Số lần đọc/download: 3364 / 225
Cập nhật: 2020-06-15 16:51:19 +0700
Phần Xii Cây Thanh Lương Trà Ngọt Ngào
Các gia đình của du kích quân đã đi theo đoàn quân từ lâu trên các chiếc xe ngựa chở con cái và vật dùng.
Bám theo đoàn xe ngựa là vô số các gia súc, chủ yếu là bò, có đến mấy ngàn con.
Cùng sống với vợ con du kích ở trong trại có một nhân vật mới xuất hiện tên là Dlydarikha hoặc Kubarikha một người vợ lính, một y sĩ thú y chuyên nghiệp còn bí mật làm nghề phù thủy.
Mụ đội chiếc mũ chào mào lệch sang một bên, mặc loại áo capốt màu vỏ đậu của bộ binh Vương quốc Scotland mà nước Anh trang bị cho Tổng Tư lệnh Konchak, nhưng mụ quả quyết với mọi người rằng hai thứ ấy mụ cắt khâu tù binh phục của một tên lính bị bắt, và tựa hồ Hồng quân đã giải thoát mụ khỏi nhà từ trung tâm ở thành phố Kegiem, nơi Konchak đã giam giữ mụ chả rõ vì lý do gì.
Lúc này, quân du kích đang đóng trại ở địa điểm mới. Người ta dự kiến đây sẽ chỉ là nơi dừng chân tạm thời, trong lúc chờ thám thính toàn bộ khu vực lân cận và chọn được địa điểm thích hợp, an toàn hơn cho giai đoạn trú đông. Nhưng tình hình sau đó diễn biến khác đi đã buộc họ phải đóng trại ở đây suốt mùa đông.
Địa điểm mới này chẳng giống chút nào so với khu Mõm Cáo mà họ rời bỏ cách đây chưa lâu. Đây là một khu rừng taiga rậm rạp, hiểm trở, một phần gần đường cái quan, còn phía kia là rừng ngút ngàn, vô tận. Những ngày đầu, khi bộ đội dựng lều trại và sắp xếp nơi ăn ở, Zhivago được rảnh rang hơn, chàng đi sâu vào rừng, thám hiểm một vài hướng và nhận thấy rất dễ bị lạc trong rừng. Có hai chỗ khiến chàng chú ý và ghi nhớ trong đợt thám hiểm đầu tiên này.
Một ở bên lối ra của trại và của khu rừng. Rừng cây độ này đã trụi lá, nên người ta có thể nhìn suốt qua như qua một chiếc cổng mở toang. Chỗ ấy có một cây thanh lương trà rất đẹp, màu lá hung hung, mọc đơn độc, là cây duy nhất không bị rụng lá giữa ngàn cây. Nó mọc trên cái gò nhỏ, nổi hẳn phía trên lớp đất thấp ẩm ướt và chĩa cao lên bầu trời màu xám chì cuối thu những chùm hạt cứng xòe ra như tấm mộc nhỏ.
Những chú chim nhỏ, lông sặc sỡ như bình minh sương giá, các chú sẻ ngô và hồng tước đậu trên, cây thanh lương trà, thong thả lựa những hạt lớn nhất mà mổ, rồi nghển đầu, vươn cổ ra nuốt một cách khó khăn.
Có một sự gần gũi sống động nào đó giữa chim và cây. Tựa hồ cây thanh lương trà đã nhìn thấy tất cả những cái đó, khăng khăng cự tuyệt một hồi lâu, rồi mới chịu thua, co mình lại trước bầy chim nhỏ, và nhượng bộ vạch áo, chìa vú như mẹ cho con bú. "Thôi được, các con nhiễu sự quá. Đây thì ăn đi, ăn đi ăn cho no nê đi". Rồi nó cười.
Chỗ thứ hai còn tuyệt hơn, nằm trên một cái gò cao mà một phía là sườn dốc dựng đứng. Tưởng chừng dưới chân sườn dốc phải thấy một phong cảnh khác hẳn trên đỉnh gò, một con sông, hoặc một cái khe sâu, hay một bãi cỏ dày chả ai cắt chẳng hạn. Thế nhưng dưới ấy cũng chả khác gì trên này, có điều là ở dưới độ sâu chóng mặt, các ngọn cây cách xa chỗ ta đứng trên gò. Chắc là hậu quả của một vụ đất sụt.
Tựa hồ cánh rừng âm u và uy nghi ấy đang nói với lên mây, bỗng bị sẩy chân sa xuống vực và lẽ ra phải sụt sâu xuống lòng đất, nhưng đến giây phút cuối cùng lại thoát hiểm nhờ có phép màu, bám được chân trên mặt đất, không hề sây sát suy suyển gì, nên bây giờ vẫn bình yên rì rào ở dưới kia.
Song cánh rừng trên gò cao ấy tuyệt vời nhờ ở điểm khác. Toàn bộ mép gò được viền bằng những khối đá hoa cương thẳng đứng, như các phiến đá bằng phẳng lát quanh ngôi mộ thời tiền sử Lần đầu tới chỗ đó, Zhivago quả quyết rằng đây hoàn toàn không phải là tác phẩm của thiên nhiên, mà mang dấu ấn bàn tay con người. Rất có thể thời cổ xưa, đây là nơi thờ thần của một bộ lạc nào đó, nơi họ đến tế lễ và dâng hiến vật. Chính tại đây, vào một buổi sáng u ám rét mướt, người ta đã thi hành án tử hình đối với mười một tên dính dáng nhiều nhất vào âm mưu phản loạn và hai y tá nấu rượu trái phép.
Hai mươi người được chọn trong số những chiến sĩ du kích trung kiên nhất với cách mạng, mà hạt nhân là tiểu đội bảo vệ ban tham mưu, đã dẫn bọn kia tới đây. Đội áp giải đi sát nhau thành một vòng bán nguyệt quanh đám tội phạm, lăm lăm súng trong tay, dồn thúc bọn kia lên chỗ mép gò cao, nơi chúng không có lối thoát nào hết, trừ phi nhảy xuống vực sâu Những cuộc hỏi cung, sự giam cầm lâu dài với bao sự nhục mạ đã khiến bọn tội phạm mất hết vẻ con người. Râu tóc bờm xờm, chúng trở nên đen đủi, tiều tụy và hốc hác, trông như các bóng ma. Chúng đã bị tước khí giới ngay lúc bị bắt, không ai nghĩ đến chuyện khám xét chúng một lần nữa trước khi xử bắn. Làm như vậy có vẻ quá ti tiện và giễu cợt đối với những kẻ kề bên cái chết.
Bất thình lình Rzhanitski, một người bạn của Vdovichenko đang đi bên gã, và cũng là một phần tử vô chính phủ kỳ cựu như gã kia, nổ liền ba phát súng vào tốp chiến sĩ áp giải, nhắm vào Sivobliu. Rzhanitski là một thiện xạ, nhưng hắn run tay vì hồi hộp nên bắn trượt. Các chiến sĩ áp giải không lao vào đánh đập hoặc hạ sát Rzhanitski để trả lời hành động mưu sát của hắn, trước khi có lệnh chỉ huy, cũng vẫn vì sự tế nhị và thương xót mấy người đồng chí cũ, Rzhanitski vẫn còn ba viên đạn nữa trong khẩu brawning tự nổ phát thứ tư trúng vào chân phạm nhân Pascolia.
Y tá Pascolia rú lên, ôm lấy chân, quỵ xuống và bắt đầu luôn miệng rên rỉ vì đau. Hai tên đi cạnh là Sanka và Dakha nâng y dậy và xốc nách y dìu đi để khỏi bị những đứa bạn khác, trong cơn kinh hoàng chung, giày xéo lên người y, bởi chẳng ai còn chút tỉnh táo gì nữa. Pascolia không thể bước bằng chân bị thương, nên phải nhảy lò cò hoặc đi cà nhắc tới mép đá nơi bọn phạm nhân bị dồn tới. Y cứ luôn mồm la ôi ối.
Tiếng rên la không giống tiếng người của y có sức lây lan. Như theo hiệu lệnh chung, cả đám phạm nhân không còn kiềm chế được nữa. Một cảnh tượng quái dị bắt đầu. Tiếng nguyền rủa, cầu khẩn, than thân trách phận, văng tục, tuôn ra như mưa.
Gã thiếu niên Teresa lột cái mũ lưỡi trai viền vàng của học sinh trung học mà gã vẫn còn đội, quỳ xuống mà bò lùi theo đám phạm nhân về phía mép đá khủng khiếp. Gã cứ vừa bò vừa gục đầu bái lạy những chiến sĩ áp giải, khóc sướt mướt, nửa tỉnh nửa mê van xin họ:
- Các anh ơi, em biết mình có tội rồi, hãy tha cho em, không bao giờ em dám tái phạm nữa. Đừng giết em. Đừng bắn em. Em chưa sống được mấy tí, em chết thế này thì trẻ quá. Cho em sống thêm ít ngày nữa, để em được nhìn thấy mẹ em, người mẹ yêu quý của em, dù chỉ một lần nữa thôi. Tha thứ cho em, các anh ơi, hãy thương em. Em xin hôn chân các anh. Em sẽ đi quẩy nước cho các anh. Ối giời đất ơi, khổ thân con, khổ thân con, chết con rồi, ơi mẹ ơi là mẹ ơi.
