Không phải tự dưng kim cương có thể sáng lấp lánh.

Mary Case

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Số chương: 43
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1344 / 6
Cập nhật: 2016-06-24 21:22:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12
à Chánh đứng trước thềm gian nhà chính đưa tay sửa lại vành khăn nhung quấn quanh đầu, nắn lại một chút cho ngay chắc rồi mới bước vào trong ngồi ở mé phản chân bắt chéo nhìn ra.
Ngoài. kia thoáng đãng, tràn ngập nắng gió. Hai hàng cau thẳng tắp cách đều nhau dọc lối đi toả bóng xuống con đường lát gạch đỏ hồng. Toàn bộ phía trước nhà cảnh vật như tươi vui rộn rã hơn mọi hôm rất nhiều.
Sát hàng hiên những chiếc đèn lồng có dán chữ SONG HỈ được giăng lên. Đang ngồi bà Chánh đứng vụt dậy bước ra ngoài đi lững thững quanh nhà. Rồi bà khựng lại đứng quan sát từ xa không chớp mắt những cái tráp quả được phủ vải điều dàn ra đầy trên những cái giàn phên nứa thường ngày dùng để phơi thuốc. Lão câm đang lui cui xếp buồng cau, sắp bánh trái, đếm đi đếm lại những xấp trầu. Nhìn lão làm một lúc bà gật gù ra vẻ hài lòng. Những động tác cẩn trọng nền nếp thứ tự của lão khiến bà yên tâm mọi việc không thể sơ suất được.
Không tiến lại gần, bà quay đầu trở ra phía sân trước, dừng lại dưới cây lựu. Trong cái lồng chim còn tươi màu sơn mới con vẹt xanh hai má có sọc vàng xoè cặp cánh viền đỏ nhảy nhót đập cánh như để gây chú ý. Như chợt nhận ra bóng bà, nó thò đầu ra ngoài song tre nghiêng nghiêng mắt liếc liếc cất giọng ỏn ẻn như con nít làm nũng “bà ơi bà!”.
Nghe tiếng con vẹt bà ngước nhìn lên cành lựu lửng lơ cái lồng chim, thò tay vào vuốt ve âu yếm nó rồi thầm thì: “Im nào! chút nữa lão câm lên đưa con ra phía sau tha hồ ăn. Hôm nay nhà có việc, con nít không được làm ồn”. Con vẹt như hiểu ý nó mổ nhè nhẹ vào tay bà. Bà say sưa ngắm nghía con vật cưng. Con vẹt thông minh còn hơn cả con Mực. Nhưng cả hai đều là bảo bối của cái nhà này. Lúc mới về nó non nớt chỉ nói được những âm cụt lủn ngọng líu như “Ông ạ! Bà ạ! Đói! Đói!”. Nhưng nhờ sự quan tâm chăm chút đặc biệt của bà giờ nó nói rõ ràng thậm chí nói nhiều từ liền thành câu có âm điệu đàng hoàng, ngày càng lộ rõ sự thông minh đến kỳ lạ khiến bà yêu chìu hết mực.
Con vẹt lại thỏ thẻ “bà ơi bà!” Bà Chánh nghiêm giọng: “Thôi nhé! Hôm nay con không được hư đâu nhé!”
Vừa nói, mắt bà vừa dán chặt vào những chiếc đèn lồng nho nhỏ đỏ tươi hoà cùng sắc nắng óng ả ẩn hiện thấp thoáng qua lá, đong đưa giữa những cành lựu đang vươn ra phía hiên. Lòng chợt khấp khởi xốn xang, hình như đã lâu lắm rồi mới được hưởng cái cảm giác hiếm hoi đến nỗi cứ ngỡ như còn mới lạ mặc dầu chỉ là sự gợi nhớ về khoảnh khắc xa xôi khi còn theo chồng đi dự những mùa lễ hội nơi kinh thành. Cũng như lúc này đây, khi ấy lòng ấm áp rộn dần lên theo ánh sáng của hoa đăng chập chờn loang loáng trên mặt nước Hương giang.
