Số lần đọc/download: 2068 / 21
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Hồi 12 - Gió Sớm Mây Chiều
N
ắm trúng mạch môn của lão nhân chèo đò, Quan Sơn Nguyệt vận dụng công lực truyền sang, cốt gây chấn động, áp lảo đảo, song chừng như lão không hề có cảm giác chi cả, lão cười hì hì, đưa hạt minh châu ra dưới ánh trăng, nhích động cho nó chớp chớp, rồi lão gật gù lẩm nhẩm:
– Khá lắm! Vật này xem ra cũng có giá trị đấy! Đôi tay cầm mái chèo suốt đời, chưa hề sờ mó đến một vật có giá trị như thế này! Cầm nó trong tay, lão phu có chết cũng hả dạ! Công tử ơi! Công tử rộng rãi quá chừng! Một chuyến sang sông mà công tử trả cho lão phu bằng một vật trị giá vạn lượng như thế này, đáng phục lắm đó! Dưới phàm trần, dễ có mấy kẻ sánh được công tử! Vạn lượng!
Vạn lượng! Thế là còn thừa bốn ngàn lượng cho công tử, lão phu làm sao có số bạc to lớn để trao lại cho công tử?
Quan Sơn Nguyệt đã vận dụng đủ mười thành lực, nhưng vẫn không làm sao chuyển công lực qua mạch môn, vào người lão chèo đò, như vậy lão có hề hấn gì? Bao nhiêu công lực của chàng, vừa đến mạch môn của lão nhân, là bị hóa giải, tiêu tan ngay, chẳng khác nào một ngọn gió nhẹ vờn qua, rồi đi luôn, không lưu lại một ảnh hưởng nhỏ.
Chàng vô cùng kinh hãi, buông tay ngay. Nhân dịp, chàng vờ phụ họa theo cái ý của lão nhân, cốt che lấp cái thẹn của chàng, thốt nhanh:
– Được rồi, lão trượng khỏi phải lo nghĩ. Giả như hạt minh châu có được giá trị trên số tiền đó, thì lão trượng cứ giữ luôn chỗ thừa lại đó, tại hạ xin tặng luôn cho lão trượng.
Lưu Tam Thái theo dõi tình hình, biết là sự việc rắc rối đến nơi, y nín thinh, chẳng dám thốt một tiếng nào.
Trong thời gian ở tại khách sạn, kinh doanh nghề nghiệp, y cũng tự hào dù sao mình cũng là một tay khá. Nhưng, theo Quan Sơn Nguyệt trong cuộc hành trình vòng quanh như thế này trước khi đến Đại Tán Quan gặp Phi Lạc Đà, y đã gặp nhiều tay quá lợi hại. Trước những tay lợi hại đó, y có nghĩa gì? Nghĩ ra y còn kém một bóng mờ, trước những tay đó, y chỉ là một kẻ vô dụng không xứng đáng cho bất cứ ai nhìn thoáng qua y.
Còn chi thinh danh một bậc anh tài, tại đất Lương Châu?
Thế ra từ bao lâu, y chỉ chuốc lấy hư danh, bây giờ đương đầu với những bậc chân tài, y mới nhận thức mình vô dụng!
Mới xuất hành mấy hôm, mà y thừa sống thiếu chết như thế này đi theo Quan Sơn Nguyệt nhiều ngày, thì có khác nào đi qua từ cửa ải dần vào tử địa?
Thoạt tiên, gặp bọn họ Âm, họ khai thì phái kiếm Vô Cực, rồi bây giờ, gặp Lạc Tiểu Hồng.
Bại trước Âm Tố Quân, cũng còn đi được, bởi dù sao thì bà ta là một Chưởng môn nhân, bà ta cao tuổi. Bại trước Lạc Tiểu Hồng, một cô gái chưa đến tuổi trưởng thành, thì thực là một nhục nhã lớn.
Hiện tại, lại gặp chèo đò! Chính Quan Sơn Nguyệt còn không áp đảo nổi lão, liệu y có ra cái quái gì trước mặt lão?
Rồi, chốc lát nữa đây, lại gặp Huyết La Sát! Y đã bại trước Lạc Tiểu Hồng, thì tài gì y đắc ý trước mẹ nàng? Sau bà ấy, còn những ai dọc theo con đường Quan Sơn Nguyệt sắp đi qua?
Và cuối cùng, là Phi Lạc Đà!
Trời! Sao mà lắm người tài thế? Trời! Y kém quá, từ bao lâu nay cứ tưởng mình là tay hữu hạng! Từ bao lâu nay, y nuôi mộng! Bây giờ vỡ mộng, y còn dám chen mình trên giang hồ nữa chăng?
Chẳng rõ y hận cho mình kém võ công, y hối tiếc đã đi theo Quan Sơn Nguyệt để phải trải qua hai lần suýt chết, nhìn lão già, rồi nhìn qua Lạc Tiểu Hồng, bất giác y thở dài.
Trong khi đó, lão nhân lắc đầu, chỉnh sắc thốt:
– Không được! Phàm tiền tài, trên đời này, ai ai chẳng ham? Song người quân tử chỉ ham tài sao cho phải đạo. Người quân tử chỉ nên hưởng thụ cái gì hợp lý, hợp đạo mà thôi. Lão phu đòi tiền công đưa các vị sang sông, là sáu ngàn lượng, thiếu một lượng, nhất định không được, hơn một lượng, nhất định không nhận. Huống chi còn thừa ra cho công tử đến bốn ngàn lượng? Lão phu sẽ tìm biện pháp bồi hoàn chỗ thiệt hại bốn ngàn lượng cho công tử nếu lão phu nhận lãnh hạt minh châu này.
Từ lúc nghe lão chèo đò đòi giá sang sông quá cao. Quan Sơn Nguyệt đã hiểu lão là con người phi thường rồi. Tuy nhiên, chàng không tưởng là lão có thể xem thường một cái nắm tay vào mạch môn của chàng như vậy.
Đúng là vũ công của lão quá cao minh, trên hẳn chàng mấy bậc.
Chàng lại biết, lão đòi giá cao, chẳng qua chỉ để đùa thôi, chứ khi nào một chuyến sang sông của mỗi người lại có cái giá hai ngàn lượng bạc?
Nhưng, lão có dụng ý gì?
