A man may as well expect to grow stronger by always eating as wiser by always reading.

Jeremy Collier

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 122
Cập nhật: 2021-09-12 20:51:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Vết Xe Cũ - Chu Đại Tân
ái buổi sáng chó sủa inh ỏi, chim tra ly hót véo von ấy, Phí Bính Thành đang đứng trên căn gác xây bằng gạch đỏ lợp ngói xanh oai vệ, đẹp đẽ của nhà mình. Khi Hầu Tứ, người phụ trách việc mua bán nhà đất báo tin Diêu Thịnh Phương cần bán nhà, Phí Bính Thành không hề chú ý. Bởi vì lúc đó hắn đang quát bảo tay xế chở bột cho xưởng mì của hắn. Cái xe bị tắt máy đứng ì ra giữa đường. Chỉ liếc mắt, hắn đã nhận ra nguyên nhân chết máy: bánh xe chệch ra ngoài vết xe cũ. Con đường chưa rải đá, mặt đường đất lún xuống thành hai vệt rất sâu từ nhiều năm qua, bánh xe chở bột trượt lên đám đất xốp bên trên.
— Đồ ngu! Theo lối cũ có dễ đi không! — Bính Thành gắt lên.
Một lần nữa người lái xe lại mỉm cười bẽn lẽn khởi động máy, cẩn thận đưa xe vào vệt đường cũ, rung rung lái xe đi. Bính Thành liếc nhìn lối mòn trơn nhẵn rồi mới quay đầu lại nhìn Hầu Tứ, chợt nhớ ra người này hình như vừa nãy có nhắc đến Diêu Thịnh Phương. Bính Thành vừa nghĩ tới Thịnh Phương thì người đàn bà xinh đẹp, ngực nở, mông đầy, lưng thon mềm mại ấy dường như đang trừng mắt ngạo nghễ nhìn hắn. Hắn rùng mình, bất giác mở miệng hỏi:
— Ông vừa nói cái gì đến Diêu Thịnh Phương?
— Bán nhà mà! Chị ấy cần bán hai gian nhà mặt đường.
— Thế à? — Bính Thành cố không để lộ niềm vui qua giọng nói, song hình như vẫn hơi lộ ra. Đến bao giờ mày mới biết ghìm nén hả Bính Thành? Hắn đưa tay cấu mấy cái vào má.
— Ông chủ chưa biết à? Mấy hôm trước chồng chị ta chở đậu xanh lên Tây Hiệp bán, cái xe ô tô thuê ấy đâm xuống ngòi. Xe hỏng, người bị thương, nợ lút đầu.
— Ờ, ờ, ra thế đấy! — Bính Thành gắng làm cho giọng nói của mình có vẻ thờ ơ, Thịnh Phương ơi, rốt cuộc cô sa chân đến thế nhé!
— Chị ta cần tiền gấp để trả nợ, nhờ tôi lo liệu giúp, không biết ông chủ có định mua hay không. Nếu ông chủ ưng mua thì tôi... ha ha ha! — Hầu Tứ nháy mắt.
Bính Thành nhướn mày lên nhưng ngay sau đó thong thả lắc đầu:
— Tôi ấy à? Thôi khỏi.
"Dính dáng với người đàn bà ấy làm chi nữa." Hắn nghĩ.
— Nếu ông chủ không mua, trưa nay tôi cho treo bảng bán đấu giá.
— Cứ việc đấu giá — Bính Thành ném cho Hầu Tứ một điếu thuốc, hắn cũng ngậm một điếu, bật lửa đánh tách một cái...
Bữa ăn sáng, Bính Thành ăn mà hồn cứ đâu đâu. Thỉnh thoảng trên mặt bát cháo lại hiện ra khuôn mặt xinh đẹp của Thịnh Phương, khiến lòng dạ hắn nôn nao. Để bát xuống, định tới quán nhậu nghe nghệ nhân hát tích chuyện nhưng đôi chân hẳn ma xui quỷ khiến thế nào lại đi tới phố Nam là nơi Thịnh Phương ở. Thôi cũng được, thì xem cái nhà ấy bán đấu giá được bao nhiêu tiền!
— Ông chủ, ăn rồi à?
— Ông đấy à, ông chủ?
Hai bên đường luôn có nguời chào hỏi Bính Thành rất nồng nhiệt, hắn cũng quay qua quay lại gật đầu với họ. Lối gọi "ông chủ" này trước đây dân Liễu Trấn chỉ dùng để xưng hô với những người giàu như địa chủ, chủ hiệu v.v... Mấy năm gần đây, lại được khôi phục, Bính Thành không nhớ rõ người ta gọi hắn bằng cái tên đó từ khi nào, nghe qua cũng khoái.
Diêu Thịnh Phương, chắc cô không ngờ có ngày hôm nay?
Hồi ấy, nếu cô nghe lời tôi, nếu cô không xé mảnh giấy tôi gửi cho cô, nếu cô đi theo tôi, làm sao cô sa sút đến nỗi phải bán nhà trừ nợ được? Cô còn nhớ buổi tối hôm ấy không? Tôi ngăn cô lại trên bờ ruộng ngoài bờ sông Trại, mặt đỏ bừng, tay run rẩy, tôi đưa mảnh giấy ấy cho cô, trên đó chỉ viết một câu: "Thịnh Phương, hãy đi với anh, thế nào anh cũng khiến em được no ấm, ở nhà xây!" Mảnh giấy ấy tôi suy nghĩ mười mấy ngày mới viết được, vậy mà cô chỉ liếc một cái đã xé toạc ra ngay. Cô xé dứt khoát và phách lối biết mấy! Xé xong, cô tiện tay vứt đám giấy vụn ấy đi. Cô không thấy tôi vội vàng giơ tay hứng lấy chúng. Hai mắt cô cứ ngước lên trời, lạnh lùng bảo tôi: "Anh đừng theo đuổi tôi nữa. Nói thật để anh biết, anh béo lùn, tôi không ưng. Tôi đính hôn với Phùng Thanh Thái rồi." Nói xong, cô chẳng thèm ngoảnh mặt lại, rảo bước đi luôn. Cô đi vội vàng, thật nhanh, lòng cô thư thái mà ngạo mạn, chẳng thèm biết tôi lúc đó lảo đảo ngã sấp xuống. Cô càng không biết tối hôm đó tôi cứ lê lết ở chỗ cô ném vụn giấy đến nửa đêm mới đứng lên. Cô...
— Đồ con hoang, gớm thật! Mày có đứng lại không?
Tiếng quát tháo của một người đàn ông làm Phí Bính Thành giật mình dừng bước, người loạng choạng.
