Làm tốt thì tốt hơn là nói giỏi.

Benlamin Franklin

 
 
 
 
 
Tác giả: Mishima Yukio
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Đỗ Khánh Hoan
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2547 / 45
Cập nhật: 2015-07-07 23:17:44 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12
hế rồi mùa xuân cũng sắp chấm dứt. Tuy các hàng cây đã xanh màu hơn và trên các cánh đồng, đây đó đã thấy xuất hiện nhiều thứ hoa màu sắc khác nhau nhưng những vẫn bụi tân hưu miên trên vách đá phía đông hãy còn chưa tới kỳ nở hoa. Trẻ con lại cắp sách đến trường và một số đàn bà con gái cũng lại đã ra biển lặn xuống nước sâu lạnh giá để mò một loại rong mềm gọi là “nhược bố”. Vì thế lúc này, trong thôn nhiều nhà trống không, cửa ra vào cũng như cửa sổ đều để ngỏ, chẳng khóa chẳng cài. Bầy ong mặc sức bay ra bay vào những căn nhà vắng vẻ không người, chúng bay lượn tung tăng, thỉnh thoảng lại đú đởn lao mình đâm thẳng vào một tấm gương đụng đầu đôm đốp.
Chẳng phải là tay có tài suy nghĩ nên Shinji không sao tìm ra được một cách nào để gặp lại Hatsue cả. Mặc dù trước kia cũng hiếm có cơ hội gặp nhau song mỗi khi nghĩ đến những cuộc hẹn hò thì hai người lại có thể chịu đựng được sự chờ đợi. Nhưng bây giờ, không còn biết đến lúc nào mới lại có thể gặp nhau, Shinji lại thấy lòng mong mỏi được thấy mặt nàng mỗi lúc một dữ dội hơn. Tuy nhiên vì đã thề với ông Jukichi là không bỏ việc mà đi lang thang nên Shinji không thể nghỉ nhà lấy một ngày không ra khơi đánh cá. Bởi vậy, mỗi đêm từ lúc đi đánh cá trở về, anh chàng chẳng còn biết làm gì hơn là chờ cho đến khi đường xá vắng người mới lẻn tới mò mẫm quanh nhà Hatsue. Đôi khi cửa sổ trên tầng nhì mở toang và Hatsue đứng trên đó nhìn xuống. Trừ những khi may mắn có ánh trăng chiếc soi, thường thương khuôn mặt nàng chìm trong bóng đêm. Tuy vậy thị lực mạnh mẽ của chàng thanh niên vẫn khiến anh chàng nhìn thấy rõ cả những giọt lệ ướt đẫm trên mi mắt nàng. Ngại hàng xóm láng giềng hay biết Hatsue không bao giờ dám lên tiếng, và Shinji cũng vậy. Từ phía sau tường đá ở mảnh vườn trồng rau nho nhỏ sau nhà, anh chàng cứ đứng ngửa mặt lên nhìn mặt cô nàng mà không nói một lời. Thế nào lá thư hôm sau - vẫn do anh chàng Ruyji đem đến giùm - cũng sẽ nói đến nỗi đắng cay của cuộc gặp gỡ hời hợt mong manh như thế. Trong lúc Shinji đọc thư, hình ảnh và giọng nói của Hatsue hiện lên rõ mồn một và người thiếu nữ câm nín mà anh ngắm nhìn đêm trước lại sẽ xuất hiện, nói năng cử động ngay trong tâm trí anh.
Những buổi gặp gỡ hời hợt mong manh như thế cũng làm cho Shinji cay đắng trăm chiều và đã nhiều phen, vì muốn khuây khỏa những nỗi niềm u uất chất chứa trong lòng, anh lại lang thang mò tới khắp những nơi ít người lui tới trên đảo. Có lần anh chàng còn đi tới tận ngôi mộ của Vương tử Deki. Cảnh giới ngôi cổ phần này không rõ rệt nhưng trên đỉnh có bảy cây thông già và ở giữa đám cây này có một cái toori nhỏ và một cái miếu thờ.
