Số lần đọc/download: 2250 / 39
Cập nhật: 2018-02-01 09:48:04 +0700
Chương 12 (Kết)
N
hững con dốc dài cứ nối nhau đi lên mải miết. Bụi đỏ mịt mù, phủ đầy đầu tóc, mặt mũi, tay chân, quần áo của mọi người ngồi trong xe, cho đến những sợi lông mi cũng được nhuộm hồng. Quấn kín đầu bằng chiếc khăn lông dày, Hân và Hoa thỉnh thoảng lại nhìn nhau cười bằng đôi mắt còn để hở. Thiện chứng tỏ mình là đàn ông bằng cách để đầu trần như hai nhân vật nam còn lại trong xe. Mặt Thiện đỏ như bôi phấn, còn đôi môi thì lạ lùng thay, lại trắng bệch.
Sau khi qua khỏi Phú Giáo, đoạn đường trở nên xấu khủng khiếp. Lại đang giữa mùa mưa. Chiếc xe jeep cứ lắc lư chạy, thỉnh thoảng lại rơi đánh rầm xuống một cái ổ gà nào đó, hất những ngồi bên trong tung lên, va đầu vào khung sắt trên trần xe đau điếng. Hân gồng người chịu trận. Cô có cảm tưởng họ như đang bị ai bỏ vào trong một cái hộp và cứ cầm lắc không thương tiếc.
Hùng ngồi băng trước cạnh tài xế, thỉnh thoảng quay lại nhìn ba người bạn trẻ bằng đôi mắt thông cảm. Chuyến đi do anh bí mật tổ chức, sau khi biết được ý định sẽ đi thăm Hằng của ba cô bạn. Họ đều đã tốt nghiệp phổ thông và vừa thi vào các trường đại học, đang chờ kết quả. Cách đây khoảng nửa tháng, trong một chuyến về thành phố công tác, Hùng đã đến tìm Hạ, hẹn ngày sẽ về rước các cô. Hạ tỏ ra rất vui, hứa sẽ rủ các bạn và giữ bí mật không cho Hằng biết. Trước khi lên đơn vị Hùng còn cẩn thận quay lại hỏi và được Hạ cho biết các bạn đều đã được gia đình cho phép. Họ sẽ sẵn sàng cho chuyến đi sắp tới. Có cả Thiện cùng tham dự. Phải nói là nhờ có Thiện mà việc xin phép của Hạ và các bạn mới dễ dàng hơn. Vậy mà, cuối cùng, Hạ lại không đi được. Chiều hôm qua Hùng về, ghé lại nhà cô thì sửng sốt thấy cô bỗng dưng thay đổi hẳn. Nét mặt u sầu, vóc người tiều tụy, Hạ chỉ vắn tắt cho Hùng biết là cô không thể đi được, và nhờ anh đưa giúp các bạn đi, đón tại nhà Hân vào sáng sớm mai. Một chuyện gì ghê gớm lắm lại xảy ra? Hùng hỏi lý do không đi được thì Hạ chỉ lắc đầu, không nói. Và cô đứng dậy cáo lỗi, đưa anh ra cửa.
Đúng là phải có một chuyện gì. Đám bạn của Hạ sáng nay cũng thẫn thờ thế nào ấy. Họ hoàn toàn không có chút gì gọi là thái độ hào hứng của một chuyến đi xa hằng được chờ đợi. Họ đi vì phải làm một chuyện cần làm. Phía sau những ánh mắt và gương mặt trẻ trung của họ, ẩn giấu một nỗi ưu tư thầm kín mà Hùng chỉ có thể nhận biết bằng trực giác. Khi dừng xe ở Bình Triệu để mời tất cả ăn sáng, Hùng đã làm ra vẻ thật tự nhiên, hỏi:
- Cái cô Hạ sao kì quá! Bạn thân nhất của Hằng mà giờ chót lại không chịu đi. Các bạn biết tại sao không?
Cả ba chỉ im lặng. Cuối cùng, Hân nói:
- Hạ đang gặp một chuyện buồn. Tụi em đi mà cũng lo cho nó. Chắc chỉ ngày mốt phải xin anh cho về, không đi lâu hơn được.
Không hiểu ngẫm nghĩ sao, Hân thở dài, thêm:
- Đó cũng là chuyện buồn chung của tụi em.
Chỉ có thế và họ im lặng mãi trên suốt quãng đường. Đến chợ Đồng Xoài, xe dừng lại để mọi người ăn trưa. Quán nào cũng có một cái giếng phía trước để khách hàng o bế lại nhan sắc trước khi vào. Lúc ấy, Hùng mới thấy ba người bạn trẻ đùa giỡn một chút khi nhìn vào dung nhan của nhau.
Càng lên cao, bầu trời càng thoáng đãng. Xe qua khỏi trạm Cây Chanh, cảnh vật bắt đầu hiện ra vẻ hùng vĩ bát ngát của vùng đất cao nguyên, với những đồi núi xanh thẳm nối nhau tít tận chân trời đầy mây xám. Một cơn mưa nhỏ vừa đi qua, gây cảm giác hết sức dễ chịu trong không khí. Con đường không còn bụi nữa. Hoa, Hân, Thiện cùng ngồi thẳng lên, phủi bớt bụi trên người và thích thú ngắm nhìn quang cảnh trước mắt. Các bản làng người dân tộc, với những căn nhà sàn rải rác, tỏa nhẹ khói lam chiều, tĩnh mịch, yên bình. Những nông trường cao su với các lô ven lộ mới trồng, phơi phới vươn lên đều hàng, thẳng táp. Và rồi, những hàng thông hình chóp nón cắm đầy những cây nến vun vút chạy giật ngược về phía sau xe...
