There's nothing to match curling up with a good book when there's a repair job to be done around the house.

Joe Ryan

 
 
 
 
 
Tác giả: Chu Sa Lan
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2090 / 25
Cập nhật: 2017-05-19 13:25:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
ô Đan ơi có thư nè...
Đan Trầm bước như chạy ra cổng khi nghe tiếng của ông phát thư. Chìa phong thư hơi nhăn nheo ra ông ta cười thốt.
- Thư của cậu Điềm gởi cho cô đó. Bộ cậu đi lính rồi hả cô?
Cầm phong thư, dù nôn nóng muốn đọc song Đan Trầm cũng phải lịch sự trả lời ông phát thư quen với nhà nàng mấy chục năm.
- Dạ nó đi lính được hơn năm rồi bác ba...
- Vậy à... Cậu đóng ở đâu vậy cô?
- Dạ ở...
Đan Trầm ú ớ. Nàng không biết trả lời câu hỏi của ông phát thư vì thực sự nàng cũng không biết con trai đóng ở đâu. Sau khi mãn khoá về nhà nghỉ phép tuần lễ, Điềm nói cho mẹ biết là anh được đổi về tiểu khu Tây Ninh. Từ đó tới nay hơn tháng anh chẳng có thư từ gì về nhà hết. Điều đó khiến cho nàng lo lắng, trông đứng trông ngồi thư của con vì chẳng biết con ở đâu.
- Dạ ở Tây Ninh thưa bác ba...
Gật đầu cười ông phát thư nói nhanh.
- Vậy thì tôi chúc cậu Điềm được bình an...
Dứt lời ông phát thư bỏ đi. Không dằn được sự nôn nóng, Đan Trầm đứng dựa lưng vào thân cây mận rườm rà cành lá, run tay xé thư của con trai. Hơn tháng nay nàng mỏi mòn chờ đợi mà không có tin tức gì hết. Nét chữ quen thuộc như chứa đựng hơi hám thân quen, mơ hồ giọng nói trầm mà ấm thì thầm bên tai.
- Mẹ thương yêu của con,
Biết mẹ mong thư con lắm nhưng con xin lỗi mãi tới hôm nay con mới viết thư cho mẹ được. Đúng ra thì mỗi ngày con viết một ít, hoặc khi nào rỗi rảnh thì con viết cho mẹ. Con nhớ mẹ lắm mẹ ơi...
Đan Trầm biết nước mắt của mình ứa ra rồi từ từ chảy thành dòng trên mặt đoạn lăn xuống làm mặn môi. Trong không gian tĩnh lặng của buổi trưa hè, nàng mơ hồ nghe giọng nói của đứa con trai đang ở xa thì thầm bên tai mình. Nàng như ngửi được hơi hám của con trong lần hai mẹ con đi chơi với nhau sau lễ mãn khoá và trước khi con trình diện đơn vị mới.
- Mẹ cũng nhớ con lắm con ơi...
Đan Trầm lẩm bẩm. Môi của nàng mặn vì nước mắt. Hàng chữ nhập nhoà.
- Đời lính của con ở ngôi đồn này cũng nhàn mà cũng có chút nguy hiểm vì nó là vị trí chiến thuật mà chính phủ lập ra để ngăn không cho địch quân tiến về Sài Gòn. Tuy nó không xa thủ đô lắm song chắc con cũng không được gặp mẹ thường xuyên. Có xa mẹ rồi con mới biết những giây phút bên cạnh mẹ quí giá chừng nào. Con phải tự lo lấy thân mình trong đời sống chung đụng với những người lính hiền lành, thật thà và chất phác. Con không còn có dịp để làm nũng với mẹ, mong trời mưa ban đêm để chun vào giường ngủ với mẹ. Mưa ở đây ẩm ướt và lầy lội. Nhiều đêm mưa nằm trên chiếc giường nhỏ hẹp của căn hầm núp, con nghĩ về mẹ, ước mong được nhìn thấy mẹ, nghe mẹ nói cười để cảm nhận được sự thiếu vắng mẹ là một mất mát lớn nhất trong tâm hồn con. Mẹ ơi...
Đan Trầm đưa tay áo lau nước mắt. Nàng cảm nhận ra âm thanh của hai tiếng '' Mẹ ơi '' chở nặng thiết tha, trìu mến và âu yếm.
