N
gày xưa ở làng Bình Tư Khởi có một người đàn bà góa sống với đứa con trai tên là Bàn Vương. Hai mẹ con không có lấy một tấc đất cắm dùi, vì thế người mẹ phải vào núi hái củi ra chợ bán, còn đứa con trai phải đi chăn bò thuê, Bàn Vương là một chú thiếu niên rất tháo vát và lanh lợi. Chú thích bay nhảy, leo trèo cây cối rất giỏi, chú có thể nhấc bổng những tảng đá to và lấy đà nhào lộn qua đầu. Vì thế, chú rất khoẻ mạnh và cường tráng. Một lần chú đang chăn đàn bò, hai con bò đực nổi hứng húc nhau. Mắt con nào con nấy đỏ như máu, hai con găm đầu, lao sừng ngoặc vào nhau đến mức không gỡ ra nổi. Bàn Vương chạy đến nắm sừng hai con vật lẳng mỗi con về mỗi ngả xa hàng chục thước. Lần ấy sừng hai con bò đực hiểu nhiên quằn đi. Sức lực Bàn Vương như vậy đó! Chú thiếu niên còn đưa mắt nhìn hai con vật thở hổn hển và doa thêm: -Chúng mày còn húc nhau, tao bẻ cả sừng đi nữa ấy chứ! Gần Bình Tư Khởi có một con sông nhỏ chảy qua, trên sông có một chiếc cầu bắc ngang. Chiếc cầu đẹp, bằng đá, trên có cả nhà thỉnh mát. Cầu có năm chiếc cột đá đỡ ở bên dưới vững chải. Những trận gió đông thổi mạnh về, nước dưới sông dâng lên vì những thác nước ào ào đổ từ trên núi xuống và bào mòn các cột đá. Chuyện ấy năm nào cũng xảy ra, nhưng chiếc cầu cho đến ngày nay vẫn đứng vững, Một năm vào một ngày đông lạnh giá, gió bắc lồng lộn thổi về mạnh khác thường, mỗi cơn giật của nó bật tung hàng bao nhiêu gốc cổ thụ. Bàn Vương lùa đàn bò qua cầu đá. Chiếc cầu rung rinh, chao đảo, như làm bằng tre. Chú thiếu niên nhìn xuống dưới - ái chà chà! Một chiếc cột đá đã đổ, mà cả chiếc cầu cũng có thể sập đến nơi! Dân làng Bình Tư Khởi sẽ khốn khổ, nếu chuyện ấy xảy ra, bởi con đường chủ yếu đi qua chiếc cầu này. Mà xây dựng lại chiếc cầu có cả nhà thỉnh mát đâu có phải chuyện dễ gì. Không đắn đo nhiều, Bàn Vương xắn quần lên và nhảy ào xuống nước. Hầy! Nước mới giá buốt làm sao! Chú thiếu niên lội xuống dưới gầm cầu, đưa hai tay và đầu giữ chắc mặt cầu. Chú cứ đứng sững như vậy, dường như tạc từ thép, không nhúc nhích. Hai tay chú chẳng mấy đã tê dại, nhưng không thể bỏ xuống được, bởi chiếc cầu có thể sập xuống và đè chết chú. Bàn Vương cứ đứng như thế mãi, gắng hết sức lực cuối cùng. Trong lúc đó người mẹ già cũng mang củi về nhà. Chiếc cầu đá rung rinh vì gió, và bà ngó nhìn xuống dưới. Một trụ đá đổ rồi! Chiếc cầu có thể sắp sập đến nơi! Sau này làm sao chữa lại được! Bà ném ngay bó củi và nhảy ào xuống sông. Nhìn thấy mẹ. Bàn Vương kêu lên: -Mẹ, mẹ cứ lên đi, một mình con giữ được! Người mẹ hiểu rằng: con mình đã đứng đây từ lâu, bà âu yếm bảo con: -Không con ơi, một mình con không giữ được đâu, cầu đã lung lay rồi. Mẹ sẽ đỡ con! Và bà cũng đội đầu lên, lấy hai tay giữ mặt cầu. Cả hai mẹ con cùng đứng đó trong dòng nước lạnh giá, giữ cho chiếc cầu đứng vững. Mấy ngày sau đó qua đi, một người đánh cá bơi thuyền qua, và nhận thấy có hai cái trụ cầu bằng đá trông hao hao giống hình hai người. Ông nhìn kỹ thì nhận ra đó là Bàn Vương và người mẹ già của chú. Hai mẹ con đã biến thành hai trụ đá và giữ chắc nhịp cầu. Ông đánh cá chạy về làng gọi bà con. Mọi người nhìn hai vị anh hùng đã hoá đá, và nước mắt ròng ròng chảy xuống dòng sông. Từ thuở ấy, chiếc cầu gần làng Bình Tư Khởi được gọi tên là Cầu Mẹ Con.