Một thằng bé choai choai tay cầm hai quả lựu, chạy vút qua như tên bắn, người đàn ông chừng ba mươi tuổi đuổi đằng sau.
— Dừng lại, đồ con hoang!
Bất giác Bính Thành rùng mình, đưa vội tay lên trán. Hắn lại cảm thấy chóng mặt như mọi khi. Dường như cùng lúc với cơn chóng mặt, mặt hắn cũng méo đi trông rất khó coi. Hắn khàn khàn gào lên vớii người đàn ông:
— Đồ chết toi!
Nguồi đàn ông đang đuổi bắt kẻ trộm nghe thấy chững lại, toan nổi đóa. Nhưng nhận ra người quát mình là ông chủ giàu có nổi tiếng toàn thị trấn, anh ta mới ấm ức phân bua:
— Ông chủ, em mắng cái thằng bé ăn trộm lựu đấy chứ!
— Ai cũng không được chửi bừa bãi như thế!
Bính Thành hầm hầm trừng mắt, mặt tái đi. Anh chàng kia đâu có ngờ cậu chửi kẻ trộm của mình phạm vào một điều cấm kỵ nhất của Bính Thành. Bất kể lúc nào, hễ nghe thấy mấy tiếng "đồ con hoang" là hắn phản xạ có điều kiện, rùng mình, chóng mặt, nhớ đến quá khứ mà hắn lâu nay nén tận đáy lòng.
Đồ con hoang! Truớc kia, lâu lắm rồi, cha hắn thường chửi hắn như thế. Hắn nhớ lần đầu tiên hắn ghi sâu câu chửi ấy là một tối khi ăn cơm hắn vô ý đánh vỡ bát. Cha hắn xông tới véo tai hắn, vừa chửi "đồ con hoang", vừa đá đít. Hắn sợ quá, bật khóc. Hắn không hiểu vì sao cha chỉ căm ghét một mình hắn. Thường ngày anh chị và các em hắn có đánh vỡ bát, cha không đánh cũng không chửi như thế. Hắn tuy nhỏ tuổi song dần dần cũng nhận ra cha âu yếm với anh chị và các em hắn, không yêu hắn. Hắn không hiểu vì lẽ gì, chỉ biết làm gì cũng phải cẩn thận, đừng khiến cha hắn bực tức. Song đến như vậy rồi mà đâu có được yên! Ngày nào cha hắn cũng kiếm cớ trừng mắt chửi hắn "Đồ con hoang!" Một lần nghe cha chửi, hắn hậm hực sà vào lòng mẹ, vừa khóc, vừa hỏi: "Mẹ ơi, sao bố toàn chửi con là con hoang." Mẹ hắn không trả lời, chỉ ôm chặt hắn vào lòng. Hắn cảm thấy mẹ hắn run rẩy cả người, nước mắt mẹ làm ướt cả đầu hắn. Hắn thôi khóc, không dám hỏi nữa để mẹ phải đau lòng. Từ ngày hôm ấy, hắn căm thù câu chửi đó.
Mình không nên mất bình tĩnh như thế! Đi được mươi bước, hắn lại véo một cái vào bắp tay. Hắn lo ngại quay đầu nhìn người đàn ông kia: thằng cha chắc không nghi ngờ đoán mò đâu!
Bính Thành chậm rãi bước đi, cố gắng lấy lại vẻ bình tĩnh lúc trước.
Còn cách rất xa, Bính Thành đã nhìn rõ mấy chữ viết bằng mực đen trên tờ giấy trắng: Bán hai gian nhà mặt đường. Khi hắn bước đến gần đám đông, Hầu Tứ đang gân cổ lên reo:
— Hay lắm! Liễu Bắc Châu trả năm ngàn rưỡi, còn vị nào muốn ra giá mới không? Xin nói thật, nhà ở ngay mặt phố, mở cửa hàng buôn bán thì hết ý. Nhà Thịnh Phương nếu chẳng cần gấp một khoản tiền thì không khi nào chịu bán đâu. Vị nào sẵn tiền nên quyết định kêu giá mới ngay đi, nếu không, nhà này sẽ thuộc về Liễu Bắc Châu...
— Năm ngàn bảy! — Trong đám đông bỗng vang lên một giọng khê đặc.
— Hay lắm! Trần Toàn Quế kêu giá mới năm ngàn bảy trăm! Còn vị nào bằng lòng tỉ thí không ạ?
Bính Thành đứng ngoài đám đông, không lắng nghe lời rao của Hầu Tứ mà nhìn chằm chằm vào Diêu Thịnh Phương đang đứng bên cửa. Cô vẫn trắng trẻo như xưa, chẳng thấy già đi, ngực vẫn căng phồng, mông vẫn còn mẩy, riêng mắt vẫn đỏ, thâm quầng. Cô mất ngủ, khóc nhiều. Khóc là đáng kiếp lắm! Nếu không, bao giờ cô mới biết chọn người đàn ông? Có chọn thằng Phùng Thanh Thái làm chồng là mù! Cơ tuồng thằng ấy cao, mặt không đen, lông mày thanh tú, biết kéo nhị thì thế nào hắn cũng lo cho cô được ăn sung mặc sướng hay sao? Con c...! Chỉ dựa vào ba cái đó, vợ chồng cô trở thành giàu có ở Liễu Trấn này ư? Bây giờ Thanh Thái nằm liệt giường cô chẳng những phải trả nợ cho hắn mà còn phải hầu hắn nữa! Trước kia, nếu cô chịu làm vợ tôi, bây giờ cô đã được ăn ngon, có bia, có rượu, mặc toàn lụa là! Hàng ngày chẳng phải mó tay vào bất cứ việc gì. Cô trở thành người đàn bà sung sướng nhất, giàu có nhất Liễu Trấn! Bảy giờ cô cứ việc khóc đi...
— Năm ngàn chín!
Một ông già đứng bên cạnh hắn chợt gào to làm Bính Thành rung động cả người.
— Hay lắm. Ông Sáu Tần trả năm ngàn chín trăm. Còn vị nào kêu giá mới không?
Hầu Tứ vung bàn tay gầy guộc, lúc này hắn mới nhận ra sự có mặt của Bính Thành. Thoạt đầu hắn sững người, sau đó gửi một nụ cười — năm ngàn chín.
Bính Thành cảm thấy tim đập dồn dập. Ý muốn giấu tận đáy lòng trước đây chợt bùng lên: mua lấy cái nhà này! Chẳng vì cớ gì khác mà chỉ muốn mở mắt cho Thịnh Phương thấy bản lĩnh và sự giàu có của ông đấy! — Sáu ngàn rưỡi! — Bính Thành điềm tĩnh thờ ơ nói.