Có tiếng chân lại gần giọng con vẹt nheo nhéo: “Trình bà, nhà có khách! Trình bà, nhà có khách!”
Bà Chánh không quay đầu lại thản nhiên bật cười nạt nhẹ:
_Khách đâu mà khách, cậu chủ đấy nhé!
Tùng tiến sát bên mẹ, cả hai đang đứng gần ngưỡng cửa phòng thờ. Chàng vừa dìu mẹ vừa ngoái nhìn con vẹt bật cười: “Đúng là vẹt có khác!”
Bà Chánh ngắm Tùng xúng xính trong bộ lễ phục cưới bằng gấm xanh, lấp lánh hoa văn bạc với vẻ mặt đầy ngạc nhiên xen lẫn tự hào. Con trai bà sang trọng quá! Nếu chồng và con trai cả không bị nạn bất ngờ có lẽ bây gìơ bà không sang sông đón dâu. Không chắc Tùng có ý định về làng sinh sống, có thể con sẽ lấy ai khác nơi kinh thành. Làm sao có thể quên được nét mặt đau đớn khi con phải cố giấu nỗi tuyệt vọng gượng làm vui hứa những điều mình không hề muốn cho cha có thể dễ dàng ra đi. Hơn ai hết bà hiểu con, thương con lắm! Bà muốn con theo đuổi nghiệp võ như từ lâu con hằng mong ước, lấy ai đó mình thương. Nhưng biết làm sao được, gia đình bây giờ chỉ còn Tùng, trụ cột duy nhất. Chú Sinh, em chồng bà cũng đâu dễ để cháu muốn làm gì thì làm!. Tùng cũng chẳng dám thất hứa với cha. Thế nhưng nghĩ cho cùng đây cũng là cơ hội để bà có diễm phúc được gần con trong những ngày cuối đời. Cũng tốt!
Tùng ghé sát tai mẹ hỏi:
_Chị Xuân đâu mẹ? Sao con không thấy chị và cháu đâu?
Bà Chánh đáp:
_À thằng Tí hôm qua nhóm họ xong, chị Xuân gởi cháu nó về đàng ngoại rồi! Còn chị ấy chắc đang lăng xăng với già ở đàng sau lo bữa tiệc đón dâu. Còn chú rể sao đây? Đã sẵn sàng chưa?
Vẻ mặt hững hờ như thể mình không phải là nhân vật quan trọng hôm nay, Tùng bình thản đáp:
_Dạ xong rồi mẹ! Chút nữa chú qua đây dặn sao con sẽ làm vậy!
_Mẹ cũng thế! Có biết gì đâu! Trước kia khi bố con còn sống ông lo hết mọi lễ nghi. Bây giờ là chú Sinh.
Bà chỉ cái lồng chim nói:
_Con hạ cái lồng chim để trước thềm chút nữa già sẽ đưa nó treo ở vườn sau kẻo khi đưa dâu về nó nói tầm bậy thì khốn.
Tùng lấy cái sào gần đấy khều lồng chim xuống. Chàng ngửa mặt lên ngắm những chiếc đèn lồng xuýt xoa:
_Quà triều đình tuyệt quá mẹ nhỉ!. Họ tặng quà trước vì không đi dự được. Hôm nay kinh thành mọi người lo lễ tế Nam Giao
_Mẹ biết! Hôm qua thượng thư bộ Lễ cho người mang quà tới có báo tin tiểu thư Ngọc Điểm vừa cử hành hôn lễ xong, lúc ấy con chưa về. Hình như tiểu thư lấy người trong hoàng tộc phải không?
Bà vờ hỏi để dò xét con. Tùng không nói gì nét mặt không lộ chút cảm xúc nào. Chàng đáp bâng quơ:
_Thế à? Hôm đó con đã trên đường về nhà, nhưng có ghé qua anh Sơn chị Thuỷ trước, định mời hai vợ chồng về làng dự đám cưới hầu thăm mẹ luôn cho mọi người biết mặt nhau nhưng chị Thuỷ có mang sắp sinh mẹ à!
