Nguyên tác: A Twist In The Tale
Số lần đọc/download: 1034 / 79
Cập nhật: 2018-09-26 12:40:36 +0700
Chương 12 - Muôn Kiếp Bên Nhau
Ông giáo sĩ Do Thái biết mình không hy vọng có thể bắt đầu buổi lễ chừng nào ông chưa đọc xong bức thư. Ông ngồi tại chiếc bàn giấy của mình đã hơn một tiếng đồng hồ, trước mặt là một tờ giấy trắng trơn và vẫn không thể nặn óc viết ra một câu nào. Gần đây ông không thể nào tập trung vào một công việc mà ông đã làm vào tất cả các buổi tối thứ sáu trong suốt ba mươi năm qua. Chắc họ đã nhận thấy, giờ đây, ông không còn chú tâm đến việc đó nữa.
Ông lấy bức thư ra khỏi phong bì và chậm rãi mở các trang thư. Rồi ông đẩy cặp kính bán nguyệt lên sống mũi và bắt đầu đọc.
"Cha thương yêu của con!
"Thằng Do Thái! Thằng Do Thái! Thằng Do Thái!" là những câu đầu tiên mà con nghe thấy cô ta gào lên khi con chạy ngang qua cô ta tại vòng chạy đầu tiên của cuộc chạy đua. Cô ta đang đứng đằng sau những thanh hàng rào tại điểm bắt đầu của đoạn đường thẳng về đích, hai bàn tay chụm quanh miệng để chắc chắn con có thể nghe thấy những lời gào hét đó. Chắc là cô ta đến từ một trường khác, bởi vì con không nhận ra cô ta, thế nhưng chỉ một thoáng liếc mắt là con thấy chính thằng Greg Reynolds đang đứng cạnh cô ta.
Sau năm năm phải chịu những lời chỉ trích cạnh khóe, thâm độc và sự ức hiếp của nó ở trường học, con đã muốn trả thù lại những gì 'đồ phát xít, tên Quốc xã' đó đã làm. Thế nhưng cha đã luôn luôn dạy con vượt lên trên những sự khiêu khích như thế.
Con cố gắng gạt cả hai đứa nó ra khỏi tâm trí mình khi con tiến vào vòng chạy thứ hai. Con ước đã nhiều năm nay chiến thắng tại vòng đua một dặm của các giải quán quân trường Trung học West Mount, và con kiên quyết không để chúng nó làm bất cứ điều gì ngăn cản con.
Khi con tới được đoạn thẳng về đích lần thứ hai, con cố nhìn cô ta kỹ hơn. Cô ta đang đứng giữa một nhóm bạn bè, họ đeo những chiếc khăn quàng của trường dòng Marianapolis Covent. Cô ta chắc quãng chừng mười sáu tuổi, mảnh mai như một cây liễu. Con phân vân không biết cha có phạt con không nếu như con đã muốn thét to lên: "Đồ ngực lép, ngực lép, ngực lép," với hy vọng là việc này ít nhất sẽ khiêu khích cái gã đang đứng bên cạnh cô ta nhảy vào đánh lộn một trận. Đến lúc đó con có thể trung thực nói với cha rằng nó là người đánh đầu tiên, nhưng nếu cha biết được thằng ranh đó chính là thằng Greg Reynolds thì cha sẽ hiểu là con chẳng cần nhiều đến sự khiêu khích.
Khi con tới đoạn thẳng về đích, con chuẩn bị tinh thần một lần nữa để nghe những lời gào thét. Việc hò hét tại các buổi thi điền kinh đã trở thành mốt ở giai đoạn cuối thập niên 1950, khi "Zatopeck, Zatopeck, Zatopeck" đã được hô vang để ca ngợi nhà quán quân Tiệp Khắc vĩ đại trên khắp các sân vận đồng điền kinh thế giới. Đối với con thì chắc chắn sẽ không có câu hét vang "Rosenthal, Rosenthal, Rosenthal".
"Thằng Do Thái! Thằng Do Thái! Thằng Do Thái!" Cô ta thét to, nghe như một chiếc đĩa nhạc bị lỗi giật cục. Thằng bạn Greg của cô ta, chỉ là một sinh viên dự bị, bắt đầu cười to. Con biết nó đã hướng cô ta vào việc đó, và con mong muốn dập tắt cái nụ cười ngạo mạn trên khuôn mặt nó làm sao. Con đạt được điểm nửa dặm đường sau hai mươi phút mười bảy giây, đang ung dung nằm trong khoảng tốc độ cần thiết để phá kỷ lục của trường, và con cảm thấy đó là cách tốt nhất để đặt cô gái cay độc và cái thằng phát xít Reynolds vào vị trí của chúng. Lúc đó, con không thể không suy nghĩ rằng tất cả mọi việc thật bất công làm sao. Con là một người Canada thực thụ, được sinh ra và được nuôi dạy trên đất nước này, trong khi cô ta chỉ là một người nhập cư. Suy cho cùng, chính là cha, thưa cha, đã bỏ trốn từ Hamburg từ năm 1937, và khởi sự với hai bàn tay trắng. Cha mẹ cô ta mãi đến năm 1949 mới đặt chân lên bờ biển, vào thời gian này cha đã là một nhân vật được kính trọng tại cộng đồng.
Con cắn răng và cố gắng tập trung tư tưởng. Zatopek đã viết trong cuốn tự truyện của ông ta rằng vận động viên chạy tốc độ không bao giờ được phép để mất đi sự tập trung tư tưởng của mình trong một cuộc đua. Khi con tiếp cận đoạn đường cong áp chót, tiếng gào thét không thể tránh khỏi lại bắt đầu, nhưng lần này nó chỉ làm cho con tăng thêm tốc độ và thậm chí còn thêm quyết tâm để phá kỷ lục đó. Khi con lại an toàn tới được đoạn thẳng về đích, con có thể nghe thấy mấy người bạn của con hô to "Cố lên, Benjamin, cậu làm được mà." và người bấm giờ đọc to lên "Ba hai mươi ba, ba hai mươi bốn, ba hai mươi lăm" khi con chạy ngang qua chiếc băng rôn để bắt đầu vòng chạy cuối cùng.
Con biết rằng kỷ lục - bốn phút ba mươi hai - giờ đây đã nằm ngon lành trong tầm với của con, và tất cả những đêm tối mùa đông luyện tập bỗng dường như thật xứng đáng, khi con tới đoạn đường thẳng về đích, con ở vị trí dẫn đầu, và thậm chí còn cảm thấy mình có thể giáp mặt cô gái đó một lần nữa. Con dồn hết sức lực cho một cố gắng cuối cùng. Một cái liếc mắt nhanh ngang qua vai giúp con khẳng định đã vượt lên trước vài mét so với bất cứ đối thủ nào, do đó vấn đề chỉ là con chạy đua với chiếc đồng hồ. Thế rồi con nghe thấy tiếng gào, mà lần này nó thậm chí còn to hơn lần trước, "Thằng Do Thái! Thằng Do Thái! Thằng Do Thái!". Tiếng gào thét còn to hơn vì cả hai đứa chúng nó giờ đây đang đồng thanh, và đúng lúc con đang ở vào khúc cua, Reynolds giơ cao cánh tay lên làm một động tác chào khốn kiếp của bon phát xít.
Nếu như con cứ tiếp tục thêm chừng hai mươi mét nữa thôi thì con đã đạt được sự an toàn của đoạn đường thẳng dẫn về đích trong tiếng hò reo chúc mừng của bạn bè con, đoạt chiếc cúp và lập kỷ lục. Thế nhưng chúng nó đã làm con tức giận đến mức con không thể nào kiểm soát được bản thân mình nữa.
Con phóng ra khỏi đường chạy và chạy ngang qua bãi cỏ, băng qua bãi nhảy xa và xông thẳng vào chúng. Ít nhất quyết định điên rồ của con cũng làm cho chúng nó ngừng kêu gào, bởi vì thằng Reynolds đã hạ thấp cánh tay xuống và chỉ đứng đó nhìn con chằm chặp đầy thảm hại từ phía đằng sau thanh hàng rào nhỏ bé bao quanh vòng ngoài của đường chạy. Con nhảy qua thanh rào và hạ xuống ngay trước mặt địch thủ của mình. Với tất cả sức lực mà con đã để dành cho đoạn đường thẳng cuối cùng, con quai cho nó một cú trời giáng. Nắm đấm của con phang vào dưới mắt trái của nó chừng hai phân và nó oằn người, ngã vật xuống đất bên cạnh cô ta. Cô ta nhanh nhẹn quỳ xuống và ngước lên nhìn con với một sự căm ghét mà không lời lẽ nào sánh được. Khi con đã chắc chắn là thằng Greg sẽ không thể trở dậy được ngay, con chậm rãi bước quay lại đường chạy khi những vận động viên cuối cùng đang chạy khúc cua chót.
