Đừng để tâm đến thất bại mà chỉ nên nhìn vào những sai sót của mình.

Ngạn ngữ châu Phi

 
 
 
 
 
Tác giả: Agatha Christie
Thể loại: Trinh Thám
Dịch giả: Dương Linh
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Hoàng Anh Lê
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2875 / 89
Cập nhật: 2015-11-08 11:06:42 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
uổi họp mặt thân mật ở nhà bà Carpenter đã đến hồi tàn. Bà Oliver tay cầm ly rượu, tiến lại gần Hercule Poirot. Suốt từ đầu, người nào cũng bị nhóm người hâm mộ vây quanh, nên chưa nói được gì với nhau. Giờ đây mọi người đã chếnh choáng, ít quan tâm đến họ hơn, và xoay ra bàn chuyện vặt trong làng, họ mới có dịp chuyện trò một lát. Bà Oliver là người chủ động trước. Đi lướt qua Poirot, bà thì thào mời ông ra ngoài sân thượng, đồng thời dúi vào tay ông một mảnh giấy gập tư.
Hercule Poirot, thừa lúc mọi người không để ý, theo gót bà Oliver ra ngoài, ở đó, ông giở xem mảnh giấy. Chỉ có một chữ: “Rendell”. Ông đưa mắt hỏi bà Oliver.
- Là tên kẻ sát nhân của ông đấy! - Bà trả lời đơn giản.
- Thật ư?
- Không nghi ngờ gì nữa.
- A!
Giọng nói lộ ra là nhà thám tử hoàn toàn không tin.
- Nhưng tại sao lại là ông ta? - Ông hỏi.
Bà văn sĩ không hề lúng túng:
- Tôi đoán ông ta mắc lỗi nghề nghiệp nào đó, bị bà Mac Ginty biết được, định lợi dụng tình thế. Vả lại điều quan trọng, không phải là động cơ. Quan trọng, ông ta chính là thủ phạm, tôi dám chắc. Tôi đã điểm tất cả những người tình nghi, và đã rút ra kết luận.
Poirot nói:
- Bà có biết là tối qua, ở ga Kilchester, có kẻ đã định đẩy tôi xuống đường tàu?
- Ông nói gì?... Định giết ông?
- Chắc thế.
- Tôi có tin chắc chắn là tối qua, bác sĩ Rendell không có nhà.
- Đúng. Ông ta có bệnh nhân mời cấp cứu.
- Thế thì, nghi ngờ của tôi là đúng!
Poirot nhăn mặt:
- Không chắc thế đâu! Cả hai ông bà Carpenter tối qua đều đi Kilchester, nhưng ra về riêng rẽ. Bà Rell tối qua có nằm nhà nghe rađiô hay đi vắng? Không ai biết Cô Henderson hay đi Kilchester xem phim...
- Tối qua, cô ta không ra khỏi nhà. Chính cô ta nói với tôi.
- Không nên tin tất cả những gì người ta nói - Poirot đáp, giọng trịnh trọng - Trong gia đình, người ta bênh nhau. Với lại, tôi thấy rất khó nói là tối qua, ở biệt thự Hunter’s Close, ai ở nhà hay không ở nhà, vì Frieda, cô hầu người Đức, đi xem phim, điều này tôi biết. Không dễ gì mà khoanh lại vùng điều tra!
- Tôi không đồng ý với ông. Cái việc... hãm hại ông ấy, xảy ra lúc mấy giờ?
- Chính xác là chín giờ rưỡi.
- Nếu vậy, vợ chồng Upward vô can. Từ tám giờ đến mười giờ rưỡi, tôi chơi bài với mẹ con Robin.
- Nhưng...
Poirot không nói hết câu. Maureen Summerhayes, tay cầm ly rượu đã vơi, ra sân thượng hóng gió. Thấy Poirot và bà Oliver, bà tiến lại:
- Tôi hơi chuếnh choáng rồi - Bà nói - Tại cái rượu gin này, và cũng tại buổi họp hôm nay vui quá, có mặt hai vị. Tôi, tôi cũng muốn viết lách lắm! Khốn nỗi, tôi chẳng làm gì nên hồn!