Từ giữa đám phạm nhân, có kẻ kêu lên thảm thiết, không rõ là tên nào:
- Các đồng chí yêu quý, các đồng chí trung hậu ơi! Sao nỡ thế này? Các đồng chí hãy nghĩ lại đi! Chúng ta đã cùng nhau đổ máu trong hai cuộc chiến. Chúng ta đã cùng bảo vệ và chiến đấu cho cùng một lý tưởng kia mà. Xin hãy lượng tình thả chúng tôi ra. Chúng tôi sẽ suốt đời ghi lòng tạc dạ sự tốt bụng của các đồng chí, chúng tôi sẽ tỏ ra xứng đáng, sẽ chứng minh bằng hành động. Các đồng chí điếc hay sao mà không thèm trả lời? Ôi, các người thật quá nhẫn tâm.
Có người lớn tiếng chửi Sivoblui:
- Này tên Judas, thằng phản Chúa kia! Chúng tao phản bội gì mày hả? Chính mày, đồ chó, mới là kẻ phản bội ba lần, sao mày không chết đi! Mày từng thề trung thành với Sa hoàng, rồi mày lại giết chết Sa hoàng hợp pháp của mày, mày thề trung thành với chúng tao, rồi mày lại bán rẻ chúng tao. Mày hãy cút đi mà hôn thằng quỷ sứ Liveri của mày trước khi mày phản bội nó. Rồi thế nào mày cũng sẽ bán rẻ nó thôi.
Trước lúc chết, Vdovichenko vẫn giữ được bình tĩnh. Hắn ngẩng cao đầu với mớ tóc bạc bay phất phơ trước gió và khuyên Rzhanitski bằng giọng nói oang oang như một chiến sĩ công xã nói với một chiến sĩ công xã khác:
- Đừng tự hạ mình như thế Rzhanitski! Lời kháng nghị của cậu không làm chúng mủi lòng đâu. Tụi Oprichnich 1 mới này, bọn đao phủ lành nghề của nhà tù kiểu mới này sẽ chẳng hiểu nổi cậu đâu. Nhưng chớ ngã lòng. Lịch sử sẽ xét lại tất cả. Hậu thế sẽ bêu xấu tụi Buốcbông 2 của chế độ chính ủy và những việc làm đen tối của chúng. Chúng ta chết như những người tử vì đạo ở buổi bình minh của cách mạng thế giới. Cuộc cách mạng tinh thần muôn năm! Chủ nghĩa vô chính phủ thế giới muôn năm!
Một loạt hai mươi phát súng, được bắn theo hiệu lệnh ngầm nào đó chỉ riêng tốp chiến sĩ áp giải hiểu được với nhau, đã quật ngã một nửa số phạm nhân, gần như giết chết ngay thẳng cẳng. Loạt súng thứ hai kết liễu mấy tên còn lại. Kẻ giãy giụa lâu nhất là gã thiếu niên Teresa Galudin, nhưng rồi cuối cùng gã cũng nằm cứng đơ.
2.
Người ta không từ bỏ ngay ý định rời căn cứ trú đông tới một địa điểm khác, xa hơn về phía Đông. Một thời gian dài các nhóm trinh sát vẫn tiếp tục đi tìm hiểu tình hình phía bên kia đường cái quan, dọc theo đường thủy phân giữa Vysck và Kegiem. Liveri thường rời trạm đi sâu vào vùng taiga, để bác sĩ ở nhà một mình.
Nhưng di chuyển bây giờ đã muộn và cũng chẳng có chỗ nào thích hờp. Thời kỳ này du kích đang phải chịu những thất bại nặng nề nhát. Trước khi bị tiêu diệt hoàn toàn, bọn bạch vệ quyết định giáng một đòn kết liễu vĩnh viễn các đơn vị không chính quy ở trong rừng, nên chúng đã tập trung toàn bộ lực lượng để bao vây họ. Vòng vây bốn phía cứ siết chặt dần. Tình thế của du kích sẽ không thể cứu vãn, nếu bán kính vòng vây thu hẹp hơn nữa. Nhưng bể rộng mênh mông của cuộc bao vây đã cứu họ. Trước ngưỡng cửa mùa đông, kẻ thù không đủ lực lượng trải dài khắp miền taiga bao la hiểm trở và siết chặt vòng vây hơn.
Trong bất cứ trường hợp nào, du kích cũng không thể di chuyển tới bất cứ đâu. Dĩ nhiên, giả sử có một kế hoạch di chuyển hứa hẹn các ưu thế quân sự nhất định, thì cũng có thể chọc thủng vòng vây, vừa giao chiến vừa tiến tới dịa điểm mới.
Nhưng một kế hoạch như thế chưa được soạn thảo. Mọi người đều kiệt sức. Các cán bộ chỉ huy cấp dưới tự họ cũng đã mất tinh thần, nên chả còn uy tín gì với các chiến sĩ dưới quyền. Các cán bộ chỉ huy cấp trên thì tối nào cũng họp hội đồng quân sự, đưa ra những giải pháp trái ngược nhau.
Đành phải từ bỏ việc tìm kiếm địa điểm trú đông khác để củng cố căn cứ hiện tại giữa chốn rừng sâu này. Vào mùa đông, do tuyết dày, quân địch sẽ không thể mò tới đây, vì chúng không đủ dụng cụ trượt tuyết. Chỉ cần củng cố hầm hào và tích trữ lương thực càng nhiều càng hay.
Bixyurin phụ trách hậu cần đã báo cáo về tình hình thiếu bột mì và khoai tây gay gắt. Tuy nhiên gia súc còn rất nhiều nên Bixyurin dự kiến rằng mùa đông này thực phẩm chính sẽ là thịt và sữa.
Thiếu quần áo ấm một số anh em du kích ăn mặc phong phanh. Họ đã giết hết chó trong căn cứ. Những người thạo nghề thuộc da đã lấy da chó may áo tylup cho anh em du kích, loại áo mặt trong là da, mặt ngoài là lông.
Bác sĩ Zhivago không được cung cấp phương tiện chuyên chở nữa. Xe ngựa bây giờ được dùng cho những nhu cầu quan trọng hơn. Ở chặng di chuyển cuối cùng, người ta đã phải dừng cáng để khiêng những thương bệnh binh nặng nhất suốt bốn mươi dặm đường.
Tủ thuốc cửa bác sĩ Zhivago chỉ còn kí- ninh, iốt và muối glaube. Iốt cần dùng cho việc giải phẫu và băng bó lại ở dạng tinh thể phải đem hoà tan trong rượu cồn. Người ta bắt đầu hối tiếc dạo trước đã thủ tiêu việc nấu rượu, bèn cho gọi những người trước đây từng dính vào vụ nấu rượu trái phép lại, số người này được tha bổng vì nhẹ tội nhất, và nay được giao nhiệm vụ sửa lại những dụng cụ hư hỏng hoặc làm bộ đồ mới để cất rượu. Việc nấu rượu mạnh được phục hồi nhằm phục vụ hoạt động y tế. Mọi người trong căn cứ chỉ lắc đầu nhấm nháy mắt với nhau. Tệ nhậu nhẹt say sưa lại tái diễn, càng làm tăng thêm tình trạng sa sút tinh thần trong căn cứ.
Người ta cất được loại rượu mạnh đến một trăm độ. Chất lỏng nặng độ ấy hoà tan rất dễ dàng các tinh thể iôt và các loại thuốc viên khác. Chính nhờ cách ngâm vỏ cây kí- ninh vào loại rượu mạnh đó mà ít lâu sau, vào mùa đông, bác sĩ Zhivago đã chữa trị được bệnh sốt phát ban mới tái phát cùng với thời tiết giá rét.
3.
Trong những ngày ấy, bác sĩ có gặp Palyk và gia đình anh ta. Suốt mùa hè vừa rồi, vợ con anh ta đã phải long đong vất vả trên những con đường làm bụi, trong cảnh màn trời chiếu đất như bao kẻ tị nạn khác. Họ khiếp đảm vì những cảnh tượng đáng sợ từng phải chứng kiến và nơm nớp đợi chờ những nỗi truân chuyên mới. Tình cảnh lang thang dãi dầu để lại dấu vết khó phai mờ trên cơ thể họ. Người vợ và ba đứa con của Palyk, một trai, hai gái, đều có mái tóc sáng, cứng kèo, cháy nắng và hai hàng lông mày rậm trắng bệch trên bộ mặt rám nắng đen đủi, sạm màu sương gió. Trong khi mấy đứa con còn quá bé để mang những nét phong trần nào đấy, thì khuôn mặt người mẹ lại mất hết sắc màu của cuộc sống, những nỗi hiểm nguy và chấn động từng trải qua chỉ để lại vẻ cân xứng khô héo của đường nét, cặp môi mím chặt mỏng như sợi chỉ và vẻ bất động căng thẳng của một nỗi đau khổ luôn sẵn sàng tự vệ
Palyk yêu thương vợ con, nhất là ba đứa con, đến mức quẫn trí, và với một sự khéo tay khiến Zhivago phải ngạc nhiên, anh ta dùng một góc lưỡi rìu được mài sắc đẽo gọt gỗ thành các thứ đồ chơi cho con - thành các chú thỏ, chú gấu và gà trống. Khi vợ con mới đến, Palyk phấn khởi, vui lên đôi chút, sức khỏe khá dần. Nhưng mới nghe tin, rằng thế nào người ta cũng tách các gia đình ra khỏi dịch vụ du kích, vì sự hiện diện của họ có ảnh hưởng xấu tới tinh thần trong căn cứ, rằng ban chỉ huy sẽ đưa hết số thường dân vô dụng cùng đoàn xe chớ dân tị nạn đến một địa điểm khác xa hơn, có lực lượng bảo vệ hẳn hoi. Người ta nói về sự phân ly ấy nhiều hơn là thiết thực chuẩn bị cho nó. Bác sĩ Zhivago không tin rằng biện pháp ấy có khả năng thực hiện. Nhưng Palyk thì đâm ra ủ dột và lại thấy lũ ma trơi ngày trước hiện ra.
