Số lần đọc/download: 4819 / 291
Cập nhật: 2016-02-02 03:55:23 +0700
Điều Tra Về Thanh Niên An Nam
VĂN CHƯƠNG THEO CẢM HỨNG LÃNG MẠN VÀ CÁCH MẠNG
... Năm 1925 được đánh dấu bằng sự ra đời của tiểu thuyết Tố Tâm. Nó xứng đáng được ở một vị trí quan trọng trong lịch sử văn chương hiện đại của ta.
Tác giả, ông Hoàng Ngọc Phách đã đặt cho tác phẩm nhỏ bé khoảng 100 trang ấy một phụ đề khá kiêu hãnh: "tâm lý tiểu thuyết". Cứ như là người ta sợ rằng độc giả chưa được biết trước, sẽ không thấy hết được nội dung của cuốn sách. Lo ngại ấy bộc lộ một sự yếu kém, một nghệ thuật chưa vững vàng lắm. Điều khác nữa, rất đặc biệt là trong bài Tựa, Lời nói đầu, người ta đã cẩn thận báo cho độc giả rằng cuốn tiểu thuyết không phải viết với mục đích đạo lý mà chỉ là một thuyết trình bày những sự việc, những trạng thái tâm hồn, dù không kết luận theo đạo lý, nhưng lại giúp nhiều cho đạo lý; và thế là người ta đã buộc hoặc đúng hơn là người ta khép tâm lý theo đạo lý. Không có khoa học nào vô tư trên mảnh đất này đã thấm nhuần chủ nghĩa thực nghiệm từ lâu đời. Cuốn tiểu thuyết không nói: không được làm thế này, hoặc đừng làm thế kia, mà nói đấy là nguy hiểm! Thật quá cẩn thận!
Sự đề phòng ấy là cần thiết, vì mặc dù cuốn tiểu thuyết nhỏ ấy đã ở trong tay mọi người, mặc dù nó ăn khách ở các hiệu sách, người ta chỉ dám nói đến một cách dè dặt hoặc gần như không nói đến.
Nhưng về cái gì vậy? Về một người con gái và một người con trai yêu nhau - vấn đề muôn thuở - nhưng họ không thể lấy được nhau mà vẫn tiếp tục yêu nhau. Cả hai đều biết rằng họ không thể là của nhau. Không có gì dặc biệt cả phải không? Không có gì cả. Nhưng từ cái "không có gì" ấy, tác giả đã viết cho tới một trăm trang thống thiết; cũng với cái "không có gì" ấy tác giả đã làm rung động tất cả những trái tim của thế hệ ông.
Tình tiết của câu chuyện đơn giản hóa và hạn chế đến mức tối thiểu. Và đấy là có dụng ý. Trước Tố Tâm, tiểu thuyết là một chuỗi dài sự kiện chồng chéo lên nhau, có nhiều lúc lần không ra, nhưng rồi cuối cùng không thể nào khác vẫn dẫn đến một sự giáo dục về đạo lý. Ông Hoàng Ngọc Phách dù đã thanh minh nhiều lần, nhưng vẫn có can đảm viết cuốn tiểu thuyết thực sự là tiểu thuyết. Ông đặc biệt có can đảm là làm cho tiểu thuyết không phải chỉ kể lể sự kiện mà là chân dung của những tâm hồn. Ông đi từ sự kiện đến tâm hồn của các nhân vật mà ông thích theo dõi từng ngóc ngách. Đôi lúc ông làm việc dó có phần nào vụng về do thái độ của ông muốn khoa học hơn. Song hầu hết ông đã rất thành công và tôi đặc biệt thích những trang mà tác giả tập trung nghiên cứu từng bước tiến triển của tình yêu giữa nhân vật Tố Tâm và chàng trai Đạm Thủy hay nói đúng hơn là tình yêu giữa chàng thanh niên Đạm Thủy với Tố Tâm. Vì đối với nàng, tình yêu đó là chuyện đã rồi: nàng yêu chàng thanh niên trước khi thấy mặt chàng. Mối tình kỳ lạ! Chỉ đọc những vần thơ và những bài báo của Đạm Thủy mà nàng đã yêu sâu nặng, biểu lộ ngày càng rõ rệt sau khi gặp thần tượng của trái tim nàng. Và cô Tố Tâm ấy đắm chìm trong cô đơn và trong sách vở làm cho tôi nghĩ đến thời thơ ấu lãng mạn của cậu bé Chateaubriand ở lâu đài Combourg. Mặc dù tác giả đã thận trọng ghi dưới phụ đề "tâm lý tiểu thuyết", mặc dù mọi người đều công nhận nó là một cuốn tiểu thuyết tâm lý - sự thật đúng như tôi đã nói - mặc dù tác giả nói đến Bourget, tôi thấy trong Tố Tâm hơn cả Bourget, cả Chateaubriand và cả Lamartine, có rất nhiều tính chất lãng mạn chủ nghĩa pha chút sắc thái hiện thực chủ nghĩa cũng như với sự quan tâm thường xuyên đến phân tích tâm lý. Đấy tiểu thuyết Tố Tâm mà tôi sẵn sàng so sánh về vị trí mà nó đáng có trong lịch sử tiểu thuyết An Nam với cuốn Công chúa De Clève của bà De La Fayette. Có điểm Tố Tâm khác với Công chúa De Clève ở chỗ: Tố Tâm là một "Công chúa De Clève" đến sau thời lãng mạn, sau thời hiện thực, và sau Bourget. Các tác giả của chúng ta có cái may mắn là đã kế thừa một di sản văn hóa phong phú của nước Pháp và trong nền văn chương hiện dại của nước ta, có mỗi thứ một ít: cổ điển, lãng mạn, hiện thực... và còn gì nữa? Với sự nổi lên: lúc thì lãng mạn, lúc lại hiện thực v.v...
