Số lần đọc/download: 2494 / 48
Cập nhật: 2015-08-04 21:17:31 +0700
Chương 11: Ở Châu Âu Có Một Thượng Đế Khác Hay Sao?
K
a bên trưởng lão khả kính.
Người ta thấy Ka ra khỏi khách sạn và chạy trong mưa tuyết về phía ngõ Baytarhane dưới những lá cờ tuyên truyền bầu cử. Lòng ông tràn ngập hạnh phúc và xúc động đến nỗi trên màn ảnh của trí tưởng tượng chiếu cùng lúc hai bộ phim - như trong những khoảnh khắc hạnh phúc tột độ hồi thơ ấu. Trong phim đầu lặp đi lặp lại Ipek và ông làm tình ở một nơi nào đó bên Đức, nhưng không phải trong nhà ôngở Frankfurt. Hìnhảnh tưởngtượngnàyluônhiệntrước mắt ông, và đôi khi địa điểm mà hai người ngủ với nhau là phòng khách sạn ở Kars. Bộ phim thứ hai trong đầu toàn những câu thơ và ảo ảnh dính dáng đến hai dòng cuối của bài thơ "Tuyết".
Ban đầu ông vào nhà hàng Đất Xanh chỉ để hỏi thăm địa chỉ.
Nhưng rồi ông ngồi xuống bàn, do bị dãy chai lọ trên giá kê bên cạnh chân dung Atatürk và những bức phong cảnh tuyết ở Thụy Sĩ hấp dẫn. Với vẻ dứt khoát của một người đang rất vội, ông gọi một ly đúp rượu hồi Raki, pho mát Feta và lạc rang. Phát thanh viên trong ti vi nói, mặc dù tuyết rơi dày, mọi công việc chuẩn bị cho buổi truyền hình trực tiếp đầu tiên bên ngoài trường quay trong lịch sử Kars đang sắp hoàn tất, sau đó tóm tắt vài tin địa phương và trong nước. Có vẻ như phó thống sứ đã gọi điện thoại cấm nhắc đến vụ ám sát ông hiệu trưởng đại học sư phạm trong phần thời sự, tránh sự việc lan rộng và khắc sâu thêm những mối thù nghịch. Cho đến khi nghe xong tin tức, Ka đã uống hai ly Raki đúp nhanh như uống nước lã.
Uống xong ly thứ ba, ông đi đến cổng bí thất. Cổng được mở từ bên trên qua nút điện. Trong lúc trèo lên cầu thang dốc ngược, ông nhớ đến bài "Cầu thang" của Muhtar vẫn giữ trong túi ngực. Ông tin chắc là mọi việc sẽ ổn thỏa cả, tuy nhiên vẫn có cảm giác như một đứa trẻ sợ sệt khi bước vào phòng mạch cho dù biết là sẽ không bị tiêm. Lên đến tầng trên, ông hối tiếc đã đi tới đây: một nỗi lo thắt ngực ông.
Thoạt nhìn thấy Ka, vị trưởng lão khả kính đã nhận ra ngay nỗi lo đang chế ngự trong tim ông. Và Ka cũng hiểu là trưởng lão nhận ra nỗi lo của ông. Nhưng có gì đó từ trưởng lão khiến Ka không lấy thế làm xấu hổ. Trên tường phía đối diện cầu thang có treo một tấm gương lồng trong khung chạm khắc bằng gỗ cây hồ đào ông nhìn thấy trưởng lão khả kính trong gương này trước tiên. Căn hộ lèn cứng như một hộp cá, không khí trong phòng nóng sực bởi hơi thở và nhiệt độ cơ thể người. Chưa rõ đầu đuôi ra sao. Ka đã thấy mình đang hôn tay trưởng lão khả kính. Mọi việc xảy ra trong chớp mắt, Ka còn chưa kịp để ý đến đồ vật xung quanh lẫn đám người trong phòng.