Bà Chánh dường như không để ý đến những cái tên con trai vừa nhắc. Theo bà đó chỉ là những người chàng quen trên bước đường phiêu lãng. Còn ở đây thì chỉ có…Bà Chánh buột miệng hỏi:
_Con đã thấy quà của Khuyên chưa?
_Khuyên à?. Ủa quà để đâu sao con không thấy?
Bà Chánh trách nhẹ:
_Cái anh này, người gì vô tình thế! Nói cho anh biết, có lần tôi tưởng người ta sẽ về làm dâu tôi đấy!. Liệu mà xử sự cho có tình có nghĩa để sau này còn nhờ người ta phụ giúp một tay gây dựng lại nghề nghiệp tổ tông, coi sóc việc khám bệnh chữa bệnh đấy!
_Dạ con biết! Hôm qua gặp Khuyên nhưng có thấy cổ nói gì đâu?. Còn việc nhờ cổ phụ giúp có lẽ phải vài tháng nữa. Con còn phải trở lại triều đình chừng vài lần nữa mới hy vọng chuyển giao công việc cho người khác trước khi về đây luôn mẹ à! Mà mẹ nói có quà của Khuyên, gì thế? Ở đâu? Vừa hỏi Tùng vừa nhìn quanh quất.
Bà Chánh phì cười:
_Lấy vợ tới nơi rồi mà cứ như con nít! Làm gì có đây! Đặc biệt như cô Khuyên, thông minh sắc sảo đẹp đẽ như thế lẽ nào quà cưới lại bình thường đến độ anh hỏi là tôi trưng ra cho anh cầm à?. Ở ngoài kia kìa, giữa bãi cỏ ấy, ngay trước phòng anh đó!
Tùng bước ra, đi chừng chục bước trên lối gạch, rẽ ngang qua bãi cỏ xanh, lần theo những viên đá xếp quanh co dẫn đến một hồ viền đá nho nhỏ hình bán nguyệt. Trên mặt nước giữa những chiếc lá như lọng che mơn mởn những hoa súng ngoi lên. Hoa chưa nở hết còn e ấp đáng yêu làm sao!. Chàng cúi xuống đưa tay khoát nhẹ nước, những điểm tim tím hồng hồng lung linh xao động, lọng xanh bập bềnh. Cầm lòng không được Tùng nhoài người ra chạm ngón trỏ vào tận phía trong một đoá đang nở rực rỡ nhất, hoa run rẩy nửa như e thẹn cum cúp cánh, nửa như mời gọi, màu hoa biến đổi hồng hồng tim tím rồi lại phơn phớt ánh lam. Chợt chàng để ý đến dòng chữ xăm trên cái lá nằm dưới đoá hoa: “Dã liên không còn nữa, tặng anh hoa súng để nhớ mãi những kỷ niệm thờ thơ ấu.”. Nhìn những nét xăm chữ của Khuyên, Tùng nhớ lại hồi còn nhỏ có lần khi đi viếng chùa với anh cả, và Dân cậu em họ con chú Sinh, lúc đó cũng có Khuyên đi cùng. Thấy nàng thích hoa súng mọc trong một hồ nhỏ dưới chân tượng Quan âm lại bị mọi người thách Tùng đánh bạo ngắt trụi hết hoa súng trong hồ để đưa cho Khuyên. Khi về anh cả mách lại với bố, Tùng bị một trận đòn nên thân. Nhớ tới đây chàng bật cười rồi đảo mắt tìm kiếm. Đúng như lời Khuyên nói hoa dã liên không thấy nữa. Loài này chỉ có nơi cung đình, hoa nhỏ có hương thơm nồng nàn nhưng khó chăm sóc. Chàng được phu nhân tặng, khuyến khích mang về gia trang trồng thử nhưng đúng là giống hoa này không thích hợp khi trồng ở đây. Giờ chẳng còn một đoá nào nữa, có lẽ vậy mà Khuyên trồng hoa súng thay vào. Nhưng cô nàng Khuyên có ý gì khi dùng hoa súng làm quà cưới cho mình đây?
