Nguyên tác: First Among Equals
Số lần đọc/download: 2126 / 59
Cập nhật: 2015-07-20 15:05:14 +0700
Chương 8
S
imon rời Quốc hội và lái xe tới đường Whitechapel để dự một cuộc họp ban Quản trị của công ty Nethercote. Anh tới muộn mất vài phút và cuộc họp thường lệ vào lúc bốn giờ đã bắt đầu, anh lặng lẽ ngồi xuống một cái ghế và lắng nghe Ronnie Nethercote thông báo một vụ làm ăn khác.
Ronnie đã ký một hợp đồng vào buổi sáng hôm đó để lấy bốn khu nhà chính của thành phố với giá hai sáu triệu bảng với một thu nhập từ tiền thuê nhà được bảo đảm là 3,2 triệu bảng mỗi năm trong bảy năm đầu của giai đoạn thuê hai mốt năm.
Simon trịnh trọng chúc mừng Ronnie và hỏi ông liệu hợp đồng này có làm thay đổi gì thời hạn đưa công ty ra bán hay không. Anh đã khuyên Ronnie không nên đưa cổ phần của công ty ra bán trên thị trường chứng khoán cho tới khi đảng Bảo thủ quay trở lại nắm chính quyền. "Có thể ta phải đợi thêm một vài năm nữa", anh nói với Ronnie, "nhưng chỉ còn có ít người không tin là đảng Bảo thủ sẽ thắng cử lần tới. Hãy nhìn vào các cuộc trưng cầu ý kiến thì thấy."
- Chúng tôi vẫn đang dự định đợi - lần này Ronnie cam đoan với anh - Mặc dù nếu chúng ta đem bán bây giờ thì khoản tiền mặt đấy cũng khá có ích đấy. Nhưng giác quan của tôi bảo tôi là tôi nên theo lời khuyên của anh và chờ xem liệu đảng Bảo thủ có thắng cử lần tới không?
- Tôi tin chắc điều đó có thể xảy ra - Simon đáp, nhìn các cổ đông đang ngồi xung quanh.
- Nếu họ không thắng, tôi không thể đợi lâu hơn nữa được.
- Tôi cũng sẽ không thể đồng ý với ý kiến đó được, thưa ngài Chủ tịch - Simon đồng tình.
Khi cuộc họp kết thúc, anh cùng đi với Nethercote vào phòng ông uống nước.
- Tôi muốn cám ơn anh Ronnie nói - vì đã giới thiệu tôi với Harold Samuel và Hugh Ainesworth. Việc này giúp cho tôi giải quyết vụ vừa rồi thật nhanh chóng thuận lợi.
- Điều đó có nghĩa là ông sẽ cho tôi mua thêm cổ phiếu hay không đấy?
Ronnie ngập ngừng "Tại sao không nhỉ?" Anh đã giành được chúng rồi đấy. Nhưng chỉ thêm mười ngàn nữa thôi nhé. Đừng có vội vàng quá, nếu không các giám đốc khác có thể sẽ ganh với anh đấy".
Trên đường đi đón Elizabeth, Simon vạch ra kế hoạch thế chấp ngôi nhà ở phố Beaufort để vay thêm tiền mặt mua thêm cổ phiếu. Elizabeth vẫn tiếp tục tỏ ra khó hiểu về Ronnie, và vì bây giờ cô đang có thai, anh không muốn làm cô lo lắng thêm vì chi tiết này nữa.
- Nếu chính phủ quyết định thay đổi và hạ giá đồng bảng, liệu ông Thứ trưởng có thể tiếp tục ở lại chức vụ của mình không?
Raymond Gould, ông thứ trưởng bộ Việc làm, cứng người lại khi nghe thấy câu hỏi của Simon Kerslake.
Trình độ về luật pháp của Raymond và hiểu biết của anh về vấn đề này đã làm cho tất cả mọi người loại trừ những kẻ nói năng quá ư lưu loát hoặc cực kỳ kinh nghiệm mệt mỏi không thể đấu trí với anh. Tuy nhiên, anh có một điểm như gót chân của Asin xuất phát từ quan điểm được phát biểu rất chắc chắn của anh trong Đầy đủ việc làm bằng mọi giá. Bất kỳ một gợi ý nào về việc Chính phủ có thể hạ giá đồng bảng. Đã tới thời điểm những người ngồi hàng ghế sau có quyền được chất vấn anh về vấn đề này. Nhưng lại một lần nữa Simon Kerslake lại nắm quyền đặt ra câu hỏi làm mất mặt đối thủ của mình.
Như thường lệ, Raymond đưa ra câu trả lời chuẩn: "Chính sách của Chính phủ của Nữ hoàng tối cao là một trăm phần trăm chống hạ giá, và vì vậy không thể có câu hỏi đó được."
- Hãy chờ đó mà xem - Simon hét lên.