Một nhóm chừng hai chục người cùng tới đây để dự lễ cầu Thượng đế đơn giản vẫn diễn ra vào các tối thứ Ba, lắng nghe lời trưởng lão cũng như kể cho ông những lo âu của mình. Năm, sáu chủ cửa hàng sữa, doanh nhân loại nhỏ hay chủ quán trà, luôn lấy làm hạnh phúc khi có mặt bên trưởng lão khả kính, một cậu bé hơi cà nhắc, ông chủ đội xe buýt mắt lác cùng một bạn lớn tuổi, nhân viên bảo vệ đêm của nhà máy điện, thường trực bệnh viện ở Kars với bốn chục năm thâm niên công tác và một vài người nữa.
Trưởng lão đọc thấy hết vẻ ngập ngừng trên mặt Ka, và hôn tay Ka với một động tác khá cường điệu. Đó là một nghĩa cử tôn kính, nhưng đồng thời lại có gì đó như của trẻ thơ. Mặc dù sẵn có linh cảm là trưởng lão sẽ làm việc ấy, Ka vẫn bị bất ngờ. Hai người bắt đầu trò chuyện. Cả hai đều ý thức rõ rệt là cả phòng đang nhìn chằm chằm vào mình.
"Cầu cho ánh sáng tỏa lên người con, vì con đã nhận lời mời của ta." trưởng lão nói. "Ta đã mơ thấy con. Trời có tuyết."
"Con cũng đã mơ thấy người, kính thưa sư phụ." Ka nói."Con đến đây để tìm hạnh phúc."
"Nếu con được phán truyền rằng hạnh phúc của con đang ở chốn này thì chúng ta cũng lấy đó làm hạnh phúc," trưởng lão đáp.
"Con đang sợ, ở thành phố này, trong nhà này." Ka nói tiếp."Mọi người đều quá lạ với con. Con luôn sợ những chuyện tương tự. Chưa bao giờ con muốn hôn tay ai, và cũng không muốn ai hôn tay con."
"Con đã cho người anh em Muhtar của chúng ta thấy vẻ đẹp nội tại của con." trưởng lão nói. "Lớp tuyết thiêng liêng đang liên tục rơi gợi nhớ tho con điều gì?"
Lúc này Ka mới nhận ra người đang ngồi trong cùng bên phải của chiếc ghế băng bọc đệm mà trưởng lão đang ngồi, ngay cạnh cửa sổ chính là Muhtar. Ông ta dán băng dính trên trán và mũi. Để giấu vết tím bầm quanh mắt, ông đeo một cặp kính mát to bản, mắt kính sẫm màu, trông như một ông già bị mù vì đậu mùa. Muhtar mỉm cười với Ka nhưng không biểu lộ chút gì thân thiện cả.
"Tuyết làm con nghĩ về Thượng đế." Ka nói. "Tuyết nhắc nhở con rằng thế giới này, cả tuyết nữa, kỳ bí và tươi đẹp xiết bao, và thực ra được sống là một may mắn." Khi nói hết, ông nhận ra ánh mắt mọi người trong phòng vẫn hướng vào mình. Ông bực dọc khi thấy rõ ràng trưởng lão rất khoan khoái với tình cảnh này. Ka hỏi ông: "Tại sao người gọi con đến đây?"
"Xin Thượng đế che chở." trưởng lão nói. "Qua những gì Muhtar kể lại, chúng ta đã nhận ra rằng con đang tìm một người bạn để giãi bày và chuyện trò."
"Vâng, vậy chúng ta hãy chuyện trò với nhau," Ka đáp lại."Vì sợ mà con đã uống ba ly Raki trước khi đến đây."
"Vì sao con lại sợ chúng ta?" trưởng lão hỏi và mở to mắt, làm ra vẻ ngạc nhiên. Ông là một người to béo, thân thiện và Kathấy những người ngồi quanh ông cũng mỉm cười. "Con không muốn nói tại sao con sợ chúng ta hay sao?"
"Con nói cũng được, nhưng không muốn cha giận con vì thế," Ka giải thích.