"Lại về bét rồi, thằng Do Thái." Con nghe thấy cô ta thét lên khi con chạy nhập vào đoạn đường thẳng về đích, cách quá xa những người khác đến mức chẳng cần bận tâm ghi lại thời gian của con.
Đã từ lâu cha thường hay trích dẫn để dạy con những lời này: "Ta vẫn còn chịu đựng nó với một cái nhún vai nhẫn nại, bởi vì nhẫn nhục là dấu hiệu tượng trưng của bộ lạc chúng ta." Tất nhiên là cha đúng, nhưng mà lúc đó con mới có mười bảy tuổi đầu, và thậm chí, sau khi con đã biết được sự thật về người cha của Christina, con vẫn không thể hiểu làm sao mà một người ra đi từ một nước Đức thảm bại, một nước Đức bị toàn bộ phần còn lại của thế giới lên án vì sự đối xử đối với người Do Thái, vẫn còn có thể cư xử theo cung cách như vậy. Và hồi đó con thực sự tin rằng gia đình cô ta là những kẻ phát xít, thế nhưng còn còn nhớ cha đã kiên trì giải thích cho con rằng cha cô ta đã từng là một vị đô đốc trong hải quân Đức, và đã được tặng thưởng một Huân chương Chữ Thập Sắt cho việc đánh chìm những tàu chiến của quân Đồng minh. Cha có còn nhớ con đã hỏi làm sao cha có thể chịu đựng được một người như thế, chứ đừng nói cho phép ông ta định cư trên đất nước chúng ta.
Cha cứ tiếp tục bảo đảm với con rằng Đô đốc Von Braumer, một người xuất thân từ một gia đình theo Thiên chúa giáo cổ, có lẽ cũng khinh bỉ bọn phát xít nhiều như chúng ta, đã làm trọn bổn phận một cách danh giá với tư cách là một sỹ quan và một đức ông cống hiến trọn vẹn cuộc đời của ông ta trên cương vị một thủy thủ Đức. Thế nhưng con vẫn không thể chấp nhận quan điểm của cha, hoặc là không muốn chấp nhận điều đó.
Thưa cha, việc cha luôn nhìn trên quan điểm của người khác cũng chẳng giúp ích gì, và cho dù mẹ đã chết sớm bởi mấy kẻ tàn nhẫn, đáng khinh ấy, cha vẫn có thể tự tha thứ được.
Nếu như cha được sinh ra là một người Thiên chúa giáo, thì cha đã là một vị thánh.
***
Ông giáo sĩ Do Thái đặt bức thư xuống, dụi dụi cặp mắt mệt mỏi trước khi lật sang trang khác, những trang thư được viết bằng nét chữ rất đẹp mà ông đã từng dạy dỗ cho thằng con trai duy nhất của mình bao nhiêu năm về trước. Benjamin đã luôn học rất sáng dạ, mọi thứ, từ văn tự tiếng Do Thái cho tới một phương trình đại số phức tạp. Thậm chí ông đã từng hy vọng cậu sẽ có thể trở thành một giáo sĩ Do Thái.
***
Cha có nhớ con đã hỏi cha tối hôm đó tại sao mọi người không thể hiểu rằng thế giới đã đổi thay rồi? Cô gái đó không nhận thấy rằng cô ta cũng không hơn gì chúng ta sao? Con sẽ không bao giờ quên được câu trả lời của cha. Cha bảo cô ta hơn chúng ta rất nhiều nếu như cách thức duy nhất để con có thể chứng minh sự ưu việt của mình là đấm vào mặt bạn của cô ta.
Con quay lại phòng mình, tràn đầy bực tức bởi sự yếu đuối của cha. Sẽ còn phải sau nhiều năm nữa con mới hiểu được sức mạnh của cha.
Mỗi khi con không phải chăm chỉ tập luyện trên đường chạy, con cũng chẳng có thời gian cho bất kỳ việc gì ngoại trừ phấn đấu học tập để có được một suất học bổng tại McGill, do đó thật bất ngờ là con đường cô ta theo đuổi lại sớm cắt ngang con đường của con.
Khoảng một tuần sau đó con trông thấy cô ta tại bể bơi địa phương. Khi con bước vào, cô ta đang đứng ở phần sâu của bể bơi, ngay phía dưới cầu nhảy. Mái tóc vàng để dài của cô ta đang tung bay, nhảy múa trên bờ vai, đôi mắt ngời sáng của cô ta đang hào hứng ghi nhận mọi vật xung quanh mình. Greg đang ở bên cô ta. Con hài lòng nhận thấy một mảng thâm tín, xám xịt còn đọng lại dưới mắt trái của nó để cho tất cả mọi người cùng thấy. Con cũng nhớ mình đã cười khoái trá bởi vì cô ta thực sự có một bộ ngực phẳng phiu nhất mà con từng thấy ở một cô gái mười sáu tuổi, mặc dù vậy con cũng phải thú nhận cô ta có đôi chân đẹp tuyệt trần. Có lẽ cô ta là một kẻ đồng bóng quái gở, con thầm nghĩ. Con rẽ ngang để vào phòng thay đồ, nhưng loáng một cái, con bị rơi tõm xuống nước. Khi con nhô lên để thở, con không hề nhìn thấy bất cứ dấu hiệu nào để biết ai đã đẩy con xuống mà chỉ có một nhóm những khuôn mặt vô tội cười cợt. Con không cần một tấm bằng về luật pháp cũng có thể suy ra người nào đã làm việc đó, nhưng mà cha đã liên tục nhắc nhở con là không có chứng cớ thì không có xét xử… Lẽ ra con đã không phật lòng đến thế vì bị đẩy xuống bể bơi nếu như con không mặc bộ đồ diện nhất của con, sự thật đó là bộ đồ duy nhất của con với cái quần dài, bộ đồ mà con mặc trong những ngày con đi lễ tại giáo đường Do Thái.
Con trèo lên khỏi bể nước, chẳng bỏ phí một tí thời gian nào để tìm kiếm thằng đó. Con biết đến lúc đó thì Greg đã cao chạy xa bay rồi. Con rảo bước về nhà qua các phố nhỏ, tránh đi xe buýt, đề phòng tường hợp có ai đó trông thấy con và nói lại với cha tình trạng của con lúc đó. Ngay khi về đến nhà, con nhón chân lẻn qua phòng của cha và lên cầu thang về phòng mình, thay đồ trước khi cha có cơ hội phát hiện ra điều gì đã xảy ra.
Lão Isaac Cohen nhìn con với con mắt bất bình khi con xuất hiện ở giáo đường Do thái sau đó một giờ, mặc một chiếc áo cộc tay và quần jeans.
Con đem bộ đồ tới tiệm giặt là vào buổi sáng hôm sau. Nó tiêu tốn của con ba tuần tiền bỏ túi để chắc chắn rằng cha không bao giờ biết điều đã xảy ra tại bể bơi ngày hôm đó.
***
Ông giáo sĩ Do Thái nhặt tấm hình thằng con trai mười bảy tuổi của mình trong bộ đồ giáo dường Do Thái lên. Ông còn nhớ rõ thằng Benjamin đến dự buổi lễ của ông trong chiếc áo cộc tay và quần jeans và với lời khiển trách thẳng thừng của lão Isaac Cohen. Ông giáo sĩ rất biết ơn ông Atkins, giáo viên dạy bơi lội của Benjamin, đã điện thoại để báo cho ông về việc đã xảy ra buổi chiều hôm đó, do vậy ít nhất ông đã không thêm vào những lời chỉ trích gay gắt của ông Cohen. Ông tiếp tục ngắm nhìn tấm hình thật lâu trước khi quay trở lại bức thư.