- Trật tự, người phát ngôn nói, đứng hẳn dậy và quay về phía Simon khi Raymond đã ngồi xuống ngài Nghị sĩ chắc hẳn biết rất rõ rằng ngài không thể phát biểu trước Quốc hội trong tư thế ngồi.
Raymond lại đứng lên. "Chính phủ này tin tưởng vào một đồng bảng mạnh, nó vẫn là hy vọng lớn nhất của chúng ta để có thể giữ con số thất nghiệp thấp".
- Thế nhưng anh sẽ làm gì nếu Nội các Chính phủ cứ quyết định hạ giá? – Joyce hỏi anh khi cô đọc phần trả lời của chồng mình cho câu hỏi của Kerslake được đăng trên tờ London Times buổi sáng hôm sau.
Lúc này Raymond đã nhận thức rõ khả năng hạ giá đồng bảng tăng lên mỗi ngày. Một đồng đô la mạnh dẫn tới việc con số nhập khẩu đạt mức kỷ lục, xảy ra đồng thời với các cuộc biểu tình trong suốt mùa hè năm 67, làm các chủ nhà băng lúc này chỉ còn đặt câu hỏi "Khi nào?" chứ không phải "Liệu có hay không?" nữa
- Anh sẽ phải từ chức thôi - anh trả lời câu hỏi của Joyce.
- Tại sao chứ? Chẳng có ai khác làm việc đó đâu.
- Anh sợ là Kerslake đúng. Mọi điều anh nói đã được đưa vào biên bản và anh ta đã làm mọi việc để tất cả mọi người đều biết. Đừng lo, Harold sẽ không bao giờ hạ giá đồng bảng cả đâu. Ông ấy đã đảm bảo với anh điều ấy nhiều lần mà.
- Ông ta chỉ cần thay đổi suy nghĩ một lần thôi.
Nhà hùng biện vĩ đại Iain MacIeod đã có lần nhận xét rằng hai phút đầu của một bài diễn văn sẽ quyết định số phận của một con người. Một nghị sĩ có thể nắm được cả Quốc hội và ra lệnh cho nó, hoặc không thu phục được và làm mất nó, và một khi Quốc hội đã bị mất thì hiếm khi người ta có thể thu phục lại được.
Khi Charles Hampton được mời phát biểu bài cuối cùng để kết thúc cuộc thảo luận của đảng Đối lập trong cuộc tranh luận về vấn đề Môi trường, anh tin tưởng mình đã chuẩn bị rất tốt. Mặc dù hiểu rằng sẽ không thể xoay chuyển các nghị sĩ ở hàng ghế sau hoàn toàn theo hướng của mình, anh hy vọng anh sẽ được giới báo chí công nhận rằng anh đã chiến thắng trong cuộc tranh luận và làm Chính phủ phải hổ thẹn. Ban Quản trị giờ đây đang tranh cãi về những tin đồn như cơm bữa về vấn đề hạ giá đồng bảng và các khó khăn về kinh tế, và Charles tin tưởng rằng đây là thời điểm thích hợp để anh có thể gây dựng tên tuổi của mình.
Khi cả phòng họp đã sôi nổi tham gia vào cuộc tranh luận, người phát ngôn của đảng Đối lập được mời lên để phát biểu vào lúc chín giờ. Vào lúc chín giờ ba mươi, một Bộ trưởng Chính phủ đứng lên kết thúc vấn đề.
Khi Charles đứng dậy và đặt tờ ghi chép của mình trên bục, anh có dự định sẽ xoáy vào vấn đề của đảng Bảo thủ về những báo cáo kinh tế của Chính phủ, những hậu quả ghê gớm của việc hạ giá đồng bảng, tỷ lệ lạm phát kỷ lục, kèm theo là con số vay chưa từng có và sự mất lòng tin của người dân Anh và các thành viên Quốc hội lần đầu tiên được chứng kiến trong suốt cuộc đời của mình.
Anh đứng thẳng người trên bục và nhìn xuống các hàng ghế với vẻ khiêu chiến.
- Thưa ngài Phát ngôn viên - anh bắt đầu - Tôi không thể nghĩ rằng
- Nếu vậy thì đừng nói - ai đó trên hàng ghế của đảng Lao động hét. Tiếng cười rộ lên trong khi Charles cố lấy lại bình tĩnh, thầm rủa mình đã quá tự tin từ lúc đầu. Anh lại bắt đầu.
- Tôi không thể tưởng tượng rằng
- Cũng không thể có sự tưởng tượng được - một giọng khác hét lên - thật là một anh chàng Bảo thủ điển hình.
- Vì sao vấn đề này chưa bao giờ được đưa ra bàn luận trước Quốc hội.
- Tất nhiên không phải để anh cho chúng tôi một bài học trước công chúng như thế này.
- Trật tự - người Phát ngôn viên gần như gầm lên, nhưng đã quá muộn.