Giá đó làm đám người xúm xít ồn ào bàn tán trước cửa chợt ngoảnh cả đầu lại. Hắn thấy Thịnh Phương cũng liếc nhìn hắn.
— Hay lắm! Ông chủ họ Phí trả sáu ngàn rưỡi! Còn vị nào kêu giá mới nữa không? — Hầu Tứ lớn tiếng rao.
Đám người lặng ngắt và cứ lặng ngắt như thế. Không ai dám đọ cao thấp với ông chủ họ Phí. Mọi việc buôn bán ở thị trấn này, hễ nghe nói ông chủ đã chạm tay vào thì ai nấy đều tự động rút lui. Ai cũng biết Phí Bính Thành có cả một xưởng làm mì, một nhà làm đậu phụ và một cửa hàng bán rượu, thuốc lá. Gia sản có đến mấy chục vạn.
— Không ai trả giá mới, vậy nhà này thuộc về ông chủ họ Phí rồi — Hầu Tứ lớn tiếng nói, rồi vẫy tay về phía Bính Thành — Mời ông chủ vào nhà điểm chỉ! — Đám đông bắt đầu tản đi. Khi điểm chỉ xong vào văn tự, cả Hầu Tứ cũng nhận tiền thù lao ra về, hai gian nhà mặt đường trống trải, chỉ còn lại có Bính Thành và Thịnh Phương.
— Lát nữa tôi sẽ bảo người đem tiền đến cho cô — Bính Thành nhả một vòng khói thuốc, ung dung đi đi lại lại trong nhà.
— Cảm ơn ông chủ! — Thịnh Phương lí nhí nói, đôi mắt đau buồn từ từ nhìn khắp căn nhà thân thuộc, hai tròng mắt dần dần đỏ lên, cánh mũi phập phồng nhè nhẹ.
Cô đau lòng lắm nhỉ? Buồn lắm nhỉ? Nhà của cô đã trở thành nhà của tôi rồi! Cô hãy nếm mùi mặn của nước mắt đi! Xong cô đừng khóc òa nhé, khóc như thế mặt cô sẽ khó coi. Tôi thích nhất nhìn đàn bà rưng rưng nước mắt, khuôn mặt họ như hoa lệ ngậm sương dễ động lòng người. Cô chẳng già đi, cô nhìn bụng cô mà xem, chẳng sồ sề tẹo nào. Cô đâu như mụ đàn bà ở nhà tôi, bụng xổ cả một đống như núi. Đàn bà già đi trước hết ở cái bụng...
Suốt ngày hôm ấy, Bính Thành ngập mình trong niềm hưng phấn không thể kể sao cho xiết. Trưa nay khi từ nhà Thịnh Phương đi ra, hắn tạt về nhà bảo người đem tiền đến cho cô rồi tới quán nhậu, ở đây vừa nhâm nhi vừa nghe gánh hát kể chuyện, cho tới lúc mặt trời xế bóng mới ra về, nằm ườn trên cái ghế xích đu mà hằng ngày hắn vẫn nằm nhắm mắt dưỡng thần.
Gió nhè nhẹ man mát lọt vào sân, lay động mấy cây hoa nguyệt quế đang nở rộ, thế là từng làn hương thơm ngát tràn ngập khắp nơi, không ngừng chui vào mũi Bính Thành khiến hắn càng thấy khoái.
Căn nhà trống vừa mới mua di chuyển tới trước mắt hắn. Hắn bắt đầu tính toán nên xem lợi dụng hai gian nhà mặt đường ấy ra sao. Làm cửa hàng thu mua lâm sản? Mở quán nhậu? Hàng sách? Hay tiệm trà? Nhất định phải tận dụng thật tốt! Phải cho Thịnh Phương biết, ở trong tay chồng cô, hai gian nhà ấy sa sút đến mức phải bán đi, sang tay tôi, chúng hái ra tiền! Tôi phải làm cho cô nhớ kỹ sức lực của hai bên.
Trong bếp choang một tiếng, dường như bát đĩa gì đó rớt xuống đất, nhưng Bính Thành vẫn nhắm mắt, tiếp tục dòng suy nghĩ. Bất chợt cửa bếp lúc này vang lên tiếng vợ hắn chu chéo:
— Ôi trời ơi, cái chậu men sứ của tôi! Đánh chết đồ con hoang ấy đi!
Bính Thành mở bừng mắt, còn người hán đứng sững trong giây lát, mắt nổ đom đóm. Hắn lại cảm thấy cơn nóng mặt quen thuộc. Vợ hắn vô tình chạm phải dây thần kinh mẫn cảm nhất của hắn:
— Đồ thối thây, tru tréo cái gì? — Cơn choáng váng qua đi, hắn đập tay vào tay vịn xích đu, rống lên.
— Tôi, tôi đuổi con mèo hoang ăn vụng — người vợ béo xưng béo xỉa sợ hãi trước cơn tam bành của chồng — Đồ con hoang ấy làm vỡ... trong bếp...
— Cút ngay, đồ thối thây! — Bính Thành dậm chân giận dữ. Vợ hắn lại khiến hắn nhớ đến câu chửi "đồ con hoang" của cha hắn năm nào. Hồi đó, mấy tiếng này suốt ngày vang bên tai hắn. Hắn còn nhớ rõ mùa thu năm hắn mười hai tuổi, cũng vào một buổi tối, hắn kiếm củi vừa vào đến cổng, cha hắn thấy bó củi trên lưng ít ỏi bèn lớn tiếng chửi: "Nhặt được có thế thôi à? Đồ con hoang!" Hồi đó qua câu chuyện của đám đàn ông ở thị trấn, hẳn đã hiểu hai chữ con hoang có nghĩa là thế nào rồi, nên tức giận đỏ bừng cả mặt, óc căng ra, người run bắn. Hắn đốp chát lại:
— Đứa nào là con hoang? Tại sao cha bảo tôi là con hoang?
Nghe hắn cãi, cha hắn ngẩn người ra, thở hồng hộc không sao nói được. Nửa đêm hôm ấy, hắn bỗng thức giấc khi nghe mẹ cố kìm nén tiếng nức nở. Nằm trên giường, hắn lặng nghe mẹ van nài qua tiếng khóc:
— Cha nó... con đã lớn rồi — cha nó đừng chửi con như vậy nữa.
Tiếp theo đến tiếng cha hắn lạc đi vì giận dữ:
— Ông cứ chửi đấy!... Mày làm chuyện đẹp mặt nhỉ! Con mẹ thối thây nhà này!
