt nổ sau, ông hớn hở cười, ý nói cách làm này đã có tác dụng.
Maneck và Om không chịu rời hành lang, mặc dù cả hai đều cắm sẵn ngón tay vào lỗ tai nếu có người chơi hội nào chuẩn bị châm một dây pháo đỏ. “Tiếc là đang có bọn mình ở đây,” Om nói. “Nếu không họ đã đang hùng hục trên giường rồi, chắc luôn.”
“Ai cơ?”
“Cô Dina với bác tớ chứ còn ai nữa?”
“Đầu óc cậu bệnh hoạn thật đấy.”
“Phải,” Om đáp. “Nghe nhé, đố cậu: muốn cho nó cứng và dựng thẳng lên, cô ta phải miết nó; muốn cho nó trơn và chui lọt, cô ta phải liếm nó. Cô ta đang làm gì?” Chưa kịp đọc xong câu hỏi, cậu đã cười phá lên, trong khi Maneck đưa ngón tay lên môi suỵt cậu.
“Nào, trả lời đi. Cô ta đang làm gì?”
“Làm tình chứ còn gì nữa?”
“Sai. Chịu chưa? Cô ta đang xâu kim,” Om vênh váo nói, còn Maneck giơ tay lên vỗ trán. “Giờ thì đầu óc ai mới là bệnh hoạn?”
Còn sáu ngày nghỉ nữa sẽ đến ngày mở trường, và Om đã có ý tưởng mới để giải trí. Cậu biết thời gian và hơi ẩm đã làm móp méo cánh cùng khung cửa phòng tắm, tạo thành một kẽ hở kha khá khi đóng lại. Cậu nói cả hai có thể thay nhau nhòm trộm trong khi Dina tắm. Người còn lại sẽ canh chừng, để đảm bảo Ishvar không thể bắt quả tang họ.
“Câu chuyện của cậu về cô giúp việc tắm gợi hứng cho tớ đấy. Cậu nghĩ sao?”
“Cậu điên rồi,” Maneck nói. “Tớ không làm đâu.”
“Cậu sợ cái gì chứ? Giời, cô ấy sẽ không biết đâu.”
“Tớ chỉ không muốn làm thôi.”
“Tốt thôi, thế thì tớ sẽ làm.” Cậu đứng dậy.
“Không, cậu không được làm thế.” Maneck túm lấy tay cậu. “Biến đi! Cậu là cái thá gì mà dám cấm tớ?” Cậu giằng tay ra, ngay lập tức, Maneck chộp lấy vai cậu và ấn cậu xuống ghế. Họ vật lộn với nhau bằng hết sức bình sinh. Om tung chân lên đá nhưng Maneck đã kịp vòng ra sau ghế và ghìm chặt cậu vào đó. Om chịu thua, không nhúc nhích nổi một li.
“Cậu đúng là thằng khốn ích kỉ,” cậu nói nhỏ. “Tớ biết cậu rồi. Suốt những tháng qua cậu ở một mình với cô ấy, chắc cậu đã được nhìn cô ấy trần truồng mỗi sáng trong phòng tắm. Giờ cậu lại không cho tớ được hưởng cái thú ấy.” “Không đúng,” đứng sau lưng ghế, Maneck phản ứng dữ dội. “Tớ chưa bao giờ làm thế.”
“Cậu nói dối. Ít ra cũng nhận đi. Thôi nào, nếu không cho tớ xem thì cũng phải tả cho tớ một tí chứ. Vú cô ấy thế nào?
Hai cái núm có đẹp có nhọn không? Thế còn…”
“Thôi đi.”
“… còn cái quầng nâu quanh núm vú nữa, chúng to cỡ nào.”
“Câm mồm, tớ cảnh cáo cậu.”
“Còn mu? Nó có to và mọng và đầy…”
Maneck vòng ra phía trước ghế và giáng một cái tát vào mồm cậu. Bàng hoàng, Om ôm mặt trong câm lặng mấy giây liền. Cơn đau dâng đầy hai mắt cậu. “Đồ đĩ đực mất dạy!” Cậu bỗng bừng tỉnh, và nhảy bổ vào bạn, nắm đấm điên cuồng vung lên.
Chiếc ghế đổ nhào. Maneck bị trúng một quả vào đầu, những cú còn lại rơi cả lên hai cánh tay cậu nhưng không hề hấn gì. Để kiềm chế Om mà không làm cậu ta bị thương, cậu túm áo cậu ta và kéo cậu ta sát vào người mình; giờ những cú đấm đã không còn đường chạy. Bỗng có tiếng thứ gì đó rách bục. Túi áo toạc ra theo tay cậu, và một vết rách lồ lộ ngay bên dưới vai.