-... Trong giấc ngủ chập chờn con mơ thấy mẹ, thấy mẹ mặc chiếc áo dài màu tím mà con thích nhất. Mẹ đẹp như một bà tiên; mẹ quyến rũ như thần nữ, thứ hình hài không có thật mà con mộng thấy khi mở mắt thao láo nhìn vào bóng tối lặng thầm của đêm đi kích. Con nhớ mùi hương tóc dài của mẹ mỗi khi mẹ gội đầu ngồi ngoài nắng hong tóc cho khô...
Đan Trầm ngưng đọc vì nước mắt ra nhiều quá khiến cho nàng không thấy được và sợ nước mắt của mình sẽ làm nhoà đi màu mực của chữ. Bước tới ngồi bệt xuống hàng ba, nàng mân mê lá thư của con trai. Tự dưng nàng ước ao được thấy '' hoàng tử bé '' của mình đứng trước mặt để nàng có thể đưa tay ra vuốt ve khuôn mặt bắt đầu xạm nắng, mân mê bàn tay của con để cảm nhận một điều là tình thương mà nàng dành cho con vượt lên trên tình cảm giữa nàng với Mặc. Hơn năm nay kể từ khi con đi lính, nàng có rất nhiều đêm buồn bã và đơn độc trong căn nhà hiu quạnh để tưởng nhớ lại những giây phút êm đềm và vui vẻ cạnh con trai, từ đó suy nghiệm ra một điều mà bấy lâu nay chỉ mơ hồ nhận thức. Tình mẫu tử là thứ tình cảm bền vững nhất mà một người mẹ như nàng dành cho con. Bởi vậy có rất nhiều người mẹ bỏ chồng thì được mà lại không đành tâm bỏ con cái. Bây giờ ngồi đây, cầm lá thư của con trong tay, nàng băn khoăn tự hỏi. Mình yêu Mặc không? Nếu có, thời liệu tình yêu có đủ mạnh để nàng có thể tạm quên con mà vui hưởng hạnh phúc của riêng mình. Lúc con chưa đi lính, còn sống chung một mái nhà, nàng nghĩ con đã lớn đủ sức tự lập rồi nên nàng có thể bước đi bước nữa. Bây giờ nàng mới biết đứa con trai thương yêu không bao giờ lớn, không bao giờ trưởng thành để thôi không cần sự thương yêu và chăm sóc của mình. Trong mắt nàng, Điềm lúc nào cũng nhỏ bé, cần tới sự thương yêu và bảo bọc của nàng và dường như càng lớn nó càng cần tới tình thương của nàng nhiều hơn nữa. Cách đây hai tuần, Mặc trở về Sài Gòn. Nàng đi chơi với Mặc mà mang theo bóng dáng của con trai, lòng bâng khuâng tự hỏi giờ này nó đang ở đâu, làm gì, có nhắc tới tên của mình không, có nhớ nàng như nàng nhớ nó không. Nỗi nhớ nhung con trai khiến cho nàng cảm thấy lần hẹn hò, cuộc đi chơi với Mặc kém đi sự thú vị và giảm dần cường độ tình cảm của mình. Nhận thấy thái độ thờ ơ của nàng, Mặc có hỏi song nàng không muốn nói thật cho anh biết những điều đang ở trong cái đầu vốn nhiều mâu thuẫn và phức tạp của mình. Không phải nàng không tin Mặc nhưng dường như có cái gì ngăn cản nàng thố lộ tâm tình. Buổi tối sau khi Mặc ra về, còn lại một mình trong căn nhà im vắng, nàng mới biết con trai như chiếc bóng của mình. Chỉ có người chết hay ma quỉ mới không có bóng. Còn nàng, bây giờ cái bóng đã bỏ đi xa nên dật dờ, ra vào thơ thẩn như kẻ mất hồn.
- Điềm ơi... Mẹ nhớ con...
Nước mắt lăn dài, Đan Trầm đứng lên đi vào nhà. Đóng cửa cài then lại cẩn thận, nàng bỏ vào phòng ngồi xuống giường của con trai. Nằm trên tấm nệm phẳng phiu, kéo cái mền lên đắp ngang ngực, nàng như ngửi được mùi hương thoang thoảng. Qua màn nước mắt lung linh nàng như thấy được con trai đang cười với mình, đang thì thầm "Mẹ ơi... con nhớ Mẹ..."