4.
Ở ngưỡng cửa mùa đông, có mấy nguyên nhân làm cho tình hình trong căn cứ bất bình thường, đầy những lo âu, bất định phức tạp, rắc rối, lạ lùng và vô lý.
Bọn bạch vệ đã hoàn tất kế hoạch bao vây đoàn quân du kích. Cầm đầu chiến dịch bao vây là các tướng Visyn, Kvadri và Basalygo. Ba viên tướng này khét tiếng vì cứng rắn và cương quyết. Chỉ riêng tên của chúng đã làm khiếp vía vợ, con du kích trong khu căn cứ và số dân cư còn lại làng quê nằm trong vùng địch kiểm soát.
Như đã nói, thực khó tưởng tượng địch có cách gì khả dĩ siết chặt thêm vòng vây. Về điểm này, có thể yên tâm. Tuy nhiên, cũng không thể thụ động trước cuộc bao vây ấy. Thái độ phó mặc hoàn cảnh sẽ tăng thêm nhuệ khí cho kẻ thù. Dẫu cái bẫy không nguy hiểm, cũng nên thoát ra để biểu dương sức mạnh quân sự của mình.
Nhằm mục đích ấy, người ta tách ra một lực lượng lớn và tập trung ở vòng cung phía Tây. Sau nhiều ngày giao tranh ác liệt, du kích đánh bại quân địch, chọc thẳng vòng vây ở khúc đó và thọc vào sau lưng địch.
Khoảng trống do mũi dùi chọc thủng này tạo ra đã mở đường vào miền rừng taiga, tới khu căn cứ du kích. Từng đoàn người tị nạn mới đổ xô vào đó. Dòng người tị nạn đông đảo ấy không chỉ bao gồm các thân nhân của anh em du kích. Toàn bộ nông dân trong vùng hoảng sợ trước các biện pháp trừng phạt của bọn bạch vệ, liền rời bỏ xóm làng tan hoang của mình và tự nhiên hướng tới đoàn quân nông dân ở rừng mà họ coi là lực lượng bảo vệ họ.
Nhưng trong khu căn cứ, du kích đang cố tìm cách thoát ra khỏi thân quyến của mình chưa xong, thì còn bụng dạ nào lo cho những người xa lạ hoặc mới tới nữa. Họ bèn ra chặn dòng người tị nạn, hướng dẫn dân đi về phía nhà máy xay ở khu vực rừng thưa Chilin nằm trên bờ con sông nhỏ Chilimca.
Ở đó, xung quanh nhà máy xay, có nhiều trại ấp, dân địa phương gọi chúng là ấp Dvory. Đấy chính là nơi du kích trù tính làm chỗ trú đông cho dân tị nạn và đặt kho lương thực dành cho họ.
Trong khi giải quyết các việc đó, tình hình vẫn diễn biến theo cách của nó mà ban chỉ huy khu căn cứ không theo kịp.
Thắng lợi giành được đang trở nên phức tạp, sau khi để cho lực lượng du kích đánh bại chúng lọt vào vùng sau lưng, bọn bạch vệ liền khép chặt lại vòng vây như cũ. Các đơn vị du kích thọc vào hậu phương địch nay bị cắt mất đường trở về khu căn cứ trong rừng taiga.
Dòng người tị nạn cũng gây chuyện rắc rối. Giữa miền taiga mênh mông, người ta rất dễ không trông thấy nhau. Số du kích được cử ra đón đường không gặp dân tị nạn, trở về tay không, trong khi cánh phụ nữ cứ dồn nhau đi sâu vào rừng taiga như thác lũ, và dọc đường đi qua, họ hoàn thành những kỳ công khéo léo, họ đốn cây mở lối, họ bắc cầu mà đi.
Tất cả những chuyện đó đều trái với dự kiến của ban tham mưu du kích và làm đảo lộn hoàn toàn các ý định cùng kế hoạch của Liveri.
5.
Vì lẽ đó mà Liveri giận sôi lên vì khi đang đứng với Svirit gần đoạn đường cái quan chạy vòng một quãng vào rừng taiga. Trên mặt đường, các cán bộ chỉ huy cấp dưới của Liveri đang tranh luận, xem có nên cắt hay không những dây điện thoại dọc theo con đường. Tiếng nói quyết định thuộc về
Liveri, vậy mà anh ta lại đang vướng chuyện với cái tay thợ săn lang thang này. Liveri giơ tay vẫy vẫy ra hiệu với nhóm cán bộ kia, rằng họ hãy chờ anh ta một lát, anh ta sắp đến chỗ họ ngay bây giờ.
Ít lâu nay, Svirit không thể chịu được việc kết án tử hình Vdovichenko, một người chả có tội gì, ngoài việc anh ta có ảnh hưởng cạnh tranh với uy tín của Liveri, một ảnh hưởng gieo mầm chia rẽ trong khu căn cứ. Svirit muốn từ bỏ hàng ngũ du kích để sống cuộc đời tự do, riêng biệt như cũ. Nhưng sự việc không đơn giản như vậy. Anh ta đã ở với họ, đã bán mình cho họ, nếu bây giờ anh ta bỏ du kích mà ra đi, hẳn anh ta sẽ phải chia sẻ số phận của mười một kẻ bị xử bắn hôm nào.
Thời tiết đáng sợ hết mức tưởng tượng. Gió cứ giật từng cơn, thổi tạt những đám mây rách mướp, đen như mồ hóng, bay gần sát mặt đất. Đột nhiên từ các đám mây ấy tuyết bắt đầu rơi xuống lả tả, nóng nảy vội vã như điên khùng.
Phút chốc, chân trời và mặt đất đều bị phủ một tấm màn trắng. Một phút sau, tấm màn ấy chảy tan và tiêu tán hết. Đất lộ ra, đen như than, dưới bầu trời tối đen với những đám mưa rào xiên xiên ở phía xa. Đất đã đầy ứ nước, không muốn nhận thêm nữa. Những lúc quang đãng, các đám mây đen giãn ra, tựa hồ cởi mở toang các cửa sổ loang loáng ánh trắng lạnh lẽo cho thoáng khí Nước ứ đọng vì đất không chịu thấm, từ dưới này cũng hưởng ứng bằng cách mở rộng các cửa sổ ao hồ loang loáng như trên trời.
Hơi nước ẩm ướt trượt như khói qua đám lá nhọn của rừng thông, không thấm được vào lá, như nước không thấm qua lớp vải dầu. Các đường dây điện thoại treo các hạt mưa như các chuỗi cườm, hạt nọ kế tiếp hạt kia mà không rơi.
Svirit thuộc nhóm du kích được cử vào sâu trong rừng taiga để đón đường đám phụ nữ tị nạn. Lúc này, anh ta muốn kể cho vị chỉ huy biết những gì anh ta từng chứng kiến. Về cảnh nhốn nháo hỗn loạn do các mệnh lệnh trái ngược nhau và phi thực tế gây ra. Về những hành động thất đức của một số mụ đàn bà yếu ớt và hung dữ nhất. Có những người mẹ trẻ dìu con thơ cuốc bộ, lưng đeo đủ thứ bao, đẫy, túi xách, kiệt sức cạn sữa và hoá rồ, bèn quẳng con xuống đường, đổ hết các túi bột và quay trở về làng cũ. Thà chết ngay còn hơn chết dần chết mòn vì đói khát. Thà sa vào tay giặc còn hơn rơi vào nanh vuốt thú rừng.
Những người khác, khỏe mạnh nhất, thì tỏ ra có sức chịu đựng và lòng can đảm hơn cả bọn đàn ông. Svirit còn rất nhiều tin tức khác Anh ta muốn báo trước cho vị chỉ huy về nguy cơ đang đe dọa khu căn cứ, nguy cơ nổ ra một cuộc nổi loạn mới, nghiêm trọng hơn cái âm mưu làm phản đã bị đập tan: nhưng Svirit lại lúng tứng không tìm được lời, bởi vì Liveri sốt ruột cứ luôn miệng cáu kỉnh hối thúc anh ta, khiến anh ta líu lưỡi lại.
Còn Liveri, sở dĩ liên tục ngắt lời Svirit một phần là vì ngoài đường mọi người đang đợi và vẫy gọi anh ra, nhưng chủ yếu là vì suốt hai tuần qua anh đã được nhiều người báo tin tương tự nên anh đã biết tất cả những chuyện ấy.
- Đừng giục giã tôi, đồng chí chỉ huy. Xưa nay tôi vốn vụng nói. Chữ nghĩa nó cứ vướng trong cổ họng khiến tôi nghẹn cả lời. Tôi vừa nói gì nhỉ? À, đồng chí hãy đi coi đám đàn bà tị nạn, giảng giải cho đám đàn bà nhà quê ấy hiểu thế nào là luật pháp. Họ lầm đường lạc lối rồi. Tôi hỏi đồng chí chúng ta là cái gì ở đây? "Tất cả chống Konchak!" hay là đám đàn bà loạn ẩu?
