Nguyên tác: Peste Et Choléra
Số lần đọc/download: 1280 / 46
Cập nhật: 2017-05-20 08:52:16 +0700
Những Cuộc Đời Song Chiếu
V
olga là một con tàu cũ kỹ, trộn lẫn giữa kiểu thuyền buồm và tàu hơi nước, cấu tạo gồm ba cột buồm, chỉ có một nồi hơi trung tâm, một con tàu khiêm tốn chở được 67 hành khách và vài tấn hàng.
Hằng tháng, từ Sài Gòn, trên chuyến đi, các thương gia quen thuộc với tuyến đường thủy này chuyển hàng hóa từ châu Âu sang cho những người Philippin giàu có, quần áo từ Paris và đồ sứ từ Limoges, bình lọ pha lê và rượu vang ngon. Đổi lại, khi về họ chở dưới đáy hầm để hàng những thứ sản phẩm làm ra từ mồ hôi của người Philippin nghèo khổ, đường miếng, xì gà Manila và quả ca cao. Từ cảng này đến cảng kia, đó là ba ngày ba đêm trên mặt biển vàng như Conrad đã từng tả, sóng dồi cuồn cuộn và mềm mại, mũi tàu đầy những lớp sóng ấy giống như cái miệng bĩu ra. Con tàu hơi nước hiền lành chạy đều đặn như một cái phà. Trên đài chỉ huy, thuyền trưởng François Nègre là một người lão luyện trong dòng thuyền nhỏ ở châu Á. Ngay từ đó, cuộc đời Yersin, trong vòng suốt một năm, mang sự đều đặn của một con lắc.
Một phần ba thời gian anh ở trên boong, một phần ba nữa anh lang thang trong thành phố Sài Gòn mới, và phần ba còn lại ở Manila cổ. Đó là một trong những thành phố của người Tây Ban Nha chất chứa nhiều thế kỷ và đạo Cơ Đốc rực rỡ vàng ròng cùng những bức tượng thánh rỏ máu, những thứ đồ thánh, những tượng Đức Mẹ đồng trinh nhiều màu sắc phủ đầy hoa, quả và bánh ngọt dâng tặng. Tất cả những thứ đó trong mắt một người Thanh giáo bang Vaud cũng kỳ khôi hệt những vật thờ của đạo Vaudou (Tín ngưỡng vật linh có nguồn gốc từ Benin, phổ biến ở các tộc người da đen Antille và Haiti). Nằm ngay trên bờ biển là một thành lũy pháo đài giống như các thành phố bên Puerto Rico hay La Havana với những phố dốc lát đá, một nhà thờ lớn màu trắng có hai tháp chuông có trán tường (Bộ phận tường chắn được xây cao lên hình tam giác hoặc đường cung lượn bên trên mặt tiền, đặc trưng kiến trúc cổ điển châu Âu, thừa kế kiến trúc Hy Lạp cổ đại, trên có các điêu khắc trang trí) đã bị mốc đen và rêu xanh ăn mòn nham nhở, vào lúc mà người Pháp vừa mới xây xong Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn bằng gạch đỏ mới toanh của Toulouse.
Nhưng anh đã nhanh chóng dạo khắp cả hai thành phố này và mỗi chuyến đi lại rời xa chúng thêm. Yersin, đó là một chàng thanh niên rất có tổ chức, ai cũng biết. Tháng nào anh cũng quay lại Philippin để nghiên cứu thiên văn học ở chỗ các cha dòng Tên của Đài Thiên văn, học cách sử dụng phong vũ biểu để đo độ cao, leo lên núi lửa Taal và lao vào các công việc thực tiễn giống như người ta làm những con diều. Anh dùng bút mực vẽ miệng núi lửa. “Dưới đáy là hai mảng đầm màu xanh lục pha vàng nhạt và từ đó bốc lên những đám hơi dày màu trắng. Đây đó, những cột khói nhỏ bé len lỏi chui ra từ các kẽ nứt.” Anh mua một con thuyền được dân địa phương gọi là banca, thuê người chèo thuyền, đi ngược các dòng sông, xem những cuộc chọi gà ở các ngôi làng người Tagalog.