Xe rẽ vào ngã ba Kiến Đức. Những căn nhà mới bắt đầu hiện ra. Rồi một tòa nhà lớn uy nghi đứng trên sườn đồi. Hùng quay ra sau, giải thích với các bạn:
- Nhà hát của tụi anh xây. Đẹp không? Nhưng sử dụng cũng chẳng được bao nhiêu. Ban đầu, tụi anh định biến khu này thành một thành phố núi của Tây nguyên: Nói chung là nhiều dự định. Có ông còn thực hiện cả những phòng tắm nước nóng cho anh em, vì trên này trời rất lạnh vào chiều tối. Lắm trò lắm! Nhưng đúng là sau những phút lãng mạn hào hứng, cuối cùng thì...
- Thì sao anh? - Thiện hỏi, khi thấy Hùng đột nhiên dừng lại.
Hùng nhún vai:
- Tụi anh nhận ra mình đã gây lãng phí nhiều quá! Biết bao là tiền của đem đi đổ sông đổ biển. Và nhất là mồ hôi của anh em. Hàng mấy năm tuổi trẻ của bao nhiêu người!
- Vậy sao anh vẫn ở đây? - Hân hỏi.
- Với những mục đích khiêm tốn hơn. Lao động tự nuôi lấy bản thân, và xây dựng lại cuộc đời cho một số anh em. Làm được như vậy cũng đã đủ phờ râu rồi!
Xe bắt đầu lên một con dốc dài. Hùng cười, đổi thái độ, khoát tay về phía trước:
- Xin giới thiệu với quý vị du khách, chúng ta đang lên con dốc cuối trước khi vào đơn vị. Đây chính là dốc Lầm Bầm nổi tiếng.
Hoa ngạc nhiên:
- Dốc Lầm Bầm? Tên gì nghe ngộ vậy anh?
- Tên đó do anh em đặt. Đi bộ lên dốc này mệt quá, ai cũng lầm bầm tự chửi rủa cho cái thân phận thằng thanh niên xung phong của mình.
Lên tới đỉnh dốc, trước mặt mọi người đột nhiên hiện ra một cảnh tượng kì mỹ. Ngay trung tâm là một hồ nước mênh mông xanh ngắt, đẹp rực rỡ dưới ánh trời chiều. Những dãy nhà gỗ rải rác ven hai bờ hồ. Các luống rau xanh um, với nhứng giàn tưới tự động hối hả phun những luồng nước trắng xóa. Và như để chào đón ba người khách mới, thiên nhiên còn hào phóng trang điểm thêm một chiếc cầu vồng bảy màu vắt cong ngang nền trời, phía sau những nương rẫy đẫm nước kia. Thấp thoáng hóng người trên đường về, trên nương rẫy, trên các sân bóng chuyền và ven bờ hồ..., tăng phần sinh động cho cảnh quan tuyệt mỹ ấy.
Xe chạy qua một bờ đê dài cắt ngang mặt hồ, đi xuống một cây cầu gỗ trước khi lượn vòng vào khu doanh trại.
- Hằng kìa! - Hoa reo lên, chỉ về phía trước.
Đúng là Hằng đang đứng tựa cửa một căn nhà, dõi nhìn về chiếc xe. Cô đã thấy chiếc jeep từ khi nó vừa xuất hiện trên đầu dốc, vội vã chải sơ lại mái tóc và ra cửa chờ đón Hùng. Anh đã trở thành người thân thiết nhất của cô ở đây, và những chuyến đi vắng dăm ba ngày của anh bắt đầu gây trong cô một nỗi chờ đợi thầm kín, nhất là mỗi khi ngày trở lên của anh bất ngờ trễ hơn dự định.
Hùng quay ra sau:
- Các bạn lấy khăn trùm đầu lại hết đi!
Cả ba lập tức làm theo lời anh.
Đó là kế hoạch mà họ đã bàn. Chiếc xe dừng lại ngay trước cửa nhà Hằng đang đứng. Hùng nhẹ nhàng nhảy xuống xe. Hằng tươi tỉnh đứng nhìn anh với một nụ cười trên môi. Cô mặc chiếc áo bà ba trắng trông thật giản dị, mái tóc mới gội đen mượt xõa dài trên hai bờ vai ươn ướt. Bao nhiêu mệt nhọc trong anh sau con đường dài gần ba trăm cây số bỗng tan biến hết trước nụ cười của cô.
Hùng nói:
- Anh có một món quà đặc biệt cho Hằng nè!
- Gì vậy anh? Em đã dặn anh đừng mua gì cho em nữa mà!
- Anh có mua gì đâu! Hôm nay, anh vừa phải nhận ba học viên mới, là dân thứ dữ ở chợ cầu Muối. Không hiểu sao họ lại khai là có quen với em.
Hằng tò mò bước đến nhìn vào xe. Thật bất ngờ, Hoa, Hân và Thiện cùng tung khăn ra:
- Hù!
Nhìn ra ba người bạn của mình, Hằng mừng rỡ la lên:
- Í, Hân! Hòa! Thiện! Trời ơi, thích quá!
Ba người bước ra khỏi xe. Hằng ôm chầm lấy Hân và Hoa hôn, bất chấp những bộ quần áo bết bụi đỏ của hai bạn. Hùng và Thiện bồi hồi đứng nhìn cảnh hội ngộ của ba cô bạn thân. Hoa xô bạn ra:
- Đồ quỷ! Dơ hết quần áo của mày rồi. kìa. Đứng im cho tao ngắm mày một chút coi. Nghiêm!
Hằng dập hai gót chân, làm điệu bộ dựng nghiêm cho Hoa ngắm, trong khi mắt cô thì long lanh nhìn Hùng. Cảm ơn anh, Hùng ạ. Sao anh tốt với em quá vậy?
