Far more seemly were it for thee to have thy study full of books, than thy purse full of money.

John Lyly

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 66
Cập nhật: 2023-03-26 21:25:55 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13: Bữa Tiệc Tại Tư Dinh Mao Trạch Đông
ối ngày 10-9-1971, từ Bắc Đới Hà, Lâm Bưu gọi điện thoại cho Chu Ân Lai hỏi thăm xem bao giờ Mao Trạch Đông trở về Bắc Kinh. Chu Ân Lai trả lời không biết đúng ngày nào, nhưng cũng cho Lâm Bưu biết rằng Uông Đông Hưng đã hứa sẽ thông báo cho Lâm Bưu, ngay khi Mao chủ tịch bắt đầu quay về.
Lâm Bưu yêu cầu Chu Ân Lai sắp xếp để được chào đón Mao Trạch Đông khi Mao về đến Bắc Kinh. Chu Ân Lai không muốn Lâm Bưu có mặt tại Bắc Kinh khi Mao về đến nơi. Chu Ân Lai khuyên Lâm Bưu nên tĩnh dưỡng cho ngày đại lễ quốc khánh sắp tới. Vào khoảng 11 giờ, Lâm Bưu gọi Chu Ân Lai một lần nữa và cho biết sẽ trở về Bắc Kinh ngay để đón tiếp Mao chủ tịch cho phải cách. Khoảng nửa đêm hôm đó, tư lệnh không quân Ngô Pháp Hiến thông báo cho Chu Ân Lai biết chuyến bay đặc biệt chở Lâm Bưu về Bắc Kinh sẽ tới nơi vào khoảng 3 giờ sáng ngày 11-9.
Lâm Bưu cố ý nói chuyện với Chu Ân Lai trước khi về Bắc Kinh, để chứng tỏ việc trở về Bắc Kinh của Lâm Bưu chỉ có mục đích bày tỏ lòng tôn kính trung thành với Mao Trạch Đông mà thôi. Thực ra Lâm Bưu trở về là để hoàn tất giai đoạn chót của kế hoạch Tháp Bảo Sơn. Sau một tháng sửa soạn, kế hoạch này đã thành hình và có thể thi hành được rồi. Thời gian lúc Mao về đến Bắc Kinh đúng là lúc nên mở những cuộc khiêu khích với Nga Sô tại biên giới. Kế hoạch của Lâm Bưu khá hoàn hảo và có thể thành công, nhưng Lâm Bưu không ngờ rằng mọi âm mưu của mình đã bị tay cáo già tình báo Chu Ân Lai khám phá cả rồi.
Vào lúc 8:10 sáng ngày 11-9, trong khi một phi cơ Trident rời Bắc Kinh đi Bắc Đới Hà để đón gia đình Lâm Bưu, thì cha con Lâm Bưu vẫn còn tiếp tục bàn thảo kế hoạch đảo chánh. Ngay lúc Lâm Bưu, Lâm Lập Quả và Diệp Quần bắt đầu đi ra phi trường Sơn Hải Quan để về Bắc Kinh, thì Lâm Lập Quả nhận được tin của Liên Hạm Đội cho biết Mao Trạch Đông đang quay trở về Bắc Kinh từ Thượng Hải. Lâm Bưu sửng sốt trước sự ra về đột ngột của Mao và nói, “Có lẽ ta không về tới nơi trước hắn.”
Vài phút sau, Hoàng Phế gọi Lâm Lập Quả và xin lệnh phóng hỏa tiễn tấn công xe lửa của Mao Trạch Đông. Lâm Lập Quả dứt khoát trả lời đã quyết định hủy bỏ kế hoạch tấn công xe lửa của Mao, và ra lệnh cho Liên Hạm Đội phải trở về Bắc Kinh hoặc Thượng Hải. Lâm Lập Quả còn yêu cầu Hoàng Phế chấm dứt mọi hoạt động của kế hoạch 571.