"Chúng ta sẽ không giận," trưởng lão trả lời. "Con hãy ngồi xuống cạnh ta! Biết được lý do tại sao con sợ là cực kỳ quan trọng đối với chúng ta."
Trưởng lão nửa trầm tư, nửa như một diễn viên sắp làm các môn đồ phá ra cười. Chưa kịp ngồi xuống ghế Ka đã thấy thích thú trước phong thái ấy và quyết tâm bắt chước.
"Con luôn mơ ước với một thiện ý ngây thơ là đất nước con phát triển, mọi người dân ở đây được sống trong tự do và tiến bộ."Ka nói. "Nhưng tôn giáo của chúng ta có vẻ như luôn luôn ngáng trở. Có thể con đã ngộ nhận. Xin cha tha lỗi! Có thể con chỉ nói ra điều đó bởi đã uống rượu.
"Xin Thượng đế che chở."
"Con lớn lên ởIstanbul, tại quận Nişantaşi, trong một cộng đồng khá giả. Con muốn được như người Âu. Vì con nhận ra là mình không thể vừa tin vào một Allah bắt phụ nữ trùm khăn và dùng mạng che mặt vừa đồng thời là một người Âu nên cuộc sống của con diễn ra xa cách tôn giáo. Lúc sang đến châu Âu, con mới cảm nhận được là có thể có một Thượng đế khác ngoài Thượng đế mà những kẻ quê mùa râu ria phản động vẫn nhắc đến."
"Ở châu Âu có một Thượng đế khác hay sao?", trưởng lão hỏi vẻ đùa cợt và xoa tay lên lưng Ka.
"Con muốn có một Allah mà đến tiếp kiến không cần cởi giày, không yêu cầu con hôn tay ai và phải quỳ gối. Một Allah hiểu nổi nỗi cô đơn của con."
"Allah là thế đấy" trưởng lão nói. "Người nhìn thấy tất thảy và hiểu mỗi người. Cả nỗi cô đơn của con nữa. Giá mà con tin vào Người và biết rằng Người nhìn thấy được nỗi cô đơn của con thì con đã không cảm thấy đơn độc."
"Rất đúng thưa trưởng lão và sư phụ kính mến!", Ka nói và nhận ra mình đang nói với mọi người trong phòng. "Vì con đơn độc nên không tin Thượng đế, và vì con không tin vào Thượng đế nên không trốn khỏi được nỗi cô đơn. Con phải làm gì đây?"
Ông say rượu và vô cùng thỏa mãn khi được nói tuồn tuột mọi mắc mứu ra trước mặt một trưởng lão bằng xương bằng thịt, nhưng mặt khác một phần trong ý thức ông vẫn cảm nhận rõ ràng là mình đang đi trên mảnh đất đầy hiểm họa. Vì vậy sự im lặng của trưởng lão làm ông kinh sợ.
"Có thật con muốn lời khuyên của ta?" trưởng lão hỏi."Chúng ta là những kẻ mà các con gọi là bọn quê mùa râu ria phản động đấy. Ngay cả khi cắt hết râu đi thì chúng ta cũng không rũ bỏ được bản chất quê mùa đâu."
"Con cũng là một kẻ quê mùa, con còn muốn quê mùa hơn nữa và được người ta quên đi trong khi tuyết rơi xuống những xó xỉnh xa vời nhất thế gian," Ka đáp. Một lần nữa ông hôn tay trưởng lão và không thấy việc đó khó khăn chút nào. Nhưng trong thâm tâm ông vẫn thấy có một phần trong mình là người phương Tây, một người khác hẳn, và trong tình thế hiện tại người đó đang coi thường ông.
"Tha lỗi cho con đã uống rượu trước khi tới đây," ông nhắc lại."Suốt đời con thấy mình có lỗi, vì con đã không tin vào Thượng đế của người nghèo, của những người thất học, các bà các cô trùm khăn, các chú các bác cầm tràng hạt trong tay. Sự hoài nghi của con quả là ngạo mạn. Nhưng bây giờ con sẽ tin vào Allah là người sai khiến tuyết rơi ngoài kia. Allah có thật, Người chú trọng sự đối xứng huyền bí của thế giới và làm cho con người văn minh hơn, tinh anh hơn."