Poirot lịch sự nói đỡ:
- Bà cứ nói vậy! Bà là người vợ tốt, người mẹ tốt trong gia đình!
Maureen gật đầu:
- Thật thế không? Tôi yêu chồng con, đành rồi, nhưng thế đã đủ chưa?
Poirot hắng giọng:
- Thưa bà, nếu được phép đưa một lời khuyên, bà có biết tôi sẽ nói gì? Đơn giản như sau: một người vợ yêu chồng bao giờ cũng phải chăm lo dạ dày của chồng. Rất quan trọng!
Maureen chưa hiểu ngay tức khắc. Sau vài giây, bà mới nói:
- Ông định ám chỉ khả năng làm bếp của tôi phải không? Ông nói có thể đúng, nhưng với tôi, ăn cái gì, mặc cái gì, đâu có quan trọng!
Poirot hứ hứ một tiếng ỷ nghĩa. Maureen uống cạn ly, im lặng một lát, rồi nói tiếp:
- Hôm nọ, tôi đọc trên báo lá thư của một phụ nữ, rất vớ vẩn. Bà ta nói, có con mà chỉ đủ ăn cho con, Có những người rất giầu nhận nuôi, ta có chấp nhận không?... Theo tôi, câu hỏi thật là ngu. Con mình, mình có mà cho nó ăn, mình phải giữ lấy chứ!
Một lát, bà đăm đăm nhìn chiếc cốc không, nói tiếp:
- Tôi nói là có cơ sở. Bản thân tôi là đứa con nuôi, được nuông chiều bởi người họ hàng không phải là bố mẹ. Tôi chẳng thiếu thứ gì, nhưng vẫn luôn buồn bã vì mẹ mình đã bỏ mặc mình, không quan tâm.
- Có những người phải hy sinh - Poirot nói - để cho mình sung sướng.
- Tôi không tin. Bố mẹ nói vậy để tự bào chữa, thực ra là họ thấy họ không cần đến mình... chính điều đó làm mình đau khổ!... Nói gì thì nói, cái gì thì cái, bắt tôi từ bỏ con mình, tôi không chịu!
- Bà nói thế là đúng! - Bà Oliver nói.
- Tôi cũng thấy thế. - Poirot phụ họa.
- Vậy là chúng ta thống nhất! - Maureen cười khanh khách - Thế còn tranh luận làm gì?
Robin Upward đi ra sân thượng:
- Đúng thế! - Anh ta reo lên - Chuyện gì vậy?
- Chúng tôi đang nói chuyện con nuôi, con đẻ - Maureen đáp - Tôi, tôi rất sợ là con nuôi! Cậu thì sao?
- Có, nhưng dù sao cũng còn hơn là mồ côi.
Rồi quay sang bà Oliver, nói thêm:
- Bà Ariadne, đã đến lúc ta về rồi được chứ.
Khách ra về từng nhóm. Bác sĩ Rendell, có điện thoại gọi, đã ra về từ trước. Hơi men chếnh choáng, cả đoàn vui vẻ đi. Tới trước hàng rào sắt biệt thự Laburnums, Robin còn cố nài chưa chia tay vội.
- Mời các vị vào một lát! Mạ tôi sẽ rất vui! Chân đau, Mạ tôi không đến được, rất tiếc và rất mong các vị vào chơi!
Quả vậy, bà Upward lộ vẻ mừng vì cuộc viếng thăm bất ngờ. Bà hỏi nhiềụ điều về cuộc họp vừa rồi.
- Còn những ai nữa? Ông bà Wetherby?
- Không. Bà Wetherby không được khỏe; không có mẹ, cô con gái ngớ ngẩn Dreirdre cũng không đến.
- Một ca bệnh lý. - Robin nói.
- Không - Maureen nói chen - Tại bà mẹ!... Có những bà mẹ như thế, giữ chịt con cái làm chúng nghẹt thở!
Nhìn ánh mắt của bà Upward, Maureen hiểu ngay là mình vừa lỡ miệng.
- Mẹ có bóp nghẹt con không, hở Robin? - Bà Upward hỏi.
- Ồ mạ, đâu có!
