Số lần đọc/download: 296 / 18
Cập nhật: 2020-04-07 22:01:32 +0700
Chương 5
C
uộc hội họp» tổ chức tại căn nhà trống của Kalixtrát Lưtscốp. Những căn nhà «không ra gì» như thế này ở Lukianốpca đã có tới gần chục cái. Chiến tranh đã làm cái việc đó một cách rất dễ dàng. Chủ nhà chết ngoài mặt trận, còn bà chủ cùng với những đứa trẻ nhỏ tuổi và những người già lụ khụ, bị sự túng thiếu cùng cực bóp chặt, phải kéo đi sống lênh đênh ba chìm bẩy nổi ở đâu đó gần với họ hàng, hoặc là ra thành phố. Bà chủ dù có đưa ra một cái giá bán nhà rẻ mạt, dù là cái giá vứt đi, cũng chẳng kiếm đâu ra người mua. Họ bỏ nhà đi, như bỏ một vật vô dụng nhất, và nếu có phải trả giá gì đó vì những cái nhà ấy, thì chính những người đã từng sống ở trong những căn nhà ấy lại phải trả. Trả bằng nước mắt. Càng sống nhiều năm trong căn nhà, càng chua xót hơn khi phải chia tay với nó, những dòng nước mắt càng mặn muối hơn, càng chẩy nhiều hơn...
Căn nhà của chị vợ lính góa bụa Nêliđa Lưtscôva rộng rãi như một nhà kho. Được dựng vuông vức bốn góc, căn nhà này bên trong được ngăn ra bằng tấm ván mỏng. Chị Nêliđa đã bỏ đi ra mỏ được có đến hai năm rồi. Nghe người ta nói ở đó làm công việc lao động của đàn ông nặng nhọc có thể ít ra cũng kiếm được miếng bánh ăn. Chị thì không sợ nặng nhọc, chỉ cốt sao kiếm được gì đó để sinh sống.
Căn nhà được sử dụng vào những nhu cầu «xã hội». Ông thôn trưởng ra lệnh phá bức vách chắn, dùng những súc gỗ bổ đôi và những tấm ván đóng thành những cái ghế dài, thỉnh thoảng cho đốt lò sưởi ấm nhà, để trong nhà không sinh mốc sinh nấm...
Dù ông thôn trưởng có giấu giếm cái chuyện sẽ nói tới ở cuộc hội họp như thế nào đi nữa, thì ngay buổi chiều mọi người cũng đã rõ cả. Cả đám mugích, cả đám đàn bà, cả già, cả trẻ, tất thảy đều xúc động về cuộc họp mặt sắp tới. Xưa nay có ai nghe nói cái chuyện vì bắt cá ở các vực nước sâu mà lại bị đưa ra tòa xử? Không, chuyện như vậy ở làng Lukianốpca còn chưa từng xảy ra. Của đáng tội, trước đây cũng đã có cuộc hội họp của làng phán xử các tội lỗi của người trong làng. Bác Lukianốp đã từng sống nhiều năm trên thế gian, nhớ tất cả các trường hợp ấy. Một lần đưa Platôn Okhôtnicốp cùng với thằng con Xava của lão ta ra cuộc hội họp vì hành động càn rỡ ác hại. Cả bố lẫn con đều không bỏ lỡ một dịp lễ tết hội hè nào để gây sự ẩu đả. Ẩu đả đến gây ra thương tật. uống say bí tỉ, hai bố con mò đến «Pôntava» - phần mới lập của làng và ở đấy đã tỏ ra vô cùng xấc xược đến mức những người mới đến từ các tỉnh Pôntava, Xmôlenxcơ, Môghilép phải túm lấy ngực cả hai. «Ôi bà con đồng hương ơi! Chúng nó đánh Xibiri!» - hai bố con gào toáng trời toáng đất. Đồng bọn của hai tên chỉ chờ có vậy mà thôi. Cả đám trai tráng của «Xibiri» xông vào những người mới đến nhập làng, thế là bắt đầu trận ẩu đả...
Bác Lukianốp rất ghét cái việc phân chia ra đâu là «người mình» và đâu là «người lạ». Bác thấy rằng cả những người này lẫn người kia đều húp chung cái nghèo túng từ một máng gỗ. Bác lao vào giữa đám ẩu đả để can ngăn những người mugích đã thành điên. Việc ấy không thành công ngay và thường là phải dùng đến sức lực. Bác Lukianốp là một người cường tráng, thêm vào đấy lại lanh lợi, như một tay thiện xạ bẩm sinh. Thoạt đầu bác định dẹp yên đảm mugích bằng lời lẽ, nhưng cái đó lại chỉ đổ dầu thêm vào lửa. Có một lần đám trai từ các ngõ «Xibiri» cho bác Lukianốp một đòn mạnh vào ngang lưng, buộc tội bác là kẻ bênh vực dân mới nhập làng. Bây giờ thì bác Xtêpan nổi giận thật sự! Bác đeo đôi bao tay bằng da vào và bắt đầu choảng cho bọn đánh nhau, bất kể chúng bảo vệ bên nào - Xibiri hay dân mới đến. Từ đó hễ cứ có đám đánh nhau xuất hiện ở đâu là các mụ đàn bà chạy đến tìm bác Lukianốp: «Bác Xtêpan, bác đến cứu, không đánh nhau đến chết mất!». Bác Lukianốp đi. Nhưng chỉ nhìn thấy bác từ xa, bọn đánh nhau đã chạy té đi hết mỗi đứa một phương, biết rõ rằng nắm đấm của Lukianốp không biết thương xót. Quả thực là có một lần bác Lukianốp gặp chuyện rầy rà thật khó chịu: không lường hết sức mạnh cú giáng của mình, bác choảng cho một gã mugích thuộc bên «Xibiri» mình đến mức xương sườn của gã ấy gẫy rắc. Thầy thuốc của huyện về xác định là gã gẫy mất ba cái, băng bó cho gã, hạ lệnh phải nằm ít nhất là sáu tuần lễ, để xương liền lại. Gia đình gã mugích định kiện, tìm đến trạng sư ngoài tỉnh, nhưng gặp ông trạng sư là người tỉnh táo, ông bảo: «May mà chỉ là xương sườn đấy. Lukianốp có thể đã cho đi tong cả cái đầu kia. Bác ấy ra tay không phải vì bản thân mình, mà bác ấy xác lập trật tự và yên bình của làng. Các vị đi mà chống Lukianốp - cả làng sẽ xếp thành núi bảo vệ bác ta». Chuyện có thể đã xẩy ra như thế thật, nhưng chỉ có điều sau đó những kẻ bất bình lắng dịu đi, cho là ông trạng sư nói đúng sự thật, im lặng hơn là đổ lỗi của chính mình sang người khác.
...Cuộc hội họp lần ấy «đã mắng nhiếc» lão Platôn với thằng Xava con lão đến thậm tệ. Cuối cùng hai bố con lão quì xuống, xin thề bỏ cái thói ngông của mình. Cuộc họp đe: dù chỉ một lần không giữ lời hứa nữa - đừng có hòng mà sống được ở Lukianốpca, chúng không tự cuốn xéo đi, thì họ sẽ buộc chúng phải làm việc ấy: nhà cửa của chúng sẽ bị gỡ dần từng cây gỗ, cổng nhà sẽ bị chặn sào, vườn rau sẽ ngập rác...
Và bác Lukianốp còn nhớ người ta đã đưa Kônđrat Dababurin cùng ba thằng con trai và hai đứa con gái đến cuộc họp làng ra sao. Mà nguyên do là thế này: trước thời gian thỏa thuận, Kônđrat cùng với con cái mò vào rừng tuyết tùng của chung và hết sức bí mật đối với người làng, chúng bắt đầu công việc thu nhặt quả tuyết tùng. Lão giấu bảy bao to đầy hạt nhặt sạch ở khe cạn, lão chỉ đập quả lấy hạt vào ban đêm, sàng lọc ở lán đất, rê hạt ở cách xa khu rừng tuyết tùng. Ấy vậy mà lão vẫn bị tóm! Một trong những thằng con trai của lão đi dạo chơi, mang theo trong túi mấy nắm hạt tuyết tùng tươi để thết đãi người thương của mình. Còn cô gái hóa ra là một người biết lo xa: cùng với anh yêu cắn hạt tuyết tùng trong lúc dạo chơi chưa đủ, lại giấu một vốc nhỏ gói vào khăn tay. Sớm hôm sau về nhà cô bé mang khăn giở ra. Hạt tuyết tùng vãi xuống sàn. Ông bố liếc nhìn thấy và liền hiểu ra ngay: có ai đó đã lấy hạt tuyết tùng đây, mặc dù ông thôn trưởng còn chưa hề báo động chuyện này. «Hôm qua con đi hẹn hò với ai?» - ông bố nghiêm khắc hỏi con gái. Cô bé chẳng định giấu giếm: «Với Trôphim Dababurin, bố ạ. Anh ấy hứa đến mùa thu sẽ nhờ mối đến», - cô con gái đáp. «Chuyện gì đến mùa thu - chúng ta sẽ biết, nhưng nhà Dababurin đã lấy trộm làng hạt tuyết tùng, điều đó thì bố thấy rõ rồi». Ông bố thu nhặt hạt tuyết tùng dưới sàn, ăn mặc chỉnh tề và, không nói thêm một lời, ra đi. Chỉ một hai giờ sau cả làng Lukianốpca nhộn nhạo lên. Đến chiều tối thì một cuộc họp làng nhóm lên ở bên cạnh nhà thờ. Cả nhà Dababurin nhục nhã quì trước một cái bao hạt tuyết tùng sạch sẽ bóng loáng màu nâu sáng. Bản án thật nghiệt ngã: số hạt tuyết tùng bị tước, số tiền đem bán thu được sẽ chuyển cho nhà thờ sử dụng, trong ba năm không cho nhà Dababurin được quyền cùng với mọi người đi thu lượm hạt tuyết tùng tại các rừng của làng Lukianốpca. Kônđrat Dababurin cất tiếng rền rĩ như mụ đàn bà, lên tiếng xin buổi họp làng hạ cố, nhưng cũng không xin được giảm án.
Bác Lukianốp khi đó ở trong số những người kiên nghị nhất. Bác biết rõ rằng chỉ bằng sự nghiêm khắc mới có thể giữ gìn được của cải của rừng. Nhẹ tay một tý - dân mugích phá sạch rừng tuyết tùng, làm trụi mặt đất, không còn để cho thú có thức ăn.
Lần này bác Lukianốp phân vân vô cùng. Bác dậy từ khi trời còn tối, băn khoăn đi lại ở phòng ngoài, hút thuốc.
Bác gái Tachiana Nhicanôrốpna nhận thấy chồng có điều quá bận tâm, bèn nói:
- Có gì mà phải xúc động đến thế, vì họ, vì nhà Xuđacốp thế? Không phải mình vi phạm trật tự chung. Vậy thì cứ để Kônđrat gánh chịu lấy.
- Nhưng giá có cái gì để phải gánh chịu kia, bà nó ạ, - bác Lukianốp nói thoái thác.
- Thế bác Xtêpan, như cháu... chẳng hạn, một người xa lạ, có thể đến cuộc họp làng của các bác được không ạ? - từ trong buồng con gái, qua cửa ra vào, quan sát mọi chuyện diễn ra trong nhà, Kachia rụt rè hỏi, trong giọng nói thoáng hiện một dấu hiệu hối lỗi như thế nào đó.
- Kachia, cháu đi mà làm gì! Cháu thân yêu, đi làm gì! Ở đấy cháu phải nghe nhưng lời tục tĩu đến mức chỉ có bịt chặt tai lại ấy. Không phải là chuyện đàn bà con gái đâu, - bác gái Tachiana Nhicanôrốpna nói một cách nhiệt thành và vung rộng hai cánh tay bận rộn ra như thể cố ngăn Kachia chớ thực hiện ý muốn xốc nổi không suy nghĩ.