*
Ngô Pháp Hiến và Lý Tác Bằng là hai người đầu tiên ra phi trường Bắc Kinh chào đón Lâm Bưu. Kế đó là Hoàng Vĩnh Thắng và Khâu Hộ Tác. Phi trường rất yên tĩnh và được canh phòng rất nghiêm mật. Khi chiếc Trident hạ cánh thì bốn tướng Hoàng, Ngô, Lý và Khâu tiến ra tận chân thang máy bay để đón tiếp thống chế của họ. Tất cả im lặng tiến ra xe hơi và trở về tư dinh của Lâm Bưu.
Tất cả mọi người bước ngay vào phòng họp của Lâm Bưu, và gồm có vợ chồng Lâm Bưu, Lâm Lập Quả, bốn tướng Hoàng, Ngô, Lý, Khâu, Chu Vũ Trì và Giang Đằng Giao. Hoàng Vĩnh Thắng là người lên tiếng trước nhất, và nói về vấn đề lúc nào nên phát động kế hoạch gây hấn với Nga Sô. Với sự đồng ý của Lâm Bưu, Hoàng Vĩnh Thắng đã ra lệnh cho phòng tình báo của bộ tổng tham mưu ngụy tạo các hồ sơ giả được gọi là “Kế Hoạch 1577.” Kế hoạch này nhằm gây một cuộc xung đột tại biên giới Nga-Hoa. Lâm Bưu và Hoàng Vĩnh Thắng đồng ý gia tăng quân số tung vào cuộc xung đột này lền đến sáu trung đoàn biên phòng, và bốn sư đoàn hành quân. Lấy cớ đòi lại những vùng lãnh thổ bị Nga Sô chiếm giữ, các lực lượng này sẽ bao vây năm khu vực đóng quân của Nga tại biên giới, rồi pháo kích bằng pháo binh và hỏa tiễn. Ngoài ra các tầu ngầm của Trung Cộng cũng xuất hiện ngoài khơi Vladivostok và mở các cuộc oanh kích, bắt buộc Nga phải trả đủa lại bằng quân sự. Cuối cùng hai quân đoàn nữa và các sư đoàn chiến xa sẽ được tung ra để chống lại cuộc phản công của Nga Sô.
Tham mưu trưởng Hoàng Vĩnh Thắng tin rằng trong vòng từ hai đến ba tuần lễ, lực lược không quân và hải quân của Nga Sô sẽ tăng cường cho bộ binh Nga. Tình hình sẽ mau lẹ đi tới mức độ khẩn trương, cần thiết cho cuộc đảo chánh mở màn. Các tin tức gửi cho Mao Trạch Đông sẽ trình bày các lực lượng quân sự Nga bố trí rất đông đảo tại biên giới bắc Trung Hoa và Mãn Châu. Các lực lượng Nga Sô này đang sửa soạn xâm chiếm miền bắc Trung Hoa.
Ngô Pháp Hiến là người lên tiếng kế tiếp. Ngô Pháp Hiến cho biết đã sửa soạn nhiều tài liệu cần thiết cho bảy lãnh tụ cao cấp nhất, kể cả Lâm Bưu. Những tài liệu này gồm có những bản đồ về hệ thống đóng quân, những tài liệu không ảnh của các quân khu lớn, một danh sách các cán bộ cao cấp, các trương mục của Trung Cộng tại các ngân hàng ngoại quốc, và tài liệu về vũ khí nguyên tử. Ngô Pháp Hiến cũng trình bày cho Lâm Bưu một danh sách các cơ quan quan trọng tại Bắc Kinh, các lãnh tụ sống tại Bắc Kinh, cùng địa chỉ và quân số canh gác tư dinh của các lãnh tụ này.
Kế đó Hoàng Vĩnh Thắng và Lý Tác Bằng mô tả vị trí và đặc điểm của các đường hầm tại Tháp Bảo Sơn, và đặc biệt trình bày cho Lâm Lập Quả các biện pháp cần phải áp dụng trong giai đoạn sửa soạn, trong khoảng từ 13-9 đến 25-9 là ngày đảo chánh.