Lão chèo đò suy nghĩ một lúc lâu, bỗng nhướng mày, reo lên:
– Có rồi! Lão phu có phương pháp rồi, công tử ơi! Vừa rồi, công tử chụp vào cổ tay lão phu, cái chụp đó sẽ được đền bù bằng bốn ngàn lượng bạc thừa lại.
Quan Sơn Nguyệt nghe mặt nóng bừng. Chàng nghĩ, lão già này đã gạt người lấy của, thì thôi cũng được đi, cớ sao còn nhắc đến việc đó? Thế lão định mỉa mai chăng? Chàng cười lạnh một tiếng:
– Tùy lão trượng định cách nào cũng được.
Niềm cao hứng hiện lên ánh mắt, lão chèo đò thản nhiên cất hạt minh châu vào mình, rồi mỉm cười thốt:
– Phàm muốn hưởng một số tiền nào tất phải có công khổ, có lý do, như vậy lão phu mới khỏi thẹn. Từ nghìn xưa, giai nhân cười một nụ, đáng giá ngàn vàng, thì lão phu bị chụp vào cổ tay, cái chụp đó chỉ đáng giá bốn ngàn lượng bạc, nghĩ ra lão phu không gặt hái nhiều tiền bằng một nữ nhân, tuy cũng chẳng sao, bởi mỹ nhân cần tiền hơn lão phu. Mỹ nhân bắt buộc phải có nhiều tiền để bảo vệ sắc đẹp, để vung phí cho xứng đáng với tư cách của một thần tượng, do đó cái nhu cầu phải vô cùng. Còn lão phu bất quá chỉ cần một số tiền nhỏ để nuôi sống, cưới vợ, sanh con đổi nghề. Một vạn lượng bạc cũng đủ lắm rồi!
Lão nhìn Quan Sơn Nguyệt, mỉm cười, tiếp:
– Công tử muốn chụp thêm vài lượt nữa chăng? Nếu muốn xin công tử cứ tự tiện, bởi công tử sẽ giúp lão phu phát tài luôn.
Quan Sơn Nguyệt sôi giận, cho rằng lão phu chèo đò khinh chàng thái quá.
Chàng toan phát tác, quyết trừng trị sự ngạo mạn của lão.
Nhưng Lạc Tiểu Hồng bật cười hì hì, hỏi:
– Như tôi đây, tôi muốn chụp cổ tay lão trượng, lão trượng có cho không?
Và nếu lão trượng bằng lòng, thì tôi phải trả bao nhiêu bạc cho mỗi cái chụp.
Quan Sơn Nguyệt biết nàng đã nhận ra lão chèo đò là một người có bản lãnh phi phàm, nên muốn thử tài. Chàng định ngăn trở, sợ nàng thất bại, song một ý miện phát sanh, chàng bất động, chờ xem sự việc như thế nào.
Lão chèo đò nhìn thoáng qua nàng, cười nhẹ, gật gù:
– Đúng là hôm nay lão phu đại phát tài! Không ngờ làm ăn quần quật luôn ngày lẫn đêm, vẫn không nuôi sống nổi một thân cũng tưởng phải chết già với túng thiếu nghèo khổ, bỗng nhiên thần tài chiếu cố, dung ruổi các vị mang tiền đến cho! Quý hóa quá!
Lạc Tiểu Hồng «hừ» một tiếng:
– Đừng nói dông dài. Lão trượng muốn đòi bao nhiêu tiền mỗi cái chụp, cứ nói.
Lão chèo đò cười hắc hắc:
– Được bàn tay ngọc của cô nương mó vào cổ tay lão phu, là một điều đại hạnh, khi nào lão phu lại dám đòi tiền? Trên thế gian này, có ai nỡ làm hao tốn cho người đẹp chứ?
Lạc Tiểu Hồng cười nhạt:
– Vậy thì tôi xin đa tạ lão trượng.
Câu nói vừa buông dứt cánh tay liền vung lên, bàn tay phất nhanh, nàng quất ngọn roi vào cổ tay của lão chèo đò.
Lão chèo đò biến sắc, toan rút tay về, nhưng không còn kịp nữa, đầu roi quấn vào cổ tay đến mấy vòng. Lập tức lão vươn cánh tay xa rồi vận công lực gặt mạnh xuống. Gặt như vậy, nếu đường roi còn thẳng, thì phải sút mấy vòng quấn.
Nói là đường roi, chứ thật ra chính là đường dây lưng đỏ của Lạc Tiểu Hồng, khi nàng vung lên, đường dây thẳng ra, nàng sử dụng nó như một ngọn roi.
Biết trước thế nào lão chèo đò cũng làm như vậy để cho đầu dây vuột khỏi tay. Lạc Tiểu Hồng chùng sợi dây, thành ra cái gặt của lão chèo đò chẳng kéo thẳng đường dây, và các vòng quấn không hề sút.
Nhận định cái gặc tay của lão chèo đò đi trọn đà rồi, lập tức Lạc Tiểu Hồng kéo đường dây cho thẳng lại như cũ. Nàng vẫn giữ cho đầu dây quấn vào cổ tay đối phương như thường.
Lão chèo đò hét lên một tiếng, vung tay kia đánh ra một chưởng bất chấp tánh cách hèn hạ của hành động.
Quan Sơn Nguyệt bất bình, lập tức vung chưởng nghinh đón chưởng kình của lão chèo đò. Đánh ra chưởng đó, Quan Sơn Nguyệt vận dụng toàn công phu nội lực bởi chàng thừa hiểu đối phương là một tay không vừa, tuy dùng toàn lực mà chàng cũng chưa chắc gì chống đỡ nổi một chưởng của lão. Do đó, chưởng phát ra rồi, chàng không dám đứng nguyên tại chỗ, cấp tốc đảo bộ nhảy sang một bên.
Nhưng, chẳng rõ tại sao, chưởng lực của lão chèo đò hết sức tầm thường, chẳng những Quan Sơn Nguyệt không nghe một phản lực nào khi song chưởng chạm vào nhau, trái lại kình đạo của chàng còn đánh bật lão về phía hậu của lão vừa ngả xuống lái thuyền, hai tay chỏi nhanh xuống sàn, tung bỗng người lên không, lộn đi một vòng, vọt luôn ra dòng sông rơi xuống kêu «ùm» một tiếng.
Cổ tay của lão còn vướng đường dây lưng của Lạc Tiểu Hồng. Nàng cũng còn nắm vững một đầu, đường nhiên nàng bị giật theo lão, ngã chúi tới, nếu Quan Sơn Nguyệt không nhanh tay đón ngang hông nàng ôm chặt giữ lại, nàng đã phải bay theo xuống dòng sông với lão rồi.
