Số lần đọc/download: 127 / 14
Cập nhật: 2020-06-12 14:04:27 +0700
V - Trên Đôi Cánh "Thiên Thần"
N
gười ta đã bỏ hết ghế dành cho các quan khách ra khỏi phần đuôi của chiếc "Thiên thần", và đẩy chiếc quan tài bằng đồng vào đó. Và bít kín cửa lại. Tất cả những ai hộ tống linh cữu của tổng thống im lìm đi vơ vất dọc máy bay. Bây giờ có lẽ xả hơi được rồi, riêng một mình với mình, suy nghĩ về chuyện xảy ra ở phố Enmer.
Lindon Johnson ngồi trong phòng tổng thống, trên chiếc đi-văng, chén sứ dày cầm trong tay, vừa nhìn tôi âu yếm, vừa nói:
- Cậu phải viết cho tôi bài diễn văn để phát biểu dịp sắp tới ở phiên họp chung của thượng nghị viện và hạ nghị viện.
- Thưa ngài tổng thống, tôi chưa bao giờ làm việc đó cả. Tôi sợ hỏng việc
- Tình thế của tôi còn tệ hơn của cậu. Tôi chưa bao giờ làm tổng thống cả, nhưng sẽ phải nai lưng ra vậy. Cậu đừng ngại. Cờ đến tay ai người ấy phất. Nói chung, ta sẽ làm được. Tôi trên mặt trận của tôi, cậu trên mặt trận của cậu. Nào hãy ghi những điểm chốt đã. Tôi muốn trình bày cho các nghị sĩ như sau: a) tôi, Lindon Johnson đã, đang và sẽ là đảng viên dân chủ phái Ru-đơ-vua; b) tương lai của nước Mỹ, của nhân dân Mỹ đối với chúng ta phải cao hơn bất kỳ một người riêng lẻ nào, dù công lao của người đó trước đất nước có lớn đến đâu đi nữa; c) tôi không định thay đổi chính sách của người đi trước, tôi sẽ tiếp tục đào sâu, mở rộng nó. Không cần phải cụ thể hóa là chính sách gì; d) tôi muốn thiết lập không những hòa bình, mà còn muốn có những liên hệ hữu hiệu mật thiết nhất với những người thuộc giới đại kinh doanh, với các nhà hoạt động công đoàn. Hãy tế nhị cho người nghe hiểu rằng tôi là kẻ thù kiên định của việc tăng thuế và hạn chế lưu thông tư bản cả trong lẫn ngoài nước. Tạm thời là đủ. Hãy sáng tác đi! Hãy đọc bài diễn văn cuối cùng của Kennedy - rồi thì mặc cậu!
- Tôi có thể làm trong bao lâu?
- Hết sức vào. Một việc như vậy chắc cậu cũng hiểu.
Vậy là trong những tuần gần đây tôi đã có ba đơn đặt hàng bự. Thực hiện được chúng thì tôi sẽ thành ông chủ lớn.
Không chớp mắt, không đỏ mặt, ông ta nhìn thẳng vào mắt tôi và cảm thấy mình đúng đắn và trong sạch.
- Cậu hiểu tôi chứ? Tôi sẽ luôn cần đến cậu, chừng nào còn ở trong Nhà Trắng.
Chú ngựa nghĩ đến lúa kiều mạch, còn kỵ sĩ nghĩ đến đinh thúc ngựa. Câu ngạn ngữ Mỹ từ xưa quả là hay.
Ở nước này ai có tiền cũng cần quảng cáo, từ anh hốt rác đến vị tổng thống. Kẻ giàu trả tiền như điên để lấy ba bốn dòng quảng cáo in trong phần tin sinh hoạt. Các nhà kinh doanh chưa có tên tuổi không từ cái gì để ngoi lên nhóm thần tượng được ưa chuộng và nổi danh.