Cuộc họp bỗng bị gián đoạn vì một cú điện thoại của Chu Ân Lai gọi cho Lâm Bưu. Chu Ân Lai xin lỗi phải gọi Lâm Bưu quá trễ, và cho biết Mao Trạch Đông đang trên đường về Bắc Kinh, và sẽ tới nơi ngày hôm đó. Tuy nhiên Chu Ân Lai cho rằng Lâm Bưu không cần thiết phải ra đón Mao Trạch Đông tại nhà ga xe lửa, nhưng Mao muốn gặp Lâm Bưu sau khi Mao về đến Bắc Kinh.
Cuộc họp sau đó lại tiếp tục, nhưng xoay sang vấn đề tại sao Chu Ân Lai gọi điện thoại cho Lâm Bưu. Lâm Bưu rất bực mình vì thái độ bưng bít chuyến trở về của Mao Trạch Đông, làm như là một điều cực kỳ bí mật.
Ngày hôm sau, 12-9, sau khi biết Mao Trạch Đông đã thực sự trở về đến Bắc Kinh, Lâm Bưu quyết định đến thăm Mao để tỏ lòng tôn kính. Lâm Bưu và Diệp Quần cùng hai vệ sĩ mang theo một số vỏ sò hiếm quý từ Bắc Đới Hà làm quà tặng Mao. Khi vợ chồng Lâm Bưu vào đến Cấm Thành thì không được gặp Mao, mà chỉ được Uông Đông Hưng đón tiếp. Uông Đông Hưng cho biết Mao đang ngủ để lấy lại sức sau chuyến đi vất vả, và có lẽ phải 5 giờ sau nữa mới thức dậy. Uông Đông Hưng tiếp tục nói về tình trạng sức khoẻ của Mao trong chuyến đi kinh lý vừa qua. Khoảng hai mươi phút sau, khi Lâm Bưu đứng lên từ giã, thì Uông Đông Hưng lên tiếng thay mặt cho Mao, mời vợ chồng Lâm Bưu dự một bữa tiệc thân mật ngay tối hôm đó. Bữa tiệc sẽ được tổ chức tại Tháp Bảo Sơn, và đó là nơi Mao dự định nghỉ ngơi cho tới ngày lễ quốc khánh. Uông Đông Hưng đề nghị Lâm Bưu nên đến vào lúc 8 giờ tối. Uông Đông Hưng cho biết đang có ý định gọi điện thoại thay mặt Mao mời Lâm Bưu dự tiệc, và Giang Thanh thế nào cũng gọi điện thoại cho Lâm Bưu để mời thêm một lần nữa. Bữa tiệc này có cả Giang Thanh và Chu Ân Lai tham dự.
Sau khi Lâm Bưu trở lại tư dinh thì Hoàng Vĩnh Thắng là người đầu tiên gọi điện thoại cho Lâm Bưu, để hỏi về tình hình tại tư dinh của Mao Trạch Đông. Sau đó là Ngô Pháp Hiến. Lâm Bưu băn khoăn kể cho hai tướng biết những gì xảy ra tại tư dinh Mao, và cho biết Lâm Bưu không được Mao đích thân đón tiếp. Lâm Bưu muốn tất cả bộ tham mưu đến họp ngay để bàn về việc tham dự tiệc tại tư dinh Mao.
Không khí trong buổi họp này đầy e dè sợ sệt. Hoàng Vĩnh Thắng và Lý Tác Bằng hoàn toàn im lặng. Khâu Hộ Tác hoảng sợ ra mặt. Diệp Quần nhìn Ngô Pháp Hiến và hỏi một cách tuyệt vọng:
“Tướng quân có ý kiến gì không? Có thể lão già đó cũng có âm mưu gì đây.”
Ngô Pháp Hiến chưa kịp trả lời thì Diệp Quần có điện thoại từ Thiên Tân của Lâm Đậu Đậu gọi về. Lâm Đậu Đậu cho Diệp Quần biết nàng đang mua sắm đồ cưới tại đó. Lâm Bưu không có mặt trong buổi họp. Lâm Lập Quả thì có vẻ bình tĩnh. Hoàng Vĩnh Thắng và Ngô Pháp Hiến đều tin rằng Mao chưa gặp Lâm Bưu là vì Mao thực sự mệt mỏi và muốn nghỉ ngơi trước khi dự tiệc buổi tối.