- Nói ngắn thôi, Svirit. Anh có thấy người ta đang gọi tôi không. Đừng có vòng vo quanh quẩn nữa.
- Độ này lại thêm mụ lang băm Dlydarikha nữa. Cóc ai biết con mụ ấy là đứa nào. Mụ luôn mồm tự xưng ta đây là thủ y chuyên chữa bệnh cho súc vật.
- Thú y chứ không phải là thủ y.
- Thì tôi bảo sao? Tôi chả bảo mụ là thủ y, chuyên chữa bệnh gia súc đấy thôi. Nhưng độ này có chữa chạy gì súc vật đâu cái con mụ phù thủy khốn kiếp, cái con mụ đanh đá cá cầy ấy nó toàn giở trò ma giáo làm hư hỏng đám đàn bà tản cư. Mụ bảo họ thế này: "Các người hãy tự trách mình, ai bảo các người vén váy cong đuôi chạy theo cờ đỏ. Lần sau thì cạch đến già nhớ".
- Tôi chưa hiểu anh nói đám đàn bà tản cư nào? Đám vợ con anh em du kích, hay những người nào khác?
Tôi nói là nói cái đám mới đến từ những vùng khác ấy.
- Ơ hay, đã có lệnh bố trí đưa họ đến ấp Dvory, chỗ nhà máy xay Chilim kia mà. Sao họ lại ở đây?
- Ấp với chả ếch. Cái ấp Dvory của đồng chí bây giờ chỉ là một đống tro tàn. Cả nhà máy xay lẫn các trại ấp xung quanh đều cháy rụi rồi. Lúc họ kéo đến đây, họ chỉ thấy bãi sa mạc trơ trụi. Một nửa phát điên, tru lên như chó sói rồi quay trở về với bọn bạch vệ. Những người còn lại thì giật cương kéo cả đoàn xe ngựa về đây.
- Sao, họ vượt qua được cả đầm lầy và rừng sâu à?
- Thế rìu và cưa để làm gì? Những anh em ta cử đi canh giữ họ đã hộ trợ thêm. Họ bảo người ta đã mở được ba mươi dặm đường bằng rìu, bắc cả chục cây cầu, khiếp thật. Còn ai dám gọi là đàn bà chân yếu tay mềm nữa không? Họ có thể làm những việc ta có nghĩ nát óc ba ngày cũng chẳng ra.
- Đồ con lừa! Hay hớm lắm đấy mà khen! Ba mươi dặm đường có chết không! Việc ấy chỉ có lợi cho tụi Visyn và Kvadri. Các mụ ấy đã dọn đường cho chúng tiến vào rừng taiga. Tha hồ thênh thang.
- Chặn lại. Chặn lại. Đồng chí chỉ việc bố trí lực lượng chặn đường là xong.
- Khỏi cần lời khuyên của anh. Để tôi còn liệu.
6.
Ngày ngắn dần. Mới năm giờ chiều đã tối. Lúc trời chập choạng, Zhivago vượt qua đường cái quan ở chỗ cách đây mấy hôm Liveri đã đứng nói chuyện với Svirit. Bác sĩ đang đi về trại Cạnh bãi trống và gò đất, nơi có cây thanh lương trà đánh dấu ranh giới khu căn cứ, chàng nghe thấy tiếng nói tinh nghịch của Kubarikha, "địch thủ" của chàng, như chàng vẫn gọi đùa mụ lang băm - thú y ấy. Địch thủ của chàng đang biểu diễn một bài ca vui nhộn nào đó, thỉnh thoảng lại kêu hí- hí- hí.
Những trận cười tán thưởng chốc chốc khiến mụ ta dừng lời, chứng tỏ có một đám đông cả nam lẫn nữ đang đứng xem.
Sau đó tất cả im lặng. Chắc mọi người đã giải tán hết. Lúc ấy, tưởng chỉ còn một mình, Kubarikha khe khẽ cất tiếng hát theo kiểu khác hẳn, như cho riêng mình nghe.
Zhivago thận trọng dò từng bước trong bóng tôi để khỏi thụt chân xuống chỗ lầy, chàng men theo con đường mòn chạy quanh bãi lầy trước mặt cây thanh lương trà rồi đứng sững như chôn chân tại chỗ. Kubarikha đang hát một bài ca cổ của nước Nga mà chàng chưa nghe bao giờ. Bà ta ứng khẩu ra chăng?
Ca khúc Nga giống như nước trong đập. Tưởng đâu nó im lìm bất động. Song thật ra ở dưới sâu nó đang cuồn cuộn chảy qua thủy môn, và cảnh phẳng lặng trên bề mặt chỉ là huyễn ảnh.
Bằng mọi cách, bằng các điệp cú, các đối ngẫu song song, ca khúc kìm giữ diễn biến của nội dung đang dần dần phát triển. Đến một giới hạn nào đó, nội dung bài hát đột ngột được mở ra và làm ra xúc động thẫn thờ. Sức mạnh của nỗi buồn thương, một sức mạnh cố kìm chế và làm chủ bản thân mình, bộc lộ ra như thế. Đó là ý tưởng điên rồ muốn dùng từ ngữ bắt thời gian ngừng lại.
Kubarikha nửa như hát, nửa như nói:
Có chú thỏ - thỏ con, chạy trên đất trắng
Đất trắng nàng ơi. Ớ ơi, kìa, kìa tuyết rơi
Tuyết rơi trắng xoá, trắng xoá ngàn nơi.
Thỏ chạy một thôi, tới thanh lương trà này
Thanh lương trà, ơi thanh lương trà thấu chăng em.
Lòng em kinh hãi, kinh hãi một phen.
Vết chân thú dữ, thú dữ ngoài khe
Sói lang há miệng, ôi thật gớm ghê.
Hãy thương em với, lấy cành chở che.
Chở che thỏ bé, ơi hỡi thanh lương trà
Thanh lương trà xinh đẹp của em.
Ớ ơi kìa con quạ - quạ đen
Quạ đen hung ác quắp hạt, chị xem.
Đừng cho nó quắp, nó quắp hạt xanh.
Hãy tung hạt đỏ, về phía quê em
Có ngôi nhà nhỏ đứng ở đầu thôn.
Đầu thôn nơi ấy có cửa sổ con.
Người thương người ở đấy, đôi mắt mỏi mòn.
Hãy nói cùng nàng lời ca nồng nàn:
Ta bị cầm tù, lòng dạ héo hon
Đồng đất nước người, đồi núi chon von.
Chí ta đã quyết, lòng ta chẳng sờn
Ta sẽ về, về với người thương.
7.
Kubarikha đang dùng những câu thần chú để chữa bệnh cho con bò cái của Agafia Photievna, gọi tắt là Phatevna, vợ của Palyk. Con bò ốm được lôi ra khỏi đàn, bị buộc sừng vào một thân cây giữa bụi rậm. Chủ của nó ngồi trên một cái gốc cây mới bị đốn, cạnh hai chân trước của con bò, Kubarikha thì ngồi trên cái ghế nhỏ, loại ghế vẫn dùng khi vắt sữa bò, cạnh hai chân sau.
Đàn gia súc đông đúc còn lại chen chúc trong một khóm rừng thưa. Bao quanh tứ phía là rừng thông âm u dựng thành một bức tường những cây thông hình tam giác cao vút như các ngọn núi. Các cành lá ở dưới gốc thông xòe ra tứ bề rất rộng, thành thử trông các cây thông ấy như ngồi phệt xuống đất trên mộ mông khổng lồ.
Ở Sibiri người ta nuôi một giống bò cái Thụy Sĩ từng được giải thưởng. Hầu như con nào trong đàn bò kia cũng đều có cùng một màu lông đen xen các điểm trắng nhất. Chẳng khác gì con người, đàn bò cũng kiệt sức vì thiếu thốn, vì các chuyến đi dài ngày và vì cảnh chen chúc khổ sở. Bị ép sườn con nọ sát vào con kia, lũ bò nổi khùng lên đến mức quên cả mình là giống cái, chúng nhảy dựng như bò đực, phủ lên mông con khác, vất vả kéo những chiếc vú nặng trĩu và mềm nhẽo.
Những con bò bị chúng phủ liều cong đuôi, vùng vằng thoát ra, đạp nát các bụi cây và cành cây, chạy tuốt và sâu trong rừng, khiến các ông già chăn bò vào đám trẻ con phụ việc vừa đuổi theo vừa kêu la inh ỏi.
Và hệt như thế, những đám mây tuyết màu đen trắng cũng bị vây hãm trong cái vòng tròn hẹp mà những ngọn thông vạch trên bầu trời mùa đông phía trên cánh rừng thưa cứ chen lấn nhau một cách hỗn độn, hung hăng nhảy chồm lên và chồng chất đám nọ trên dám kia.
Một đám người tò mò đứng xem cách đó một quãng gây cản trở cho mụ lang vườn. Mụ nhìn họ từ đầu xuống chân bằng ánh mắt dữ tợn. Nhưng nếu thừa nhận rằng bọn họ làm cho mụ phải e dè, thì hoá ra mụ kém cỏi hay sao. Lòng tự ái đã ngăn mụ lại theo cách của người nghệ sĩ biểu diễn, nghĩa là mụ làm ra vẻ không thèm để ý đến bọn họ. Zhivago quan sát mụ từ phía sau đám đông, không để mụ nhìn thấy chàng.