Truyền thuyết về Vương tử Deki rất mơ hồ. Ngay cả cái ngư danh kỳ lạ của ông người ta cũng chẳng biết là tiếng nói nước nào nữa. Trong các buổi tế lễ theo nghi thức xưa mỗi năm trịnh trọng cử hành vào tháng giêng âm lịch, người ta lại mở ra một lần cái hộp kỳ lạ đặt trên miếu thờ và chỉ những cặp vợ chồng già từ sáu mươi tuổi trở lên mới được phép nghé mắt nhìn vào vật đụng trong hộp trong giống như cái hốt của các nhà quý tộc thời xưa; tuy nhiên vẫn chẳng ai biết được là giữa báu vật bí mật này với Vương tử Deki đã có tương quan như thế nào. Cho đến một thế hệ trước đây, trẻ con trên đảo vẫn gọi mẹ chúng là eya và người ta bảo rằng điều này bắt nguồn từ việc vị Vương tử ấy gọi vợ mình là heva nghĩa là “căn phòng” nên vị ấu tử của ông, khi bắt chước cha đã đọc lầm ra thành eya.
Dù sao đi nữa, truyền thuyết kể rằng ngày xửa ngày xưa vị vương tử này đã đi một chiếc thuyền bằng hoàng kim từ một miền xa xôi tới tận đảo này. Ông lấy một cô gái trên đảo làm vợ và đến khi nhắm mắt lìa đời, đã được chôn cất trong một cái lăng. Người ta không biết một chi tiết nào liên quan tới cuộc sinh nhai của vị vương tử và người ta cũng không kể lại một câu chuyện bi thảm nào - vốn rất dễ được thêu dệt và gán ghép cho những nhân vật truyền kỳ như ông ta - về vị vương tử này cả. Giả như truyền thuyết này căn cứ vào sự thật thì sự im lặng đó có ý ám thị rằng cuộc đời của Vương tử Deki trên đảo Uta hẳn phải sung sướng êm đềm đến nỗi không còn chỗ nào cho người ta theu dệt những chuyện bi đát nữa.
Có lẽ Vương tử Deki đã được trời giáng xuống một miền đất chưa ai hay biết. Có lẽ ông đã sống trọn tuổi trời mà chẳng một ai hay và muốn gì làm nấy, ước gì được nấy, không bao giờ phải xa rồi hạnh phúc cùng ân sủng của trời. Có lẽ đó là lý do vì sao thi hài ông lại được mai táng trên một gò đất nhìn xuống bãi biển Kori và hòn đảo Hachijo xinh đẹp mà không để lại trần gian một sự tích nào hết.
Nhưng chàng thanh niên chỉ thấy bất hạnh tràn ngập trong khi đi lang thang vơ vẩn quanh ngôi đền thờ cho đến mệt lả cả ngươi. Một lúc sau anh chàng thẫn thơ ngồi bệt xuống mặt cỏ hai tay ôm đầu gối đưa mắt nhìn ra mặt biển chan hòa ánh trăng. Chung quanh mặt trăng có một cái quầng, báo hiệu ngay mai trời sẽ mưa gió...
Sáng hôm sau khi dừng chân trước nhà Hatsue để lấy lá thư hàng ngày, Ruyji thấy lá thư hơi lòi ra ngoài cái nắp đậy lu nước một tí, bên trên lại có úp một cái chậu sắt để lá thư khỏi bị ướt nước mưa.
Mưa tiếp tục rơi đều trong suốt ngày ra khơi đánh cá nhưng Shinji vẫn xoay xỏa đọc được lá thư vào lúc nghỉ trưa bằng cách lấy cái áo mưa mà che cho khỏi ướt. Chữ viết thực khó đọc, Hatsue giải thích là vì nàng phải mò mẫm trong tối mà viết thư ngay trên giường nằm, không dám bật đèn sợ ông thân nghi kỵ. Thường thường nàng viết thư vào những lúc bất ngờ nhất trong ngày rồi “đem bỏ thư” trước khi thuyền ra khơi đánh cá buổi sớm hôm sau nhưng sáng nay - nàng muốn kể lại trong thư - có một điều nàng muốn nói cho chàng biết ngay nên đã xé lá thư dài đã viết hôm qua để thay thế bằng lá thư này.
Trong thư Hatsue kể lại là nàng vừa thấy một giấc mộng lành. Một vị thần đã báo mộng cho nàng hay rằng Shinji là hóa thân của Vương tử Deki, sau này thế nào chàng và nàng cũng lấy được nhau sống sung sướng trọn đời và sinh ra một đứa con như châu như ngọc.