Mong được chuyển sang đề tài khác, Maureen mau chóng nói về đàn chó nhà mình. Câu chuyện tự nhiên mang sắc thái nặng chuyên môn. Bà Upward trịnh trọng:
- Không thể thoát khỏi quy luật di truyền. Người cũng vậy, mà chó cũng thế!
- Nhưng, cũng còn ảnh hưởng của hoàn cảnh... - Shelagh Rendell dè dặt phát biểu.
Bà Upward không để bà Rendell nói hết câu:
- Tôi không tin!... Ảnh hưởng đó chỉ hời hợt bên ngoài. Có thể tráng một nước sơn hào nhoáng, nhưng cái quan trọng, là cái có từ khi mới sinh, là dòng dõi cốt lõi, cái ấy mới đáng kể!
Shelagh Rendell đỏ mặt bực tức:
- Nhưng như thế là bất công!
- Cuộc đời là bất công. - Bà Upward đáp.
Johnny Summerhayes tham gia câu chuyện, giọng từ tốn, chậm chạp:
- Tôi hoàn toàn đồng ý bà Upward. Cuối cùng, cái gốc dòng dõi bao giờ cũng lộ ra.
Bà Oliver hỏi:
- Như vậy là mọi việc đều định sẵn? “Ngươi sẽ bị nguyền rủa tới các con cháu đời thứ ba, thứ tư...”
Maureen Summerhayes nhẹ nhàng:
- Bà trích dẫn không đầy đủ. Kinh thánh nói tiếp là đến đời thứ một nghìn sẽ được tha thứ...
Lại một phút im lặng khó chịu. Để giải tỏa, ai nấy chuyển sang Poirot:
- Ông Poirot, ông nói về vụ Mac Ginty xem nào!... Tại sao thủ phạm không phải là cái tay ở trọ bà ta?
Poirot cười không nói. Mọi người lại gặng:
- Không phải anh ta, thì là ai?
- Phải, ai?
Bà Upward chen vào, giọng mai mỉa:
- Các vị làm cho ông Poirot khó nghĩ. Có khi ông đang nghi cho một người nào trong chúng ta đây!
- Chúng ta? Ồ!
Poirot nhìn bà Upward, thấy như mắt bà lóe lên ánh thách thức.
Robin Upward hùa vào trò chơi:
- Đúng rồi, các vị ơi, chúng ta đều bị tình nghi!
Bắt chước phong cách giật giọng của cảnh sát hỏi cung, anh ta cao giọng:
- Không lôi thôi! Bà Maureen, bà ở đâu cái đêm hôm... à mà, đêm hôm nào nhỉ?
- Đêm hôm 22 tháng Mười một. - Poirot đáp.
- Đêm hôm 22 tháng Mười một.
- Trời! Làm sao tôi nhớ được - Bà Maureen kêu.
Bà Rendell cũng nhận xét:
- Lâu thế rồi, làm sao mà biết được?
- Vậy mà tôi, tôi biết đấy - Robin nói - Bởi vì tôi hôm ấy, tôi có một bài phát biểu trên rađiô. Tôi đi xe đến Coalport để nói trước micrô về Vài vấn đề của sân khấu đương đại. Tôi càng nhớ hơn vì đã bàn luận dài về nhân vật người đàn bà giúp việc trong vở Chiếc hòm bạc, kịch của Galssworthy, và tôi tự hỏi rằng nhân vật này có gì giống với bà Mac Ginty tội nghiệp.
Shelagh Rendell xác nhận những điều đó là đúng, nói thêm:
- Bây giờ tôi nhớ rồi, anh bảo tôi vì hôm đó là ngày nghỉ của Janet, mẹ anh ở nhà có một mình buổi tối. Tôi đến để mẹ anh đỡ buồn. Tiếc rằng tôi bấm chuông mà không ai trả lời.
Bà Upward nhăn mặt suy nghĩ, cuối cùng mới nói:
- Điều đó không lạ! Tôi nhức đầu nằm trên giường, phòng tôi nhìn ra vườn. Cửa đóng, nên tôi không nghe thấy.
Shelagh nói tiếp:
- Hôm sau, khi biết tin bà Mac Ginty bị giết, nghĩ lại tôi cứ rùng mình vì rất có thể đã gặp tên giết người trên đường đi. Vì lúc đầu, như mọi người, tôi tưởng là bà bị tên lưu manh nào giết.
