A truly good book teaches me better than to read it. I must soon lay it down, and commence living on its hint.... What I began by reading, I must finish by acting.

Henry David Thoreau

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Tran Hoai Linh
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2986 / 46
Cập nhật: 2015-07-07 01:55:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12
ài quan sát của sở chỉ huy nhẹ bộ tư lệnh sư đoàn đặt trên một điểm cao hơn một ngàn mét. Buổi trưa, không khí trên điểm cao như bị nung lên, nóng hầm hập. Bầu trời cao vống, xanh nhức mắt. Thỉnh thoảng mới có một vài ngọn gió như ngái ngủ, uể oải thổi qua nhưng chỉ thốc vào mặt mọi người một làn hơi khô khốc và nóng như hơi lò nung.
Từ đây có thể nhìn thấy thấu tận bên kia thung lũng. Cái lòng chảo nhỏ bé này hẳn sẽ chẳng mấy ai biết tới nếu không có những trận đánh dữ dội trong mùa xuân lịch sử này. Con sông Ba cũng chỉ như vô tình chảy qua đây. Nó kiêu hãnh chảy vắt ngang thung lũng, đến chân đèo Tu Na nó uốn lượn ngoằn ngoèo nhu làm duyên rồi luồn lách qua những khe núi chảy về phía đồng bằng ven biển.
Thị xã Hậu Bổn (Cheo Reo) cũng chỉ nhỉnh hơn những phố huyện trù phú một chút. Nó chỉ có mấy dãy phố ngang dọc, nhấp nhô vài dãy nhà cao tầng, mấy cái tháp chuông và một sân bay nhỏ cho các máy bay hạng nhẹ có thể lên xuống. Vốn xưa Cheo Reo cũng chỉ là một quận lỵ. Năm 1962, chính quyền Diệm cắt phần đất của bốn tỉnh Phú Yên – Plây Cu – Đắc Lắc và Bình Định để lập ra một tỉnh mới và đặt tên là tỉnh Phú Bổn. Các cụ già ở vùng này kể lại rằng, sở dĩ có cái tên “Phú Bổn” là vì Diệm là ra vẻ cũng thuộc vào lớp đệ tử cuối mùa của đức Khổng Mạnh, rất tâm đắc câu cần giả phú vi bổn (cần kiệm là căn bản của thịnh vượng) trong sách thánh hiền. Quận lỵ Cheo Reo được đổi tên là Hậu Bổn và trở thành tỉnh lỵ của tỉnh này.
Đứng trên đài quan sát, chiếu ống nhòm xuống khu vực thị xã, tư lệnh trưởng Thanh Đồng như cảm thấy sự ngột ngạt, bức bối của cái thị xã này. Ở đó hiện nay đang nhung nhúc những lính. Sự hỗn loạn, ầm ĩ chỉ có thể ví như trong một cái tổ ong đã bị người ta bịt hết lối chui ra. Chúng nó đang giãy dụa một cách điên cuồng và tuyệt vọng. Suốt ngày hôm qua và buổi sáng nay, chúng điên cuồng dùng các lực lượng thiết giáp kết hợp với các đơn vị biệt động quân liên tiếp mở những đợt phản kích hòng mở lấy một cái lỗ để thoát ra khỏi cái thung lũng ngột ngạt, đầy chết chóc này nhưng vô hiệu. Các chiến sỹ trung đoàn 6 đã thực sự lập được một bức tường thép. Số phận của đạo quân ấy đã được định đoạt. Tư lệnh trưởng chiếu ống nhòm ra khu vực sân bay rồi dừng lại ở điểm đó khá lâu. Một lát sau, ông quay sang hỏi trung đoàn trưởng trung đoàn 4 Đặng Ngọc San:
- Anh thấy khu vực sân bay thế nào?
Anh trung đoàn trưởng chẳng buồn nâng ống nhòm lên, trả lời luôn:
- Như một cái chợ. Xe pháo chúng nó dồn cả về đấy dễ đến vài trăm chiếc.
Tư lệnh trưởng buông thõng ống nhòm trước ngực và vẫn đăm đăm nhìn xuống thung lũng. Bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận thấy sự lộn xộn, ngổn ngang ở khu sân bay. Xe cộ đậu san sát, kính gió phản chiếu ánh nắng mặt trời lấp lóa. Ông thầm nghĩ:” Nếu bây giờ mà nện cho nó một vài quả pháo vào đó thì sẽ loạn lên ngay cho mà xem. Phải. Hãy tỏ ra hào phóng một chút!”. Nghĩ vậy, ông mỉm cười rồi quay sang đồng chí trưởng ban pháo binh sư đoàn đang cắm cúi tính toán trên bản đồ.
- Đã có thể cho những con gà cồ của anh gáy lên được chưa, anh Dũng? Anh trưởng ban pháo binh đứng dậy, xoa xoa hai tay vào nhau, nhăn nhó báo cáo:
- Báo cáo sư trưởng, pháo thì đã sẵn sàng nhưng đạn mới có ba chục viên, xe chở đạn chưa tới ạ.