Shinji biết rõ nàng không hề hay biết là đêm trước mình đã tới viếng mộ Vương tử Deki. Sự cảm ứng lạ kỳ này đã làm chàng ngạc nhiên hết sức và anh nhất định đêm ấy, sau khi đi biển trở về, phải viết thư thật dài kể hết cho Hatsue nghe điềm lạ của giấc mộng lành ấy.
Bây giờ Shinji đã kiếm được tiền giúp đỡ gia đình nên mẹ anh chẳng cần phải đi lặn xuống nước khi biển con giá lạnh nữa. Bà đã quyết chờ tới tháng sáu mới lại tiếp tục đi lặn; tuy nhiên trước kia, không lúc nào ngơi tay làm việc, lại thêm bây giờ thời tiết bắt đầu ấm áp nên bà thấy cứ quanh quẩn mãi mấy công việc trong nhà thì cũng chán ngắt. Bất cứ lúc nào rảnh rang, bà lại bận tâm nghĩ đến những băn khoăn thắc mắc vơ vẩn không đâu.
Chẳng lúc nào bà không nghĩ tới nỗi bất hạnh của con trai mình. Con người Shinji trong lúc này hoàn toàn khác hẳn con người của anh ta ba tháng về trước. Anh vẫn lầm lì ít nói như cũ nhưng cái vẻ vui tươi, trẻ trung vẫn hằng làm rạng rỡ khuôn mặt ngay cả lúc anh im lặng không nói năng gì, lúc này đây đã tiêu tan đâu mất hết rồi.
Một hôm, vào buổi sáng may vá xong xuôi nghĩ đến cả một buổi chiều trống rỗng bà lại cảm thấy chán nản bồn chồn. Bà thẫn thờ tự hỏi liệu mình có thể tìm cách nào an ủi nỗi bất hạnh của thằng con hay không. Nhà mẹ con bà là một căn nhà tăm tối âm u nhưng nhìn trên mái nhà kho bên cạnh, bà có thể thấy được bầu trời êm ả của mùa xuân muộn. Quyết định rồi: bà rời nhà ra đi.
Bà đi thắng tới đập đá và đứng ngắm nhìn những lớp sóng biển xô đẩy nhau vỡ tan thành những mảnh vụn. Cũng như con trai, bà thường ra chuyện trò với biển cả bất cứ lúc nào có chuyện phải nghĩ ngợi lo toan.
Trên đập đá có phơi nhiều sợi dây thừng buộc các hũ săn bạch tuộc, cả bãi biển hôm nay hầu như vắng bóng thuyền bè cũng thấy giăng đầy những tấm lưới. Bất chợt bà nhìn thấy một con bướm lẻ loi đang tung tăng bay lượn từ những tấm lưới trải rộng về phía đập đá. Đó là một con bướm hắc dương vũ cánh to và đen rất đẹp. Có lẽ nó đã bay đến đây để tìm một đóa hoa mới lạ nào đó giữa đám ngư cụ, cát biển và xi-măng. Nhà ở của các ngư phủ không có cái vườn nào đáng gọi là vườn, chỉ có những luống hoa vụn vặt nằm dọc các lối đi nhỏ hẹp có vỉa đá làm con bướm này chán ngấy lên mới tìm ra bãi biển.
Xa xa bên ngoài đập đá, sóng biển từ đáy sâu dâng lên cuồn cuộn, màu nước xanh lợt đục bùn. Khi sóng biển dồn vào bãi cát, màu nước đục ngầu bị cắt thành từng mảnh vụn hình cỏ bấc lắc lư. Ngay lúc đó người mẹ nhìn thấy con bướm bốc cánh xa rời đập đá và bay sà sà mặt nước đục ngầu. Hình như nó nghỉ cánh một lúc rồi lại bay vút lên cao.
“Con bướm này thực là kỳ cục”, bà tự nhủ, “Nó đang bắt chước một con chim âu”. Nghĩ rồi, bà cứ chăm chú dán mắt vào con bướm.
Bay vút lên cao, con bướm cố gắng xa rời hòn đảo, tiến thắng vào gió biển. Mặc dù có vẻ hiu hiu thổi nhẹ, làn gió cũng đã xé rách đôi cánh bướm mềm mại. Tuy vậy nó vẫn bay cao trên không khí cuối cùng cũng xa rời được hòn đảo. Người mẹ nhìn theo cho đến khi nó chỉ còn là một chấm đen nổi bật trên nền trời ánh nắng chói chang.