Tổng thống thứ mười sáu Abraham Lincoln có nói rằng ông nhận thức được trách nhiệm lớn lao, sẵn sàng đem máu trái tim mình hiến dâng cho sự nghiệp, nhưng không dám nói rằng ông có đủ trí óc để xứng đáng với lòng tin và hy vọng của cử tri.
Không, LBG chẳng nói điều gì tương tự như thế cả trong ngày đầu nhộn nhạo của đời tổng thống của mình, cả sau này, khi đã lọt vào Phòng bầu dục của Nhà Trắng. Ông ta tin ở mình lắm.
Trạng sư Bill, lão chữa cho tên găng-xtơ nổi tiếng và qua đó nhận được hàng trăm nghìn đôla, tin tưởng rằng gã đã làm một cú kinh doanh tốt, và tạ ơn Chúa vì đã phú cho gã cái lưỡi cừ khôi. Harold Hatter giết người cả ở trong nước lẫn bên kia đại dương, không cảm thấy lương tâm cắn rứt phút nào, vẫn ăn và ngủ bình yên.
Thế giới bạo lực, chiến tranh, ăn cướp, thế giới của những kẻ ăn thịt người, những tên cầu danh lợi, những thương gia lớn nhỏ của chính trị, của ngân hàng, của các công ty, của cái mà Eisenhower, khi rời cương vị tổng thống, đã gọi là "tổ hợp công nghiệp quân sự nguy hiểm đầy quyền lực", cái thế giới ấy đã, đang và sẽ trụ trên nguyên tắc nói trên.
Về hiểm họa lớn lao ấy Lincoln là người nói lên đầu tiên. "Trong một tương lai không xa sẽ đến cái bước ngoặt làm tôi lo lắng hết sức và bắt tôi phải run lên lo âu cho số phận đất nước. Các công ty lên nắm quyền lực sẽ không tránh khỏi việc kéo theo sự bán mình và sự phân hóa trong những cơ quan cao nhất của đất nước, và tư bản sẽ vươn tới khẳng định quyền bá chủ của nó khi chơi dỡn trên những bản năng đen tối nhất của quần chúng cho tới khi tất cả tài nguyên của cải quốc gia tập trung trong tay một số ít kẻ quyền quí - và khi ấy là sự cáo chung của nền cộng hòa".
Lời tiên tri ấy làm ông phải trả giá bằng sinh mạng mình.
Franklin Delano Roosevelt, ngày 21 tháng Giêng nằm 1937, khi nhận chức tổng thống nhiệm kỳ hai, đã từ chối không thừa nhận người kinh doanh là anh hùng dân tộc. Đại kinh doanh, ông nói, đã trở thành nền bạo trị kinh tế, và những kẻ lãnh đạo nó là những ông hoàng có đặc quyền của những triều đình kinh tế mới này, tham quyền và vượt ra ngoài sự kiểm soát của chính phủ.
Và Roosevelt đã bị trả thù. Ông mất trong những hoàn cảnh bí ẩn. Nhưng điều này ít ai biết.
John Fitzgerald Kennedy, khi còn là ứng cử viên tổng thống, khi đang đi thu phiếu cử tri, đã phát biểu ở Detroit vào Ngày Lao động ở công viên Cadillac, với những lời công kích kinh doanh mạnh bạo và những lời nồng nhiệt yêu mến những con người bình thường.
Tổng thống thứ ba mươi sáu của Hoa Kỳ, ghi nhận kinh nghiệm cay đắng của Kennedy, dĩ nhiên không cho phép mình nhận xét thiếu lễ độ về các nhà kinh doanh. Ở đâu và vào lúc nào, ông ta cũng sẽ thề thốt về tình yêu và sự trung thành với bọn họ.
o O o
Jackeline đứng không vững nữa. Các cố vấn và phụ tá của người đã quá cố đồng thanh khuyên nhủ bà ta đi nằm nghỉ. Bà ta khướt từ mãi, sau mới chịu đi vào buồng ngủ tổng thống. Người dọn phòng Thomas đã hơ nóng mấy cái khăn mặt xanh và đặt sẵn ở đầu giường. Nhưng cũng chẳng sử dụng đến chúng. Và cũng không được nằm nữa kia. Vợ chồng Johnson đi vào và bắt đầu tỏ lời chia buồn.