Mẹ hắn vẫn sụt sùi:
— Ông oán trách tôi ư? Nếu tôi không vì ông, vì các con thì...
Hắn vội vàng bịt chặt hai tai không nghe tiếp nữa...
— Ông hung hăng cái nỗi gì? Tôi đuổi con mèo thì cần có gì đến ông — Vợ Bính Thành vô cớ bị chồng chửi vừa khóc vừa làm toáng lên — Ông tưởng tôi không biết gì đấy à? Ông thấy tôi béo ông chán tôi! Sao trước kia ông không chán? Sao lúc ấy ông ôm lấy tôi gọi tôi là cục cưng mãi thế? Bây giờ ông có tiền rồi, có thể kiếm một đứa xinh đẹp rồi, hu hu...
Nhìn bộ mặt xấu xí vì nước mắt nước mũi và tấm thân phì nộn rung rung của vợ, trước mặt Bính Thành lại hiện ra thân hình xinh đẹp của Thịnh Phương. Hắn lắc mạnh đầu một cái để xua đuổi bóng dáng thanh tú đó đi, sau đó hạ thấp giọng bảo vợ:
— Thôi đi bà ơi!
— Thôi cái gì mà thôi! Tôi là lợn là chó à? Ông muốn chửi là cứ chửi à? Ông đi kiếm con đĩ ở bên ngoài, về nhà còn làm dữ như thế, có định cho tôi sống không chứ? — Người vợ không có ý bỏ cuộc.
Nỗi bực dọc rộn lên trong lòng hắn. Hắn muốn chửi toáng lên một trận nhưng hai đứa con đi học về đã vào đến sân, hắn đành dẹp nỗi bực dọc ấy rảo chân ra cổng. Hắn đi nhanh đến quán nhậu cách đó một quãng. Trời đã sẩm tối, hắn lại đi vội, không nhìn xuống đất. Bất chợt chân thụt xuống rồi cả người hắn đổ vật ra. Nhìn lại, hắn mới biết mình thụt chân xuống vết bánh xe. Mẹ nó! Hắn tức giận chửi rồi lồm cồm bò dậy...
Chỉ sau hai ngày, căn nhà Diêu Thịnh Phương bán đi đã thay đổi hẳn. Cửa sơn xanh, tường quét vôi trắng, một quầy kính ngăn nhà ra làm đôi, một dãy giá bày hàng đứng sau quầy kính. Cuối cùng Bính Thành quyết định: mở hàng bán quần áo may sẵn thật mốt. Hắn thuê người sửa chữa cửa hàng với mức nhanh nhất.
Chiều muộn, Bính Thành đến cửa hàng xem xét. Khi hắn ngắm nghía một vòng quanh nhà, bước đến bên cửa sổ phía sau, bất chợt thấy Thịnh Phương đang bưng một bát cơm bốc khói ra khỏi căn bếp lụp xụp, bước vào nhà sau. Hắn để ý nhìn. Căn nhà phía sau này mái quá thấp, tường một nửa là gạch mộc chất thành, kém xa hai gian nhà phía trước. Bây giờ nhà Thịnh Phương chỉ còn lại hai gian nhà phía sau và cái bếp lụp xụp, hai vợ chồng, hai đứa con, lại còn bà mẹ chồng, ở thế nào cho đủ? Một sự tò mò vui sướng xui khiến hắn mở cửa sau gian hàng bước tới căn nhà kia.
Hắn gõ cửa. Thịnh Phương thưa rồi cửa mở. Mùi thuốc sắc và mùi lạ riêng có ở những người ốm lâu ngày xộc vào mũi, hắn cố nén để không chau mày.
— Rồi đây hai nhà là hàng xóm của nhau nên hôm nay tôi tới thăm — Vào tới trong nhà, hắn cất tiếng nói.
Căn nhà quá nhỏ, tuy thu dọn sạch sẽ nhưng liếc mắt đã thấy ngay cảnh chật chội. Bằng ánh mắt người trên, Bính Thành ngắm nghía mớ đồ đạc cũ bày trong nhà, giấu cái nhìn giễu cợt xuống đáy mắt.
— Mời ông chủ ngồi! — Thịnh Phương nhỏ nhẹ, mắt vẫn buồn bã.
Hà hà, con bé họ Diêu kia! Thì ra làm vợ Thanh Thái sống như thế này đây! Cô không cảm thấy chua xót à?
— Phí Bính Thành! — Gian trong bỗng vang lên tiếng gọi yếu ớt, không thiện cảm.
Hắn hơi sững sờ. Từ ngày hắn trở lên giàu có nhất thị trấn, ai cũng kính trọng gọi hắn là ông chủ, rất ít người dám gọi thẳng tên hắn. Nghe ra đó là tiếng Thanh Thái nằm trên giường bệnh gọi, bèn đáp:
— Thanh Thái gọi đấy ạ?
— Anh vào đây! — Tiếng bên trong vẫn rất lạnh nhạt.
Mẹ nó! Đến bây giờ còn làm bộ với ông cái gì? Mày dám ăn nói với ông thế à? Bính Thành miễn cưỡng bước vào bên trong — Nghe đây! — Phùng Thanh Thái ốm o vàng võ nằm trên giường run run ngóc dậy, tiếng yếu ớt nhưng rõ ràng — Hai gian nhà trước của tôi, anh chỉ được sử dụng chứ không được sửa chữa tùy ý. Ít nữa thế nào tôi cũng chuộc lại. Nếu anh dám hủy hoại nó, coi chừng tôi tính sổ với anh đấy!
— Tất nhiên rồi! — Bính Thành khoan dung, thương hại gật đầu. Mẹ nó, bây giờ mà còn nói cứng! Bản lĩnh như mày mà còn muốn mua lại căn nhà ấy sao? Chịu thua chịu nghèo đi thôi! Bảo cho mà biết, ông đã mua thì nhà ấy là của ông, ông muốn sao thì sửa vậy!
— Ông chủ, xin ông đừng để ý. Ốm lâu ngày nên tính khí nóng nảy — Thịnh Phương nhỏ nhẹ xin lỗi khi tiễn hắn ra cửa.
— Có gì đâu! — Bính Thành lắc đầu, rảo bước về cửa hàng.
— Trổ thêm một cửa về đằng trước cho tôi — Vừa bước vào cửa, hắn dõng dạc ra lệnh cho đám thợ thuê sửa cửa hàng.
— Trổ cửa làm gì ạ?
— Cần lắp một cái loa thùng cho máy hát để thu hút khách hàng.