° ° °
Điềm ngồi im. Từ trên nóc hầm chỉ huy anh phóng mắt nhìn bao quát khung cảnh chung quanh ngôi đồn. Xa thật xa về hướng tây là con đường từ quận Củ Chi đi về hình như là Bình Dương gì gì đó. Tại ngã ba có con lộ đất màu đỏ nhạt chạy thẳng vào ngôi làng với hai dãy nhà ngói có, lá có lụp xụp và cũ mèm cách xa đồn chừng mươi cây số. Từ cửa chính của đồn có khúc đường nhỏ dài chừng hai ba chục thước đi ra đụng với con lộ đất đỏ. Lật bật mà anh đã ở đây hơn tháng rồi. Đời của một chuẩn uý đại đội phó thật thảnh thơi, nhàn hạ và buồn. Cấp chỉ huy của anh, thiếu uý Tiên, đại đội trưởng rất hiền và tốt bụng, cố gắng chỉ dạy cho anh những việc cần thiết để trở thành một vị đại đội trưởng và sẽ thay ông ta trong coi ngôi đồn vô danh do một đại đội có quân số hơn trăm rưởi trấn giữ. Nó là một trong chuỗi đồn bót được lập ra để dòm ngó mọi động tịnh của địch từ mật khu Dương Minh Châu và cũng là nút chặn mà địch phải vượt, bứng hoặc nhổ đi để lấy đường tiến về Sài Gòn. Ngày ngày chỉ huy lính kiểm soát lại hàng rào kẽm gai, coi lại mìn, lựu đạn, lau chùi các ổ súng cộng đồng, đào sâu thêm hầm núp, tu bổ lại giao thông hào và dẫn lính đi tuần tiễu và lục soát. Ban đêm dẫn lính đi kích, nằm tiền đồn; những điều đó khiến anh bận rộn và ít thời giờ để suy nghĩ và nhớ nhung. Sài Gòn bây giờ cũng chẳng xa xôi gì cho lắm mà đường đi thời cách trở. Ban ngày trong giờ nghỉ vì nể lời mời của lính hoạ hoằn lắm anh mới tham gia vào các cuộc nhậu nhẹt. Vả lại anh không uống được rượu do đó chỉ phá mồi thôi. Đêm đêm trong căn hầm chỉ huy của riêng mình, anh chong đèn đọc sách, nghe radio và viết lách. Anh chỉ viết rồi để đó vì chẳng thiết tha gì tới chuyện đăng báo. Với anh, viết chỉ là để thoả mãn cái suy tư cũng như dàn trải tâm tình riêng tư của mình lên giấy mực.
- Chuẩn uý nhậu hông chuẩn uý?
Đang trầm tư, nghe tiếng người nói vọng lên, Điềm cúi nhìn xuống mới biết đó là Tám Tàng, trung đội trưởng trung đội 3.
- Thôi mấy ông làm đi. Có tôi chỉ hao mồi thôi...
Tám Tàng cười hà hà. Anh ta cũng biết Điềm không thích và không uống được nhiều nên chỉ hỏi cho có lệ.
- Thiếu uý Tiên rủ ông đó?
Tám Tàng cố vớt vát một câu. Điềm cười nhỏ. Từ trên nóc hầm chỉ huy anh nói vọng xuống.
- Nói với ông Tiên là tối nay tôi phải trực ứng chiến. Tôi mà nhấp môi là tôi ngủ luôn tới sáng...