“Thằng chó!” Om gào lên, càng hung hăng cuồng nộ hơn. “Mày xé rách áo tao rồi!”
Tiếng xô xát to đến nỗi át cả tiếng máy may của Ishvar, kéo ông chạy ra hành lang. “Ấy ấy! Trò đánh lộn này là thế nào đây?”
Trước sự hiện diện của ông, máu chiến trong hai cậu trai bỗng bay biến đi đâu mất. Ông dễ dàng tách họ ra. Giờ những gì bạo liệt nhất đã dồn cả vào ánh nhìn. Họ trừng trừng lườm nhau một lúc rồi mới quay đi.
“Nó xé rách áo cháu!” Om gào lên, mắt dán xuống cái túi áo đã toạc.
“Những việc như thế vẫn xảy ra khi đánh lộn mà. Nhưng tại sao hai đứa lại cư xử như thế!”
“Nó xé rách áo cháu,” Om lại căm hờn thét lên.
Trong khi đó, Dina đã nghe thấy tiếng la hét và kết thúc sớm việc tắm rửa. “Tôi thật không thể tin nổi,” cô kêu lên, khi nghe Ishvar nói lại. “Tôi cứ tưởng đấy là bọn lưu manh ngoài phố. Hai đứa ư? Tại sao thế?” “Hỏi nó ấy,” cả hai cùng lầu bầu.
“Nó xé rách áo cháu,” Om chêm vào, “đây này,” và ve vẩy cái túi áo rách trước mặt cô.
“Áo, áo, áo! Mày chỉ nói được có thế thôi à?” Ishvar chửi. “Rách thì vá lại là xong chứ gì. Sao hai đứa lại đánh nhau?”
“Cháu không giàu như nó, cháu chỉ có mỗi hai cái áo thôi. Và nó đã làm rách một rồi.”
Maneck lao về phòng, vớ lấy cái áo đầu tiên cậu thấy, và quay lại để ném nó về phía Om. Cậu bắt lấy và ném lại. Maneck để mặc nó rơi xuống.
“Hai đứa cư xử như hai thằng trẻ con ấy,” Dina nói. “Thôi nào, anh Ishvar, ta quay lại làm việc tiếp đi.” Cô nghĩ họ sẽ làm lành với nhau nhanh hơn khi chỉ còn lại hai người, không còn phải chịu áp lực của việc giữ thể diện nữa.
Maneck ở lì trong phòng suốt cả ngày, còn Om ngồi ngoài hành lang. Mọi cố gắng của Ishvar hòng pha trò về cái mặt khỉ ăn ớt hoặc anh hùng bị khùng đều chết yểu. Dina lấy làm tiếc nuối vì kì nghỉ đã nhạt vị vì một sự cố đắng ngắt.
“Nhìn hai đứa kìa,” cô nói, “hai con cú ủ dột đậu trong nhà tôi,” và cô quay về phía hai cậu trai, nhăn nhó giả làm mặt cú. Chỉ mình Ishvar cười.
Sáng hôm sau, Om tuyên bố bằng giọng tự đày ải rằng cậu muốn được làm cả ngày như trước. “Kì nghỉ này đã kéo dài quá lâu so với gu của cháu.” Maneck vờ như không nghe thấy gì.
Công việc khởi đầu hết sức tồi tệ, và sớm biến thành một thảm họa toàn diện. Dina phải cảnh cáo Om: “Công ty sẽ không chấp nhận những hàng hóa này đâu. Cậu phải trừ sạch cái thái độ cáu bẳn ấy ra khỏi những đường may cho tôi nhờ.”
Như một minh chứng cho sự tự đọa đày của mình, cậu tiếp tục mặc chiếc áo rách, miếng túi treo toòng teng, dù chỉ mất chưa đầy mươi phút là có thể khâu lại như cũ. Đến giờ ăn, cậu kiên quyết không sờ đến dao và nĩa, dù nay cậu đã có thể sử dụng chúng rất thành thạo, và ăn bốc. Trong hoàn cảnh thiếu vắng lời lẽ, một cuộc chiến âm thanh bùng nổ. Dao nĩa của Maneck khua chém trên đĩa, cưa nát củ khoai tây như thể đó là một súc gỗ thông. Om phản pháo bằng cách húp soàn soạt thức ăn từ mấy ngón tay, lưỡi cậu mút và liếm như một cây chổi lau sàn đang cần mẫn làm việc. Maneck xiên phập miếng thịt như một võ sĩ giác đấu lao tới đâm con sư tử. Om trả đũa bằng cách huy động cả lòng bàn tay, cậu mút mát sạch thức ăn dính trên đó với những tiếng loạt soạt nho nhỏ.