Phùng Thanh Thái ơi, ông cứ trổ cửa trên tường đấy! Thịnh Phương ơi, tôi muốn cô biết rằng lời chồng cô chẳng đáng cục c...
Hai người thợ bắt đầu đục tường phía trước.
Bính Thành mồm ngậm thuốc dạo quanh phòng. Một người thò từ trên xà nhà thòng xuống hai cái thòng lọng chuẩn bị treo biển quảng cáo có viết "Đủ cỡ áo quần các kiểu. Hoan nghênh vào hàng lựa chọn". Bính Thành vui vẻ nhìn theo động tác của người thợ ấy. Tới chừng người thợ xuống thang lấy tấm biển quảng cáo, hai cái thòng lọng treo trên xà đu đưa. Thoạt đầu hắn còn mỉm cười nhìn, nhưng chỉ nháy mắt, mặt hắn trắng bệch, mắt tỏ vẻ hoảng sợ. Cảnh tượng tương tự cách đây hai mươi mốt năm hiện ra trước mất.
Tối hôm ấy, trên xà nhà nơi cha mẹ hắn ngủ cũng treo hai cái thòng lọng như bây giờ. Cha mẹ hắn đã cho cổ vào hai cái vòng thừng đó để rồi bỏ cõi đời. Hẳn nhớ rõ sự việc hôm đó lắm. Một toán học sinh tay đeo băng đỏ xông vào cổng, đứng trước dân hô to: "Lôi con đĩ của thằng địa chủ Bảy Liễu ra đây!" Hô xong, xông vào bếp, điệu mẹ hắn đang sợ hết hồn ở cửa bếp đưa đi. Cha, anh, chị và hắn xúm vào giành lấy mẹ xong đều bị Hồng vệ binh xô ngã. Cuối cùng mẹ hắn bị điệu lên bục cao ở ngã tư thị trấn, hai bóng đèn 100W chiếu vào mảnh giấy đen cài trước ngực. Trên đó viết: "Con điếm nhà địa chủ". Dưới bục vây kín những người đeo băng đỏ. Hắn chỉ được đứng xa xa nhìn người mẹ run rẩy qua nước mắt. Sau một loạt tiếng hô "thành thật khai ra" của Hồng vệ binh, hắn nghe thấy mẹ lúc nó khai: "... năm đó, cha các cháu bị bệnh thương hàn, nhà chẳng còn gì bỏ vào nồi... tôi phải đến xin làm việc vặt ở nhà Bảy Liễu... thổi cơm... Một tối,... Bảy Liễu ôm choàng lấy tôi từ phía sau... tôi đã,... tôi cản,... vẫn không buông tay bịt miệng tôi, bảo nếu không nghe... trừ tiền công, đuổi đi. Tôi cần tiền..."
Bính Thành không nghe tiếp được nữa, hắn quay người, cắn chặt răng chạy thục mạng tới nghĩa địa chôn lão Bảy Liễu ở bên ngoài thị trấn, dùng hai tay cào bới như điên đám đất trên đầu mộ chôn lão cho đến lúc hai bàn tay rớm máu mỏi nhừ. Khoảng nửa đêm hắn mới lê bước về nhà. Khi đó anh, chị hắn đã đi ngủ, mẹ hắn hai mắt ngây dại, mặt trắng bệch nằm trong nhà, cha hắn đang buộc hai cái vòng thừng lên xà nơi họ ngủ. Thấy hắn trở về, cha hắn sững sờ giây lát, sau đó lầm bầm nói như giải thích, lại như tự nói một mình: "Làm cái thòng lọng này để treo đồ." Lúc ấy hắn chỉ liếc qua hai vòng thừng đang đu đưa rồi chui vào chỗ ngủ của mình. Hắn không muốn nghĩ ngợi, chỉ muốn chìm vào giấc mơ lộn xộn thật nhanh để quên đi hết thảy những gì hắn nghe thấy tối hôm đó. Trời vừa rạng, tiếng người chị kêu thét đánh thức hắn. Theo tiếng kêu, hắn chạy vào chỗ bố mẹ ngủ thì họ đã treo người trên hai cái thòng lọng...
— Bỏ xuống, bỏ xuống ngay! — Mặt nhợt nhạt, Bính Thành chỉ hai vòng thừng treo trên xà.
— Sao ạ? — người thợ bỏ tấm biển quảng cáo ngỡ ngàng.
— Không treo nữa, đồ ngu! — Hắn rống lên như điên.
Năm ngày sau, cửa hàng quần áo may sẵn mốt mới Phi Ký đã bày biện xong xuôi. Trên giá hàng, trên mặt quầy, trên dây thép treo chỗ nào cũng là quần áo may sẵn đủ màu, đủ cỡ mốt mới. Bính Thành quyết định hôm sau mở hàng. Chiều hôm đó hắn đến hiệu xem xét lần cuối. Cửa hiệu này hắn đã giao cho một người cháu bên ngoại phụ trách kinh doanh cụ thể nhưng hắn không yên tâm lắm. Hắn phải kiểm tra cẩn thận từ cách bày biện đến sổ sách nhập hàng một lần nữa mới hài lòng thở phào. Đúng lúc đó có người gõ cửa. Người cháu đẩy cửa ra, Thịnh Phương ăn mặc giản dị đứng ở cửa.
— Ồ, cô đấy à? Xin mời vào — Bính Thành rất vui khi thấy Thịnh Phương tới xem cửa hiệu của hắn vào lúc này.
Thịnh Phương bước vào. Cô ngạc nhiên và bất ngờ khi thấy căn phòng quen thuộc thay đổi hẳn. Hai tay cô bất giác mân mê chéo áo, mắt rụt rè nhìn xung quanh. Thấy vẻ khép nép, bàng hoàng của cô, bất giác Bính Thành lại nhớ đến bộ dạng cao ngạo khi cô xé lá thư tỏ tình của hắn năm nào. Hà hà, Thịnh Phương ơi, sao hôm nay không làm cao nữa đi!
— Tìm tôi có việc gì? — Hắn đắc ý song không để lộ qua ánh mắt.
— À — Sau khi khẽ đáp như thế, Thịnh Phương bỗng đỏ bừng mát — Tôi định hỏi, sau khi mở hàng, nhà ta có cần người giúp việc không.
Ồ, thì ra là thế! Cuối cùng cô đã phải cầu cứu tỏi.
— Người giúp việc ấy à, tất nhiên cần rồi! — Hắn cố ý kéo dài giọng.