Lão chèo đò rơi xuống nước, bọt trắng ngời ánh trăng bắn lên tứ tung, khi bọt tan sóng lặng rồi, lão cũng mất dạng luôn.
Cũng may, đầu dây kia lúc đó, chẳng rõ tự nhiên sút ra, hay do lão chèo đò mở, thành lỏng lẻo, Lạc Tiểu Hồng bị Quan Sơn Nguyệt ôm chặt, chàng siết vòng tay hơi mạnh, giật cánh tay của Lạc Tiểu Hồng về, đường dây theo tay nàng được rút trở lại.
Với diễn tiến vừa qua con thuyền chao động mạnh, suýt đắm, ba con ngựa trên thuyền hoảng sợ, hí vang rền, vó chồm chồm, chực phóng xuống dòng sông.
Lưu Tam Thái và Quan Sơn Nguyệt vội đưa tay giữa ngựa của họ song chậm một giây, cả hai con đã vọt mình đi rồi.
Chỉ còn lại một con ngựa có sắc lông đỏ của Lạc Tiểu Hồng đứng nguyên tại chỗ.
Hai con ngựa xuống nước, bọt trắng bắn lên, bọt tan, ngựa cũng chìm luôn, chẳng thấy tăm dạng.
Con thuyền lắc lư một lúc, rồi bình ổn lại như cũ.
Lúc đó, Quan Sơn Nguyệt vẫn còn giữ Lạc Tiểu Hồng trong một tay, chàng lỏng cánh tay, đẩy nhẹ nàng ra xa xa.
Chàng hứng nàng, ôm nàng giữ lại cho nàng khỏi nhào luôn, chàng buông nàng ra, sự va chạm xác thịt đó không gây một cảm giác nào nơi chàng, thần sắc chàng thản nhiên như thường. Nhưng Lạc Tiểu Hồng thì khác, mặt nàng bừng đỏ, ánh mắt chớp nhanh mấy lượt. Hơi cúi đầu một chút, nàng ấp úng:
– Đa... đa tạ ngươi... Quan...
Nàng muốn thay đổi cái tiếng ngươi chăng? Nàng sẽ gọi Quan Sơn Nguyệt bằng danh từ nào? Quan huynh đài? Quan đại ca? Quan thiếu hiệp? Quan Lệnh chủ? Nhưng, nàng buông lỏng, chẳng ai biết nàng định chọn danh từ nào.
Dù sao cái chuyển hướng đó cũng có lợi cho Quan Sơn Nguyệt, bởi cả hai đi dần đến chỗ thân mật hơn. Và, khi nào có sự thân mật giữa họ, Quan Sơn Nguyệt mới mong tìm hiểu được những gì muốn hiểu, về lai lịch nàng về Huyết La Sát, mẫu thân nàng.
Quan Sơn Nguyệt bạo dạn hơn, quăng cho nàng một cái phao cứu nguy:
– Tại hạ lớn tuổi hơn cô nương, cô nương cứ gọi là Quan đại ca đi, như vậy là hợp lý lắm!
Lạc Tiểu Hồng lại đỏ mặt một lần nữa, gầm đầu thấp hơn một chút nữa, rồi cũng ấp úng như:
– Quan... đại ca... tiểu muội đa tạ... đại ca!
Quan Sơn Nguyệt hân hoan vô cùng. Chàng toan thốt một câu, bỗng mặt nước sôi động, bọt trắng bắn cao, nước xịt lên thành vòi. Theo vòi nước xịt, lão chèo đò hiện ra, lão đang ngồi trên lưng một con ngựa. Lão cao giọng hỏi:
– Cái vị tiểu cô nương dùng roi kia, chứ Lạc Hành Quân là chi của cô nương?
Lạc Tiểu Hồng không do dự:
– Mẫu thân của tôi đó. Lão trượng hỏi để làm gì?
Lão chèo đò cao giọng:
– Hay quá! Chung quy rồi lão phu cũng tìm được bà! Ngờ đâu bà ấy lại ở vùng này với con gái!
Lạc Tiểu Hồng còn ngây thơ quá chưa rõ lão chèo đò cao giọng thốt như vậy là có ý tứ gì, lão là thân hay thù, đáng lẽ nàng phải dè dặt, trái lại nàng còn chỉ luôn chỗ cư trú:
– Nhà tôi ở cách bến đò bên bờ đối diện độ năm dặm, lão trượng có thể hỏi bất kỳ ai trong vùng người ta sẽ chỉ Tịch Dương Biệt Trang cho mà tìm đến.
Lão chèo đò vẫn cao giọng:
– Cô nương về Biệt Trang, cho bà ấy hay, là ngày mai, đúng giờ ngọ, lão phu sẽ đến tận nơi, bái phỏng.
Nghe câu đó, Lạc Tiểu Hồng biết ngay đối tượng thuộc thành phần nào trong giang hồ rồi, và lão ấy sẽ đến gia trang của nàng với thái độ nào.
Không chịu kém, nàng cũng cao giọng đáp lại:
– Là người có liên quan với nhau, lại có công tìm kiếm nhau qua bao nhiêu tháng rộng năm dài, biết được tin tức rồi, là cứ đến, đến hôm nay được tiếp đón hôm nay, đến ngày mai, ngày kia, vẫn có người sẵn sàng tiếp đón. Chẳng những mẫu thân tôi sẵn sàng mà dì tôi cũng sẵn sàng, nếu cần, tôi cũng sẵn sàng luôn.
Nếu tôi không lầm, thì lão trượng chính là Hồ Hải Dị Tẩu có đúng vậy chăng?
Lão chèo đò sửng sốt. Một lúc lâu lão gật gù, thét:
– Được rồi! Lão phu sẽ đến! Lão phu nhất định phải đến. Cô nương cứ bảo mọi người chuẩn bị sẵn sàng đi nhé!
Lão thúc gối vào hông ngựa, ngựa quay mình, thuận theo dòng nước trôi đi.
Quan Sơn Nguyệt hấp tấp hỏi:
– Lạc cô nương nhận ra lão ta?
