Số lần đọc/download: 1098 / 15
Cập nhật: 2017-10-14 10:57:55 +0700
Chương 12 - Chuyện Kể Về Nhà Thám Hiểm Pavan Xtsêlexki
T
ômếch nằm trên chiếc ổ êm ái trải dưới mái lều thoáng gió. Nó đưa mắt nhìn mãi lên bầu trời không mây, nghĩ lan man về những chuyện xảy ra trong ngày và tình thân với những người săn thú phi thường.
Nó hơi kiêu, tự nhủ: “Chẳng ai trong đám bạn bè của mình ở Vacsava được quen với một nhà thám hiểm thực thụ. Vậy mà một nhà săn thú đích thực như chú Xmuga lại đề nghị kết thân với mình! Còn chú thủy thủ trưởng Nôvixki nữa chứ, thật là một con sói biển lão luyện. Chú giữ kỷ luật trên tàu “Cá sấu” thật hết sẩy! Mỗi khi chú ra lệnh, thủy thủ trên tàu cũng đều đáp lại: “Vâng, thưa ngài! Và thực hiện ngay không dám ho he một lời. Mình có những người bạn như thế đấy! Chưa kể mình còn là con trai của chính trưởng đoàn săn thú!…”
Những ý nghĩ dễ chịu khiến cho nó thiếp đi với nụ cười trên môi. Nó ngủ mấy tiếng đồng hồ liền. Khi tỉnh dậy, trời đã tối hẳn, những vì sao nhấp nháy trên bầu trời. Vọng đến tai nó tiếng trò chuyện của người lớn đang ngồi bên đống lửa. Lo lắng, nó bật dậy, nhanh nhẹn bước lại gần mọi người.
Sao ba và các chú không đánh thức con dậy? – nó trách. – Chút nữa thì con ngủ quên, không được tham dự cuộc săn.
Đám đàn ông mỉm cười nhìn nó. Người cha vừa dịch ra nhường chỗ cạnh mình cho con, vừa bảo:
– Đừng lo! Còn khối thời gian. Bây giờ mới tối, mà lũ đingô thường phải nửa đêm mới đi săn mồi.
Tômếch ngồi xuống bên cha.
– Đêm thảo nguyên ở đây thật là đẹp, nhưng giá mát mẻ hơn một chút thì hay, – chú Xmuga tiếp tục câu chuyện bị gián đoạn.
– Phải đấy, nhưng tôi xin đảm bảo với anh là tại những vùng khác, lục địa Ôxtralia cũng có rất nhiều vẻ đẹp đặc biệt và kỳ thú vô cùng! – ông Bentley sôi nổi nói. – Nếu như các anh cũng hiểu vùng đất này như tôi, hẳn các anh sẽ đồng ý ở lại đây suốt đời.
– Xin lỗi, bác kể chuyện cổ tích hay sao ấy chứ! – thủy thủ trưởng Nôvixki đột ngột lên tiếng phản đối. – Chắc bác chẳng thể nói một điều vớ vẩn như thế, nếu như có một lần trong đời được nhìn thấy mảnh đất quê mẹ! Những cánh đồng, những khu rừng quê hương ta mới đẹp làm sao! Còn bên dòng sông Vixoa của ta soi bóng không biết bao nhiêu thành phố xinh đẹp. Vacscava thân yêu, thành Kracốp, ha ha, tim tôi cứ nhói lên vì không được nhìn thấy chúng! Bên cạnh đất nước Ba Lan của chúng ta, cái xứ Ôxtralia khỉ ho cò gáy này là gì chứ? Không khí thì nóng bức kinh người, hạn hán, lụt lội, mấy đàn cừu và liệu có đức Chúa mới hay còn những thứ quỷ quái gì nữa! Tôi cũng đã từng ngang dọc khắp thế gian, nhưng bác cứ tin tôi đi, tôi chỉ mong xương cốt mình được chôn ở mảnh đất Ba Lan mà thôi…
Ông Bentley nín lặng, bàng hoàng vì những lời bộc trực của thủy thủ trưởng. Mãi hồi lâu sau ông mới lên tiếng:
– Tôi đâu có ý định xúc phạm đến tình cảm của ai. Tôi chỉ nói rằng tôi yêu mến đất nước Ôxtralia này thôi. Như tôi biết, giờ đây các anh chưa thể quay về quê hương. Vậy thì tội gì phải lang bạt khắp thế giới? Các anh có thể tìm thấy nơi đây một chỗ nương náu tốt để chờ những thời cơ tốt đẹp hơn…
– Không hề có chuyện xúc phạm gì ở đây đâu, thưa bác – thủy thủ trưởng xúc động vội trả lời. – Xin bác thứ lỗi cho những lời thẳng đuột ruột ngựa của tôi. Tôi chỉ là một người thô kệch, và chắc tôi đã diễn đạt không mấy khéo léo, nhưng bác đã bao giờ sống ở Ba Lan đâu! Ôi, thưa bác, bác có thể tưởng tượng được cảnh tượng của những đường phố Vacsava hay khu chợ Kracốp trong đêm giáng sinh tuyệt vời thế nào không? Những bông tuyết trắng rơi ngoiaf sân, cửa sổ mọi nhà đều rực rỡ ánh đèn nến trang trí những cây thông Nôen… Tôi xin mất hẳn nửa cuộc đời để được nhìn thấy cảnh tượng đó ngay lúc này…
Tômếch thở dài nép vào thủy thủ trưởng đang xúc động.
