Số lần đọc/download: 3632 / 106
Cập nhật: 2015-01-12 10:23:41 +0700
Chương 5 (2). Còn Ai Yêu Em Nữa Đâu?
K
ỉ Đình đương nhiên không hề hé lộ cho bất cứ ai về “sự thực tai nghe mắt thấy” ấy, Chỉ An đã biến buổi chiều tà hôm ấy thành bí mật của riêng mình cậu, một thứ bí mật mà chính bản thân cậu cũng chẳng dám lật lại, chỉ có lúc nửa đêm mộng mị, bàn tay của cậu xòe ra chới với, rồi lại nắm chặt giữa hư vô, hoang mang cực độ, cậu sợ rằng đến một ngày nào đó, ngay cả chút hơi ấm trong khoảnh khắc ấy cậu cũng để vuột mất mà thôi.
Chính trong tâm trạng hoang mang ấy, Kỉ Đình kết thúc quãng đời trung học, cậu lấy gương mặt điềm tĩnh vô cùng mà bước vào trường thi đại học, thầy giáo nói rằng tâm lý của cậu ổn định, chẳng ai hay biết dưới cái vỏ bọc điềm tĩnh này, lòng dạ cậu rối bời. Cậu giống hệt như một cỗ máy thi cử, những đề bài cùng công thức trong đầu cứ thế ghép lại với nhau, hệt như bản năng vậy, sau đó tuôn ra ào ạt dưới ngòi bút. Lúc đã hoàn thành xong bài thi, cậu im lặng ngồi nguyên tại chỗ, mặt nhìn chăm chăm vào giấy thi, thế nhưng bên tai chỉ có nhịp tim đập rộn ràng ngày hôm ấy, cô bé áp sát vào cậu, bướng bỉnh hỏi dồn: Ai yêu em, có ai yêu em đây?...
Sau khi kết quả thi được công bố, tuy điểm của cậu không cao như bố mẹ mong đợi, thế nhưng cũng không đến nỗi tồi, Kỉ Đình chọn Đại học G làm nguyện vọng thứ nhất của mình, thế nhưng lại không điền tên khoa Vật lý.
Chủ nhiệm ban tuyển sinh đích thân đến gặp Kỉ Bồi Văn, hỏi xem ông có muốn tìm cách sửa lại nguyện vọng của Kỉ Đình không, Kỉ Bồi Văn lưỡng lự hồi lâu, rồi quyết một câu, “Thôi dẹp đi, để mặc thằng bé”. Sau đó, mấy đêm liền, ông trằn trọc khó ngủ, nằm trên giường cứ thở vắn than dài, đến cả bà vợ - Từ Thục Vân – cũng chợp mắt không xong. Ông không hiểu nổi, con trai ông rõ ràng có thiên bẩm kế thừa chuyên ngành Vật lý, từ nhỏ đến lớn, nó học môn này rất tốt, trước nay chưa từng nghe nó hở ra là không thích môn này, thế mà điểm thi Vật lý của nó vừa rồi chỉ vừa vặn qua điểm chuẩn, nguyện vọng của nó bay bổng khắp chốn, chỉ riêng có khoa Vật lý thì lại không điền vào.
Thực ra trước khi người của ban tuyển sinh tìm đến, ông đã nói chuyện thẳng thắn với Kỉ Đình, ông hỏi cậu quý tử, có phải trong lòng đã có chủ ý nào đó rồi không, nếu có thì cứ nói thật cho bố mẹ biết, chứ không nên lấy tiền đồ sự nghiệp của mình ra làm trò đùa. Kỉ Đình chỉ đáp rằng, cậu chẳng hề có dự tính nào cả. Kỉ Bồi Văn lại hỏi, nếu như ông muốn cậu học Vật lý thì sao. Cậu bèn trả lời, nếu như nguyện vọng của cậu đã bị sửa đổi rồi, thế thì cũng chẳng sao hết, chẳng qua chỉ là học lại thôi, năm sau cậu lại điền như cũ.
Kỉ Đình chính là người như vậy, cậu sẽ không đôi co với người khác, đặc biệt là với các bậc bề trên, nhưng nếu người ta cứ khăng khăng theo ý riêng, cậu chỉ đành từ chối nghe theo. Tính cách của cậu “ngoài nhu trong cương”, tuy bình thường không tỏ ra bướng bỉnh cố chấp, nhưng đến lúc kiên quyết thì người ta cũng chẳng biết làm thế nào.
“Học y? Hồi trước chẳng phải nó đã từng nói là ghét nhất mấy công việc dính dáng đến máu me này còn gì? Em đã lúc nào nghe thấy nó nhắc đến việc về sau muốn học y chưa?” Kỉ Bồi Văn hỏi vợ.
“Trước nay chưa nghe bao giờ.” Từ Thục Vân lắc đầu. “Ai chà, cũng may mà trường Y trong đại học mình tuy không đọ được với khoa của anh, thế nhưng cũng không tệ, đừng có ép con quá anh ạ”.