Hoa phát biểu có vẻ hài lòng:
- Được! Thanh niên xung phong nuôi cũng không đến nỗi tệ. Thôi, cho nghỉ đó! Chuẩn bị dẫn tụi tao đi tắm gấp!
Hằng đỡ lấy một chiếc túi xách cho bạn, nhưng nửa chừng cô bỗng dừng tay:
- Hạ đâu?
Cả ba bộ mặt cùng đông cứng lại. Hằng ngơ ngác bám chặt lấy tay Hân:
- Sao? Hạ gặp chuyện gì vậy?
Hân nói, giọng nghèn nghẹn:
- Hạ nó đang buồn lắm...
Và bất chợt, cô bật khóc:
- Long chết rồi, Hằng ơi!
*
* *
Chuyện xảy ra vào một buổi chiều, sau khi cuộc thi vào các trường đại học tổ chức xong. Long thi vào Bách khoa, bài vở làm coi như rất tốt. Rảnh rang, anh trở lại đạp xe phụ giúp ba. Hôm ấy, Long rước một mối khách ở gần khách sạn Cửu Long. Đó là một phụ nữ trẻ nước ngoài, người Nhật. Chị ta đưa anh mảnh giấy có ghi địa chỉ nơi muốn đến, nằm ở đường Cách Mạng Tháng Tám, và ngượng ngập hỏi bằng tiếng Việt, giọng lơ lớ:
- Anh lấy bao nhiêu tiền?
Long trả lời bằng tiếng Anh, và nhận thấy một thoáng ngạc nhiên trong mắt người phụ nữ. Chị vui vẻ gật đầu và bước lên xe. Long đạp xe ra Hàm Nghi, bọc quanh công trường Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành để vào Phạm Hồng Thái. Lúc ấy, sau giờ tan sở một chút, mật độ xe cộ còn khá dày đặc. Long phải cho xe chạy chậm. Một người đàn ông đi bộ đột nhiên xuất hiện từ phía sau Long, bên trái, và bước lên đi cặp một bên hông xe anh. Long vừa sực nhớ dây là khu vực quanh ga Sài Gòn vốn nổi tiếng với những vụ cướp giật, thì gã đàn ông đã nhanh như chớp nhào tới chộp lấy sợi dây chuyền vàng trên chiếc cổ trần của bà khách, giật mạnh, rồi vừa bỏ chạy vừa đưa tay lên nhét món đồ vừa cướp được vào miệng. Bà khách hốt hoảng rú lên. Cũng thật nhanh, Long buông xe, nhảy xuống, rượt theo tên cướp. Mọi người dạt hết ra hai bên, dửng dưng nhìn. Long cao hơn, và mười phút chạy bộ đều đặn mỗi sáng đã giúp anh đuổi kịp tên cướp ở góc Trương Định. Từ phía sau, anh bay tới, xô tên cướp chúi nhủi về phía trước. Hắn lăn tròn trên mặt đất và lồm cồm ngồi dậy vừa đúng lúc Long nhào tới định kẹp cổ hắn. Ánh sáng lóe lên trong tay hắn, và khi Long nhận ra đó là một lưỡi dao thì cái vật oan nghiệt ấy đã ập tới, cắm phập vào ngực trái của anh. Long đứng khựng lại. Máu xịt ra thành vòi, bắn cả vào mặt tên cướp khi hắn rút dao ra, bỏ chạy về phía chiếc Honda 67 đang nổ máy chờ sẵn ở phía trước mấy mét. Tên cướp bay lên yên sau và chiếc xe rồ ga vọt đi, mất hút...
Mọi chuyện xảy ra chỉ trong chớp nhoáng.
Hai tay ôm lấy ngực, Long loạng choạng đi về phía chiếc xe của mình. Máu và bọt khí cứ theo nhịp thở trào ra, ướt đẫm chiếc áo trắng và tuôn xuống mặt đường. Người khách nước ngoài vừa khóc vừa chạy lại đỡ anh, cũng là lúc anh quỵ xuống, mặt trắng bệch, miệng há ra hớp lấy không khí. Lúc ấy, người ta mới xúm lại và đưa anh vào Trung tâm cấp cứu.
Chín giờ tối, Hạ nhận được điện thoại của mẹ Long. Khi ấy, ba mẹ Hạ đã đi dự một cuộc chiêu đãi. Bằng một giọng u buồn, mẹ Long cho Hạ biết vắn tắt về chuyện đã xảy ra. Hiện Long đang nằm trong phòng giải phẫu của Trung tâm cấp cứu. Trong một phút bừng tỉnh, anh xin được mọi người giúp đỡ báo tin về gia đình. Khi được biết ba mẹ đã hay tin và đang ngồi chờ bên ngoài, anh tha thiết nhờ cô y tá nói giúp với mẹ điện thoại báo tin cho Hạ biết.
Máy bên kia đầu dây đã gác, mà Hạ vẫn còn đứng chết sững với chiếc ống nghe để bên tai. Những tiếng “tút, tút” cứ đều đều vang lên, lạnh lùng. Long bị một tên cướp đâm trúng ngực trái, vết thương rất nặng, sợ không qua khỏi. Trời ơi! Sao chuyện đó lại xảy ra với Long vậy trời?
Hạ để nguyên bộ quần áo đang mặc trong nhà, lấy xe anh Vũ chạy như bay đến bệnh viện.Vết thương rất nặng. Sợ không qua khỏi. Nước mắt ràn rụa tuôn trên mặt Hạ. Long, đừng, Long đừng chết Long ơi! Hạ sẽ đến ngay đây. Long sẽ không chết đâu. Long không thể chết được!