***
Dịp tiếp sau con thấy Christina - lúc này con đã biết được tên cô ta - tại buổi khiêu vũ cuối học kỳ được tổ chức tại phòng thể dục dụng cụ của trường. Con nghĩ trông con cũng khá bảnh trong bộ đồ là lượt phẳng phiu cho đến khi con trông thấy Greg đang đứng bên cạnh cô ta trong một chiếc áo dạ tiệc mới, lịch lãm. Lúc đó, con còn nhớ con đã băn khoăn tự hỏi không biết đến bao giờ con mới có thể mua được một chiếc áo dạ tiệc. Gã Greg đã được mời chào một suất học ở McGill và đang tuyên bố điều đó với bất kỳ ai muốn nghe, điều này làm cho con càng thêm quyết tâm giành được một suất học bổng ở đó vào năm học sau.
Con chăm chăm nhìn Christina. Cô ta mặc một chiếc váy dài màu đỏ, che kín hoàn toàn đôi chân đẹp tuyệt vời kia. Một chiếc thắt lưng vàng mỏng mảnh tôn lên phần eo thon thả và món đồ trang sức duy nhất mà cô ta đeo là một sợi dây chuyền vàng đơn giản. Con biết nếu chờ đợi thêm chút xíu nữa thôi, con sẽ không có đủ dũng khí để đi đến tận cùng. Con nắm chặt bàn tay, rảo bước đến chỗ họ đang ngồi, và theo cái cách cha dạy bảo con, con hơi cúi chào rồi hỏi, "Liệu tôi có được hân hạnh nhảy điệu này cùng cô?".
Cô ta nhìn chằm chằm vào mắt con. Con xin thề nếu cô ta bảo con đi ra ngoài và giết chết một nghìn người rôi hãy dám hỏi lại cô ta điều đó thì con vẫn cứ làm.
Cô ta, thậm chí không nói gì cả, thế nhưng gã Greg tựa lên vai cô ta và nói, "Tại sao mày không đi tìm cho mày một con Do Thái hả?". Con cho là đã trông thấy cô ta khẽ cau mày vì lời nói của nó, thế nhưng con chỉ đỏ bừng mặt lên giống như một tên kẻ cắp bị bắt mà trên tay còn cầm đồ ăn cắp. Con không nhảy với ai đêm hôm đó. Con bước thẳng ra khỏi phòng thể dục và chạy về nhà.
Khi đó, con đã tin tưởng rằng con rất căm ghét cô ta.
Tuần cuối cùng ấy của học kỳ, con phá kỷ lục chạy một dặm của trường học. Cha đã có mặt ở đó để theo dõi con chạy, nhưng mà ơn trời, cô ta thì không. Đó là kỳ nghỉ chúng ta lái xe đi Ottawa nghỉ hè với dì Rebecca. Một người bạn cùng trường bảo cho con biết Christina đã đi nghỉ ở Vancouver cùng với một gia đình người Đức. Ít nhất thì gã Greg không đi cùng với cô ta, người bạn bảo đảm với con như vậy.
Cha luôn nhắc nhở con về tầm quan trọng của một nền tảng học vấn tốt, thế nhưng cha không cần phải thế, bởi vì cứ mỗi lần con trông thấy thằng Greg, con càng tăng thêm quyết tâm giành được suất học bổng đó.
Con lao vào học tập, thậm chí còn siêng năng hơn nữa trong mùa hè 1965. cha giải thích rằng đối với một người Canada, một vị trí tại McGill cũng giống như theo học tại Harvard hay Oxford và sẽ dọn sạch con đường tiến thân cho cả cuộc đời con sau này.
Lần đầu tiên trong đời con, môn chạy chiếm vị trí thứ hai.
Mặc dù con không thấy Christina nhiều trong học kỳ đó, song cô ấy lại thường hiện diện trong tâm tưởng con. Một số người bạn học cùng lớp bảo con rằng cô ấy và Greg thôi không còn gặp gỡ nhau nữa, nhưng không thể nói cho con biết tại sao bỗng nhiên có sự thay đổi tình cảm đó. Vào thời gian này con có một người có thể gọi là bạn gái, cái cô gái mà luôn luôn ngồi ở phía bên kia của giáo đường Do Thái - đó là Naomi Goldblatz, cha còn nhớ cô ta mà - thế nhưng chính cô ta là người hò hẹn con.
Khi kỳ thi đến gần, con rất biết ơn rằng cha luôn gắng sắp xếp được thời gian để xem xét những bài luận và bài kiểm tra của con sau khi con hoàn thành chúng. Điều mà cha không thể nào biết là con chắc chắn quay về căn phòng của mình để làm lại chúng lần thứ ba. Con thường thiếp đi trên bàn học. Khi con tỉnh dậy, con lại lật sang trang và tiếp tục đọc.
Thậm chí ngay cả cha, thưa cha, người không có một chút tự cao, phù phiếm nào trong tâm hồn, cũng thấy khó khăn khi che giấu những giáo dân của mình niềm tự hào mà cha cảm thấy với tám điểm "A" trung thực của con, và phần thưởng một suất học bổng cao nhất con giành được tại McGill. Con băn khoăn tự hỏi không biết Christina có biết việc này hay không. Chắc cô ta có biết. Tên con đã được ghi bằng những tấm lá vàng, tươi rói trên Bảng Danh dự vào tuần lễ sau đó, vì thế chắc chắn sẽ có ai đó bảo cho cô ta biết.
***
Có lẽ phải đến ba tháng sau, khi con học kỳ thứ nhất tại McGill thì con mới thấy lại cô ta. Cha có nhớ đã dẫn con đi xem vở 'Thánh Joan' ở Nhà hát Centaur không? Cô ta ngồi phía trước chúng ta, cách mấy hàng ghế, cùng với cha mẹ và một sinh viên năm thứ hai tên là Bob Richards. Ông đô đốc và bà vợ trông khá khắt khe và rất nghiêm nghị, nhưng không phải là không đáng mến. Trong thời gian nghỉ giữa giờ, con dõi theo cô ta cười đùa vui với họ, hiển nhiên cô ta đang vui vẻ, thoải mái. Con hầu như không xem vở 'Thánh Joan', và mặc dù con không rời mắt khỏi Christina, cô ấy vẫn không nhận thấy con lần nào. Con chỉ muốn được ở trên sân khấu diễn vai Dauphin để cô nàng sẽ phải nhìn vào con.
Khi ánh màn khép lại, cô ta và Bob Richards để lại cha mẹ cô và đi về phía lối ra. Con đi theo hai người bọn họ, ra khỏi phòng giải lao và vào sân đậu xe, dõi theo họ bước lên một chiếc xe hơi Thunerbird. Ôi, một chiếc Thunderbird cơ chứ! Con nhớ là đã mong có một ngày nào đó có thể đủ tiền sắm được một chiếc áo cánh, chứ đừng nói là một chiếc Thunderbird.
Kể từ giờ phút đó cô ta đã ở trong tâm trí con bất cứ khi nào con tập luyện, bất cứ nơi đâu con làm, và thậm chí cả khi con ngủ. Con tìm hiểu mọi điều mà con có thể về anh chàng Bob Richards và biết được rằng anh ta đều được mọi người quen biết quý mến.
Lần đầu tiên trong đời con căm ghét mình là một người Do Thái.
Lần kế tiếp khi con gặp Christina, con e sợ rằng có điều gì đó sẽ xảy ra. Đó là chặng khởi đầu của cuộc chạy đua một dặm với Viện Đại học Vancouver, với tư cách là sinh viên mới nhập trường, con đã may mắn được chọn làm đại diện cho trường Đại học McGill. Khi con ra tới đường chạy để làm ấm người lên, con nhìn thấy cô ta đang ngồi ở hàng ghế thứ ba trên khán đài, bên cạnh Richards. Họ đang nắm tay nhau.
Con là người nhào đi sau cùng khi khẩu súng của người phát lệnh khởi động nổ vang, nhưng khi chúng con nhập vào đoạn đường thẳng về đích con đã vượt lên ở vị trí thứ năm. Trước mặt là đám đông lớn nhất mà con từng chạy, khi con đến được đoạn thẳng về đích, con chờ tiếng hét: "Thằng Do Thái!". Thế nhưng không xảy ra điều gì. Con phân vân tự hỏi phải chăng cô ta không nhận thấy con có mặt trong cuộc chạy đua. Nhưng mà cô ta đã nhận thấy, bởi vì khi con chạy tới khúc cua, có có thể nghe thấy giọng nói cô ta rõ ràng: "Cố lên, Benjamin, cậu phải chiến thắng!" Cô ta hét to.