Con bướm cứ tiếp tục vỗ cánh ở đó một lúc lâu trong tầm mắt bà; một lúc sau nó sà xuống thấp rồi rập rình, phân vân trên mặt nước, nó lại quay về đập đá vì bị mặt bể óng ánh bao la huyền hoặc và vì tuyệt vọng khi chẳng ngờ là hòn đảo kế cận trông thì rất gần là lại hóa thực xa. Con bướm hạ cánh đậu xuống tạo thành như cái bóng một nút buộc thật lớn trên sợi dây thừng đang phơi.
Người mẹ không phải là người hay tin vào những ám thị và mê tín nhưng những cố gắng mệt nhọc vô ích của con bướm đã gieo một đốm đen tăm tôi vào trong lòng bà.
“Cái con bướm ngớ ngẩn điên khùng này! Nếu muốn bay đi xa thì cứ việc đậu lên chiếc tầu liên lạc có phải hơn không”.
Tuy nhiên chính bà, chẳng có công việc gì bên ngoài hòn đảo, đã bao nhiêu năm nay cũng con chưa đặt chân lên chiếc tầu liên lạc nữa là.
Vào lúc này chẳng hiểu tại sao trong lòng bà mẹ Shinji bỗng bừng lên một dũng khí vô bờ. Bà rời khỏi đập đá rồi mạnh dạn bước đi thực nhanh. Một phụ nữ thợ lặn khác gặp bà trên đường vồn vã chào hỏi, phải lấy làm lạ không hiểu vì sao bà này không buồn chào lại, cứ cắm đầu cắm cổ bước mau như thể đang mãi nghĩ ngợi cái gì ghê gớm lắm.
Miyata Terukichi là một trong những người giàu nhất thôn làng. Dĩ nhiên người ta có thể nói nhà của ông ta mới hơn một chút nhưng cũng chẳng thể bảo cái mái ngói nhà này cao hơn các căn nhà khác là bao nhiêu. Ngôi nhà này không có cổng ngoài mà cũng chẳng có tường đá. Cách xây cất cũng theo cùng một lối với những căn nhà khác: lỗ cống nhà xí thì ở bên trái cổng chính, cửa sổ nhà bếp thì ở bên phải y hệt như lối xếp chỗ ngồi cho hai vị tả hữu đại thần đối diện nhau trên sồ đàn tại gian hàng bày búp bê vậy. Tuy nhiên, vì được xây cất trên một mặt dốc, căn nhà này thực sự có cái vẻ kiên cố nhờ một căn hầm vững vàng bằng xi-măng cốt sắt xây nơi con dốc đổ tuột xuống, căn này thường được dùng để chứa đồ và có cửa sổ trông thắng ra con đường hẹp.
Bên cạnh cửa bếp có một vại nước lớn đến độ một người có thể chui lọt vào trong. Cái nắp gỗ dưới đó Hatsue thường gài trộm thư cho Shinji mỗi sáng bên ngoài có vẻ là để che cho cát bụi khỏi rơi vào nước đựng bên trong nhưng đến mùa hè không sao ngăn được muỗi cùng các loại côn trùng có cánh khác lọt vào - cứ mỗi lần giở nắp lên là lại thấy xác những côn trùng đó nổi lềnh bềnh ngay trên mặt nước.
Lúc sắp sửa bước chân qua của bà mẹ Shinji quả có ngần ngừ giây lát. Thực ra chỉ nguyên một việc bà tìm đến nhà ông Miyata, vốn không mấy hợp nhau, cũng đã đủ khiến dân làng thì thào lắm chuyện rồi. Bà đưa mắt nhìn quanh. Chẳng có bóng người nào cả. Chẳng có gì ngoài mấy con gà đang bói đất quẩn chân ngay chỗ lôi đi và màu biển xanh phía dưới phản ánh trên bụi hoa đỗ quyên thưa thớt của căn nhà bên cạnh.
Người mẹ đưa tay lên vuốt tóc, thấy là gió biển đã làm tóc mình rối bù; bà liền lần tay xuống bụng móc ra một cái lược nhựa nhỏ đã gẫy nhiều răng mà chải lấy chải để. Bà vẫn mặc bộ quần áo làm việc hàng ngày. Dưới khuôn mặt không hề thoa chút phấn son là khung ngực xạm nắng rồi tới cái áo chẽn giống như cái áo dài và cái quần làm việc giống như cái quần bó túm, cả hai đều vá víu nhiều chỗ; chân bà để trần, xỏ vào đôi guốc gỗ.