Có tiếng gọi từ phía hiên nhà:
_Tùng ơi! Vào ăn chút gì lót dạ đi em!
Nhận ra giọng chị Xuân, Tùng vội đứng lên chạy về phía chị dâu kêu lên:
_Ôi thôi! Chị cứ để em xuống bếp ăn cho vui. Để em đưa vào cho mẹ rồi trở ra, chị đợi em nhé!
Bà Chánh đằng hắng hỏi vọng ra:
_Xuân đó à con? Có cần ai phụ giúp không để mẹ nói em nó đi gọi cho
Tùng đỡ cái khay trên tay chị dâu rồi hai người cùng bước vào. Chàng cẩn thận đặt khay bánh trước mặt mẹ:
_Mời mẹ xơi bánh. Mẹ cứ dùng đi.Chừng này không đủ cho con ăn đâu
Bà Chánh lắc đầu:
_Mẹ không ăn bây giờ! Ráng nhịn không dám ăn gì trước khi lên thuyền phòng bị say sóng. Sáng nay thấy gió từ sông thổi vào mạnh đó!
Tùng nói:
_Sóng sông có gì mà ngại. Mẹ cứ dùng đi chứ qua đó làm lễ chừng hơn canh giờ là phải đón dâu mới được giờ tốt mẹ ạ! Chắc không ăn uống rềnh rang đâu!
Xuân bây giờ mới khẽ khàng nói:
_Thưa mẹ, mọi việc tạm ổn. Chút nữa có thêm mấy chị em bạn tới giúp rồi, mẹ đừng lo. Con biết mẹ không được khoẻ mỗi lần phải đi đò nên làm mấy mẫu bánh nhỏ riêng cho mẹ. Mẹ dùng được bao nhiêu thì dùng, đừng nên để bụng đói.
Nói xong nàng ân cần dùng đũa gắp một miếng bánh nếp bọc đậu xanh để vào cái dĩa nhỏ trịnh trọng dâng trước mặt mẹ chồng:
_Mẹ dùng thử xem. Bánh này nhân mặn, mẹ ăn xem có vừa miệng không? Mẹ biết không, con làm một số bánh ít trần màu đỏ màu hồng màu xanh đậm hình lá trầu có chữ SONG HỈ ở trên, chị em bạn thấy thích lắm. Một trong những món tráng miệng ngọt hồi đám cưới con, bên ngoại cu Tí làm, mẹ có dùng và khen đó, mẹ nhớ không?
Bà Chánh gật gù:
_Vậy à? Sao không mang lên cho mẹ dùng? Làm chi thứ bánh này cho thêm cực vậy con?
_Dạ bánh con làm nhân ngọt đang hấp, phải chờ cho nguội mới có độ dẻo vừa miệng, chỉ kịp mời khi bên nhà gái đến vào xế trưa.
Tùng giục:
_Dùng gì chả được. Thôi nhanh lên kẻo sắp đến giờ đi đón dâu, mọi người lăng xăng lít xít để bụng đói mà đi không ổn đâu!
Nói xong Tùng kéo chị Xuân ra ngoài.
Bà Chánh gắp miếng bánh đưa lên miệng vừa nhai vừa nhìn theo. Tuy chỉ là chị dâu em chồng nhưng Tùng tỏ ra rất thương chị, không về nhà thì thôi chứ về đến nơi Tùng đỡ đần chị mọi việc.
Trưa qua lúc vừa về Tùng đã hì hục dành việc xách nước từ ngoài giếng lên kín đầy những dãy lu ở hiên sau bếp cho chị dâu dùng. Giờ Tùng đã về! Có cả Tùng và Xuân bà cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều. Mặc dù Xuân giỏi giang nhưng sức người có hạn. Cả một khoảng vườn rộng lớn dài tít cùng với dãy nhà dành cho bệnh nhân tạm thời đóng cửa đã ba năm nay, phía đằng sau đó, bà giao tất cho lão câm và con Mực. Tất cả bị che khuất bởi hàng hoè vừa như một hàng rào chắn vừa như vạch phân cách chia hai khu vực trước và sau thành hai lãnh địa riêng biệt.