Đây là lần đầu tiên chàng quan sát Kubarikha một cách kỹ lưỡng. Mụ vẫn đội chiếc mũ chào mào của Anh, và mặc chiếc áo capốt màu vỏ đậu của tụi lính can thiệp, cổ áo bẻ ra rất cẩu thả. Vả lại, bằng những nét đam mê âm ỉ và kiêu kỳ, một sự đam mê bộc lộ rõ ràng nơi đầu mày cuối mắt của người đàn bà luống tuổi này, vẻ mặt mụ chứng tỏ rằng mụ bất kể cách ăn mặc của mình.
Riêng sự thay đổi diện mại của vợ Palyk khiến Zhivago kinh ngạc. Chàng hầu như không nhận ra chị ta. Mới có mấy hôm mà chị ta đã già sọm hẳn đi. Cặp mắt thô lố như muốn lòi ra khỏi hốc mắt. Trên cái cổ ngẳng như cổ cò, nổi rõ một đường gân xanh đang đập mạnh. Những nỗi lo sợ thầm kín đã làm cho chị ta tiều tụy đến mức ghê gớm như vậy. Chị ta nói:
- Nó không ra sữa nữa, con bò lành của tôi. Tôi tưởng là tại nó đang ở giữa hai đợt lên sữa, nhưng không, mãi chả thấy nó cho sữa gì cả.
- Giữa hai đợt sữa. Có nhìn thấy đầu vú nó đóng vảy két lại đây không? Tôi sẽ cho nhà chị thuốc lá ngâm mỡ lợn mà xoa. Và dĩ nhiên tôi sẽ niệm thần chú.
- Tôi còn mối lo nữa là ông xã nhà tôi.
- Tôi sẽ cho bùa để anh ta khỏi đi lăng nhăng. Cái đó dễ trị thôi Anh ta sẽ bám riết lấy nhà chị, dứt cũng chẳng ra. Còn mối lo thứ ba là gì, nói nghe nào?
- Nào ông ấy có lăng nhăng lít nhít gì đâu. Giá mê con nào đã tốt. Tai hoạ là ở chỗ ngược lại, ông ấy quá thương yêu và lo lắng cho tôi với bọn trẻ. Tôi biết ông ấy nghĩ gì. Ông ấy cứ nghĩ rằng người ta sắp chia trại làm đôi và gia đình ly tán mỗi kẻ một nơi. Vợ con sẽ rơi vào tay bọn Basalygo mà ông ấy thì ở xa vợ con, không ai che chở cho chúng tôi cả. Quân địch sẽ thích thú tra tấn, hành hạ chúng ta. Tôi biết ông ấy nghĩ thế mà. Chỉ lo ông ấy làm chuyện dại dột.
- Tôi với nhà chị sẽ nghĩ cách giải trừ chuyện đó. Còn mối lo thứ ba, nói đi.
- Chỉ lo con bò với ông xã thôi, không còn gì nữa.
- Thế thì thấm thía gì mà lo cuống lên, cái nhà chị này! Vậy là Chúa thương nhà chị lắm rồi đấy. Có đốt đuốc đi tìm cũng chả gặp người vận đỏ như nhà chị. Có mỗi hai nỗi lo cỏn con, thì một nỗi là anh chồng tử tế rồi. Thế nhà chị tính trả công tôi bao nhiêu về con bò nào?
- Chị muốn bao nhiêu?
- Một ổ bánh mì ngon và chồng chị.
Tiếng cười ồ nổi lên xung quanh.
- Chị chọc tôi?
- Thôi nếu như thế là đắt, thì tôi bớt cho ổ bánh mì. Tôi chỉ cần chồng chị thôi vậy.
Mọi người càng cười dữ hơn.
- Tên nó là gì, không phải tên chồng, tên con bò cơ?
- Con Đẹp.
- Có đến nửa đàn bò mang tên Đẹp. Thôi được. Làm dấu thánh đi!
Đoạn Kubarikha bắt đầu niệm thần chú. Thoạt tiên những lời niệm chú quả là liên quan đến con bò. Nhưng sau đó mụ ta hứng chí giảng cho Phatevna cả một bài học về ma thuật và cách ứng dụng. Bác sĩ Zhivago thích thú lắng nghe những lời lẽ mê tín dị đoan ấy y như dạo chàng nghe câu chuyện ba hoa độc đáo của lão Văc đánh xe chở gia đình chàng từ ga tới Varykino 3.
Kubarikha nói:
- Hỡi dì Morgosia, hãy đến thăm chúng con. Vào giữa ngày thứ ba và thứ tư. Vây kết đâu, hãy bong ra khỏi vú bò. Đứng yên nào, con Đẹp, đừng làm đổ ghế của ta. Hãy đứng đến cuối, nhả sữa như suối. Đừng có sợ, cái vẩy của nợ. Cọ vú vào chai, vẩy bắn vào bụi gai, lời bà lang ấy lời Sa hoàng.
Phải nhớ cho rõ, Phatevna ạ, lời từ, lời nhận, lời phá, lời phù. Chẳng hạn chị nhìn quanh, ngỡ là rừng. Nhưng không, đấy là âm binh đang đánh nhau với thiên binh, tựa như chồng các chị đánh nhau với quân Basalygo ấy.
Hoặc chị nhìn ra phía tay ta chỉ chẳng hạn. Không phải đằng ấy, bà chị ơi. Hãy nhìn bằng mắt, chứ đừng nhìn bằng gáy nhìn đúng phía tay tôi chỉ kia kìa. Đúng rồi, chỗ ấy đấy.
Chị nghĩ đó là cái gì? Tưởng trên cây bạch dương gió đang thổi xoắn các cành lá vào nhau chứ gì? Tưởng con chim đang định làm tổ hả? Đâu phải thế. Đấy mới thực sự là một ý đồ chính cống của quỷ sứ đó. Đấy là vợ vua thủy tề đang kết vòng hoa cho công chúa con bà ta. Bà ta nghe tiếng người đi ngang qua bèn vứt bỏ vì sợ. Đêm nay bà ta sẽ kết nốt, rồi chị xem!
Hoặc giả lại nói đến lá cờ của các chị chẳng hạn. Chị nghĩ sao? Chị tưởng nó là ngọn cờ chứ gì? Song nó hoàn toàn không phải là cờ quạt gì hết, nó là tấm khăn đỏ của Nàng tử thần dùng làm mồi nhử, mồi nhử ấy mà, chị hiểu không? Tại sao lại là mồi nhử? Tại vì nàng cứ vẫy vẫy khăn, nháy nháy mắt với các gã trai tơ, dụ họ tới lò sát sinh, đến chỗ chết, đến chốn da ngựa bọc thây. Song các chị lại cứ tưởng đó là ngọn cờ - hãy lại với ta, hỡi vu sản và dân nghèo toàn thế giới.
Bây giờ phải biết tất cả, bà chị Phatevna, tất cả, nghĩa là từng thứ một. Từng con chim, từng hòn đá, từng ngọn cỏ. Bây giờ chẳng hạn con chim kia sẽ là sẻ đá. Con vật kia sẽ là con chồn.
Bây giờ chẳng hạn chị muốn yêu ai, chị cứ nói. Tôi sẽ khiến kẻ đó héo hon vì chị. Dù đó là ông tư lệnh Liveri của các chị, hoặc là Tổng tư lệnh bạch vệ Konchak, hoặc là hoàng tử Ivan trong chuyện cổ tích. Chị tưởng ta huệnh hoang nói xạo hả?
Không đời nào ta nói xạo. Nào, thì nhìn đây. Mùa đông tới, bão tuyết nổi lên, quay cuồng từng cột tuyết ngoài đồng. Bấy giờ ta sẽ đâm một nhát dao vào cột tuyết, vào cái đám tuyết ấy, đâm lún đến tận chuôi, và khi ra rút ra, con dao sẽ nhuốm đẩy máu đỏ. Chị đã thấy cảnh đó chưa? Thấy rồi chứ gì? Thế mà lại tưởng ta nói xạo. Bây giờ chị nói đi, tại sao có máu? Gió chỉ là không khí và bụi tuyết, vậy máu từ đâu ra? Nhưng bà chị ơi, gió ấy chẳng phải là bão tuyết, mà là con chó sói, con mụ phù thủy bị mất con đang chạy tế trên cánh đồng, vừa khóc lóc vừa tìm con dao nhuốm máu. Và chị yêu ai, muốn ai, ta chỉ việc dùng con dao này cắt lấy vết chân kẻ đó, khâu bằng sợi lụa vào vạt váy của chị. Bấy giờ thì dù kẻ đó là Konchak, là Strelnikov hay vua chúa gì mới lên ngôi chăng nữa, cũng sẽ cặp kè theo chị sát gót. Thế mà chị ngỡ ta nói xạo, chị ngỡ hỡi những kẻ chân đất và vu sản toàn thế giới, hãy đến họp mặt với ta Hoặc giả bây giờ từ trên trời các hòn đá rơi xuống như mưa. Ai bước ra khỏi nhà, đều bị đá rơi trúng đầu. Hay như một số người từng thấy cảnh kỵ binh phóng ngựa trên không trung, vó ngựa chạm vào các mái nhà. Hay như các tay phù thủy ngày xưa phát hiện di chuyển người vợ nảo có lúa, có mật hay lông cáo trong bụng. Và các trang hiệp sĩ dùng gươm cậy bả vai vợ ra như mở một cái rương, rồi khều ra hoặc một đấu lúa, hoặc một tảng mật ong, hoặc một chú cáo".