Những ngón chân bà đã chai cứng lại vì bị rách da, sây sứt nhiều lần; đó là kết quả của thói quen mà các phụ nữ thợ lặn khi muốn ngoi lên mặt nước cứ phải đạp mạnh xuống đáy bể khiến móng chân dầy cộm và sần sùi khủng khiếp, hai bàn chân bà thì không ai dám bảo là xinh đẹp, tuy nhiên khi đạp chân lên đất thì trông đầy vẻ cứng cỏi, vững vàng.
Bà mở cửa bước vào căn phòng chính trên nền đất có mấy đôi guốc bày la liệt, có một chiếc guốc nằm úp sấp, một đôi khác quai đỏ dường như mới đi ngoài bãi biển về, cát ướt in hình dấu chân vẫn còn bám vào mặt guốc.
Căn nhà im lặng như tờ, mùi hôi từ nhà xí thoang thoảng bốc ra lởn vởn trong không khí. Những căn phòng quay mặt ra nền đất thì tối như bưng nhưng từ khung cửa sổ ở nơi nào đó sau nhà có ánh mặt trời rọi vào trải thành một khoảng sáng ngay giữa nền một căn phòng phía xa trông giống như một tấm khăn tắm màu vàng nghệ. Ba mẹ đánh tiếng:
“Xin chào cả nhà”.
Bà chờ một lúc, không thấy có ai trả lời, bà lại lên tiếng lần nữa.
Hatsue đi xuống những bực thềm trông như cầu thang ở phía căn phòng nền đất.
“A! Lạy bác ạ!” Nàng đang mặc chiếc quần làm việc màu đã bạc phếch và buộc trên tóc một dải khăn vàng.
“Chiếc khăn đẹp quá nhỉ!” Bà mẹ Shinji khen. Vừa nói, bà vừa quan sát chi li người con gái đã làm con mình ốm tương tư đến tiều tụy cả người.
Có thể là do bà tưởng tượng song khuôn mặt Hatsue hình như hơi hốc hác, nước da hơi xanh xao và có lẽ vì thế, đôi mắt đen láy, trong vắt và sáng ngoi của nàng hơi lộ ra một chút. Biết là ba ta đang ngắm mình, Hatsue đỏ bừng mặt.
Người mẹ vẫn hăng hái tin tưởng không tỏ vẻ gì nao núng. Bà muốn gập ông Terukichi để tỏ bày sự ngay thẳng, mối chân tình của con trai mình và xin cho hai trẻ được ăn đời ở kiếp với nhau. Cách giải quyết duy nhất cho vấn đề là hai bên cha mẹ gặp gỡ chuyện trò, bàn bạc với nhau...
“Ông nhà có nhà không em?”
“Dạ, thưa có”.
“Em thưa giùm với ông là tôi muốn được hầu chuyện với ông một chút”.
“Xin Bà chờ cho một lát ạ”.
Hatsue trèo lên cầu thang, nét mặt có vẻ bứt rứt không yên. Người mẹ buông mình ngồi xuống dựa lưng vào khung cửa.
Bà chờ đợi một lúc lâu, tróc gì có đem thuốc lá theo mà hút; và trong lúc chờ đợi, lòng hăng hái bạo dạn của bà xẹp dần. Bà bắt đầu thấy mình dẫn thân đến đây thực là một điều không tưởng điên rồ.
Những bậc thang kêu cót két lúc Hatsue đi xuống, tuy nhiên nàng không xuống hẳn; tới nửa chừng, hình như nàng hơi khom mình nói vọng xuống, cầu thang tối om và trong lúc nàng cúi nhìn xuống, bà không nhìn thấy rõ khuôn mặt nàng.
“Thưa... Ba nói là không muốn gặp Bác”.
“Ông nhà không muốn gặp tôi?”
“Thưa...”