Tám Tàng cười ha hả bỏ đi về phía khu nhà của lính. Điềm im lặng nhìn theo người lính có dáng đi khật khưởng như say rượu. Chưa đầy bốn mươi tuổi mà Tám Tàng có tới năm đứa con mà đứa con trai đầu lòng lại là lính dưới quyền chỉ huy của anh ta. Cuộc chiến tranh này đã biến nhiều người trẻ già trước tuổi. Cuộc xâm lăng của miền bắc đã làm cho hàng triệu gia đình ở nông thôn phải rời bỏ ruộng vườn để tìm chỗ an ninh hơn. Rốt cuộc rồi không có việc làm để sinh sống họ bèn đi lính. Từ đó lính trở thành một cái nghề cho những người dân quê như Tám Tàng dù nhiều khi phải đổi bằng mạng sống của mình. Đại đội gần trăm rưởi lính mà có nhiều thành phần khác nhau và tuổi tác cũng khác nhau như già, sồn sồn và trẻ. Rồi trẻ lại lại phân ra trẻ vừa vừa và trẻ măng. Trẻ vừa vừa là những người lính từ 18 tới 25. Còn trẻ măng là tuổi 16 và 17. Họ chưa tới tuổi động viên đi lính song vì lý do này hoặc lý do nọ họ đôn tuổi mình thành 18. Như đứa con trai của Tư Bần. Mới 17 thôi mà nó phải lòng đứa con gái ở ngoài chợ rồi con nhỏ có bầu. Thế là cưới nhau. Thằng nhỏ chẳng có nghề ngỏng gì nên ba nó bảo nó đi lính vừa có cái ăn cái mặc mà lại được ở gần bên vợ con. Dễ dàng và tiện lợi quá. Đại đội, dù không nhiều song cũng có lính ma và lính kiểng. Đây là hai thứ lính được gởi gấm từ chi khu mà thiếu uý Tiên dù không muốn cũng phải chấp nhận. Lính ma thì chẳng bao giờ thấy mặt dù có tên họ trên giấy tờ. Lính kiểng thì chỉ xuất hiện khi nào cần thiết như có thanh tra từ trên Sài Gòn xuống. Thành thử đại đội trên sổ sách ghi 155 người mà tập họp để điểm danh thì chỉ có trăm ba. Hai mươi lăm người vắng mặt là của ông quận, ông thiếu tá trưởng phòng hoặc mấy ông lớn gởi gấm. Thiếu uý Tiên nói cho anh biết những điều đó vì thật ra cũng chẳng giấu được ai. Với lại chẳng cần giấu vì đó là một hệ thống lính ma lính kiểng dài từ trung ương xuống tới địa phương mà không một ai có đủ sức để thay đổi tình trạng bê bối này được kể cả phủ đầu rồng.
Đang ngồi nhìn trời mây và suy nghĩ lan man, Điềm chợt chú ý tới chiếc xe lam ngừng lại trước ngã ba của con đường đi vào đồn. Ngày ngày có vài chuyến xe lam chạy từ quận về làng và ngược lại. Sau khi dừng lại cho khách xuống nó chạy đi để lại một người khách đứng trơ vơ. Đoán đó là vợ của mấy ông lính đi chợ về nên anh cúi xuống đọc tiếp tờ tập san Sử Địa. Có tiếng nói lao xao từ ngoài cổng chánh theo gió đưa lại. Giọng nói của đàn bà làm cho anh phải ngước lên nhìn. Người đàn bà này mặc áo dài màu trắng, quần đen, đội trên đầu chiếc nón lá nên anh không thể nhận diện được. Tuy nhiên giọng nói thanh thoát và dịu dàng nghe thật quen khiến anh liên tưởng tới một người.
- Mẹ ơi... Mẹ ơi...
Điềm nhảy một cái từ trên nóc hầm chỉ huy xuống đất rồi bước nhanh còn hơn chạy ra cổng chánh.
- Chú làm ơn nói với chuẩn uý Điềm là có mẹ lên thăm...
Điềm kêu lớn khi còn cách cổng chánh mươi bước. Giọng của anh nghe lạc đi.
- Mẹ... Con đây... Mẹ ơi...
Đan Trầm mỉm cười. Ở giữa vùng đất quê mùa đầy kẽm gai bao quanh, nụ cười của nàng tựa như nước của dòng sông tắm mát tâm hồn của đứa con đang lao đao vì nhung nhớ.
- Điềm...
Người mẹ hiền bỏ hơn nửa ngày trời ngồi xe, quần áo nhầu nát và bụi bặm, gọi tên con bằng giọng nghẹn ngào tắm đẵm thương yêu.
- Dạ... Mẹ mạnh hông mẹ?
Đan Trầm đưa tay ra vuốt tóc con. Dù đã lớn, dù có làm tới chuẩn uý; Điềm vẫn còn là đứa con nhỏ dại trong mắt nàng.
