Nguyên tác: From Colonialism To Communism
Số lần đọc/download: 2690 / 215
Cập nhật: 2015-09-29 12:37:19 +0700
Chương 8: Danh Sách Việt Gian
N
hững người bị bắt và bị đấu tố trong cuộc “Đấu tranh chính trị” mà may mắn còn sống sót thì bị đưa vào trại giam để công an điều tra thêm. Vài tuần sau công an tuyên bố là trong số những người này quả có nhiều “Việt gian” lợi hại, có chân trong một tổ chức bí mật, làm gián điệp cho Pháp.
Trong năm 1951, nghĩa là hai năm về trước, Pháp có bỏ bom phá tan hệ thống dẫn thuỷ nhập điền trong vùng Việt Minh kiểm soát. Nhớ lại vụ oanh tạc này, Đảng được dịp tuyên bố là chính những “Việt gian” mà nhân dân đã “lột mặt” đã xui Pháp ném bom phá huỷ các đập nông giang. Đảng còn nói rằng bọn họ đã vẽ địa đồ các đập nước và các cầu cống và chuyển giao cho Pháp. Rõ ràng là một sự vô cùng phi lý vì không có một người Việt Nam nào không hiểu rằng những cống và đập đó đều do Pháp xây dựng và toàn bộ bản đồ Việt Nam và Đông Dương đều do Pháp vẽ. Nói rằng Pháp quên không biết đập ngăn nước khổng lồ họ xây ngày trước bây giờ nằm vào chỗ nào và phải nhờ “Việt gian” chỉ điểm mới nhớ ra thì cực kỳ khôi hài. Nhưng đối với cộng sản thì phi lý không phải là một trở ngại cho tuyên truyền. Họ kinh nghiệm rằng đối với nông dân chỉ việc nhắc đi nhắc lại một lý luận thô sơ dễ hiểu thì dù phi lý đến đâu cuối cùng nông dân cũng nhập tâm cho là thực. Đặc biệt là nói về thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thì kể hươu kể vượn thế nào cũng được, vì nhiều nông dân suốt đời không hề thấy một người Pháp hoặc một người Mỹ. Một trung đội trưởng Việt Minh sau khi thắng trận Điện Biên Phủ về Hà Nội hỏi dân thủ đô có phải người Mỹ da đỏ hồng hào không. Ý hẳn anh ta chỉ nghe nói bên Mỹ có một chủng tộc thường gọi là Peaux Rouges. Đối với trình độ kiến thức như vậy thì dĩ nhiên càng lý luận giản dị bao nhiêu, dân chúng càng ưa nghe bấy nhiêu.
Mỗi tỉnh đều đệ lên trung ương một danh sách những kẻ “phản động” và sửa soạn xử án công khai. Trong mỗi danh sách đều có những “thành phần điển hình”: một địa chủ giầu nhất, một vị hoà thượng, một vị linh mục, một vị khoa cử và một cựu quan lại.
Trong khi chờ phiên toà xử thì các can phạm phải điệu đi từ trại giam này đến trại giam khác, qua hết ngày này sang ngày khác, như kiểu một gánh “xiếc” mang thú dữ đi quảng cáo trước khi biểu diễn buổi đầu. Chân họ bị xiềng và tay họ bị trói bằng một chiếc thừng dài, buộc cánh tay người đầu đoàn cho tới cánh tay người cuối cùng. Họ khạng nạng đi giữa ban ngày, dưới mặt trời tháng Năm, tay bị xích nhưng cũng cố nâng xiềng khỏi mặt đất cho dễ đi. Tiếng xiềng chạm nhau kêu “leng keng” rất xa và rất rùng rợn vì là một thứ tiếng mà thiên hạ chưa từng nghe bao giờ.
Phiên toà đã xếp đặt gần xong và các vị thẩm phán đã được cấp trên chỉ định thì bỗng nhiên có lệnh đình lại. Sau đó có tin đồn là các “cố vấn Trung Quốc” xét thấy danh sách phản động chưa được đầy đủ. Họ nói danh sách còn thiếu một loại đại phản động mà bên Trung Quốc gọi là “tư sản mại bản”.