Nhưng Lý Tác Bằng thì không đồng ý. Họ Lý phát biểu ý kiến của mình: “Nếu thực sự Mao cần ngủ trưa thì tại sao Uông Đông Hưng còn lưu lại tư dinh của Mao? Tại sao hắn không về tư dinh của hắn ngay gần đó? Hắn ở trong đó mấy tiếng đồng hồ để làm gì? Chu Ân Lai cũng không thông báo cho thống chế biết thời gian chính xác khi Mao về đến Bắc Kinh. Đó là một điều quái lạ. Một người thích được tôn sùng như Mao Trạch Đông mà lại âm thầm trở về Bắc Kinh không trống không kèn hay sao? Trong việc này có một cái gì bất bình thường.”
Diệp Quần nghe nói càng thêm lo ngại. Hoàng Vĩnh Thắng và Ngô Pháp Hiến bắt đầu cảm thấy vấn đề nghiêm trọng, nhưng Khâu Hộ Tác cảnh cáo mọi người không nên quá đa nghi mà có phản ứng sai lầm. Lý Tác Bằng lập tức tấn công Khâu Hộ Tác, và cho biết hệ thống viễn thông của hải quân mới đây nhận được nhiều mật mã rất lạ lùng, lần đầu được xử dụng kể từ khi cuộc kinh lý của Mao Trạch Đông bắt đầu. Đến đây Ngô Pháp Hiến chợt nhớ ra không quân cũng nhận được những mật mã rất lạ lùng trong vài tuần lễ gần đây, và tin rằng Mao vẫn liên lạc chặt chẽ với Bắc Kinh trong thời gian đi kinh lý. Đây là một dấu hiệu khác thường. Có thể Mao vẫn liên lạc về Bắc Kinh, và người được Mao liên lạc chắc chắn phải là Chu Ân Lai.
Cuối cùng Ngô Pháp Hiến lên tiếng hỏi Diệp Quần hiện Lâm Bưu đang làm gì, và mọi người muốn thảo luận vấn đề này với chính Lâm Bưu. Diệp Quần cho biết Lâm Bưu đang nghỉ ngơi, nhưng đúng lúc đó thì Lâm Bưu bước vào phòng trong một bộ binh phục nhàu nát, đầu quấn một khăn bông lớn. Lâm Bưu trông có vẻ nghiêm trọng và nhìn mọi người bằng một nụ cười yếu ớt. Lâm Bưu đứng giữa phòng, dáng vẻ suy tư và một lúc lâu mới lên tiếng nói:
“Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình nếm mùi vị này năm 1966. Khi ấy lão già độc ác này cũng trở về Bắc Kinh từ Tây Hồ ở Hàng Châu. Lưu Thiếu Kỳ đến thăm để trình bày tình hình cho Mao. Mao không thèm tiếp Lưu và nói đang ngủ. Thực sự lúc đó con cáo già đang làm gì? Trong tư dinh của hắn lúc đó có khoảng bảy tám người đang bàn thảo kế hoạch hãm hại Lưu Thiếu Kỳ. Chính lúc đó ta cũng có mặt tại đó, và có cả Chu Ân Lai cùng với Giang Thanh, Trương Xuân Kiều và Uông Đông Hưng. Nhưng người sai khiến chúng ta hãm hại Lưu Thiếu Kỳ chính là Mao Trạch Đông. Nếu bây giờ hắn không ngủ thì hẳn nhiên hắn đang sửa soạn một tấn tuồng mới. Ta có cảm tưởng hắn đang sửa soạn những trò hại ta trong bóng tối. Ta cam đoan rằng có nhiều người đến đó trước ta và hiện còn đang họp bàn với hắn.”
Diệp Quần kể cho Lâm Bưu biết về những mật mã mới nhận được trong hải quân và không quân. Lâm Bưu chăm chú nghe nhưng không có phản ứng gì. Lâm Bưu lại tiếp tục nói, “Việc con cáo già mời ta dự tiệc tối nay, đó là cơ hội để bắt tay nhau trở lại, hay đó là cái bẫy hãm hại ta? Các ngươi nghĩ thế nào? Ta có nên đi hay không?”