— Nếu cần, tôi đến làm có được không? Thịnh Phương ngẩng đầu lên, mặt tỏ vẻ van nài — Không sợ ông cười mới nói, tiền bán nhà còn chưa đủ trả nợ, đến nay thiếu đến hơn hai ngàn nữa. Thanh Thái ốm nằm đó, các cháu còn đi học, đều cần tiền, biết kiếm đâu ra? Mấy thứ trồng ngoài đồng chỉ đủ đỡ miệng, tôi chẳng còn biết làm thế nào. Nếu ông nhận tôi vào giúp việc vặt ở cửa hàng, mỗi tháng trả cho ít tiền công, cũng là giúp đỡ tôi nhiều lắm...
Bính Thành đâu có nghe những lời thì thầm thổ lộ đó? Mặt hắn cứ dán vào bộ ngực phập phồng của Thịnh Phương. Lòng hắn rộn lên một tình cảm lộn xộn, phức tạp. Năm ấy ngực cô ta chưa nở như thế này mà đã khêu gợi hắn biết bao ước muốn kỳ lạ. Khi ấy đêm nào nằm mơ, tôi cũng mơ thấy mình cởi từng cái cúc một trên ngực áo cô, nhưng hầu như lần nào sắp cởi đến đến cái cúc cuối cùng thì lại tỉnh mộng. Tôi mong ước sớm muộn giấc mộng kia cũng thành hiện thực. Nào ngờ cô lại ưng cái thằng khốn kiếp Phùng Thanh Thái. Cô bằng lòng cho hắn cởi cúc áo trên ngực cô, bằng lòng cho hắn sờ mó khắp người cô! Con mẹ nó Phùng Thanh Thái! Mày có biết không! Vợ mày hiện đang cầu cứu ông! Ông chẳng những có quyền cải tạo nhà của mày mà ông còn có quyền chi phối vợ mày nữa! Nghĩ đến đây, tim Bính Thành nhảy bật lên một cái, một ý nghĩ thầm kín vụt qua óc hắn: xem xem bầu vú cô ta thế nào!
— Ông chủ, có được không ạ! Vẻ van nài tăng lên trong mắt Thịnh Phương.
— Được, tất nhiên được mà! — Bính Thành vội gật đầu — Cửa hiệu này tôi định giao cho ba người kinh doanh. Một thằng cháu trai, một con cháu gái và một người làm công. Cô muốn làm thì tôi khỏi phải thuê người khác. Còn tiền công, hai người kia bao nhiêu, tôi trả cô bấy nhiêu, không để thiệt cho cô đâu. Nếu Thanh Thái có cần việc gì, cô có thể tùy lúc về trông nom, ban đêm cũng không cần cô gác cửa.
— Cảm ơn! — Thịnh Phương cảm động, mắt hoe đỏ.
— Khách sáo làm gì, có phải người ngoài đâu! — Bính Thành dõi mắt theo người đàn bà ra cửa, ánh mắt dồn vào cái mông tròn đầy. Một tia lửa loé lên trong mắt hắn rồi đột ngột lặn đi.
Chiều tối hôm ấy trên đường về nhà hắn thấy vui. Hắn gặp một bé trai sáu bảy tuổi đang đánh vòng sắt. Khác hẳn lệ thường, hắn tiến lại, nhẫn nại dạy đứa trẻ đánh vòng lăn theo vết xe cũ trên đường, như thể đánh một cái mà lăn được rất xa. Hắn còn nhiệt tình làm thử, cầm lấy cái vòng sắt trên tay đứa trẻ, đánh cho lăn mấy lần theo vết xe nhẵn thín, khiến đứa trẻ thích quá vỗ tay hoài. Cho đến khi cha đứa trẻ gọi nó về ăn cơm, niềm vui của hắn mới đột nhiên bị phá tan. Thì ra cha đứa trẻ ấy là cháu địa chủ Bảy Liễu. Thấy đối phương, Bính Thành căm tức đứng sững, quăng cái vòng xuống đất, quay người bỏ đi. Bao nhiêu năm qua hắn chưa bao giờ bắt chuyện với người nhà Bảy Liễu.
Đi được mấy bước, hắn cảnh giác nhìn lại xung quanh. Còn may, không có ai. Giả sử ai đó bắt gặp hắn kiên nhẫn giảng giải trò chơi cho cháu chắt nhà Bảy Liễu, không chừng người ta lại nghi ngờ.
Ngày đầu tiên khai trương, hiệu quần áo may sẵn Phi Ký đã rất đắt hàng. Trong khi pháo đang nổ, nhiều đợt khách đã ùa vào cửa hàng. Thịnh Phương cùng hai người cháu Bính Thành luôn tay luôn miệng giới thiệu, nhận tiền, lấy quần áo. Rõ ràng Thịnh Phương cũng xúc động truớc cảnh tượng khách mua đầy nhà này. Khuôn mặt thường ngày lo âu sầu não thì nay vui vẻ tươi cười. Hôm ấy cô mặc cái áo len xanh hoa đỏ đã cũ, vẻ nghèo nàn nổi bật trước những bộ quần áo thời trang đẹp đẽ chất đầy cửa hiệu, song khuôn mặt xinh đẹp trời cho và thân hình mềm mại của cô vẫn thu hút ánh mắt của nhiều khách hàng. Phí Bính Thành lẳng lặng ngồi ở đầu quầy đằng kia nhận thấy số đông khách nam giới đứng tuổi vào mua hàng, trước tiên đều dừng mắt trên người cô, sau đó mới xem hàng, hỏi giá. Hắn lau qua mặt, nhè nhẹ xoa đi nụ cười mỉm nhiều hàm nghĩa trên đó.
Sau một ngày, tính ra tiền bán hàng có đến hơn hai ngàn tám trăm đồng, lãi gần ba trăm. Bính Thành cố ý lớn tiếng tuyên bố kết quả đó. Tới chừng thấy Thịnh Phương thoáng ngạc nhiên khâm phục, hắn rút ra sau tờ mười đồng, đưa cho Thịnh Phương và hai người cháu, mỗi người hai tờ, bảo:
— Đây là tiền ăn mừng. Nếu ngày nào cũng bán được như thế này thì lương mỗi người hai trăm một tháng.
Khi Thịnh Phương tỏ vẻ cảm kích quay người ra khỏi cửa, hàm răng trên của Bính Thành cắn nhẹ vào môi dưới, hai bàn tay không rõ vì cớ gì nắm chặt vào nhau. Sau ngày khai trương chừng nửa tháng, sẩm tối, Bính Thành đến cửa hàng bảo cậu cháu trong cửa hàng:
— Tối nay chú ở đây xem sổ sách rồi trực ban luôn thể. Cháu về nhà mà ngủ!