Con muốn quay lại nhìn để chắc chắn chính Christina là người đã hét lên như vậy. Một phần tư dặm đường nữa thì con lại chạy ngang qua cô ta, vào lúc đó thì con đã vượt lên ở vị trí thứ ba, và con có thể nghe thấy cô ta rõ ràng: "Cố lên, Benjamin, cậu làm được mà!".
Con lập tức dẫn đầu bởi vì tất cả những điều con muốn làm là quay lại với cô ta. Con cứ xông lên chẳng hề nghĩ ngợi ai đang ở sau lưng mình, lúc con chạy ngang qua cô ta lần thứ ba con đã vượt quá đội hình mấy mét. "Cậu sắp thắng rồi!" Cô ta hét to khi con cứ thế chạy để có thể về đích trong vòng ba phút tám giây, nhanh hơn mười một giây so với bất cứ lần chạy nào trước kia. Con nhớ con đã nghĩ rằng ai đó nên đưa vào những cuốn sách hướng dẫn luyện tập là tình yêu có thể làm giảm hai đến ba giây cho một vòng chạy.
Con dõi theo cô ấy suốt quãng đường áp đích và khi con nhập vào khúc cua sau cùng lần cuối, đám đông đứng hết cả lên. Con ngoái đầu lại để tìm cô ấy. Cô ấy đang nhảy lên, nhảy xuống, miệng hô to: "Coi chừng! Coi chừng," mà con không hiểu tại sao cho tới khi con bị quân chủ bài số một của Vancouver qua mặt từ đường chạy bên trong, ông huấn luyện viên đã cảnh báo trước cho con là anh ta nổi tiếng với cú nước rút đầy sức mạnh. Con tới đích ở vị trí thứ hai phía sau anh ta mấy thước, nhưng con cứ tiếp tục chạy cho đến khi đã an toàn trong phòng thay đồ. Con ngồi một mình bên cạnh ngăn tủ đựng đồ của mình. Bốn phút mười bảy giây, có ai đó bảo con: nhanh hơn sáu giây so với bất kỳ lần nào trước đây. Nhưng mà chẳng ích gì. Con đứng dưới vòi hoa sen thật lâu, cố gắng tìm hiểu xem điều gì có thể làm cho cô ấy thay đổi thái độ như vậy.
Khi con rảo bước quay lại đường chạy, chỉ có những nhân viên phục vụ sân là còn ở đó. Con nhìn qua lần cuối dải băng cán đích trước khi bước nhanh đến Thư viện Forsyth. Con thấy không thể đối mặt trong cuộc họp thông thường của đội nhà, do đó con cố gắng ngồi xuống để viết một bài luận về các quyền đối với tài sản của người phụ nữ đã lập gia đình.
Buổi tối thứ bảy đó, thư viện này gần như trống trơn, khi con đang làm tốt và chuyển sang trang thứ ba thì con nghe thấy một giọng nói vang lên: "Tôi hy vọng tôi không ngắt quãng những suy nghĩ của anh, thế nhưng anh đã không đến quán Joe’s." Con nhìn lên và thấy Christina đang đứng ở phía bên kia chiếc bàn. Thưa cha, con chẳng biết nói gì nữa. Con chỉ có thể ngước nhìn chằm chặp vào sinh vật kiều diễm trong chiếc váy mini màu xanh lam rất hợp mốt và chiếc áo len bó sát người, tôn lên bộ ngực hoàn hảo nhất, và không thể nói gì.
"Tôi là người đã hét to "Thằng Do Thái!" khi anh vẫn còn học ở trường trung học. Tôi đã cảm thấy rất xấu hổ về việc ấy từ đó đến nay. Tôi đã muốn xin anh thứ lỗi vào cái đêm dạ hội khiêu vũ do trường trung học tổ chức, thế nhưng tôi đã không thể dồn đủ can đảm vì Greg có mặt ở đó." Con gật đầu tỏ ý hiểu - con không thể nghĩ ra được bất cứ lời lẽ nào cho có vẻ thích hợp. "Tôi đã không bao giờ chuyện trò lại với anh ta." Cô ta bảo. "Nhưng mà tôi không cho là anh, thậm chí còn nhớ đến Greg".
Con chỉ mỉm cười, và hỏi: "Uống chút cà phê nhé?", cố gắng tỏ ra như thể là con sẽ chẳng lấy làm phiền gì nếu cô ấy trả lời: "Tôi xin lỗi, tôi phải trở lại với anh Bob".
"Tôi rất thích uống cà phê." Cô ấy bảo.
Con dẫn cô ấy lại quầy cà phê thư viện, đó là tất cả khả năng trang trải của con lúc đó. Cô ấy chẳng hề bận tâm giải thích về điều gì đã xảy ra với Bob Richards, và con cũng không bao giờ hỏi.
Christina có vẻ biết nhiều về con đến mức con cảm thấy bối rối. Cô ấy xin con tha thứ cho những lời mà cô ấy hét tại đường chạy ngày hôm đó hai năm về trước. Cô ấy không hề viện cớ gì hết, không đổ lỗi cho bất cứ ai khác, chỉ hỏi xin được tha thứ.
Christina bảo con là cô ấy đang hy vọng cùng nhập học với con tại McGill vào tháng chín để theo học lấy bằng tiếng Đức. "Một cơ hội quá tuyệt." Cô ấy thú nhận. "Bởi vì nó là ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi mà".
Chúng con luôn ở bên nhau trong suốt thời gian còn lại của mùa hè đó. Chúng con xem lại vở ‘Thánh Joan’, và thậm chí còn xếp hàng để xem bộ phim ‘Bác sĩ No’, đang tạo nên một cơn sốt vào thời gian đó. Chúng con làm việc bên nhau, ăn với nhau, chơi với nhau, thế nhưng chúng con vẫn ngủ riêng.
Con nói ít về Christina với cha vào thời gian đó, thế nhưng con sẵn sàng đặt cược là cha đã biết con yêu nàng đến mức nào; con không bao giờ giấu nổi cha điều gì. Và sau tất cà những dạy dỗ của cha về sự tha thứ và cảm thông thì làm sao cha có thể không tán thành điều đó cơ chứ.
***
Bất cứ khi nào con tới nhà Christina, con luôn luôn dược đối xử một cách lịch thiệp, thế nhưng gia đình nàng không thể che giấu vẻ không tán thành. Họ thốt ra những từ ngữ với một cố gắng cho con thấy rằng họ không bài Do Thái, nhưng thực ra thì họ cũng không ưa, và bất cứ khi nào con đả động vấn đề này với Christina, nàng đều bảo rằng con phản ứng thái quá. Cả hai chúng con đều biết là con không như thế. Họ hoàn toàn giản đơn nghĩ là con không xứng đáng với con gái của họ. Họ đã đúng nhưng điều đó không liên quan gì tới việc con là người Do Thái.
Con sẽ không bao giờ quên được lần đầu tiên chúng con ngủ với nhau. Đó là vào ngày mà Christina biết được nàng đã giành được một vị trí ở McGill.
Chúng con vào căn phòng của con lúc ba giờ để thay đồ chơi một ván ten nít. Con ôm ghì lấy nàng trong vòng tay và nghĩ là chỉ một giây phút ngắn ngủi nhưng chúng con đã không rời được nhau cho đến tận buổi sáng hôm sau. Không có cái gì được lập kế hoạch từ trước. Nhưng mà làm sao có thể như thế được, khi đó là lần đầu tiên cho cả hai đứa chúng con?
Con bảo con sẽ lấy nàng làm vợ. - Chẳng phải tất cả đàn ông đều nói như thế trong lần đầu tiên hay sao? - Chỉ có điều con chỉ ngụ ý như vây.
Thế rồi vài tuần lễ sau đó Christina thấy tắt kinh. Con van vỉ nàng đừng lo sợ; và cả hai chúng con cùng chờ đợi thêm một tháng nữa, bởi vì Christina sợ phải đi khám bất cứ bác sỹ nào ở Montreal.