Khu vực trước có dãy nhà chính dành làm nơi ở của bà, con dâu, con trai, bao gồm luôn gian giữa là nơi thờ phượng và một phòng rộng ở mé bên tả dùng để đọc sách hay tiếp khách quý trọ qua đêm.
Hàng rào dâm bụt cao quá đầu không những che chắn gió mưa bụi bặm phía cổng hắt vào mà còn tránh những ánh nhìn tò mò của người lạ. Con đường lát gạch từ cổng dẫn thẳng một đường dài rồi rẽ ra làm hai ngả, một ngả rẽ về phía hiên nhà chính nơi bà đang ngồi nhìn ra, một ngả rẽ ra dãy hoè đi về phía sau. Khu vực phía trước chỉ có vài bụi kiểng, cây lựu, hai hàng cau gầy khẳng khiu khiến mặt trước trống trải nhưng ở ngòai nhìn vào lại khó thấy gì. Do vậy trong nhà tuy ít người nhưng khó ai lọt được vào gia trang nếu không có sự đồng ý của chủ. Trừ khi có việc quan trọng cần sự giúp đỡ bà mới mướn thêm người. Càng nhiều người càng dễ gây xáo trộn ích gì!. Một lão câm chỉ biết cặm cụi làm mọi việc, lại không hò hét, không thì thầm than thở trách móc và nhất là lão không thể ngồi lê đôi mách buôn chuyện nhà bà ra ngoài, một con dâu nết na hiền thảo đảm đang, một con chó mực bốn mắt tinh tường, tướng chó đó ma quỷ cũng phải kiêng dè nữa là…rồi vẹt yêu của bà nữa chứ!. Cứ ló đầu vào nhà bà thử coi nó có nheo nhéo lên cho mà giật mình mất vía không?. Bà khéo léo đặt con vẹt ở vị thế khó ai phát hiện ra nhưng nó có thể nhìn thấy tất cả chỉ cần cái bóng phớt qua đôi khi chỉ là bóng cây lá lay động in trên vách nó đã trình với bà rồi!. Bây giờ Tùng về nếu ở được luôn đây chắc chắn gia trang của bà còn an toàn hơn là có trong tay cả đội binh bảo vệ triều đình ấy chứ! Nghĩ đến đây bà Chánh nuốt trọn miếng bánh còn lại vẻ ngon lành rồi nở một nụ cười mãn nguyện.
Ở bến sông những chiếc thuyền của nhà trai đang quần tụ lại. Mọi người đã yên vị. Tùng thấy chú Sinh đứng ở mũi thuyền cầm sẵn phong pháo buông dài đưa tay ra hiệu. Con thuyền khoác áo hoa chuyển mình. Mặt nước đang im lìm bỗng như giật mình tỉnh giấc rập rình đưa đoàn thuyền rời bến. Tùng cùng thím Sinh, bà Chánh ngồi ở cuối thuyền. Cả một vùng sông nước như chộn rộn rực rỡ hẳn lên. Chàng nhìn xuống mặt nước phản chiếu, lấp lánh ẩn hiện giữa những sắc màu của lụa là gấm nhiễu đỏ xanh khuôn mặt mẹ mỉm cười hạnh phúc. Lòng chàng bớt nặng nề, niềm vui của mẹ khiến cho đám cưới gượng ép bỗng trở nên nhẹ nhàng hơn. Không sao! Chàng không vui nhưng mẹ vui được rồi và chắc cha cũng đang ngậm cười nơi chín suối. Chàng nhìn về phía bên kia bờ sông, vẻ mặt trầm tĩnh đến bình thản như sẵn sàng chờ đợi chấp nhận mọi việc sẽ đến với mình. Ngồi giữa thuyền thấm đẵm hương sen mọi người im lặng không trao đổi gì như để tận hưởng những giây phút đầy trang trọng sâu lắng này. Tùng lim dim đôi mắt hít một hơi dài đầy lồng ngực như để hớp lấy cái mùi thanh tao tinh khiết đang tản mạn nhanh chóng chỉ còn lan man phơn phớt nhẹ như tơ trời vì thuyền hoa đang lướt đi giữa không gian thoáng đãng.