Cả Quốc hội đã trở nên hỗn loạn và Charles lúng túng mất gần ba mươi phút trong sự ngượng ngập cho tới khi không còn ai khác ngoài người phát ngôn lắng nghe lấy một lời trong bài phát biểu của anh. Một số các Bộ trưởng ở hàng ghế đầu thậm chí còn cho cả chân lên bàn, mắt nhắm nghiền. Những người ở hàng ghế sau ngồi nói chuyện vui vẻ để chờ tới lúc bỏ phiếu lúc mười giờ: cách làm nhục ghê gớm nhất mà Quốc hội có thể chấp nhận được với diễn giả tồi nhất. Người Phát ngôn viên phải kêu gọi trật tự vài lần nữa trong thời gian Charles phát biểu, một lần ông thậm chí đứng dậy để mắng những kẻ đang mất trật tự. "Không phải Quốc hội gây dựng danh tiếng của mình bằng cách cư xử như thế này". Những sự kêu gọi van nài của ông rơi vào những đôi tai lúc này đã điếc đặc của các nghị sĩ và các cuộc nói chuyện vẫn cứ tiếp diễn như thường. Vào lúc chín giờ ba mươi, Charles ngồi xuống, mồ hôi lạnh túa ra. Một số ít những người thuộc đảng của anh ngồi hàng ghế sau kêu lên những tiếng yếu ớt không lấy gì làm thuyết phục:
"Đúng, Đúng".
Khi một Phát ngôn viên của Chính phủ mở đầu bài phát biểu của mình bằng cách công nhận những ý kiến của Charles là một trong những ý kiến có ấn tượng nhất trong đời làm chính trị của ông, có lẽ ông đã hơi quá phóng đại, nhưng từ hàng ghế đầu của đảng Bảo thủ, rất nhiều thành viên của đảng Đối lập tỏ ra không đồng tình với ông.
Elizabeth ngẩng đầu lên và mỉm cười với chồng khi anh đi vào phòng. "Em đã đỡ đẻ một ngàn đứa trẻ trong năm năm vừa qua, nhưng không đứa nào làm cho em hồi hộp như đứa bé này. Em tin rằng anh muốn biết cả mẹ và con đều khỏe, đúng không?".
Simon ôm lấy Elizabeth. "Anh sẽ phải chờ bao lâu nữa mới được nghe sự thật đây?".
- Con trai anh ạ - cô nói.
- Chúc mừng em - Simon nói. - Anh tự hào vì em - Anh nhẹ nhàng hất ngược mái tóc cô - Vậy nó sẽ là Peter chứ không phải là Lucy rồi.
- Chắc chắn là vậy rồi, nếu như anh không muốn cậu con trai thông minh của chúng ta bị chế giễu suốt cả cuộc đời.
Một cô y tá bước lại phía họ ôm một đứa bé gần như ướt sũng trong một tấm vải và một chiếc chăn. Simon đón lấy con và nhìn chằm chằm vào cặp mắt màu xanh to của cậu.
- Anh thấy con mình giống một vị tổng thống tương lai ấy.
- Ồ không, không được - Elizabeth kêu lên - Trông con quá thông minh để làm một việc ngu ngốc như vậy. Cô dang rộng cánh tay ra, Simon ngần ngừ rồi cũng phải trao lại cậu con trai cho mẹ nó.
Simon ngồi trên thành giường, ngắm nghía và tự hào về người vợ và đứa con đầu lòng trong lúc Elizabeth cho nó bú.
- Có lẽ bây giờ là lúc em phải nghỉ ngơi một lúc rồi đấy. Em xứng đáng được hưởng một ngày nghỉ.
- Chẳng có cơ hội đâu, - Elizabeth đáp, nhìn cậu con trai đang nhắm mắt lại - Em phải tiếp tục trực ca vào tuần sau rồi. Đừng quên là chúng mình vẫn cần phải có thu nhập của em trong lúc người ta trả cho các nghị sĩ Quốc hội một khoản lương tội nghiệp như vậy.
Simon không nói gì. Anh đã nhận thức rằng nếu anh có muốn thuyết phục vợ anh nghỉ ngơi một chút, chắc chắn anh cần phải sử dụng một cách nhẹ nhàng hơn.
- Peter và anh cho rằng em thật là tuyệt vời - Anh nói.
Elizabeth nhìn con. "Em không nghĩ là Peter đã chắc về điều đó, nhưng ít nhất thì con nó cũng có thể yên tâm mà ngủ yên với điều đó."
Quyết định cuối cùng cũng được Nội các tối cao gồm mười hai người chấp thuận vào ngày thứ Năm, 16 tháng Mười một, năm 1967. Vào thứ Sáu, tất cả các nhân viên ngân hàng ở Tokyo đều được chia sẻ điều tuyệt mật của Nội các tối cao, và vào thời điểm Thủ tưởng công bố chính thức thông tin này vào chiều thứ bảy, ngân hàng England đã mất 600 triệu đô la tiền dự trữ trên thị trường ngoại hối.