Tư lệnh trưởng chỉ xuống thung lũng:
- Anh có thấy bãi xe kia không?
- Có ạ! Nhộn nhịp quá, phải không thủ trưởng?
Tư lệnh trưởng cười, khôi hài:
- Hãy chi vào đó hai chục quả đi, anh bạn ạ.
Anh trưởng ban pháo binh phấn khởi đáp:
- Có ngay! Hai chục quả là mây, chốc nữa xe chở đạn của trung đoàn pháo sẽ tới nơi thôi mà.
- Vậy thì tốt. Nổ đi!
Anh trưởng ban pháo binh đứng nghiêm lại:
- Báo cáo, xin thủ trưởng chờ cho mười phút.
Rồi anh quay điện thoại liên lạc với trung đoàn pháo binh cơ giới. Trong khi chờ đợi, tư lệnh trưởng quay lại bàn thêm với trung đoàn trưởng Đặng Ngọc San về phương án tiến công thị xã trong đêm nay.
- Xe tăng có thể gặp khó khăn khi phát triển vào khu sân bay – Ông nói – chúng ta không có thời gian để dọn đường đâu. Vì vậy, nếu gặp trắc trở, xe không tham gia xung phong được thì ta phải tự xoay sở, không nên ỉ lại vào thiết giáp.
- Báo cáo thủ trưởng, chúng tôi đã dự kiến tình huống này. Nếu xe tăng không lên được thì chúng tôi sẽ tăng cường hỏa lực cho mũi đột phá. Chỉ yêu cầu pháo binh sư đoàn chi viện thật đắc lực.
- Yên chí! Trong kế hoạch hỏa lực, các cậu vừa được sự chi viện hỏa lực của trung đoàn pháo binh cơ giới của sư vừa được sự chi viện của trung đoàn pháo binh cơ giới do Bộ chỉ huy chiến dịch tăng cường. Pháo binh sẽ bắn từ ba giờ cho đến khi các đơn vị vào tiếp cận vị trí xuất phát xung phong. Nhưng, khi các cậu vào tới trung tâm thị xã thì sự chi viện của pháo binh sẽ khó khăn hơn. Chủ yếu là phải giải quyết bằng hỏa lực đi cùng các phân đội.
Trung đoàn trưởng San lắc đầu:
- Chuẩn bị cập rập quá. Đánh một thị xã mà sơ đồ mạng đường sá cũng không có thì gay thật. Địch lại lúc nhúc khắp các xó xỉnh của thị xã chứ không tập trung ở một vài mục tiêu. Tôi chỉ lo khi phát triển, các đơn vị khó mà bắt liên lac được với nhau.
- Vậy nên phải có kế hoạch hiệp đồng cho thật cụ thể. Các phân đội lấy trục đường chính chạy xuyên qua thị xã theo hướng từ tây sang đông mà làm trục trung tâm phát triển. Rồi phải có ký tín hiệu để nhận nhau, nếu không, trời tối nhập nhoạng lại nện vào đầu nhau thì khốn.
Tiếng anh trưởng ban pháo binh sư đoàn bỗng vang lên:
- Báo cáo thủ trưởng, pháo sắp bắn đấy ạ.
Tư lệnh trưởng sư đoàn, trung đoàn trưởng San và các chiến sỹ thông tin, trinh sát, bảo vệ có mặt trên đài quan sát đều đứng cả dậy, hướng về phía sân bay thị xã. Tất cả bỗng yên lặng, trang nghiêm như chuẩn bị chứng kiến một sự kiện nào đó hết sức trọng đại. Anh trưởng ban pháo binh thì rõ ràng là đang xúc động. Chỉ riêng anh đứng quay lưng lại, nhìn về một hướng khác, phía bên kia dãy núi, những khẩu pháo nòng dài của ta chuẩn bị lên tiếng.
- Cùng… cùng… cùng… cùng…
Tiếng nổ đầu nòng của những khẩu pháo nòng dài âm vang, đĩnh đạc vọng vào các triền núi. Rồi, trên đầu họ vang lên những tiếng xé gió ào ào của đạn đại bác.
- Ầm… ầm… ầm…
Những ánh chớp lóa lên trong nắng. Rồi những đụn khói đùn lên, lửa bốc rừng rực. Khu sân bay bỗng chốc chìm nghỉm trong khói lửa.
- Khá lắm!
Tư lệnh trưởng cười ha hả rồi trịnh trọng nâng ống nhòm lên.
