Số lần đọc/download: 2057 / 42
Cập nhật: 2015-11-21 22:31:31 +0700
Chương 12
H
ôm nay, sinh viên Trường Sĩ Quan Nam Định sang đá bóng giao hữu với thanh niên thị xã Thái Bình. Họ đến lúc 10 giờ sáng để về lúc 5 giờ chiều cho phà Tân Đệ dễ dàng làm việc. Sinh viên toàn là trí thức. Họ đẹp giai, sáng sủa, khiến con gái thị xã mê mệt. Quân phục của sinh viên khác hẳn quân phục của Pác ti dăng, Bảo chính. Họ đi lại khắp phố, ngắm thị xã tiêu thổ kháng chiến. Mọi người ra xem họ, đều tặc lưỡi khen thầm. Sinh viên tuổi còn trẻ, ăn nói lịch sự, lễ phép. Cả thị xã xặc mùi tiểu tư sản, cái mùi quyến rũ làm sao! Họ thích trò chuyện, dân thị xã cũng thích chuyện trò với họ. Đây là tinh hoa của miền Bắc. Họ gặp gỡ nhau ở thành phố Nam Định. Họ đang đi học, Pháp động viên họ, chứ họ không muốn đi lính. Bùng bình trong thời đại, phải theo thời đại. Họ trốn tránh cách mạng, vào vùng quân Pháp tạm chiếm đóng. Họ không thể chạy ra hậu phương sống với cách mạng, đành nương Pháp và theo Pháp. Sinh viên sĩ quan có tâm sự ê chề, khó nói. Kiến thức của họ đem phục vụ Pháp, họ đau đớn lắm!
Khoa theo sinh viên sĩ quan tới trưa, họ đi ăn cơm, Khoa mới về. Tiếc hùi hụi. Họ đồng dạng với bộ đội tiểu tư sản. Bây giờ, bộ đội tiểu tư sản không còn trong Quân đội nhân dân nữa. Tiểu tư sản là sản phẩm của thành phố. Lính giai cấp tiểu tư sản trong thành đánh lính giai cấp vô sản ngoài thành.
Tiểu tư sản ăn dứt hết, chỉ thua vô sản một điều: chính nghĩa. Cả nước đang chống Pháp, bảo vệ tự do, dân chủ. Ai nghi ngờ? Người tiểu tư sản chui vô rọ nô lệ, Pháp sai đi diệt nhân dân đang chống Pháp tưng bừng, mọi nơi, trên đất nước Việt Nam. Sự thực của người tiểu tư sản nói không ai chịu nghe. Cũng đành, mặc áo gấm, đem theo thế động viên, đi đêm buồn bã, phản bội đất nước.
Khoa nhớ rằng Vọng rất tiếc nhớ bộ đội tiểu tư sản và tim vẫn hé mở để lính tiểu tư sản đồn trú. Lính tiểu tư sản vẫn ở với kháng chiến không được kháng chiến và lính tiểu tư sản về tề, theo Pháp, bắn giết cách mạng khác nhau rõ rệt. Liệu Vọng, con người công nhân nghèo khổ, học trường Monguillot, bạn thân của Vũ, Côn, Luyến, có lòng mãi mãi không? Vọng là lính giai cấp vô sản, trái tim không được phép mở tự do. Đảng của Vọng sẽ nhét xi măng cốt sắt vào trái tim Vọng. Vọng sẽ phải tuân lệnh Đảng, bắn bỏ lính tiểu tư sản như lính tiểu tư sản, sẽ phải tuân lệnh thực dân Pháp, bắn bỏ lính giai cấp vô sản. Lúc này, Khoa cũng nhớ câu nói của Vọng, câu nói mà Luyến cho là bậc thầy, lúc này, gặp sinh viên sĩ quan tiểu tư sản hồn nhiên, Khoa lại càng nhớ: Một mai, em sẽ oán trách người này, bênh vực người nọ. Rồi, em sẽ ân hận, vì oán trách sai, bênh vực sai nốt. Con người này chống đối con người nọ, không phải con người thích chống con người. Mà, hoàn cảnh nó dìu đi. Hoàn cảnh nào? Khoa không biết nổi. Để lát nữa, gặp Luyến ngoài sân vận động, sẽ hỏi Luyến.
- Khoa có làm quen cậu sinh viên sĩ quan nào không?
- Thưa mẹ, có
- Họ giỏi lắm à?
- Vâng.
- Họ đi lính là thằng Vũ theo kháng chiến đến già cũng chẳng về được. Con xem, người ta hồi cư tấp nập. Ông Tân Y ở phố Lê Lợi đang xây nhà hai tầng. Người ta sẽ xây lại nhà hết. Dần dần, có nước máy, có điện...
- Nhờ sinh viên Trường Sĩ Quan Nam Định chăng?
- Có họ, lính sẽ hết nham nhở như Pác ti đang, Bảo chính.
- Rất tiếc, mẹ ạ!
- Tiếc gì?
- Họ cũng là lính pác ti dăng!
- Sĩ quan mà.
- Sĩ quan chỉ huy lính pác ti dăng, mẹ ơi!
- Mẹ không tin.
- Thì chỉ huy Pháp vậy! Mẹ đừng tưởng họ sung sướng đâu. Bị Pháp động viên, họ khổ sở, không dám than vãn đấy thôi. Một anh sinh viên đã nói với con như vậy.
- Để bố mày ở Nam Định về, sẽ hiểu rõ. Đi ăn cơm, còn xem đá bóng.
- Con no rồi, không muốn ăn. Con ra bãi bóng đây.