Nếu như con đã nói cho cha biết mọi điều lúc đó, thưa cha, có thể cuộc đời con đã đi theo một hướng khác. Thế nhưng con đã không nói, và chỉ có mỗi bản thân mình để mà đổ lỗi thôi.
Con bắt đầu lên kế hoạch cho một cuộc hôn lễ mà cả gia đình của Christina và cha đều không thể chấp nhận được, thế nhưng chúng con chẳng cần. Tình yêu không phân biệt cha mẹ, và chắc chắn là không phân biệt tôn giáo. Khi Christina tắt kinh lần thứ hai, con đồng ý rằng nàng nên bảo cho mẹ biết. Con hỏi nàng có muốn con có mặt cùng vào thời điểm đó không, thế nhưng Christina chỉ lắc đầu, và giải thích rằng nàng cảm thấy phải tự mình giáp mặt với họ.
"Anh sẽ đợi ở đây đến khi nào em quay trở lại." Con hứa.
Nàng mỉm cười. "Em sẽ quay lại, thậm chí, trước khi anh có thời gian để thay đổi ý định lấy em làm vợ".
Con ngồi trong căn phòng của mình tại McGill suốt buổi chiều hôm đó, đọc sách và đi tới đi lui - chủ yếu là bước tới bước lui - thế nhưng Christina không quay lại, và con không đi tìm nàng cho đến khi trời tối. Con lén lần tới nhà nàng, trong suốt quãng thời gian đó, cố gắng tự thuyết phục mình bằng một lời giải thích giản đơn nào đó cho việc tại sao nàng chưa quay trở lại.
Khi con tới con đường nhà nàng, con thấy ánh đèn duy nhất sáng trong phòng ngủ của nàng, do đó con nghĩ chắc là nàng đang ở nhà một mình. Con bước qua cánh cổng đi lên hàng hiên trước nhà, gõ cửa và chờ đợi.
Bố cô ấy ra mở cửa.
"Anh muốn gì?" Ông ta hỏi, đôi mắt của ông không rời con, dù chỉ trong chốc lát.
"Cháu yêu con gái bác." Con nói với ông ta. "Và cháu muốn cưới cô ấy làm vợ".
"Con bé sẽ không bao giờ lấy một người Do Thái làm chồng." Ông ta nói một cách đơn giản và đóng cửa lại. Con nhớ ông ta không sập cửa; ông ta chỉ đóng nó lại, điều này dường như làm cho sự việc, thậm chí càng thêm tệ hại.
Con đứng bên ngoài, dưới đường, mắt nhìn đăm đắm lên căn phòng của nàng hơn một tiếng đồng hồ, cho đến lúc ánh đèn tắt đi. Con lê bước về nhà. Con mường tượng đêm đó có một trận mưa phùn nhẹ và có rất ít người ngoài đường phố. Con cố gắng suy nghĩ xem con nên làm việc gì lúc đó, mặc dù tình huống của con xem ra có vẻ tuyệt vọng. Đêm hôm đó đi ngủ, con hy vọng vào một phép màu nhiệm. Con đã quên mất là những phép màu nhiệm là để dành cho những người Thiên chúa giáo, chứ không phải cho người Do Thái.
Đến sáng hôm sau con đã nghĩ ra một kế hoạch. Con gọi điện đến nhà Christina lúc tám giờ và suýt nữa dập ống nói xuống khi nghe thấy giọng nói ở đầu dây bên kia.
"Bà Von Braumer đây".
"Christina có ở đó không, thưa bác?" Con hỏi thì thầm.
"Không, không có." Câu đáp lại lạnh nhạt.
"Thưa bác, cô ấy sẽ trở về vào lúc nào?" Con hỏi.
"Không nhanh đâu." Bà ta nói và rồi đường dây bị cúp.
"Không nhanh đâu." rốt cuộc thành hơn một năm. Con viết thư từ, gọi điện thoại, hỏi thăm bè bạn cả ở trường học cũ và trường đại học nhưng không thể tìm ra họ đã mang nàng đi đâu.
Rồi một hôm, không thông báo gì hết, nàng quay trở lại Montreal, theo sau là một ông chồng và đứa con của con. Con biết được những điều cay đắng này từ cô Naomi Goldblatz, người đã trông thấy và nhận ra ba người.
Con nhận được mấy dòng nhắn ngắn gọn của Christina quãng một tuần lễ sau đó, cầu xin con đừng cố gắng tiếp xúc với nàng một lần nào.
Con vừa bắt đầu năm học cuối cùng tại McGill và giống như một quý ông của thế kỷ mười tám, con thực hiện đúng điều mong ước của nàng không sai một ly và dành trọn tâm trí cho những kỳ thi cuối cùng. Nàng vẫn tiếp tục ám ảnh tâm trí con và con tự cho là mình may mắn vào thời điểm cuối năm học vì con nhận được một lời đề nghị vào học tại Trường luật Harvard.
Con rời Montreal đi Boston vào ngày 12 tháng 9 năm 1968.
Chắc cha băn khoăn muốn biết tại sao con không bao giờ về nhà lấy một lần trong suốt ba năm đó. Con biết sự không tán thành của cha. Nhờ có bà Goldblatz mà mọi người đều biết cha đứa con của Christina là ai và con cảm thấy sự cố tình vắng mặt như vậy có thể làm cho cuộc sống của cha dễ dàng hơn một chút.
***
Ông giáo sĩ Do Thái tạm dừng khi ông hồi tưởng cảnh bà Goldblatz nói cho ông biết những điều mà bà ta suy nghĩ và cho là 'trách nhiệm của bà ta'.
"Cô là một mụ chuyên thọc gậy bánh xe, gây chuyện bất hòa." Ông đã bảo bà ta như vậy. Đến thứ bảy tuần đó, bà ta đã chuyển đến một giáo đường Do Thái khác và kể cho mọi người trong thị trấn biết rõ tại sao.
Ông tức giận bản thân mình hơn là đối với Benjamin. Lẽ ra ông nên đến thăm trường Harvard, để cho con trai ông biết rằng tình yêu của ông dành cho nó vẫn không thay đổi. Sức mạnh của lòng khoan dung, tha thứ ở ông là như vậy.
Ông lại một lần nữa cầm bức thư lên đọc.
"… Trong những năm học tại trường luật, con có nhiều bạn bè cả nam lẫn nữ, thế nhưng Christina hiếm khi nào rời khỏi tâm trí con lâu hơn vài giờ đồng hồ. Con đã viết hơn bốn mươi bức thư cho nàng trong lúc con ở Boston, nhưng không hề gửi đi một lá nào. Con thậm chí còn gọi điện thoại, nhưng mà không bao giờ là giọng nói của nàng trả lời. Mà nếu đúng là giọng nói của nàng, thì con thậm chí cũng không biết chắc con có nói điều gì không. Con chỉ muốn được nghe thấy giọng nàng.
Cha có khi nào muốn biết về những người phụ nữ trong cuộc sống của con không? Con đã có những cuộc tình chóng vánh với những cô gái thông minh như Radcliffe, một cô gái ham đọc sách luật, sách lịch sử và cả khoa học tự nhiên, cho đến một cô gái nhân viên bán hàng, cô này thì chẳng bao giờ đọc bất cứ cái gì. Cha có thể tưởng tượng được không, trong chính cái hành động yêu đương ấy, con vẫn luôn nghĩ về một người đàn bà khác? Con dường như thực hiện công việc như một cái máy được lái tự động, và thậm chí sự đam mê nồng nhiệt của con với môn chạy suy giảm xuống chỉ còn một giờ chạy thể dục mỗi ngày.
Khá lâu trước khi kết thúc năm học cuối, những công ty luật hàng đầu của New York, của Chicago và Toronto đã tới để phỏng vấn chúng con. Những chiếc chuông Harvard có thể được tin cậy để gõ rền vang ở khắp mọi nơi trên thế giới, nhưng dù vậy con vẫn rất ngạc nhiên trước cuộc thăm viếng của một thành viên cấp cao của Hãng luật Graham Douglas & Wilkins of Toronto. Nó không phải là một hãng nổi tiếng vì những thành viên Do Thái, thế nhưng con lại thích thú cái ý nghĩ rằng một ngày kia tiêu đề in trên đầu trang giấy của họ sẽ viết "Graham Douglas Wilkins & Rosenthal". Thậm chí ngay cả cha của Christina chắc chắn cũng sẽ bị điều đó gây ấn tượng.