"Tất nhiên Allah có thật, con trai của ta ạ," trưởng lão nói.
"Nhưng Thượng đế ấy không ở đây giữa các người," Ka đối lại. "Người ở ngoài kia, trong làn mưa tuyết đang rơi vào tim của đêm vắng, của tăm tối và của những kẻ tội nghiệp."
"Con định tự mình đi tìm Allah chứ gì? Vậy hãy đi đi. Ta mong mưa tuyết trong đêm đưa tình yêu của Thượng đế vào tim con! Chúng ta không muốn chặn đường con. Nhưng chớ quên rằng những kẻ tự kỷ và ngạo mạn mãi mãi cô đơn. Chính vì thói ngạo mạn mà Quỷ vương bị đuổi khỏi thiên đường đấy."
Sau này nghĩ lại, Ka sẽ xấu hổ vì lúc này lại một lần nữa ông thấy hoảng sợ. Hình dung những gì người ta sắp nói về ông, một khi ông đứng dậy ra đi, cũng không khiến ông vừa lòng. "Con phải làm gì đây, thưa trưởng lão và sư phụ kính mến?" ông hỏi. Ông định hôn tay trưởng lão lần nữa, nhưng lại thôi. Ông biết là mọi người nhận rõ ông đang dao động và say rượu, và vì thế coi thường ông. "Con muốn được như cha, được tin vào Thượng đế và làm một nông dân bình thường, nhưng con cực kỳ rối trí vì trong con ẩn một người phương Tây."
"Khởi đầu thế là tốt, nếu con đã có chủ ý tốt," trưởng lão nói. "Trước tiên hãy học tính khiêm nhường."
"Muốn thế phải làm gì ạ?" Ka hỏi. Tính châm chọc lại làm ông ngứa ngáy.
"Tối đến, sau khi ăn xong, những ai muốn nói chuyện với ta hãy ngồi vào góc ghế băng, nơi ta vừa đặt con ngồi xuống," trưởng lão giải thích. "Mọi người đều là anh em của nhau."
Ka nhận ra đám người ngồi trên ghế và gối trong phòng thực ra đang xếp hàng đợi được ngồi lên góc ghế băng. Ông đứng dậy, biết rằng trưởng lão dành nhiều chú ý cho họ hơn cho mình và lẽ ra, như một người Âu tốt nhất nên ngồi hàng tận sau cùng và kiên nhẫn chờ. Ông hôn tay trưởng lão lần nữa rồi ngồi xuống một chiếc gối tận ngoài rìa.
Ngồi cạnh ông là một người lùn tịt, trông vẻ thân thiện, răng hàm bọc vàng. Ông ta nhỏ xíu và Ka đang rối trí đến nỗi ông nghĩ người này tới đây để xin trưởng lão chữa cho tật còi cọc của mình.Ngày ông còn bé, ở Nişantaşi có một người lùn rất sang trọng, mỗi buổi chiều ông ta mua của những người Di gan ở quảng trường Nişantaşi một bó hoa violet hay một bông cẩm chướng lẻ. Người đàn ông ngồi cạnh Ka cho biết, ông là chủ quán trà ở phố Inönü và hôm nay có thấy ông đi ngang qua, tiếc là Ka không ghé vào quán nhưng ông mong Ka ngày mai sẽ vào uống trà. Lúc đó ông chủ đội xe buýt mắt lác xen vào, thì thầm kể là ngày xưa ông rất đau khổ vì một thiếu nữ, đâm ra rượu chè và quậy phá đến mức không chấp nhận Allah, nhưng sau này mọi sự qua đi và ông quên hết. Trước khi Ka kịp hỏi ông ta có cưới cô gái ấy không, ông ta nói tôi nhận ra là cô ấy không hợp với mình.
