Books are the quietest and most constant of friends; they are the most accessible and wisest of counselors, and the most patient of teachers.

Charles W. Eliot

 
 
 
 
 
Tác giả: Nguyễn Vỹ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 63
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 12562 / 212
Cập nhật: 2015-01-28 14:16:33 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11 -
ng Vua mà còn bị Tây bắt, Tây đày đi xa, huống hồ là Dân. Họ sợ là sợ như thế đó. Đồng thời, như Lịch sử đã chép, các đảng viên trong phong trào Duy-Tân khởi nghĩa đều bị bắt, bị chém, bị đày đi Côn Lôn, bị tù ở các khám đường Quảng trị, Thừa thiên, Quảng nam, Quảng ngãi... Nhưng Lịch sử không chép tên tuổi một số thanh niên, hầu hết là các công chức, tư chức, các Thầy giáo các trường Pháp-Việt, bị liên can vào phong trào này. Một số đông bị tù, trong đó có thầy thông Vinh làm ga xe lửa Huế, chủ nhà trọ của Trần anh Tuấn. Hình như thầy có bí mật giao thiệp với một đảng viên quan trọng ở ngay Đế Đô.
Trần anh Tuấn về quê nghỉ hè, trong lòng không yên vì những biến cố kinh khủng ấy. Tuấn đi xe lửa vào Tu-Ranh, thuê xe kéo vào Faifoo rồi theo ghe bầu đi đường biển về tỉnh nhà. Tuấn lo ngại cho thân phận mình, không dám ghé thăm ông chủ chiếc ghe bầu ở Thu Xà, quen với thân phụ Tuấn, và có con gái muốn để dành gả cho Tuấn sau này. Xuống bến Thu Xà, công việc đầu tiên của Tuấn là kiếm đi mua một chiếc đòn gánh, cột nơi hai đầu hai gói lớn đựng quần áo và các sách vở học ở trường mà Tuấn đem hết về nhà để định học ôn lại trong ba tháng nghỉ hè.
Ngủ tạm tại nhà người chủ ghe vừa đưa Tuấn từ Hội an về, sáng hôm sau, trời vừa hừng đông. Tuấn đã thức dậy đặt đòn gánh lên vai, khởi hành đi chưn không về tỉnh. Cậu học trò đệ nhất niên, 13 tuổi, học ở Huế về, gánh hai gói hành lý nặng trĩu, đi đủng đỉnh trên con đường cái quan mới đắp, quanh co, gồ ghề, xa mười mấy cây số dưới ánh nắng oi ả của mùa hè. Trên quan lộ từ Thu Xà lên tỉnh, xe kéo bánh sắt cũng không có. Không có một loại xe nào cả. Tất cả mọi người đều đi bộ, nhưng họ chỉ đi từng chặng, chỉ có một vài người "các chú" đi lên tỉnh buôn hàng mà thôi.
Trời chạng vạng, Trần anh Tuấn mới về tới nhà. Chú Ba thợ mộc đang ngồi ăn cơm với thiếm Ba, mẹ Tuấn và đứa em trai của Tuấn, 5 tuổi, ở trần trùng trục, mũi dãi lòng thòng, bổng thấy Tuấn gánh hai gói hành lý trên vai đủng đỉnh bước vào sân. Đứa em trai thấy trước reo to lên :
- Ồ anh Hai về kìa, mẹ !
Tức thì thím Ba, chú Ba, và cả đứa nhỏ đều quăng đũa bỏ cơm, chạy lẹ ra sân đón Tuấn. Trong lúc chú Ba mừng rỡ đở gánh cho Tuấn, thì thím nhào vô ôm lấy thằng con trai, khóc nức nở... Thím mừng quýnh lên, chỉ biết ôm đầu Tuấn và khóc, không nói được một tiếng. Tuấn cảm động quá cũng rưng rưng nước mắt. Đứa em trai 5 tuổi nắm vạt áo dài của Tuấn, âu yếm ngó Tuấn :
- Anh Hai ơi ! Anh Hai... Mẹ có để dành trái mít chín để anh về ăn.