Maureen ngửng đầu, nói:
- Tôi nghĩ mãi, không nhớ nổi tối hôm ấy mình làm gì. Ngược lại, nhớ rất rõ là sáng hôm sau ông hàng bánh cho tôi biết tin. Ông ta nói: “Xong đời bà Mac Ginty rồi!” Thế mà tôi cứ chờ, không thấy bà ấy đến!
Bà Upward chăm chăm nhìn Poirot, Poirot cứ mặc, coi như không biết. Ý kiến đánh giá về bà bắt đầu hiện rõ trong óc ông. Một người đàn bà rất thông minh, ích kỷ, vẻ như có khả năng dám quyết định những điều quyết liệt, không biết đến ăn năn.
- Ông đã tìm ra dấu vết gì chưa, ông Poirot?
Câu hỏi là của Shelagh Rendell.
Johnny Summerhayes reo lên:
- Phải rồi, chúng ta đều quan tâm điều ấy! Cái tôi thích nhất trong các tiểu thuyết trinh thám, là dấu vết, là cái chi tiết người đọc không để ý, nhưng sẽ giúp cho thám tử chỉ mặt tên thủ phạm! Đọc đến những trang cuối cùng, ta mới nghĩ: “Đúng rồi! Lẽ ra ta phải thấy từ trước!” Nào, ông Poirot, ông nói đi!
Tất cả mọi khuôn mặt đều hướng về Poirot.
- Phải đấy! Ông nói đi!
Poirot nhìn lần lượt từng người một. Tất cả đều có vẻ vui thú. Vụ ám sát bà Mac Ginty ư? Những người này - có lẽ phải trừ một - đã quên mất tính chất bỉ ổi của nó. Họ chỉ nghĩ đến các dấu vết - mới đầu là do Shelagh Rendell, rồi đến Johnny Summerhayes yêu cầu, nhân danh tất cả. Với họ, bây giờ chỉ còn là trò tiêu khiển, như mọi trò khác.
Poirot ngập ngừng một lát, rồi đột ngột quyết định:
- Các vị muốn dấu tích ư? Thì đây!
Nói rồi, như một diễn viên sân khấu, ông quẳng lên bàn bốn bức ảnh vừa rút từ trong túi. Mọi người xúm vào xem.
- Ôi! Ảnh ngố quá!
- Có thấy những bông hồng này không?
- Này cái mũ!
- Con bé này xấu kinh!
- Xưa ăn mặc thế này à!
- Bà này trông không đến nỗi.
- Nhưng những tấm ảnh này, sao lại là dấu tích?
- Ừ, tại sao?
- Và những người này là ai?
Poirot quan sát từng khuôn mặt, cuối cùng hỏi:
- Các vị không nhận ra ai trong số này ư? Có thấy một tấm ảnh này ở đâu đó không?
Thái độ của bà Upward khiến Poirot hỏi trực tiếp:
- Tôi dám chắc là có. Phải không, thưa bà?... Một trong những tấm ảnh này phải làm bà nhớ lại cái gì.
- Có nghĩa là...
- Cái gì?
Bà Upward chỉ tay vào hình ảnh bé Lily Gamboll.
- Tấm ảnh này, bà đã nhìn thấy rồi?... Bao giờ?
- Chưa lâu... Tôi không thể nói ở đâu, vì không nhớ, nhưng tôi đã nhìn thấy một tấm giống tấm này...
Bà Upward ngừng lời, tiếp tục suy nghĩ. Im lặng kéo dài. Bà Rendell lại gần bà Upward, nói:
- Thôi, đã đến giờ chúng tôi phải về. Bà vui lòng hôm nào lại chơi tôi uống trà nhé?
- Rất vui lòng... nếu Robin chịu đẩy tôi đến đó!
- Mạ, nhất định rồi! Từ khi đẩy chiếc ghế của Mạ, tay con rất khỏe! Mạ có nhớ hôm chúng ta đến nhà Wetherby, thời tiết rất xấu? Bùn lầy...
- A! - Bà Upward thốt lên.
- Gì vậy, Mạ?