Vào lúc Thủ tướng đưa ra tuyên bố, Raymond đang ở Leeds tiến hành cuộc họp chính thức hai lần một tháng trong khu vực bầu cử của mình. Anh đang giải thích đạo luật mới về nhà ở cho một cặp vợ chồng mới cưới khi Fred Padgett, người quản lý chiến dịch chạy bổ vào phòng.
- Raymond, xin lỗi làm phiền ông, nhưng tôi nghĩ ông muốn biết ngay lập tức. Số 10 vừa mới thông báo đồng bảng đã bị hạ giá từ 2,7 đô xuống 1,4 đô - vị nghị sĩ đương nhiệm vào thời khắc đó thực sự choáng váng, vấn đề nhà ở của địa phương trôi tuột khỏi đầu anh. Với một cái nhìn trống rỗng, anh nhìn qua mặt bàn vào hai người dân đã tới hỏi ý kiến anh.
- Liệu ông có thể cho phép tôi một chút được không thưa ông Higginbottom? Raymond lịch sự hỏi - Một chút của Raymond thực tế đã kéo dài mười lăm phút, anh đã gọi được cho một cán bộ cao cấp từ Kho bạc và được người này xác nhận lại tất cả mọi chi tiết. Anh gọi cho Joyce nói cô không trả lời điện thoại cho tới khi anh trở về nhà. Anh phải mất vài phút để tự chủ lại và mở cửa phòng làm việc.
- Có bao nhiêu người đang chờ tôi, Fred? - Anh hỏi.
- Sau gia đình Higginbottom chỉ còn có viên thiếu tá điên người vẫn tin là những người ở sao Hỏa sẽ đặt chân lên mái nhà của tòa thị chính của Leeds.
- Vì sao họ lại muốn tới thăm Leeds đầu tiên? - Raymond hỏi, cố gắng giấu sự lo lắng bằng một sự hài hước giả tạo.
- Một khi họ chiến thắng Yorkshine, phần còn lại sẽ trở nên rất dễ dàng.
- Khó mà có thể nói rằng lập luận đó là sai. Tuy nhiên, hãy nói với ông thiếu tá là tôi rất lo lắng về vấn đề này nhưng tôi cần nghiên cứu thêm và xin ý kiến từ bộ Quốc phòng. Hãy đặt cuộc hẹn cho ông ta gặp tôi vào lần tới, vào lúc đó chắc chắn tôi đã có kế hoạch chiến lược sẵn sàng.
Fred Padgett mỉm cười "Thế là đủ cho ông ta kể với bạn bè của ông ta ít nhất là trong hai tuần tới".
Raymond quay qua ông bà Higginbottom và đảm bảo với họ rằng vấn đề nhà ở của họ sẽ được giải quyết trong một vài ngày sau. Anh để vào trong hồ sơ của mình việc gọi điện cho nhân viên nhà ở của Leeds.
- Thực là một buổi chiều, - Raymond thốt lên sau khi cánh cửa đã được khép lại sau lưng họ - Một vụ đánh vợ, một vụ Sở điện lực cắt điện một gia đình với bốn đứa trẻ dưới mười tuổi trong nhà, một vụ ô nhiễm sông Aire, một vụ nhà ở đáng sợ, ông thiếu tá bị điên không ai có thể quên được và những kẻ xâm lược từ sao Hỏa của ông ta. Và bây giờ là tin hạ giá đồng bảng.
- Làm sao mà ông có thể giữ được bình tĩnh như vậy trong những hoàn cảnh khó khăn như thế này? Fred Padgett hỏi.
- Vì tôi không thể để cho ai biết thực ra tôi đang cảm thấy gì.
Sau giờ làm việc, Raymond thường tới quán bia địa phương uống một cốc và nói chuyện với những người dân địa phương, điều này có thể giúp anh nắm được thông tin ở Leeds trong vài tuần qua. Nhưng lần này anh không dừng lại ở đó và nhanh chóng về nhà cha mẹ.
Joyce cho anh biết điện thoại kêu rất nhiều lần và cuối cùng cô phải ngắt đường dây điện thoại mà không thể cho mẹ anh biết lý do thực.
- Em làm tốt đấy - Raymond bảo.
- Anh định sẽ làm gì đây? - Cô hỏi.
- Anh sẽ từ chức, tất nhiên là vậy.
- Tại sao phải làm vậy, Raymond? Điều đó chỉ làm hại cho sự nghiệp của anh thôi.
- Em có thể đúng, nhưng điều đó sẽ không cản trở anh.
- Nhưng anh vừa mới bắt đầu gây dựng được sự nghiệp của mình thôi mà.
- Joyce, mặc dù không có huênh hoang, anh biết rằng anh có nhiều thất bại, nhưng anh không phải một thằng hèn, và chắc chắn anh sẽ không tự trốn chạy để vứt bỏ bất kỳ một nguyên tắc nào mà anh có thể có.