– Thủy thủ trưởng yêu tha thiết thành phố Vacsava của chúng ta – ông Vinmôpxki khẽ nói. – Nói thực lòng, tôi cũng rất nhớ thành phố quê hương…
– Một ngày nào đó bác nhất định phải đến thăm Ba Lan. – Tômếch sôi nổi thốt lên. – Cháu sẽ dẫn bác đi thăm Vacsava, thăm công viên Oazienki và chỉ cho bác thấy hoàng cung, nơi những vị vua xưa kia của Ba Lan đã từng sống. Còn ngay bên cạnh cung điện là những con thiên nga trắng muốt thong thả bơi trên làn nước trong xanh. Cháu đã bị dì Janhina cho ăn đòn không biết bao nhiêu lần chỉ vì mải chơi lang thang trong công viên Oazienki.
– Bác sẽ nhận lời mời của cháu khi nào đất nước Ba Lan giành được độc lập, – ông Bentley khẳng định. – Vacsava hẳn là đẹp lắm nếu mọi người đều yêu mến nó đến như thế.
– Vâng, vâng, bác sẽ tới thăm Vacsava và xây dựng cho chúng cháu một vườn thú thật tuyệt vời, – Tômếch tưởng tượng. – Chúng ta sẽ tổ chức một chuyến đi săn đặc biệt để bắt thật nhiều loài thú hiếm cho vườn thú của chúng ta. Đúng không, ba?
– Đúng thế, chàng trai trẻ nhiệt tình ạ! – ông Vinmôpxki đồng tình, khẽ mỉm cười. – Nếu con đã chuẩn bị sẵn chỗ làm việc cho ông Bentley, thì ba và các chú sẽ cố gắng tìm bắt thật nhiều thú.
– Tôi rất vui lòng được thực hiện điều đó. – Ông Bentley thừa nhận. – Nhưng các anh cũng nên đến thăm núi Kôchiuskô.
– Núi Kôchiuskô? – Thủy thủ trưởng Nôvixki ngắt lời ông. – Có phải đó là ngọn núi lớn nhất Ôxtralia, do nhà thám hiểm người Ba Lan phát hiện ra?
– Anh không nhầm. Người Ba Lan đó chính là Paven Xstêlexki[i], người đã phát hiện ra dãy núi Anpơ Ôxtralia và đã đặt tên cho ngọn núi cao nhất là ngọn Kôchiuskô.
– Bác đã thấy ai giỏi hơn chưa nào! – Thủy thủ trưởng đắc thắng kêu lên. – Dân Ba Lan phát hiện cho các bác ngay cả ngọn núi cao nhất! Dân chúng tôi là thế đấy, đánh nhau cũng giỏi, nhảy múa cũng tài!
– Tôi chẳng bao giờ dám động chạm đến Xtsêlexki, người đã thực hiện ở đây nhiều kỳ tích hơn nhiều đồng hương của ông – ông Bentley nói, mỉm cười nhìn chàng thủy thủ đang chịu trận.
– Hình như bác đặc biệt quan tâm đến hoạt động của Xtsêlexki? – ông Vinmôpxki tham gia câu chuyện, tò mò vì những lời của ông Bentley.