- Mẹ bịnh vì nhớ con...
Đưa tay đỡ lấy cái túi xách nặng cho mẹ, Điềm cười nhẹ.
- Sao mẹ tìm ra được chỗ này hả mẹ?
Định đưa tay lên ký đầu con rồi không biết nghĩ sao Đan Trầm ngưng lại. Nhìn con âu yếm nàng mắng một cách nhẹ nhàng.
- Con hư quá. Hồi nữa mẹ phải đè con ra quất cho vài roi. Viết thư cho mẹ mà chẳng nói con ở đâu. Mẹ phải gặp anh Hạnh của con mới biết con đang ở đâu...
Điềm cười hắc hắc.
- Con sợ mẹ biết rồi mẹ đi thăm. Đường đi cực và nguy hiểm...
- Mẹ hổng sợ cực. Người ta đi được thời mẹ cũng đi được... Mẹ đi một lần biết đường rồi mai mốt mẹ sẽ lên thăm con thường hơn...
Đưa tay ra nắm tay mẹ, Điềm cười nói lãng.
- Đi mẹ... Con dẫn mẹ vào chỗ con ở...
Thấy đi trên đường đất mà mang guốc cao gót không tiện nên Đan Trầm phải cởi guốc ra đi chân không.
- Lần sau đi thăm con mẹ không mặc áo dài và mang guốc nữa...
Đan Trầm cười nói với con. Điềm gật đầu cười. Thấy thiếu uý Tiên đang đi tới anh lên tiếng trước.
- Thiếu uý... Đây là mẹ của tôi...
Tiên không giấu được nét ngạc nhiên khi biết Điềm lại có bà mẹ trẻ đẹp. Ở giữa vùng đất quê mùa này, bà như một bà tiên xuyên qua cốt cách thanh lịch và dịu dàng.
- Dạ chào bác... Tôi nghe Điềm nói về bác mà mãi hôm nay mới hân hạnh được gặp. Thật ngoài sức tưởng tượng của tôi...
Liếc nhanh con trai, Đan Trầm cười nói với Tiên.
- Tôi lấy chồng sớm mà có Điềm cũng sớm thành ra nhìn tưởng như là chị em...
- Dạ... Điềm mà được bác thăm thì mừng húm rồi...
- Tôi hỏi thiếu uý là tôi được phép ở bao lâu?
Tiên cười gãi gãi đầu.
- Dạ xin bác đừng gọi tôi là thiếu uý. Bác muốn ở bao lâu cũng được. Anh em binh sĩ ở đây có ba má lên thăm hoài. Bác mà ở luôn thì Điềm với tôi chắc hổng có ai phàn nàn gì hết...
Đứng nói chuyện giây lát Tiên mới xin kiếu từ đi lo công chuyện. Điềm đưa mẹ về chỗ ở của mình. Đan Trầm ứa nước mắt khi bước vào hầm chỉ huy tối tăm, chật hẹp, bốc mùi ẩm mốc. Nhìn chiếc giường bằng cây ọp ẹp với chiếc chiếu cũ, gối mền nhà binh nhầu nát, nàng thở dài thầm lặng cảm thấy thương con thật nhiều đồng thời cũng cảm thấy áy náy và ân hận. Cũng vì mối liên hệ tình cảm giữa nàng với Mặc khiến cho con trai giận hờn và ghen tức rồi tình nguyện đi lính để sau cùng phải chui rúc trong cái hầm núp dơ dáy và tối tăm.
- Mẹ... Chỗ ở của con dơ bẩn và chật hẹp... Con xin lỗi mẹ...
Hiểu ý của con, Đan Trầm gọi nhỏ.
- Điềm... Con nghe mẹ nói cái này...
Vừa nói nàng vừa bước tới đứng đối diện với con trai. Hai tay vòng lên cổ, mắt nhìn thẳng vào mắt con, nàng hôn nhẹ lên trán cùng với giọng nói ấm dịu và âu yếm cất lên.
- Con là con của mẹ... Mẹ phải xin lỗi con mới đúng...