- Cùng… cùng… cùng…
Những con gà cồ lại tiếp tục lên tiếng. Nó không chỉ gây nên sự hoảng loạn cho cái đám lính tráng, xe cộ đang nằm trong tọa độ lửa ấy mà nó sẽ gây một sự kinh hoàng cho cả một đoàn quân đang như cá nằm trên thớt trong cái thung lũng ngột ngạt này. Pháo binh đã lên tiếng nghĩa là khúc nhạc dạo đầu đã tấu lên rồi. Số phận của chúng nó đã đến lúc kết thúc!
- Cùng… cùng… cùng…
Tiếng pháo lại nổ rền, âm vang thung lũng.
Ngày 18-3-1975
Hai hôm nay không ghi được nhật ký. Chiều nay sau khi đi làm nhiệm vụ gọi dân về, tự nhiên Đạt nhắc tôi: “Anh Mánh, để tôi dẫn anh em đi nhận đạn cho, anh nghỉ mà ghi nhật ký đi. Phải ghi kẻo quên anh ạ”
Nào thì ghi.
Trong những ngày nay có nhiều chuyện đáng ghi lắm chứ.
Suốt ngày hôm qua và cả ngày hôm nay, chúng tôi quần nhau với giặc. Một thằng giặc điên cuồng trong cơn giãy chết. Chưa bao giờ thấy chúng lắm xe, lắm pháo đến thế. Tổ sư chúng nó, giàu thật. Cháy nhà mới ra mặt chuột. Sự thừa thãi vũ khí, phương tiên của chúng chưa bao giờ được phơi bày rõ rệt như vậy. Có thể nói cả ngày hôm qua chúng tôi quần nhau với xe tăng và xe bọc thép, bọn bộ binh trở thành nhãi nhép, bọn tôi không thèm quan tâm nhiều đến chúng.
“Trung đội gió lốc” chúng tôi đã nêu một kỷ lục diệt xe: ban ngày mười tám chiếc, ban đêm thêm bảy chiếc nữa là hăm nhăm. Số xe ấy có lẽ gần đủ để trang bị cho một chi đoàn thiết giáp. Cánh xạ thủ phất to. Không ngờ láu táu như Ổn mà lại vớ được những năm chiếc. Nếu đem năm chiếc xe tăng mà đặt trước một thằng bé loắt choắt, nửa trẻ con nửa người lớn như Ổn thì sẽ ra sao nhỉ? Thú vị thật! Bất quá, cân cả bã nó cũng chỉ nặng bằng vài cái mắt xích xe tăng chứ mấy. Vậy mà khốn nạn với nó đấy, các ngài chỉ huy xe thiết giáp ngụy ạ! Mới biết câu thơ của Tố Hữu tài thật: “Ra thế to gan hơn béo bụng”.
Hãy ghi vào đây bốn chiến sỹ yêu quý của “Trung đội gió lốc” đã hy sinh trên con đường này.
1. Nguyễn Văn Mùi: quê Lập Thạch, Vĩnh Phú. Đánh trận thứ ba. Hy sinh khi diệt xe tăng địch.
2. Lê Mạnh Hùng: khu Ba Đình, Hà Nội. Cái chết của Hùng là một bài học đau xót đối với chúng tôi. Lần đầu tiên đối mặt với xe tăng M.48, Hùng hoảng quá, không bắn nổi. Nhưng điều tai hại nhất là Hùng lại quay lại quay đầu chạy. Hùng đã chết vì một viên đạn đại liên xuyên trúng vào lưng.
Ở mặt trận, có lẽ không cái chết nào nhục nhã bằng cái chết khi quay đầu tháo chạy để cho đạn kẻ thù xỉa vào lưng.
3. Nguyễn Trung Kiên: quê Quốc Oai, Hà Sơn Bình. Kiên đã hyy sính sau khi dùng tiểu liên tiêu diệt hơn hai mươi tên địch, yểm hộ cho đồng đội đánh tăng. Kiên đã tắt thở trên tay tôi. Cậu ấy chỉ còn một mẹ già và một đứa em gái. Trước khi tắt thở, Kiên dặn tôi: “Nếu anh còn sống trở về, nhờ anh thỉnh thoảng tới thăm mẹ em”. Kiên ơi! Mánh xin hứa rằng nếu Mánh còn sống trở về thì Mánh sẽ tới thăm Mẹ Kiên. Nếu em gái Kiên đi lấy chồng, Mánh sẽ đón bà cụ về với vợ chồng Mánh. Yên lòng nghe Kiên!
4. Nguyễn Mạnh Thắng: quê thị xã Thái Bình, Đảng viên dự bị. Hy sinh sau khi đã tiêu diệt hai xe tăng và hơn chục tên địch. Trong giây phút nguy nan nhất của trận địa, địch ào ên như kiến và đã áp sát tuyến công sự trận địa chốt, nếu ngồi dưới công sự mà bắn thì đạn sẽ nổ vọt sau lưng chúng, Thắng đã vọt lên khỏi công sự, đứng thẳng, bắn găm trái B.40 xuống giữa đội hình xung phong của địch. Sau đó Thắng trúng đạn và hy sinh. Khi liệm Thắng, chúng tôi tìm thấy một lá thư viết cho cô bạn gái, Thắng chưa có dịp gửi đi và một mảnh giấy nhỏ có ghi mấy dòng chữ: “Nếu tôi hy sinh, khi trở về hậu cứ, các anh lấy cây đạn của tôi trao cho đồng chí Lệ anh nuôi. Lệ đang học chơi đàn bầu, tỏ ra say mê và có nhiều triển vọng”.