Chờ Lâm Bưu ngồi xuống một chiếc ghế sô pha, Lâm Lập Quả mới lên tiếng. “Con nghĩ chúng ta phải ra tay trước. Các dấu hiệu đã quá rõ ràng. Lão già quỷ quyệt hơn chúng ta tưởng. Hiển nhiên hắn ta đã có kế hoạch sẵn trong tay áo. Chúng ta sẽ làm gì nếu hắn ra tay trước?”
Đến đây Hoàng Vĩnh Thắng đề nghị thay đổi thời điểm của cuộc đảo chánh. Tuy nhiên theo Hoàng Vĩnh Thắng thì nếu cứ tiếp tục kế hoạch Tháp Bảo Sơn thì không thể bắt đầu sớm hơn vài ngày được. Hoàng Vĩnh Thắng vẫn muốn tiếp tục kế hoạch Tháp Bảo Sơn, và vấn đề quan trọng nhất lúc bấy giờ là bàn luận xem Lâm Bưu có nên tham dự tiệc mời của Mao hay không. Rồi Hoàng Vĩnh Thắng đề nghị Lâm Bưu không nên tham dự bữa tiệc tối hôm đó trong tư dinh của Mao, trừ phi mở ngay cuộc đảo chánh.
Mọi người đưa ra ý kiến Lâm Bưu giả vờ bị bệnh và cáo từ không dự tiệc được, còn Lâm Lập Quả thì muốn ra tay ngay, thay thế kế hoạch Tháp Bảo Sơn bằng một kế hoạch đảo chánh khác. Lâm Bưu không nói năng gì, chỉ nhắm mắt ngồi nghe. Diệp Quần hối thúc Lâm Bưu cho biết ý kiến, thì Lâm Bưu nhắc lại tôn chỉ của mình là không bao giờ xuất quân mà không sửa soạn trước và không nắm chắc phần thắng. Lâm Bưu quyết định đi dự tiệc đêm đó với Mao, vì cho rằng bữa dạ tiệc là cơ hội tốt để dò xét Mao. Lâm Bưu muốn bà vợ Diệp Quần cùng đi dự tiệc với mình, nhưng yêu cầu phải bố trí trước khi ra đi.
Theo sự bố trí của Lâm Bưu thì Hoàng Vĩnh Thắng và Ngô Pháp Hiến sẽ phải túc trực tại phòng hành quân trong Tháp Bảo Sơn. Lâm Lập Quả ở lại tư dinh của Lâm Bưu để theo dõi Lâm Bưu và Diệp Quần khi hai người này vào tư dinh của Mao. Lý Tác Bằng phải sẵn sàng tổ chức một bộ chỉ huy ngay tại thành phố và Khâu Hộ Tác sẽ công tác với Ngô Pháp Hiến dưới quyền tư lệnh tối cao của Hoàng Vĩnh Thắng.
Buổi chiều hôm đó, Giang Thanh gọi điện thoại cho Diệp Quần. Giang Thanh nhấn mạnh Mao Trạch Đông mời cả Diệp Quần dự tiệc. Ngoài ra Giang Thanh còn nói về đám cưới của Lâm Đậu Đậu một cách vui vẻ. Điều này làm Diệp Quần an lòng và hy vọng phe bên kia không có âm mưu gì hãm hại Lâm Bưu trong bữa tiệc. Khoảng 6 giờ chiều hôm đó, Hoàng Vĩnh Thắng đã chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp báo động cho quân đội biên giới nếu cần phải tấn công trước. Đến 6 giờ 27 phút, Diệp Quần gọi điện thoại cho Hoàng Vĩnh Thắng, báo cho họ Hoàng biết bà và Lâm Bưu sẽ tới phòng hành quân ngay. Mọi người ngạc nhiên trước quyết định mới của Lâm Bưu.