Đôi khi ta vẫn gặp trên đời một cảm xúc lớn lao và mãnh liệt Cảm xúc ấy bao giờ cũng pha lẫn lòng thương xót. Ta càng yêu say đắm, thì càng có cảm giác đối tượng tình yêu của ta là một nạn nhân. Ở một vài người đàn ông, sự đồng cảm với nỗi đau khổ của người phụ nữ có thể vượt qua mọi giới hạn. Lòng vị tha của họ đặt nàng vào những hoàn cảnh chỉ có trong trí tưởng tượng, chứ không bao giờ xảy ra trên đời thường, khiến họ ghen với cả không khí nàng thở, với các quy luật tự nhiên, với những gì xảy ra hàng ngàn năm trước khi có nàng.
Zhivago đủ học vấn để ngờ rằng những câu nói cuối cùng của Kubarikha là đoạn mở đầu của một cuốn sử biên niên nào đó sử biên niên xứ Novgrod hay Ipatev, đã biến thành nguỵ thư vì vô số lời thêm thắt sai lạc. Trải qua bao thế kỷ truyền miệng, từ đời này sang đời khác, các thầy lang và người kể chuyện cổ tích đã làm sai lạc hẳn ý nghĩa ban đầu của sự biên niên vốn đã bị những người sao lục trước đó chép sai lung tung cả.
Vì lẽ gì những lời truyền miệng tàn nhẫn ấy lại hấp dẫn chàng? Tại sao trước những điều vớ vẩn, vô nghĩa lý, hoang tưởng áy, chàng lại có thái độ như thế đó, là chuyện có thực?
Người ta hé mở bên vai trái của Lara. Người ta dùng gươm cạy xương quai xanh của nàng như thể dùng chìa khoá xoay mở ổ khoá bí mật của một ngăn tủ sắt kín đáo. Những bí mật nàng cất giữ trong đáy sâu tâm hồn đã hé lộ ra. Những đô thị, đường phố, nhà cửa, thôn xóm xa lạ trải dài như các cuốn phim được lần lượt quay chiếu, phô bày nội dung bên trong của chúng.
Ôi chàng yêu nàng xiết bao! Nàng xinh đẹp xiết bao! Đúng hệt như chàng hằng mơ tưởng, đúng hệt như chàng cần đến!
Nhưng nàng đẹp ở mặt nào? Liệu có thể gọi tên và phân tích được điều đó chăng? Không, ngàn lần không! Song phải nói là nàng đẹp nhờ đường nét cực kỳ đơn giản và mau lẹ mà tạo hoá đã phóng bút, bằng một nét vẽ quanh người nàng từ trên xuống dưới, rồi trong cái hình thể của thiên thần ấy nàng được trao cho tâm hồn chàng, như người ta trao một đứa bé được quấn kỹ trong tấm khăn bông sau khi tắm.
Song lúc này chàng đang ở đâu và gặp cảnh ngộ gì? Quanh chàng chỉ thấy rừng cây, xứ Sibiri, đội du kích. Họ đang bị bao vây, và chàng sẽ phải chịu chung số phận với tất cả mọi người. Thật là quỷ quái, thật là rắc rối chưa từng thấy. Zhivago cảm thấy hoa mắt, váng vất, cảnh vật nhòe đi. Lúc ấy, thay vì tuyết rơi như người ta chờ đợi, trời lại đổ mưa rào. Như một tấm biểu ngữ khổng lồ căng qua đường phố, từ nhà bên này sang nhà bên kia, hình ảnh mờ mờ của mái đầu kỳ lạ, được tôn sùng, cũng hiện ra, choáng hết cả khoảng không gian phía trên cánh rừng thưa. Và mưa mỗi lúc thêm nặng hạt, vừa hôn vừa tưới ướt khuôn mặt nhoà lệ ấy.
- Thôi đi đi - mụ phù thủy bảo Phatevna, - tôi đã trừ tà cho con bò của nhà chị rồi, chắc chắn nó sẽ khỏi bệnh, chị hãy cầu nguyện Đức Mẹ. Người là ánh sáng xua đuổi ma quỷ và bộ Sinh Thư của loài vật.
8.
Những trận đánh đang diễn ra ở biên giới phía Tây của rừng taiga. Song vì rừng taiga mênh mông đến nỗi các cuộc giao tranh ấy xem chừng chỉ là chiến sự ở vùng biên thùy xa xôi của một quốc gia, nên cái khu căn cứ nằm lọt thỏm chốn rừng sâu này vẫn có vẻ rất đông đúc, đến mức dù rất nhiều người phải ra trận, ở đây lúc nào cũng tấp nập những người là người.
Tiếng súng đạn của chiến trường xa xa hầu như không vọng tới khu căn cứ. Thế mà bất chợt có mấy loạt súng nố vang trong rừng. Loạt này tiếp loạt kia ngay gần đây, kế đó là những tiếng nổ loạn xạ và dồn dập. Nghe súng nổ bất ngờ, người ta giật mình chạy tán loạn. Những người thuộc lực lượng dự bị của trại chạy về xe của mình. Ai nấy nhốn nháo chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.
Cảnh nhốn nháo lát sau đã chấm dứt. Thì ra họ lo sợ không đâu mọi người đổ xô về phía phát ra tiếng nổ mỗi lúc một đông, lớp này tiếp lớp khác.
Họ bu quanh một đống thịt người đẫm máu nằm dưới đất Kẻ xấu số còn thở thoi thóp. Y không còn tay phải và chân trái Không thể tưởng tượng con người bất hạnh ấy, sau khi bị chặt đứt chân tay, bằng cách nào có thể lết được tới trại. Cái cánh tay và cẳng chân bị chặt ra, máu me đầm đìa, được buộc trên lưng y kèm với một mảnh ván nhỏ. Trên mảnh ván viết nhiều câu chửi tục tĩu xen lẫn lời hăm dọa, rằng việc làm này là để trả thù sự tàn bạo của một đơn vị Hồng quân thuộc phiên hiệu nào đó (chả liên quan gì tới đoàn quân ở rừng). Ngoài ra, có câu tóm tắt rằng số phận tương tự sẽ dành cho tất cả mọi người, nếu quân du kích không nộp vũ khí đầu hàng cho các đại diện của quân đoàn Visyn đúng thời hạn ghi trên mảnh ván.
Nạn nhân bị hình phạt gớm ghiếc nằm kia bị mất máu nhiều, chốc chốc lại ngất lịm, bằng giọng thều thào đứt quãng và líu lưỡi, kể qua những cảnh tra tấn nhục hình ở các ban điều tra quân sự và các đơn vị tiễu phạt của tướng Visyn. Bọn kia đã kết án treo cổ y, rồi thay bằng việc chặt tay chặt chân, để với hình thù què cụt như vậy thả về khu du kích nhằm khủng bố tinh thần họ. Bọn địch khiêng y về đến ranh giới khu căn cứ rồi đặt y xuống đất và ra lệnh buộc y bò một mình, chúng nổ súng chỉ thiên ở phía sau để thúc giục y.
Con người bất hạnh ấy chỉ còn mấp máy môi. Muốn nghe những lời ú a ú ớ của y, người ta phải cúi sát xuống. Y nói:
- Anh em hãy cẩn thận. Địch đã chọc thủng…
- Chúng tôi đã có lực lượng ngăn chặn. Ở đấy đang đánh lớn. Chúng tôi sẽ chặn được chúng.
- Chọc thủng. Chọc thủng. Địch muốn đánh úp. Tôi biết! Ôi anh em ơi, tôi không nói nổi nữa. Anh em thấy đấy… tôi mất hết máu… tôi khạc ra máu… tôi sắp chết.
- Anh cứ nằm yên, nghỉ lấy hơi đi. Đừng nói. Kìa anh em, đừng bắt anh ấy nói nữa, các người không thấy anh ấy kiệt sức - Nó không để cho tôi còn một miếng thịt lành lặn, thằng chó má, đồ khát máu ấy. Nó bảo tôi: tao sẽ cho mày được tắm trong máu của mày, khai đi, mày là ai. Mà tôi thì anh em ơi, tôi nói sao được khi tôi đào ngũ. Đúng, tôi đào ngũ để chạy sang với các anh.
- Anh vừa bảo "nó". Vậy nó là ai? Tên nào đã hành hạ anh đến nỗi này?