Với câu trả lời này, bà mẹ Shinji thấy lòng hăng hái bạo dạn của mình hoàn toàn sụp đổ và cái cảm tưởng bị khuất nhục đã làm bà bị kích động, mất hết bình tĩnh. Trong một lúc bà nhớ lại tất cả những lao khổ bất tận trong suốt một đời, những gian nan trong cuộc đời góa bụa; đoạn, bằng một giọng nói như đang nhổ vào mặt người khác, bà giận dữ gào lên:
“Thôi được, hay lắm. Các người bảo các người không muốn gặp một con nghèo nàn góa bụa. Các người có ý nói là không muốn thấy kẻ này bước qua ngưỡng cửa nhà này nữa. Được lắm, xin nói cho các các người nghe - này, cố nhớ mà nói lại cho cái ông bố nhà cô nghe - nói cho ông bố cô nghe tôi nói rằng từ nay trở đi không bao giờ tôi thèm bước chân qua ngưỡng của căn nhà chết tiệt của ông ta nữa”.
Bà mẹ phải dằn lòng không dám kể lại cho con nghe sự thất bại nghiêng ngửa của mình. Giận cá chém thót, bà trút hết nỗi giận hờn của mình xuống đầu Hatsue và nói xấu nàng đủ điều đến nỗi thay vì giúp đỡ hoặc an ủi, bà đã xoay ra xung đột dữ dội với con trai mình. Suốt ngày hôm sau và hôm sau nữa, hai mẹ con chẳng nói với nhau lấy một lời nhưng đến hôm sau thì làm lành với nhau. Nhân khi đó, muốn lấy lòng con trai, bà mẹ đã kể lại hết đầu đuôi việc mình đến nhà lão Terukichi và thất bại ra làm sao. Về phần Shinji, anh chàng đã được Hatsue viết thư cho biết hết sự tình từ trước rồi.
Trong lúc kể lại cho con nghe, bà đã lược bỏ những lời nói giận dữ sau cùng và trong thư viết cho Shinji, không muốn để anh buồn lòng nên Hatsue cũng không nói đến những lời dữ dằn thề thốt này; vì thế, đối với Shinji, chỉ có một điều đáng phải bận trí là việc mẹ phải chịu khuất nhục lúc bị mời ra khỏi cửa nhà ông Terukichi mà thôi. Và người thanh niên dễ tính này tự nhủ, dù cho không thể chấp nhận những lời nói ác khẩu của mẹ đối với Hatsue nhưng anh cũng vẫn không thể trách bà là đã nói ra những lời nói đó. Cho đến gần đây, anh vẫn chưa khi nào cố ý giấu mẹ tấm lòng thương yêu say đắm của mình đôi với Hatsue, tuy nhiên từ lúc này trở đi, anh quyết ý là quyết chẳng bao giờ tâm sự với ai nữa ngoại trừ ông thuyền trưởng và Ruyji. Anh đã có quyết định như thế chỉ vì chữ hiếu đối với mẹ mà thôi.
Thế là chẳng ngờ vì cố gắng làm một việc tốt lành nhưng thất bại, người mẹ lại càng thêm cô đơn hơn bao giờ hết.
May thay từ hôm đó trở đi không có một ngày nào nghỉ nhà không ra khơi đánh cá bởi nếu có nghỉ ngày nào thì chỉ khiến cho anh phải thở than buồn chán vì không gặp được Hatsue ngày ấy mà thôi. Đã đến tháng năm mà chàng và nàng vẫn bị cấm tuyệt không cho gặp nhau. Rồi một hôm Ruyji đem về một lá thư khiến Shinji vui mừng không sao tả xiết:
“... Tối mai, may thay, Ba sẽ có khách tới chơi nhà. Họ là những viên chức từ huyện Tsu đến và sẽ nghỉ lại nhà ban đêm. Bất cứ hôm nào có khách. Ba cũng uống rượu thật nhiều và đi ngủ thật sớm; vì thế Em nghĩ là vào khoảng mười một giờ đêm, Em sẽ lẻn ra khỏi nhà mà không sợ Ba biết được. Anh nhớ chờ em trong thần xã Yashiro nhé...”.
Hôm đó sau khi đánh cá trở về, Shinji thay quần áo, diện chiếc sơ-mi mới. Chẳng được con mình giải thích vì sao, bà mẹ cứ ngồi ngắm con mà lòng thắc mắc chẳng yên. Bà cảm thấy như thể một lần nữa, mình lại đang nhìn thấy con trong cái ngày bão táp hôm nọ.
Lúc này Shinji đã biết khá thấm thía nỗi đắng cay của sự chờ đợi, vì thế anh thấy nếu bắt cô nàng phải đợi chờ lần này thì kể cũng hay hay. Tuy nhiên nghĩ thế mà không thể làm như thế đưọc. Đến lúc mẹ và em đi ngủ, anh liền lẻn ra khỏi nhà ngay. Còn hai tiếng đồng hồ nữa mới tới mười một giờ.