Lạc Tiểu Hồng lắc đầu:
– Làm gì tiểu muội nhận ra lão? Đại ca không thấy sao, thoạt đầu tôi cứ tưởng lão là một bằng hữu của mẹ tôi, do đó tôi chỉ chỗ ở liền. Về sau, khi lão ước hẹn gặp mẹ tôi, tôi mới nhận thức ra lão ta tìm mẹ tôi vì ác ý chứ không vì thiện cảm. Mẹ tôi từng đề cập đến danh hiệu của một lão nhân, cũng như hình dáng của lão ấy, có chỗ giống với lão chèo đò này, do đó tôi độ chừng, bất ngờ mà trúng. Lão ta là con người bại hoại nhất trần đời, hơn nữa, lại là một đại cừu nhân của gia đình tôi đấy. Từ bao lâu nay, ngày ngày, mẹ và dì tôi hằng mong đợi lão đến, đến để một lần giải quyết những gì còn đọng lại, dứt khoát vĩnh viễn.
Quan Sơn Nguyệt động tính hiếu kỳ, hỏi:
– Lão ấy có mối thù gì với gia đình lịnh đường?
Lạc Tiểu Hồng lắc đầu:
– Tại sao có mối thù, tôi cũng không hiểu được. Chỉ biết là từ ngày tôi lớn khôn, mẫu thân tôi luôn luôn dặn dò tôi phải lưu ý đến một người có hình dáng như lão. Đồng thời, mẫu thân tôi cũng truyền dạy một đường roi, khắc chế lão ta nếu bất ngờ tôi gặp lão. Tôi cố công luyện tập đường roi đó, hiện nay, cũng được thuần thục lắm rồi.
Quan Sơn Nguyệt hỏi gấp:
– Có phải là đường roi hiền muội vừa thi triển?
Lạc Tiểu Hồng lộ vẻ đắc ý, gật đầu.
Quan Sơn Nguyệt tiếp luôn:
– Vũ công của lão ta kỳ bí quá chừng, như có vẻ tà quái, ngu ca chụp tay lão, dùng toàn lực bóp mạnh, thế mà lão chẳng việc gì, chẳng những thế, lão còn có cách làm cho chưởng lực của ngu ca tan biến mất...
Lạc Tiểu Hồng cười nhẹ:
– Cũng may, lão ta bị đầu roi của tôi quấn trúng vào cổ tay chứ nếu không thì lão đã có làm gì ca ca rồi, và ca ca không còn bình an mà cười nói nữa!
Quan Sơn Nguyệt kinh hãi, hỏi:
– Tại sao?
Lạc Tiểu Hồng thu đường dây lại, đưa đầu dây cho Quan Sơn Nguyệt và Lưu Tam Thái xem, rồi nàng bấm nhẹ nơi chỗ cầm.
Liền theo đó, có hai mũi nhọn, như châm, song lớn hơn châm ló ra, nếu không lưu ý tất không thấy được.
Nàng ngưng bấm, hai mũi châm thụt vào đường dây, rồi nàng bấm đi bấm lại mấy lượt, cho cả hai xem kỹ.
– Đó là một tuyệt kỹ của mẹ tôi, chế biến ra, trị lão ta. Năm xưa lão thất bại nơi tay mẹ tôi, cũng vì tuyệt kỹ đó. Bây giờ, lão bị tôi đánh một lần nữa, hẳn lão không biết tại sao mình bị đánh trúng dễ dàng, và vật gì đã gây thương thế nơi lão.
Hai mũi châm đó, trúng vào cổ tay lão, làm công lực của lão giảm sút đi một phần, do đó lão không dám hùng hổ đối phó với tôi, lão gờm tôi, hẳn cũng phải buông tha luôn ca ca.
Rồi nàng tiếp:
– Mẹ tôi có nói lão ấy luyện một bí công có cái tên là «Tiên Thiên Hổn Văn Vân Nhứ Khí Công», biến thân thể lão như một vật bằng những đường dây đánh lại, rắn chắc, không một loại vũ khí nào, không một công lực nào làm gì lão nổi, trừ ra phải dùng những mũi châm nhỏ, đâm qua kẽ hở của những đường dây mới làm tổn thương đến lão được. Quan đại ca phải biết, kẽ hở của một vật thể bằng những đường dây kết lại, nhỏ như thế nào!
Quan Sơn Nguyệt lo lắng:
– Hai mũi châm đó, có tẩm độc chăng?
Câu hỏi đó làm Lạc Tiểu Hồng không vui. Nàng trầm giọng đáp:
– Đã có cái tên Linh Xà Tiên Pháp, thì làm gì châm có tẩm độc? Nếu châm tẩm độc, tất phải gọi tiên pháp là Độc Xà chứ?
Quan Sơn Nguyệt lại hỏi:
– Nếu châm không tẩm độc, thế tại sao chạm vào cổ tay địch, mũi châm có thể làm suy giảm công lực của địch?
Lạc Tiểu Hồng «hừ» một tiếng:
– Quan đại ca học võ, mà lại có thể hỏi một câu như vậy à? Mũi châm chạm trúng mạch môn, ảnh hưởng đến khí huyết, bao nhiêu chân khí địch dồn tụ, bị cái chạm đó, phát tiết ra hết, địch đang mạnh, mất cả chân khí dĩ nhiên phải trở thành yếu như thường.
Quan Sơn Nguyệt trố mắt:
– Khí huyết ở tại cổ tay sao?
Lạc Tiểu Hồng gật đầu:
– Riêng lão ta thì vậy. Lão ta khác hẳn với tất cả mọi người cho nên tiên pháp đó...
Quan Sơn Nguyệt chận lời:
– Thì sao?
Lạc Tiểu Hồng «xì» một tiếng:
– Thì tiên pháp đó hiệu nghiệm với hai mũi châm, chứ sao? Nếu gặp một đối thủ khác, tôi phải dùng đấu pháp khác, riêng về lão ta, tôi phải áp dụng cách đó. Cho nên, mẫu thân tôi đặc chế ra đường roi này, là cốt để đối phó với một lão ấy thôi.
Chẳng rõ để đe dọa Quan Sơn Nguyệt và Lưu Tam Thái hay nàng nói thật, nàng tiếp:
– Tôi nói hiệu nghiệm, là với cái chủ ý chế ngự hoàn toàn địch thủ, chứ chẳng phải cố tâm sát hại. Đường roi đó, chạm vào cổ tay lão, lão chỉ bị suy giảm công lực thôi, chứ nếu chạm vào cổ tay của bất cứ người nào khác, thì hiệu nghiệm mất công lực không thành vấn đề nữa, hơn thế, người đó phải mất mạng luôn. Cho nên, đường roi, mẫu thân tôi có dặn, chỉ nên sử dụng đối với mỗi một lão ta, ngoài ra đừng khinh thường sử dụng với những người khác, sợ làm chết mạng người.