Ba Long đón Hạ từ ngoài cổng. Nét mặt ông hết sức bình tĩnh, nhưng khi ông đưa tay ra cầm lấy tay Hạ, bàn tay ấy cứ run lên từng chập. Họ cùng vào trước phòng mổ. Đã có mẹ Long ngồi sẵn ở đấy, nét mặt tang thương. Cánh cửa phòng đóng chặt. Thật lâu, mới có một người mặc áo blouse ra vào, vội vã. Mẹ Long cứ thấy họ là dợm đứng lên định hỏi, nhưng người thì khoát tay, kẻ lại làm ngơ bỏ đi.
Thời gian như chết cứng trong gian phòng đợi. Cuối cùng, một vị bác sĩ đứng tuổi bước ra, vẻ mệt mỏi, bơ phờ. Bước tới trước mặt ba má Long, ông chậm chạp bằng một giọng khản đặc:
- Thưa ông bà, chúng tôi rất tiếc... Chúng tôi đã làm hết sức, nhưng vết thương của cậu ấy quá nặng...
Mẹ Long chỉ kêu lên được một tiếng “Con ơi!” xé lòng, rồi đổ ập người xuống. Cảnh vật bỗng quay cuồng trước mắt Hạ. Ông bác sĩ với vẻ mặt méo mó. Những ngọn đèn nêông ngả nghiêng. Và mặt đất bỗng chao đi dưới chân cô...
Lúc ấy là 23 giờ 25 phút.
Cuối cùng mẹ Hạ cũng tìm ra được là cô đang ở đâu. Nhờ tên tuổi của hai ông bà, một chiếc xe của bệnh viện đã đưa Hạ về đến nhà vào lúc hai giờ sáng. Nét mặt cô lạnh như băng giá khi bước vào nhà. Cô không nói một lời với cha mẹ đang lo âu đứng chờ sẵn, bỏ đi một mạch lên phòng, khóa kín cửa lại rồi buông người nằm vật xuống giường.
Sát bên chỗ vết thương ác nghiệt, là chiếc túi áo ngực trái của Long. Trong ấy có một ít giấy tờ, và một lá thư viết cho Hạ. Tất cả đều ướt đẫm máu. Mọi thứ được trao lại cho gia đình Long. Lá thư, dù lem nhem những máu, vẫn còn có thể đọc được. Và Hạ đã được ba Long đưa cho lá thư ấy. Trong bệnh viện, khi đã hồi tỉnh, cô ngồi vừa đọc nó vừa khóc. Có lẽ đây là lá thư Long đã định viết từ lâu, nhưng mãi đến lúc cách đây hai ngày khi vừa thi xong, anh mới viết được. Viết được, nhưng vẫn chưa xong. Một lá thư còn đang dang dở, nửa chừng.
Hạ ơi,
Cuối cùng thì Long vẫn không thể thắng được trái tim mình. Long phải viết thư cho Hạ, để Hạ hiểu rõ vì sao Long lại thay đổi như vừa qua. Không, không hề có một sự thay đổi nào đâu, Hạ ạ. Long đã khổ tâm lắm khi phải tự giày vò mình trong vở kịch tồi tệ ấy. Càng muốn xa Hạ, Long càng thấy buồn không chịu nổi. Long phải viết ra đây, để Hạ đọc và tùy Hạ...
Hôm sinh nhật Hạ, trên đường di, Long đã bất ngờ gặp phải một chuyện không hay. Cho Long được miễn kể chuyện này, chỉ biết là qua đó, Long đột nhiên nhận thấy tốt nhất là Long đừng nên mơ tưởng gì về Hạ. Trên con đường đi sắp tới của Hạ, sẽ không có một chút xíu đất nào dành cho dù một bước chân của Long. Và cuộc đời của mỗi đứa, ngay sau năm học này, sẽ tách ra làm hai, chỉ mong gặp lại ở vô cực.
Thế là Long bỗng nổi điên lên, quyết định không thèm tới dự sinh nhật của Hạ nữa, không cần chơi với Hạ nữa. Long cũng phải có tự ái của Long chứ! Tại sao người ta có thể khinh Long quá như vậy?
Nhưng Hạ ơi, Long không thể, không thể dối Hạ được nữa! Long thương Hạ lắm, Hạ biết không? Thấy Hạ cứ buồn hoài, Long rầu muốn chết đi được...
Lá thư dừng ngay ở đó. Có lẽ Long còn muốn nói nhiều điều. Hay có thể đến đó thì trong anh lại nổi lên cuộc dằn vặt nội tâm, nên hay không nên viết cho Hạ lá thư này? Những điều bí mật đó đã ra đi vĩnh viễn cùng Long. Nhưng có một bí mật mà Hạ đã mường tượng hiểu ra. Lạ lùng thay, với lá thư của Long trong tay, Hạ bỗng sáng suốt hẳn.Tại sao người ta có thể khinh Long quá như vậy? “Người ta” nào? Chuyện gì đã xảy ra trên đường Long tới nhà Hạ hôm sinh nhật? Mẹ! Phải rồi, chỉ có mẹ mới có thể làm cái chuyện gì đó thôi. Hôm ấy, gần đến giờ bắt đầu rồi, mà mẹ còn bỏ đi, nói là đi công việc. Chắc từ lâu mẹ đã âm thầm dò xét chuyện mình với Long. Mình nhớ rồi! Có một lần, mẹ đã làm như vô tình hỏi mình nhà Long ở đâu... Chẳng lẽ mẹ đã đến nhà Long để dằn mặt, hạ nhục gia đình Long, như lời mẹ đã có lần hăm dọa anh Vũ khi buộc anh phải cắt đứt với cô bồ có lý lịch xấu.