«Cứ hệt như những người đi đày trước đây đã sống trọ ở nhà ta. Đối với họ cuộc họp làng cứ như ngày hội ấy - cứ là lao cả tới», - bác Lukianốp suy nghĩ, quan sát kỹ cô bạn gái của con gái mình bằng đôi mắt khác màu chăm chú.
- Sẽ được nghe đủ mọi thứ lời lẽ! Chỉ có điều nếu quan tâm đến cuộc sống thôn dã của chúng tôi, thì sẽ là đúng chỗ đấy! Còn đến cứ đến có sao đâu! Cô cứ đến dự! Lần này thì có lẽ một số người kéo cả bầu đoàn thê tử đến dự ở đấy đấy. Tòa án mà! Người nhà của tôi không thúc nổi, còn người khác thì chẳng phải khẩn khoản. - Bác Lukianốp quay sang với vợ: - Đừng giữ chân cô ấy, Tachiana, mà cũng đừng có dọa. Tôi chẳng thấy có gì kinh khủng cả.
- Bố ạ, con với Kachia cùng đến đấy, - tiếng Masa cất lên. Cô ta đứng ở bên cửa phòng con gái, trên người khoác áo ngủ sặc sỡ, đi giày không mặc bít-tất, khoan khoái vươn vai.
- Thế đấy, thế đấy! Lại thêm được một cô nữa! - bác gái Tachiana Nhicanôrốpna vung hai tay lên. Và mọi người cũng bật cười đồng thanh và hồ hởi.
- Ờ, nếu như vậy thì đi mà rửa mặt mũi đi, rồi ngồi vào bàn! - bác gái Tachiana Nhicanôrốpna chộp lấy cái chảo con, và hai tay bác thoăn thoắt bên cạnh cái cửa bếp lò đang cháy bừng bừng.
Nửa tiếng sau bác Lukianốp ra đi. Tiếp sau một lát cả hai cô gái cũng sửa soạn.
- Con thì thế này nghe, Masa: nếu không chịu nổi lời lẽ của cánh mugích - dù sao đi nữa con cũng chẳng nghe hết nổi đâu, thì đừng có mà phất phơ ở đấy nữa, - bác gái Tachiana Nhicanôrốpna ra lệnh cho con gái.
- Thôi được, chúng con sẽ liệu, mẹ ạ! Con với Kachia có còn là những đứa bé lên ba nữa đâu! - Masa gạt đi.
o O o
Gần nhà chị Nêliđa Lưtscôva đầy người. Cánh mugích hút tẩu và thuốc điếu. Người ta chuyển dịch từ chỗ nọ sang chỗ kia - người đi bằng đôi chân của mình, kẻ lại dùng đôi chân của Nga hoàng. Họ chuyện trò từ tốn. Có nhiều đàn bà, thanh niên. Bọn thiếu niên cũng len lỏi vào đám đông. Không một sự việc nào ở cái làng Lukianốpca lại tiến hành mà thiếu bọn này. Người lớn ở đâu y như là bọn chúng ở đấy. Không ai xua đuổi chúng. Cứ để cho chúng học hỏi sống. Cứ để cho chúng tiếp thu ở người lớn chút ít trí tuệ. Ngày mai đến lượt chúng gánh vác lấy cuộc sống ở Lukianốpca. Mà nói gì ngày mai, ngay hôm hay một số trong bọn chúng đã là người chủ trong nhà, đã đang phải mang trên những cái lưng còn chưa cứng cáp cái gánh nặng của nông dân. Cha của chúng hoặc đã tử trận, hoặc bặt vô âm tín, những người mẹ thì đã kiệt hết sức lực trước thời gian, suy sụp cả về tinh thần lẫn thể xác, phải đứng dẹp sang bên cạnh: «Các con điều khiển đi và nắm lấy tùy sức vóc của các con! Chúa sẽ đỡ đần các con!».
Những người đi chậm và ở xa vội đến «họp làng» bằng ngựa: người cưỡi, người ngồi xe trượt ngựa kéo. Ngựa đứng lại dọc theo bờ rào. Người tụ tập đông, tiếng chuyện trò, khói thuốc lá say nồng làm lũ ngựa lo ngại. Chúng nghển cổ lên, lo ngại nhìn chung quanh bằng những cặp mắt tròn hiền hậu của chúng, bồn chồn giậm vó. Những con vật không biết nói kia! Liệu trên thế gian này có người bạn nào trung thành hơn mi đối với người nông dân? Anh mugích sẽ như thế nào nếu như không có sự trợ giúp nhịn nhục của mi? Mi đi bất chấp gian truân nghịch cảnh trong mọi thời gian, những gian truân nghịch cảnh luôn rình chờ anh mugích trong bất cứ thời khắc nào trong đời anh ta. Và nếu như anh ta khắc phục được túng thiếu, nuôi sống được bản thân và con cái mình no đủ, thì trước hết nhờ công của mi, con vật không biết nói...
- Thế Kônđrat có đây không nhỉ? - một người nào đó hỏi và lập tức mọi người nhớ tới bác ấy, lên tiếng về nỗi bất hạnh của bác ta, cái nỗi bất hạnh sát sao và dễ hiểu đối với mỗi người.
- Kônđrat ở đây rồi. Bác ta cùng người làm chứng đã được đưa đến đây từ lâu rồi. Và cả mấy anh con trai cũng cùng bị đưa đến với bác ta. Những cái đầu ngang tàng ỉu xìu cả, - một giọng đàn bà lảnh lót cất lên.
- Còn chưa ỉu xìu cho lắm, như khi ông thôn trưởng bắt đầu bêu riếu trước tất cả bàn dân thiên hạ. Bấy giờ lại chả nghẹn vì những dòng nước mắt tuôn rơi, - người nào đó trong cánh mugích chen lời vào.
- Phải, nếu công bằng... Thì dù thế hay nữa cũng có thể chịu đựng được. Có khi, đấy, người ta còn dùng gậy quật cho vì mắc tội ấy chứ. Thế nhưng nếu như bất công? Khi ấy thì sao? Lòng dạ thắt lại vì phẫn uất... Có thể thắt lại cho đến chết...
- Thì sao nữa! Cũng có thể như thế thật đấy... Kônđrat là con người tự trọng, bản lĩnh anh mugích nằm trong gan trong mật bác ấy... Chẳng lẽ bác ấy chịu dễ dàng đầu hàng vì chuyện không đâu?
- Mời các vị vào họp cho, các vị mugích!.. - Giọng nói của ông trưởng thôn át tiếng người ồn ào, tiếng trò chuyện lắng xuống. Bọn thiếu niên cố vượt mọi người, nhưng ở các cửa vào người ta ngăn chúng lại.
- Lũ ngợm vào sau cùng! Mời các vị mugích vào cho, mời các vị. - Ông trưởng thôn đích thân đứng bên cửa vào, bắt tay đôi ba mugích khá giả, còn với những người mugích khác thì vỗ vào lưng một cách kẻ cả. Ông ta không động đến cánh đàn bà. Im lặng để họ đi qua, mặc dù cũng để ý nhận mặt từng người một. Theo nhận xét của ông thôn trưởng thì đàn bà ở cuộc họp làng rầy rà hơn cánh mugích. Đối với các chức sắc, đàn bà thiếu tôn trọng hơn. Thái độ vô độ nhiều hơn. Không chứng minh được bằng lý trí - dùng ngay cổ gào thét, rồi có thế nào lại tuôn nước mắt. Mà anh mugích thì thế này: anh ta càng tự chủ, càng cứng rắn, thì đối với nước mắt đàn bà càng nhậy cảm hơn, đối với những lời thuyết phục càng dễ nhượng bộ hơn... Ôi, ông thôn trưởng Philimôn Xeledơnép hiểu biết dân của mình biết chừng nào! Ông ta biết tất cả, biết từng người từng người một... và biết ở người nào chuyện gì có thể phát ra...
- Chào anh Xtêpan, chào anh! Vào đi, ông, đi vào chỗ kia, gần cửa sổ, ở đấy chỗ ghế dài còn khối đấy, - Philimôn nói, đưa tay bắt chặt bàn tay của bác Lukianốp. Nhưng trong bụng ông ta lại nghĩ khác: «Quỉ tha ma bắt mi đi! Sao mà hôm nay mi lại không đi rừng taiga cho rồi. Không có mi thì dễ dàng đến hàng trăm lần ấy».
Giữa các gương mặt đàn bà, Philimôn nhìn thấy cô con gái mắt tròn của bác Lukianốp. «Lại thế nữa, quân ôn dịch, thậm chí đưa cả con gái đến! Mà con bé ở đâu ra thế không biết? Từ lâu từ lâu nó đã ra sống ở tỉnh. Ấy thế mà lại mò về!» - ông nghĩ, và nỗi lo lắng càng xâm chiếm lấy tâm can. «Khoan đã, - lại còn ai kia nữa? Cái con bé xinh xắn kia là con gái nhà ai nhỉ?» - để ý nhìn cô gái đi theo sau Masa, Philimôn tự lục vấn. Ông ta muốn hỏi người nào đó trong cánh đàn bà về cô gái này, nhưng các bà đã chuồn cả vào góc xa, tạo lập nên vương quốc riêng biệt ở đây, cái vương quốc sẽ chỉ tuôn ra tiếng la thét và chuyện hỗn độn. Do những linh cảm ấy mà Philimôn cảm thấy phát tức lên ở dưới ức.
Cuối cùng gặp được chị vợ góa Phếcla Môxcaleva rạc rài, chậm chân hơn những người khác. Đã từ lâu lắm, ngay từ những tháng đầu của cuộc chiến tranh, ông thôn trưởng đã đi lại thành lối mòn đến nhà chị ta.
- Này Phếcla, nói cho biết với, cô gái kia là con cái nhà ai nhỉ? Đấy ở mãi trong góc ấy. Hình như cùng đến với cô Masa Lukianôva, - níu chị đàn bà góa lại bên cửa, Philimôn thì thào hỏi. Nhưng Phếcla không coi mình là bà già, để có thể tránh đường cho một người đàn bà khác một cách đơn giản, không phản công.
- Ông thật là đồ ngựa đực cuồng cẳng! Cứ mò đến! Tôi sẽ cho ông biết một con bé tuyệt vời, đến mức là tàn lửa từ trên giời tủa xuống, - chị Phếcla phẫn nộ thì thào và lợi dụng lúc chật chội, đưa đầu gối thúc cho Philimôn một cú đúng vào cái chỗ kín đáo nhất
- Đừng có mà rỡn, đồ ngựa cái! - ông thôn trưởng thốt kêu lên và rời khỏi ngưỡng cửa lui vào sau dầm cửa. Chị Phếcla đắc thắng len lên trước, vào góc nhà, nơi cánh đàn bà đã chiếm giữ.
«Khoan! Khoan! Chúa lại còn cho ai đến hôm nay kia nữa? - ông Philimôn lo lắng suy nghĩ, nghển cái cổ dài và qua trên đầu mọi người, ông nhìn ra cửa mở quan sát những người khác đang đi trên cái hiên chật hẹp. Đỡ tay, mấy người mugích đang giúp cụ bà Mamica đi lên bậc thềm. Cụ già lụ khụ, là người dân đầu tiên của làng Lukianốpca. Tim ông Philimôn nẩy lên run rẩy như đuôi con cừu. Ấy, con người mà ông ta không hề chờ đợi, thì chính là cụ già Mamica đây. Cánh đàn bà đã chẳng nói là bà lão đã leo lên bệ bếp lò nằm sưởi cho đến những ngày xuân ấm áp. Vậy mà nay lại đến đấy! Ai đã bày đặt để bà lão dính dáng vào cái việc như thế này? Không ai khác là một trong những bè đảng của Kônđrat Xuđacốp. «Hừm, Philimôn, đừng có đợi điều lành gì ở cái cuộc họp làng này!» - ông thôn trưởng tự thì thầm với mình. Nếu như biết là bà lão bò được đến cuộc họp, thì Philimôn này chẳng đời nào lại đi triệu tập cuộc họp. «Có thể ta cho giải tán béng đi? Chẳng hạn là như thế này, thưa các vị mugích, các vị thứ lỗi cho, tôi nhầm. Tôi tưởng, có công việc cần, nhưng qua kiểm tra thì không gì phải tốn công nhọc xác... Ôi, thì có phải tốt không!... Tốt thì tốt đấy, nhưng làm thế nào với lời mình đã hứa với ông Grigori Êlidarốp? Bởi lẽ chính mình đã hứa sẽ thúc ép Kônđrat Xuđacốp với lũ con trai của gã...» - ông Philimôn dằn vặt, đưa tay nắm bộ râu dê lưa thưa của ông ta.