Cơ sự đã đến nước này, ngoài ngậm đắng nuốt cay mà đồng ý ra, Kỉ Bồi Văn cũng chẳng còn lựa chọn nào hay hơn nữa, và như thế, Kỉ Đình đã trở thành lính mới của trường Y thuộc Đại học G, từ cấp ba lên đến đại học, cái khác biệt đối với cậu chỉ là chuyển từ khu trường chuyên sang hai dãy lầu nho nhỏ ở khu Đông của trường mà thôi.
Trong thời gian này, Chỉ An và Chỉ Di cũng đã tốt nghiệp trung học, kết quả thi cấp hai của Chỉ An rất tốt, cô bé đã trúng tuyển vào trường Ngũ Trung, hệt như con ngựa hoang thoát khỏi dây cương. Thành tích của Chỉ Di lại không được tốt lắm, vẫn còn kém mức xét tuyển vào trường chuyên cấp ba tới hơn chục điểm, có điều vì cô bé là con em giáo viên trong trường, thế nên chuyện vào cấp ba cũng không gặp khó khăn gì mấy.
Trước khi khai giảng đại học, Kỉ Đình có gặp Trần Lang một lần, khi ấy cậu nghe nói Trần Lang cũng đã trúng tuyển vào một trường trọng điểm ở khu Đông, đúng là oan gia lại đụng đầu ngõ hẹp, hai người cũng chào hỏi qua loa mấy câu.
“Chúc mừng cậu thi đỗ vào trường tốt”, Kỉ Đình nói với cậu ta.
Trần Lang cười cười, vẻ không bận tâm cho lắm, “Chắc là tôi cũng nên chúc mừng cậu nhỉ, thi đỗ điểm cao vào Đại học G, cũng không tồi chút nào”.
Kỉ Đình làm như không nghe thấy gì, lúc Trần Lang bước ngang qua người, cậu mới lên tiếng hỏi, “Cậu ra đấy học, Chỉ An nói thế nào?”. Cậu biết, quan hệ giữa Chỉ An với Trần Lang bấy lâu nay vẫn khá thân thiết, hai người thường vác bộ đồ vẽ sánh bước bên nhau. Cô nói cô cần người yêu cô, thì đương nhiên cô cũng hy vọng Trần Lang sẽ ở bên cạnh cô.
“Chỉ An?” Trần Lang lộ ra nụ cười đượm vẻ trêu chọc đặc trưng. “Tôi tưởng là cậu còn rõ hơn tôi chứ, con bé đương nhiên sẽ không nói năng gì, bởi vì nó chẳng cần ai hết.”
Lúc Kỉ Đình còn đang đờ ra, cậu ta bồi thêm một câu, “Có lẽ là cậu cũng chẳng đặc biệt gì hơn đâu, ông anh Kỉ Đình ạ”.
Trần Lang đã đi rất lâu rồi, Kỉ Đình vẫn còn đứng ngơ ngẩn, cậu nhớ lại những trò nghịch phá hồi nhỏ của Chỉ An. Cô bé luôn thích giành giật những món đồ chơi yêu thích của người khác, rồi quên bẵng đi chẳng còn mảy may nhớ đến. Có lẽ khi lớn lên cô bé cũng chỉ đổi sang loại đồ chơi khác mà thôi, cách chơi thì chẳng khác gì. Cậu thì có gì đặc biệt hơn đây, cô bé chỉ ưa thích những trò tai quái, trong khi cậu thậm chí còn chẳng phải là một đối tượng vui đùa hoàn hảo, vậy nên với cậu, cô bé chẳng tỏ ra lạnh nhạt cũng không nồng nhiệt, đến cả việc cô bé đăng ký vào Ngũ Trung, cậu cũng là người cuối cùng được biết. Cậu tự đánh giá mình là một người vô cùng bình thường, thế giới của cậu nhạt nhẽo cô quạnh, mãi mãi chẳng thể so được với cái thế giới rực rỡ sắc màu của cô bé, cho dù là vậy, cậu cũng không cam lòng làm một món đồ chơi.
Trần Lang ra đi, thế giới của Chỉ An dường như cũng xóa bỏ luôn sự tồn tại của con người này, bên cạnh cô bé thiếu gì người bù lấp vào chỗ trống ấy. Tuy Trần Lang đi rồi, nhưng sở thích mà cô bé có được từ cậu ta vẫn tiếp tục kéo dài, bôi bôi xóa xóa thỏa thuê đã trở thành công việc mà cô bé say mê nhất. Đổ bao nhiêu thời gian vào việc vẽ vời, cô bé cũng ít quậy phá hơn, đối với bố mẹ cô, đây quả là chuyện mong bấy lâu chẳng được, bác Kỉ Bồi Văn vốn xưa nay cưng nựng cô bé càng chiều chuộng, tặng ngay cho cô một hộp đủ loại dụng cụ vẽ vời. Cô bé vừa vào cấp ba đã nội trú trong trường, cuối tuần mới về nhà, có khi cuối tuần cũng chưa chắc đã về, mà nếu về thì nhất định sẽ vác theo cả đám đồ nghề ấy, thế nên Kỉ Bồi Văn bèn bàn bạc với ông bạn, cứ để cô bé tung tẩy vẽ vời thế này thì không ổn, hiếm khi cô bé đam mê cái gì đến thế, chi bằng đàng hoàng mời hẳn một vị giảng viên ở Học viện Mỹ thuật về kèm cặp cho cô bé. Cố Duy Trinh và Uông Phàm suy tính một hồi, cuối cùng cũng đồng ý. Họ nhờ người tìm một vị giảng viên có tuổi đang giảng dạy Mỹ thuật hiện đại trong khoa Nghệ thuật, cứ cuối tuần lại đến dạy kèm cho Chỉ An một buổi. Lần này Chỉ An không cự nự gì, tuần nào cũng ngoan ngoãn mò về, cô bé rất hiếm khi chuyên chú vào một việc lâu đến vậy, đến bố mẹ cô cuối cùng cũng chịu tin rằng cô thực sự ham thích hội họa.