Nhưng trong Tố Tâm, còn có cái khác ngoài xu hướng lãng mạn, ngoài sự phân tích về tình cảm. Trong Tố Tâm còn có cái khác ngoài một câu chuyện tình, ngoài sự nghiên cứu phân tích các trạng thái của tâm hồn. Trong Tố Tâm còn chứa đựng một vấn đề xã hội có tính chất hấp dẫn cao. về phương diện này, Tố Tâm đã đánh dấu một cái mốc, một bằng chứng rất hay trong sự tiến triển của tư tưởng An Nam.
Đó chính là vấn đề nhân phẩm của con người, số phận của con người trong xã hội An Nam. Tố Tâm là quang cảnh của sự đấu tranh giữa cá nhân và gia đình, giữa con người và tập quán mà cũng không phải là một sự đấu tranh. Đó còn là quang cảnh tàn sát của gia đình và tập quán đối với cá nhân con người.
Đạm Thủy, chàng thanh niên, yêu Tố Tâm với một mối tình mà chàng biết trước là không có lối thoát. Tại sao? Bởi vì cha mẹ chàng đã chọn cho chàng một vị hôn thê mà chàng không quen biết, chàng chưa hề thấy trong đời. Chàng chấp nhận số phận với một sự chịu đựng hồn nhiên không hề bao giờ nghĩ tới việc phản kháng lại quyết định của cha mẹ và cũng không dám than phiền. Chính chàng đã nói: "Gia đình đối với tôi có một vẻ thiêng liêng làm cho tôi phải yêu kính". Đối với vị hôn thê chưa quen biết chàng quý trọng như một "món quà của gia đình". Nữ nhân vật Tố Tâm, phải lấy một người mà nàng không yêu, không bao giờ yêu, trái với suy nghĩ của mẹ nàng coi tình yêu như một thói quen, nó sẽ đến dần trong cuộc sống chung giữa hai người. Và thế là Tố Tâm chết, chung thủy với người yêu...
Người thiếu nữ ở đây đã hơi khác với người thanh niên. Trong khi chàng chịu theo số phận không than vãn thì nàng chống đỡ, có lúc còn phản kháng lại. Nàng chỉ nhân nhượng theo nguyện vọng cuối cùng của mẹ nàng khi sắp lâm chung. Nhưng bà lại không chết, ngay cả sau đám cưới ép buộc của con gái bà. Chính con gái bà, như đã nói, lại chết...
Như vậy đấy: trước tình yêu - một chuyện riêng tư nhất của đôi nam nữ, cá nhân con người cũng không có quyền hành gì. Tình yêu của họ không thuộc về họ, cũng như thân thể và tâm hồn họ. Cá nhân con người, như thường lệ, bị đẩy ra phía sau, bị lãng quên, bị chà đạp. Nghĩ đến phản kháng lại, ta là người con bất hiếu, người công dân đáng trách. Cúi đầu tuân theo, chịu đựng, ta là một người đàn ông biết điều, một người đàn bà đức hạnh.
Nhưng thời thế đã thay đổi. Từ Tố Tâm đến Đoạn tuyệt, số phận con người đã thay đổi ở nước ta.
Tổ quốc An Nam (Patrie annamite)
6-11-1938.
Hoàng Thị Thục dịch.
Hoàng Nguyên Cát,
Lê Văn Liêm hiệu đính.