Bà Berd nói thay mặt cho cả mình và cho cả chồng:
- Bà phải thay quần áo đi. Nhất thiết phải thế. - Bà ta cẩn thận động cái móng tay ngọc ngà của mình vào váy Jackeline đang sũng máu.
Bà ta khẽ khàng đứng dậy, đi đến cái tủ lõm, lấy ra bộ áo dài len trắng, áo veston trắng, đôi giày đen và đặt cẩn thận những đồ ấy lên chiếc giường thứ hai.
Rồi cũng khẽ khàng như thế, bà ta nhón chân đi lại phía quả phụ.
- Nào, Jackie, xin bà hãy thay quần áo đi.
- Không, không, không phải lúc này…
Khi vợ chồng Johnson vừa ra khỏi, Jackeline từ giường chồm ra châm điếu thuốc lá và hút nó đến tận đầu lọc. Rồi lại lấy điếu khác, xòe bật lửa lên ngọn lửa khí, nhưng không hút. Tim đập bần bật hỗn loạn. Những tiếng đập xô dồn dài xen lẫn những nhịp gõ chậm, gần như không nghe thấy.
Bà ta vật xuống giường, nheo mắt lại. Bà ta nằm vắt ngang giường, choãi tay trong bộ găng đen ra, mặt trắng bệch như khúc xương dưới ánh mặt trời, đợi phút chung cuộc.
Cái chết không đến. Đầu óc quay cuồng và buồn nôn, tất cả chỉ có thế.
Jackeline nằm trên giường lờ đờ nhìn bộ y phục trắng toát không dành cho ngày hôm nay. Jack muốn xuất hiện trong bộ này ở thủ phủ Dallas, Ostin, vào giai đoạn cuối của chuyến du ngoạn.
Chỉ lúc này bà ta mới suy nghĩ thật sự về lời nói của bà Berd "Bà phải thay quần áo đi. Nhất thiết phải thế". Sao lại phải? Sao lại nhất thiết? Họ sợ bộ trang phục vấy máu của bà ở Dallas này có thể làm nhơ buổi lễ tuyên thệ long trọng chăng?
Jackeline gục đầu vào gối khóc nấc lên.
o O o
Mười bốn giờ hai mươi phút.
Mọi thứ đã sẵn sàng cho buổi lễ. Anh thợ ảnh cung đình đặt máy lên giá, bấm nút suông.
Các phóng viên đài phát thanh chăng dây nhợ và đang thử micro. Các nghị sĩ chiếm những vị trí làm chứng.
Lindon Johnson chăm chú nhìn quanh những người chứng kiến, nhẩm đếm trong đầu và cau mày lại. Ít quá! Phải thêm ít ra là từng ấy nữa. Ông ta đi ra hành lang, cởi mở chìa tay ra:
- Nếu có ai muốn dự lễ tuyên thệ, tôi sẽ rất vui sướng và coi đó là điều vinh hạnh.
Cái điều vinh hạnh ấy ít người ban cho ông ta.
Các phi công, thợ máy, nhân viên điện đài - toàn bộ kíp lái "Không lực-1" vội vã lui về vị trí của mình. Đại tá Suindan ép má vào vai Roy Keleman thì thào: "Tổng thống của tôi đang nằm trong quan tài. Tổng thống của tôi đang nằm trong quan tài kia".
O'Donnel lang thang ngoài hành lang. Đi đi lại lại. Tiến tiến lùi lùi.
Tướng Mác-hiu đứng đờ như đá trong đội vệ binh danh dự bên linh cữu.
Jackeline nằm vắt ngang giường trong bộ y phục đẫm máu và bộ găng đen.
Cô thơ ký của Johnson đang đánh máy lại bản tuyên thệ và đưa tờ giấy cho chánh án.