– Ngay từ nhỏ tôi đã được nghe những câu chuyện phi thường về ông ấy. Bố mẹ tôi kể rất nhiều chuyện về Xtsêlexki. Nói thực ra, ông ngoại tôi là người Ba Lan, sau cuộc khởi nghĩa Tháng Mười Một thất bại, cụ đã phải rời Ba Lan, lang bạt đến tận vùng Niu Xaothơ Uênxơ. Và chính ở đây, cụ đã được gặp Xtsêlexki. Cụ đã cùng với ông tham gia một trong những chuyến thám hiểm nguy hiểm nhất. Mẹ tôi cho rằng Xtsêlexki đã cho ông ngoại tôi biết nơi tìm thấy vàng. Hình như hai người đã cùng nhau khai thác vàng trong một thời gian ngắn. Nhưng chắc hẳn Xtsêlexki đã bảo cụ phải tuyệt đối giữ bí mật chuyện đó, vì cụ chẳng bao giờ muốn nói về nguồn gốc tài sản của mình.
– Đó thật là một chuyện trữ tình! – ông Vinmôpxki kêu lên. – Trời còn chưa khuya lắm, thảo nguyên vẫn im ắn như tờ, có thể lũ chó hoang đingô đã đánh hơi thấy sự có mặt của chúng ta. Vậy xin bác thuật lại cho chúng tôi nghe chuyến đi thám hiểm chung giữa ông ngoại bác với Xtsêlexki, chắc là thú vị lắm!
– Nào, xin bác hãy kể cho cháu nghe với! – Tômếch tiếp lời. – Hồi trước bác hứa lúc nào có dịp sẽ kể chuyện ông Xtsêlexki kia mà!
– Xin bác kể đi, đó mới thật là chuyện dành cho chúng tôi đấy! – Thủy thủ trưởng Nôvixki nói thêm.
Ông Bentley không đợi mọi người phải nài thêm, ông châm tẩu thuốc rồi bắt đầu:
– Sau khi phát hiện ra dãy núi Anpơ Ôxtralia và ngọn núi Kôchiuskô, Xtsêlexki lên đường tiếp tục đi theo hướng đông nam. Tham gia cuộc thám hiểm đó, ngoài ông ngoại tôi, còn có ông Mac Acthơ, một trong những người đầu tiên đi thám hiểm vùng đất Niu Xaothơ Uênxơ. Họ đã tìm thấy một vùng phì nhiêu và giàu có, cơ man là sông hồ, nằm giữa dãy núi Anpơ Ôxtralia và biển Taxmania.
Xtsêlexki rất thích vẻ đẹp và sự giàu có của vùng đất mới phát hiện. Ông bèn lấy tên vị toàn quyền Ôxtralia đặt cho vùng này là Gipxlan. Ông tin tưởng rằng trong tương lại nơi này sẽ trở thành vùng trù phú nhất của lục địa, và ông đã không lầm. Chính ông đã vẽ nên bản đồ chính xác của vùng Gipxlan, vạch kế hoạch xây dựng các công trình thủy lợi cần thiết, sau đó ông tiếp tục đi lên phía thượng lưu sông La Trôbơ, tìm đến tận nguồn phát nguyên của nó trong các dãy núi.
Một hôm Mac Acthơ, người đảm nhiệm chức quản lý của đoàn, báo rằng thực phẩm đã gần cạn, vì vậy cần phải tính đến chuyện quay trở về. Nhưng Xtsêlexki không muốn nghe nói đến việc đó. Ông quyết định ngoặt sang hướng tây nam, về phía cảng Philip mới được xây dựng chưa lâu, để hỏi đường đi Gipxlan.
Không chờ đợi lâu, họ nhanh chóng vượt qua một rặng núi có rừng bao phủ và đặt chân vào một vùng thảo nguyên có rừng thưa. Từ vùng sâu đại lục thổi ra những làn gió nóng bỏng làm khô mặt đất. Còn khoảng một trăm cây số chia cách giữ đoàn thám hiểm của Xtsêlexki với cảng Philip, nhưng càng ngày vùng đất mà đoàn đi qua càng hoang dã và càng khó vượt qua hơn. Trời quá nóng khiến suối và sông con đều khô cạn, đoàn không thể kiếm được nước để bổ sung cho số dự trữ.
Những khu rừng thưa thớt ngày càng lùi bước, nhường chỗ cho những vùng đất phủ dầy rừng gai dày đặc. Và cuối cùng, Xtsêlexki cùng với đoàn thám hiểm của mình buộc phải xuyên qua vùng rừng rậm rịt những cây keo lùn và cây keo lá tràm còi, cùng thứ cỏ cao được gọi là cỏ gai. Trong vùng này hoàn toàn không có một loài muông thú hay một loài chim nào sinh sống, chỉ điều đó cũng đã đủ để nói lên mức độ hoang dã của vùng.