Một vài người thân thuộc đã gặp Tuấn ban chiều gánh hành lý trên vai, uể oải đi vào tỉnh, họ đều mừng rỡ, săn đón hỏi han. Rồi truyền miệng từ người này qua người khác, chỉ trong buổi tối ấy cả hàng phố đều biết tin Trần anh Tuấn đi học ở Huế đã về. Gặp nhau ngoài đường, người ta bảo nhau :"Thằng hai Tuấn, con chú Ba, đã về nghỉ hè. Coi nó bây giờ trắng và mập quá chừng !" Mấy ông già bà cả bảo : "Thằng Chuột con chú Ba thợ mộc đã về, đem về một mớ sách Tây ". Bà con cô bác kéo nhau đến thăm Tuấn, vui mừng náo nhiệt, chật ních căn nhà lá lụp xụp của chú Ba.
Vợ chồng chú Ba sung sướng quá, rối rít đi nấu nước, pha trà, têm trầu, bổ cau, mời khách. Dưới ánh sáng vàng hoe của ngọn đèn dầu phọng, chong trên chiếc bàn cũ kỹ kê giữa nhà, ai nấy đều chen chúc ngồi trên bộ ván và chõng tre chung quanh trò Tuấn, đua nhau hỏi những chuyện ở "Đế Đô". Họ tưởng tượng Huế như một cảnh ở Thiên Đình, rực rỡ oai nghiêm, xinh đẹp như ở xứ thần tiên hoa lệ. Ngồi nghe Tuấn kể chuyện, say mê nhất là đám thanh thiếu niên trong tỉnh. Vì Trần anh Tuấn là người học trò đầu tiên và duy nhất ở tỉnh nhà được đi trường Quốc Học ở Huế. Đối với các thanh niên và dân chúng ở tỉnh lúc bấy giờ, được đi học ở Huế là một vinh hạnh có lẽ còn hãnh diện hơn là sinh viên ta ngày nay được đi du học bên Anh, bên Pháp.
Tuy nhiên, đại đa số thanh niên vẫn còn theo Nho học. Họ còn do dự chưa dám hớt tóc, và chỉ một số ít mới "bắt chước" khởi sự học chữ Quốc ngữ. Những người học chữ Tây dĩ nhiên là còn ít hơn nữa. Vã lại, họ làm sao quên được phong trào lộn xộn vì vụ cắt tóc đã làm bao nhiêu người bị bắt,, bị chém, bị tù, hồi năm Mậu Thân 1908 cách đó mới 8 năm ? Đó là một cuộc hoạt động chính trị mà người Việt gọi là "Giặc Đồng Bào", tức là vụ "xin xâu".
Đề xướng và hăng hái cổ-võ phong trào lịch sử này là một nhóm thanh niên Nho học có tư tưởng trung quân ái quốc, trung thành với Hoàng Đế, và chống lại nước Pháp bảo hộ. Hầu hết nhóm thanh niên cách mạng này đều là những Nho sĩ đã thi đỗ Cử Nhân, Tú Tài. Người ta không được biết khẩu hiệu cách mạng từ đâu đưa ra, nhưng người ta thấy người vị tân khoa, đầu tóc cắt ngắn, chia hai nhóm đi rảo khắp cả làng. Một nhóm chuyên việc làm thơ và chép thơ trên những tấm giấy nhỏ đễ đi dán các nơi đình chùa, am miếu, hoặc các cửa ngõ tư gia. Toàn là những bài thơ cách mạng hô hào "đồng bào" rủ nhau, do đám thanh niên khoa cử nho học chỉ huy, đi ra tỉnh biểu tình xin bỏ các thứ xâu thuế, vì đồng bào nghèo khổ không có tiền nộp thuế.