Sợ Quan Sơn Nguyệt và Lưu Tam Thái không hiểu rành, nàng tiếp luôn:
– Lão ấy có môn công đặc biệt, nên dù bị châm đâm trúng mạch môn, chỉ kém giảm công lực chứ không chết. Những người khác, không có môn công đặc biệt đó, tất phải chết. Tuy nhiên cũng còn do nơi tôi có cho hai mũi châm ló ra hay không. Quan đại ca và Lưu huynh hẳn đã thấy, chính Lưu huynh cũng bị đầu dây quấn cổ tay như lão, mà có sao đâu? Đó là do tiểu muội không xuất phát hai mũi châm. Chứ ngược lại thì hiện giờ Lưu huynh đã ra ma rồi!
Lưu Tam Thái giật mình, thầm nghĩ rất may, nếu nàng có ý sát hại y thì y mất mạng rồi!
Quan Sơn Nguyệt cười nhẹ:
– Tuy chọn ngoại hiệu Huyết La Sát, nghe ra ghê gớm quá, lịnh đường thực ra là một người giàu từ tâm, đánh kính lắm. Có từ tâm mới biết trọng sanh mạng con người, có lương thiện mới luôn khuyến cáo hiền muội dè dặt gây nguy hại cho người khác!
Lạc Tiểu Hồng cũng cười:
– Tôi nghĩ mãi, chẳng hiểu tại sao mẫu thân tôi lại ưng một danh hiệu nặng mùi tử vong như thế, mẫu thân thì đã vậy, dì tôi cũng chẳng khác chút nào, dì tôi cũng có một ngoại hiệu ghê gớm không kém!
Nàng nhìn thoáng qua Quan Sơn Nguyệt và Lưu Tam Thái đoạn tiếp:
– Quan đại ca và Lưu huynh có biết không, dì tôi xưng là Cốt Ma Thần đó!
Nghe một ngoại hiệu như thế, chắc ai ai cũng phải mất ngủ mấy đêm liền!
Quan Sơn Nguyệt giật mình.
Dù chưa thấy mặt, thấy tài, chàng cũng ước đoán được Huyết La Sát và Cốt Ma Thần là những nhân vật thượng đỉnh trong vũ lâm. Những nhân vật như vậy, rất hiếm có trên giang hồ, thế tại sao chàng chẳng hề nghe ai nói đến?
Còn Hồ Hải Dị Tẩu nữa! Lão ấy cũng chẳng phải tay vừa, hẳn xưa kia lão phải có một thời oanh liệt, gây mưa tạo gió khắp nơi.
Bỗng nhiên, đêm nay, chàng lại được biết thêm ba người ngoài cái số mà chàng hoặc có tiếp xúc, hoặc nghe sư phụ đề cập đến.
Họ là những ai? Họ cam sống âm thầm tại một nơi, hẳn phải có một lý do gì, và cái lý do đó phải quan trọng lắm, nên họ cố tránh mọi tiếp xúc với thế nhân.
Chứ chẳng phải như những kỳ nhân, sau những ngày dài đầy sóng gió trên giang hồ, chán nản mọi cuộc đấu tranh, tìm nơi quy ẩn, mong tìm an nhàn để hưởng chuỗi ngày thừa. Không, họ không quy ẩn để tìm thong dong, tự tại, họ tránh đời vì một lý do nào đó!
Và, cứ theo khẩu khí của Lạc Tiểu Hồng, thì những đoạn tình cừu ân oán của họ chưa dứt khoát. Bao lâu nay, họ chờ nhau, họ tìm nhau, mãi đến ngày giờ này, họ mới biết tung tích của nhau.
Sự im lặng của họ trong nhiều năm tháng trôi qua, chỉ là lượn sóng ngầm, cục than hồng vùi dưới lớp tro dày. Bây giờ sóng ngầm đã trôi lên mặt nước, cục than hồng kia cũng nhờ gió quét bay tro mà chưởng ra. Rồi sóng đùa, rồi than cháy, cuộc đụng chạm giữa họ trong nay mai sẽ hãi hùng vô tưởng!
Chàng thầm nghĩ:
“Ta phải làm sao tìm hiểu sự tình giữa họ mới được! Biết đâu sự tình của họ chẳng liên quan trọng đại với toàn cuộc vũ lâm?”.
Chàng nhìn Lạc Tiểu Hồng, hỏi:
– Lịnh đường không thích bôn tẩu trên giang hồ nữa, tại sao người lại ưng ý một danh hiệu rùng rợn như thế?
Lạc Tiểu Hồng lắc đầu:
– Làm sao tôi hiểu được ý tứ của mẹ? Cho đại ca biết luôn, trong gia đình tôi, chẳng ai gọi ai bằng tên thật, mà chỉ xưng hô với nhau bằng ngoại hiệu thôi.
Còn người dượng của tôi nữa, cũng có cái ngoại hiệu ghê gớm không kém!
Dượng tôi là Xú Sơn Thần tuy lấy chữ Xú đặt cho ngoại hiệu, song con người thì chẳng xấu chút nào. Cho rằng dượng tôi là một mỹ nam tử, cũng không quá đáng, bất quá tuổi tác đã cao vậy thôi.
Lại thêm một nhân vật kỳ lạ nữa!
Huyết La Sát! Cốt Ma Thần! Xú Sơn Thần! Cả ba đứng về một phía đối lập với Hồ Hải Dị Tẩu!
Quan Sơn Nguyệt càng suy nghĩ, càng tin chắc là những người này có những ẩn tình hệ trọng, hoặc giả Lạc Tiểu Hồng không hiểu, hoặc nàng có hiểu nhưng không thể tiết lộ với ngoại nhân.
Chàng điểm một nụ cười, cố lấy giọng thản nhiên, hỏi:
– Ngu ca lỗi quá, nói chuyện với hiền muội quá lâu rồi vẫn không hỏi qua một tiếng về lịnh tôn! Nhất định lịnh tôn phải là một bậc kỳ nhân!
Nghe chàng đề cập đến phụ thân, đột nhiên Lạc Tiểu Hồng biến sắc. Lấy lại bình tĩnh, nàng lắc đầu, đáp:
– Tôi không có cha!