Phía bên kia sông bác Cả Khang và ông Mạc đứng trên chiéc thuyền hoa dõi mắt ra xa hồi hộp chờ đợi. Lẽ ra đâu đến nỗi phải mất công bận bịu nếu không nói rườm rà như thế này! Nhưng nghĩ kỹ đám cưới đám hỏi làm luôn thể nên hai anh em bàn với nhau cho một chiếc thuyền hoa rời bờ một quãng để đón nhà trai cho tăng phần trang trọng. Bác Cả ra hiệu cho một người đốt đuốc lên. Ông Mạc chỉ đợi có vậy, cầm bó hương chuẩn bị trên tay châm vào lửa. Mùi nhang toả ra ấm lòng ông chi lạ! Bó hương vừa sém đều bác Cả hô: “Xuất phát”. Chiếc thuyền hoa từ từ lướt đi trong êm ả. Đúng như dự tính của bác Cả thuyền rời bến chưa bao lâu đoàn thuyền bên trai cũng vừa trờ tới. Vì đã bàn trước nên khi thấy chú Sinh bên đàng trai cầm phong pháo dài cắm ở đầu mũi thuyền bên ấy bác Cả cũng treo phong pháo dài ở mũi thuyền bên này. Bó hương trong tay ông Mạc nghi ngút khói, một người nữa đứng bên cạnh ông cầm phong pháo chuột nhỏ có gắn một pháo đại lăm lăm chờ đợi khoảnh khắc quan trọng nhất đã gần kề. Ông Mạc nhìn thuyền hoa đi đầu không chớp mắt. Trong đám người sang trọng lượt là ấy nổi bật một trang nam nhi tuấn nhã mặc áo gấm xanh ngồi bên cạnh hai phụ nữ. Linh tính báo cho ông biết đây là chú rể. Mãi ngắm chú rể ông quên mất phận sự chính của mình nên khi nghe người đứng bên cạnh nhắc “đốt đi” ông mới nghệt mặt ra “à” lên một tiếng rồi hấp tấp châm bó hương đang cháy vào ngòi pháo đại gắn ở phong pháo chuột nhỏ. Lúc đó hai mùi thuyền cũng đang từ từ hãm tốc độ dừng lại cách nhau chừng sải tay. Phong pháo nhỏ khởi đầu nổ một tiếng thật to như lời chào hoan hỷ rồi tiếp lửa lên cho hai phong pháo dài cắm ở hai đầu mũi thuyền thi nhau nổ rôm rả trước khi rơi tỏm xuống nước..
Hải đứng lẫn trong đám đông cố xem mặt “tình địch” nhưng không được. Khi vừa nghe tiếng pháo nổ cũng là lúc chàng bị xô dạt ra phía sau. Đang đau ốm lại thêm phần xúc động Hải đi thất thểu về phía nhà Sa trước, chàng cần nhìn thấy người yêu hơn, đây là cơ hội tốt nhất trước khi đám đông lại ào về phía ấy. Mùi pháo nồng toả trong không gian làm chàng ho sặc sụa.
Bên bờ sông đám dân làng tò mò bàn tán nhốn nháo, say mê nhìn ngắm chú rể, người được biết là một vị quan trong triều đang xuất hiện lớ ngớ trên chiếc thuyền hoa còn vương vãi xác pháo hồng.