Một nhóm khác cũng đi khắp cả làng, chuyên việc cầm kéo cắt tóc những đồng bào tình nguyện theo phong trào. Cuộc vận động cắt tóc trong toàn tỉnh này, đa số dân chúng không dám theo, nhưng vẫn có kết quả lớn lao và kinh khủng. Một số "đồng bào" -- cũng có nghĩa là "đồng chí" -- hầu hết là thanh niên Nho học, tụ họp tại tỉnh, có trên năm trăm người, tóc cắt ngắn sát da đầu, ngồi chòm hỏm chật đường từ Cửa Tây tỉnh thành đến trước cổng Toà Sứ. Lúc bấy giờ vào khoãng giờ Thìn (8 giờ sáng ) một buổi sáng đẹp trời, ánh nắng chiếu trên hai hàng cây sầu- đâu và cây dầu-lai-tây ngả rợp bóng xuống đường. Hai vị quan An nam đầu tỉnh -- Tuần vũ và Án sát -- lật đật sang hội thương với "Quan Công Sứ ", để tìm cach đối phó. Một lát sau, Quan Sứ, Quan Phó Sứ, Quan Giám Binh ( chỉ huy đội lính khố xanh ) và mười người lính tập ( lính khố xanh ) cùng với hai vị quan An Nam ra trước cổng. Viên Công Sứ truyền lịnh cho lính nạp đạn sẵn sàng và chĩa mũi súng ngay vào đám dân biểu tình ngồi lặng lẽ. Viên Công Sứ bảo Quan Tuần hỏi :
- Các chú tụ hộp nơi đây để làm chi ?
Mấy người người ngồi hàng đầu dõngđạc trả lời :
- Bẩm quan lớn, đồng bào nghèo đói không có tiền nộp thuế, xin quan lớn bẩm lại với quan Pháp-lang-sa tha bớt thuế cho đồng bào.
Viên Tuần vũ dịch lại tiếng Tây cho công sứ Pháp nghe. Người ta không biết quan An Nam dịch tiếng Tây có đúng hay không, nhung người thấy viên Công Sứ truyền lịnh cho lính khố xanh bắn ào đám biểu tình.
Một loạt súng nổ. Một số người ngã lăn ra chết, máu chảy lai láng. Tất cả những người còn sống đều hốt hoảng đứng dậy chạy tán loạn thoát ra ngoài Cửa Tây, bỏ lại trên đường gần ba chục xác chết. Quan An Nam còn muốn bảo lính đuổi theo bọn "đồng bào" và bắn nữa... bắn nữa... nhưng viên Công Sứ Pháp khoát tay, không cho . Sau đó mấy hôm, các quan Huyện, quan Phủ, được lính bắt đem nộp về tỉnh một số đông bào các ông Cử, ông Tú, và các đồng bào có đầu tóc ngắn. Hầu hết đều bị ở tù tại nhà lao tỉnh. Một số bị đày đi Côn Lôn. Một số đông khác nhờ vợ ở nhà bán ruộng đất đem tiền ra chuộc tội và lo lót các quan được khỏi tù.
Sự thực, đây chỉ là một cuộc biểu tình "xin xâu" của những "đồng bào" không có khí giới, không bạo động, nhưng quan An Nam gọi là "giặc đồng bào" và trong sử do người Pháp viết cũng gọi là "Giặc cắt tóc" (Guerre des Tondeux ).
Biến cố xẩy ra từ năm Mậu Thân, 1908, cách đấy đã 8 năm rồi. Nhưng đám thanh niên Nho học kế tiếp từ 1910 đến 1918 vẫn còn ghê sợ chuyện "cắt tóc bị tù" đến nổi họ vẫn không dám bắt chước bọn "học trò Nhà Nước" đã hớt tóc "carré" theo kiểu Tây.
Trần anh Tuấn, mới hồi nào là thằng Chuột để một chỏm tóc trên đầu, ở truồng cả ngày đi chơi rong ngoài dường phố, và sợ Ông Tây bà Đầm như sợ cọp, mà nay đi học ở Huế và nghỉ hè, đem về một cái đầu tóc "cúp rẽ giữa", "văn minh" quá, mới lạ quá, được bà con trong tỉnh trầm trồ ngắm nghía...
Đám học trò của thầy Tú Phong, luôn luôn giữ đúng theo nề nếp nhà Nho, và trung thành với Khổng giáo. Nhưng ông Tú cũng đã bị bắt và bị tù, nên họ phải đi học một ông thầy khác, ông này nhát gan, không dám theo phe "đồng bào" mà cũng không muốn theo phe Tây. Học trò của ông, những thanh niên từ 11,1 2, đến 24, 25 tuổi -- thường đến chơi với Tuấn, và cứ chê cái học của Tuấn không cao thâm như Khổng học. Nhưng, dù sao nghe Tuấn đọc bài "récitation", thuộc lòng những bài thơ chữ Pháp và làm toán Géométrie, toán Algèbre, học bài Physique, Chimie, chưng bày những bản đồ châu Âu, châu Á, châu Mỹ vẽ đủ các màu, bà con cô bác và ngay trong đám học trò chữ Nho, vẫn có nhiều người thèm thuồng, và phục trò Tuấn "sát đất ". Tuấn hãnh diện một phần nào. Tuấn vui vẻ tự thấy mình tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã đóng một vai trò khá đặc biệt trong đám thanh niên và được nhiều người trong tỉnh khen ngợi.