Bà Berd sửa sang mái đầu đài các như lông cáo màu hung đen trước gương. Lindon Johnson lo lắng sờ lên nút cravát - nó có ở đúng chỗ hay không?
Đại úy Sapton chỉ dẫn cho mọi người đứng ở đâu, như thế nào trước máy ảnh, phải nhìn vào đâu, và sỗ sàng ra tay với những kẻ thiếu nhanh nhảu hoạt bát:
- Xin ông đứng lui ra, ông làm vướng tôi quá!… Vì ông mà tôi hỏng cả bố cục. Bà Berd, mời bà lại đây. Jackeline sẽ đứng cạnh bà. À, mà sao tới giờ vẫn chưa thấy bà ấy đâu? Ê, các cậu, mời Jackeline vào đây.
- Bà ấy không đến đâu! - O'Donnel nói phứt. - Quả phụ tổng thống cần nghỉ ngơi. Hãy thương bà ấy.
Anh thợ ảnh đưa cái nhìn hỏi han sang Lindon Johnson. Ông này im lặng. O'Donnel hầm hầm nhìn anh thợ ảnh:
- Xét cho cùng, áp đặt ý mình cho một phụ nữ bị nỗi đau khổ vò xé là vô nhân đạo. Jackeline sẽ không dự lễ này.
Cái người mà trên thực tế lời nói kia của O'Donnel nhắm vào, không hề lúng túng chút nào. Ông ta điềm tĩnh quay về phía Sarah Hiu-dơ nói khẽ nửa giọng:
- Ta sẽ đợi bà Kennedy. Tôi muốn bà ấy có mặt ở đây. Ai đi gọi Jackeline nào?
Bobby Scott phóng sang phòng ngủ tổng thống.
- Xin quý ông quý bà vào đúng chỗ cho! Đứng sát lại nhau hơn nữa! Nữa! Thế, được rồi. Xin cám ơn. Ngài tổng thống, tôi đã sẵn sàng!
LBG gật đầu không nói và nhìn về phía cửa phòng ngủ tổng thống. Chẳng có động tĩnh gì! Lindon cau mày:
- Đợi một chút, tôi dẫn bà ấy đến.
Nhưng không cần nữa rồi.
Jackeline đã tự đi tới, mặt xanh tái, gần như bệch ra, trông nghiêng nhọn như dao, mắt hụp xuống. Tóc lòa xòa xuống vai, xuống cổ và che lấp một phần mặt.
Buổi lễ bắt đầu. Yên lặng. Ngột ngạt. Nóng không chịu nổi. Johnson, người túa mồ hôi, đặt tay trái lên cuốn Kinh thánh, còn bàn tay phải giơ ra ngoài lên ngang mặt và rành rọt, chậm rãi, như học sinh nhắc theo cô giáo, môi mấp máp như gỗ, lặp lại bài tuyên thệ mà chánh án đề xướng.
o O o
Tôi phải kể tỉ mỉ chuyện tôi đã gặp ông Bạc tỉ ra làm sao sau sự kiện Dallas. Nhưng trước khi kể, tôi muốn thông báo ngắn với các bạn ngày 22 tháng Mười một của Hatter chất chứa những gì.
"Texas Sun" và nửa tá đài phát thanh và truyền hình của Hatter chăm lo giới thiệu cho toàn bang Texas và cho cả nước Mỹ biết ông chủ của họ, ông Bạc tỉ, ngày 22 tháng Mười một đã làm gì, đã nói gì, đúng hơn là đã im lặng ra làm sao. Người ta kể cái có thể và cần được kể.
Vào đúng cái giây phút tổng thống đang đi xe ở phố Houston. Hatter đứng bên cửa sổ mở toang của văn phòng Dallas của mình trong tòa nhà chọc trời trăm tầng và nhìn xuống đoàn xe. Bên cạnh là hai thư ký riêng của lão.