Không cha? Trên đời này, có người nào lại không cha?
Quan Sơn Nguyệt trố mắt:
– Hiền muội nói sao thế? Con người, ai lại chẳng có cha?
Lạc Tiểu Hồng thốt nhanh:
– Ai thì có, song tôi thì không! Mẹ đã bảo là tôi không có cha, tôi phải tin như vậy. Tôi cũng lấy làm lạ như đại ca đó, nên thỉnh thoảng hỏi mẹ, mỗi lần hỏi mẹ, là mỗi lần bị mắng nặng nề.
Nàng dặn luôn:
– Cho nên, khi gặp mẫu thân tôi, đại ca đừng bao giờ hỏi đến phụ thân tôi, để tránh cho mẹ khỏi bất mãn Lại một nghi vấn hiện lên trong tâm tư Quan Sơn Nguyệt.
Trong khi Quan Sơn Nguyệt và Lạc Tiểu Hồng nói chuyện với nhau thì Lưu Tam Thái cố chèo thuyền cặp bờ, y phải vất vả khó khăn lắm mới đưa thuyền từ ngoài khơi vào bến.
Khi thuyền cặp bến, thì trời đã sáng rõ. Cả ba người bỏ thuyền, lên bờ.
Lưu Tam Thái hỏi:
– Gia trang của cô nương ở về hướng nào?
Bây giờ, y không còn oán hận Lạc Tiểu Hồng vì những ngọn roi của nàng nữa, và chừng như y có phần nào lo lắng về sự ước hẹn của lão chèo đò.
Đương nhiên, phải có trường nhiệt náo tại nhà Lạc Tiểu Hồng rồi và dù sao thì y cũng thiện cảm với nàng hơn là với lão chèo đò.
Nghĩ đến cuộc chiến sắp xảy ra, chắc chắn là phải hãi hùng, y chưa biết rõ tài nghệ của Huyết La Sát và dì dượng của nàng như thế nào, trước một đối phương lợi hại như lão chèo đò, liệu họ có thủ thắng nổi chăng? Cho nên, y nóng nảy muốn đến nơi tức khắc để xem người và chờ việc.
Lạc Tiểu Hồng nhìn quanh, đoạn đáp:
– Nếu thuyền sang ngang, cặp bến, thì từ bến đến nhà tôi, đường không xa lắm. Song, thuyền đã bị nước cuốn trôi đi bây giờ mới cặp bờ được, thành ra xa hơn nhiều. Mà ngựa của hai vị thì đã nhảy xuống sông hết rồi, làm sao về nhà cho chóng?
Quan Sơn Nguyệt mỉm cười:
– Chẳng sao đâu, hiền muội! Hiền muội cứ lên ngựa, chạy trước, bọn ngu ca chạy bộ theo sau.
Lạc Tiểu Hồng lắc đầu:
– Con ngựa của tôi cất vó, là gió cũng chẳng theo kịp, đại ca và Lưu huynh có giỏi thuật khinh công đến đâu, chắc chắn là không tránh khỏi bị nó bỏ rơi sau xa!
Nàng tiếp:
– Mẫu thân tôi từng nói, nó là một con danh mã, trên thế gian ít có ngựa nào sánh bằng!
Điều đó, Quan Sơn Nguyệt cũng đã hiểu rồi, bởi chàng sanh trưởng tại sa mạc, tự nhiên chàng sành xem ngựa hơn người Trung Nguyên, huống chi, trong đêm rồi, khi thuyền tròng trành chực đắm, hai con ngựa thường của chàng và Lưu Tam Thái, nhảy xuống sông, chứ con ngựa này vẫn đứng vững như thường.
Chàng cũng biết là không thể chạy theo ngựa kịp được, song nếu không vậy thì còn làm sao hơn?
Lưu Tam Thái cau mày:
– Không lẽ cả ba lại cùng cởi một con ngựa?
Lạc Tiểu Hồng mỉm cười:
– Tại sao lại không lẻ? Đừng nói là ba người, dù có cả mươi người ngồi trên lưng nó, nó vẫn chạy nhanh như thường!
Quan Sơn Nguyệt nghĩ không còn cách nào hơn, đành chấp nhận giải pháp đó, chàng ngồi phía trước, cầm cương, Lưu Tam Thái ngồi sau, Lạc Tiểu Hồng thay vì ngồi giữa, trái lại ngồi nơi cổ ngựa.
Nghĩ sao không biết, nàng lại không ngồi, vụt đứng lên. Cỡi ngựa đứng, đã hay lắm rồi, lại đứng nơi cổ ngựa, còn tài hơn nữa!
Dọc theo đường, khách bộ hành trố mắt nhìn họ.
Một lúc lâu, ngựa rẽ vào một con đường đất nhỏ, hai bên đường, cây mọc rậm tàng, mát mẻ vô cùng.
Xa xa, có một vùng riêng biệt, nơi đó, cổ thụ vươn mình sừng sững giữa trời, tàng nào cũng tròn xoe như tán, trông như âm u, như thanh tịnh.
Khung cảnh toàn diện nhã lịch vô cùng, đúng là một nơi quy ẩn lý tưởng.
Từ xa xa, người ta thấy nhiều mái nhà trong khu cổ thu đó.
Lạc Tiểu Hồng đưa tay chỉ, miệng điểm một nụ cười, thốt:
– Sắp đến nơi rồi đó, Quan đại ca và Lưu huynh! Khu cổ thụ kia, là Tịch Dương Sơn Trang!
Đã gọi là sơn trang, hẳn trang viện được kiến tạo trong vùng phụ cận núi non, Quan Sơn Nguyệt và Lưu Tam Thái nhìn qua cảnh trí, gật đầu, cho rằng khung cảnh rất đẹp.
Ngựa đến cổng trang dừng vó.
Tại cổng trang, một thiếu phụ trung niên có gương mặt lạnh lùng đứng lặng, nhìn họ lúc còn ở xa. Họ đến gần, thiếu phụ vẫn bất động, không hỏi một tiếng nào.
Lạc Tiểu Hồng từ trên cổ ngựa, nhảy xuống đất, chạy đến trước mặt thiếu phụ, kêu lên:
– Mẹ! Con về đây! Con đưa mấy người khách đến đây!
Nàng đưa tay chỉ, như giới thiệu:
– Vị này là Quan Sơn Nguyệt...