Đợt phụ đạo này kéo dài được gần một tháng, cuối cùng vị giảng viên già cả ấy đành bất lực tìm gặp Cố Duy Trinh, vừa mở miệng đã thốt lên một cậu, “Ông Cố ạ, xem chừng cái việc dạy kèm này không cần tiếp tục nữa đâu, có khi ông phải vời đến bậc thầy khác cho tiểu thư nhà ta thôi”. Cố Duy Trinh tuy đã có sự chuẩn bị về tâm lý, thế nhưng vẫn vô cùng kinh ngạc, vội vàng hỏi ngay duyên cớ, hóa ra vị giáo sư già này trung thành theo lối dạy từ lý luận, mục đích là xây dựng căn bản vững vàng cho cô bé, chí ít thì cũng bồi dưỡng cái ý thức thẩm mỹ có uốn nắn nhất định, ai ngờ qua lại vài lần, Chỉ An đã tỏ ra vô cùng chán ngán với mớ lý luận của ông thầy, có lần quan điểm của hai thầy trò trái ngược nhau, ông giáo sư già đương nhiên sẽ khăng khăng ý kiến của mình, cô bé đang lúc tức tối buột miệng nói, “Cái mớ lý luận của thầy là đồ bỏ đi!”. Người ta dạy dỗ vô số học trò, nào đã bao giờ gặp phải đứa ngông cuồng láo lếu thế này, vậy nên trong cơn thịnh nộ lập tức giã từ ghế gia sư.
Đã đến nước này, Cố Duy Trinh chẳng còn mặt mũi nào mà nài ép giữ chân ông thầy, chỉ đành rối rít xin lỗi, lúc về nhà thì điên tiết không để đâu cho hết, quát mắng Chỉ An một trận dữ dội, Chỉ An chẳng hề tỏ vẻ ăn năn hối lỗi, chỉ cười nhạt mà nói rằng, “Con bảo cái mớ lý luận của thầy ấy là đồ bỏ đi cũng đâu có gì là sai, thầy ấy toàn nói những lời nhảm nhí, có lôi ra được một tác phẩm nào làm người ta tâm phục khẩu phục đâu cơ chứ”.
Cố Duy Trinh tức điên người, mắng rằng cô mới tí tuổi đầu mà đã ngông nghênh, đúng là không biết trời cao đất dày ra sao nữa. Cô bé không biết sợ là gì còn cãi lại một câu, “Ông già đấy tuổi tác đâu có xứng với trình độ, đầu óc mụ mẫm hết cả, đúng là cả đời sống phí hoài”.
Trông thấy bàn tay Cố Duy Trinh giơ lên chực giáng xuống, Chỉ Di bèn xông vào, nhất quyết lôi Chỉ An ra, sau đó nói với bố, “Bố ơi, mấy người nhà mình không hiểu hội họa, những lời em Chỉ An nói chưa chắc đã không đúng đâu”.
“Vẽ vời là một chuyện, làm người lại là chuyện khác, bố chỉ mong một điều là con gái con đứa như em con đừng có ngông cuồng như thế”. Sự can thiệp của Chỉ Di khiến ông bố Cố Duy Trinh đang tức sôi máu bình tĩnh đi ít nhiều, bàn tay đang giơ lên cũng đã buông xuống. Nghe thấy Chỉ An cười nhạt một tiếng, ông chỉ thẳng vào mặt cô mà bảo, “Mày cút về trường cho tao, không có việc gì thì đừng để tao phải nhìn thấy mày nhiều, cũng đừng làm tao phải điên tiết”.
Trên đường Chỉ An quay trở lại trường, Chỉ Di tiễn em ra bến xe. Lúc đợi xe, cô bé bảo với em, “Em việc gì cứ phải cứng đầu cứng cổ với người lớn như vậy, bố tức giận đến thế này, cũng chẳng có gì hay cho em đâu”.
Chỉ An dõi mắt về hướng xe chạy tới, một hồi lâu, mới cất tiếng, “Chính là em muốn chọc cho bố tức giận đến thế mà”.