Anh chàng nghĩ có lẽ mình có thể giết thì giờ bằng cách tới trụ sở Thanh Niên hội. Từ cửa sổ căn nhà tranh trên bãi biển, ánh đèn hắt ra sáng trưng và anh có thể nghe tiếng chuyện trò của bọn thanh niên tới ngủ đêm ở đấy. Thế nhưng ngay sau đó, anh chàng lại có cảm tưởng là bọn kia đang bàn tán về mình: nghĩ vậy anh chàng liền cắm đầu đi thẳng, chẳng hơi đâu rẽ vào làm gì cho thêm bực.
Mò tới đập đá vào ban đêm, chàng thanh niên quay mặt hướng về gió biển. Trong lúc làm vậy, anh chợt nhớ lại con tầu chở hàng màu trắng mình đã thấy nổi bật trên chân trời đầy những áng mây chiều vào lúc ông Jukichi mới kể chuyện Hatsue cho nghe lần đầu; anh nhớ lại sự cảm động của mình khi ngắm nhìn con tầu lướt qua. Đó là cõi “vị tri” chưa ai hay biết. Chừng nào còn đứng đằng xa ngắm nhìn cõi vị trí ấy thì anh còn thấy lòng mình bình lặng nhưng một khi đã bước chân vào cõi vị tri ấy rồi giưong buồm đi thì anh thấy những nỗi bất an, tuyệt vọng hỗn loạn bi thương, than vãn cứ nắm tay nhau mà chèn ép tim mình.
Anh tin là mình hiểu rõ vì sao vào lúc này, thay vì tràn ngập mừng vui hăng hái, nỗi lòng anh lại tan nát, trơ lì đến nỗi không còn rung động được nữa. Người con gái mang tên Hatsue mà anh sắp gặp đêm nay sẽ thúc bách anh phải tìm ra một cách giải quyết vội vàng sớm sủa nào đó cho câu chuyện giữa anh với nàng. Rủ nhau đi trốn ư? Nhưng hai người đang sống trên một cô đảo và nếu như trốn đi bằng thuyền thì Shinji làm gì có thuyền riêng, nhất là khi trong túi chẳng có lấy một xu? Vậy thì cùng nhau quyên sinh cho trọn tình vẹn nghĩa ư? Thực ra trên đảo này, cũng đã có những cặp tình nhân lựa chọn cách giải quyết như thế. Nhưng lý trí đã bảo anh chàng nên gạt bỏ ý nghĩ này đi vì anh vẫn thường tự nhủ những người kia là những kẻ ích kỷ chỉ biết nghĩ đến riêng họ mà thôi. Cho đến lúc này, chưa một lần nào anh nghĩ đến điều người ta gọi là cái chết; nhất là anh còn phải kiếm tiền để giúp đỡ gia đình nữa chứ.
Trong lúc anh chàng nghĩ ngợi lung tung thời gian trôi qua một cách nhẹ nhàng mau chóng không ngờ. Người thanh niên vốn không quen suy nghĩ đã ngạc nhiên mà khám phá ra rằng hiệu năng giết thì giờ chính là một trong những hiệu năng rõ rệt nhất của sự suy nghĩ. Tuy nhiên chàng thanh niên cứng cỏi này lập tức nghĩ đến chuyện khác dù cho tập quán mới mẻ này có hiệu năng to lớn đến đâu, anh ta cũng khám phá thấy trước hết là thói quen này cũng có những nguy hiểm trực tiếp.
Shinji không có đồng hồ. Thật ra anh đâu cần có đồng hồ làm gì. Anh đã được trời phú cho tài lạ là có thể chỉ dựa vào bản năng mà biết rõ thì giờ vào cả ban ngày lẫn ban đêm.
Chẳng hạn như nhìn các vì sao di chuyển, vả lại, dù cho không thể trắc định được sự di hành của các vì sao một cách chính xác đi nữa, anh cũng nhận thức được vòng xoay vần lớn lao của ban đêm cũng như vòng xoay vần lớn lao của ban ngày. Thân mình được đặt vào trong những liên quan với thiên nhiên, anh có hiểu tương tận mọi trật tự chính xác của thiên nhiên thì cũng chẳng có gì là lạ.