- Này, ông thôn trưởng, cho bắt đầu đi thôi! Sao lại bắt dân chờ như thế này?! Không phải ngày lễ ngày nghỉ - công việc ngập đầu cả! - những tiếng nói của cánh mugích vang lên, thấy rõ trong đó sự nóng lòng và gay gắt ra mặt.
Không, giải tán cuộc họp thì muộn mất rồi! Ông Philimôn len vào đến bên bàn, đứng ra bên cạnh bác Kônđrat Xuđacốp, người đang đưa dôi mắt giận dữ gằm gằm nhìn thôn trưởng, ông Philimôn đứng dịch xa ra độ nửa bước, nhưng bây giờ lại nhìn thấy bà lão Mamica ngồi ngay trước mặt. Bà lão mũi khoằm, nhăn nhúm, quấn kín trong tấm khăn san đen và chiếc áo lông cừu đen, đi ủng lông đen, ngồi bất động. Đôi môi mỏng mím chặt, cái cằm nhọn chìa ra, cặp mắt nheo nheo. Tưởng chừng bà lão đã xa lạ với mọi ham muốn của cuộc đời. Nhưng chỉ là tưởng chừng như thế mà thôi: bằng cái thính giác thường không phải của người già, bà lão lắng nghe những tiếng bàn tán đứt quãng vẳng đến, ngẫm nghĩ trong bụng: «Chà, mày khôn ngoan quỉ quyệt quá đấy, Philimôn! Mày lại giống hệt như ông mày... Mày nghĩ ra cái cuộc họp làng không phải vô tư».
Bà lão Mamica thỉnh thoảng lại ném cái nhìn về phía bác Kônđrat, như thể cổ vũ bác mugích, lo lắng cho bác ta. «Nóng nảy, không giữ mồm giữ miệng».
o O o
- Thưa bà con công xã! Bữa nay trong làng chúng ta có chuyện lủng củng, như là, chính thế, - ông Philimôn bắt đầu, giựt giựt chòm râu dê của ông ta. Ông ta nói năng mệt nhọc, khó thở, có cái gì đó đè lấy ngực ông ta.
Tiếng trò chuyện vụt ắng lặng. Cánh đàn bà vẫn còn nhộn nhạo, thu xếp chỗ ngồi xuống sàn, nhưng im lặng, thậm chí cố nén cả thở.
- Kachia, cậu nhìn thấy cụ Mamica ngồi đấy chứ. Cậu có nhớ mẹ mình đã nói về cụ cho cậu nghe không? - Masa thì thào vào bên tai Kachia.
Nhưng không cần đến Masa chỉ, Kachia cũng đã nhận ra bà cụ, nhìn bà cụ không rời mắt. «Khuôn mặt già nua, nhăn nheo, khá nhỏ bé, nhưng có cái gì đó căng thẳng và kiên nghị khác thường, hưng phấn bởi tâm trạng bình tĩnh». - Kachia nghĩ.
Lão thôn trưởng nói năng chẳng ra đâu vào đâu, moi từng lời ra một cách vất vả, Trong hàng chục từ mới có một từ ăn nhập đến công việc, còn lại những từ khác đều là rác rưởi, cứt sắt, đại loại «như nó, chính thị, nghĩa là nó...».
- Hừm, đốt lão đi, cứ loanh quanh mãi! - một người nào đó trong cánh mugích thốt lên.
Ông Philimôn im lặng một hồi lâu rồi bảo viên thư lại đọc to những lời cung khai của các nhân chứng. Viên thư lại Igơnát Igơnatôvích - vốn là một gã học sinh trường dòng dở dang - một con sâu trùng rượu bét nhè bậc nhất. Cái mặt núng nính thịt của gã lâu không cạo mọc đầy râu rễ tre xam xám, sưng húp lên với đôi môi trều ra nhớp nháp. Dưới đôi mắt sệ xuống cái bịu đỏ lừ. Gã thư lại lẻ loi, lôi thôi lếch thếch, nhem nhuốc. Mới sáng ra, nhưng gã đã say rượu, hai đồng tử mắt long lanh như lên cơn sốt. Nhưng «công xã» coi trọng gã ở cái giọng nói - giọng nói oang oang, như giọng lão trợ tế, và rành rọt, như giọng của tay quản cơ, - gã tự nuôi lấy mình nhờ các khoản thu thuế.
Sau khi gã thư lại đọc hồi lâu, cuối cùng mới rõ ra tội lỗi của bác Kônđrat Xuđacốp và hai con trai của bác: trang bị cái lưới dài ba mươi bảy xagiên, họ đi đánh cá. Đáng ra chỉ được sử dụng lưới trong vùng nước giáp với phần đất nhà Xuđacốp được chia, thì họ lại triển khai việc đánh cá ở vùng nước sâu, mà bên trái cũng như bên phải giáp với phần đất được chia của lão Grigori Êlidarốp. Bị Grigori bắt được quả tang hành động tội lỗi ngay tại chỗ, bất chấp sự phản đối của Grigori, bác Kônđrat Xuđacốp cùng với hai con trai không chấm dứt việc đánh cá. Đến khi Grigori Êlidarốp định đề nghị cho mình được nhận phần, họ đã bác bỏ đề nghị ấy như một sự xâm phạm không thể có được đối với quyền lợi của họ. Về phần mình, lão Grigori bắt đầu xua đuổi họ ra khỏi vụng nước sâu nằm ở chỗ giáp giới với phần đất của lão, phần đất lão được xã chia cho. Nổ ra trận xô xát, lão Grigori Êlidarốp giáng cho Mikhain - con trai bác Kônđrat Xuđacốp mấy đòn liền, của đáng tội, không có đòn nào hiểm ác. Sau việc đó người nhà Xuđacốp liền lấy giây cương ngựa trói lão Grigori Êlidarốp lại, đặt lão nằm lên chiếc xe ngựa tải và thả ngựa mặc sức kéo xe theo đường dẫn về làng. Ngựa tự đưa lão Grigori về nhà lão, và sự việc xảy ra không có hậu quả gì tai hại hết. Nhưng nếu như trên đường đi con ngựa bỗng chợt hoảng sợ, cái chuyện thường hay xẩy ra, thì tính mạng của lão Grigori có thể đã kết thúc một cách bi thảm.
Cha con bác Xuđacốp buông lưới đánh cá suốt cả một ngày. Họ đánh được hơn mười pút cá, bảy pút trong số đó đã bán cho chủ quán Prôkho Sutilin.
Sự kiện như vậy, ông thôn trưởng đưa ra «công xã» để lên án các hành động của cha con bác Kônđrat Xuđacốp như một hành động vi phạm rõ ràng các nguyên tắc của «công xã» và cũng vì là sở hữu của mỗi người nông dân đối với khu đất của người đó được chia, không ai được tranh giành hoặc chiếm đoạt vượt qua quyết nghị của công xã.
Vã mồ hôi ra vì hồi lâu mới đọc hết cái lý lẽ dài dằng dặc và lời khai của các nhân chứng, trong đó sự thú nhận của chủ quán Sutilin về việc mua buôn bảy pút rưỡi cá tươi của bác Kônđrat Xuđacốp để lại một ấn tượng đặc biệt mạnh, gã thư lại ngồi xuống chiếc ghế đẩu bên bàn. Ông Philimôn lại lên tiếng:
- Như vậy là, chính thế... nghĩa là, nó... Kônđrat có lỗi, - ông Philimôn mở đầu cái việc ậm ờ dằng dặc ấy.
- Bác ấy có lỗi ở chỗ nào? Chỗ nào? - tiếng người nhao nhao hỏi từ các góc nhà.
- Nghĩa là, nó - cá, - ông Philimôn nói rõ hơn.
Căn nhà rộ lên tiếng ồn ào, tiếng cười, một giọng đàn bà nào đó lanh lảnh vang lên át tất cả mọi tiếng người khác:
- Tại sao Prôkho Sutilin đã bán cá đắt gấp đôi so với giá mua?
- Như vậy là, chính thế... Sutilin là nhà buôn, - ông Philimôn định gạt bỏ sự trách cứ lão chủ quán. Đối với bản thân lão thì sao? Lão đã nhận được hoàn toàn không mất một xu của Prôkho hai mươi phuntơ cá pecca đã được lựa chọn. Chuyện đó mọi người ai cũng biết cả, vì thế «cuộc họp làng» phá lên cười hô hố. Họ hàng và bè bạn của ông thôn trưởng thì nín lặng cả, như thể ngậm nước trong miệng. Thôi thì ông Philimôn cứ im lặng đi có phải hơn là tự bêu rêu mình như thế này.
- Im lặng! Tôi muốn hỏi: Grigori Êlidarốp muốn nhà Xuđacốp phải bồi thường như thế nào đây? - bác Lukianốp rời ghế đứng dậy. Đôi mắt khác mầu nhau của bác dừng lại ở ông Philimôn, sau đó tìm lão Êlidarốp. Lão kia ngồi quay lưng về phía thôn trưởng và sợ hãi hơn hết là phải mặt đối mặt với bác Lukianốp. Lão có nhiều tội đối với bác thợ săn.
- Igơnát Igơnatôvích, chính thế, như vậy là, đọc to lên, - ông thôn trưởng đề nghị.
Gã thư lại đọc cái phần giấy trong đó vẽ ra cái kết luận sự việc theo ý mà Philimôn cùng với thông gia Grigori của ông ta tưởng tượng ra: Kônđrat Xuđacốp buộc phải bồi thường cho Êlidarốp trị giá số cá đánh được ở vụng nước sâu (10 pút 30 phuntơ), nhận lỗi với Êlidarốp và bị «công xã» khiển trách nghiêm ngặt và trong trường hợp tái phạm xâm phạm vào lãnh địa của người khác sẽ bị đuổi ra khỏi làng.
- Đúng! - những kẻ ủng hộ Grigori và Philimôn reo lên.
- Ô hô hố! Xem kìa, họ muốn thế kia đấy! - những người thông cảm với gia đình bác Xuđacốp thốt lên.
Tiếng ồn ào mãi không lắng xuống. Ông Philimôn cũng không muốn dẹp yên. «Cứ để họ gào. Gã mugích thoạt đầu gầm gào vỡ cổ đứt giọng, rồi mệt lả đi vì gào thét, sau đó thì có thể tay không tóm gọn anh chàng, anh chàng bây giờ sẽ hiền như con bê non ấy mà thôi». Ông Philimôn suy nghĩ như vậy. Cả bác Lukianốp cũng suy nghĩ gần như thế, gần, nhưng cũng vẫn không như vậy «Cứ để họ gào. Họ sẽ mau chóng hiểu ra là, không thể gào thét mà xong việc được». Bác muốn phát biểu, nhưng không vội vã, đợi đã. Đây kia, cả cánh đàn bà cũng tru tréo lên. Cứ để họ tru tréo một chút. Và quả thực, qua hai ba phút sau tiếng ồn ào trong nhà lắng xuống. Bây giờ chính là lúc đứng dậy hỏi đốp chát vào mặt lão thôn trưởng và Grigori.
- Theo các ông, các khoảnh đất được chia và các vùng nước là một thôi phải không? - bác Lukianốp hỏi, và đôi mắt màu khác nhau của bác sục tìm lão Grigori.
Ông Philimôn giật giật chòm râu dê, vươn dài cái cổ vốn đã dài ngoẵng, lúng ba lúng búng:
- Như vậy là, chính thế, nghĩa là, nó... Thủy vực liền với đất được chia...