Vậy là trước khi ra trận, Thắng đã sẵn sàng đón nhận sự hy sinh.
Từ nay dơn vị không còn được nghe tiếng đàn tuyệt vời của Thắng nữa. Nhưng, chiến công của Thắng thì vẫn mãi mãi âm vang trong lòng mọi người.
Vĩnh biệt bốn đồng chí thân yêu!
“Trung đội gió lốc” sẽ trả thù cho các đồng chí một cách xứng đáng.
Cũng cần phải ghi vài dòng về đứa bé mà Hưng đã nhặt được trên đường. Tên đứa bé là Phương. Hỏi ra mới biết bố cháu không phải lính ngụy mà là một họa sĩ. Còn mẹ cháu là một cô giáo dạy nhạc ở trường trung học.
Hưng giao đứa bé cho bộ phận dân vận của trung đoàn. Họ hữa sẽ chăm nom cháu bé cẩn thận và đến khi giải phóng sẽ trao cho ủy ban quân quản. Hẳn rồi người ta sẽ đưa cháu tới một trại mồ côi nào đó. Lúc chia tay, cháu bé đã khóc thét lên và ôm chầm lấy Hưng. Các ah trong ban dân vận đã phải giằng nó ra khỏi tay anh. Hưng vội vàng quay đầu chạy cho nhanh để khỏi khóc trước mặt nó.
Hình như tất cả nỗi đau thương của chiến tranh đều dồn cả lên đầu trẻ em và phụ nữ.
Suốt ngày hôm nay chúng tôi chia thành từng tiểu đội, đi sâu vào rừng để gọi dân. Chưa bao giờ tôi căm giận kẻ thù như hôm nay khi được chứng kiến những thảm cảnh mà chúng đã gây ra cho nhân dân. Chúng xuyên tạc, bịa đặt, tô vẽ cho chúng ta như một loại người khát máu, man rợ, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến bắn giết, hãm hiếp, trả thù. Khi rút chạy khỏi những thị xã vùng cao nguyên, chúng đã lừa phỉnh, dọa dẫm để ép dân chạy theo với mưu đồ chỉ bỏ lại cho chúng ta những đống gạch vụn, những phố phường làng xóm không có bóng dáng con người. Phần vì sợ bị trả thù, phần vì sợ bom đạn của Mỹ đánh hủy diệt, nhân dân đã rời bỏ nhà cửa, phố phường, ùn ùn chạy theo quân đội. Nhưng đến khi lâm trận, họ lại bị chính cái quân đội ấy đạp xéo lên để tháo chạy. Ai sống sót chạy vào rừng thì lại bị bọn tàn binh cướp bóc, hãm hiếp. Họ kiệt sức vì đói khát, tuyệt vọng. Chúng tôi đã tìm thấy nhiều nơi hàng chục người chết vì đói khát, hàng chục đứa trẻ bị bỏ rơi trong rừng, nhiều đứa chỉ còn thoi thóp thở.
Có một người mẹ, đến lúc con sắp lịm đi vì đói khát mới tỉnh ra. Chji xé rừng, ôm con lao như điên ra phía có những tiếng loa đang gọi. Khi gặp chúng tôi, chị quỳ xuống đưa đứa con ra trước mặt mà van vỉ:
- Các ngài làm ơn cứu lấy con tôi. Tiền bạc của tôi đây. Cái thân xác của tôi đây. Các ông muốn làm gì thì làm. Các ông giết tôi cũng được. Nhưng hãy cứu lấy cháu. Nó không có bệnh tật gì đâu, nó chỉ đói quá, khát quá mà thôi.
Chúng tôi đỡ lấy đứa trẻ, chị gục xuống, xỉu đi. Nhưng chúng tôi đã không cứu nổi đứa trẻ. Chị đã tới với chúng tôi quá chậm.
Chúng tôi đổ nước đường cho chị. Khi tỉnh dậy, nhìn thấy đứa con đã chết, mắt chị long lên sòng sọc. Chị nhảy xổ vào chúng tôi mà chửi rủa, cấu xé cho tới khi mệt quá, ngất lịm đi. Vết tay chị cào cấu vẫn còn hằn trên mặt tôi đây. Nhưng tôi không oán trách chị đâu, người mẹ đau khổ ạ.