Những pha trình diễn đầy tính cường điệu của họ có lẽ đã thành ra hài hước nếu không vì cảm giác ngột ngạt hiển hiện quanh bàn ăn. Dina cảm thấy như mình bị ai lừa cướp mất bầu không khí gia đình hạnh phúc mà cô đã dần quen thuộc. Thay vào đó, sự u ám quỷ quyệt không mời mà tới án ngữ ngay giữa bữa tối, ngang nhiên cư ngụ trong ngôi nhà của cô.
Suốt nửa tháng sau lễ Divali, những chặp pháo nổ lẻ tẻ vẫn tiếp tục dập lỗ vào đêm cho đến khi dứt hẳn. “Cuối cùng cũng được yên ổn im ắng một tí,” Ishvar nói, rồi đem vứt hai viên bông ông đã giữ cẩn thận bên cạnh bọc chăn chiếu.
Maneck đã biết kết quả thi học kì một, điểm số không khả quan lắm. Dina nói đó là do cậu đã quá trễ nải việc học tập. “Từ giờ trở đi, dì muốn trông thấy cháu bên cạnh sách vở trong ít nhất hai tiếng. Mỗi buổi tối, sau bữa cơm.”
“Đến mẹ cháu cũng chả nghiêm khắc đến thế,” cậu ca cẩm. “Mẹ cháu cũng sẽ thế nếu nhìn thấy điểm của cháu.”
Ép cậu vào nếp học hóa ra dễ hơn nhiều so với cô tưởng. Cậu chỉ chống đối lấy lệ, vì cũng chẳng còn mấy thứ để khiến cậu bận bịu. Sau vụ đánh nhau với Om, họ hầu như không nói năng gì với nhau, dù Ishvar rất tích cực tìm cách hâm nóng lại tình bạn của họ. Ông cũng ủng hộ nỗ lực của Dina hòng bắt Maneck học hành chăm chỉ hơn.
“Cứ nghĩ mà xem, bố mẹ cậu sẽ sung sướng biết chừng nào,” ông nói.
“Đừng để ý đến bố mẹ – học cho ấm cái thân mình ấy, cậu ngốc ạ,” cô nói. “Cậu cũng nghe lấy, Om ạ. Khi nào cậu có con, nhớ cho chúng nó đến trường, vào đại học. Xem tôi bây giờ phải làm lụng khổ sở thế nào đây, chỉ vì tôi đã bị cấm đi học. Chả có gì quan trọng hơn học đâu.”
“Cực kì chính xác,” Ishvar gật gù. “Nhưng sao cô lại bị cấm đi học?”
“Chuyện dài lắm.”
“Kể đi,” Ishvar, Maneck và Om đồng thanh kêu lên. Cô bật cười, nhất là khi hai cậu trai nhăn mặt để cố chối bỏ sự trùng hợp.
Cô dợm giọng. “Tôi không bao giờ thích nhìn lại cuộc đời của mình, tuổi thơ của mình, với cảm giác tiếc nuối hay cay đắng.”
Ishvar gật đầu.
“Nhưng lắm lúc, trái với ý chí của tôi, những suy nghĩ về quá khứ kéo về trí óc. Rồi tôi lại tự hỏi tại sao mọi sự lại xoay vần như thế, che mờ tương lai xán lạn mà mọi người đã dự báo cho tôi từ hồi tôi còn đi học, khi tên tôi vẫn còn là Dina Shroff…”
Những âm thanh từ hành lang vọng lại thông báo cuộc chuẩn bị cho giờ ngủ của hai người thợ may. Chăn chiếu được trải và rũ ra. Ít phút sau, Om bắt đầu xoa bóp chân ông bác. Maneck đoán được ngay nhờ nghe những tiếng thở dài khoan khoái. Rồi Ishvar sẽ nói, “Phải, chỗ đó, mạnh hơn một chút, gót chân bác nhức quá.” Ngồi trong phòng, cúi đầu trước cuốn giáo trình, Maneck ghen tị với tình cảm thân mật giữa hai bác cháu.