Trước khi lên xe bệnh viện về nhà, Hạ xin phép được vào thăm Long lần cuối. Anh nằm bất động, tấm vải liệm được hạ xuống tới cổ, mặt bình thản như đang ngủ. Hạ đưa tay vuốt ve nhè nhẹ khuôn mặt lạnh ngắt của người bạn trai thân thiết nhất đầu đời, từ trán lần xuống mắt, mũi, má, môi... Cô thì thầm:
- Hạ sẽ không bao giờ quên Long, Long ơi! Hạ thương Long lắm kia mà, Long không biết sao?
Đột nhiên, cô cúi xuống, hôn lên trán, lên mắt, và cuối cùng, lên môi Long. Nụ hôn họ chưa từng dám một lần trao nhau. Nụ hôn quá muộn màng. Hạ bỗng thấy trước mắt đôi mắt của Long ngày nào ở Văn Thánh, đôi mắt mở ra và đắm đuối nhìn cô, thật gần. Một chút trăng thấp thoáng phía sau. Gió lướt xào xạc trên những tàn dừa. Hơi thở của Long ấm áp... Mới ngày nào. Giờ đây, đôi mắt ấy đã khép chặt. Vĩnh viễn.
Vừa nức nở khóc, Hạ vừa chạy ào ra khỏi cửa nhà vĩnh biệt.
Lúc Hùng đem xe về rước họ đi, thì đám tang Long vừa mới diễn ra trước đó năm ngày...
*
* *
Ngay đêm đầu lên nông trường, Hùng đã rủ Thiện đi săn khuya, tìm đặc sản của rừng về chiêu đãi khách quý, để Hằng, Hân, Hoa được tha hồ tâm sự. Bao nhiêu là chuyện được ba cô bạn trút ra kể lể. Cuối cùng thì Hân và Hoa đã thuyết phục được Hằng chịu cùng về. Họ sẽ ở lại thêm một ngày nữa...
Gần hai giờ sáng, Hùng và Thiện mới về, với một con mễnh nặng khoảng chục ký. Trong khi Hùng lăng xăng trổ tài... chỉ đạo bếp núc cho vài đồng đội, Hằng ngồi im trong bóng tối, lặng lẽ nhìn anh. Mình sẽ nói như thế nào cho anh ấy biết mình đã quyết định trở về? Anh ấy sẽ nghĩ sao? Mà chính anh ấy cũng đã khuyên mình nên trở về học lại kia mà! Nhưng sao mình cứ thấy bứt rứt thế nào ấy. Như thể mình là người bỏ cuộc nửa chừng. Bỏ lại anh ấy, nơi đây, một mình. Nhưng anh ấy còn đồng đội, còn ngôi trường. Bao nhiêu năm qua anh ấy đã sống như vậy, với hình bóng một cô Châu nào đó. Đã sao đâu? Chừng nào chán thì về, anh không giữ. Anh đã nói như vậy. Và vậy là mình đã chán, nơi đây, với những con người này? Một học viên đã hỏi mình: “Cô sẽ dạy tụi tôi được mấy ngày?” Mình hỏi lại, sao anh lại nói vậy. Anh ta nhún vai: “Tôi thấy cô thuộc về một thế giới khác. Không cùng loại với tụi tôi.” Vậy đó. Chỉ lên tới trên đây, mình mới được hiểu có những người như thế ấy ở Sài Gòn. Lúc trước, họ ở khắp chung quanh mình, vậy mà chẳng bao giờ mình ý thức được về sự hiện diện của họ. Cái thế giới của mình sao chật hẹp quá...
Đoàn Hùng đi ngang qua và dừng lại trước mặt Hằng:
- Bạn bè lên chơi mà sao ngồi buồn vậy?
Hằng bật thốt:
- Ngày mốt em về.
Hùng khựng người lại:
- Vậy à?
Anh định nói gì đó, nhưng bất chợt quay lưng, hấp tấp bỏ đi. Hằng vội vã gọi:
- Anh Hùng!
Hùng đứng lại:
- Gì đó?
- Hồi chiều tới giờ, em quên cảm ơn anh đã đưa bạn của em lên. Anh tốt với em quá!
Hùng cười:
- Có gì đâu! Đừng bao giờ nghĩ tới chuyện ơn nghĩa với anh, nghe chưa cô bé?
Anh lại bước đi, cái dáng hơi khòm giờ đã trở nên quen thuộc.Tướng anh là tướng cực, suốt dời làm culi cho người ta. Anh đã từng nói đùa với Hằng như vậy. Rồi cười. Anh có một nụ cười rất hiền lành. Trên bàn anh, có tấm ảnh một cô gái cũng có nụ cười hiền lành như vậy. Hôm Hằng mới nhìn thấy tấm ảnh lần đầu, anh nói ngay: “Châu đó!”. Không hiểu sao Hằng cứ thấy cô Châu có nét gì đó rất quen thuộc. Như đã gặp ở đâu đó mấy lần rồi. Cô cứ theo bắt anh kể thêm cho cô nghe về Châu, nhưng anh lắc đầu: “Thôi, anh kể hết rồi. Chuyện chỉ vậy thôi.”
Chỉ vậy thôi, mà anh vẫn không hề quên chị ấy. Nói mãi, anh mới đưa cho Hằng xem tập thơ chép tay của anh, cả trăm bài. Hằng đọc thấy lúc nào cũng có chị ấy bên trong những dòng thơ. Cô nhớ lại đêm thơ ngày nào ở Đầm Sen.. Không, đây mới chính là thơ tình. Những bài thơ của Minh so với tập thơ này, chỉ là những tờ giấy hàng mã không hơn không kém.