- Đứa con nít cũng biết là: chỉ có đất là chia đều giữa bà con nông dân. Sông và hồ là của Chúa. - Đó là bà lão Mamica lên tiếng. Bà cụ nói sẽ, phều phào, nhưng mọi người đều lắng nghe cụ như phải bùa. Ông Philimôn hẩy tay ra sau lưng, ra hiệu cho lão Grigori: ông thông gia, cứu nguy đi, giả bộ oan uổng và quị lụy đi.
Mặt mày đỏ bừng, mồ hôi đổ giọt, chảy dài hai bên thái dương, lão Grigori bắt đầu khóc lóc. Đôi vai cường tráng của lão dưới lần áo lông cừu sang trọng rung lên, giọng cũng run rẩy. Vóc dáng của lão phải tới hàng xagiên chỉ kém một hai vecsốc, vậy mà lão thút thít cứ như đứa trẻ nhỏ yếu ớt:
- Trói... ném lên xe tải... Cái đó là thế nào? Không phải là trò ăn cướp ư?..
- Thế ai làm vẹo gò má Mikhain?
- Anh em mugích! Biết thương hại một chút chứ: bác ấy khóc thực đấy, cứ như đứa trẻ ấy kìa!
Tiếng ồn ào, ầm ĩ lại như muốn bật tung các bức tường căn nhà của chị vợ lính góa bụa Lưtscôva. Ông Philimôn vung tay, gào:
- Như vậy là, chính thế, không ổn, bà con mugích! Cứ từng người một, chính cái đó!
Tiếng gào thét ở cuộc họp làng giống như thể ngọn gió cơn dông bão: bùng lên, đập xuống mặt đất, tung cột bụi mù mịt, cuốn đi trên bãi cỏ và lập tức lại tan đi, lặng đi, dường như không hề có nó.
Thì đấy, mọi người vừa gào thét lên cả và bỗng lại lặng đi, người nọ nhìn người kia, và trong mắt của mỗi người đều cùng một câu hỏi: phải thế nào đây nhỉ? Mà có thể, Kônđrat thực quả là có lỗi chăng?
Chủ quán Prôkho Sutulin bật lên ngay. Gã chỉ chờ lúc im ắng này:
- Thưa bà con công xã! Thế này là thế nào? Hóa ra là, anh không phải là chủ mảnh đất được chia nữa chăng? Mai đây chẳng hạn, anh ra ruộng của mình, thấy lù lù đàn súc vật của người khác. Nhưng anh không có quyền đụng vào nó, nếu không anh sẽ bị trói lại - rồi ném lên xe tải... Không lẽ đó là trật tự, xin hỏi các vị mugích?!
- Trái pháp luật! Đúng thế! - bọn lâu la của lão Grigori gào lên, chúng đã được hứa ngay từ chiều qua là chúng sẽ được một thùng rượu mật.
- Prôkho, ông bện lưới không đúng hướng rồi!
- Thì ở ông ta bao giờ chẳng vậy: không cân gian thì đếm hụt, - những người ủng hộ bác Kônđrát trả lời.
Đến đây bác Xtêpan Lukianốp phát khùng, đứng lên.
- Này Grigori, sao anh lại đi nấp sau lưng ông thôn trưởng thế?! Ra đây để cho tất cả bà con nhìn thấy rõ anh. Ta nói chuyện với nhau trước mặt mọi người và thẳng thắn, - bác Lukianốp ngừng lại. Bác chờ lão Grigori đi ra, - Ra đây, sao mà anh cứ chần chừ thế? Khi chẩy nước mắt thì lu loa ra giữa nhà, còn bây giờ lại rúc vào hang...
Lão Grigori không vội. Nhưng ông Philimôn cảm thấy rằng không thể không nhượng bộ công chúng. Bác Lukianốp được mọi người từ mọi chỗ trong căn nhà ủng hộ. Bác đứng tránh sang bên trái cái bàn, thế là bây giờ lão Grigori như thể Giêxu giáng thế ấy. Từ khắp các chỗ đều nhìn thấy lão.
- Này, Grigori, anh nhớ lại mùa hè năm nay xem. Nhớ lại chưa, chưa à? Nhớ lại đi nào, thế anh đánh cá giếc ở đâu nhì? - bác Lukianốp tấn công.
Lão Grigori im lặng. Bộ mặt tròn mọc đầy râu tơ mềm mại, đỏ bầm lên, như củ cải đỏ.
- Như vậy là, chính thế, ông thông gia Grigori, nói đi. - Ông thôn trưởng cũng chẳng muốn gì có câu chuyện này đâu, nhưng sự im lặng bướng bỉnh như vậy cũng chẳng có lợi cho thông gia của lão. Thay vào người buộc tội, kẻ định thiêu ra tro bụi địch thủ của mình, thì chính lão lại chìa lưng ra, bản thân trở thành kẻ bị buộc tội.
- Tôi đánh bắt ở các hồ. Thiếu gì hồ kia chứ? - lão Grigori mưu mô lẩn tránh câu hỏi.
Nhưng mà không, lão không dễ gì! Bác Lukianốp không định im tiếng.
- Thế có đánh bắt ở hồ Cônôplianôiê không? - bác hỏi, giọng nghiêm khắc.
- Làm sao mà nhớ hết được? - Grigori lại quanh co.
- Thế thì ông Philimôn, ông nói cho hay đi, tôi với ông khi đi ở huyện về đã nhìn thấy ai ở hồ Cônôplianôiê? Ông nhớ: chúng ta đã gặp ai đánh cá?
Trong căn nhà trở nên ắng lặng. Mọi người lặng đi, nín thở.
Không còn chê vào đâu được, bác Lukianốp tóm bờm Grigori với Philimôn mới chặt làm sao!
- Như vậy là, chính thế, ông Grigori đánh bắt cá ở hồ, - ông Philimôn thừa nhận.
- Anh nghe thấy chứ, Grigori?
- Tôi không điếc - lão Êlidarốp thở dài tuyệt vọng.
- Thể thì cứ để xem anh ta cho biết hồ Cônôplianôiê nằm trên đất được chia của ai? - một giọng đàn bà châm chọc cất lên.
- Đúng thế, Grigori, anh nói đi! - bác Lukianốp cũng đòi bằng được.
- Cái quân, quỉ tha ma bắt lão đi, ngọng rồi sao? - vẫn cái giọng đàn bà trước đây vui vẻ pha trò.
- Tôi xin nói, một khi như thế, như vậy là nó, chính cái đó, - ông Philimôn lầm bầm. - Đất chia ấy là của Xtêpan.
- Có lẽ, trí nhớ ông Grigori lú lẫn rồi. Ông ta chỉ nhớ về phần mình, - cái giọng đàn bà phụ họa thêm.
o O o
Kachia quan sát cuộc họp làng, và cô có cảm giác dường như cô đang được đọc lại các bài trên báo chí bônsêvích. Bao nhiêu lần cô đã được đọc về đấu tranh giai cấp ở nông thôn, về sự phát triển của culắc, về những tham vọng của nó nắm quyền bính, ruộng đất, sức lực công nhân. Tất cả mọi cái đang diễn ra lúc này, trước mắt cô, dường như đang diễn ra đặc biệt chủ tâm dành cho cô. «Dù sao đi nữa người của chúng ta cũng hiểu biết nông thôn» - Kachia thầm nhận xét. Cô lấy làm mãn nguyện nhận thức được cả một điều khác nữa: các báo chí bônsêvích, các truyền đơn của Đảng, các bài báo của Lênin thời gian gần đây viết nhiều về sự thức tỉnh ý thức giai cấp của quần chúng nông dân lao động... Và trong việc này những người bônsêvích cũng không nhầm. Kachia thấy là bác Kônđrat Xuđacốp ở đây không đơn độc, rằng hàng chục người như bác, không chịu bị xúc phạm, đứng dậy chống sự lộng hành và áp bức. «Phải phái đến nhiều hơn những cán bộ tuyên truyền của ta, để người nông dân không bị tự luộc chín trong nước cốt tủy của bản thân mình, biết rõ cái gì đang xẩy ra trên thế gian», - Kachia suy nghĩ. Nhưng cô không thể lơ đi để suy nghĩ lâu được. Dòng chảy của cuộc họp làng đột nhiên lại căng thẳng hơn...
- Như vậy là, chính thế, bà con mugích, - Philimôn lè nhè, - phải trật tự! Vậy Kônđrat phải chịu nhận lỗi, như vậy là nó, chính cái đó... Grigori tẹo nữa thì chết!
Cuộc họp lập tức đoán ra mưu mẹo của lão thôn trưởng: mất hy vọng đoạt được một món tiền lớn của bác Xuđacốp, ông Philimôn âm mưu làm nhục bác ấy. Chịu nhận lỗi là thế nào? Nghĩa là - bắt bác Kônđrat Xuđacốp quì trước mặt tên Grigori, nhận mình có lỗi trong các sự việc mà «công xã» đem xử...
- Không có chuyện ấy! Kônđrat không làm chuyện gì xấu xa hết! - cánh đàn bà rít lên.
Bây giờ chính bản thân bác Kônđrat Xuđacốp quyết liệt lao vào cuộc tranh cãi. Bác người cao, gầy, dẻo dai như thế cành liễu trước gió. Dễ dàng uốn cong sang một bên, nhanh chóng, rất nhanh chóng thẳng lại, uốn cong sang bên kia. Một tay bác để lên bụng. Trên đó chỉ còn có ngón cái. Những ngón kia bị đạn cắt mất như bị dao chặt. Bác Kônđrat là một người trong số những người bị tai nạn ngoài mặt trận ngay trong những tháng đầu của chiến tranh. Bác mặc áo ngoài dài vạt buộc thắt lưng, quần bằng vải gai dài rộng và đi giày da mềm buộc trên mắt cá. Đầu nhiều chỗ hói sau trận bị bỏng cũng ở ngoài đó, ngoài mặt trận. Những mảng tóc bạc mọc thành cụm, gợi đến những bụi cây trên sườn đồi.
- Vì sao, vì cái nguyên cớ gì mà tôi lại phải nhận lỗi trước Grigori nhỉ?! - bác Kônđrat kêu lên, giọng run run. – Chỉ vì ông ta giàu có, còn tôi nghèo khổ ư?! Hay vì ông ta là thông gia của ông thôn trưởng...
- Này nhà anh, chính thế, như là chớ nóng nảy, Kônđrat phải bớt giận, - ông Philimôn khoát tay xương xẩu nạt nộ.
Bác Kônđrat càng phát khùng hơn:
- Nào thì sao, động lòng ông hả, đồ tồi tệ!
Nhưng đến đây thì bác Kônđrat nói hố: chửi rủa thôn trưởng là không có được! Dù thế nào đi nữa thì ông ta cũng được dân làng bầu ra, và mỗi người, dù là thích thú hay không đì nữa, đều phải tôn trọng phẩm cách của ông ta.
- Phải giữ mồm giữ miệng chứ! - những kẻ ủng hộ ông Philimôn gào lên.
- Làm gì mà các người lồng lộn lên thế, lũ ác ôn? Kônđrát bực bội có quá lời! Nhưng ông Philimôn ạ, nếu đúng ra thì phải réo to ông lên mà chửi mới đúng, - từ góc nhà chỗ các bà các chị một người nói vọng ra.
Tiếng ồn ào không còn ra thể thống gì nữa. Chẳng ai nghe ai, tất cả đều gào thét. Cánh đàn bà nhảy chồm chồm lên, múa tay múa chân. Nhưng đột nhiên mọi người lại lặng đi và nhìn cụ bà Mamica. Cụ bà đứng lên, giơ cây gậy chống của mình lên, vung vung một cách giậm dọa cây gậy trên đầu mọi người, cặp mắt cụ mở to, sáng rực như lửa cháy, và thêm vào đấy tiếng nói không hiểu lấy đâu ra - mọi góc nhà đều nghe thấy.