Điềm cúi nhìn xuống đôi giày trận lấm bùn đất của mình. Dường như anh cố tránh nhìn vào đôi mắt long lanh dài có đuôi của mẹ, đôi mắt mà hằng đêm nằm trong căn hầm này anh tưởng tượng ra và cảm nhận ra theo thời gian và sự nhớ nhung đôi mắt của mẹ càng thêm quyến rũ.
- Mẹ đâu có lỗi gì đâu mẹ...
Đan Trầm rắn giọng nói của mình như xác định là mình, ít hay nhiều có phần can dự vào quyết định đi lính của con.
- Có... Mẹ có lỗi... Đó là lỗi của một bà mẹ đã không đè nén, cản ngăn được tình cảm của mình. Lỗi đã bỏ con... Lỗi đã làm con hiểu lầm...
Điềm thở hơi dài. Anh ngước nhìn vào khuôn mặt có hai giọt nước đang lăn dài trên làn da trắng mịn của mẹ. Anh thấy được một ánh mắt vời vợi trông của từng đêm chờ, từng ngày đợi, từng buổi chiều mong, từng buổi trưa ngóng lá thư được gởi từ chốn nào lạ hoắc xa xôi. Anh thấy được ánh mắt quan hoài, lo âu, thấp thỏm của mẹ. Anh thấy được giọt lệ lăn ra âm thầm khi gần sáng thức giấc trong căn nhà hiu quạnh, đi ra đi vào một mình, buổi tối gần giới nghiêm, ngồi chong đèn nhìn bóng mình in trên vách cô đơn và buồn bã.
- Mẹ... Con thương mẹ...
Không biết nghĩ gì, do xúc động nào mà Điềm cúi hôn vào mắt mẹ. Anh cảm thấy môi của mình mằn mặn nước mắt. Đan Trầm run người vì xúc động oà vỡ trong tâm hồn. Chưa có ai kể cả chồng của nàng và cả Mặc nữa, hôn vào đôi mắt nàng trong lúc đang đẫm lệ. Chỉ có Điềm, đứa con trai của nàng đã làm cử chỉ thương yêu và trìu mến đó trong căn hầm hôi hám, tối tăm, chật hẹp và thật vắng lặng tới độ nghe được tiếng thở và nhịp tim đập của hai người.
Lùi lại nửa bước, Đan Trầm cười nhìn con và nói đùa.
- Con vẫn còn ái mộ mẹ như ngày xưa hả?
Điềm cười nheo mắt.
- Hơn xưa nữa... Những ngày con xa mẹ, con mới khám phá ra là càng xa mẹ nhiều chừng nào con càng mê mẹ nhiều chừng đó...
Đan Trầm bật lên tiếng cười thánh thót. Dường như nàng có vẻ thích thú và vui mừng khi nghe con thú nhận.
- Mẹ cũng vậy... Từ khi con đi lính mẹ mới đào bới để tìm ra mẹ cần con hơn bất cứ ai. Mẹ thương con hơn bất cứ ai. Mẹ...
Điềm im lặng mỉm cười. Đan Trầm nhận ra trong mắt con ánh lên chút cám ơn, chút vui mừng và chút thoả mãn. Bất cứ ai cũng đều như vậy khi được mẹ thương yêu mình.
- Sướng nghen... Con biết là mẹ thương con nhất mà...
Đan Trầm xỉa ngón tay trỏ vào trán con trong lúc buông câu nói đùa. Quay nhìn quanh quất căn hầm vuông vức chừng ba thước vuông nàng cười tiếp.
- Mẹ đem cho con đủ thứ... Cà phê, sách báo, thịt chà bông và mấy lon sữa đặc nữa...
Hít hít mũi mấy cái nàng cười tiếp.
- Sao trong này có mùi gì lạ quá...
Điềm cười nhẹ.
- Mùi... đủ thứ mùi đó mẹ... Con gọi là mùi lính.. Mình ra ngoài trời khoảng khoát hơn mẹ...
Đan Trầm gật đầu.
- Con ra trước đi... Mẹ thay quần áo xong mẹ ra sau...
Điềm lẳng lặng leo ba bực thang rồi bước ra khỏi cửa hầm. Nắng xế chiều chiếu xiên xiên. Cây cột có lá cờ vàng ba sọc đỏ bay phất phơ.
Buông Theo Giọt Buồn Buông Theo Giọt Buồn - Chu Sa Lan Buông Theo Giọt Buồn