Quan Sơn Nguyệt cũng xuống ngựa rồi, nghe Lạc Tiểu Hồng giới thiệu mình, vội bước tới, vòng tay chào:
– Quan Sơn Nguyệt này hân hạnh được bái kiến Huyết La Sát Lạc Hành Quân tiền bối!
Thiếu phụ lạnh lùng đưa tay đẩy Lạc Tiểu Hồng vào cổng trang đồng thời quở trách:
– Tiểu Hồng! Ngươi cãi lời ta, tự tiện đưa khách đến đây, khách lại là người trong giới giang hồ! Có vào trang ngay đi không?
Chừng như chưa bao giờ thấy mẹ có thái độ đó đối với nàng, Lạc Tiểu Hồng trố mắt, thốt:
– Mẹ nói sao thế? Quan đại ca tuy thuộc giới giang hồ song chẳng giống bất cứ một người nào trong giang hồ, huống chi, bản lãnh lại cao, hóa giải Linh Xà Tiên Pháp của con rất dễ dàng!
Thiếu phụ chớp nhanh đôi mắt, «ạ» khẽ một tiếng, đoạn bà nhìn Quan Sơn Nguyệt kỹ hơn, một lúc lâu, hỏi:
– Được lắm! Ngươi đã tiếp được ngọn roi của Tiểu Hồng lại tìm đến đây, hẳn có ý muốn cùng ta so tài?
Quan Sơn Nguyệt vội đáp:
– Tại hạ nào dám có ý đó, tiền bối! Chỉ vì... qua cuộc đàm thoại với lịnh ái, tại hạ được biết tiền bối là một nhân vật thượng đỉnh trong vũ lâm, bản tính của tại hạ là rất ái mộ bậc hiền tài, nghe nơi nào có cao nhân là tìm đến bái phỏng để tỏ lòng tôn kính, có thế thôi. Mong tiền bối hiểu cho.
Thiếu phụ vẫn lạnh lùng:
– Ta không xứng đáng cho người đời tôn kính, lời khen tặng của ngươi, ngươi hãy lấy lại, cất đâu đó, dành khi nào có gặp người có chân tài, hãy tặng họ, ta không dám nhận đâu.
Bà trầm giọng tiếp nối:
– Từ nhiều năm qua, ta chọn nơi vắng vẻ thanh tịnh này dựng lên ngôi nhà cỏ, cam sống âm thầm, không muốn tiếp xúc với người đời, nhất là hạng người thuộc giới giang hồ. Giả như người không có điều chi chỉ giáo ta, thì xin vô phép vậy, ta mời ngươi đi nơi khác. Bình sanh, ta không thích bị ai phiền nhiễu!
Bà cự tuyệt khách từ phương xa đến, cự tuyệt thẳng thắn, lạnh lùng, bất chấp cái lễ độ khuôn sáo giang hồ.
Bình sanh Quan Sơn Nguyệt chưa hề gặp một nhân vật nào nói năng cộc lốc như thế.
Bà xử sự minh bạch như vậy, Quan Sơn Nguyệt phải đối đáp làm sao?
Thốt xong, bà quay mình, chuẩn bị trở vào trang.
Bà trở vào trang, là đóng cổng trang, bỏ mặc Quan Sơn Nguyệt bên ngoài, cổng trang ngăn đôi người đời và người quy ẩn, bên trong cổng, là vùng cấm địa, chàng vĩnh viễn không được vào, bất cứ ai cũng không được vào, dù chàng được Lạc Tiểu Hồng mời đến, dù chàng đến với hảo ý rõ rệt.
Chàng sửng sốt, đã đành. Lạc Tiểu Hồng cũng sửng sốt không kém chàng.
Sự việc diễn tiến đúng là ngoài ý muốn của nàng. Nàng kêu lên:
– Mẹ! Tại sao mẹ có thái độ đó đối với họ? Chính con mời họ đến đây mà!
Thiếu phụ nạt khẽ:
– Ai bảo ngươi mời? Sao ngươi hồ đồ thế? Đã bao nhiêu lần, ta từng khuyến cáo ngươi, là tuyệt đối không nên tiếp cận người trong giới giang hồ, ngươi tự tiện cãi lời ta, chẳng những thế, ngươi còn toan cưỡng bức ta phải chiều theo ý ngươi nữa rồi! Có lẽ ngươi định vượt ra ngoài sự quản thúc của ta rồi!
Lạc Tiểu Hồng xanh mặt hấp tấp giải thích:
– Trời! Sao mẹ nói thế? Con nào dám trái ý mẹ? Chẳng qua, Quan đại ca không phải tầm thường như bất cứ ai trong giới giang hồ, huống chi tuy còn nhỏ tuổi, Quan đại ca đã có cái danh rất trọng!
Nàng nhìn thoáng qua Quan Sơn Nguyệt đoạn tiếp:
– Mẹ biết không, Quan đại ca là Minh Đà Lệnh Chủ đời thứ hai đó!
Thiếu phụ chừng như có giật mình. Bà quay người lại, đối diện với Quan Sơn Nguyệt như trước, nhìn chàng một lúc hỏi:
– Minh Đà Lệnh Chủ đời thứ hai? Lệnh chủ đời thứ nhất có phải là Độc Cô Minh chăng? Ta chưa hề nghe nói có một Lệnh chủ đời thứ hai mà? Tại sao Độc Cô Minh lại để cho ngươi mang cái danh hiệu đó?
Đến lượt Quan Sơn Nguyệt giật mình. Thế ra bà này biết rõ sự phụ chàng?
Bà là ai, tại sao ngày trước sư phụ chàng không hề đề cập đến bà?
Chàng đáp:
– Lệnh chủ đời thứ nhất, chính là ân sư của tại hạ. Người đã du tiên rồi, vâng theo di ngôn của người, tại hạ thừa kế cái danh hiệu Minh Đà Lệnh Chủ.
Thiếu phụ cười lạnh:
– Độc Cô Minh chết rồi à? Độc Cô Minh chết làm sao được chứ? Tiểu tử, giả như ngươi định lừa ta, thì ngươi lầm! Lầm to đó, tiểu tử!