- Anh biết không, anh vừa mới nói như một kẻ tin tưởng chắc chắn rằng anh ta được sinh ra để làm Thủ tướng.
- Vừa mới trước đây một phút em bảo rằng việc này có thể làm hại sự nghiệp của anh. Anh cho em quyết định đấy.
- Em đã quyết định rồi - Cô nói.
Raymond mỉm cười trước khi bước về phía bàn làm việc để viết một lá thư ngắn gọn.
Thứ Bảy, ngày 18 tháng 11 năm 1967
Kính thưa Thủ trưởng
Sau việc ông tuyên bố về sự hạ giá đồng bảng chiều nay và quan điểm mà tôi đã bảo vệ trong suốt thời gian qua, giờ đây tôi thực sự không còn lựa chọn nào khác ngoài việc xin từ chức Thứ trưởng bộ Việc làm.
Tôi xin được cảm ơn ông vì đã trao cho tôi cơ hội được phục vụ trong bộ máy ông đã tạo dựng. Xin hãy tin tưởng rằng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ Chính phủ trong tất cả các vấn đề từ hàng ghế sau.
Chân thành.
Raymond Gould,
Khi chiếc hộp đỏ được đưa tới nhà vào buổi tối thứ bảy đó, Raymond chỉ thị cho người đưa tin lá thư Số 10 ngay lập tức. Khi anh mở chiếc hộp đỏ ra lần cuối, anh nhớ lại rằng Bộ của anh sẽ phải trả lời các câu hỏi của Chính phủ về vấn đề việc làm vào thứ hai sau đó. Anh suy nghĩ không biết ai sẽ được chọn thay vào vị trí của mình.
Vì những vấn đề hành chính cần thiết cho việc hạ giá đồng bảng, Thủ tướng không có thời gian đọc lá thư của Raymond cho tới tận sáng Chủ nhật. Điện thoại nhà Raymond vẫn bị ngắt khỏi đường dây khi người ta nghe thấy anh chàng Fred Padgett lo lắng gõ cửa trước nhà Raymond vào muộn ngày hôm đó.
- Đừng trả lời - Raymond bảo. - Chắc chắn lại là nhà báo ấy mà.
- Không, không phải đâu, chỉ là Fred mà, Joyce bảo, nhòm ra ngoài qua một lỗ tròn trên rèm cửa.
Cô mở cửa. Câu đầu tiên Fred hỏi là: "Quỷ tha ma bắt Raymond đi đâu rồi?".
- Tôi đây mà - Raymond xuất hiện trên khung cửa nhà bếp tay vẫn cầm tay tờ Sunday.
- Thủ tướng đã cố gọi cho anh suốt cả buổi sáng đấy.
Raymond xoay người lại và cắm lại đầu dây điện thoại, một lúc sau anh nhấc tay cầm lên và kiểm tra lại tín hiệu trước khi quay số London WHI 4433. Thủ tướng nhấc điện thoại ngay lập tức. Ông ta có vẻ bình tĩnh đấy, Raymond nghĩ.
- Anh đã phát biểu gì với giới báo chí chưa, Raymond?
- Chưa, tôi muốn chắc chắn là ông đã nhận được thư từ chức của tôi, thưa Thủ tướng.
- Tốt. Không được nhắc việc anh xin từ chức với bất kỳ một ai trước khi chúng ta gặp nhau. Anh có thể tới phố Downing vào lúc 8 giờ được không?
- Thưa Thủ tướng, được ạ.
- Nhớ, không một lời nào với giới báo chí cả.
Raymond chỉ còn nghe thấy tiếng điện thoại bị đặt xuống.
Ngay giờ đồng hồ sau đó anh đã lên lên đường đi London, anh về tới nhà mình tại đường Landsdowne ngay sau bảy giờ. Chuông điện thoại lại réo. Anh muốn mặc kệ tiếng réo kiên trì của nó nhưng lại lo đó là từ phố Downing.
Anh nhấc máy lên "Alô".
- Có phải Raymond Gould không? - Một giọng vang lên từ đầu dây.
- Ai đang nói thế? - Raymond hỏi.
- Water Terry, từ báo Daily Mail.
- Tôi sẽ không thể nói gì được.
- Ông có nghĩ rằng Thủ tướng là đúng khi quyết định hạ giá đồng bảng không?
- Tôi đã nói là không thể nói mà, Water.
- Điều này liệu có nghĩa là ông sắp từ chức không?
- Water, đã nói là không có gì mà.
- Có phải là ông đã nộp đơn xin từ chức rồi không?
Raymond chần chừ.
- Tôi nghĩ là vậy, - Terry kết luận.
- Tôi đã nói là tôi không nói gì, - Raymond lúng búng và quăng điện thoại xuống - trước khi tháo nó ra khỏi đường dây.