Một lát sau, một đoàn xe hơi chở Lâm Bưu và Diệp Quần, Lâm Lập Quả và một số tùy tùng tới trước phòng hành quân. Lâm Bưu xuống xe, vẻ mặt đăm chiêu và đi thẳng vào phòng hành quân. Mọi người lo lắng và lặng lẽ đi theo sau. Lâm Bưu ra lệnh cho Hoàng Vĩnh Thắng đọc lại kế hoạch Tháp Bảo Sơn. Đến nửa chừng thì Lâm Bưu ngắt lời Hoàng Vĩnh Thắng và hỏi:
“Nếu ta muốn tấn công Nga Sô ngay bây giờ có được không? Nếu ta ra lệnh bây giờ thì phải mất bao nhiêu phút thì lệnh mới được thi hành?”
Hoàng Vĩnh Thắng không trả lời được ngay, nhưng Lý Tác Bằng cho biết theo Kế Hoạch 1577 thì phải ít nhất trên một giờ thì cuộc xung đột mới lên tới cấp trung đoàn, và sau tám giờ thì lên đến cấp sư đoàn. Lâm Bưu đòi xem lại Kế Hoạch 1577. Hoàng Vĩnh Thắng hỏi Lâm Bưu có phải tình thế đã thay đổi không, thì Lâm Bưu phủ nhận điều đó. Lâm Bưu cho biết sau khi suy nghĩ lại thì ông thấy rằng tốt nhất là hành động ngay lập tức. Đến dự tiệc với Mao Trạch Đông thì nguy hiểm quá. Chỉ cần mười phút là Lâm Bưu sẽ mất tất cả. Lâm Bưu nhất định đòi phải tấn công gây hấn với Nga Sô tại biên giới ngay tức khắc, nhưng các tướng thuộc hạ cho rằng chưa sẵn sàng chuẩn bị. Lâm Lập Quả gây áp lực cho Lâm Bưu: “Bây giờ gần 7 giờ tối rồi. Chúng ta không còn nhiều thì giờ nữa.”
Chợt Lâm Bưu la lên, “Im lặng. Ta khó chịu quá.”
Diệp Quần biết chồng lại lên cơn bệnh, và chạy vội đến, lấy khăn lau mồ hồi cho Lâm Bưu. Lâm Bưu đuổi mọi người ra ngoài để cho ông nằm nghỉ một lát. Sau khi nằm nghỉ tại phòng hành quân được nửa giờ thì Lâm Bưu cảm thấy khoẻ trở lại. Lâm Bưu đứng dậy, đẩy cửa bước sang phòng bên cạnh, nơi mọi người đang ngồi chờ đợi, mỉm cười bắt tay từng người một. Lâm Bưu trấn an mọi người:
“Chúng ta không nên quá đa nghi. Chúng ta đã tốn bao công lao sắp đặt được kế hoạch tấn công lão già đó, thì chúng ta phải thận trọng sử dụng tất cả sức mạnh của chúng ta trong một chuyến ra tay sinh tử. Ta chưa thấy dấu hiệu gì hắn sẽ ra tay hạ ta trong bữa tiệc tối nay. Hãy đợi thêm vài ngày nữa mới hành động cho đúng với mọi sửa soạn của chúng ta. Có thể ngày 17 hoặc 18 tháng này.”
Mọi người thở phào nhẹ nhõm sau khi nghe quyết định cuối cùng của Lâm Bưu. Tuy nhiên các tướng không khỏi ngỡ ngàng trước những thay đổi đột ngột của Lâm Bưu trong vòng vài tiếng đồng hồ: quyết định đi dự tiệc, rồi ra phòng hành quân đòi tấn công Mao ngay, rồi lại trở về với ý định đầu tiên là tiếp tục đi dự tiệc với Mao.
Thực ra sự thay đổi của Lâm Bưu là do sự cầu khẩn van nài của Lâm Lập Quả. Nhóm Lâm Lập Quả, Chu Vũ Trì, Giang Đằng Giao và Hoàng Phế nhận thấy sự nguy hiểm của Lâm Bưu, và đoán phe Mao Trạch Đông không có hảo ý khi mời vợ chồng Lâm Bưu vào dự tiệc trong tư dinh của Mao. Vợ chồng Lâm Bưu động lòng trước lời cầu khẩn tha thiết của Lâm Lập Quả, nên đổi ý, đến phòng hành quân và định ra tay thi hành kế hoạch đảo chánh ngay. Nhưng chính tại phòng hành quân, Lâm Lập Quả không thuyết phục được mọi người theo ý kiến của mình nên Lâm Bưu đổi ý, nhất định đi dự tiệc với Mao như trước.