Theo lý thuyết của ông Mao Trạch Đông, một lý thuyết mà các đồ đệ của ông coi là một cống hiến vĩ đại, giai cấp tư sản ở các nước kém mở mang chia làm hai loại: tư sản dân tộc, tức là những người sản xuất, và tư sản mại bản tức là những người xuất nhập cảng. Hai loại tư sản này có hai thái độ chính trị khác nhau, vì cách thức kinh doanh của họ khác nhau.
Tư sản dân tộc hay công nghệ bản xứ chế tạo hàng nội nên phải cạnh tranh gắt gao với tư sản ngoại quốc. Vì vậy, nên họ có tinh thần yêu nước một phần nào, và sẵn sàng hợp tác với cộng sản để tranh đấu giành độc lập. Cộng sản để yên cho họ sống từ thời kỳ Cải cách ruộng đất cho đến thời kỳ Hợp tác hoá nông nghiệp. Trong khi ấy họ vẫn làm chủ nhà máy của họ, dưới sự kiểm soát nửa kín nửa hở của công đoàn. Ở Trung Hoa và ở Bắc Việt chế độ này được duy trì trong hai năm.
Thành phần tư sản mại bản thì ngược lại sống nhờ vào tư sản ngoại quốc nên không có mảy may tinh thần yêu nước. Quyền lợi của họ bị ràng buộc vào quyền lợi của tư sản ngoại quốc nên họ chỉ là tay sai của đế quốc. Vì vậy nên họ bị xếp là “Kẻ thù số hai của nhân dân” (địa chủ là kẻ thù số một).
Nhưng muốn quy một người này là tư sản mại bản, theo đúng nghĩa của ông Mao Trạch Đông thì phải tìm thấy ở người ấy hai điểm. Một là tư sản và hai là mại bản, tức là buôn bán xuất nhập cảng. Vì vậy, nên khi Trung ương bắt các Uỷ ban tỉnh phải lập danh sách tư bản mại bản, Uỷ ban tỉnh phải kê khai một số người trong địa phương có thể tạm gọi là “tư sản” và có buôn bán hàng ngoại. Nhưng kiếm được những người đầy đủ hai điều kiện kể trên là một việc rất khó vì hồi ấy chẳng còn ai ở hậu phương có thể tạm gọi là tư sản mà xuất nhập cảng cũng hoàn toàn không có. Từ trước Việt Nam vốn dĩ đã chẳng có bao nhiêu tư sản, mà nếu có một vài người thì họ đều ở tại Hà Nội với Pháp. Thật đúng như lời ông Mao, hạng người này quả là tay sai của tư sản ngoại quốc và luôn luôn cấu kết với thực dân đế quốc. Một vài tư sản vào loại kém, lúc đầu có chạy ra hậu phương nhưng chỉ ít lâu sau họ cũng trở về thành. Chỉ có một số “phú thương” chịu khó ở lại hậu phương, thường khi vì lý do gia đình hơn là kháng chiến yêu nước, nhưng tất cả đều bị khánh kiệt từ mấy năm trước. Vì ở hậu phương thiếu hàng hoá, thiếu giao thông và khả năng tiêu thụ của nhân dân quá kém cỏi, nên họ chẳng kiếm chác được bao nhiêu. Lấy cớ là tránh nạn Pháp nhảy dù, cứ ba hoặc sáu tháng một họ lại phải di chuyển tiệm buôn từ nơi này sang nơi khác, phá nhà cũ làm nhà mới. Nạn lạm phát (một nghìn đồng năm 1945 trị giá bằng một đồng năm 1946) và cuối cùng là thuế công thương nghiệp đã khiến họ trở thành tay trắng, buôn đi bán lại lấy công làm lãi.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm tư sản cũng không khó là vì danh từ “tư sản” cũng như danh từ “địa chủ” hết sức co giãn. Một người sống “trên mức bình thường” cũng có thể tạm xếp vào loại tư sản, vì chính quyền có thể chứng minh trước dân chúng là quả họ có một “tư sản nào đó”. Trái lại việc lùng kiếm những người mại bản thì thật quả là khó. Những cố vấn Trung quốc thực sự đã lầm to khi họ hạch sách bắt kiếm cho kỳ được tư sản mại bản. Có lẽ họ yên trí rằng ở Việt Nam loại người này cũng đông đảo như ở Trung Hoa Quốc dân Đảng. Sự thực thì ở Thượng Hải, dưới chế độ Tưởng, có rất nhiều tư sản mại bản, nhưng ở Việt Nam thì thuở ấy hoàn toàn không có, vì trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, mọi việc xuất nhập cảng đều thuộc độc quyền một vài công ty tư bản Pháp.