Có một bài thơ lẻ loi, có cái tựa khá kì lạ “Không phải Châu”, chỉ có bốn câu, được viết rất tháu, nhưng Hằng lại rất thích:
Một phương nao chàng tả tơi, rách nát
Xin cho em theo làm kẻ đồng hành
Em vá đời chàng bằng lời ca tiếng hát
Chàng vá đời em bằng tình yêu mong manh
Hằng hỏi, thì Hùng nói:
- Hôm đó uống rượu say quá, tự nhiên thấy buồn dễ sợ. Chợt mong có một ngày, sẽ có một người nào đó tìm đến với mình. Theo kiểu “dắt díu nhau mà đi” đó mà! Tỉnh lại, thấy mình nhảm nhí quá. Nhưng thôi, cứ để làm kỷ niệm.
Hằng nhìn Hùng đăm đăm:
- Nhưng anh đâu còn yêu ai nữa?
Hùng cũng nhìn lại Hằng bằng một đôi mắt sáng rực:
- Sao em biết?
Cái nhìn làm Hằng thấy sờ sợ. Đôi lúc cô cứ ngạc nhiên, không hiểu tại sao Hùng tốt với cô như vậy. Chỉ là một thứ lòng tốt đơn thuần? Hay còn một điều gì nữa? Không lẽ vậy, vì thái độ Hùng đối với cô luôn rất tự nhiên. Như một ông anh. Không thể có điều gì phàn nàn về anh được.
Và bây giờ thì mình sắp bỏ lại tất cả. Dự đoán của người học viên là chính xác. “Cô sẽ dạy tụi tôi được mấy ngày?” Vâng, xin lỗi tất cả các bạn. Cuộc đời tôi còn quá nhiều ràng buộc ở cái thành phố xa lắc dưới kia. Quá khứ và tương lai của tôi đều nằm ở nơi ấy. Tôi không thể làm kẻ đồng hành với các bạn. Tôi thuộc về một thế giới khác kia mà!
Suốt ngày hôm sau, Hùng biến đâu mất. Anh nhắn người cho Hằng biết là anh phải đi kiểm tra các đội sản xuất, ở khá xa, chắc là chiều tối mới về được. Anh đã bố trí người thay anh đưa Hằng và các bạn đi vào rừng chơi. Nhưng nhớ trưa phải về, ăn cơm, nghỉ ngơi, để có sức cho chuyến về sáng hôm sau.
Cả ba người bạn của Hằng đều không chịu nghe lời Hùng. Suốt buổi chiều, Hằng lại phải đưa họ đi tham quan khu doanh trại, nương rẫy. Hoa xin cho bằng được một bụi gừng to tướng. Hân thì nhận một tấm thớt bằng cây rừng bự chảng, quà tặng của anh bạn thanh niên xung phong mới quen, với lời quảng cáo “bảo đảm xài tới đời cháu ngoại”. Chỉ có một nơi Hằng không dám đưa các bạn vào. Đó là khu trường. Hằng đã hiểu các học viên ở đây hoàn toàn không thích những người khách lạ tới tham quan, ngắm nghía họ. Cùng lắm là hỏi han, ban bảo, hứa hẹn vài lời, rồi đi.
Bữa cơm chiều, Hùng vẫn chưa về. Anh và giám đốc Thoại ở tầng trên của căn nhà dùng làm văn phòng ban giám đốc nông trường, chỉ cách căn nhà Hằng ở có vài bước chân. Cô được một phòng trên gác, nhìn ra mặt hồ. Thủy, cán bộ văn hóa nông trường kiêm phụ trách thư viện - đặt ở tầng dưới - thì ở cùng gác với Hằng trong căn phòng phía trước, nhìn ra núi. Thủy cũng còn độc thân, cho nên Thoại, Hùng và Hằng, Thủy thường lấy cơm ở bếp tập thể về ăn chung cho vui, thỉnh thoảng có bổ sung thêm ít thức ăn cải thiện hoặc được tiếp tế. Mới đây, Thoại về thành phố học quản lý kinh tế, bên căn nhà ấy chỉ còn có mình Hùng và một người cần vụ ở tầng dưới. Ngồi trò chuyện với các bạn, thỉnh thoảng Hằng lại nhón lên, nhìn qua gác Hùng. Nhưng cánh cửa vẫn đóng kín, và căn gác tối đen. Cuối cùng bạn bè cô đều mệt mỏi, nằm lăn ra chiếu, trùm mền nói chuyện được thêm vài câu rồi mạnh ai nấy ngủ tự lúc nào không biết. Thiện được bố trí một chiếc ghế bố Liên Xô dưới thư viện và đã cáo lỗi đi ngủ từ lâu. Khá khuya, Hằng vẫn thao thức không ngủ được. Ngày mai, cô sẽ từ biệt nơi đây, và không chắc có ngày trở lại. Chỉ mới vài tháng, nhưng dẫu sao, cũng đã có nhiều kỷ niệm. Hùng nghĩ sao mà vào ngày cuối cùng cô ở đây, anh lại bỏ đi? Câu hỏi ấy cứ trở đi trở lại mãi trong Hằng. Vì công việc thật sự, hay vì anh đã giận khi hay tin cô quyết định trở về?
Có tiếng xe rì rì lên dốc Lầm Bầm. Hằng ngồi dậy, hé cửa sổ ra nhìn. Xe Hùng về. Lên tới đỉnh dốc, không hiểu sao nó lại tắt máy, tắt đèn và êm ái trôi xuống, tấp vào khu kho bãi bên kia bờ hồ. Hằng căng mắt ra nhìn. Trong ánh sáng lờ mờ từ những ngôi sao xa xăm trên cao, cô thấy chính là Hùng đang đi bộ trên bờ đê, qua cầu và đi vào doanh trại. Vẫn cái dáng khòm khòm quen thuộc. Cô lại chuyển qua cánh cửa sổ bên hông nhà. Hùng đến trước cửa nhà anh, có vẻ mệt mỏi, tựa người vào khung cửa một lúc, nhìn qua phòng Hằng, dường như anh đang say rồi mới bước vào. Căn phòng trên gác mãi vẫn tối đen, rồi bóng anh bước ra ban-công nhìn ra hồ, cầm theo một chiếc ghế. Anh ngồi đó và hút thuốc. Đốm lửa cứ lập lòe trong đêm, nhức buốt.