Trưởng lão đang phản đối chuyện tự sát. Tất cả im lặng nghe, vài người gật đầu. Ka và hai người ngồi cạnh thì thào trò chuyện tiếp. "Còn có mấy vụ tự tử nữa cơ," người lùn kể, "nhưng nhà nước ém đi, giống như bên dự báo thời tiết không báo trời trở lạnh hơn để tránh dư luận xôn xao. Nhưng lý do thực sự của đại dịch tự sát chẳng qua là vì họ đang gả bán mấy cô gái cho đám thầy tu già cả mà các cô không yêu."Ông chủ đội xe buýt phản đối: "Hồi mới quen nhau, vợ tôi cũng không ưa tôi." Nạn thất nghiệp, giá cả đắt đỏ, phi đạo đức và vô tín ngưỡng được ông ta nêu lên là lý do tự sát. Ka tự thấy mình đạo đức giả vì ông chấp nhận các lý lẽ của cả hai bên. Khi ông người lùn ngủ gật, ông chủ đội xe buýt mắt lác đánh thức ông ta dậy. Im lặng kéo dài hồi lâu, và Ka cảm thấy sự thanh thản dâng lên trong lòng: họ ở xa trung tâm thế giới đến nỗi chẳng ai nghĩ ra chuyện đi tới đó làm gì; và trước những bông tuyết như treo lơ lửng trong không khí ngoài kia, ông cảm thấy mình sống ngoài trọng trường của trái đất.
Khi không ai chú ý đến Ka nữa, ông chợt cảm thấy một bài thơ mới đang trên đường đến. Ông đem cuốn vở trong người, với những trải nghiệm thu thập được trong bài thơ thứ nhất ông hoàn toàn tập trung nghe giọng nói cất lên trong lòng mình và lần này viết hết ba mươi sáu vần thơ ra giấy, không nghỉ tay giữa chừng lần nào. Đầu óc lơ mơ vì Raki, ông không an tâm lắm với bài thơ, nhưng lòng vẫn tràn ngập cảm hứng. Ông đứng dậy xin phép trưởng lão và lao ra ngoài, ngồi xuống bậc thang của bí thất và đọc to những dòng ghi trong vở. Ông thấy nó hoàn hảo như bài thơ thứ nhất.
Bài thơ nói về những gì Ka vừa trải nghiệm và mục kích. Bốn dòng dành cho đối thoại với trưởng lão về sự tồn tại của Thượng đế. Ý tưởng hối lỗi của Ka về "Allah của người nghèo", liên tưởng về nỗi cô đơn, ý nghĩa kỳ bí của thế giới và cấu trúc đối xứng bí ẩn của cuộc sống, cũng như người đan ông răng vàng, người mắt lác và người lùn sang trọng tất cả cùng kể về cuộc đời mình. Thế nghĩa là gì? Ông tự hỏi trong khi ngạc nhiên về vẻ đẹp của những gì mình vừa viết ra. Bài thơ như của một người lạ viết vậy, và ông nghĩ chắc chính vì thế mình mới thấy được cái hay của nó. Nhưng ông cũng băn khoăn vì đã thấy nó hay, khi nghiền ngẫm lại bài' thơ cũng như cuộc đời mình. Làm thế nào ông hiểu được cái đẹp của bài thơ"
Đèn trên cầu thang tắt đánh cạch theo công tắc đặt giờ, tối om. ông tìm ra công tắc, bật sáng lên và nhìn vào trang vở trên tay lần nữa. Đầu đề bài thơ nảy ra trong óc. "Đối xứng huyền bí."Ông viết lên trên bài thơ. Sau này ông coi việc tìm ra tiêu đề bài thơ một cách sớm sủa như vậy minh chứng rằng tất cả những bài thơ ấy - giống như thế giới này - không phải do ông tự thiết kế.
Bài thơ này, giống như bài thứ nhất. sẽ được ông xếp chỗ trên trục LÝ TRÍ.