Biết bao nhiêu cảnh đau thương như thế đã diễn ra trên con đường rút chạy của quân đoàn 2 ngụy. Chúng tôi đã làm hết sức mình để giảm bớt những đau thương ấy. Chúng tôi gọi loa suốt một ngày, anh nào anh nấy cổ đã khản đặc. Nhưng chúng tôi đã cứu được hàng ngàn đồng bào thoát khỏi cảnh lang thang đói khát trong rừng. Một số người, nge tiếng gọi tha thiết cho chúng tôi, họ xúc động tìm đến chúng tôi. Một số người vì đói khát, kiệt sức cùng đường mới chịu bò ra với ý nghĩa đằng nào cũng chết, cứ bò bò ra nếu Việt Cộng có lòng thương nhân loại thì may ra được cứu sống. Nhiều người, khi tìm thấy họ chỉ còn thoi thóp thở. Khi được cứu sống, phần lớn họ đã khóc trước mặt chúng tôi. Nhất là các bà, các chị, họ tự dằn vặt, chửi rủa mình ngu ngốc để bị bọn địch lừa phỉnh, dọa dẫm; đến nỗi mất sạch cả của cải, gia đình ly tán, kẻ mất người còn. Rồi họ tố cáo, buộc tội kẻ thù. Đó là những tòa án nhân dân. Chúng tôi lắng nghe tất cả và ghi nhớ. Vì chúng tôi là những người thi hành những lời tuyên án của nhân dân, của lịch sử.
Đêm nay hoặc ngày mai sư đoàn sẽ mở cuộc tiến công toàn diện vào những lực lượng địch bị dồn ứ lại trong thu lũng này. Chiều nay đã nghe pháo lớn bắn vào thị xã. Vậy là sắp bắt đầu rồi. Sau đó có lẽ chúng tôi sẽ tiến về tiến công. Tiếp tục truy kích kẻ thù. Hưng nói: “Biết đâu, có thể chúng ta sẽ đánh ra tới tận bờ biển”.
Không chỉ riêng Hưng khao khát được đuổi địch ra tới bờ biển. Bao năm chiến đấu trên cao nguyên, chúng tôi đều khao khát như vậy. Chúng tôi sẽ tới, nhưng không phải như những nhà du lịch mà tới với tư thế của người chiến thắng.
Mình ghi linh tinh quá nhỉ? Chẳng vào đâu cả. Đọc lên chúng nó lại cười cho dấy. Mà sao pháo của ta bắn nhiều vậy? Nghe khoái cái lỗ tai thật.
Trận đánh đã bắt đầu rồi chăng?
Trận tiến công vào thị xã Hậu Bổn đã bắt đầu từ năm giờ chiều. Bây giờ đã gần mười giờ đêm rồi mà vẫn chưa có dấu hiệu gì chứng tỏ trận đánh sắp kết thúc. Tiếng súng vẫn nổ ran trong thị xã. Những cột lửa đỏ sậm ngả nghiên theo từng đợt gió khô. Sông Ba lấp lóa trong ánh lửa; chỗ tối, chỗ sáng như một con rắn khúc trắng khúc đen trơn nhẫy, đang cố sức trường ra khỏi cái thị xã nóng bỏng kia. Khói đùn lên, nhưng đọng thành những mảng đen, hình thù quái dị trên bầu trời thị xã. Đạn lửa, từng dân dài, đỏ đọc, đan chéo nhau thuốn vào bóng đêm.
Ở những làng xóm ven thị xã, chó thi nhau sủa từng tràng inh ỏi. Chú nào mệt quá, hoặc mỏi mồm, mới chịu gâu gâu tiếng một. Nhưng chỉ một lát, như sợ thua chúng bạn, nó lại tru tréo xổ từng tràng dài như một khẩu đại liên.
Trung đoàn 6 chỉ còn một đại đội tham gia đánh hai chốt phía đông nam thị xã, còn lại toàn bộ lực lượng, trừ bộ phận đã vượt đèo Tu Na, đều được lệnh nằm yên, hình thành thế vây lõng. Sẵn sàng đón địch từ thị xã bung ra; đồng thời, cũng sẵn sàng nhảy vào tiếp sức cho trung đoàn 4 khi cần.
Trung đoàn trưởng Thuần luôn bám máy, theo dõi sát diễn biến của trận đánh. Thỉnh thoảng ông lại quay điện thoại xin tổng đài sư đoàn cho nói chuyện với ban tác chiến. Đồng chí trực tổng đài bực mình gắt um lên trong máy:
- Đang bận chỉ huy tác chiến, cụ ơi!
Trung đoàn trưởng Thuần cười dàn hòa:
- Cậu thông cảm chút, cùng dân máu mê cả mà. Hay cậu cắm phích cho mình nge với.
Đồng chí chiến sĩ điện thoại la lên:
- Như vậy phạm nguyên tắc, thủ trưởng ơi!
- Chậc! Mình thề sẽ không tố cáo cậu đâu mà lo.