Anh nhanh chóng tắm và thay áo trước khi rời khỏi nhà. Anh gần như không nhận thấy một tài liệu nằm ngay trên thảm cửa ra vào, và chắc chắn anh đã không dừng lại để mở thư ra nếu không nhìn thấy dòng chữ in đen trên góc trái - "Thủ tướng". Raymond dọc phong bì. Trong thư người thư ký chỉ dẫn anh khi tới nơi đi vào bằng đường bên lề của phố Downing, chứ không vào bằng cửa chính. Trong thư có kèm theo một bản đồ nhỏ. Raymond bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vì tất cả những chuyện này.
Hai phóng viên khác đang đợi ngay ngoài cửa. Họ đi theo anh ra xe.
- Ông đã từ chức có phải không thưa ông Thứ trưởng.
- Tôi không có gì để nói.
- Có phải ông đang đi gặp Thủ tướng không?
Raymond không trả lời và chui tọt vào trong xe. Anh phóng xe đi nhanh đến nỗi hai phóng viên không kịp có cơ hội đuổi theo.
Mười hai phút sau, đúng tám giờ kém năm, anh đã ngồi trong phòng chờ của Số 10 phố Downing. Đúng tám giờ anh được dẫn vào phòng làm việc của Harold Wilson. Anh ngạc nhiên thấy ông bộ trưởng Cao cấp, Bộ trưởng bộ Việc làm đều ngồi sẵn trong phòng.
- Chào Ray, anh khỏe chứ? - Thủ tướng hỏi.
- Thưa Thủ tướng, tôi khỏe.
- Tôi rất lấy làm tiếc phải nhận lá thư của anh và rất hiểu tình cảm của anh bây giờ, nhưng tôi hy vọng chúng ta có thể bàn bạc một cách giải quyết nào đó.
- Một cách giải quyết khác - Raymond nhắc lại, lúng túng.
- Đúng, chúng ta đều hiểu rằng việc hạ giá đồng bảng thực sự gây ra nhiều vấn đề cho anh sau khi anh đã viết Đủ việc làm bằng mọi giá. Nhưng tôi nghĩ có lẽ chuyển sang Bộ trưởng bộ Ngoại giao có lẽ là một cách giải quyết dễ chịu để anh thoát khỏi tình cảnh khó khăn này. Đây cũng là một sự thăng tiến mà anh xứng đáng được hưởng.
Raymond ngập ngừng. Thủ tướng tiếp tục, "Có lẽ anh cần biết rằng ông Bộ trưởng Tài chính cũng đã từ chức, nhưng sẽ chuyển sang bộ Nội Vụ."
- Tôi rất ngạc nhiên - Raymond nói - Nhưng trong trường hợp của tôi, tôi không cho là đó là một việc danh giá nếu…
Thủ tướng vẫy tay gạt đi. "Với những vấn đề hiện nay chúng ta đang gặp phải ở Rdohesia và châu Âu, những kỹ năng về luật pháp của anh sẽ thực là có ích."
Lần đầu tiên trong đời Raymond ghê tởm chính trị.
Những ngày thứ hai thường bắt đầu rất yên ắng ở Hạ nghị viện. Bộ máy tổ chức của Nghị viện không bao giờ đặt kế hoạch đưa ra bàn thảo các công việc có thể dẫn tới tranh cãi, vì các nghị sĩ thường vừa mới từ khu vực bầu cử từ khắp nơi trong nước quay trở lại. Quốc hội hiếm khi đầy người trước buổi tối. Nhưng việc công bố Bộ trưởng bộ Tài chính sẽ phát biểu về vấn đề đồng bảng hạ giá vào lúc 3.30 chắc sẽ đảm bảo là Hạ nghị viện chật ních người thậm chí trước lúc đó.
Người ta nhanh chóng lấp đầy các chỗ trong Nghị viện, và vào lúc 2.45 không còn một chiếc ghế nào còn trống. Những chiếc ghế xanh chỉ có thể chứa đủ bốn trăm hai mươi bảy thành viên đã được cố tình khôi phục lại như trước khi Đức đánh bom Cung điện Westminster vào ngày 10 tháng 5 năm 1941. Không khí ấm cúng của một nhà hát vẫn còn được giữ nguyên. Sir Giles Gilbert Scott đã không dừng được việc cố gắng làm nổi bật những trang trí gôtích của Barry, nhưng ông đồng tình với quan điểm của Churchill là việc nới rộng căn phòng sẽ làm hỏng không khí chật chội của những dịp lễ lớn.
Một số thành viên còn dồn vào các bậc cầu thang cạnh ghế của Người Phát ngôn và quanh chân chiếc ghế của các nhân viên xung quanh bàn. Một hai người còn ngồi nghễu nghện như những chú vẹt trên chiếc hộp dành bỏ phiếu hiện đang rỗng phía sau Người Phát ngôn.