Người cháu vừa đi khỏi, hắn mở cửa sau lớn tiếng gọi Thịnh Phương đang lượm củi ở sân:
— Cô Phương này. Lát nữa cô rảnh lên giúp tôi bày lại hàng nhé!
Đợi cô trả lời xong, hắn kéo tất cả rèm cửa lại, ngả ngường trên cái giường thường ngày người cháu vẫn ngủ, thong thả châm thuốc hút.
Không biết thời gian trôi đi bao lâu trong cái cảnh tịch mịch đó thì cửa sau có tiếng gõ. Bính Thành nhanh nhẹn nhỏm dậy mở cửa:
— Xin lỗi, tối muộn quá. Tôi vừa thu xếp cho Thanh Thái, bà cụ và các cháu đi ngủ xong — Thịnh Phương bước vào đã xin lỗi.
— Không sao, không sao! — Bính Thành vừa cài cửa vừa lắc đầu.
— Bày những hàng gì? — Để tôi làm — Cô vừa nói vừa xắn tay áo.
— Có chút việc vừa nãy cô chưa lên, tôi làm xong rồi. Ngồi xuống đây, luôn thể có việc bàn với cô. — Hắn chỉ vào mép giường, tay run run.
— Thế này này. Tôi có cô em họ con bà cô, nghe nói mở của hiệu bán quần áo may sẵn cứ đòi cho được chân bán hàng. Nói hai ba lần rằng, đã có người, vẫn cứ đòi đến. Chẳng có cách khác đành đề nghị cô... — Hắn nói rất từ tốn.
— Thế ư! — Thịnh Phương tự nhiên bật dậy, hai má nóng bừng, giọng nói gấp gáp — Ông chủ, ông biết đấy, không có số tiền tôi kiếm được ở đây, cả nhà tôi không sống nổi. Ngày mai Thanh Thái lại phải bốc thuốc, cháu bé phải nộp tập phí cho trường, tôi đang lo không biết có vay ông chút ít được không. Nếu không tôi cũng nghỉ ở nhà thì...
— Đừng vội lo — Bính Thành thong thả đứng lên tới bên Thịnh Phương, giơ tay vỗ nhẹ lên vai cô an ủi — Nếu thực sự cô có khó khăn, tôi cũng không thể an tâm.
Nói rồi, bàn tay kia của hắn cũng vỗ nhẹ lên vai cô.
— Ngồi xuống, đừng lo, còn có tôi kia mà!
Khi Thịnh Phương hoang mang lại ngồi xuống mép giường, hai tay hắn vỗ trên vai cô bất đầu từ từ chuyển xuống. Đang đắm mình trong nỗi lo lắng, Thịnh Phương chưa nhận thấy sự di chuyển của hai bàn tay kia, chỉ chăm chăm nhìn vào phía Bính Thành, chờ hắn trả lời. Tới chừng cảm thấy hai bàn tay hắn khe khẽ nắn núm vú ngoài lần vải áo, cô mới giật nảy mình. Đôi mắt vốn đầy vẻ hòa nhã van nài bỗng trở nên sững sờ. Cô đứng bật dậy, đẩy mạnh Bính Thành lảo đảo lùi lại, phẫn nộ kêu lên:
— Ông làm gì thế?
— Có làm gì đâu? — Bính Thành ngượng ngùng cười — Con mẹ nó! Giả bộ đứng đắn! Nên hiểu biết mới phải.
— Ông... — Thịnh Phương nghiến răng, nước mắt rưng rung từ từ ứa ra. — Ông tưởng tôi nghèo dễ bắt nạt hả? Nói cho ông biết từ nay về sau ông còn dám thế, cẩn thận kẻo tôi đi thưa đấy — Nói xong, cô quay ngoắt đi luôn.
— Đồ thối thây! — Mặt Bính Thành sa sầm
— Ngày mai, cô không phải đi làm. Tiền công mấy ngày vừa rồi tôi sẽ cho người đưa đến — Tiếng hắn thong thả, ghê rợn.
— Bà không cần tiền của mày! — Thịnh Phương giận dữ ném lại một câu, mở cửa chạy về nhà.
Bính Thành đứng sững nguyên chỗ cũ, mắt đăm đăm nhìn cô người mẫu bằng nhựa mặc áo cánh dơi đứng bên quầy. Mẹ nó! Bản lĩnh chinh phục đàn bà của mình vẫn chưa ổn. Đồ thối thây! Đợi đấy! Tao sẽ đánh gục hoàn toàn thói ngạo mạn của mày. Hắn tiến dần từng bước đến trước người mầu, soạt một cái giật tuột cái áo cánh dơi, hầm hầm thụi một quả vào ngực.
Liền mấy ngày Thịnh Phương đến xưởng của nhà nước và cửa hiệu của tư nhân ở quanh đấy tìm việc làm. Có hai nơi bằng lòng nhận cô, nhưng sau đó một buổi lại khéo léo từ chối. Cô nằm mơ cũng không nghĩ được rằng Bính Thành vẫn để mắt theo dõi cô. Chỉ cần cô đến xưởng nào, của hãng nào ngay sau đó hắn cũng đến thăm hỏi chủ nhân những nơi đó. Trong lúc chuyện vãn hắn chỉ thuận miệng nói:
— Bà hàng xóm ở sau cửa hàng quần áo của chúng tôi tay chân không sạch sẽ lắm đâu. Giúp việc ở cửa hàng có mấy ngày mà tôi đã mất khối thứ, rốt cuộc đành phải thải.
Chẳng ai muốn thuê một người phụ nữ như thế.
Sau đó Bính Thành lại hỏi thăm đến các chủ nợ của Thịnh Phương. Hỏi được rồi liền đến nhà từng người. Trong lúc chuyện trò về công việc buôn bán, bao giờ hắn cũng tiện thể báo cho họ biết: nghe nói nhà Phùng Thanh Thái gần đây kiếm đuợc một món, chuẩn bị chung lưng mở cửa hiệu với mấy người khác. Thế là vài ngày sau, các chủ nợ nối tiếp nhau tìm Thịnh Phương đòi nợ. Qua khe cửa sau, Bính Thành nghe được hết những lời cô van xin họ.
Hắn cười tủm tỉm. Đồ thối thây! Kiêu ngạo lắm vào!
Khoảng hai tháng sau, một tối Bính Thành đến cửa hiệu bàn với người cháu về việc mua hàng. Hắn ngồi chưa lâu, bỗng cửa bị đẩy ra, người bước vào là Thịnh Phương. Hắn ngẩn người ra. Đang suy nghĩ xem cô đến về việc gì thì Thịnh Phương bình tĩnh nói:
— Ông chủ, tôi có chút việc muốn thưa riêng với ông.