Và mỗi tháng Lord Jim (Nhân vật của Joseph Conrad), hay Yersin, lại dấn sâu hơn vào “một dòng kênh hẹp và ngoằn ngoèo chảy giữa một khu rừng rậm nhiệt đới”. Anh viết những ghi chép thám hiểm đầu tiên gửi về cho Fanny, độc giả duy nhất của anh. “Bọn con đến bên dưới một vòm lá xanh, thêm vào đó là ánh trăng, rồi sự im lặng của màn đêm, những con thuyền độc mộc nhỏ của đám ngư dân đỗ nép vào những góc tối tăm của dòng sông, khiến cho cảnh tượng này trông có dáng vẻ duyên dáng kỳ cục. Bọn con cho tay chỉ huy lên thuyền, hai đứa con của anh ta và một trung sĩ người Tây Ban Nha. Một giờ sáng, bọn con đã đến được Jala-Jala.” Tới bình minh thì họ quay trở về. Hôm sau banca được cẩu lên tàu Volga và buộc chặt trên boong. Tàu tháo dây chằng và phả khói ra đi. Yersin mặc lên người bộ đồng phục trắng gắn lon 5 vạch mạ vàng và rung chuông, tối đến trong khoang phòng lại tiếp tục câu chuyện về những ngày anh đã trải qua, kể cho thuyển trưởng Nègre và các thương gia ngồi bên bàn trước chai rượu ápxanh. Lại là chuyển động lắc lư chậm chạp của con tàu hơi nước trên mặt biển sóng sánh. Thỉnh thoảng họ giương buồm để tiết kiệm than hoặc để tưởng nhớ những con người xưa cũ. Chỉ chiếc thuyền mảnh khảnh là thứ duy nhất có mặt ở cả hai phần đời của anh. Ba hôm sau, khi quay lại Sài Gòn, nó được dỡ xuống và được neo đậu trong cảng.
Ở Nam Kỳ, chiếc banca Philippin biến thành tam bản Việt Nam. Yersin dành thời gian để chạy ven sông như thế. Hai người dẫn đường của anh, Choun và Tiou (Tên riêng giữ nguyên như trong bản gốc), chất lên thuyền chăn và đèn, màn và máy lọc nước Chamberland, gạo và đám vịt bị buộc chân. “Những ngọn núi lúc đầu còn ở xa gần lại dần, dòng sông mỗi lúc một thu hẹp. Trời nóng như nung ở đáy cái khe này.” Tối đến, họ dựng trại để nghỉ trên bờ sông, đốt lửa, cắt tiết và nhổ lông lũ vịt. Sắp tới, bọn họ sẽ đi ngược mãi lên đến Biên Hòa rồi quá cả đó. Nơi đây, Yersin gặp một chủ đồn điền cô độc người Đan Mạch, Jorgensen, rồi quen với sự tiếp đón kiểu gấu già cô độc của ông ta. Lúc Yersin đi, Jorgensen đưa cho anh danh sách những thứ đó cần mua mà phải đợi một tháng nữa thì mới có. Từ hàng hiên ngôi nhà sàn bằng gỗ tếch có thể nhìn xuống làn sóng xanh của đồn điền hồ tiêu, và thấy “ngay dưới chân nước đập ầm ầm vào các tảng đá”. Buổi sáng núi thật xanh ở chân trời. Dòng sông là nơi lũ voi đến uống nước, nơi chim kêu vượn hú. Đây chính là nơi để sống, rời xa khỏi thế giới. Cùng Jorgensen, họ đi bộ hai ngày liền tới tận những ngôi làng đầu tiên của người Mọi.