- Không biết xấu hổ! Thật ô nhục! Đây là công xã hay là cái chợ?! Mà Philimôn nữa, ông thôn trưởng của chúng ta đấy, lại gào to hơn tất cả mọi người.
Ông Philimôn cúi đầu, vung hai tay trông thật thảm hại, lặng thinh. Ông ta biết sức mạnh của bà lão này! Sống đã gần trăm tuổi rồi, vậy mà vẫn không mất minh mẫn. Không phải lớp cha, mà cả lớp ông cũng không phải đã ít lần tìm đến sự minh mẫn của cụ Mamica.
- Như vậy là nó, chính thế, con xin lỗi cụ Mamica, - ông Philimôn lúng túng.
- Cụ Mamica, xin cụ phân xử họ đi! Chính cụ phân xử họ đi! Họ còn thét lác hàng tuần, mà vẫn không hòa giải được đâu! - cánh đàn bà tranh nhau gào lên.
- Cụ Xtepaniđa, xin cụ tha lỗi cho! Con bị xúc động quá... Không tự chủ được, - bác Kônđrat Xuđacốp vẻ hối hận cúi gập người về phía bà cụ.
- Thưa cụ Xtepaniđa, cụ bảo thế nào, sẽ quyết như thế ạ,- bác Lukianốp lên tiếng. Theo kinh nghiệm bác biết rằng không ai biết cách dẹp yên dân mugích ở làng Lukianốpca bằng cụ Mamica. Bác cũng biết một điểm khác nữa: cụ dứt khoát bảo vệ người nghèo khổ và tủi cực, chính vì thế mà bọn nhà giàu ở Lukianốpca không ưa gì cụ, nhưng chúng không dám công khai chống lại cụ. Kể ra thì, cũng có khi, lời lẽ của cụ Mamica có tác dụng không lâu: hoặc giả người ta quên mất, hoặc giả người ta bỏ qua - nhưng dù sao đi nữa, người ta nghe cụ ít ra là vào lúc mà khát vọng đang sôi lên cả, vào lúc có thể bùng ra đám cháy huynh đệ tương tàn.
- Grigori đánh Mikhain - con của Kônđrat Xuđacốp, còn bố con nhà Xuđacốp lại trói Grigori. Hai bên cân bằng như nhau, dân làng ạ, - cụ Mamica nói bằng giọng nói sẽ sàng, nhưng rành rẽ.
- Đúng lắm! Công bằng lắm! - người ta reo lên từ các góc nhà.
- Kônđrat đánh cá ở vũng nước sâu. Cá đánh được nhà ăn, đem bán, - cụ Mamica tiếp tục phân xử. - Cái đó chẳng có gì là tai họa. Grigori, anh ta không lấy cá của anh. Kônđrat lấy cá của đấng thượng đế. Grigori, đấng thượng đế để các vũng nước sâu cho mọi người đánh cá. Nếu anh muốn, cả anh cũng cứ việc lấy. Thì anh chẳng lấy của Xtêpan Lukianốp đó sao? Anh đã đánh bắt cá ở hồ Cônôplianôiê hả? Đó, Grigori không làm theo ý Chúa, như vậy là có tội: thấy chưa, anh thì được phép, còn người khác thì không.
- Đúng lắm! Công bằng lắm! - tiếng nhiều người cất lên, nhưng ông thôn trưởng và lâu la của ông ta không hài lòng, càu cạu, liếc nhìn lẫn nhau, rủa thầm cụ Mamica bằng những lời tục tĩu nhất.
- Còn ai không hài lòng, bà con mugích ạ, ai cứ muốn sống không hòa thuận với hàng xóm láng giềng, đối với kẻ đó xin mở rộng đường ra khỏi làng Lukianốpca. Cả ngày xưa cũng đã từng như vậy. - Cụ Mamica cao giọng, và mặc dù đôi mắt của cụ lại nheo lại và dường như lòa dở, cụ vẫn nhìn thấy hết, nắm bắt mọi chuyện.
- Đúng! Cần phải sống có láng giềng hàng xóm! - những người mugích và đàn bà bình tĩnh, biết điều hơn cả tán thành. Đến đây thì thử không đồng ý với cụ Mamica xem, nghi ngờ lẽ phải của cụ - lập tức anh sẽ bắn ra khỏi cuộc họp làng. Cả ông Philimôn, cả lão Grigori đều hiểu điều đó và, nén cơn lồng lộn trong lòng, giậm dịch hai chân trên nền sàn gỗ cọt kẹt húng hắng ho, tay nắm thành quả đấm, tránh những cặp mắt càu cạu vì tức tối, họ không nhìn người làng.
- Còn bây giờ thì đứng lên đi nào, Grigori, rồi đi lại chỗ kia. - Cụ Mamica đưa ngón tay chỉ chỗ mà lão ta phải đứng. - Cả anh, Kônđrat, cũng đi lại chỗ tôi đây, - cụ ra lệnh cho bác Xuđacốp.
Kônđrat và Grigori lách qua đám người nóng nảy bừng bừng, đi lại gần chỗ cụ Mamica. Hai người đứng mặt đối mặt, đầu cúi xuống, như đôi bò đực sắp sửa bắt đầu húc nhau một sống một chết.
- Hai anh mugích, phải làm hòa đi thôi. Và sống không còn oán giận, quên hết chuyện không tốt giữa hai người, - cụ Mamica khuyên giải họ.
Lão Grigori đưa tay ra trước. Bác Kônđrat đưa bàn tay cụt sẽ chạm vào bàn tay của Grigori, rồi vội vã rút lui. Mọi người đều hiểu rằng với cái bắt tay như thế thì giữa hai người đàn ông mugích sự hòa thuận kéo dài chẳng bao lâu, nhưng mọi người cũng biết rằng hòa bình nửa vời vẫn tốt hơn là chiến tranh. Đấy, cái chiến tranh, đang rực cháy trên trái đất đã bao năm rồi, vậy mà vẫn không thấy kết thúc ở đâu cả. Biết bao nhiêu là nỗi bất hạnh? Đau thương? Nước mắt? Ai tính cho xuể?
Mọi người chuẩn bị giải tán, nhưng ông Philimôn lại đấm xuống bàn và báo một tin làm ai nấy đều sửng sốt:
- Chính thế, như vậy là nó, không giải tán vội, các vị mugích! Một tiểu thư mới ở ngoài tỉnh về đây. Cô ấy sẽ nói, như vậy là nó, chính thế... Sẽ nói về chiến tranh, khi nào cái chiến tranh ô nhục ấy sẽ chấm dứt...
Việc nhắc đến chiến tranh, đặc biệt những lời lẽ của ông Philimôn «khi nào cái chiến tranh ô nhục ấy sẽ chấm dứt» làm cho tất cả mọi người, thậm chí cả những người nôn nóng nhất cũng phải dừng ngay lại.
- Thê cô tiểu thư ấy đâu, ông thôn trưởng? - từ mọi góc nhà người ta nhao nhao hỏi.
- Cô ấy sẽ đến ngay tức khắc. Anh Igơnát Igơnatôvích đã đi đón, như vậy là, chính thế... Chả là cô ấy nghỉ lại ở nhà ông bố...
- Mất béng nó một ngày! Nhưng bỏ về sao được! Con cái chúng ta ở cả ngoài đó! - người nào đó than thở, khắp cả căn nhà đều nghe thấy.
Tiểu thư ở tỉnh về hóa ra là một tạo vật thân hình đồ sộ. Cô ta cao hơn gã Igơnát Igơnatôvích mà gã này chỉ thấp hơn lão Grigori Êlidarốp có một nửa vecsốc. Thượng đế cũng không dè xẻn gì đối với tiểu thư tỉnh thành về mặt thân thể. Bộ ngực của ả nhô lên như trái núi. Đôi tay trắng nuột nà, giống như hai cái bánh calát bột sữa, đặt trên hai bên hông nhô cao. Bộ mông - vồng lên, to bè, dễ thường che kín cái miệng thùng tô nô chở nước. Tiểu thư ăn mặc không lấy gì làm diêm dúa, nhưng cũng chẳng phải xuềnh xoàng. Mọi thứ đều bằng thứ hàng tốt. Ả mặc chiếc áo cánh trắng có thêu qua loa ở cổ và ở hai tay áo, chiếc váy đen, hơi sẻ ở vạt, bên ngoài mặc chiếc áo xaraphan ngắn, đi đôi ủng dạ loại tốt, rất gọn gàng vừa chân, bên ngoài đi thêm giày bọc bằng cao su. Đầu tiểu thư tương ứng với thân hình - cũng đồ sộ, cái mũi trên mặt như tấm lái của sà lan, đôi mắt lanh lợi, liếc dọc liếc ngang, mái tóc chải trên đầu giống như ngôi nhà vòm chéo trên cái gò cao - những món tóc nửa bạc cuộn một cách khéo léo thành những cái ống tròn và xếp thành ba tầng, buông xuống sau gáy.
Vừa bước qua ngưỡng cửa, tiểu thư hất khỏi vai cái áo bằng lông chồn. Gã Igơnát Igơnatôvích đỡ ngay lấy nó, chuyển vắt tay. Tiểu thư đi lên trước, chiếm chật cả lối đi từ cửa tới cái bàn. Trước tấm thân hộ pháp của ả ào tới, cánh mugích lẫn cánh đàn bà dồn ép cả lại, e ngại, ngộ nhỡ ả vô tình giẫm đạp phải họ.
Ông Philimôn lùi khỏi bàn, lắc đầu, khó khăn mới cất được lời lúng búng:
- Chính thế, như vậy là, công xã, xin mời quí bà... Ephơ... Ephơ... Ephơrôxinhia Kharitônốpna. Da... Datunaixcaya...
- Không sao, ông bạn thân mến, không sao... Không cần phải thưa gửi, - đeo cái kính kẹp mũi không gọng khung mạ vàng lên cái mũi to bè, mụ Datunaixcaya nói, giọng điệu ý thể: ấy, có gì mà phải thưa gửi như thế, người nhà cả mà...
Nấp sau lưng Masa, Kachia không rời mắt khỏi mụ Datunaixcaya: nhân vật này ra sao đây? Mụ ở đâu ra, phát biểu trước nông dân, mụ nhằm mục đích gì? Có lẽ là mụ thuộc một tổ chức từ thiện nào đó, những thứ hội nhiều vô kể nằm dưới sự bảo trợ của các quí nương thuộc hoàng tộc. Tất cả các ủy ban chi viện cho quân đội và tổ quốc, các hội cứu nước Nga thường chỉ làm cái lá chắn che đậy bọn tham ô công quĩ và bọn đầu cơ, làm giàu ở bất cứ chỗ nào.
- Các vị mugích kính mến! Những người nuôi cho chúng tôi ăn, cho chúng tôi uống! Tổ quốc đang trải qua một thời kỳ khó khăn, khó khăn không tưởng tượng được. - Mụ Datunaixcaya cố nói bằng một giọng tâm tình tin cậy, nhưng giọng mụ nghe lại nghiệt ngã, rè rè và không cảm thấy chút hơi ấm nào cả. Hiểu rằng giọng nói của mụ không tuân theo mụ và không gây được mối thiện cảm đối với những người có mặt, như mụ mong muốn biểu lộ, Datunaixcaya đã tập trung vào cử chỉ tay và điệu mặt. Cần hay không cần mụ cũng đảo mắt, vung hai cánh tay phốp pháp lên đầu, rồi đặt chúng xuống ngực, trều môi ra, bặm môi lại. «Mụ đã được huấn luyện», - nghe mụ Datunaixcaya nói, Kachia thầm nhận xét, Kachia chỉ muốn mau chóng xác định nhân vật này thuộc màu sắc chính trị nào, nhưng mụ ta vẫn còn đang nói về vai trò nước Nga trong lịch sử thế giới với những câu cú chung nhất.
Cánh mugích cũng như cánh đàn bà lắng nghe chăm chú, nín thở. Ai cũng nóng lòng chờ đợi khi nào thì tiểu thư thành phố nói về chiến tranh, như ông thôn trưởng đã hứa.