Cậu ngáp dài và ngó đồng hồ – ai nấy đã thu mình về một góc riêng. Cậu nhớ lúc họ còn bầu bạn cùng nhau, những cuộc dạo bộ, những buổi tụ tập sau bữa tối ở phòng trước, Dì Dina ghép chăn còn họ ngồi xem, nói chuyện gẫu, bàn về công việc ngày hôm sau, hay nên nấu món gì cho bữa tối ngày mai: lịch trình giản dị đã tạo nên một hình hài an toàn, ý nghĩa cho cuộc sống của tất cả bọn họ.
Trong phòng may đèn vẫn sáng. Dina vẫn cố thức cho tới khi Maneck gấp sách, đảm bảo cậu không bớt xén mấy phút cuối của giờ học.
Chuông cửa reo.
Hai người thợ may lập tức vùng dậy và vớ lấy áo. Dina ra hành lang và hỏi vọng qua cửa: “Ai đấy?”
“Xin lỗi vì đã làm phiền chị.”
Cô nhận ra giọng nói của lão thu tiền nhà. Vô lý thật, cô nghĩ thầm, sao giờ này lão còn mò tới làm gì. “Khuya thế này mà còn có việc gì nữa?”
“Xin lỗi đã quấy quả chị, nhưng công ty phái tôi đến.”
“Lúc này ư? Không chờ được đến sáng à?”
“Họ nói việc rất gấp, chị ạ. Tôi chỉ làm theo lệnh thôi.”
Cô nhún vai với hai người thợ may và mở cửa, tay giữ chặt nắm đấm. Phút tiếp theo, hai gã đàn ông đứng sau Ibrahim xô cửa vào, đẩy luôn cả cô sang một bên, hung hăng lao tới như thể đã dự tính sẽ gặp phải sự chống cự quyết liệt.
Một tên đầu gần như hói trọc còn tên kia có một mảng tóc đen, nhưng bộ ria lởm chởm, đôi mắt lạnh lẽo và tướng tá lòng khòng, kềnh càng của cả hai đã biến chúng thành một cặp song sinh ghê rợn. Xem ra chúng đã học đòi lối đi đứng cư xử của bọn người xấu trên phim ảnh, Maneck nghĩ thầm.
“Xin lỗi chị,” Ibrahim vén môi nở nụ cười tự động của mình. “Công ty phái tôi đến để chuyển thông báo cuối cùng – bằng miệng. Xin chị nghe cho kĩ. Chị phải dọn đi trong vòng bốn mươi tám tiếng. Vì đã vi phạm các điều khoản và quy định về thuê mướn nhà ở.”
Nỗi sợ hãi quét nhẹ lên khuôn mặt Dina, hệt như một cọng lông chim, nhưng rồi cô gạt nó đi ngay. “Tôi sẽ gọi cho cảnh sát ngay lập tức nếu ông không dẫn bọn đầu gấu này rời khỏi đây! Chủ nhà có vấn đề hả? Bảo ông ta cứ việc ra tòa, tôi sẽ gặp ông ta ở đấy!”
Gã đầu hói cất lời, giọng dịu dàng và vỗ về. “Sao lại nỡ gọi chúng tôi là đầu gấu cho xấu mặt nhau ra? Chúng tôi chỉ là người làm công cho chủ nhà thôi. Cũng như mấy người thợ may này là người làm công cho cô vậy.”
Tên kia nói: “Chúng tôi đang hành động thay cho tòa án và luật sư. Bọn đấy rặt một phường gây phí phạm thời gian và tiền bạc. Giữa thời buổi này, chúng tôi còn làm ăn hiệu quả hơn khối bọn chúng.” Hắn đang nhai trầu đầy mồm nên nói năng khá khó khăn, những giọt nước đỏ sậm nhểu ra từ khóe miệng hắn.
“Anh Ishvar, chạy ra đầu phố mau!” Dina kêu. “Gọi cảnh sát vào đây!”
Gã đầu hói chặn luôn cửa. Trong khi cố gắng vượt qua hắn, Ishvar bị đẩy bật ra, lăn lông lốc đến tận cuối hành lang.
“Cho tôi xin, cho tôi xin! Đừng đánh nhau,” Ibrahim kêu lên, hàm râu bạc phơ của lão run lên theo từng lời.
“Nếu các người không cút đi, tôi sẽ kêu cứu đấy,” Dina nói.
“Nếu cô kêu, chúng tôi sẽ khiến cô phải thôi,” gã hói nói bằng giọng vỗ về. Hắn tiếp tục đứng canh cửa chính trong khi gã nhai trầu thong thả bước vào phòng trong. Ibrahim, Dina, cùng hai người thợ may bất lực đi theo. Maneck ngồi nguyên trong phòng nhìn ra.