Và con tự thuyết phục bản thân nếu con sống và làm việc ở Toronto, chí ít nó cũng đủ xa xôi, cách trở để cho con có thể quên nàng đi, và biết đâu sự may rủi khiến con có thể tìm được ai đó mà con có thể nảy sinh tình cảm như vậy.
Công ty Graham Douglas & Wilkins tìm cho con một căn hộ rộng rãi, nhìn ra công viên và một mức lương khởi điểm rất tốt. Đáp lại, con làm việc tất cả mọi giờ mà Chúa của tất cả mọi người đã tạo ra. Con đã nghĩ họ đã quá thúc ép học hành tại McGill và tại Harvard, thì thưa cha, hóa ra đó mới chỉ là một cú tập rượt chay cho thế giới thực mà thôi. Tuy nhiên, con không phàn nàn. Công việc rất thú vị, và đạt được những phần thưởng vượt quá sự mong đợi của con. Giờ đây con đã có thể tậu được một chiếc xe hơi Thunderbird, thì con lại không muốn có nó.
Những cô bạn gái mới đến, rồi đi ngay khi họ nói tới cưới xin. Những cô gái Do Thái thường đề cập đến chủ đề này chỉ sau quãng một tuần lễ, những cô không phải Do Thái thì con thấy chờ đợi lâu hơn một chút. Con thậm chí bắt đầu sống với một cô gái trong số họ, đó là Rebecca Wertz, nhưng cuộc tình này cũng chấm dứt vào một ngày thứ năm.
Sáng hôm đó, khi con đang lái xe đến văn phòng, chắc lúc đó hơn tám giờ một chút, lúc này đã hơi muộn thì con trông thấy Christina ở phía bên kia con đường cao tốc tấp nập xe cộ. Một thanh barie ngăn cách chúng con. Nàng đang đứng tại một bến đỗ xe buýt, đang nắm tay một cậu bé con, nó chắc là trạc năm tuổi - thằng con trai của con.
Xe cộ dày đặc buổi sáng cho phép con nhìn nàng thêm một lát đầy ngạc nhiên. Con nhận thấy con rất muốn nhìn thấy cả hai mẹ con họ cùng một lúc. Nàng mặc một chiếc áo choàng mỏng dài, cho thấy nàng vẫn giữ được một dáng hình đẹp mảnh mai. Khuôn mặt nàng thanh thản và điều này nhắc nhở con lý do vì sao hiếm khi nàng rời khỏi tâm trí con. Thằng con trai nàng - con trai của chúng con - mặc một chiếc áo khoác vải len thô, rộng quá khổ và đầu nó đội một chiếc mũ lưỡi trai bóng chày cho thấy thằng bé ủng hộ cho đội Cá heo Toronto. Thật là không may vì nó thực sự ngăn cho con không thấy được mặt mũi thằng bé coi ra sao. Con còn nhớ đã nghĩ: Nàng không thể ở Toronto được, đáng ra nàng phải ở Montreal chứ. Con nhìn theo hai mẹ con nàng qua chiếc gương bên khi họ leo lên một chiếc xe buýt. Ngày thứ năm đặc biệt đó, chắc con phải là một luật sư kinh khủng đối với hết thảy mọi thân chủ tìm kiếm những lời khuyên của con.
Trong tuần lễ tiếp theo, mỗi buổi sáng con đều đi ngang qua bến đỗ xe buýt ấy trong thời gian vài phút suýt soát với giờ mà con đã trông thấy họ đứng ở đó, thế nhưng không bao giờ con trông thấy họ nữa. Con bắt đầu băn khoăn tự hỏi phải chăng mình đã tưởng tượng ra toàn bộ cảnh tượng đó. Thế rồi con lại trông thấy nàng, sau khi con đi thăm một thân chủ và đang quay trở về qua thành phố. Nàng chỉ có một mình và con đạp phanh dữ dội khi con trông thấy nàng đi vào một cửa hiệu trên phố Bloor Street. Lần này con đỗ xe cẩn thận và rảo bước nhanh nhẹn sang đường, cảm giác như một anh thám tử tư nhếch nhác, người dành cả cuộc đời mình nhìn qua những lỗ khóa.
Điều con trông thấy làm con ngạc nhiên. Không phải con tìm thấy nàng trong một cửa hiệu bán quần áo thời trang, mà con phát hiện ra đó là nơi nàng làm việc.
Lúc đó con thấy nàng đang phục vụ một khách hàng, con nhanh chóng quay trở lại xe. Khi con về đến văn phòng con hỏi cô thư ký của mình xem cô ta có biết một cửa hiệu tên là "Willing’s" không.
Cô thư ký của con cười lớn. "Ông phải đọc nó theo cách của người Đức, chữ W trở thành chữ V." Cô ta giải thích, "do đó phải là "Villing’s". Nếu như ông đã lập gia đình thì ông sẽ biết nó là cửa hiệu quần áo đắt tiền nhất trong thành phố." Cô ta nói thêm.
"Cô có biết gì thêm về chỗ đó không?" Con hỏi, cố gắng giữ giọng bình thường.
"Không nhiều lắm." Cô ta bảo. "Chỉ biết nó do một quý bà người Đức tên là Klaus Willing sở hữu, bà ta thường hay được viết trong những tạp chí của phụ nữ".
Con không cần phải hỏi cô thư ký của con thêm câu hỏi nào nữa và thưa cha, con sẽ không gây phiền phức cho cha vì những hoạt động thám tử của con. Được trang bị với những mẩu thông tin đó, con không mất nhiều thời gian để khám phá ra Christina ở đâu, rằng chồng nàng là một giám đốc hải ngoại của BMW, và họ chỉ có một đứa con.
***
Ông giáo sĩ già thở nặng ngọc khi ông liếc nhìn lên chiếc đồng hồ trên mặt bàn, theo một thói quen hơn là muốn biết được giờ giấc. Ông tạm dừng một lát trước khi quay lại với lá thư. Ông đã tự hào đến thế về thằng con trai luật sư của mình lúc đó; tại sao ông đã không thiết lập những bước đầu tiên để hướng tới một sự hòa hợp? Ông ước muốn được trông thấy thằng cháu nội làm sao.
***
Quyết định cuối cùng của con không đòi hỏi một bộ óc hiểu luật pháp sâu sắc, mà chỉ cần một chút lương tri - mặc dù một luật sư mà tự khuyên chính mình thì không nghi ngờ gì nữa, đó là một luật sư ngu dốt với các thân chủ. Con quyết định phải tiếp xúc trực tiếp và một bức thư là phương pháp duy nhất mà con cảm thấy Christina sẽ có thể chấp nhận.
Con viết một thông điệp đơn giản vào buổi sáng thứ hai đó, và viết đi viết lại mấy lần trước khi con điện thoại cho 'chuyển phát nhanh Fleet', nhờ họ đưa trực tiếp cho cô ấy tại cửa hiệu. Khi người thanh niên mang bức thư đi khỏi, con muốn đi theo anh ta, chỉ để chắc chắn anh ta sẽ trao nó cho đúng người. Con vẫn có thể lặp lại từng chữ một.
"Christina thân yêu! Chắc em biết anh sống và làm việc ở Toronto. Chúng ta gặp nhau được không? Anh sẽ đợi em tại phòng khách của khách sạn Royal York mọi buổi tối từ sáu đến bảy giờ tuần này. Nếu em không đến, em hãy cứ yên tâm anh sẽ không bao giờ làm phiền em nữa. - Benjamin".
Tối hôm đó con đến sớm gần ba mươi phút. Con nhớ con đã chọn một chỗ ngồi trong một căn phòng khách lớn độc lập bên cạnh gian sảnh chính và gọi cà phê.
"Có ai sẽ đi cùng ngài không, thưa ngài?" Anh bồi hỏi.
"Tôi không biết chắc." Con bảo anh ta. Không có ai đến, nhưng con vẫn loanh quanh ở đó đến bảy giờ bốn mươi.
Đến thứ năm thì anh bồi thôi không hỏi có ai đi cùng con nữa không, con vẫn ngồi một mình, và thêm một tách cà phê nữa lại nguội lạnh. Cứ mấy phút con lại xem đồng hồ. Mỗi lần có một người phụ nữ tóc vàng đi vào gian sảnh, trái tim con lại nhảy dựng lên, nhưng đó không bao giờ là người đàn bà mà con hy vọng.