— Ờ — Bính Thành xua tay về phía người cháu — Cháu về trước đi!
Khi cánh của khép lại, Thịnh Phương bước lại đến bên hắn, nói rất thản nhiên.
— Xin báo với ông, bây giờ tôi bằng lòng rồi!
— Bằng lòng cái gì? — Trong vài phút đầu, Bính Thành còn chưa kịp phản ứng, mắt hắn trố ra.
Thịnh Phương lặng lẽ giơ tay cởi cái cúc áo trên cùng. Bính Thành cảm thấy thái dương giật lên mấy cái, một cái gì nóng bỏng cuộn lên ở bụng dưới của hắn. Ha ha! Đồ thối thây! Cuối cùng mày đã chịu để tao chinh phục! Hắn cầm cốc nước trà trên bàn lên, thong thả uống một ngụm.
— Tôi muốn hỏi xem mỗi lần ông chi cho bao nhiêu? — Đôi mắt Thịnh Phương nhìn dán vào hắn, như hỏi một việc rất bình thường.
— Tiền ấy à, dễ ợt! — Hắn kéo ngăn bàn đánh soạt, lấy ra một xấp tiền 10 đồng dày cộm ném lên mặt bàn, mỉm cười — Cô có thể bỏ túi ngay xấp tiền này! — Đồ thối thây, bây giờ mày mới biết sức mạnh của tao, hắn nghĩ.
— Vậy tôi... cởi ngay bây giờ à? — Cô nhìn dán vào mắt hắn. Một màu đỏ rực phủ lên mặt hắn, hắn hoảng loạn đổi chân đứng cho nhau, thậm chí bối rối quay đầu nhìn nhanh cái giường. Nhưng hầu như cùng lúc hắn lại thầm gắt lên: Mình sợ cái gì nhỉ? Thằng Trần Cửu Long mở cửa hàng ăn ở phố Đông chẳng có con bồ là gái góa đó sao? Còn lão Ba Lâm ở xưởng bột giặt phố Bắc không ngầm lấy hai vợ là gì? Mình nhiều tiền như thế để một chỗ được cái gì? Định đem xuống mả chắc? Phùng Thanh Thái, mày không chịu thua cơ mà? Mày xem, tao chẳng những cải tạo nhà mày mà còn ngủ với vợ mày nữa!
— Cởi đi — Hắn nghe hai tiếng này bật ra từ miệng hắn. Hắn toan đứng lên, cởi từng chiếc cúc áo một trên ngực áo của Thịnh Phương như hắn từng cởi nhiều lần trong những giấc mơ năm ấy, nhưng cuối cùng hắn ta kiềm chế: để cô ta phải làm nấy. Tao biết, mày còn muốn trinh tiết với thằng chồng mày, chẳng còn cách nào khác mày mới buộc phải đến đây. Tao quyết bắt mày phải tự tay xé toạc niềm kiêu hãnh của mày. Thịnh Phương tay cứng nhắc chậm rãi cởi từng chiếc cúc áo, đôi mắt xa vắng nhìn dán vào quầy hàng gần đó.
Hắn bất giác cầm chặt cốc nước trà, mắt mở to, cảm thấy tim đập nhanh hơn, thần kinh căng thẳng, hai má nóng bừng, hai bên thái dương giật nhoi nhói.
Thịnh Phương cởi hết áo.
Hắn nín thở, hai tay như sắp bóp vỡ cốc nước. Khi tấm thân trắng bóc của Thịnh Phương để lộ hoàn toàn trước mặt hắn, hắn không nén nổi bật cười. Ờ, cuối cùng tao đã thấy! Cái của núp dưới quần áo khiến tao mơ tưởng bao nhiêu năm nay. Bây giờ tao đã thấy.
Thịnh Phương buốc từng bước đến bến giường.
Hắn đứng bật dậy hai tay vẫn bóp chặt cốc nước trà.
— Tôi không muốn có con đâu! — Cô lạnh lùng ném lại một câu.
— Ồ! — Hắn cười. Câu ấy kích thích thần kinh hưng phấn đến cùng cực của hắn. Tim hắn đập dữ dội, nghe rõ cả tiếng đập của mạch máu hai bên thái dương. — Có một đứa càng hay, nếu cô đẻ được một đứa cho tôi, tôi cho cô bốn chục ngàn!
Thịnh Phương bỗng ngoảnh lại nhìn thẳng vào mắt hắn, môi để buột ra một câu:
— Tôi không muốn nuôi một đứa con hoang! Con hoang!
Choang! Cốc trà từ nãy vẫn nằm cứng giữa hai tay hắn tuột rơi xuống đất.
Hai mắt hắn chợt mở lớn cực độ, khuôn mặt cha mẹ hắn cùng hai cái thòng lọng bằng dây thừng vụt treo trước mặt hắn. Đồ con hoang, đồ con hoang nhà này... Dỗ điếm nhà địa chủ... Con hoang... Lão Bảy Liễu... Tôi cần tiền... Đồ con hoang!... Một mớ âm thanh lộn xộn cuồn cuộn dập vào tai hắn, một mớ đốm sáng lơ lửng xoay tròn tấp vào mặt hắn, một đợt run rẩy dữ dội từ chân dâng lên, lan tỏa. Hắn nghe rõ ràng trong người hắn ở đâu đó gãy cách một cái.
Thịnh Phương nét mặt kinh hoàng nhìn hai tay Bính Thành quơ quơ cái gì đó trên không rồi nặng nề đổ vật cả người xuống đất.
Từ đó hắn ốm mãi không dậy được.
Ba tháng sau, khi dân thị trấn lại nhìn thấy hắn thì hắn tóp teo trong đến sợ, mái tóc đen nhánh trước đây bạc quá nửa.
Không ai trông thấy hắn đến hiệu bán quần áo may sẵn nữa. Hiệu ấy cháu hắn kinh doanh, Thịnh Phương là người làm ở đó.
Bính Thành bắt đầu phải chống gậy. Một hôm, mấy đứa trẻ thấy hắn chống gậy đi qua đường, khi đi qua vệt bánh xe ở giữa đường, cây gậy bị vướng, hắn lảo đảo rồi ngã lăn ra. Hắn phải ngồi trên vệt bánh xe thở một hồi rồi mới run run đứng dậy được...
PHẠM TÚ CHÂU dịch
100 Truyện Ngắn Hay Trung Quốc 100 Truyện Ngắn Hay Trung Quốc - Nhiều Tác Giả 100 Truyện Ngắn Hay Trung Quốc