Gã kia đứng bất động, mắt nhìn quanh, cơ hồ đang tỏ ý ngưỡng mộ chốn này. Bỗng hắn nổ bùng. Hắn cầm một chiếc ghế đẩu lên và dang tay dang túi bụi vào hai cái máy khâu. Khi cả mấy cái chân gỗ đã rụng hết, hắn chuyển sang dùng chiếc ghế thứ hai cho kì tới lúc chính nó cũng tan nát.
Hắn vứt ghế đi, đá hai chiếc Singer đổ chổng kềnh, và lao vào xé đống váy đã may xong được xếp thành chồng trên bàn, tay cứ nhè chỗ có đường may mà giằng. Hắn vật lộn khá vất vả – vì vải mới và chỉ vừa may không dễ gì mà rách ngay. “Xé này, con mẹ nó, xé hết!” Hắn gầm gừ chửi rủa đống váy.
Ishvar và Om, nãy giờ vẫn tê liệt, bỗng cử động lại được và lao vào hòng cứu vớt thành quả lao động của mình. Cả hai đều bị ném tung ra như những cuộn vải.
“Ngăn hắn lại đi!” Dina hét lên với Ibrahim, đoạn túm lấy cánh tay lão mà kéo, đẩy lão vào vòng chiến. “Chính ông kéo lũ đầu gấu này đến kia mà! Làm gì đó đi!”
Ibrahim luống cuống đan xoắn hai bàn tay lại với nhau và quyết định gom nhặt hết những chiếc váy vừa bị xé. Gã nhai trầu vứt đến đâu, lão nhặt đến đấy, gấp những miếng váy rách nát lại và cẩn thận xếp chúng lại lên bàn.
“Có cần giúp gì không?” Gã đứng cửa hỏi vọng vào.
“Không, ổn cả.” Xé xong đống váy, gã quay sang xử lý mấy súc vải, nhưng lần này sớ vải, nhờ kết cấu dày dặn, cũng không chịu rách.
“Cho một mồi lửa,” là kế sách của gã hói, nói rồi hắn chìa ra chiếc bật lửa chuyên dùng châm thuốc lá của mình.
“Không!” Ibrahim hốt hoảng. “Cả khu nhà sẽ cháy mất! Ông chủ sẽ không thích thế đâu!”
Gã nhai trầu đành chịu là phải. Dỡ vải ra thành một đống trên sàn xong, hắn phun lên đó thứ nước bã mồm hắn tạo ra. “Đấy,” hắn quay ra nhăn nhở cười với Ibrahim. “Rượu đỏ của tôi mạnh chả kém gì lửa đâu nhé.”
Dừng lại để xem xét căn phòng, hắn để ý thấy cây kéo răng cưa mà ông trẻ Ashraf đã tặng hai người thợ may. Hắn cầm lên săm soi. “Đẹp nhỉ,” hắn khen, và dang tay dọa ném nó qua cửa sổ.
“Không!” Om thét lên.
Gã côn đồ cười hô hố và phóng thích món tài sản thân yêu nhất của hai người thợ. Những tiếng loảng xoảng do cây kéo rơi xuống vỉa hè vọng qua cửa sổ khi Om lao về phía hắn. Đòn tấn công yếu ớt biến thành một trò tiêu khiển cho đến lúc hắn quyết định chấm dứt nó, giơ tay tát Om hai phát, rồi đấm vào bụng cậu.
“Thằng chó chết,” Maneck kêu. Cậu giật cây ô in hình ngôi chùa treo trên tủ và xông vào kẻ vừa hành hung Om.
“Đừng! Đừng đánh nữa!” Ibrahim vật nài. “Không cần phải đánh nhau đâu!”
Gã nọ ăn một nhát đâm vào vai và nhận ra thanh cán thép có phần đầu nhọn khá đáng gờm, hắn bèn chạy lòng vòng quanh hai chiếc máy khâu đổ hòng tránh đòn. Maneck đâm nhứ, khoan khoái tận hưởng thế trên cơ của mình, trong khi thấy tay côn đồ nhảy bắn về phía sau. Cậu đâm nhứ một nhát nữa, và đâm trúng đầu hắn hai lần.
Gã đầu hói bước vào phòng êm ru. Đứng sau lưng họ, hắn rút ra một con gao bấm và bật lưỡi, mũi dao chĩa lên trần nhà. Hệt như một tay diễn viên điện ảnh, Maneck nghĩ thầm, người bắt đầu run rẩy.