Sau cùng, vào lúc gần bảy giờ ngày thứ sáu, con thấy Christina đứng trên ngưỡng cửa. Nàng mặc một bộ đồ xanh lơ thanh nhã, cài khuy gần như đến tận cổ và một chiếc áo cánh trắng, trông nàng như đang trên đường tới dự một cuộc hội thảo kinh doanh. Mái tóc dài màu vàng của nàng được vuốt ra sau tai tạo một dáng vẻ nghiêm nghị, nhưng nàng có cố gắng thay đổi như thế nào chăng nữa, sắc đẹp của nàng vẫn không hề suy giảm. Con đứng dậy và giơ cao cánh tay lên. Nàng nhanh nhẹn bước tới và ngồi xuống bên cạnh con. Chúng con không hôn hay bắt tay nhau và thậm chí không nói gì một lúc.
"Cảm ơn em đã đến." Con bảo.
"Em không nên đến, thật là ngốc ngếch."
Một quãng thời gian trôi qua và cả hai chúng con vẫn ngồi yên lặng.
"Anh rót cà phê cho em nhé?" Con hỏi.
"Vâng, cảm ơn".
"Đen chứ?"
"Vâng".
"Em vẫn không thay đổi."
Tất cả mới tầm thường, vô vị làm sao nếu có ai đó nghe trộm được.
Nàng nhấp tách cà phê.
Con đáng lẽ phải ôm ghì nàng trong vòng tay ngay lúc đó nhưng con chẳng thể biết được nàng muốn gì. Trong mấy phút liền, chúng con nói về những chuyện chẳng đâu vào đâu cả, luôn tránh ánh mắt của nhau, cho đến khi bỗng dưng con nói: "Em có nhận thấy rằng anh vẫn còn yêu em không?"
Nước mắt dần dâng lên, nàng trả lời: "Tất nhiên là em biết. Em vẫn cảm thấy như thế về anh lúc này đây, cũng như em đã cảm thấy vào cái ngày chúng ta chia lìa nhau. Và đừng quên em phải nhìn thấy anh hàng ngày, qua Nicholas."
Nàng rướn người lên và nói gần như thì thầm. Nàng kể cho con về buổi nói chuyện với cha mẹ hơn năm năm trước mà cứ như thể chúng con chưa bị chia lìa trong khoảng thời gian đó. Cha nàng đã không tỏ ra tức giận khi ông ta biết nàng đã có thai, nhưng cả gia đình nàng vẫn chuyển đi Vancouver vào buổi sáng hôm sau. Tại đó, họ sống ở nhà gia đình Willings, một gia đình cũng đến từ Munich, họ là những người bạn cũ của gia đình Von Braumers. Người con trai của họ, Klaus đã luôn mụ mẫm người vì yêu Christina, và không quan trọng gì việc Christina đã có mang, thậm chí thực tế là nàng chẳng có tình cảm gì với anh ta. Anh ta tin tưởng rằng, với thời gian, mọi việc sẽ đều trôi chảy và sẽ tốt đẹp.
Mọi việc đã không như vậy, bởi vì nó không thể nào như vậy được. Christina đã luôn luôn biết mọi sự sẽ không bao giờ ổn thỏa, cho dù Klaus cố gắng thế nào đi nữa. Họ thậm chí còn rời Montreal nhằm nỗ lực cải thiện tình hình. Klaus mua cho nàng một cửa hiệu ở Toronto và mọi thứ xa xỉ mà tiền bạc có thể mua được, thế nhưng cũng chẳng thay đổi được gì. Cuộc hôn nhân của họ rõ ràng là một sự giả tạo. Tuy nhiên họ không thể vì chính bản thân mình mà ly hôn để làm cho hai bên gia đình thêm đau khổ, thế là họ đã sống những cuộc sống riêng ngay từ đầu.
Sau khi Christina kết thúc câu chuyện của nàng, con đặt tay lên má nàng và nàng nắm lấy bàn tay con và hôn lên đó. Kể từ giây phút đó chúng con gặp gỡ nhau vào mọi khoảng thời gian rỗi rãi có thể lẻn đi được, bất kể ngày hay đêm. Đó là những năm tháng hạnh phúc nhất trong cuộc đời con, và con đã không thể che giấu bất cứ ai tình cảm của con.
Cuộc tình của chúng con - đó là cách mà các lời đồn đại đang miêu tả nó - không tránh khỏi trở thành công khai. Dù chúng con có cố gắng tỏ ra kín đáo đến thế nào chăng nữa, con nhanh chóng phát hiện Toronto là một nơi quá nhỏ bé, đầy rẫy những kẻ vui sướng trong việc kể cho những người mà chúng con cũng thương yêu, rằng thường hay bắt gặp chúng con đi với nhau, thậm chí rời khỏi nhà con vào sáng sớm.
Thế rồi bỗng nhiên chúng con hoàn toàn không có sự lựa chọn nào nữa: Christina bảo con nàng lại có mang lần nữa. Có điều lần này cả hai đứa chúng con đều không có gì phải sợ.
Khi Christina nói cho Klaus biết, việc thỏa thuận giải quyết diễn ra chóng vánh như khi viên luật sư cừ nhất của Graham Douglas & Wilkins có thể dàn xếp thương lượng. Chúng con tổ chức lễ thành hôn chỉ vài ngày sau khi các giấy tờ ly hôn cuối cùng được ký kết. Cả hai đứa chúng con đều thấy hối tiếc rằng cha mẹ Christina cảm thấy không thể tham dự lễ cưới, thế nhưng con không thể hiểu được tại làm sao cha đã không đến dự.
***
Ông giáo sĩ Do Thái vẫn không thể tin sự không khoan dung và tầm nhìn thiển cận của chính mình. Những yêu cầu đối với một người Do Thái chính thống nên được từ bỏ nếu điều đó có nghĩa là mình mất đi thằng con trai độc nhất. Ông đã tra cứu cuốn Tamud (luật lệ và truyền thống Do Thái) một cách vô ích, hòng tìm bất cứ một trích đoạn nào đó sẽ cho phép ông phá bỏ lời nguyền của đời ông. Vô ích.
***
Việc đáng buồn duy nhất của vụ giải quyết ly hôn là Klaus được trao quyền nuôi giữ đứa con của chúng con. Và để đổi lấy một vụ ly hôn nhanh chóng, anh ta cũng yêu cầu con không được phép gặp Nicholas trước sinh nhật lần thứ hai mươi mốt của nó, và con không được bảo cho nó biết chính con là cha đẻ của nó. Vào lúc đó, điều này như là một cái giá đắt phải trả, thậm chí cho một niềm hạnh phúc đến như thế. Chúng con đều biết không có sự lựa chọn nào khác là phải chấp nhận những điều kiện của anh ta.
Con thường tự hỏi làm sao từng ngày đang tới lại vui vẻ, hạnh phúc hơn những ngày qua đi đến thế. Nếu phải xa Christina lâu hơn một vài tiếng đồng hồ thì con luôn thấy nhớ nàng. Nếu công ty điều con đi công tác ra khỏi thành phố mất một đêm, con thường gọi điện thoại cho nàng hai, ba, có khi bốn lần, và nếu mà thời gian đó lâu hơn một đêm thì nàng sẽ đi cùng với con. Con còn nhớ một lần cha đã miêu tả tình yêu của cha dành cho mẹ con và phân vân liệu vào lúc nào đó con có thể hi vọng có được sự hạnh phúc như vậy.
Chúng con bắt đầu lập kế hoạch cho việc sinh nở đứa con của mình. Nếu đứa bé là con trai nàng sẽ chọn tên con là William; nếu đứa bé là con gái con sẽ chọn tên cho nó là Deborah. Con sơn căn phòng còn dư màu hồng, cứ như là con đã thắng cuộc rồi vậy.
Christina phải ngăn không cho con mua quá nhiều quần áo trẻ sơ sinh, thế nhưng con báo trước với nàng rằng sẽ hề hấn gì đâu, bởi vì chúng mình sắp sửa có thêm cả chục đứa con nữa. Con nhắc nàng nhớ rằng người Do Thái thường tin tưởng vào các triều đại.