- Ôi anh em ơi, đau quá. Để tôi nghỉ lấy hơi đã. Rồi tôi sẽ nói. Thằng chỉ huy tên là Bekesin. Đại tá Streze. Bọn thuộc hạ của tướng Visyn. Anh em ở trong rừng sâu, không biết tình hình bên ngoài đâu. Dân thành phố đang rên siết. Địch đang nướng dân trong lò. Chúng băm vằm mọi người. Chúng tóm cổ áo mình lôi đi, chẳng biết đâu, đẩy mình vào một chỗ tối như hũ nút. Sờ soạng chung quanh mới biết là cái chuồng, cái toa tàu. Cái chuồng ấy nhết hơn bốn chục nhân mạng, ai cũng chỉ có độc một chiếc quần lót. Thỉnh thoảng chúng lại mở cửa chuồng, thò tay vào khua khua. Tóm được ai, chúng liền lôi ra ngoài. Y như bắt gà cắt tiết. Lạy Chúa, kẻ bị chúng treo cổ, người bị chúng bắn người bị dẫn đi tra khảo. Chúng băm vằm mình, lấy muối xát vào vết thương, giội nước sôi vào đó. Mình nôn mửa hay bậy ra quẩn, chúng bắt mình phải liếm bằng sạch. Còn đối với đàn bà trẻ con thì ôi, lạy Chúa tôi!…
Kẻ bất hạnh chưa nói hết câu bỗng kêu lên một tiếng và trút hơi thở cuối cùng. Mọi người chứng kiến đều cùng hiểu, bỏ mũ ra làm dấu thánh già.
Tối hôm ấy, một tin khác còn ghê sợ hơn, lan nhanh khắp khu căn cứ.
Palyk từng có mặt trong đám đông vây quanh kẻ hấp hối. Anh ta đã thấy, đã nghe rõ câu chuyện y kể, đã đọc hết những lời đe dọa viết trên mảnh ván.
Nỗi lo sợ thường xuyên của anh ta chọ số phận của vợ con trong trường hợp anh ta chết, bây giờ dâng lên ghê gớm.
Anh ta tưởng tượng cái cảnh vợ con mình bị địch tra khảo, hành hình từ từ, thấy khuôn mặt họ méo mó vì đau đớn, nghe rõ cả tiếng rên la và kêu cứu của họ. Để giải thoát họ khỏi các nhục hình sắp tới và để rút ngắn nỗi đau khổ của chính mình, trong cơn tuyệt vọng, anh ta đã tự tay hạ sát họ. Anh ta chém chết người vợ và ba đứa con bằng cây rìu sắc như lưỡi dao cạo mà anh ta từng dùng để đẽo gỗ làm đồ chơi cho hai đứa con gái và cậu con trai Klenuska yêu quý của anh ta. Lạ thay, anh ta không tự sát ngay sau hành động ấy. Anh ta nghĩ gì? Anh ta còn chờ đợi gì? Anh ra còn dự tính những gì? Rõ ràng anh ta đã là một người điên, một cái xác không hồn.
Trong khi Liveri, bác sĩ Zhivago và các uỷ viên hội đồng quân nhân ngồi họp, bàn cách xử lý Palyk, thì anh ta vẫn tự do đi lang thang trong khu trại, đầu cúi gầm, cặp mắt vàng đục lờ gườm gườm, song chả nhìn thấy bởi miệng cứ cười cười một cách ngớ ngẩn, bộc lộ nỗi đau khổ không gì giải toả nổi, không phải của con người.
Chả ai thương hại anh ta. Tất cả đều tránh mặt anh ta. Một vài người kêu gọi đem hắn ra cho mọi người xử. Nhưng ý kiến ấy không được ủng hộ.
Anh ta chẳng còn việc gì làm trên đời này nữa. Rạng sáng hôm sau, anh ta biến mất khỏi trại, như một con thú dại mắc bệnh sợ nước, chạy trốn cả chính mình.
Đã sang mùa đông từ lâu. Trời giá rét dữ dội. Những hình thù và thanh âm rời rạc, không có mối liên hệ rõ ràng cứ hiện ra trong sương mù băng giá, xê dịch rồi biến mất. Thay vì mặt trời như người ta thường thấy từ dưới trái đất, một quả cầu đỏ bầm treo lơ lửng trên rừng, chậm chạp toả xuống như trong chuyện cổ tích hoặc trong giấc mơ, những tia sáng màu vàng hổ phách, đặc như mật ong, sững lại giữa không trung và đông lại thành băng trên cây cối.
Những bàn chân vô hình, xỏ trong các đôi ủng lót dạ, đi lại khắp bốn phía, chỉ hơi chạm đất thành vết tròn tròn và mỗi bước lại làm cho tuyết giận dữ nghiến răng ken két, trong khi các bóng người đội mũ dạ bịt tai, mặc áo lông ngắn, chủ của những bàn chân kia, thì bơi riêng trên không trung như các thiên thể quay lộn, giữa vòm trời.
Những người quen nhau dừng lại bắt chuyện. Họ ghé lại gần nhau những khuôn mặt đỏ ửng như vừa từ nhà tắm hơi bước ra, râu ria bám đầy tuyết cứng. Từng luồng hơi nước dày và dính nhơm nhớp bật ra từ miệng họ thành những đám mây quá lớn so với những lời lẽ cụt lủn, ngắn ngủn và tựa hồ đã bị đóng băng của họ.
Trên một lối mòn, Liveri và Zhivago chạm mặt nhau.
- Ồ, bác sĩ đấy à? Có lẽ hàng thế kỷ nay chúng ta mới lại gặp nhau! Tối nay bác sĩ hãy đến hầm của tôi, và sẽ ngủ lại ở đó Hai ta sẽ lục lại chuyện cũ. Có tin mới nữa đấy.
- Người liên lạc hoả tốc đã về rồi ư? Có tin gì về Varykino không?
- Trong báo cáo không thấy nhắc gì đến gia đình bác sĩ và gia đình tôi. Nhưng qua đó, tôi lại rút ra được những kết luận khả quan. Nghĩa là họ đã kịp trốn đi. Bằng không, hẳn phải có tin về họ chứ. Nhưng thôi, để tối sẽ bàn chuyện đó. Vậy là tôi chờ bác sĩ đấy nhé.
Trong hầm của Liveri, bác sĩ Zhivago nhắc lại câu hỏi ban ngày:
- Anh hãy trả lời chỉ một câu này: anh biết gì về hai gia đình chúng ta?
- Bác sĩ lại không muốn nhìn xa trông rộng rồi. Người nhà chúng ta hiển nhiên là còn sống và bình yên cả. Nhưng vấn đề không phải là chuyện đó. Có những tin hay hết chỗ nói. Bác sĩ dùng món thịt nhé? Thịt bê nguội.
- Cảm ơn, tôi không muốn ăn. Anh hãy nói tiếp, đi vào thực chất câu chuyện đi.
- Uổng quá. Còn tôi, tôi phải ăn chút đã. Trong trại đang có bệnh hoại huyết. Mọi người đã quên thế nào là bánh mì và rau tươi. Đáng lẽ mùa thu vừa rồi phải tổ chức tốt hơn việc thu lượm các loạt hạt ăn được, khi cánh phụ nữ còn ở trong căn cứ mới đúng Giờ tôi xin báo tin: tình hình đang hết sức thuận lợi cho ta. Điều tôi luôn luôn tiên đoán, đã thành sự thực. Giai đoạn khó khăn đã qua. Konchak đang rút lui trên khắp các mặt trận. Đó là một sự bại trận hoàn toàn và đang tự nó lan rộng. Bác sĩ thấy chưa? Tôi chẳng vẫn bảo thế là gì? Còn bác sĩ thì cứ luôn miệng ta thán…
- Tôi ta thán hồi nào?
- Thường xuyên, nhất là cái hồi tướng Visyn vây chặt chúng ta…
Zhivago nhớ lại mùa thu năm ngoái, cuộc xử bắn những kẻ âm mưu làm phản, vụ Palyk giết vợ con, cảnh tàn sát và đổ máu chưa biết khi nào mới chấm dứt. Hồng quân và bạch vệ cứ đua nhau về sự tàn bạo, hai bên cứ lần lượt trả đũa nhau, khiến sự tàn bạo bị nhân lên mãi. Nghĩ đến máu chảy, Zhivago thấy cơn buồn nôn dáng lên ngang cổ, máu bốc lên đầu, mắt mờ đi. Cái đó hoàn toàn không phải là sự ta thán. Cái đó khác hẳn. Nhưng biết giải thích thế nào cho Liveri hiểu bây giờ?
Trong căn hầm thoang thoảng múi khói thơm. Nó bám vào vòm miệng, làm cho mũi và cổ họng ngưa ngứa. Căn hầm được chiếu sáng bằng những thanh đóm đặt trên một cái đĩa sắt có ba chân, tàn đóm rơi xuống một chậu nước hứng bên dưới. Cháy hết thanh đóm này. Liveri lại châm tiếp thanh mới.
- Bác sĩ thấy tôi đốt đèn bằng gì rồi đấy. Dầu cạn sạch rồi. Chẻ nhỏ củi thành đóm, phơi thật khô, bén lửa rất nhanh. Phải, đang có bệnh hoại huyết trong trại. Bác sĩ nhất định không chịu dùng thịt bê à? Bệnh hoại huyết. Vậy bác sĩ còn chờ gì mà không triệu tập ban tham mưu, trình bày tình hình và diễn giảng cho chúng tôi nghe về bệnh hoại huyết cùng các biện pháp đối phó với nó?
- Mong ông làm ơn đừng dềng dàng nữa. Ông biết gì thật chính xác về hai gia đình chúng ta?