“Được rồi, chú nhóc,” gã hói nói bằng giọng dịu dàng vốn có. “Trò vui vớ vẩn của mày kết thúc rồi.”
Những người khác quay lại nhìn. Dina thét lên khi cô nhìn thấy con dao, còn Ibrahim lúc này đã nổi cơn thịnh nộ. “Cất thứ đó đi! Và cút ra ngoài, cả hai thằng chúng mày! Việc của chúng mày xong rồi, còn lại để tao lo!”
“Câm mồm,” gã hói quát. “Bọn này biết việc của mình.” Đồng bọn của hắn giật phắt lấy chiếc ô và phóng một đấm vào mặt Maneck. Maneck ngã đập vào tường. Máu nhểu ra từ khóe miệng cậu nom hệt như một hình ảnh phản chiếu đau đớn của thứ nước bã trầu đang tứa ra trên vành môi của gã côn đồ.
“Thôi ngay! Tao cũng có mặt lúc chúng mày nhận lệnh! Chả ai nói gì đến đánh đấm với dao kéo cả!” Lão thu tiền nhà giậm chân bành bạch và huơ nắm đấm loạn lên.
Cơn thịnh nộ bất lực khiến gã hói lấy làm thú lắm. “Lão già đang giết gián bằng giày hay sao thế?” Hắn cười phá lên, ngón tay miết lên lưỡi dao trước khi gập nó lại. Đoạn hắn bật dao ra như cũ rồi xỉa dao rạch toang gối và đệm của Dina. Hắn ném chúng lung tung, nhìn đám bông nhồi trong ruột bay lả tả. Lớp đệm của chiếc sô pha ở phòng ngoài cũng chịu số phận tương tự.
“Đấy nhé,” hắn nói. “Giờ tất cả nằm trong tay cô, thưa cô. Cô không muốn chúng tôi quay trở lại với thông báo thứ hai đấy chứ?”
Tay kia đá vào ống quyển Maneck khi bước ngang qua. Gã nhồm nhoàm nhai miếng trầu nốt một lần cuối, rồi nhổ bã lên giường và khắp xung quanh, làm sạch mồm bằng cách phun bọt khắp gian phòng càng nhiều càng tốt. “Lão có về không thì bảo?” Hắn hỏi Ibrahim.
“Tí nữa,” lão nói, mặt mũi cau lại giận dữ. “Tao chưa xong việc.”
Cửa trước đóng lại. Dina trừng trừng nhìn người thu tiền nhà bằng ánh mắt ghê tởm rồi chạy đến chỗ Maneck. Ishvar đang đỡ cậu dậy, tay nâng đầu cậu lên, hỏi cậu có sao không. Ibrahim lẽo đẽo bám theo, luôn miệng lẩm nhẩm, “Chị ơi, xin thứ lỗi cho tôi,” như một thầy tụng kinh bí mật.
Mũi Maneck chảy máu còn môi trên bị rách. Cậu đưa lưỡi đẩy thử – không có cái răng nào bị gãy. Họ lau máu bằng những mảnh vải vụn rơi vung vãi quanh máy may. Cậu cố bập bẹ câu gì đó và lảo đảo ngồi dậy.
“Đừng nói,” Om nói, cậu đã hơi hoàn hồn, “máu sẽ lại chảy nữa đấy.”
“May mà chúng không dùng đến dao,” Dina nói.
Tiếng kính vỡ từ cửa trước vọng lại. Ibrahim chạy ra hành lang. “Dừng lại, hai thằng ngu này!” Lão gào lên. “Làm thế để làm gì? Như vậy chỉ tổ tốn tiền của ông chủ thôi!” Thêm vài hòn đá nữa phi tới đập vỡ những ô cửa sổ còn lại, sau đó chỉ còn im lặng bao trùm.
Họ dìu Maneck ra chỗ bồn rửa để rửa mặt. “Cháu tự đi được,” cậu khẽ nói. Sau khi lau rửa qua loa cho cậu, họ đưa cậu ra ghế sô pha, một mảnh vải áp chặt lên mũi.
“Môi thằng bé cần đắp ít đá,” Dina nói.
“Để cháu ra Vishram mua,” Om xung phong.
“Không cần đâu,” Maneck nói, nhưng đã bị những người khác quyết thay. Họ nhất trí chỉ cần một cục mười paisa là đủ. Ibrahim nhanh tay móc một đồng xu trong áo sherwani ra và đưa cho Om.