Mụ Datunaixcaya ngừng lại, lấy chiếc khăn tẩm nước hoa lau bộ mặt đỏ bừng, sôi nổi tiếp:
- Nhưng dù những tai họa và chấn động có ào đến đổ xuống tổ quốc nhiều đau thương của chúng ta, nhân dân cần lao thống nhất của chúng ta vẫn loại trừ được hết, vẫn đứng vững, đưa cuộc chiến tranh đến thắng lợi cuối cùng và mở con đường tới hạnh phúc và tự do. Các người lính anh hùng của chúng ta đang xông vào chiến trận, và không sức nào có thể ghìm nổi khí thế của họ.
«Mụ đảng viên cách mạng xã hội chủ nghĩa! Một con mụ đảng viên cách mạng xã hội chủ nghĩa điển hình nhất và sặc mùi Đảng dân chủ lập hiến», - Kachia thầm nghĩ và càng cảnh giác hơn.
Datunaixcaya nói về chiến sự, về các nỗi gian nan cơ cực của binh lính. Giọng nói của mụ run lên, hai mắt đỏ hoe. Lập tức, cánh đàn bà con gái thẫn thờ, sụt sịt. Cánh mugích cúi đầu, đưa mắt ngước nhìn gằm gằm. Cảm thấy rằng những người nghe của mụ đã khá xúc động, mụ Datunaixcaya bắt đầu mô họa cuộc sống của nông dân sẽ như thế nào khi chiến thắng được kẻ thù. Mọi đau thương, mọi thống khổ, mọi mất mát sẽ được trả giá bằng niềm hạnh phúc đang chờ họ.
- Đất sẽ thuộc quyền sở hữu những người thực sự có thể chăm sóc nó, lấy ở nó mọi thứ nó có khả năng cho. Nông dân sẽ trở thành những người anh em thực sự. Các vựa thóc đầy ắp - đó là thước đo sự cần mẫn, cũng có nghĩa chính là niềm vinh dự. Trong gia đình thống nhất của nhân dân lao động, nông dân sẽ chiếm địa vị chủ yếu xứng đáng với nó. Trí thông minh bẩm sinh và sự sáng suốt của người nông dân Nga sẽ đẩy anh ta lên tất cả các bực cơ cấu tổ chức quốc gia, anh ta sẽ không chỉ thừa hành, mà còn cả ra lệnh... - Datunaixcaya bay bổng, tung lên tột đỉnh vương quốc thần thoại của mụ. Cánh mugích cũng như cánh đàn bà, vừa mới đó tẹo nữa thì òa khóc vì những lời lẽ của mụ về sự dũng cảm và can trường của binh lính, bắt đầu nhìn mụ với con mắt ngờ vực. Nhưng mụ không nhận ra điều đó. Mụ cứ nói thao thao bất tuyệt, nhưng đột nhiên vang lên giọng nói của cụ bà Mamica:
- Nhưng dù sao đi nữa, thưa tiểu thư, thế chúng tôi hiện tại làm thế nào để qua được cái túng thiếu khổ sở này? Vợ lính góa bụa nhiều, trẻ con mồ côi càng nhiều hơn, ngoài ruộng mùa màng thất bát...
- Thế đó! Vả lại làng xóm lấy đâu ra sức lực nữa để mà tạo ra cuộc sống như thế kia? - bác Lukianốp hỏi.
Cả cánh mugích, cả cánh đàn bà đều trở nên náo động: họ trò chuyện, đổi chỗ, tiếng cười đâu đó bật lên. Tuy nhiên đôi mắt chăm chú của Kachia nhận thấy một điều khác nữa: cũng có kẻ cố dẹp sự ồn ào này đi, nhìn mụ Datunaixcaya với lòng kính trọng rõ ràng, muốn tin vào cuộc sống tuyệt diệu, mà mụ tiểu thư này đang hót.
- Các ông mugích, sẽ chứ! Để cho tiểu thư nói. Ít ra thì cũng được sống cho ra người dù là trong truyện cổ tích đi nữa! - một giọng đàn bà cất lên.
Còn mụ Datunaixcaya đứng im lặng, ném cho ông Philimôn cái nhìn sốt ruột: thế nào, ông thôn trưởng, sao ông đứng mà nhìn, sao không làm cho công xã của ông trở lại trật tự đi? Mụ ta phật ý và chạm tự ái... Cái cổ đỏ lên, mặt nổi lên những vệt ửng hồng, ngón tay mân mê giật giật sợi giây ở cái kính kẹp mũi. Trong đôi mắt nhanh nhẹn cháy lên những đốm lửa độc ác.
Ông Philimôn nhận thấy là tiểu thư thành phố không hài lòng. Ông ta đấm xuống mặt bàn và gào lên:
- Chính thế, như vậy là, các người im đi để mà nghe!
Mụ Datunaixcaya nói tiếp. Hồ như không hề có cụ bà Mamica và bác Lukianốp với những câu hỏi đáng lo ngại của họ. Mụ lại bay bổng lên trời xanh. Rõ là mụ không thích lang thang dưới trái đất tội lỗi này. Bằng những lời lẽ thuộc lòng, có lẽ đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại ở các cuộc hội họp như thế này, mụ vẽ ra cảnh tượng điền viên của công xã nông dân.
Và Kachia lại nhận thấy rằng lời lẽ của mụ về tình huynh đệ của tất cả nông dân, về sự bình đẳng người nọ đối với người kia và đối với xã hội làm nhiều người mờ mắt. Kachia nhìn thấy cái bóng của sự yên lòng che phủ bộ mặt của cả những người mugích lẫn cánh đàn bà. Vừa mới bị kích thích bởi những câu hỏi của cụ bà Mamica và bác Lukianốp, họ thật sự trở thành những người khác hẳn. Kachia nhận thấy ở họ cái gì đó nhẫn nhục, nhút nhát. Tựa hồ như đây không còn là buổi họp làng, ở đó đặt ra một cách dứt khoát các vấn đề gay gắt của cuộc sống nông dân, mà là nơi cầu nguyện. «Thủ đoạn mới thật đê tiện làm sao!» Đáng ra phải phơi bày những ung nhọt của thời thế ra, thôi thúc con người vươn lên sống khác, đề ra lối thoát cách mạng để ra khỏi ngõ cụt, thì mụ ta lại tung cho nông dân những ảo tưởng, dẹp hết ý chí và nghị lực của họ. Không, không thể để như thế này được! Nông dân không thể ở đây ra về với mớ chuyện nhảm nhí theo kiểu của Đảng cách mạng xã hội chủ nghĩa và Đảng dân chủ lập hiến trong đầu được», - Kachia suy nghĩ, cảm thấy mỗi lúc nghe mụ Datunaixcaya một nặng nề thêm. «Phải bỏ đi thôi, mau chóng bỏ đi thôi, để khỏi lao vào ẩu đả với mụ», - trong đầu Kachia thoáng lên ý nghĩ ấy và cô ngồi không yên ở đầu chiếc ghế dài.
Nhưng không chỉ có Kachia mới thấy không chịu nổi lời lẽ của mụ Datunaixcaya. Ngồi trước cô là anh Timôphây Tsernốp và Masa, và cô nghe thấy hai người bực bội, thì thào.
- Kachia, không lẽ chúng mình bỏ đi, không nói năng gì?! Cậu nghe xem bà ta nói về những người nghèo kìa? Những đứa lười, những kẻ vụng về. Bà ta hứa hẹn thiên đường. - Masa quay lại, và Kachia thấy là mặt cô ta bừng bừng nổi giận.
- Quân chó má! - Timôphây bày tỏ ý kiến mình một cách ngắn gọn và gay gắt rồi khua nạng.
Còn Kachia thì đầu óc như bốc lửa. Làm gì đây? Làm gì đây? Trước mặt cô là kẻ thù. Không quan trọng là Datunaixcaya thỉnh thoảng nhắc đến những từ «tự do», «cách mạng», «xã hội chủ nghĩa hóa», mụ vẫn xa lạ vô cùng đối với những thống khổ thực sự của nông dân, đối với các quyền lợi của họ. Trong tâm trí cô thoáng hiện lại tất cả những gì cô đã thấy được ở chỗ Dina, biết được qua chị ấy. Cô nhớ đến những suy tư của bác Lukianốp với cái kết luận dứt khoát của bác: làng xóm không còn sức lực đứng dậy. Chỉ có những biến đổi mới cứu vãn được nông dân. Còn cuộc họp làng hôm nay? Chẳng lẽ nó không cho thấy rằng ở nông thôn đang diễn ra một cuộc đấu tranh ác liệt? Bọn giàu có hình dung ra tình huynh đệ của bà con nông dân một cách khác. Chúng không từ bỏ các vị trí của mình, không từ bỏ việc bóc lột người nghèo. Nhưng mụ Datunaixcaya miêu tả tình cảnh ở ngoài mặt trận ra sao kia? Binh lính xông vào chiến đấu, họ chỉ nghĩ đưa chiến tranh cho đến thắng lợi cuối cùng! Chẳng lẽ như thế được ư?! Láo, không đúng sự thật, chỉ vì những mục đích chính trị độc ác, phản dân.
Trong dòng các luận cứ của mụ Datunaixcaya, đã cảm thấy rằng mụ đang tìm các câu kết thúc. Bản thân mụ cũng đã mệt mỏi, mà người nghe thì nóng lòng chờ đợi. Còn Kachia vẫn chưa quyết định được nên thế nào. Ai sẽ phản công mụ Datunaixcaya, ai sẽ khôi phục lại sự thật bị bóp méo trong mắt nhìn của những người nông dân này, Kachia cân nhắc trong đầu: Masa dù có phẫn nộ về lời lẽ của Datunaixcaya, nhưng không thể bác lại mụ. Cái ba lô chính trị của cô mang theo còn quá bé nhỏ và còn chưa có kinh nghiệm. Timôphây - anh ấy có kinh nghiệm, kinh nghiệm cuộc sống... Mặt trận, các trận chiến đấu, hai lần bị thương, nhưng Kachia cũng tin rằng Timôphây không đưa ra được các chứng minh. Chắc chắn hơn cả là anh có thể thóa mạ mụ Datunaixcaya bằng một từ gay gắt gì đó, nhưng chẳng lẽ cái đó có thể thuyết phục ai đó hay chăng? «Mình đành phải... Chính mình đành phải phát biểu», - Kachia quyết định. Cô nhớ tới những điều dặn dò của các đồng chí ở Pêtrôgrát khi tiễn đưa cô, những điều dặn dò của Naximôvích bảo cô phải thận trọng, hết sức thận trọng... Nhưng bởi vì không ai trong số các đồng chí ấy bấy giờ đã biết được rằng có một lúc cô lại phải mặt đối mặt với địch thủ... Và dù bất cứ ai trong số ấy ở địa vị cô, chẳng lẽ gặp trường hợp như thế này lại không lợi dụng để giải thích cho nông dân về chính sách của Đảng bônsêvích? Đúng, đúng, tất nhiên là như vậy rồi. Cả anh của cô, cả Ivan Akimốp, cả Naximôvích hẳn đều xông ngay vào trận chiến đấu. Tất nhiên, cô mạo hiểm... Mạo hiểm về tự do của chính mình... Nhưng mà như vậy đã sao nào! Tiền và hộ chiếu của Akimốp, Naximôvích giữ... Nếu Ivan Akimốp cuối cùng vẫn xuất hiện, anh ấy sẽ chẳng bị mắc lại ở Tômxcơ. Kể ra thì cuộc gặp gỡ của hai người lại phải kéo dài thêm... Buồn, ôi, thật là buồn! Những lời lẽ đang nằm sâu kín trong tâm hồn cô sẽ còn nằm đó không được thổ lộ ra với Ivan Akimốp... Không sao, không sao. Những ngày của bao niềm vui của cô sẽ tới sau, còn bây giờ không phải lúc nghĩ tới chuyện đó, bây giờ hạnh phúc của cô là ở trong đấu tranh...