Còn gần sáu mươi cây số nữa chia cách những nhà thám hiểm với mục tiêu của cuộc hành trình thì con đường đi hoàn toàn bị hàng rào gai thiên nhiên chắn lối. Mac Acthơ khuyên nên quay trở lại, nhưng Xtsêlexki không đồng ý, vì đoàn không còn dự trữ lương thực và nước. Theo ông, chỉ có tiếp tục tiến lên phía trước, tiến về phía nam, mới có thể cứu cả đoàn khỏi bị tiêu diệt trong vùng rừng gai chết người này. Ông ngoại tôi cũng ủng hộ ý kiến của Xtsêlexki, bởi cụ tin vào linh cảm của nhà thám hiểm dày dạn, chưa một lần nhầm lẫn. Vì thiếu nước và lương thực, họ buộc phải giết ngựa và vứt bỏ bớt những bộ sưu tập quý giá mà nhà thám hiểm người Ba Lan đã thu thập được trong những chuyến đi dài.
Họ tiếp tục tiến về phía nam. Suốt ba tuần liền họ phải xuyên qua một khu rừng gai dày đặc, khô khốc, châm chích và cứa đứt thịt da, gây cho họ biết bao đau đớn. Ngoài đói và khát, họ còn bị hành hạ bởi nỗi nghi ngờ, không hiểu hướng đi đã chọn có đúng hay không. Mặc dù những nỗ lực phi thường đã đổ ra, chỉ dám dừng lại nghỉ vài giờ vào lúc trời nóng bức nhất, mỗi ngày cùng lắm họ cũng chỉ đi được từ ba đến năm cây số. Ngày thứ hai mươi tư của cuộc hành trình xuyên rừng, phải phát cây, xuyên rừng, khó nhọc lắm họ mới có thể dọn đường mà đi. Những bụi cây nhỏ không cho họ một chút bóng mát nào, còn mặt đất nóng bỏng, nứt nẻ dưới ánh nắng mặt trời tạo nên vô số cạm bẫy để kìm chân những con người gần như đã hoàn toàn kiệt sức. Nhiều người trong đoàn yếu đến mức yêu cầu Xtsêlexki để họ nằm lại, mặc cho số phận run rủi. Nhưng Xtsêlexki đã bắt buộc tất cả mọi người phải vét nốt chút sức lực còn lại, ông vẫn khẳng định rằng khu rừng gai bịt bùng này sắp chấm dứt.
Sáng ngày thứ hai mươi sáu của cuộc hành trình, một người trong số các thổ dân đột nhiên đứng dừng lại. Anh ta rướn chiếc cổ gầy ngẳng, há to miệng, cố hít lấy hít để làn không khí khô khốc cháy bỏng. Xtsêlexki đỡ lấy vai anh ta, ngỡ người thổ dân đang hấp hối, nhưng chính lúc ấy ông đã nghe thấy tiếng anh ta hổn hển thì thào: “Hít đi, hít mạnh vào!…”
Và Xtsêlexki vô cùng sung sướng khi nhận thấy rằng làn không khí nóng và khô từ bao ngày qua, giờ đã mang chút hơi ẩm. Họ đã đến rất gần bờ biển. Khu rừng gai ghê người đã kết thúc. Ngay lập tức, ông thông báo điều đó cho các bạn đồng hành. Và như được tiếp thêm sức mạnh, họ tiếp tục tiến về phía nam.
Rừng gai ngày càng thưa hơn, nhưng họ đã quá kiệt quệ để có thể đi nhanh hơn trước. Đêm xuống, họ ngã lăn xuống mặt đất nóng bỏng. Cái đói và cái khát không để cho họ chợp mắt lấy một phút. Họ nằm cạnh nhau trong bầu không khí im ắng như trong mồ của vùng hoang mạc, đưa những đôi mắt đã mờ nhìn lên những vì sao đang long lánh trên bầu trời. Và khi ấy, lần đầu tiên sau nhiều tuần lễ dài, họ nghe thấy tiếng hú của lũ chó hoang đingô…
Ông Bentley ngừng kể. Đúng lúc ấy, trên thảo nguyên, ở một vùng nào đó cạnh hàng rào của bãi chăn thả, chợt vang lên một thứ tiếng lạ lùng, nghe như tiếng gào của quỷ sứ. Những thanh âm thoạt tiên trầm thấp, mỗi lúc càng trở nên cao hơn, rồi kết thúc bằng một tiếng hú lảnh lói, rất kinh khủng. Bất giác, mọi người đều rùng mình, Tômếch hoảng hốt túm chặt tay ông Bentley.