Quyết định cuối cùng của Lâm Bưu làm nhóm Lâm Lập Quả thất vọng và hết sức lo ngại. Nhóm trẻ này nhận thấy các tướng già đã lỗi thời, không con tinh tế “đánh hơi” được tình thế nữa. Lâm Lập Quả biết không thể nào lay chuyển được quyết định của thân phụ, nên đành phải tìm những biện pháp đề phòng để đối phó trong trường hợp Lâm Bưu gặp nguy hiểm.
Lâm Lập Quả đeo vào tay Diệp Quần một chiếc đồng hồ đặc biệt. Đây là một dụng cụ truyền tin tối tân. Dụng cụ truyền tin này sẽ báo tín hiệu khẩn cấp nếu vì lý do gì mà mạch máu của Diệp Quần nhưng đập. Diệp Quần cũng có thể dùng dụng cụ này để báo động trong trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra nếu không có gì nguy hiểm thì cứ năm phút dụng cụ này lại tự động báo tin một lần. Sẽ có hai xe tuần tiễu đặc biệt đậu gần tư dinh của Mao Trạch Đông để nhận tín hiệu từ dụng cụ trên tay Diệp Quần. Một xe đậu cách xa 500 thước và một xe đậu cách xa 1800 thước. Hai xe tuần tiễu này có nhiệm vụ truyền tin về cho Lâm Lập Quả. Để tránh cho tín hiệu bị khám phá, Lâm Lập Quả đặt tín hiệu này vào đúng tần số của không quân.
Lâm Lập Quả ra lệnh cho Hoàng Phế phải túc trực tại bộ tư lệnh không quân để chờ lệnh. Giang Đằng Giao phải ở lại tư dinh của Lâm Bưu để giữ liên lạc với bộ tư lệnh không quân tại Thượng Hải, Hàng Châu và Quảng Đông. Riêng Lâm Lập Quả và Chu Vũ Trì thì tới phi trường để theo dõi các hoạt động bên trong tư dinh của Mao Trạch Đông. Trong trường hợp Lâm Bưu gặp nguy hiểm, Hoàng Vĩnh Thắng sẽ khởi sự cuộc đảo chánh bằng quân sự ngay lập tức. Hoàng Vĩnh Thắng sẽ ra thông báo Mao chủ tịch và Lâm thống chế bị những lực lượng phản động bắt cóc để khởi loạn. Hoàng Vĩnh Thắng, với tư cách là tổng tham mưu trưởng, sẽ ra lệnh bao vây khu tư dinh của Mao, và điều động các lực lượng của quân khu Bắc Kinh và đặc biệt là quân đoàn 38 bao vây toàn thể Bắc Kinh. Tất cả các đơn vị trung thành với Lâm Bưu tại Bắc Kinh sẽ bao vây toán vệ binh 8341 của Mao. Trong vòng bốn giờ, ba sư đoàn nhảy dù của không quân sẽ được tăng phái tới Bắc Kinh để tăng cường cho phe Lâm Bưu.
Sau khi tất cả đã được điều động như trên, Lâm Lập Quả chăm chú ngồi theo dõi tín hiệu từ chiếc đồng hồ trên tay Diệp Quần. Khoảng 8 giớ 10 phút tối hôm đó, vợ chồng Lâm Bưu tới tư dinh của Mao Trạch Đông. Đoàn vệ binh của Mao đứng dàn chào Lâm Bưu ngay trước cổng theo đúng nghi lễ quân cách rất trang nghiêm, một buổi lễ chào mừng đặc biệt dành cho thống chế Lâm Bưu, phó chủ tịch đảng, bộ trưởng quốc phòng, và là người thừa kế chủ tịch nhà nước.
Cái Chết Của Lâm Bưu Cái Chết Của Lâm Bưu - Nguyễn Vạn Lý Cái Chết Của Lâm Bưu