Nhưng Tuấn vẫn áy náy trong lòng. Tuấn rất lo ngại vụ Ông Đốc trường Quốc Học hăm viết thư mét với ông Sứ ở tỉnh nhà về chuyện Tuấn bị tình nghi là theo đảng Vua Duy-Tân ở Huế. Tuấn thầm mong ông Sứ không biết gì về chuyện ấy để Tuấn được tiếp tục học ở Huế. Tuấn mới có 13 "tuổi Tây", 14 "tuổi Ta", hãy còn bé quá, cho nên có lúc bồng bột hăng hái, nhưng cũng có lúc lo sợ tù tội.
Theo lời nhiều người bà con khuyên bảo, Tuấn phải đến chào ông Công Sứ. Tuấn mặc áo dài bằng vải trang đầm, mang guốc đội mũ, đến toà Sứ một buổi sáng ngày thứ hai, sau khi về nhà được hơn nửa tháng. Tuấn nghỉ rằng đến đây chắc sẽ gặp thầy Ký Thanh, và sẽ truyện trò thích thú lắm. Tuấn sực nhớ chính mình đã dạy thầy Ký Thanh học ABC, hồi Thanh còn là Nho sĩ... chưa đọc được bức thư chữ Quốc ngữ của cô Ba Hợi... Nhưng bây giờ Thanh đã làm thầy Ký Toà Sứ, Tuấn còn là học trò, mặc dầu là học trò trường Quốc Học Huế. Vả lại, Thanh đã 23 tuổi, Tuấn mới có 14 tuổi, hãy còn con nít quá. Tuấn thấy mình hãy còn là thằng Chuột... Tuấn thập thò ngoài cổng Toà Sứ một lúc rồi bạo dạn bước vô . Trông thấy rõ thầy Ký Thanh đang ngồi bàn giấy làm việc. Tuấn cất mũ chào và tươi cười đến gần. Nhưng Tuấn mắc cỡ và ngạc nhiên hết sức : - thầy Ký Thanh trừng mắt ngó Tuấn, với nét mặt khinh khỉnh, không thèm chào lại, không hỏi một tiếng. Lạ hơn nữa là Thanh nguýt Tuấn một cái rồi đứng dậy quay lưng đến gõ cửa văn phòng "Quan Công Sứ " có vẻ bí mật... lạ lùng. Tuấn tần ngần đứng đấy một lúc thì Thanh từ trong phòng Quan Sứ mở cửa bước ra, đi thẳng tới Tuấn, nghiêm trang bảo :
- Trò Tuấn, trò về nghỉ hè mấy bửa rồi, sao bửa nay trò mới tới chào cụ Sứ ?
Tuấn hơi luýnh quýnh trả lời đại cho êm xuôi :
- Tôi mới về mấy bửa rày anh Thanh à.
Thanh trố mằt bảo :
- Kêu tôi bằng thầy Ký chứ không được kêu tôi bằng "anh", nghe chưa ? Cụ lớn truyền lịnh trò phải vô hầu cụ lớn để cụ lớn hỏi, lần này trò đi ở tù !
Tuấn hồi hộp lo sợ, đi theo sau Tuấn, Tuấn tự hỏi thầm :
- Sao lại đi ở tù ? Có điều gì nguy hiểm dữ vậy ?
Đến cửa văn phòng trước khi đẩy cửa vào, Thanh đứng lại lấy ngón tay chỉ đôi guốc Tuấn, và truyền lịnh :
- Bỏ guốc ra! Vô hầu cụ lớn Sứ mà trò dám mang guốc à ?
Tuấn nghe lời, bỏ qguốc đi chân không. Thanh lại chỉ cái mũ :
- Bỏ mũ xuống đất không được cầm trong tay.
Tuấn cũng nghe lời, đặt mũ xuống một bên cánh cửa gần xó tường.
Thanh lại cho lịnh :
- Trò đứng đây, chừng nào cụ Lớn Sứ cho phép vô mới được vô.