– Cái gì thế? – nó thì thầm. – Tiếng gì thế nhỉ?
– Lũ chó đingô đang kéo tới. Tôny thì thào đáp.
– Phải, đó là tiếng hú của chó hoang đingô – ông Clac xác nhận.
– Đó quả là sự kết thúc rất hiện thực của một câu chuyện tuyệt vời! – chú Xmuga thì thầm.
– Xin bác kể tiếp xem chuyện gì xảy ra với đoàn thám hiểm Xtsêlexki? – ông Vinmôpxki nào.
Ông Bentley hạ giọng kể nốt câu chuyện của mình:
– Lũ chó hoang chỉ có mặt ở những nơi có thể tìm được thức ăn. Tiếng hú của chó đingô báo cho những nhà thám hiểm biết rằng họ đã tới gần kề nơi chấm dứt khu rừng gai ác độc. Sự thật đúng là như vậy. Chẳng bao lâu sau họ may mắn đến được cảng Philip, khi sức lực đã hầu như cạn kiệt.
– Xtsêlexki mới thực là một người can trường. Với một người như thế có thể đi thám hiểm cả địa ngục! – thủy thủ trưởng Nôvixki thán phục thừa nhận. – Bất ngờ nghe thấy tiếng hú rùng rợn thế này ai mà chẳng dựng tóc gáy. Cái xứ này thật quái đản, đến loài cho hoang đêm đêm cũng hú như tiếng quỷ sứ ấy!
Một tiếng hú dài vang lên ngay sát gần. Lũ cừu bắt đầu hoảng hốt dồn lại một chỗ, tiếng gõ móng của những con đực hòa lẫn với tiếng kêu be be hốt hoảng của lũ cừu non. Một tiếng tru ngắn, đứt đoạn chợt vang lên ngay sát hàng rào.
– Bọn thú dữ nổi máu hăng rồi đây… – ông Clac lẩm bẩm. Phải tặng cho chúng một lượng đạn chì đủ nặng từ lâu rồi mới phải…
– Chắc không phải chỉ có một con – Tômếch thì thào.
– Chú cảm thấy hình như có ba hoặc bốn con đingô đang lởn vởn gần khu nuôi thả gia súc, – chú Xmuga đang lắng nghe những tiếng hú vang dài trên thảo nguyên trả lời thằng bé.
Câu chuyện bị gián đoạn. Có tiếng cành cây gãy rắc. Lùm cây gần đấy rơi sập xuống hố, gần như cùng lúc ấy có tiếng tru vang rền ngay bên trong hàng rào. Đám cừu đen thẫm đang tìm cách chạy trốn dồn lại như những làn sóng.
– Đồ chó đáng nguyền rủa! Chúng đã xông được vào đàn cừu rồi! – ông Clac kêu lên. – ông Vinmôpxki và Tômếch ở lại đây, còn tất cả chúng ta chạy đi chặn chúng lại!
Ông Clac, Lorenxơ, Xmuga và Tôny vồ lấy vũ khí. Họ chạy dọc theo hàng rào để chặn đường rút lui của lũ chó hoang ra thảo nguyên.
– Tômếch, con hãy chuẩn bị súng, sẵn sàng nhả đạn! – ông Vinmôpxki bảo con, đồng thời cũng lên đạn súng trường. Lũ chó hoang dã lọt vào bên trong hàng rào khu chăn rồi.
– Con thấy hình như có một con đingô đã lọt xuống bẫy của ta rồi thì phải. – Tômếch nói thêm.
– Hình như thế, mặc dù nó vẫn im tiếng – ông Vinmôpxki đồng tình.
Cách đó vài chục thước chợt vang lên tiếng súng. Một cảnh tượng vô cùng hỗn loạn diễn ra. Lũ cừu chạy tung tóe về mọi hướng, cố tránh thật xa hàng rào, những người săn thú vẫn nổ súng liên hồi.
– Cẩn thận! – ông Vinmôpxki chợt hét lên.
Trước khi Tômếch kịp định thần, ông đã bắn liền ba phát về phía một bóng đen đang lẩn ngay sát hàng rào. Một bóng đen khác lao vút qua trước mặt, cách họ chừng vài mét. Ông Vinmôpxki lại nổ một phát súng nữa.
– Trúng rồi! – Tômếch vui sướng kêu lên.
– Chắc là con nhầm, nhưng con chó hẳn đã sa bẫy – ông Vinmôpxki bảo.