Nói rằng dưới chế độ thuộc địa có tư sản mại bản Việt Nam đã là hài hước, mà cho rằng trong vùng kháng chiến có tư sản mại bản lại là vô lý hết chỗ nói. Tuy nhiên, Bác Mao nói thì phải nghe và lệnh trên ban xuống thì phải thi hành, và muốn cho danh sách có đủ các thành phần như cấp trên đòi hỏi, các Uỷ ban tỉnh liền bắt mấy cán bộ mậu dịch của Đảng, lâu nay phụ trách buôn lậu xe đạp, thuốc tây, dầu lửa, và một vài thứ cần thiết cho kháng chiến từ vùng tề vào. Lý luận của cộng sản rất đơn sơ. Nếu không có xuất nhập khẩu thực sự, thì việc buôn lậu qua giới tuyến cũng có thể tạm coi là xuất nhập khẩu. Kết quả là mấy người trước kia được Đảng tín nhiệm giao cho công việc nguy hiểm là buôn bán với “tề” bỗng nhiên bị quy là “Việt gian” và đưa vào trại giam.
Sau khi danh sách được Trung ương chấp nhận, một toà án quân sự được lập trong mỗi khu và di chuyển từ tỉnh nọ sang tỉnh kia để xử án “Việt gian” ở mỗi tỉnh. Chánh án khu Tư là ông Hồ Đắc Điềm, trước kia là tổng đốc Hà Đông và giáo sư trường Luật Hà Nội. Thẩm phán và công tố viện đều là đảng viên Đảng Lao động. Không có trạng sư, chỉ có “biện hộ viên”. Họ không phải là luật gia xuất thân, mà chỉ là người thường, có thể là một người làm nghề đỡ đẻ và nhiệm vụ của họ là bênh vực quyền lợi của nhân dân, không phải là quyền lợi của bị can. Họ có xin toà khoan hồng cho một số “cò mồi” bị bắt để lấy cớ khai ra “đầu xỏ”. Nhưng họ yêu cầu toà thẳng tay trừng trị “Việt gian phản động”.
Toà xử công khai, nghĩa là có hai đoàn đại biểu đi dự. Một đoàn do mỗi xã cử một người và một đoàn do mỗi xí nghiệp cử một người. Tất nhiên những người được cử đi dự đều là đảng viên trung kiên. Những đại biểu đi dự được sửa soạn hai tuần lễ trước, học thuộc lòng những khẩu hiệu cần phải hô, và hô vào những lúc nào cho đúng lúc.
Việc sửa soạn thì rất rầm rộ, nhưng đến khi toà xử thì tương đối rất khoan hồng. Chiến lược cộng sản là tỏ thái độ công bình và khoan hồng trong những vụ án có ảnh hưởng lớn đối với nhân dân. Ở Thanh Hoá, chẳng hạn, chỉ có địa chủ số một là ông Nguyễn Hữu Ngọc và một vị hoà thượng là Tuệ Chiếu bị kết án tử hình, còn linh mục Mai Bá Nhạc cùng hai tư sản mại bản chỉ bị phạt 20 và 15 năm khổ sai. Cựu quan lại là ông Hà Văn Ngoạn và cựu khoa bảng là cụ Cử Lê Trọng Nhị không hầu toà vì đã chết từ mấy tháng trước trong trại giam. Trong gần một năm, không thấy những người bị án tử hình mang ra hành hình nên nhiều người yên trí là họ được ân giảm, nhưng đột nhiên đêm trước hôm trao đổi tù binh giữa Pháp và Việt Nam, hai người bị đưa ra bắn. Vụ hành hình này rất đơn giản, không có dân chúng xếp hàng vỗ tay và hô đả đảo như thường lệ. Sáng hôm sau, những “Việt gian” khác được trả lại tự do.