Hằng thở dài, nhè nhẹ nằm xuống bên hai bạn. Đêm đó, cô cũng thức trắng.
Sáng hôm sau, Hằng đưa ba bạn qua chào Hùng để về thành phố. Hùng tươi tỉnh đón họ:
- Chà, xin lỗi các bạn lắm nghe. Hôm qua kẹt quá, xe lại hư dọc đường, khuya lắc khuya lơ mới về được. Khách quý lên mà chủ nhà lại không có mặt để tiếp đón, bậy quá!
Chỉ có mình Hằng mới thấy vẻ mệt mỏi ẩn giấu trong đôi mắt của Hùng. Gương mặt anh cũng xanh tái hơn ngày thường.
Hoa nói:
- Có gì đâu anh. Hôm qua tụi em cũng vui lắm!
- Rồi, vậy là không giận phải không, xin mời tất cả cùng ngồi. Các bạn thấy trên này thế nào? Đẹp không?
- Tuyệt vời! - Thiện nói.
- Mới ở một ngày làm sao thấy hết được. - Hùng vui vẻ. - Phải các bạn ở đây được vài ngày, tôi đưa lên Buôn Mê Thuột chơi, đi thăm thác Trinh Nữ, thăm chợ Quảng Đức cho biết, ở lại đi!
- Dạ thôi, tụi em phải về. - Hân nói.
- Thôi được. Trên này chẳng có gì, tôi xin phép tặng mỗi bạn một giò lan và ít cà phê làm quà cho gia đình. Tất cả để sẵn trong xe hết rồi. Chúc lên đường bình an.
Anh bắt tay từng người. Đến Hằng, anh cười:
- Sao? Về thành phố mà mặt cô này buồn vậy? Đừng buồn nữa nghe chưa.
Hân, Hoa và Thiện lặng lẽ rút lui. Hằng nói:
- Anh Hùng, em xin cảm ơn anh về tất cả những gì đã qua.
- Đã nói đừng nói chuyện ơn nghĩa mà. - Hùng nhăn mặt, rồi thêm. - Thôi, được rồi. Muốn cảm ơn phải không? Vậy hãy hứa với anh sắp tới em không buồn nữa, ráng giữ gìn sức khỏe, cố gắng học lại thật tốt, và... nếu tử tế thì thỉnh thoảng nhớ tới những ngày trên đây một chút.
Hằng nhìn Hùng bằng một cái nhìn sâu thăm thẳm:
- Một chút thôi sao?
Hùng hơi khựng người, rồi hạ giọng, mắt cũng nhìn Hằng đăm đăm:
- Anh không dám mong gì hơn.
Hằng hỏi, giọng nhẹ như hơi thở:
- Sao hôm qua anh không ngủ?
Họ vẫn nhìn nhau.
- Sao em biết?
- Em cũng không ngủ được. Anh nói đi.
Họ vẫn nhìn nhau.
- Chẳng có gì đâu. Anh chỉ hơi buồn một chút. Nhưng thôi... Em về là phải rồi. Đi đi, kẻo các bạn đợi.
- Anh nhớ giữ gìn sức khỏe. Đừng uống rượu nhiều. Mai mốt về, nhớ ghé thăm em?
Họ vẫn nhìn nhau. Và Hùng nhẹ gật đầu.
Xe vượt qua cầu, chạy qua bờ đê rồi bắt đầu lên dốc. Suốt quãng đường, Hằng cứ quay lại nhìn căn nhà bên bờ hồ, nơi ban-công có một người đang đứng nhìn theo họ. Một người, lẻ loi và cô quạnh. Bỗng dưng, Hằng thấy cay cay ở mắt.
*
Hân bước vào sân trường. Khoảng sân giờ đây bỗng rộng mênh mông, trống vắng đến lạnh lùng đầy những lá rụng và hoa tàn. Những cánh phượng lẻ loi còn sót trên cành cứ nhè nhẹ buông mình theo từng cơn gió, luyến tiếc chao lượn trên không trung, chập chờn như những cánh bướm đỏ. Mùa hè đang đi qua. Cái mùa hè cuối cùng của đời học sinh trong một năm học đầy biến động.
Hôm nay, tình cờ đi qua, như thể thói quen cứ đưa mình theo những “đường xưa lối cũ”, bỗng dưng Hân thấy thèm đặt chân vào thăm lại trường, lớp. Cô dừng xe, bồi hồi dắt qua cổng. Mới ngày nào cô còn đứng phía trước cánh cổng này trong ngày khai trường, nôn nao chờ các bạn tới và gặp Hằng đầu tiên. Vậy mà giờ đây... Biết bao nhiêu đổi thay! Lần đầu tiên trong cuộc đời, Hân bắt đầu ý thức được sự tạm bợ và phù du của kiếp người. Cô cảm thấy buồn man mác.
Chú Năm bảo vệ chỉ cười khi nghe Hân xin vào thăm trường. Năm nào mà lại không có mấy cô cậu đa cảm như thế này. Dẫu sao những năm trung học cũng là quãng thời gian đẹp nhất của một đời người. Chia tay với nó, làm sao không tiếc nuối?