Tuy vậy, thật ra, trong lúc ngồi trên bục thềm cửa đi vào phòng việc của thần xã Yashiro, Shinji đã nghe thấy đồng hồ đánh một tiếng chuông báo hiệu nửa giờ và anh biết chắc lúc ấy đã mười rưỡi rồi. Ông từ giữ đền và gia đình ông ta đều đã ngủ yên từ lâu. Bây giờ chàng thanh niên áp sát tai mình vào cánh cửa kéo và nghe rõ cái đồng hồ treo trên tường nhẹ nhàng điểm mười một tiếng chuông rành rọt.
Anh chàng đứng dậy đi dưới bóng những hàng thông, ngừng chân trên đỉnh hai trăm bậc thềm đá. Đêm nay không trăng, những đám mây mỏng che kín bầu trời chỉ lác đác một vài ngôi sao. Tuy vậy những bậc thềm đá vôi vẫn tom góp ánh sáng nhạt mờ của đêm tối và những bậc thềm đá dưới chân Shinji dốc tuột xuống dưới trông lủng lơ, trắng xóa như một thác nước khổng lồ, hùng vĩ, trang nghiêm.
Màn đêm đã hoàn toàn phủ kín vịnh Ise bát ngát bao la; tuy nhiên, vẫn có thể nhìn thấy ở bờ biển phía xa, những ngọn đèn rải rác dọc theo bán đảo Chita và Atsumi nhưng chi chít chung quanh thành phố Uji Yamada, trông thực đẹp mắt.
Người thanh niên cảm thấy nở mũi với chiếc áo sơ-mi mới tinh của mình. Anh nghĩ là dù ở tít hai trăm bậc thềm phía dưới, ai cũng có thể nhìn thấy ngay màu áo trắng của anh. Vào khoảng bậc thềm đá thứ một trăm, những cành thông vươn từ bên phải sang bên trái các bậc thềm tạo thành một bóng đen ngồi chồm hổm ở đó...
Một bóng người nhỏ bé hiện ra phía dưới các bậc đá. Lòng Shinji rộn rã reo mừng. Tiếng guốc gõ leo lên khua lóc cóc đều đặn vang dội thực là to khác hắn vóc dáng nhỏ bé của bóng người. Tiếng guốc khua giòn giã không mỏi mệt.
Shinji cố cưỡng lại ý định lao đầu chạy xuống những bậc thềm đá để đón nàng. Đã chờ đợi quá lâu nên anh chàng cảm thấy mình có quyền thong dong ngồi lại trên này. Tuy nhiên khi nàng đã tới gần để có thể nhìn rõ mặt, muốn tránh khỏi kêu réo tên nàng ầm lên có lẽ chỉ còn một cách là anh chàng lao mình chạy xuống nghênh đón. Chừng nào thì có thể nhìn rõ mặt nàng? Có lẽ vào khoảng bậc thềm thứ một trăm chăng?
Đúng vào lúc ấy, Shinji nghe thấy tiếng người la hét giận dữ ở phía dưới chân mình. Nghe ra dường như tiếng gọi tên Hatsue thì phải. Tới bậc thềm thứ một trăm, bậc này hơi rộng hơn các bậc khác một chút. Hatsue thình lình ngừng lại, Shinji có thể thấy rõ ngực nàng phập phồng như sóng cuộn.
Ông bố nàng nấp trong bóng tối không biết tự bao giờ, mà Shinji chẳng thấy, lúc đó mới nhô ra. Hai bố con gắt gỏng với nhau vài câu. Ông bố nắm chặt lấy cổ tay con gái mà níu nàng lại. Shinji đứng lặng người trên đỉnh các bậc thềm như chôn chân vào đó. Ông Terukichi vẫn chẳng thèm đưa mắt nhìn đến Shinji lấy một cái; vẫn nắm chặt cổ tay con gái, ông lôi con theo xuống các bậc thềm. Chàng thanh niên đứng chết lặng trong tư thế cũ, chẳng biết xoay xỏa ra sao, cảm thấy như đầu mình tê dại đi một nửa. Và anh chàng cứ đứng như trời trồng, trông như một người lính gác chôn chân trên đỉnh các bậc thềm đá. Bóng hình cha con ông Terukichi đã xuống tới những bậc thềm dưới cùng, rẽ sang bên trái rồi biến mất dạng.
Tiếng Sóng Tiếng Sóng - Mishima Yukio Tiếng Sóng