- Không, con nói tiếp!
- Hôm ấy đường sá đầy bùn. Bánh xe cứ trôi đi, con cũng trượt chân, cứ tưởng không đẩy me về được nữa!
Ai nấy cười vui, rồi cả bọn rút lui. Poirot đi sau cùng. Mình đưa những bức ảnh ra đã đúng lúc chưa? Không chắc.
Đột nhiên ông quyết định quay trở lại Laburnums. Viện cớ để quên một vật, ông chào mọi người, đi lên biệt thự. Phía bên trái, có một cửa sổ để mở. Trong phòng, có tiếng nói. Poirot nhận ra giọng bà Oliver và Robin. Ông vào nhà và bước thẳng vào phòng khách lúc nãy, phía bên phải. Ông nhẹ nhàng mở cửa. Bà Upward đang ngồi cạnh lò sưởi, vẻ trầm ngâm. Poirot khẽ ho để đánh tiếng. Bà giật mình.
- Ồ! Ông đấy à?... Làm tôi sợ quá!
- Tôi xin lỗi. Thế bà tưởng là ai khác?
Không trả lời thẳng, bà hỏi:
- Ông để quên gì?
- Không. Tôi quay lại vì sợ có chuyện nguy hiểm.
- Nguy hiểm cho ai?
- Có thể là cho bà. Vì bà đã nhận ra một bức ảnh tôi đưa ra lúc nãy.
- Nói nhận ra thì hơi quá! Ảnh cũ, cái nào cũng giống nhau...
- Xin bà nghe kỹ đây: bà Mac Ginty cũng đã nhận ra một tấm ảnh. Và bà Mac Ginty đã chết!
Một ánh tinh nghịch bất ngờ lóe lên trong mắt bà Upward:
- Bà Mac Ginty đã chết. Bà ấy chết thế nào? Cổ vươn ra thế này. Ông định nói bài hát ấy?
- Thưa bà, tôi muốn nói, nếu bà biết điều gì, bất cứ điều gì, bà nên nói với tôi ngay. Như thế tốt hơn!
- Nhưng, thưa ông, mọi việc đâu có đơn giản thế! Tôi không chắc mình đã biết gì, ít nhất là không biết chính xác. Trí nhớ đôi khi đánh lừa một cách tai hại! Nói gì phải chắc điều ấy, và chỉ chắc khi nào trả lời được các câu hỏi “ở đâu?”, “khi nào?” và “ra sao?”
- Tôi nghĩ bà đủ khả năng làm việc đó.
- Hơn nữa, còn phải tính đến nhiếu yếu tố... Ông Poirot, thôi, ông gặng nữa vô ích! Tôi không bao giờ quyết định một cách hấp tấp, đã quyết định thì không cần hỏi ai, và tôi luôn dành thì giờ suy nghĩ. Một khi quyết định rồi, tôi hành động. Nhưng bây giờ chưa đến lúc ấy.
- Bà thích bí mật, thưa bà!
- Phải, ở một chừng mực nào đó. Hiểu biết, đó là sức mạnh! Nhưng khi hành động, phải chắc chắn mình không lầm... và có lẽ cho phép tôi được nói điều này, thưa ông Poirot: ông có một ý niệm hơi không đúng về cuộc sống ở những vùng nông thôn nước Anh chúng tôi.
- Nếu tôi hiểu đúng, bà muốn nhắc nhở tôi rằng tôi chỉ là một người nước ngoài đáng ghét?
Bà Upward cười:
- Tôi đâu thiếu giáo dục để nói những điều như thế!
- Nếu bà không muốn nói với tôi, thì có thanh tra Spence!
- Một ông cảnh sát? Không, đừng nghĩ chuyện đó! Ít nhất là lúc này thì chưa!
Poirot nhún vai:
- Xin tùy bà! Tôi đã báo trước bà rồi.
Giờ thì ông đã chắc: bà Upward nhớ rất rõ khi nào và ở đâu bà đã nhìn thấy bức ảnh bé Lily Gamboll.
Cái Chết Của Bà Mac Ginty Cái Chết Của Bà Mac Ginty - Agatha Christie Cái Chết Của Bà Mac Ginty