Tuấn làm thinh đứng yên một chỗ.
Thanh khẽ gõ cửa, Tuấn nghe rõ tiếng ông Sứ nói trong văn phòng :
- Fais-l entrer ( cho nó vào )
Thanh khẽ mở cửa, và dặn Tuấn :
- Đi sau tôi, nghe không ?
Thanh mang giầy Hạ, nhưng đi nhón gót, sợ sệt, từng bước một. Tuấn đi theo sau, Thanh làm cho Tuấn hoảng sợ, làm Tuấn cứ tưởng ông Sứ sẽ ăn thịt Tuấn, nếu không thì cũng sẽ đánh Tuấn mấy bạt tai nẩy lửa như ông Đốc học Huế, rồi gọi lính còng tay Tuấn, bắt Tuấn đem đi bỏ tù.
Bàn giấy ông Sứ kê gần cửa sổ sơn xanh, có ánh sáng vàng và các chậu hoa tươi nở rất đẹp. Ông Sứ đang soạn hồ sơ gì trên bàn, Tuấn mới đi vào đến giữa phòng, cách bàn giấy năm sáu bước nữa thì Thanh bảo Tuấn đứng lại. Tuấn hồi hộp quá đứng vòng tay trước ngực như sắp sửa chịu tội.
Nhưng ông Sứ ngước mặt ngó Tuấn và cười nói :
- Ah ! Le voilà, mon mouton... de... Panurge . Approche-toi ! ( A, nó kìa ! con cừu của Panurge. Lại gần đây ! )
Tuấn khúm núm bước đến gần. Nhưng Tuấn rất không ngờ ông Sứ đưa tay ra :
- Bonjour, mon petit ! ( chào cậu bé của tôi )
Tuấn cúi đầu lễ phép đưa tay để bắt tay "ông Sứ" và lẩm bẩm tiếng Pháp :
- Bonjour, Monsieur le Président, ! ( xin chào quan Sứ )
Thầy Ký Thanh thấy Tuấn được "cụ lớn" bắt tay chào, thầy càng tỏ vẻ thù ghét Tuấn lắm. Thầy hầm hầm nét mặt nhưng chỉ đứng vòng tay sau lưng "cụ lớn sứ", vì Tuấn có thể đối đáp bằng tiếng tây với ông Sứ, không cần phải thầy ký Thanh thông ngôn, Tuấn nói tiếng Pháp còn trôi chảy hơn Thanh nữa.
Với một giọng dịu dàng gần như thân thiết, ông Sứ hỏi Tuấn về sự học hành ở trường Quốc Học và các giáo sư như thế nào. Tuấn bình tỉnh trả lời từng câu, suông sẻ trong khi ông Sứ ngó hồ sơ trên bàn, và bảo Tuấn :
- Tao biết mầy học giỏi. Tao được ông Đốc học trường mầy gửi về tao các bản báo cáo tam cá nguyệt về các môn học của mầy trong năm. Tao bằng lòng lắm. Mầy xứng đáng với học bổng của tao cho . Nhưng có một điều tao rất không bằng lòng, là cuối niên học, mầy đã bị Ông Đốc học cho "nốt" xấu trong học ba... Theo công văn của ông Đốc vừa gởi cho tao thì mầy là một "đầu óc xấu ", mầy nghe lời người ta dụ dỗ theo đảng vua Duy-Tân... phải không ?
Nghe đến đây, Tuấn tái mặt, nhưng ông Sứ nhìn Tuấn với cặp mắt khoan hồng :
- Mầy dự vào chuyện đó làm chi thế, hả Trần anh Tuấn ? Mầy còn bé quá... Mầy phải chăm học. Mầy không thể bắt chước vua Duy-Tân được. Ông Đốc học cho tao biết về trường hợp của mầy, nên tiếp tục cho mầy học bổng, hay bắt bỏ tù mầy ? Nhưng tao thương mầy là con nít, vì mầy học giỏi. Và mầy là đứa học trò đầu tiên của tỉnh nầy được học trường Quốc Học. Tao muốn giữ danh dự cho tỉnh nhà. Vậy mầy phải hứa danh dự với tao rằng từ nay mầy đừng làm chuyện bậy bạ nữa thì tao không bỏ tù mầy, và tao tiếp tục cho mầy học bổng để mầy học cho đến thi đỗ bằng Thành Chung. Mầy có hứa với tao không ?