Anh chiến sĩ điện thoại cười vang:
- Một tút Ru –bi “chân co chân duỗi”. Đồng ý không?
Trung đoàn trưởng quay lại nháy mắt với chính ủy Tâm và tham mưu trưởng Sự.
- Đang mặc cả đấy, thằng lỏi con!
Rồi ông lại bấm công tắc và cũng bắt chước giọng mặc cả của anh chiến sĩ điện thoại:
- Gì mà đắt thế! Nửa tút, xong không?
Đầu dây bên kia lại có tiếng cười:
- Thôi được! Nói vậy cho vui thôi. Mời thủ trưởng nghe nhé. Trung đoàn 4 đang báo cáo tình hình đấy.
Có tiếng rột rẹt trong ống nghe rồi giọng nói khao khao của trung đoàn trưởng Đặng Ngọc San vọng lại, nge xa lắc:
- … Khu trại Ngô Quyền cơ bản xong rồi. Vâng. Nhưng địch túa ra ngoài phố đông quá. Những khi ta đánh lướt qua rồi khi quay lại thấy có địch. Vâng! Nó cứ chạy quẩn vậy mới mệt. Trời tối quá! Chúng tôi chưa biết thằng đại đội 7 ở xó nào bây giờ cả. Liên kạch V.T.Đ với Nó vẫn tốt. Nhưng hỏi nó đang ở đâu thì nó trả lời “ Chúng tôi đang ở giữa phố, bốn xung quanh đều địch cả. Không hiểu ở chỗ nào”. Sao? Bảo nó bắn pháo hiệu ạ? Vâng. Tiểu đoàn anh Diệu vừa chiếm xong tiểu khu. Thực ra đánh chiếm tiểu khu chẳng khó khăn bao nhiêu. Sao ạ? Đúng như thế! Cơ bản là thằng địch bên ngoài thôi ạ.Nhưng trời tối quá! Chúng nó mà nằm im thì chẳng biết đường nào mà lần.
Im lặng một lúc khá lâu. Tham mưu trưởng Sự vẫn ngồi chầu hẫu bên cạnh, thỉnh thoảng lại hỏi: “Sao rồi anh?”. Chính ủy Tâm ngồi im lìm như một bức tượng, điếu thuốc trên môi ông vẫn lập lòe.
Có tiếng chuông reo nhẹ và từ tốn rồi từ trong máy vang lên giọng nói điềm tĩnh, trầm ấm của tư lệnh trưởng sư đoàn:
- Anh San đâu! Anh còn nghe đấy không? Ờ, này… bây giờ thế này nhé. Anh ra lệnh cho các đơn vị ngừng tiến công. Chỗ nào nằm yên chỗ đó nhưng phải tổ chức người bám địch, canh gác. Cho các phân đội củng cố lại đội hình, bổ sung đạn dược, đưa thương binh và giải tù bình ra ngoài. Sáng mai ta sẽ đánh tiếp! Những mục tiêu cơ bản xong rồi, còn lại chủ yếu là bọn địch lẩn tránh trong các ngách phố. Ta đợi ban ngày ban mặt đánh cho đỡ mệt, tránh thương vong vô ích. Anh có đề nghị gì nữa không?
- Báo cáo thủ trưởng, các phân đội đều xin đạn. Nhất là B.40, B41 và đạn cối, lựu đạn. Đánh thành phố xài những thứ đó nhiều lắm. Đề nghị sư đoàn cho xe chở xuống khu sân bay cho chúng tôi.
- Được rồi! Anh tổ chức đón nhé. Tôi lệnh cho quân giới sư đoàn đưa đạn xuống ngay cho các anh. Bây giờ anh tổng hợp lại toàn bộ tình hình. Ba mươi phút nữa báo cáo.
- Rõ
Trung đoàn trưởng Thuần cũng đặt máy, quay lại với chính ủy và tham mưu trưởng.
- Ngừng tiến công rồi!
- Sao? – Sự sửng sốt hỏi – Đã xong rồi cơ à?
- Chưa! Nhưng cơ bản thì cũng coi như xong. Trời tối quá, địch túa ra phố rất đông, trốn trong các ngõ ngách rồi nằm im. Không biết đường nào mà lần. Sư đoàn lệnh ngừng tiến công. Sáng mai đánh tiếp!
Chính ủy cười:
- Đấy! tôi đoán ngay mà. Đánh đêm có nhiều thuận lợi nhưng rất khó mà tiêu diệt triệt để được. Nhất là cái thằng địch này, chúng nó nằm đầy các ngả đường chứ có co cụm lại một vài cụm đâu. Đụng vào là chúng túa ra, chạy lung tung, có trời mà lần.
Trung đoàn trưởng thắp thêm một cây nến, cắm vào chỗ cây nến cũ sắp lụi trên chiếc thùng đạn đại liên rồi quay lại nói với hai người.