Vân Sa ngồi ở cái ghế đẩu trước gương cúi đầu lặng lẽ nghe bác cả gái dặn dò. Dì Lam đang chải đầu bới tóc cho nàng. Giả vờ lắng nghe nhưng không hăng hái lắm nếu ngoan ngoãn quá sợ dì Lam sinh nghi. Bác Cả gái ăn mặc chỉnh tề, vành môi thắm đỏ vôi trầu chậm rãi nhấn mạnh từng tiếng một:
_Không phải ai về nhà chồng cũng thoải mái như ở nhà mình. Gặp mẹ chồng hiền lành đức độ thì coi như kiếp trước khéo tu. Đời có câu: “Trai có vợ có lỗ tiền chôn, gái có chồng như gông đeo cổ” Bởi vậy dù hẩm hiu, con dâu gặp mẹ chồng khắt khe dữ dằn thì phận làm con cũng nên nín nhịn. Con thấy bác Cả trai là người nghiêm khắc nhừơng nào. Đó là giống nội con! Ngày về làm dâu bác có sung sướng gì cho cam!. Sanh anh cả Thừa được hai tuần là phải xuống bếp làm việc quần quật từ sáng tới tối hết giã thóc đến sàng gạo, xay gạo ôi thôi có bao giờ cái đầu cất lên được đâu! Vậy mà bà nội còn mắng mỏ san sát mỗi khi làm điều gì không vừa ý bà, những lúc đó bác thường lặng câm bởi vì “con dâu lộn cổ” thì trước là mang tội bất kính, phải làm tròn bổn phận dâu thảo, vợ hiền. “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa muôn đời không khê”. Đi làm dâu chớ có đổ cơm nguội, phải biết đường ăn lẽ ở, chồng như cái giỏ vợ như cái hom, phải biết vun xới cho chồng cho con. À mà này nhớ không được đi đêm một mình đấy nhé, đi là phải có đèn có lửa phải thưa trình với mẹ với chồng đấy nhé!
Vân Sa giật thót mình liếc trộm bác cả gái, kêu thầm: “Giời ơi! Sao giống như là bác ấy đoán trước đi guốc trong bụng mình ấy nhỉ?”
Vừa lúc đó pháo nổ dòn bên ngoài. Bác cả gái, dì Lam hấp tấp rời khỏi phòng. Vân sa nghe tiếng bác Cả và bố đồng loạt hô to câu gì không rõ lắm. Vậy là họ đã về tới nơi! Lợi dụng mọi người còn mãi tất bật không để ý Sa nhìn quanh quất trong phòng rồi rút vội cái ruột tượng luồn vào trong người một cách thành thục. Xong xuôi nàng lại ngồi xuống ghế vờ ngắm nghía trước gương nhìn trừng trừng khuôn mặt mình để biết chắc sự đớn đau chua xót trong lòng không bị lộ, môi nàng mấp máy nhưng không buột miệng nói thành lời, chỉ có nàng nghe được tiếng lòng mình mà thôi" “Hải ơi! Bây giờ chàng ở đâu? Chắc chắn chàng có mặt đâu đó để chứng kiến đám cưới. Mong chàng hãy kiên nhẫn dằn lại sự đau khổ, cố gắng chờ em nghe chàng!”
Người Hải cứ run lên từng chặp khi nhìn thấy đoàn người bên nhà trai từ từ tiến vào nhà Vân Sa. Thôi rồi mình sắp mất Sa rồi! Trời ơi! Có phaỉ tôi đang gặp ác mộng? Sa ơi! Sao em tàn nhẫn quá vậy? Em bảo anh phải chịu đựng cảnh này sao?. Phải chờ em sau khi em theo người sang ngang sao? Em đùa anh đấy à? Sa ơi! Không thể được! Em tránh mặt anh. Em viết thư để anh tin lời em chờ đợi mà không gây trở ngại cho đám cưới phải thế không? Sao em bạc vậy Sa?..
Bỗng Hải giật mình khi thấy Bôn cầm gậy cùng với một số lực điền quát tháo hô hoán giải toả đám đông trước cổng lấy đường cho nhà trai tiến vào. Để tránh mặt Bôn, Hải quay lưng cất bước rời khỏi nhà Sa, quay lại hứơng bờ sông, chàng nghĩ nếu mình còn xớ rớ thế nào ông Mạc hay Bôn cũng nhìn thấy. Chàng không muốn họ coi khinh mình!.
Vô Biên Vô Biên - Nguyễn Minh Trân Vô Biên