- Dạ, thưa quan lớn, con xin hứa.
- Chắc không ?
- Thưa chắc.
- Được rồi, nếu mầy không giữ lời hứa, thì không những mầy không được học nữa mà mầy còn sẽ bị ... bỏ vào nhà pha !
Ông Sứ nói tiếp :
- Thôi bây giờ chúc mầy nghỉ hè vui vẻ, và nhất là không được dự vào những việc quốc sự. Mầy nghe không ?
- Dạ nghe.
Ông Sứ đưa tay bắt tay Tuấn. Tuấn cúi đầu lễ phép bắt tay từ giã ông tỉnh trưởng Pháp.
Thanh đưa Tuấn ra cửa, rồi khép cửa trở vào bàn giấy, ông Sứ bảo Thanh :
- Mầy thấy không ! Thằng học trò trẻ tuổi ấy biết nghe những lời khuyên bảo khôn ngoan của tao. Sao hôm nọ mầy lại xin tao bỏ tù một đứa con nít ngây thơ hiền lành ?
- Bẩm cụ Sứ, nó là một đầu óc xấu xa . Nó dám chống lại nước Đại Pháp.
- Chưa chắc. Dù nó có đầu óc xấu xa như ông đốc trường Quốc Học đã phê trong học bạ và viết trong công văn, nó cũng có thể hối cải được nếu người ta biết khuyên răn nó. Như tao đã làm lúc nãy.
- Bẩm cụ Sứ, cha thằng Tuấn là chú thợ mộc dốt nát mà có con học ở Huế... Nó không đáng được học bổng của cụ lớn...
- Mầy ganh ghét với nó hả ? Thế sao mầy không đi Huế học như nó ? Cha mầy làm lý trưởng có nhiều tiền bạc cơ mà !
Ký Thanh ngậm câm. Ông Sứ cầm xấp hồ sơ của Trần anh Tuấn, bảo chàng đem cất lại trong tủ.
Tuấn ngồi bàn, coi theo sách Địa Dư bằng chữ Pháp, vẽ một bản đồ Ngũ đại châu, trên một tờ giấy tây lớn, rồi tô mầu. Một đám thanh niên Nho học năm sáu anh đứng chung quanh coi. Dụng cụ học sinh chưa có đâu bán nhiều, nhất là bút chì mầu mực mầu, chưa có. Tuấn mài củ nghệ làm màu vàng, hái một nắm lá ớt xanh đâm thật nhuyễn trong chén rồi nhỏ vào vài ba giọt nước lạnh để làm mầu xanh lục, lấy năm sáu bao nhang ngâm nước rồi vắt ra làm mầu đỏ. Tuấn đã biết trông mầu xanh và mầu đỏ làm mầu tím và mài son làm mầu gạch. Tuấn lấy bút nho tô lên bản đồ Thế giới có đủ châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ, châu Úc, thành ngũ đại dương rực rỡ năm mầu.
Nhiều người trông thấy đẹp, tuy không hiểu gì cả, nhưng cũng bảo Tuấn vẻ cho mổi người một bản, tô mầu, đề chữ Quốc ngữ, và họ ghi chữ Hán một bên, đem về nhà dán trên vách tường để coi chơi. Như một thầy giáo, trò Tuấn giảng cho mọi người nghe : trên hoàn cầu có năm châu, và nước "An Nam" ở về châu Á... Ai nấy nghe mê.
Mực viết, mà mọi người gọi là "mực tây" cũng rất hiếm. Chỉ có vài nhà hàng "các chú" bán nhưng giá rất mắc, và chỉ có mỗi một thứ mực tím mà thôi. Không hiểu tại sao mực xanh và mực đỏ không có. Mực tím nước mỗi ve ( mỗi bình ) vuông vức và nhỏ, một bề độ ba phân, giá bán 3 tiền một ve, mực bột, (chưa có mực viên ) thì 1 tiền một gói nhỏ đủ hoà ra được một bình.
Nhà Tuấn nghèo, không có tiền mua mực, Tuấn đi dạo khắp trong tỉnh thành, xem những nhà nào có trồng bông bụt ( tiếng Bắc gọi là hoa dâm-bụt ), lén hái hoặc xin, đầy một thúng. Về nhà, Tuấn ngắt cuống, bỏ bông vào một nồi nước đun trên bếp lửa.