Nhưng không phải là tính phút nữa mà tính giây cô cũng không còn để suy nghĩ. Mụ Datunaixcaya nói hết câu cuối cùng, lấy khăn tay lau mặt đổ mồ hôi, hài lòng về mình, ngồi xuống chiếc ghế đẩu mà gã thư lại đưa ra mời mụ. Thế là ông thôn trưởng liền à lên tiếng theo thói quen:
- Cái đó, nghĩa là, nó, như vậy là nó, các vị mugích, mọi chuyện đều sáng tỏ. Chúng ta, chính thế, tất cả như một...
6
Đến đây Kachia đứng lên. Tất cả mọi ngờ vực đều gạt hết: sự lựa chọn đã dứt khoát.
- Thưa bà con nông dân! Ông thôn trưởng vừa bảo «Mọi chuyện đều sáng tỏ». Không, hoàn toàn không sáng tỏ! Tình trạng ngoài mặt trận, cũng như ở hậu phương hoàn toàn khác hẳn những điều được bà Datunaixcaya trình bày cho chúng ta ở đây. Mọi chuyện thực tế đều không phải như vậy. Và con đường mà quý bà này vạch ra cho chúng ta đi tới tương lai, - đó là con đường giả dối. Nó sẽ chỉ dẫn tới những đau khổ và tang thương mới, tới việc nghèo nàn hóa hàng ngàn và hàng triệu người nông dân.
Thật là tốt, thật là tuyệt là giọng nói của Kachia thánh thót, êm ái như vậy. Nó lan êm ái khắp căn nhà lớn của chị vợ lính góa bụa Nêliđa Lưtscôva và dường như chinh phục tất cả mọi người. Những người mugích cũng như cánh đàn bà ngồi ngây ra như trời trồng, sợ bỏ qua mất dù một lời của cô. Những người vội vã bỏ ra cửa, dừng ngay lại và đứng ngây ra mê mải vì nỗi thèm khát biết ra sự thật về cuộc sống. Bây giờ có đẩy họ cũng không bỏ ra về.
Mụ Datunaixcaya không ngờ một đòn giáng ác liệt và chính xác như thế. Mụ bị một cú sốc. Mụ không động đậy được tay lẫn chân. Đôi môi nhợt nhạt đi của mụ mấp máy, nhưng không nói ra lời.
- Tôi từ Pêtrôgrát mới đến đây được một tuần. Công nhân Pêtrôgrát và đảng của những người bônsêvích nhìn thấy lối thoát của nước Nga ở chỗ khác - ở cách mạng. Tình thế ở ngoài mặt trận là tuyệt vọng, binh lính mệt mỏi, họ đã rã rời. Càng ngày đối với họ càng rõ ràng thêm là chiến tranh không mang lại cho nhân dân Nga một lối thoát nào ra khỏi sự bần cùng hàng bao thế kỷ. Đã gần đến lúc khi vũ khí sẽ quay lại chống Sa hoàng và bọn tư bản – những kẻ có tội thực sự trong việc nhân dân phải chịu những đau thương chưa từng có.
Còn ở hậu phương đang diễn ra cái gì? Ở các thành phố là thảm họa. Công nhân đã kiệt quệ đến cùng cực vì chiến tranh và lao động quá sức, vì đói. Ở nông thôn đang diễn ra cái gì? Chính các bác biết đấy. Sa sút, đổ nát. Cuộc chiến tranh đã ngốn hàng triệu sinh mạng con người, và kêu gọi đưa chiến tranh đến thắng lợi cuối cùng là kéo theo biết bao hy sinh mới. Mà chẳng lẽ chúng ta còn ít những người vợ lính góa bụa và trẻ mồ côi, mà cứ thế này thôi cũng đếm không xuể?! Trước mặt chúng ta là vực thẳm. Và lối thoát của chúng ta chỉ có một: công nhân, binh lính, nông dân phải lật đổ những kẻ cầm quyền điên loạn của mình đi, nắm lấy chính quyền vào tay mình, lập tức ký hòa ước, trao ruộng đất cho nông dân, nhà máy và công xưởng cho công nhân...
Bà Datunaixcaya vừa rồi đã trổ tài mẫn cán vì hạnh phúc của nhân dân lao động thống nhất. Bài hát cổ rồi, cũ kỹ rồi! Chúng ta không có nhân dân thống nhất! Có những người giàu và kẻ nghèo. Người giàu ít, kẻ nghèo thì hàng triệu hàng triệu. Quyền lợi của những kẻ giàu không bao giờ phù hợp với quyền lợi của người nghèo. Người giàu bao giờ cũng cố bắt người nghèo phục tùng mình. Ở cuộc họp làng của các bác hôm nay...
Và đột ngột, át cả tiếng của Kachia vang lên một tiếng rít rồ dại, inh tai váng óc đến mức cửa kính cũng rung lên. Mụ Datunaixcaya rít lên với một nỗi tuyệt vọng đến mức như người ta lột sống da mụ không bằng. Nhìn mụ thật kinh khủng: mụ đỏ lòm máu, tự lấy móng tay cào mặt, chân giậm điên khùng, mái tóc chải ba tầng xõa xuống, và lưng mụ thõng thọi cái đuôi xam độn dính vào đầu. Kachia không thể nói thêm một từ nào nữa, lẩn vào sau lưng Masa.
- Các bà ơi! Bà ta bị động kinh! - át cả tiếng rít của mụ Datunaixcaya, vang lên một tiếng đàn bà hoảng hốt.
Lúc ấy mọi người lao ra khỏi nhà. Kachia cùng Masa cũng vội vàng ra cửa.
- Không phải bị động kinh đâu, mà là sự thật không vừa lòng bà ta.
- Hót sao mà hay thế, nhưng hóa ra - chẳng tích sự gì.
- Cứ cho bà ta chui vào cái bộ da của chúng ta lấy độ một hai tuần, hẳn bà ta đã ca khác hẳn.
- Cái cô gái ấy thế chứ! Bảo vệ sự thật vững lắm! Từ chính Pêtrôgrát đến đấy, thấy không, - người ta trò chuyện với nhau, xuống các bực thang và tràn ra đầy cái sân của chị quả phụ Nêliđa Lưtscôva mọc đầy rau tân lê và phủ một lớp tuyết nữa.
Chỉ đến lúc này Kachia mới tỉnh táo đánh giá hết sự việc xảy ra: tiết mục của mụ Datunaixcaya không trôi chảy. Sự dối trá mụ định dùng để bao phủ cuộc họp làng, bị xé toang. Đàn ông đàn bà trong làng đã được nghe điều sự thật bônsêvích về cuộc sống. Cái việc cô mới chỉ nói được có ít lời, việc cô chưa thể hiện được tất cả các suy nghĩ của mình cũng chẳng sao. Điều chính đã nói được. Trạng thái xúc động mà Kachia trải qua từ những phút đầu tiên khi mụ Datunaixcaya xuất hiện, đến bây giờ, trong giây phút này, trở thành niềm vui sướng, cảm xúc hoàn thành nghĩa vụ. Có gì đâu, cô đã hành động như bất cứ một người bônsêvích nào khác ở vào địa vị cô hẳn cũng đã hành động như vậy. Không lẩn tránh phải đụng độ, không còn nấp kín. Và cảm giác hài lòng này đã gạt bỏ sạch mọi cái khác. Kachia nắm lấy tay Masa, và hai người, bỏ đám đông vẫn còn chưa giải tán, nhẹ nhàng và nhanh chóng rảo bước trên đường làng.
7
Kachia và Masa đã rẽ khỏi đường ngõ chính của làng Lukianốpca, đi vào ngõ hẻm, khi Timôphây Tsernốp đuổi kịp họ. Anh đi xe trượt tuyết. Ngồi trên đống cỏ khô, anh điều khiển ngựa bằng một tay, còn tay kia phải giữ đôi nạng.
Khi xe đã đi song song với hai cô gái, Timôphây kéo căng giây cương ngựa và giữ ngựa lại.
- Lên đây các cô, nhanh lên! Họ đang cắt cử những người làm chứng đi tìm Kachia. Bác Xtêpan đang cãi vã với tay quản cảnh sát và thôn trưởng.
«Thế đấy, có lẽ là tự do của mình hết rồi», - Kachia suy nghĩ, cảm thấy tim đập mạnh hơn và máu bốc lên mặt. Masa ngồi sà ngay xuống lòng xe trượt, Kachia ngồi xuống bên cạnh.
- Cậu nhớ nhé, Masa, cậu không liên can gì hết. Một mình mình chịu trách nhiệm mọi chuyện, - Kachia thì thào, ôm lấy Masa và tỏ vẻ như xin lỗi bạn vì cô mang lại sự lo lắng cho người bạn gái.
- Sao lại thế, Kachia! Cậu nghĩ là mình sợ ư? Không mảy may gì hết!
Nghe thấy câu chuyện của hai cô, Timôphây nói để hai cô yên lòng:
- Bác Xtêpan bảo phải đưa cô Kachia vào ẩn tạm trong nhà hong lúa của chúng ta cho đến tối, còn Masa phải ở nhà. Nếu như những người làm chứng với tay quản có đến, phải khẳng định một điều: không hay biết ai hết... Cô gái vãng lai kia, chắc là trong số dân chạy loạn. Trên đường đi cô ta bám lấy em, Masa. Cô ta đi đâu đó đến các làng bên kia sông. Cô ta xin ngủ trọ đêm, ở lại thêm một ngày vì mệt... Cô ta là ai, em không hay biết gì hết...
- Bố mới cừ gớm! Nghĩ ra thế nữa! - Masa thốt lên, giọng pha chút trách móc. - Nhưng chính tay quản đã thấy Kachia trong tối vui... Không, không nói nhăng nói quậy với họ được.
- Nhưng thấy thì có nghĩa lý gì?! Không ai - cả em, cả Kachia, cả anh, khi đấy là người điều khiển tối vui, - đều không tuyên bố Kachia là bạn em...
Trong lúc Timôphây và Masa tranh cãi, Kachia tự cân nhắc xem cô nên xử sự ra sao. Tất nhiên - tự nộp mình vào tay cảnh sát không đấu tranh là cái việc chẳng khó khăn gì, nhưng cô cũng không có quyền làm cho gia đình bác Lukianốp bị tình nghi. Ý chừng, Naximôvích đặc biệt coi trọng căn hộ của bác Lukianốp ở Tômxcơ. Nếu có điều gì ngờ vực rơi vào Masa thì phải lập tức rời khỏi căn hộ ấy ở Tômxcơ. Khó lòng mà Naximôvích lại cám ơn Kachia về việc đó. Theo chừng mực cô hiểu biết ở đây, Naximôvích có nhiều mối quan tâm: Xtêpan, Đunhia, Masa. Kachia nhớ lại buổi tối mù mịt xấu trời ấy, khi người đánh xe đưa họ đến với con cái bác Lukianốp. Naximôvích từ căn hộ trở về với những bọc gì đó cầm tay. Không, không, cần phải làm mọi cái để sao Masa không bị nghi ngờ gì, cả ngôi nhà này ở Lukianốpca cũng cần phải làm sao tránh được đòn: nếu ở đây mà bị khám xét, giấy tờ của giáo sư Likhatsiốp nhất định bị để ý. Cảnh sát sẽ tịch thu mang đi, mà cái việc đó sẽ chẳng đem lại gì tốt đẹp. Hoặc giả chúng sẽ thả giấy tờ ấy vào lò để nhóm bếp, nếu không phát hiện ra trong đó có nội dung cách mạng, hoặc đưa cho các chủ quán làm giấy gói cá muối... Còn nếu thậm chí có gửi về Pêtrôgrát, thì may mắn nhất là chúng đút giấy tờ đó vào lưu trữ của sở cảnh sát nào đó, và những giấy tờ này sẽ không được ai nhìn thấy trong một thời gian dài, có thể là mãi mãi cũng nên.
Thế đấy, tóm lại, kết quả là thế này: vào giờ này tốt hơn hết cô nên ở một mình và dù thế nào đi nữa, không nên ở nhà bác Lukianốp.