- Tôi đã bảo bác sĩ rằng tôi không biết tin đích xác gì về họ cả. Nhưng tôi chưa nói hết những điều tôi biết qua các bản tin quân sự cuối cùng. Nội chiến đang ở giai đoạn kết thúc. Konchak bị đánh tan. Hồng quân đang truy quét hắn dọc theo tuyến đường sắt về phía Đông, để xô hắn xuống biển. Một lực lượng khác của Hồng quân đang khẩn trương tiến đến hội quân với chúng ta để cùng nhau tiêu diệt nết các bộ phận quân địch đang còn tản mát ở khắp các vùng hậu phương, Miền Nam nước Nga đã sạch bóng kẻ thù. Tại sao bác sĩ không vui mừng? Như thế chưa đủ hay sao?
- Tôi mừng chứ. Nhưng hai gia đình chúng ta ở đâu?
- Họ không có mặt tại Varykino, và như thế là phúc lớn. Tuy những chuyện huyền hoặc của Kamenodvoski hồi mùa hè vừa qua, đúng như tôi dự đoán, đều không được xác nhận, bác sĩ còn nhớ cái tin đồn ngớ ngẩn, rằng có một bộ lạc bí ẩn nào đó triệt hạ Varykino chứ? Nhưng khu trại đúng là bị bỏ hoang hoàn toàn. Chắc ở đó đó cũng có chuyện gì đấy, chứ chả Phải không, song rất may là cả hai gia đình đã rút chạy sớm hơn. Chúng ta hãy tin rằng họ đều thoát nạn. Theo lời anh em trinh sát kể, thì đó là phỏng đoán của một số bà con ở khu trại.
- Thế tình hình thành phố Yuratin thì sao? Hiện nó nằm trong tay ai?
- Ở đó cũng vậy, toàn nghe đồn đại lung tung, vô căn cứ. Họ đồn rằng bọn bạch vệ vẫn đang chiếm đóng. Thật phi lý, không thể có chuyện đó. Bây giờ tôi sẽ chứng minh cho bác sĩ thấy.
Liveri đốt một thanh đóm mới, gấp các mép của tấm bản đồ nhàu nát, chỉ chứa khu vực đang được chú ý, rồi cầm cây bút chì giải thích.
- Bác sĩ xem đây. Ở tất cả các khu vực này, bọn bạch vệ đều bị đẩy lui. Đây, chỗ này, chỗ này và chỗ này. Cả một khu rộng lớn. Bác sĩ vẫn theo dõi đấy chứ?
- Vâng.
- Địch không thể có mặt ở hướng Yuratin. Trái lại, chúng sẽ rơi vào vòng vây vì bị cắt hết mọi đường. Bọn tướng lĩnh bạch vệ dù bất tài đến mấy cũng không thể không hiểu điều đó. Bác sĩ mặc áo lông vào để làm gì vậy? Bác sĩ định đi đâu?
- Xin lỗi tôi ra ngoài một chút rồi vào ngay. Trong hầm nồng nặc mùi khói thuốc và mùi khét của nhựa thông. Tôi ra ngoài trời thay đổi không khí một chút cho dễ chịu.
Zhivago bước ra cửa hầm, dùng bao tay phủi sạch tuyết phủ trên một khúc gỗ dày kê làm ghế ở đó, đoạn ngồi xuống chống hai khuỷu tay lên đầu gối, tựa cằm vào tay, đắm mình vào suy tưởng. Chàng như quên hết mọi điều, quên rừng taiga mùa đông, quên mười tám tháng ở với đoàn quân du kích trong rừng. Trong óc chàng chỉ còn hình ảnh của những người thân yêu trong gia đình. Chàng cứ phỏng đoán về số phận của họ, phỏng đoán này đáng sợ hơn phỏng đoán kia.
Kìa Tonia đang bế bé Xasa đi trong bão tuyết. Nàng bọc thằng bé trong một tấm chăn, chân nàng lún sâu dưới tuyết, phải vất vả lắm mới rút lên được, còn bão tuyết thì cứ cuốn nàng đi khiến nàng ngã dúi dụi, rồi nàng gượng nhỏm dậy, cố đứng vững trên đôi chân chỉ muốn khuỵu xuống. Ồ, nhưng hoá ra chàng luôn luôn đãng trí, chàng quên rằng nàng đã sinh thêm một đứa con nữa và đang phải cho nó bú. Cả hai tay nàng đều phải bồng con, bận bịu như những người đàn bà tị nạn của Chilimca mà sự đau khổ và căng thẳng quá độ khiến họ phát điên.
Cả hai tay nàng đều bận bịu và xung quanh chẳng có ai giúp được. Cha của bé Xasa chả biết lưu lạc ở đâu. Cha nó ở xa, xa lắm, suốt đời cách gia đình, và có thể gọi người ấy là cha được chăng? Một người cha chân chính mà như thế chăng? Thế còn cha đẻ của chính Tonia đâu rồi? Giáo sư Gromeko đâu? Cô giúp việc Niusa đâu? Những người khác đâu cả rồi?
Ôi tốt nhất là đừng tự đặt cho mình những câu hỏi như thế, tốt nhất là đừng nghĩngợi, đừng khơi sâu chuyện đó.
Zhivago đứng dậy, định đi vào hầm. Bỗng nhiên các ý nghĩ của chàng xoay hẳn sang hướng khác. Chàng bỏ ý định quay vào chỗ Liveri.
Bàn trượt tuyết, túi lương khô và tất cả những gì cần thiết cho cuộc chạy trốn đã được chàng chuẩn bị sẵn từ lâu. Chàng đã chôn giấu các thứ đó dưới tuyết, ở bên ngoài địa phận canh gác của khu trại, cạnh một gốc cây linh sam lớn, và để chắc chắn, chàng còn vạch một cái dấu riêng trên thân cây. Lúc này chàng đi về phía đó, theo con đường có nhiều vết chân lún sâu dưới tuyết. Trời đêm nay trong sáng, trăng tròn vành vạnh, Zhivago đã biết rõ những vọng gác ban đêm, nên chàng đều vòn tránh được cả. Nhưng khi chàng đễn chỗ bãi trống có cây thanh lương trà bị tuyết phủ, thì người lính gác từ đằng xa quát to gọi chàng, rồi người lính ấy đứng thẳng người trên bộ guốc trượt tuyết, lướt nhanh tới bên chàng.
- Đứng lại! Không tôi bắn! Ông là ai? Nói cho tử tế.
- Ơ hay, anh bạn quẫn trí rồi à? Người mình đây mà. Anh bạn không nhận ra tôi hay sao? Tôi là bác sĩ Zhivago của đơn vị ta đây mà.
- Xin lỗi, đồng chí bác sĩ đừng giận nhé. Tôi không nhận ra thật. Nhưng dù là bác sĩ Zhivago, tôi cũng chẳng để cho đồng chí đi xa hơn. Phải theo đúng điều lệnh chung.
- Được thôi Mật khẩu: Sibiri Đỏ. Đáp: Đả đảo bọn can thiệp.
- À nếu vậy thì được. Đồng chí cứ việc đi đâu tùy ý. Nhưng đang đêm hôm khuya khoắt, bác sĩ lặn lội đi đâu thế? Có người bệnh à?
- Tôi không ngủ được, lại khát khô cả cổ. Tôi tính đi chơi một vòng, nhá tuyết để giải khát. Thấy cây thanh lương trà trĩu quả, tôi muốn ra kia hái ăn.
- Đúng là sáng kiến của ông quý phái! Có ai đi tìm trái cây giữa mùa đông bao giờ. Suốt ba năm nay chúng tôi mở mắt cho các vị mà các vị vẫn chả sáng mắt ra. Chẳng giác ngộ được tí nào. Ông cứ việc đi mà hái thanh lương trà của ông, đồ cám hấp. Tôi thiết quái gì!
Đoạn người lính gác nhún người lấy đà thật mạnh, lao đi trên bộ thanh trượt tuyết mỗi lúc một nhanh, lướt trên lớp tuyết về phía các bụi cây trơ trụi như các đám tóc thưa ở đằng xa. Còn con đường nhỏ bác sĩ đang đi thì dẫn tới chỗ cây thanh lương trà vừa được chàng nhắc đến.
Cây thanh lương trà bị ngập tuyết đến lưng chừng, còn ở nửa trên thì các cành lá và các chùm quả nhỏ bị đông cứng vì băng. Nó chĩa hai cành đầy tuyết về phía chàng. Chàng chợt nhớ đến hai cánh tay mập mạp trắng nõn của Lara, hai cánh tay tròn lẳn và hào phóng của nàng. Chàng bèn ôm lấy hai cành thanh lương trà, kéo cả hai cây lại với mình. Như đáp lại tấm lòng của chàng, cây rũ tuyết rơi lả tả xuống khắp người chàng. Chàng lắp bắp mà không hiểu mình nói gì và chẳng nhớ mình là ai nữa:
- Ta sẽ gặp lại em người đẹp của ta, nữ hoàng của ta, thanh lương trà yêu dấu của ta, máu thịt của ta.
Đêm thanh. Trăng tỏ. Chàng len lỏi đi tiếp vào rừng taiga, tới gốc cây linh sam thiêng liêng, bới lấy các vật dụng của mình và rời bỏ khu căn cứ.
--------------------------------
1 Lính cấm vệ của Sa hoàng Ivan Groznyi ( Ivan hung đế) thế kỷ 16, khét tiếng tàn bạo.
2 Một triều đại thống trị ở Pháp trong khoảng hai thế kỷ 16- 18.
3 Nguyên văn: "Từ phần châu Âu của nước Nga sang miền Sibiri".