Trong những bức thư, mà Fanny lòng đầy lo lắng bắt đầu giấu không cho những cô gái trẻ ở Nhà Cây Sung đọc, Yersin viết những ghi nhận đầu tiên của mình về dân tộc học, rằng người Mọi “là những người vóc dáng cao lớn, chỉ quấn khố. Khuôn mặt họ khác rất nhiều so với mặt người An Nam. Họ thường đề râu và có ria, có dáng vẻ kiêu hãnh và man dã hơn. Các làng thì chỉ gồm duy nhất một ngôi nhà, nhưng nhà rất lớn, dựng trên những cây cột. Mỗi gia đình sống trong một khoảnh có vách ngăn không kín hẳn. Đây thực sự là cuộc sống cộng đồng. Ở chỗ người Mọi tiền không còn giá trị gì cả. Họ thích vài viên ngọc thủy tinh hay một cái nhẫn bằng đồng hơn.”
Như mọi kẻ cô đơn thâm căn cố đế, Yersin cảm thấy phấn khích trước cuộc sống theo kiểu cộng đồng, hình thức bình quân của thứ chủ nghĩa cộng sản sơ khai và phi tiền tệ. Chính từ đây mà phải tiến xa hơn nữa, rời dòng nước, vật lộn trong những khu rừng, leo lên rặng Trường Sơn, vượt qua chúng. Tiến thật xa, vể phía bộ tộc Xê Đăng hay Gia Rai, nơi còn chưa ai từng đến, thậm chí cả Jorgensen cũng chưa. Cái lão Mayrena, tức Marie Đệ Nhất, thì có thể, nhưng lão ta thì lại tìm vàng hoặc vinh quang. Thường, Yersin chỉ xuống Sài Gòn ngay trước ngày tàu Volga lên đường, cho kéo chiếc tam bản lên đó, để ba ngày sau nó sẽ lại trở thành một chiếc banca. Anh gặp lại thuyền trưởng Nègre và các thương gia. Còn đội thùy thủ, “họ khá đa dạng về chủng tộc, ở đây có người Hoa, người Mã Lai, người Nam Kỳ”. Không giống những người ấy, anh không nghĩ cả đời mình sẽ ở trên tuyến đường biển này, nhưng cũng không biết rõ mình có thể làm gì khác. Anh nhanh chóng chạm đến giới hạn địa lý của những chuyến đi này. Điều đó có thể trở nên chán nản ngang với bài giảng vể vi trùng học.
Yersin còn chưa phải là nhà thám hiểm, cho tới lúc đó, chưa bao giờ anh lên đường tiến về phía trước mà chẳng buồn quay lại, đối mặt với các hiểm nguy, hay đặt cuộc sống của mình trước hiểm họa lớn. Sắp tới, trong cuộc chiến với Thục, anh sẽ bị một cây giáo xuyên qua người. Những hiểu biết về y học sẽ cứu sống anh.
Năm ấy, Yersin đi di lại lại giữa Manila và Sài Gòn trên mặt biển vàng, cũng mùa xuân năm ấy Rimbaud quay về cảng Marseille lần cuối. Lưỡi cưa của bác sĩ phẫu thuật cắt đi cẳng chân sau hàng tuần chàng được khiêng cáng chạy trên gập ghềnh sa mạc, không được chạy chữa thuốc men theo phương pháp Pasteur. Trên tàu, viên bác sĩ của Hãng Đường biển vận đồng phục màu trắng bất lực trên đầu giường chàng. Những câu cuối cùng trong cơn mê sảng, nhịp đập của những cái răng voi (Rimbaud thích dùng chữ “răng voi” hơn là “ngà voi”) giống như tiếng trống thổ dân. Trước khi bị cắt chân, chàng viết thư cho chị gái Isabelle: “Tại sao ở trường người ta lại không dạy chút ít về y học để không bao giờ phạm phải những điều ngu xuẩn như vậy?”