“Đừng động vào tiền của lão!” Dina ra lệnh, và mang ví của mình ra. Người thu tiền nhà nài xin mọi người nhận tiền mãi không được cũng đành phải bỏ lại vào túi.
Trong lúc chờ Om quay về, họ ước tính thiệt hại. Vụn bông từ mấy chiếc gối bị rạch lơ lửng tứ phía, lừ đừ rơi xuống sàn. Dina nhặt tấm vỏ gối rách lên; cô có cảm giác nhơ nhớp, như thể bàn tay của bọn côn đồ đã sờ mó lên chính thân thể cô. Đống váy bị xé cùng những súc vải vấy bẩn nước bã trầu bắt đầu thoi những nhát trí mạng vào cô. Cô biết phải giải thích thế nào với Au Revoir đây? Cô có thể nói gì với bà Gupta?
“Tôi xong đời rồi,” cô nói, nước mắt chực trào ra.
“Kìa cô Dina, biết đâu đống váy này còn sửa được,” Ishvar nói, cố tìm cách trấn an cô. “Và ta cũng có thể giặt sạch mấy vết đỏ kia nữa.”
Nhưng những lời ông nói nghe sao mà vô vọng, ngay đối với chính bản thân ông, nên thay vào đó, ông chĩa mũi dùi sang Ibrahim. “Ông không có tí liêm sỉ nào ư? Sao ông lại tìm cách hại người phụ nữ khốn khổ này? Ông là thứ quái vật gì thế?”
Ibrahim đứng im tỏ ý ăn năn, sẵn sàng lắng nghe. Lão hoan nghênh mọi sự sỉ vả, còn mong nhận được càng nhiều càng tốt, ngõ hầu xoa dịu bớt cảm giác tội lỗi.
“Râu ria thì trắng như tuyết thế mà tâm địa rõ tồi tàn,” Ishvar mắng.
“Đồ độc ác, xấu xa!” Dina rít lên. “Làm nhục lây những người già cả!”
“Kìa, chị! Tôi đâu biết chúng sẽ…”
“Chính ông làm việc này! Ông đã dẫn bọn đầu trâu mặt ngựa ấy đến đây!” Cô run lên vì sợ hãi và căm giận.
Ibrahim không thể kiềm chế được thêm nữa. Hai tay úp lên mặt, lão bỗng bật ra những âm thanh kì quặc. Ban đầu người ta không nhận rõ ngay được là lão đang cố khóc không ra tiếng. “Chẳng ích gì,” giọng lão vỡ vụn. “Tôi không thể làm công việc này được nữa, tôi ghét nó! Ôi chao, đời tôi đã thành ra cái gì thế này!” Lão lần mò dưới áo sherwani và lôi chiếc khăn mù sao ra hỉ mũi.
“Xin chị hãy tha thứ cho tôi,” lão nức nở. “Lúc dẫn chúng đến đây, tôi nào có biết chúng sẽ phá phách đến mức này. Đã bao năm nay tôi luôn làm theo lệnh chủ. Như một đứa bé bất lực. Ông ấy bảo tôi dọa dẫm người ta, tôi dọa dẫm. Ông ấy bảo tôi van nài, tôi van nài. Nếu ông ấy điên lên đòi đuổi người thuê nhà, tôi phải tìm đến tận cửa nhà người ta mà nhắc lại nguyên si lời ông ấy. Tôi là thằng hầu đứa ở của ông ấy. Ai cũng nghĩ tôi là thằng ác độc, nhưng nào có phải vậy, tôi cũng muốn công lý được thực thi, cho chính tôi, cho mấy người, cho mọi người. Nhưng thế giới này đã bị lũ người xấu xa thâu tóm cả rồi, bọn chúng ta chẳng còn cửa nào đâu, bọn ta chẳng có gì ngoài khổ đau và sóng gió…”
Lão suy sụp hoàn toàn. Ishvar nắm cánh tay lão và dẫn lão ra ngồi xuống ghế, nỗi căm hận của ông vơi dần. “Nào, ngồi xuống và đừng khóc nữa. Trông chẳng đẹp tí nào.”
“Tôi còn biết làm gì ngoài khóc đây? Những giọt nước mắt này là tất cả những gì tôi còn để cho chị. Chị ơi, tha lỗi cho tôi. Tôi hại chị mất rồi. Bọn đầu gấu sẽ quay lại sau bốn tám tiếng nữa. Chúng sẽ vứt hết đồ đạc của nả của chị ra đường. Chị gái khốn khổ, chị sẽ đi đâu?”