Quan Sơn Nguyệt lại giật mình lượt nữa. Cái việc ân sư của chàng chết, sao lại có nhiều người không tin như thế? Người thứ nhất, là Bành Cúc Nhân. Bà ấy tuy không nói rõ, song chừng như đinh ninh là ân sư chàng vẫn còn sống trên đời này. Chàng hết sức hoang mang. Bây giờ lại có thêm một người thứ hai, không tin là ân sư chàng đã chết. Thế là nghĩa gì? Hay là thực sự, ân sư chàng chư chết?
Bành Cúc Nhân và Huyết La Sát, ngày trước, có quen biết với ân sư chàng chăng?
Nếu cả hai đều cho rằng ân sư chàng chưa chết, hẳn họ biết hiện tại ân sư chàng đang ở tại địa phương nào. Có biết như vậy, họ mói dám đến quả quyết là ân sư chàng chưa biết. Bành Cúc Nhân úp mở về việc đó, và thoái thác mãi, không chịu chỉ chỗ ở hiện tại của ân sư chàng. Huyết La Sát có chịu chỉ cho chàng biết chăng, nếu chàng hỏi bà ta?
Trầm ngâm một lúc, chàng hỏi:
– Làm sao tiền bối biết là ân sư của tại hạ chưa chết?
Thiếu phụ cười lạnh:
– Biết hay không biết, biết bằng cách nào, tại sao biết, đó là việc của ta, đâu phải bổn phận phải giải thích cho ngươi rõ? Ta không có lý do gì bắt buộc phải thỏa mãn hiếu kỳ của ngươi hay bất cứ ai khác. Cho ngươi biết, nếu lão ấy chết đi, thì cái tin lão ta chết, sẽ đến tai ta trước nhất, trước cả ngươi. Lão giao phó Minh Đà Lệnh cho ngươi, là để được rảnh trí, đến một địa phương nào, đó thôi!
Chàng ướm một câu:
– Tiền bối biết ân sư của tại hạ hiện ở đâu chăng?
Thiếu phụ cười lạnh:
– Lão ta không có nói cho ngươi biết sao?
Quan Sơn Nguyệt tỏ thật:
– Tại hạ đinh ninh là ân sư đã chết, cái ngày mà người lên đường, bỏ tại hạ lại một mình, tại hạ cho rằng người đi tìm một nơi yên tịnh, để rũ sạch nợ trần, do đó, tại hạ không hỏi gì mà người cũng chẳng nói gì. Như vậy, làm sao tại hạ biết...
Thiếu phụ suy nghĩ một chút, đoạn gật đầu:
– Hỏi ngươi như vậy, chứ ta cũng thừa hiểu ngươi chẳng biết chi đâu. Bởi, làm gì Độc Cô Minh có can đảm nói sự thật cho ngươi nghe?
Nhưng, bà chưa đáp đúng câu hỏi của Quan Sơn Nguyệt. Bà chỉ thốt tiếp:
– Thôi, được rồi, vì ngươi là truyền nhân của Độc Cô Minh, ta phá cách tiếp đón ngươi. Vậy hãy theo ta, vào trang.
Lạc Tiểu Hồng không cần hiểu mẫu thân và Quan Sơn Nguyệt nói gì với nhau, nàng chỉ sợ mẫu thân không chấp nhận cho Quan Sơn Nguyệt lưu lại trang thôi. Bây giờ, thấy mẹ chấp thuận rồi, nàng cao hứng vô cùng, vừa cười vừa sà vào lòng Huyết La Sát, kêu rối rít:
– Mẹ tốt quá! Mẹ tốt vô cùng!
Nàng tiếp luôn:
– Mẹ ơi! Ngoài Quan đại ca ra, đêm rồi con còn gặp một người nữa, chính là cái người mẹ thường đề cập đến, và dặn dò con phải đề phòng đó! Con gặp lão ta trên dòng Huỳnh Hà, con tặng luôn lão một ngọn roi, Quan đại ca lại bồi tiếp một chưởng lão phải nhảy xuống sông!
Huyết La Sát biến sắc, hấp tấp hỏi:
– Con đã gặp Hồ Hải Dị Tẩu? Lão ta...
Lạc Tiểu Hồng cười hì hì:
– Đúng là lão, chứ còn ai khác nữa! Hình dáng lão cũng đúng như mẹ và dì mô tả với con đó.
Rồi nàng bĩu môi, tiếp luôn:
– Mẹ và dì cứ cho lão là một tay lợi hại! Hừ! Con xem lão bất quá chỉ là một kẻ giá áo, một túi cơm chẳng có giá trị quái gì!
Huyết La Sát chận lời gấp:
– Đừng nói nhảm, con! Lão ấy có tài hay không rồi con sẽ biết. Bây giờ, con hãy thuật cho mẹ biết, sự tình như thế nào?
Lạc Tiểu Hồng đáp:
– Lão nhảy xuống sông, một lúc sau lại nhô mình lên, nêu danh tánh của mẹ, lại ước hẹn trưa nay, đến đây tìm mẹ. Nhờ vậy con mới chắc chắn là không nhận lầm.
Huyết La Sát biến sắc mặt:
– Thế thì làm sao? Bạch Cốt Ma Thần và Xú Sơn Thần vắng mặt, một mình mẹ đối phó thế nào nổi với lão?
Lạc Tiểu Hồng cười lớn:
– Con biết như vậy lắm, cho nên, lão ta đòi đến đây hôm nay, con lại bảo lão để đến ngày mai hãy đến, cho mình có thời gian thông báo dì và dượng...
Nàng vẫn cười, nhìn thoáng qua Quan Sơn Nguyệt, đoạn tiếp luôn:
– Thực ra, điều đó không cần thiết lắm, bởi có Quan đại ca và con đây chi?
Chúng ta thừa sức đối phó với lão!
Huyết La Sát trừng mắt, gắt:
– Con biết gì mà nói?
Bà khoát tay, giục:
– Sẵn ngựa đó, con đi gấp đi, gọi ngay Bạch Cốt Ma Thần và Xú Sơn Thần đến đây cho mẹ!
Lạc Tiểu Hồng xịu mặt:
– Người ta mới về, còn mệt mẹ lại sai đi nữa! Trong trang chẳng thiếu chi người, sao mẹ không sai khiến?
Huyết La Sát chưa kịp nói gì, bỗng có tiếng cánh chim vỗ trên không, hòa lẫn với tiếng lục lạc vang rền.
Hơn mười con chim câu từ xa bay đến, vầng vầng trên đầu họ.
Lạc Tiểu Hồng vỗ tay reo lên:
– Khỏi cần đi đâu! Dì và dượng đã đến rồi!