- Ngày mai quân mình sẽ mệt đấy. Đên nay chúng nó sẽ chuồn ra rừng rất nhiều. Ngày mai thế nào mà sư chẳng lệnh cho ta đi càn, truy quyét nốt.
Sự ngồi xuống bên cây nến, châm một điếu thuốc lá rồi quay lại nói với trung đoàn trưởng:
- Từ giờ tới sáng thế nào các chốt của ta cũng gặp địch trong thị xã chạy ra.
- Đúng đấy! – Trung đoàn trưởng vỗ vai Sự - Anh gọi điện thoại cho các đơn vị nhắc các chốt phải tỉnh táo. Lính tráng ngủ tịt cả, nó chạy qua đầu cũng chẳng biết đâu.
Sự đến bên điện thoại, giọng ồm ồm như nói trong chum của anh lại vang lên. Chính ủy cũng đứng dậy luôn, vươn vai rồi nói với trung đoàn trưởng:
- Từ giờ tới sáng chắc chẳng có chuyện gì đặc biệt. Anh đi ngủ một chút đi.
Trung đoàn trưởng cũng giục:
- Cả anh cũng phải đi nghỉ đi chứ.
Chính ủy đưa bàn tay đập đập lên trán:
- Tôi chưa ngủ được đâu. Chập tối, tưởng phải thức suốt đêm tôi đã dại dột uống một ly cà phê với tay Nhuận. Khéo thức tới thấu sáng ấy chứ lại.
Sự đã gọi điện thoại xong, anh quay lại khoát tay nói với hai thủ trưởng:
- Thôi! Mời hai bố già đi ngủ cả cho. Tôi và tay Nhuận trực cũng đủ rồi
Chính ủy vỗ vai trung đoàn trưởng, hóm hỉnh:
- Ông này ông ấy không thích gọi là “bố già” đâu nhé! Cậu chỉ bậy. Ông ấy còn đủ sức đánh một mạch xuống Phú Yên tìm bà xã kia đấy.
Sự cười khơ khớ:
- Hay nhỉ! Cứ như Lục Vân Tiên đi tìm Kiều Nguyệt Nga ấy! Tìm cảm dồn nén hai mươi năm, gặp nhau chắc hẳn sẽ nổ bùng nên như một…quả mìn ĐH 10!
Trung đoàn trưởng thụi vào lưng Sự một cái:
- Cậu chỉ được cái dại mồm dại miệng.
Sự vẫn không chịu buông tha.
- Này! Nhưng tôi hỏi thật nhé. Nếu gặp chị ấy anh có dám ôm hôn một cái trước ba quân không nào?
Trung đoàn trưởng gật đại:
- Thừa sức! sợ gì mà không dám hôn.
Sự vỗ tay cười.
- Đấy! Chính ủy nhớ lấy nhé!
Chính ủy vội xua tay “phanh” anh chàng tham mưu trưởng lắm mồm lại.
- Thôi! Mày đừng có phá. Để anh ấy đi ngủ một lát đã chứ. Lại sáng bạch bây giờ!
- Hiểu ý chính ủy, Sự đứng ngẩn ra giây lát rồi cố xuống giọng nghiêm chỉnh:
- Ờ nhỉ, tôii quên mất! Mải… vui quá. Thôi, hai thủ trưởng cứ yên tâm mà đi ngủ. Tôi đã nhắc các đơn vị chú ý đón lõng địch trong thị xã chạy ra rồi.
Trung đoàn trưởng uể oải đi về hầm của mình. Cậu công vụ của ông đã ngủ say, chân tay dang rộng ra thành một chữ “đại”. Chà sao mà chúng nó dễ ngủ đến thế không biết? Nằm xuống là ngáy liền. Sao mà nó nặng thế! Nằm xích vô đi chú mày. Cậu công vụ ú ớ lên vài tiếng, đưa tay lên cổ gãi sồn sột rồi lại ngáy sôi lên.
Thuần ngả lưng xuống tấm bạt dưới trải nền hầm, xương cốt ông giãn ra, kêu lục cục. Bây giờ ông mới thấy lưng mình đau như dần. Lúc này mà nó quật cho một cơn sốt thì mệt đấy. Đang lúc tác chiến liên miên thế này mà nằm trùm chăn thì vô duyên thật. Chi bằng “nghênh chiến” trước là hơn. Nghĩ vậy, ông ngồi dậy, bật đèn pin lục ba lô tìm hộp thuốc cá nhân lấy ra hai viên Ni – va – kin rồi với bi đông, bỏ thuốc vào miệng tu ực một hơi.
Xong xuôi, ông yên trí nằm xuống. “Nhưng sau đầu óc mình vẫn tỉnh như sáo thế này”. Ông trăn trở, bồn chồn. Rồi cũng như nhiều đêm không ngủ khác, điếu thuốc lá lại lập lòe trên môi ông.