Đưa mắt nhìn đoàn xe và không thốt ra lời nào, Hatter tiến lại máy thu thanh và lắng nghe. Trong tiếng nhạc rộn ràng của điệu hành khúc "Hoa hồng vàng Texas", phát thanh viên đang kể chuyện tổng thống đi xe qua phố phường Dallas và được người dân Texas tiếp đón như thế nào. Mười hai giờ ba mươi lăm phút tiếng nhạc vui vẻ bị đứt quãng và phát thanh viên kinh hoàng loan tin một số kẻ chưa rõ tung tích đã bắn vào xe tổng thống. Hatter bình thản nghe tin này, có các thư ký chứng kiến, tắt radio, im lặng đứng dậy, im lặng đi ra khỏi phòng làm việc. Hành trình tiếp theo của lão được "Texas Sun" mô tả như sau: "Xuống thang máy tốc độ nhanh bằng gỗ hồng sắc, Harold Hatter đi ra phố. Lão thong thả bước trên phố Houston, rồi ngoặt ngay góc phố gần nhất, rẽ vào cửa hàng bán giấy viết, quẳng lên quầy hai mươi xu và thu về một lá cờ Mỹ con con có chân gỗ.
"Con đường quay trở lại nhà chọc trời lão cũng đi thong thả như thế. Lên đến phòng làm việc, đặt cây cờ lên bàn viết và để rủ ra dấu hiệu tang".
Tất cả những việc ấy lão đã kịp làm trước khi ký giả các báo Dallas và Texas bủa vây lão. Họ chen chúc trong phòng tiếp khách, mong ngóng nhận được lời đáp cho câu hỏi: "Ai và tại sao lại ám sát JFK?". Với ai, cũng một câu trả lời: "Về phía tôi thì không có bình luận gì cả. Tôi tin ở sức lực của FBI, của hiến pháp chúng ta. Tôi xin tán thành trước những điều mà công lý sẽ phán xét".
Với những lời này Hatter rời văn phòng và lên chiếc Cadillac màu đen về dinh thự của mình. Đến đây phần công khai kết thúc. Tiếp theo là bí mật, chỉ có bí mật.
Buổi chiều, sau khi đã báo trước cho Hatter qua điện thoại, các nhân viên FBI, quan chức cảnh sát, các nhân viên các hãng mật thám tư nhân xộc đến lão. Cả nhóm này, nhóm kia và cả nhóm khác nữa, lưu ý đến tình hình tiến triển ở Dallas, đều bày tỏ sự lo ngại cho tính mạng quí giá của người giàu nhất Texas. Họ đã không bảo vệ nổi cho tổng thống, mà cho sự bình yên của ông Bạc tỉ thì sẵn sàng đem đầu ra bảo đảm. Chi tiết của cuộc nói chuyện này tôi không rõ. Tôi chỉ biết là không có đặt ra một câu hỏi có tính chất điều tra nào. Dưới sự bảo vệ chắc chắn của các nhân viên FBI, Hatter đi xe bọc kín ra sân bay và bằng máy bay riêng bay đi Washington. Cả Texas lẫn cả nước Mỹ đều không biết ông Bạc tỉ ở đâu. Có đôi lúc lão ngồi yên vị tại một trong những pháo đài được canh gác cẩn mật của mình. Nhưng không phải ngồi tễu. Công việc vẫn sôi nổi như thường lệ. Lão lãnh đạo cái đế chế của mình bằng telephone qua Mark Hasson. Chính tôi được triệu tới đây, tới dinh thự Washington này để báo cáo về chuyến đi Texas.
Tôi sẽ kể chuyện ấy muộn hơn một chút. Bây giờ tôi cần phải viết về cảnh thay chủ diễn ra làm sao ở Nhà Trắng, chuyện quyền lực chuyển từ bàn tay này sang những bàn tay khác như thế nào.
Về tượng thần Tự do, biểu trưng của quyền lực chúng ta, tôi đã được nghe nhiều huyền thoại đẹp đẽ từ hồi còn chưa cắp sách đến trường. Tôi đã tận mắt nhìn thấy nó vào năm lên chín.