– Anh hạ nó rồi à? – chú Xmuga dẫn đầu nhóm người vừa chạy lại vừa hỏi.
– Tôi không định thế – ông Vinmôpxki đáp. – Một con đingô hoảng hồn chạy ngay sát hàng rào, rồi sa thẳng vào bẫy của chúng ta. Tôi chỉ nổ súng để dọa nó thôi. Nếu tôi không nhầm thì nó lọt xuống hố.
– Ta sẽ kiểm tra ngay bây giờ, – Lorenxơ bảo.
Anh chạy vào lều, rồi lát sau cầm đèn pin quay ra. Trong ánh đèn, mọi người cùng tiến lại phía cái bẫy, tay lăm lăm vũ khí. Lorenxơ rọi đèn pin xuống hố: trong đám cành cây gãy nát chợt hiện ra hai đôi mắt sáng bắt đèn.
– Có rồi! Những hai con một lúc! – Tômếch kêu lên.
Nó túm chặt tay cha, cúi người nhìn xuống hố, tò mò ngắm mấy con chó hoang. Bị lóa đèn, hai con chó ddingoo nép người xuống dưới những cành cây gãy đang nằm ở đáy hố. Lát sau, một cái đầu to, lông nâu nhạt, ló ra khỏi đám lá cành. Đôi mắt màu vàng long lên dữ tợn. Trong bóng đêm chợt vang lên một tiếng hú não nùng… Tômếch bất giác lùi lại nép sau lưng cha.
“Brr! Mình chẳng mong gặp nó ngoài thảo nguyên đâu!” – nó nghĩ thầm.
Đêm trôi đi không có thêm điều bất ngờ nào nữa. Lúc trời sáng họ đi kiểm tra những cái bẫy khác. Ở một bẫy họ trông thấy lượt cành cây che miệng hố đã bị phá hỏng một phần, nhưng bên dưới hố không có gì. Cố gắng nghiên cứu những dấu vết còn để lại trên miệng hố, họ khẳng định rằng, con chó hoang tinh ranh đã tránh được miệng hố ngụy trang và xông được vào bên trong bãi chăn, và sau đó, hoàn toàn tình cờ, nó lại rơi xuống cái bẫy khác, trong đó đã có một con đingô khác ngồi sẵn.
Đến sáng, những người săn thú chở từ trang trại đến mấy chiếc cũi để nhốt lũ chó sa bẫy. Thấy bóng người, chúng hung hãn lồng lộn và càng bị quấn vào lưới nhiều hơn.
Tômếch không thể ngờ mọi chuyện lại diễn ra chóng vánh thế. Thoạt tiên họ kéo chiếc lưới có những con thú đang vùng vẫy ra khỏi hố, sau đó ông Vinmôpxki thận trọng mở thòng lọng, còn chú Xmuga nhanh như cắt thắt ngay thòng lọng vào mõm một con thú đang nhe nanh. Vòng dây thít chặt lấy cái cổ béo lẳn của nó, và mặc dù nó lồng lộn vùng vẫy, người ta vẫn tống nó vào cũi, sau đó mới nới lỏng dây để cho con thú tự thoát khỏi dây. Bạn nó cũng chịu chung một số phận như vậy.
Hai đêm tiếp theo, họ tiếp tục săn lũ chó hoang và tóm thêm được một con đingô nữa. Đàn chó hoang khá đông vẫn lởn vởn chung quanh khu chăn thả khiến lũ cừu náo động. Theo lời đề nghị của ông Clac, họ quyết định tổ chức một cuộc săn dồn. Theo lời ông thì việc lũ chó hoang xuất hiện nhiều đến thế chung quanh khu nuôi thả cừu chứng tỏ mùa khô hạn đang đến gần. Lũ cănguru chạy về những vùng nhiều nước, khiến lũ chó đói buộc phải đi tìm những món mồi dễ bắt hơn đang thả trong các khu chăn nuôi. Ông Clac khuyên họ nên nhanh chóng tổ chức săn đà điểu emu trước khi chúng bỏ sang những vùng khác.
Ông Vinmôpxki cũng muốn đền ơn ông Clac đã tiếp đón họ rất chu đáo. Vì vậy ông cho hầu hết những người trong đoàn tham gia cuộc săn chó hoang trên bãi chăn. Trong một đêm, những người thợ săn rình trên thảo nguyên đã bắn hạ được bốn con chó hoang. Và ngày hôm sau họ khẩn trương chuẩn bị để đi săn đà điểu.