Còn có một lối thoát nữa: trong lúc ở đấy lão thôn trưởng cùng với tên quản cảnh sát đang còn bàn bạc cân nhắc về số phận của cô, cô phải lánh sang phía khác, bằng ngõ hẻm, bỏ qua nhà bác Lukianốp, đi ra khỏi làng - và chuồn. Các bác không thấy tôi, tôi không biết các bác! Nhưng phương án này, Kachia thấy hoàn toàn không chấp nhận được. Masa Lukianôva khó mà thoát được. Bọn chúng sẽ thẩm vấn cô ấy, nhà bác Lukianốp dứt khoát sẽ bị khám xét, và kết quả cũng vẫn là thế: giấy tờ của giáo sư Likhatsiốp sẽ rơi vào tay cảnh sát. «Không, không! Tốt hơn là làm thế nào có một mình và ở cách xa nhà bác Lukianốp», - Kachia tự bảo mình.
- Thế này nhé, Masa thân yêu: cậu ở lại với Timôphây, còn mình sẽ trở lại đấy, trở lại làng, - Kachia nói nhanh, vẻ bình tĩnh, tỏ rõ hết sức bình tĩnh, đưa mắt liếc nhìn về ngõ xóm mà gã quản cảnh sát và lão thôn trưởng cùng những người làm chứng có thể sắp xuất hiện từ góc ngoặt đằng kia.
- Cậu sao vậy, Kachia, còn tỉnh hay mê rồi thế?! Không lẽ bây giờ cậu có thể đi về đấy? - tròn mắt vì ngạc nhiên và hai tay vung rộng, Masa thốt lên.
- Không thể nào đi được! Bất cứ thế nào cũng không được, Kachia! - cả Timôphây cũng phản đối, khua đôi nạng của mình. - Cứ để tôi đưa ngay chị đến nhà hong thóc.
- Tôi sẽ làm như đã quyết định, - Kachia nói một cách kiên quyết. - Nếu như chúng tra hỏi các bạn, không có tôi các bạn dễ thoái thác hơn. Đấy là người chạy loạn tự đến đây, có thế thôi... - Kachia khéo léo cong người xuống, vịn vào đầu xe trượt, nhảy xuống đường.
- Cậu điên rồi! Cô ta mất trí thật rồi! - Masa muốn nhảy xuống khỏi xe trượt theo Kachia, nhưng Kachia vung tay lên và như thể ngăn Masa lại, nói:
- Mình xin cậu!
Điều ấy được nói ra chân thành đến mức Masa trở lại chỗ ngồi, còn Timôphây giật giây cương, thúc ngựa.
- Để mặc chị ấy Masa. Chị ấy có suy tính của mình.
Khi cỗ xe trượt nghiến rít lên vì con ngựa chuyển sang chạy nước kiệu, Kachia ngoái nhìn lại. Cô ghi nhớ suốt đời gương mặt của Masa. Đôi mắt bồ câu ấy long lanh lên vì nước mắt, cặp môi mọng đỏ thắm méo xệch đi và run run, và toàn bộ thân hình cô trong tấm áo lông, giày lông, và chiếc khăn chéo, còng xuống vì đau đớn. «Cô bé lạ kỳ chưa, cứ như thể tiễn đưa mình đến chỗ chết không bằng!» - Kachia mỉm cười nghĩ bụng, cảm thấy vui vì cô đã làm theo được ý mình, vì khoảng cách giữa họ nhiều thêm dần mỗi phút và bây giờ dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, cô sẽ một mình chịu trách nhiệm hết.
Kachia ra khỏi ngõ, đến đường lớn của làng Lukianốpca và chậm bước lại. Đôi chỗ bên cạnh các ngôi nhà, những người đàn ông đang đứng túm tụm những khóm nhỏ và từ tốn chuyện trò về điều gì đó. «Họ bàn luận về cuộc họp làng». - Kachia đoán. Cô không lầm trong các phỏng đoán của mình. Đi gần đến nhóm mugích ở gần nhất, cô nhận thấy là, những người ấy quay cả về phía cô, đến khi cô đi ngang chỗ họ, họ bỏ cả mũ và trân trọng cúi chào. Kachia cúi chào lại những người mugích và đi tiếp.
Cô tưởng rằng ở nhóm mugích thứ hai cũng xảy ra chuyện tương tự. Nhưng cô đã nhầm. Nhìn thấy cô, những người mugích vội vã tản đi và khi cô đi ngang cái giếng, chỗ họ vừa đứng, ở đấy đã không còn ai. «Họ cho là như vậy sẽ đỡ nguy hiểm hơn». - Kachia cười thầm.
Cô không kịp đi đến nhóm mugích thứ ba. Từ căn nhà của chị quả phụ Nêliđa người ta đổ ra. Không khó khăn gì Kachia cũng nhận ra họ: lão thôn trưởng, tên quản cảnh sát mặc áo capốt, đội mũ lính, hai người đàn ông không quen mặc áo lông lửng và cách xa một chút là bác Lukianốp mặc áo vét bằng da. «Thế còn mụ theo Đảng xã hội chủ nghĩa cách mạng và ngả theo Đảng dân chủ lập hiến kia đâu rồi? Mụ là không chịu để xổng mình đâu», - Kachia suy nghĩ. Và cô vừa nghĩ đến mụ Datunaixcaya một cái. ngay tức khắc trên tuyết trắng hiện ra cái vệt đen đậm. Mụ Datunaixcaya chậm chạp lần đi, chống chiếc gậy. Theo sau mụ, khúm núm cúi đầu, gã thư lại Igơnát Igơnatôvích không phải bước đi, mà nói cho chính xác là bơi đi. «Thì đã sao nào, một lần nữa chúng ta đấu kiếm, thưa bà Datunaixcaya. Quan trọng là sao có nhiều người chứng kiến», - Kachia nghĩ bụng một cách tinh nghịch.
Và cô lại nhầm. Có lẽ nhận ra cô, mụ Datunaixcaya rảo bước, kéo sau gã thư lại, và lát sau mụ ta khuất sau ngôi nhà thờ. «Sau trận húc nhau nặng nhọc, mụ vội tìm về cha để đánh chén», - Kachia cười khẩy, cảm thấy vui và thật sự không mảy may sợ hãi trước chuyện sẽ xảy đến.
Mỗi phút, khoảng cách giữa Kachia và những người đàn ông thêm một rút ngắn. Giờ đây chỉ còn độ ba mươi - bốn mươi bước chân nữa là tới chỗ họ, Kachia nhìn thấy bộ mặt lo lắng của bác Xtêpan Lukianốp. «Không lẽ bác ấy khai mình ra?», - một ý nghĩ lo lắng hiện lên. Kachia nhìn kỹ mặt bác Lukianốp. Nét mặt bình thản, như mọi khi, thậm chí nghiêm khắc, nhưng trong đôi mắt của bác cô không nhận thấy một thoáng gợn nào của sự trách móc. Tên quản bước đi, thở hồng hộc. Lão thôn trưởng quay đầu phía này, lại sang phía kia. Cánh mugích vẻ càu cạu, cố giấu mặt đi.
- À, tiểu thư đây rồi! Cứ đi như không, tỉnh bơ phớt lờ tất cả - chắn đường Kachia, gã quản Phêôphan Parôcôpurốp lên tiếng.
- Như vậy là, chính thế, xin cô dừng bước cho, - lão thôn trưởng làu bàu.
Những người mugích lập tức đứng lánh sang bên cạnh, cho biết họ không dính dáng gì ở đây, chẳng qua là họ bị bắt buộc.
Cả bác Xtêpan Lukianốp cũng nhập bọn với họ.
- Tại sao tôi lại phải dừng lại nhỉ? Tôi đi đến chỗ chị tôi ở xã Taegiơnô - Cliutsepxcaya.. Tôi là người chạy loạn. Sao, các ông lệnh cho tôi phải chết đói hay sao? Tôi đã hai tuần đi đường rồi chứ không ít... - Kachia nói một thôi mọi chuyện đó một cách nóng nẩy và bằng một giọng mà bất cứ lúc nào cũng có thể chuyển thành tiếng kêu gào.
- Chính thế, như vậy là, chuyện gây loạn, - lão thôn trưởng nói và quay sang gã quản: - Quý ông Phêôphan, xin ngài công bố cho.
- Tôi phải bắt giữ cô, cô tiểu thư! Ngày mai buộc phải chở cô ra thành phố. Ở đấy các quan thượng cấp sẽ đích thân thẩm vấn cô, - gã quản tuyên bố và lùi lại nửa bước, chắn đường Kachia quay lại.
- Các ông lưu ý cho là người ta sẽ xử lý nghiêm khắc các ông vì sự lộng hành này. - Kachia đầu tiên quay về phía gã quản, rồi đến lão thôn trưởng, đôi mắt căm tức nhìn chúng. - Còn bác, xin cảm ơn bác cho cháu nghỉ đêm, nương nhờ, - bằng một giọng hoàn toàn khác hẳn Kachia nói và nhìn hơi lâu bác Lukianốp.
- Ơn với huệ gì. Có gì đáng kể. Tôi sống ở đầu làng, khách đi đường ngủ lại luôn. Ấy vậy mà ông Phêôphan lại nghĩ là cô có họ hàng với chúng tôi. Thấy không, ông ấy định khám nhà kia đấy.
Kachia hiểu là điều đó nói chỉ riêng cho cô, vì thế cô lại đưa mắt nhìn bác Lukianốp, trong đôi mắt cô lại sáng lên ánh hàm ơn. Gã quản hầm hè, đưa mắt nhìn lão thôn trưởng.
- Nếu như vậy thì, Xtêpan, anh được tự do. Còn cái chuyện anh chửi bới thì tôi sẽ còn hỏi đến anh. Nhà anh còn biết Phêôphan Parôcôpưtốp này là người thế nào. - Gã quản vung nắm đấm hăm dọa.
- Thôi đi, đừng có mà dọa tôi... Tôi cũng chẳng chịu im với ông. Tôi cũng sẽ hại ông không kém. Có thể ông đã quên đôi điều rồi chăng? Để tôi nhắc cho...
Bác Lukianốp không cảm thấy một chút gì rụt dè trước gã quản, và Kachia cảm thấy rằng, lúc này bác khiêu khích thế vô ích. Giá bác cứ bỏ đi mau cho, kẻo gã quản lại nghĩ lại chuyện khám xét nhà bác. Nhưng bác Xtêpan không hiểu sao không vội bỏ đi. Có lẽ, bác muốn biết những kẻ đại diện chính quyền xử sự tiếp với Kachia thế nào.
- Bây giờ thì tiểu thư đi cho. Từ giờ cho đến sáng cô phải ngồi ở nhà nuôi gia súc của tôi, - gã quản nói, vẻ sảng khoái nhưng dù sao cũng hơi e sợ. «Đối với bà lớn béo mập thì có hề gì? Bà ta bày vẽ ra, thúc bách, vẫy đuôi chuồn - và không còn dấu vết gì nữa. Còn ở đây thì mình phải chịu trách nhiệm về cô gái này. Lạy Chúa, cũng may mà gặp cô ta ở ngoài đường này, chứ chẳng nên gây chuyện với Lukianốp», - gã quản thầm nghĩ.
- Xin từ biệt các bác, - Kachia gật đầu chào những người mugích nhân chứng, cố một lần nữa đưa mắt nhìn bác Lukianốp.
- Chúc cô mạnh giỏi, - một người trong đám mugích nói, cảm thấy nhẹ lòng vì cái trách nhiệm không quen thuộc và bội bạc của người làm nhân chứng đã tuột khỏi vai bác ta.
- Đi lên, cô gái, đi về cái nhà có những khung viền cửa màu xanh đằng kia kìa, - gã quản nói, đưa tay chỉ đến chỗ cần đi.
Kachia bước đi hai ba bước, ngoái nhìn lại. Bác Lukianốp đứng cùng với những người mugích nhân chứng, họ nhìn theo cô. Cách xa họ một chút ít, lão thôn trưởng đứng đổi chân nọ sang chân kia.