Chúng tôi, tôi và mẹ tôi, đứng trên mảnh sân nhỏ, đằng sau những nhà chọc trời phố Wall, bên lan can hoa cương còn bức tượng khổng lồ, bao phủ bởi huyền thoại, hiện lên sừng sững từ mặt nước đại dương của vịnh và cửa sông Hudson. Hôm ấy trời sáng, ngày ấm áp đầu tiên của đầu mùa xuân. Trong không trung thoang thoảng hương cỏ ngỗng, hương của những bông hoa đầu tiên của những nỗi vui sướng đầu tiên.
Con tàu tham quan nho nhỏ nhận tôi và mẹ tôi lên thành boong cũ kỹ của nó và rảo về phía tượng. Tôi không rời mắt khỏi nó. Cái bà người Pháp [21] cầm bó đuốc trong tay, với vòng hoa trên đầu, cách xa bờ những một dặm, đối với tôi trông tuyệt vời quá.
Chiếc phà tự hành ráng hết sức mà vẫn bò chậm như rùa. Tôi dậm chiếc giày cũ: mau lên, mau lên! Tôi nóng lòng muốn gặp thần Tự do. Tôi yêu bà ta. Sau này, vào thời thanh xuân, khi đi đến chỗ hẹn với người yêu, chưa khi nào tôi sốt ruột đến như thế.
Bức tượng xích lại gần, lớn lên, to ra và… mất đi vẻ hân hoan cổ tích. Bầu trời trên bà ta trở nên đặc khói, xám màu tro. Mùi dầu chạy tàu, mùi nhựa đường và phân chuột bốc lên.
Gần lại, gần lại nữa!
Màu xanh rêu lở loét phủ lên tượng. Trên mặt lớp đồng xanh ấy là những vảy kết mập đá khô xám xịt - phân hải âu. Mắt thần Tự do tối màu chì, đờ dại dính đầy phân. Lũ hải âu không từ cả má, cả môi, cả tai thần Tự do. Tôi lấy tay che mặt và bật khóc.
Mẹ tôi cúi xuống bên tôi:
- Sao tự nhiên lại khóc rú lên thế, nỡm con? Đến rồi, hết lắc rồi. Nào đi thôi!
Rồi người lôi tôi đến cái thang nối phà với hòn đảo nhỏ trên đó có tượng thần Tự do. Tôi cưỡng lại, còn mẹ tôi cười giễu tôi một cách vô tư lự. Người kéo tôi xềnh xệch đến tận cầu thang dẫn vào bên trong rỗng hoác của bà bụt tốt bụng lúc này đã hóa ra mụ phù thủy. Tôi lại càng gào go hơn.
- Mày làm sao thế, hở Serge? Không xấu hổ sao? Người ta đang nhìn kìa! Nín ngay!
Tôi cứ gào, không chịu leo lên cầu thang hôi hám. Còn mẹ tôi cứ một mực: Đi thôi, đi thôi. Mà người cũng không nghĩ đến chuyện hỏi cho ra nhẽ vì đâu mà tôi khóc.
- Đi thôi! Ở trên kia người ta bán kem que đấy.
- Không cần kem que. Con không đi đâu.
- Sao vậy?
- Con sợ.
- Mày sợ cái gì, nỡm con?
- Con sợ.
Người gác đứng bên lối vào bức tượng, chăm chú lắng nghe câu chuyện ấy. Khi tôi nói những lời cuối cùng trên đây thì ông giơ hai ngón tay lên chiếc mũ trai đồng phục và nói:
- Xin lỗi bà vì tôi xen vào chuyện gia đình bà. Nhưng xin bà đừng bực cậu nhỏ. Trẻ em đứa nào cũng đều sợ chuột cả. Ở đây thì biết bao nhiêu mà kể!
Lúc này mẹ tôi mới nhìn bức tượng với vẻ kinh sợ. Người quay gấp lại và kéo tôi trở ra con tầu.