Christina thường xuyên tham dự các buổi tập thể dục, ăn kiêng kỹ lưỡng, nghỉ ngơi rất hợp lý. Con bảo với nàng là nàng đang làm tốt hơn rất nhiều những điều được đòi hỏi ở một bà mẹ, thậm chí là dành cho con gái của con nữa. Con hỏi liệu con có được phép có mặt khi đứa trẻ của chúng con chào đời và bác sỹ phụ khoa của cô ấy dù ban đầu có vẻ miễn cưỡng, nhưng rồi đã đồng ý. Khi tới tháng thứ chín, qua những sự rối rít, nhặng xị mà con đã gây ra chắc ở bệnh viện họ nghĩ là họ đang chuẩn bị cho việc sinh nở một vị hoàng tử của hoàng gia.
Con lái xe đưa Christina vào bệnh viện Phụ nữ của trường Đại học Y, tọa lạc trên trục đường con đi làm vào thứ ba tuần trước. Mặc dù tiếp tục đi tới văn phòng làm việc, nhưng con thấy không tài nào tập trung tư tưởng cho được. Bệnh viện gọi tới vào buổi chiều để nói họ cho rằng đứa bé sẽ được sinh ra vào lúc gần tối hôm đó; rõ ràng là Deborah không muốn phá vỡ giờ giấc làm việc của Graham Douglas & Wilkins. Tuy vậy, con vẫn có mặt tại bệnh viện rất sớm. Con ngồi ở cuối giường của Christina cho đến khi những cơn co thắt đến với nàng trong từng phút, rồi sau đó con ngạc nhiên thấy họ yêu cầu con đi ra. Một nữ y tá giải thích họ cần phải làm vỡ màng ối. Con nhờ cô ta nhắc nhở bà đỡ rằng con muốn được có mặt để chứng kiến cuộc sinh nở.
Con đi ra ngoài hành lang, và bắt đầu đi đi lại lại, như cách các ông bố tương lai trong những bộ phim có cảnh sinh nở. Bác sĩ phụ khoa có mặt sau đó quãng nửa tiếng và dành cho con một nụ cười rất tươi. Con nhận thấy có một điếu xì gì trong túi áo ngực của ông ta, chắc chắn là để dành sẵn cho các ông bố tương lai. "Sắp sinh rồi đấy." Ông ta chỉ nói có vậy.
Một bác sĩ thứ hai, người mà con chưa từng biết mặt, xuất hiện sau đó một vài phút và nhanh chóng đi vào phòng của nàng. Ông ta chỉ gật đầu với con. Con cảm thấy con giống như một người đứng trước vành móng ngựa, chờ đợi nghe phán quyết của bồi thẩm đoàn.
Chắc phải ít nhất mười lăm phút trôi qua trước khi con thấy một nhóm gồm ba bác sỹ thực tập nội trú trẻ đang chuyển một cái gì đó dọc theo hành lang. Thậm chí họ không liếc mắt nhìn con lần thứ hai khi họ biến mất vào trong căn phòng của Christina.
Con nghe thấy những tiếng gào thét rồi bỗng nhiên nhường lại cho tiếng khóc rầu rĩ của một đứa bé vừa mới được sinh ra. Con cảm ơn Chúa của con và Chúa của nàng. Khi ông bác sĩ bước ra khỏi phòng nàng, con còn nhớ đã nhận ra rằng điếu xì gà đã không còn.
"Đó là một bé gái." Ông ta nói khẽ khàng. Con quá vui sướng. Cái ý nghĩ "Không cần phải quét sơn lại phòng ngủ ngay lập tức" lóe ngay lên trong đầu con.
"Tôi có thể vào với Christina bây giờ không?" Con hỏi.
Ông ta nắm lấy cánh tay con và dẫn con đi ngang qua hành lang, bước vào văn phòng của ông ta.
"Anh có muốn ngồi xuống không?" Ông ta hỏi. "Tôi sợ rằng tôi có tin buồn"
"Cô ấy ổn cả chứ?"
"Tôi rất lấy làm tiếc, thật vô cùng đáng tiếc, phải nói với anh rằng vợ anh đã chết."
Ban đầu con không tin ông ta, con không thể tin ông ta. Tại sao? Tại sao? Con muốn gào lên.
"Chúng tôi đã cảnh báo cho bà ấy rồi." Ông ta nói thêm.
"Cảnh báo? Cảnh báo cô ấy về cái gì?"
"Rằng huyết áp của bà ấy có thể không chịu nổi việc sinh nở lần thứ hai."
Christina đã không bao giờ nói cho con biết điều đó, ông bác sĩ tiếp tục giải thích rằng "Việc sinh nở đứa con đầu tiên của chúng con đã là phức tạp, và rằng các bác sĩ đã khuyên nhủ cô ấy không nên có thai thêm lần nữa."
"Tại sao cô ấy không nói cho tôi biết?" Con hỏi. Thế rồi con nhận ra tại sao. Nàng đã mạo hiểm mọi thứ vì con - cái thằng ngu ngốc, ích kỷ, vô tâm là con đây - và cuối cùng, con đã giết chết chính người mà con yêu thương.
Họ cho phép con ôm bé Deborah trong vòng tay mình chỉ trong chốc lát trước khi họ đặt con bé vào trong một chiếc lồng nuôi trẻ đẻ non và bảo con là phải sau hai mươi bốn tiếng đồng hồ nữa thì con bé mới thoát khỏi tình trạng nguy cấp.
Cha sẽ không bao giờ biết được điều đó có ý nghĩa lớn lao đến như thế nào với con đâu, thưa cha, rằng cha đã đến bệnh viện nhanh chóng đến thế. Cha mẹ của Christina cũng tới nơi muộn hơn trong buổi tối đó. Họ thật cao quý. Cha nàng đã cầu xin sự tha thứ nơi con - cầu xin sự tha thứ của con. Ông ấy cứ luôn miệng nhắc lại việc này đã không bao giờ có thể xảy ra nếu như ông ấy đã không ngu ngốc và nặng nề thành kiến đến như thế.
Bà vợ ông ấy nắm lấy tay con và hỏi liệu bà ấy có được phép thỉnh thoảng đến thăm nom cháu Deborah. Tất nhiên con đã đồng ý. Họ đi khỏi ngay trước lúc nửa đêm. Con ngồi, đi lại, ngủ trong cái hành lang đó trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ kế tiếp, cho tới khi các bác sĩ bảo con rằng con gái con đã thoát khỏi tình trạng nguy ngập rồi. Con bé sẽ phải nằm trong bệnh viện thêm mấy ngày nữa, họ giải thích, nhưng con bé giờ đây đã có thể mút được sữa từ chai.
Ông bố của Christina đã lo liệu việc tang lễ rất tử tế.
Chắc cha đã băn khoăn tại sao con không xuất hiện và con nợ cha một lời giải thích. Con nghĩ con sẽ ghé qua bệnh viện trên đường tới dự tang lễ để con có thể ở với bé Deborah trong giây lát. Con đã sẵn sàng chuyển đổi tình yêu của mình.
Ông bác sĩ không thể thốt nên lời. Phải là một người can đảm lắm khi bảo cho con biết rằng trái tim của con bé đã ngừng đập một vài phút trước khi con tới nơi. Thậm chí ông bác sĩ phẫu thuật cấp cao cũng rớt nước mắt. Khi con rời khỏi bệnh viện, các hành lang đều đã trống rỗng.
Con muốn cha biết, thưa cha, rằng con yêu thương cha với tất cả trái tim mình, nhưng con không có khát khao mong muốn sống phần còn lại cuộc đời mình mà thiếu vắng Christina hay Deborah.
Con chỉ yêu cầu được chôn cất bên cạnh vợ và con gái con, và được tưởng nhớ như là một người chồng, người cha của họ. Theo cách đó, những người vô tâm có thể học được từ tình yêu của chúng con. Và khi cha đọc xong bức thư này, chỉ cần nhớ rằng con đã có được hạnh phúc trọn vẹn khi con được ở bên nàng đến mức cái chết không có gì đáng sợ đối với con.
Con trai của cha - Benjamin."
Ông giáo sĩ Do Thái già đặt bức thư xuống mặt bàn trước mặt mình. Ông đã đọc nó mỗi ngày trong suốt mười năm qua.