Raymond Gould đứng dậy trả lời câu hỏi thứ bảy trong chương trình nghị sự, một câu hỏi có vẻ rất ngây thơ về những quyền lợi dành cho phụ nữ khi họ bị thất nghiệp. Ngay khi anh tới bục đối thoại, những tiếng gào "Từ chức đi" bắt đầu phát ra từ hàng ghế của đảng Bảo thủ, Raymond không thể giấu được sự ngượng ngùng của mình. Thậm chí cả những kẻ ngồi hàng thứ hai còn nhận thấy mặt anh tím đi. Việc anh không ngủ tối qua sau khi đồng ý với sự thu xếp của Thủ tướng xem chừng không giúp được gì. Trong khi anh trả lời câu hỏi, những tiếng gào "Từ chức đi" không hề giảm đi. Đảng Đối lập giữ yên lặng khi anh ngồi xuống, chỉ chờ đợi anh đứng lên để trả lời một câu hỏi khác. Câu hỏi tiếp theo Raymond phải trả lời là của Simon Kerslake ngay sau lúc ba giờ. "Bộ của ngài đã có những phân tích gì về những yếu tố đặc biệt đóng góp vào việc con số thất nghiệp tăng ở miền Trung?".
Raymond liếc qua phần chuẩn bị của mình trước khi trả lời. "Việc đóng cửa hai nhà máy lớn trong khu vực này, một trong khu vực bầu cử của các nghị sĩ, đã làm tăng con số thất nghiệp của khu vực này. Cả hai nhà máy này chuyên sản xuất các chi tiết ô tô, và bị ảnh hưởng xấu bởi cuộc đình công ở Leyland".
Simon Kerslake từ từ đứng dậy để hỏi những câu bổ sung. Các Nghị viện thuộc đảng Đối lập háo hức chờ đợi. "Chắc hẳn ngài Raymond còn nhớ là đã thông báo với Nghị viện, khi đáp lại những ý kiến phản bác mà tôi đưa ra trong thời gian nghỉ họp Nghị viện vào tháng Tư năm ngoái, rằng việc giảm giá sẽ làm tăng mạnh mức thất nghiệp ở miền Trung, và thực tế là trên cả nước. Vậy nếu như quý ngài cao quý đây đã công nhận điều này thì tại sao ông ta vẫn còn chưa từ chức?". Simon ngồi xuống, trong khi các Nghị viện thuộc đảng Bảo thủ đồng thanh chất vấn "Tại sao, tại sao?".
- Lời phát biểu của tôi trước Nghị viện vào dịp đó đang được dẫn ra không theo hoàn cảnh, và đến nay tình hình đã thay đổi.
- Đúng vậy, - một loạt các Nghị viện đảng Bảo thủ kêu lên, còn những nghị sĩ ngồi đối diện với Raymond ầm ầm đòi anh phải từ chức.
- Trật tự, trật tự - tiếng của người phát ngôn vang lên trong tiếng ồn ào.
Simon lại đứng dậy, tất cả các nghị sĩ của đảng Bảo thủ vẫn ngồi tại chỗ để đảm bảo là không ai bị gọi đến. Lúc này, bọn họ giống như đàn chó ăn mồi.
Kerslake trong bộ đồ thẫm màu, đầy vẻ tin tưởng đang chỉ tay về phía Raymond Gould, người lúc này đang cúi đầu và chỉ thầm mong cho kim giờ dừng ở mốc 3.30.
- Thưa này Chủ tịch trong buổi tọa đàm ấy, mà bây giờ ngài Raymond dường như rất vui sướng quên đi, Quý ngài chỉ nhắc lại những quan điểm đã được trình bày rõ ràng trong cuốn sách của mình. "Đầy đủ việc làm bằng mọi giá". Phải chăng những quan điểm ấy đã được sửa đổi toàn bộ trong ba năm qua, hay vì mong muốn giữ cái ghế của mình quá lớn nên giờ đây ngài đã nhận thấy có thể dành được việc làm cho mình bằng mọi giá?"
Các Nghị viện đảng Đối lập lại đồng thanh: "Từ chức đi, từ chức đi".
- Câu hỏi này không liên quan gì đến những điều mà tôi tường trình trước Nghị viện trước đây, - Raymond giận dữ đáp lại.
Simon đứng bật dậy và ông Chủ tịch Nghị viện gọi tên anh lần thứ ba.
- Phải chăng Quý ngài cao quý đang nói với Nghị viện rằng ông ta có một loại chuẩn mực đạo đức khi nói, còn khi viết lại có những chuẩn mực khác?
Giờ đây, toàn bộ Nghị viện ồ lên và một số ít nghe Raymond nói, "Không, thưa ngài, tôi cố gắng giữ vững ý kiến của mình".
Ông chủ tịch đứng dậy và tiếng ồn từ từ lắng xuống. Ông ta nhìn quanh với vẻ mặt không đồng tình đầy phiền muộn.