“Tôi sẽ không mở cửa cho chúng, thế thôi.”
Lời quả quyết trẻ con của Dina khiến Ibrahim mủi lòng, lão lại bắt đầu sụt sịt. “Chẳng ăn thua đâu. Chúng sẽ dẫn cảnh sát đến phá khóa.”
“Có lẽ nào cảnh sát lại giúp chúng?”
“Cái thời buổi Tình trạng khẩn cấp này khủng khiếp lắm, chị ạ. Tiền có thể mua được cả mệnh lệnh cảnh sát khi cần. Công lý được bán cho kẻ nào trả giá cao nhất.”
“Nhưng chuyện tôi và thợ làm đồ may ở đây thì có là gì với ông chủ nhà?” Giọng cô vỡ òa. “Việc tôi làm có hại đến ai đâu?”
“Ông chủ chỉ cần một cái cớ thôi, chị ạ. Những căn hộ kiểu này đáng giá cả một gia tài, nhưng Luật nhà cho thuê chỉ cho phép ông ấy thu mức tiền rẻ bèo như xưa kia, thế nên ông ấy…”
Ibrahim im bặt và chùi mắt. “Nhưng chị đã biết cả rồi đấy. Chẳng riêng gì mình chị đâu, ông ấy cũng làm thế này với những người thuê nhà khác, những người yếu đuối và chả có tí thế lực nào.”
Om quay lại với một cục đá to đùng, đến độ khó ai có thể thoải mái cầm mà áp lên môi cho được. Cậu bọc nó vào một mảnh vải và đập xuống sàn. “Cậu xuất hiện để cứu tớ như một anh hùng thực thụ,” cậu cười toe toét, cố chọc cho Maneck, lúc ấy đang tái xanh tái xám, vui lên. “Cậu nhảy vào trông y hệt Amitabh Bachchan.”
Cậu dỡ bọc đá vụn ra và quay sang những người khác. “Mọi người có thấy không? Có một lúc, gã khốn đó bị chiếc ô của Maneck dọa cho sợ chết khiếp còn gì.” “Lời lẽ thế chứ,” Dina nói.
Maneck mỉm cười, khiến bờ môi rách bị kéo giãn ra. Cậu tự kiềm mình và lấy một viên đá.
“Được, đấy sẽ là tên mới của cậu,” Om nói. “Ô Bachchan.”
“Ông còn đợi cái gì nữa?” Dina lại giận dữ quay sang lão thu tiền nhà. “Ông về nói với ông chủ ông, tôi không đi đâu cả, tôi sẽ không từ bỏ căn hộ này.”
“Tôi không nghĩ làm thế sẽ giúp ích được gì đâu, chị ạ,” Ibrahim não nề đáp, “nhưng tôi cũng chúc chị may mắn,” và lão bỏ đi.
Maneck nói cậu không muốn gây rắc rối cho dì Dina vì sự hiện diện của mình. “Đừng lo gì cho cháu,” cậu mấp máy môi một cách nhẹ nhàng nhất có thể. “Lúc nào cháu cũng có thể trở về nhà được.”
“Đừng nói thế,” cô nói. “Sau ngần ấy tháng, đã được quá nửa chặng đường đến với tấm bằng rồi, sao cháu có thể làm bố mẹ thất vọng được?”
“Không không, cậu ấy nói đúng đấy,” Ishvar nói. “Thật không công bằng khi cô phải chịu biết bao khổ sở vì chúng tôi. Bác cháu tôi sẽ quay về với ông bảo vệ.”
“Mấy người đừng nói vớ vẩn nữa,” Dina mắng. “Để tôi nghĩ một chút đã.” Cô nói họ đã hiểu sai vấn đề. “Mọi người nghe Ibrahim nói rồi đấy – lão chủ nhà chỉ muốn kiếm một cái cớ thôi. Dù mọi người có chuyển đi hết thì cũng chẳng giúp tôi giữ được nhà.”
Thứ duy nhất cô có thể trông cậy, theo ý cô, là khả năng dàn xếp tranh chấp của ông anh trai – bằng tiền bạc, lời lẽ ngon ngọt, hoặc bất cứ thứ gì mà ông rất giỏi dùng trong những giao dịch làm ăn của mình. “Thêm một lần nữa, tôi sẽ phải nuốt hết sĩ diện để đến cầu xin sự giúp đỡ của ông ấy, có thế thôi.”
Cân Bằng Mong Manh Cân Bằng Mong Manh - Rohinton Mistry Cân Bằng Mong Manh