Mẹ Tuấn hỏi :
- Nấu bông bụt làm chi vậy con ?
- Dạ, thưa mẹ, con bắt chước học trò ở Huế nấu mực tím, khỏi tốn tiền mua mực tây.
Tội nghiệp Tuấn. Mùa nắng nực, buổi trưa oi ả mà Tuấn cứ phải ngồi chụm lửa, và cầm ống dang thổi mãi cho lửa cháy phừng phực để nước mau sôi. Tuấn mình mẩy ướt đẫm mồ hôi như tắm mà cứ ngồi lì bên bếp lửa, tay cầm đôi đũa xáo trộn không ngớt những cánh bông bụt cho chín đều, cho thật nhuyễn... Nước sôi sùng-sục, khói toả nghi ngút làm cay mắt Tuấn, nước mắt nước mũi chảy lòng thòng. Một lúc lâu, nước cạn còn độ một tô Tuấn mới bằt nồi xuống, đem ra ngoài cửa có gió mát, ngồi chờ cho nước nguội. Tuấn lấy đũa vớt xác bông bụt bỏ đi, rồi nghiêng nồi nước đổ ra tô . Tuấn vui mừng, reo lên :
- Mẹ ơi, mẹ. Ra coi con nấu được mực rồi đây nè !
Thím Ba ở nhà trên đang gọt khoai lang, liền bỏ dao trong thúng chạy xuống cửa bếp để mà coi. Thím cũng vui sướng và ngạc nhiên thấy một tô mực tím, mầu tím-rịm đẹp quá ! Một hơi khói nhẹ còn bay lên từ tô mực phảng phất một mùi thơm. Tuấn cười bảo :
- Mẹ Ơi, mầu tím này giống như màu áo của các cô gái Huế !
Thím Ba cười, nhổ một phẹt nước trầu ngoài sân rồi co ngón tay chọi trên đầu thằng con trai một cú, nói đùa với nó :
- Mẹ... ... mầy ! Coi chừng chớ làm như câu hát hò :"Học trò trong Quảng ra thi, thấy cô gái Huế mà đi không đành", thì chết đó, không nghe con !
Tuấn tủm tỉm cười, đưa bàn tay lên xoa trên đầu chỗ mẹ mới cú chơi mà đau điếng. Rồi Tuấn bảo :
- Mẹ ơi, con gái Huế, họ mê con chớ con không mê họ đâu.
- Thiệt không !
- Dạ thiệt.
- Ừ, được đó. Con học sao cho đỗ Trạng Nguyên, Tiến Sĩ, rồi cưới con gái Vua . Chớ ở tỉnh mình đây, thằng Ký Thanh đỗ bằng ri-me lên làm được chức thầy Ký ở Toà Ông Sứ, rồi lấy cô Ba Hợi, con ông Bá Hộ, mà hai vợ chồng nó làm phách quá, nội cả tỉnh với làng phố này ai cũng sợ, mà ai cũng ghét ! Mầy cưới công chúa ở Huế về đây thì nó mới hết hồn.
Tuấn khẽ trút tô mực tím vào một chai không, độ một lít, còn dư một chút đủ rót vào bình mực nhỏ. Tuấn vừa làm vừa nói với mẹ :
- Mẹ muốn con cưới công chúa, thì con sẽ cưới con gái vua Duy-Tân.
Thím Ba hốt hoảng, liền bỏ nhỏ trong tai con :
- Con đừng nói tới vua Duy-Tân, bị bò tù chết cha !
Mẹ Tuấn trở lên nhà trên. Tuấn ngồi ngạch cửa bếp lặng lẽ nhìn mây gió, và nghĩ đến vụ Hoàng Đế Duy-Tân... Mặt Tuấn bổng xầm lại, Tuấn hãy còn nhỏ tuổi, thế mà đa cảm, đa sầu. Nhớ vua Duy-Tân bị bắt đi đày. Tuấn rưng rưng hai ngấn lệ ...
Tuấn, Chàng Trai Đất Việt Tuấn, Chàng Trai Đất Việt - Nguyễn Vỹ Tuấn, Chàng Trai Đất Việt