Hân chậm rãi đi qua sân trường. Cô dừng lại bên chiếc ghế đá nơi cô và nhóm 4H vẫn thường ngồi trò chuyện trong giờ ra chơi, đưa tay nhẹ vuốt ve nó, rồi ngồi xuống, nhìn quanh. Bên dãy nhà đối diện kia, trên lầu, căn phòng ngoài cùng là lớp 10A2 của cô ngày nào. Năm ấy, cô chỉ có Hoa là bạn cũ từ lớp 9 lên. Hằng và Hạ thì từ trường khác về. Họ quen nhau và thân nhau từ trong phòng học ấy. Ở dãy nhà ngang bên tay phải Hân, cũng trên lầu, khoảng giữa, là lớp 11A2. Năm vui nhất, vì cả lớp đã hoàn toàn thân thiết, mà việc học cũng không quá mức căng thẳng. Rồi trở lại dãy nhà đối diện, tầng trệt, căn phòng ngay trước mặt Hân là lớp 12A2 vừa qua. Căn phòng đóng kín các cửa, trông lạnh lùng và tối tăm, như đang chìm trong giấc ngủ. Những hình ảnh thầy cô, bạn bè, những kỷ niệm vui buồn trong suốt ba năm học, cứ lần lượt hiện ra trong ký ức Hân.
Hân, Hạ, Thiện đều thi đậu vào đại học. Hoa không may, thiếu vài điểm, chỉ buồn có năm phút, rồi cười, nói như vậy cũng khỏe, học hệ B có nhiều thời giờ đi chơi hơn. Mọi người đều xót xa thương cho Long. Anh là người có số điểm cao thứ ba trong cuộc thi vào Bách khoa. Định mệnh ác nghiệt đã dành cho anh một số phận qua ngắn ngủi. Cái chết của anh đã làm cho nhóm bạn thân không còn lòng dạ nào để tổ chức hoặc tham dự những cuộc liên hoan và chia tay.
Tất nhiên, Hạ là người buồn nhất. Cô gầy sút hẳn, trở nên câm nín và xa cách. Ngay cả trong gia đình cô cũng chẳng trò chuyện với ai. Chỉ một lần duy nhất, Hạ tâm sự với các bạn về sự can thiệp của mẹ. Bọn Hân, Hoa, rồi sau đó là Hằng tìm đủ cách an ủi cô. Rằng đó là chuyện của số mệnh nghiệt ngã. Mẹ Hạ không có lỗi trong cái chết của Long. Nhưng Hạ vẫn không nguôi nỗi đau. Cô vẫn cảm thấy mình và gia đình có lỗi vì đã đối xử không đúng với anh. Sao cô không hiểu được cho anh, không nhận ra vì sao anh lại thay đổi như vậy? Vì cô quá ích kỷ, chỉ nghĩ đến phần mình? Vì cô không tin vào tình cảm của mình, của anh? Để anh phải chết với một nỗi oan tình còn mang nặng.
Hằng về ở lại với bố trong căn nhà cũ. Ông Quang đã xin nghỉ, với một số dự tính hoạt động sản xuất và kinh doanh, nhưng cũng chưa đâu vào đâu. Ông có vẻ hối hận nhiều. Cả hai cha con giờ đây cùng sống khép kín trong căn nhà ấy. Hoa thì gần như ở suốt ngoài chợ. Mẹ cô muốn giao hẳn sạp hàng cho cô. Những cuộc gặp gỡ của nhóm 4H, dù đang vào thời gian rỗi rảnh nhất, cũng rất hiếm khi diễn ra đông đủ.
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tạiwww.gacsach.com- gác nhỏ cho người yêu sách.]
Mới chưa đầy một năm! Liệu đến bao giờ thì nhóm 4H sẽ tan tác, mỗi người một cuộc đời, và những ngày qua sẽ chỉ còn là kỷ niệm, mờ dần theo năm tháng? Còn đâu phút uống sirô ăn thề, còn đâu lời nguyền chắc như đinh đóng cột sẽ kết môđen cho đến ngày đám cưới cháu ngoại nhất định sẽ mời nhau đi dự? Mới đó mà mọi chuyện đã quá xa xăm, như cổ tích.
Hân thở dài. Chưa đầy một năm! Sao có quá nhiều chuyện buồn lòng vậy? Hân thật tình không hiểu được. Tại sao mẹ Hằng lại có thể yêu người khác, còn ba của cô thì sa vào chuyện sai trái như thế ấy? Tại sao mẹ Hạ lại nỡ đối xử với con và với bạn bè của con như vậy? Giờ đây Hạ làm sao có thể kính trọng mẹ được nữa? Rồi tại sao thầy Minh lại có thể có gì đó với Hằng, và buông rơi cô trong lúc đang khó khăn nhất? Nghe nói trong kì hè, ông ấy đã làm đơn xin nghỉ dạy để chuyển về làm cộng tác viên biên tập cho một tờ báo cuối tuần ở tỉnh. Môi trường giáo dục không còn chỗ đứng cho một “nghệ sĩ” như ông, hay tự thân ông cuối cùng đã tìm được một việc làm đúng như vẫn từng mơ ước? Và tại sao ông Quyến lại nuông chiều Ngôn như vậy, mà ban giám hiệu thì nuông chiều ông, để rồi giờ đây Ngôn phải chịu một bản án ba năm, hết cả một phần đời? Tại sao con người lại có thể cầm dao đâm chết đồng loại, để lại cho nhau bao nhiêu đau khổ và mất mát? Và tại sao mọi người lại dửng dưng nhìn tên cướp bỏ chạy, để mình Long phải chống chọi với hắn? Tại sao những người lớn sống như vậy, khác hẳn những điều mà những người trẻ vẫn thường được dạy dỗ, để cuối cùng không còn ai biết tin vào ai nữa?
Hân thở dài, đứng dậy, ra về, chân cố tránh giẫm lên những xác phượng đỏ rực sân trường. Đó là chút tấm lòng còn lại của cô đối với những năm tháng học trò nay đã là dĩ vãng.
Mùa hè đã vĩnh viễn đi qua.
N.Đ.T.
(5-10-1990)
HẾT