- Tôi nhận thấy Nghị viện đã có ấn tượng mạnh về những vấn đề này, tuy nhiên tôi cần phải yêu cầu nghị sĩ danh dự của tỉnh trung Conventry rút lại lời nhận xét rằng Raymond đã xử sự không xứng đáng danh dự.
Simon đứng dậy và ngay lập tức rút lại ý kiến của mình, nhưng việc gây tổn hại đã hoàn tất. Việc này Không hề ngăn được tiếng la lớn của các Nghị viên. "Từ chức đi" cho tới khi Raymond phải rời phòng họp ít phút sau đó.
Simon ngồi xuống chỗ với vẻ mặt tự mãn khi Gould rời khỏi phòng. Các Nghị viên thuộc phe Bảo thủ cùng biểu quyết chấp nhận việc chấm dứt vị trí Thứ trưởng của Chính phủ. Bộ trưởng bộ Tài chính đứng dậy đọc thông báo đã được chuẩn bị từ trước về việc giảm giá. Simon hoảng sợ khi nghe thấy những lời mở đầu của người phụ trách về tài chính của quốc gia.
- Thành viên danh dự của vùng Bắc Leeds đã đệ đơn từ chức của mình tới ngài Thủ tướng vào tối thứ bảy nhưng chấp nhận chưa công bố tin này cho tới khi tôi có cơ hội phát biểu trước Nghị viện.
Ngài Bộ trưởng tiếp tục khen ngợi những thành tích của Raymond khi còn làm việc trong bộ Việc làm và chúc anh thành công khi quay về với vị trí nghị sĩ trong Nghị viện ngồi hàng ghế sau.
Jamie Sinclair đến gặp Raymond ngay sau khi ngài Thứ trưởng kết thúc việc trả lời các câu hỏi. Anh ta thấy Raymond ngồi sụp bên bàn với cái nhìn trống rỗng. Sinclair đến để bày tỏ sự thán phục trước cách xử sự của Raymond.
- Anh thật tử tế, - Raymond, lúc này vẫn còn bị sốc vì việc vừa xảy ra, nói.
- Tôi thực chẳng thích cái vị trí của Kerslake vào lúc này, - Jamie nói: - Chắc chắn Simon sẽ bị mọi người chửi rủa.
- Còn gì mà ông ta không biết, - Raymond đáp lại. – Hẳn là ông ta đã tập dượt ở nhà mà các câu hỏi rất trúng đích. Tôi nghĩ rằng chúng ta khó mà đề cập tới vấn đề theo các cách trong tình huống như hôm nay.
Một vài Nghị viên ghé vào văn phòng Raymond chia buồn với anh. Sau đó anh ở lại Bộ của mình chia tay với đồng nghiệp trong nhóm rồi về nhà ngồi yên lặng bên cạnh Joyce.
Không khí im lặng kéo dài cho đến khi người thư ký thường trực cất lời: "Thưa ngài, tôi hy vọng là chẳng bao lâu nữa, ngài sẽ quay lại làm việc trong Chính phủ. Quả thực, ngài đã làm cho cuộc sống của chúng tôi vất vả hơn, nhưng những gì mà ngài phụng sự suốt đời, ngài quả đã làm cho cuộc sống dễ dàng hơn". Sự chân thành trong lời nói ấy làm Raymond xúc động, đặc biệt khi đó là lời của người trợ lý Bộ trưởng đã chuyển sang phục vụ sếp mới.
Ngày tháng trôi đi, và anh cảm thấy lạ kỳ là có thể ngồi xem vô tuyến, đọc sách hay thậm chí đi dạo mà không hề bị những cái hộp đỏ vây quanh hay chuông điện thoại đeo đẳng.
Rồi anh nhận được một trăm lá thứ của các đồng nghiệp trong Nghị viện, nhưng chỉ giữ lại một bức:
Thứ Hai, ngày 20 tháng 11 năm 1067
Gould thân mến!
Tôi đã nợ ông một lời xin lỗi chân thành. Trong cuộc sống chính trị này, tất cả chúng ta đều đã gây ra những lỗi lầm lớn về con người, và vậy là hôm nay tôi đã phạm phải.
Tôi tin rằng hầu hết các nghị sĩ trong Nghị viện đều thực sự mong muốn phục vụ đất nước, và để chứng minh điều đó thì không có cách nào cao quý hơn bằng cách từ chức khi cảm thấy rằng Đảng của mình đã đi sai đường lối.
Tôi cảm thấy ghen tị trước sự kính trọng mà giờ đây toàn thể Nghị viện đang dành cho ông.
Kính thư
Simon Kerslake".
Khi Raymond trở lại Nghị viện vào buổi chiều hôm đó, tất cả các nghị sĩ từ hai phía đều hò reo chào đón khi anh bước vào phòng họp. Ông Bộ trưởng, người lúc bấy giờ đang báo cáo với Nghị viện đành phải đợi cho đến khi Raymond ngồi xuống ghế hàng sau.