Ông chợt nhớ lại cảm giác ngượng ngùng pha chút vui sướng khi chính ủy và Sự nhắc tới ngày ông gặp lại vợ con. Hình như bây giờ, không phải chỉ riêng ông mà tất cả cán bộ tham mưu xung quanh ông đều nghĩ rằng, việc tiếp tục truy kích địch, tiến về đồng bằng ven biển Phú Yên là điều tất nhiên rồi. Sư đoàn cũng đã thông báo cho ông biết rằng, những lực lượng địch đã vượt qua được thung lũng Cheo Reo trước khi ta kịp chặn còn khá đông. Chúng đang bị các lực lượng vũ trang địa phương tỉnh Phú Yên đón đánh dọc đường và có khả năng sẽ cụm lại thành một cụm lớn ở quận lỵ Củng Sơn, Quận Sơn Hòa, địa đầu của tỉnh Phú Yên để chờ sửa đường và làm cầu qua sông Ba rồi mới tiếp tục hành quân về Nha Trang được. Vì thế sư đoàn phải nhanh chóng thanh toán bọn địch ở Cheo Reo để tiếp tục hành quân truy kích và bao vây tiến công tiêu diệt nốt lực lượng này.
Như vậy, những trận đánh sắp tới của sư đoàn, mặc nhiên sẽ diễn ra trên mảnh đất quê ông.
Chỉ mới nghĩ tới điều đó ông đã thấy lòng mình nôn nao. Ông nhắm mắt lại và hình dung gương mặt của vợ mình nhòe lệ. Hơn hai mươi năm nay, bất cứ khi nào trong tưởng tượng và cả trong mơ ông cũng chỉ gặp gương mặt vợ mình nhòe lệ như buổi tiễn ông ra Quy Nhơn để xuống tàu đi tập kết. Chưa bao giờ ông hìnhdung được một gương mặt khác với gương mặt thân yêu của vợ mình ngày ấy. Không! An không thể giữ mãi được gương mặt trẻ trung, căng tràn nhựa sống của tuổi mười tám đôi mươi. An không thể giữ mai được nước da trắng mịn, mái tóc đen dài mỗi khi buông xõa lại thơm ngát hương dầu dừa. Sức tàn phá của thời gian đối với sắc đẹp của con người thật ghê gớm. Nhưng sức chịu đựng tàn phá của nỗi nhớ thương, của sự dồn nén chịu đựng của nỗi cay đắng, cự nhục trong những ngày đen tối của quê hương lại càng ghê gơm hơn. Có thể An đã già đi rất nhiều. Đôi mắt lúc nào cũng như có nắng đọng đầy những nét u buồn. Mái tóc đen huyền buổi ấy hẳn đã điểm nhiều sợi bạc. Nhưng, có một điều mà chắc chắn An vẫn giữ được nguyên vẹn như buổi ban đầu, đó là tình thủy chung đối với chồng, là niềm tin và lòng trung thành đối với cách mạng. Những điều đó không chịu sự tàn phá của thời gian và nanh vuốt kẻ thù….
…Khi gặp lại, anh sẽ nói với em những gì đây? Kể cho em nghe về quãng đời hai mươi năm vắng em của cuộc đời mình ư? Nó có nghĩa gì đâu so với hai mươi năm vắng anh trong cuộc đời em? Hai mươi năm đó, nếu em chỉ là một người vợ thủy chung, chỉ biết nuôi con và chờ đợi, thì cũng đủ để cho anh, khi gặp lại phải kính phục. Nhưng hai mươi năm đó đối với em còn là hai mươi năm chiến đấu. Bởi vì hai mươi năm qua, ở Miền Nam đau thương này, đứng trước một kẻ thù tàn bạo như đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của nó, thủy chung cũng có nghĩa là chiến đấu. Và, chỉ có chiến đấu mới giữ được lòng chung thủy, giữ vững được niềm tin.
Anh yên lòng khi nghĩ tới con của chúng ta. Em sẽ biết cách dạy dỗ nó nên người. Em đã chọn cho nó con đường chiến đấu, trở thành người chiến sĩ cách mạng; đó cũng cách tốt nhất để em giữ được nó mãi mãi bên chúng ta; mặc dù, trong cuộc chiến đấu này, con đường chiến đấu baoo giờ cũng đồng nghĩa với sự hy sinh, với đau thương, mất mát.
Anh biết ơn em biết mấy! Hỡi em, người vợ hiền, người đồng chí của anh!...
Trung đoàn trưởng Thuần lại nghiên người bật lửa châm thuốc. Cũng không biết là điếu thứ bao nhiêu rồi. Ngoài trời, vẫn sương rơi, gió thổi. Phía thị xã Cheo Reo, thỉnh thoảng lại rộ lên một đợt súng nhưng vẫn không đủ để khuấy động cả không gian yên tĩnh.
Trong Cơn Gió Lốc Trong Cơn Gió Lốc - Khuất Quang Thụy Trong Cơn Gió Lốc