Khoa lững thững bước. 3 giờ đấu giao hữu, l giờ rồi, vẫn chẳng có ai ngoài sân cỏ. Đấu giao hữu thì chán phèo. Đấu tranh cúp mới sôi nổi. Khoa chả còn thích thú xem đá bóng nữa. Nếu sinh viên sĩ quan Nam Định không sang thị xã, Khoa đã rửng rưng. Ngày học lớp ba, Khao chỉ mê đội ban lớp nhì 1. Vì có anh Vũ cú rót dầu, anh Côn cú ngả bàn đèn, anh Vọng cú xuyên chỉ qua kim, anh Luyến bắt bóng như tay quết nhựa michelin. Bốn người đó đã làm đội ban lớp nhì 1 vô địch của trường. Đi xem đội bóng nhà, đến sân thật sớm, cổ võ khô cả cuống họng. Đội nhà thắng, nhẩy múa muốn sập bãi, vỗ tay đến xưng vù lên. Có lẽ, các đội ban tiểu học chơi hay nhất thế giới, mới có khán giả học trò lỳ lợm nhất thế giới, về cách hoan hô, đả đảo. Và, khóc hết nước mắt, khi đội nhà thua.
Khoa nhìn ra sân cỏ. Cỏ đã chết hết, từ độ vào hạ. Hai khung thành mới làm bằng tre bương, đằng sau không dăng lưới. Chung quanh sân quét vôi trắng. Quét vôi luôn ở khu vực của thủ môn với chỗ sút cú việt vị. Chả biết người ta có dọn dẹp sạch sẽ không, chắc chắn còn khá nhiều gạch đá. Chẳng có khán đài nào cả, dù danh dự hay bình dân. Chốc nữa, người ta sẽ mang ghế cho người Pháp và ông tỉnh trưởng ngồi. Khán giả bắt đầu tới. Luyến vẫn chưa tới.
Khoa lại nghĩ về các anh sinh viên sĩ quan Nam Định. Thật sự, Khoa yêu các anh ấy như yêu bộ đội năm xưa. Cái gì đầu tiên vào tâm hồn mình, khó mà quên. Cái gì đầu tiên ấy là một bài hát lãng mạn. Khoa không biết lãng mạn, cứ học bừa. Và, anh bộ đội cũng dạy bừa. Anh bảo, Việt Lang, bạn của anh, làm bài này. Sau khi vất vả phá tan biên cương loài người, Việt Lang tìm kiếm Những hình bóng qua. Anh bộ đội Hưng Yên bảo Khoa: Cứ hát đi, em sẽ tìm hình bóng qua, ngày mai.
Đàn thu trầm dâng khúc ca sông hồ
Mấy đường tơ biếc rung lời năm xưa
Mùa trăng hàng dương liễu xanh đôi bờ
Ai về cho nhắn một vài ý thơ
Tà áo nhuốn bao mầu thời gian
Buồn xa vắng nghe chiều than van
Từng đôi mắt nụ cười yêu đương
Trên bến đời say ngát muôn đường
Tầm ngược xuôi khuất bao hình bóng
Phấn hương tình cuốn bay chiều hoang
Và nơi đây lãng quên ngày tháng
Hồn nương theo cánh chim bạt ngàn
Còn đêm nao dấu môi mộng mơ
Ý xuân nồng đã dâng mùa qua
Chạnh tương tư gió reo gọi lá
Sầu lây lưa úa phai mầu hoa
Năm xưa nhắc nhở lá vàng cuốn
phiêu du
một trời thắm gió
tới năm canh đường đời
gót phong sương bao lần
đợi chờ hình bóng ai
Khoa chưa lớn để hiểu những hình bóng qua tâm sự những gì. Có điều, anh bộ đội tiểu tư sản Hưng Yên đã bị đào thải. Hôm nay, Khoa gặp lại anh, qua vóc dáng người sinh viên sĩ quan tiểu tư sản đang được nuông chiều. Các anh ấy sẽ sang Marrakech học lái máy bay. Và, sẽ bay trên vùng trời này, oanh tạc kháng chiến. Các anh ấy sẽ bỏ bom tan xác Vũ, Vọng, Côn. Vũ, Vọng, Côn, có thể, hạ rơi máy bay của các anh ấy. Khoa sẽ không oán trách người này, bênh vực ngưòi nọ như Vọng nói chăng?
- Khoa, Khoa!
Luyến đã lê nạng tới.
- Ra bãi lâu chưa?
- Từ lúc chưa có ai.
- Khán giả lơ thơ nhỉ? Đá bóng nhằm vào ngày phô trương lực lượng cứu hỏa, ít người xem lắm.
- Chiều nay, Lực lượng phòng hỏa và cứu hỏa mít tinh tuần hành hả anh?
- Ừ, 5 giờ.
- Đá bóng hết trước 5 giờ.
- Hai đội bóng chưa ra nhỉ?
- Vâng.
- Đứng xem, anh chịu không nổi, sẽ về sớm.
Tiếng máy bay trực thăng ở cầu Bo vọng lại. Rồi, trực thăng tới sân vận động đáp xuống. Chong chóng quay nhanh, khiến gió thổi mạnh vào khán giả. Người ta chạy ra đường. Vừa lúc, chiếc xe ăm buy lăng xuất hiện, phóng về chỗ trực thăng. Một chiếc jeep chở mấy người lính Pháp tới, đuổi hết khán giả bóng tròn đi. Trực thăng vừa đậu, đã bay lên. Trực thăng khác xuống...
Khoa và Luyến đã bước khỏi sân vận động. Trên đường về nhà mình, Luyến nói:
- Đánh nhau lớn ở Tiên Hưng, Đông Hà rồi. Lính Pháp bị thương rất nhiều.
Khoa hỏi:
- Đến nay, cách mạng mới trả đũa cuộc hành quân Trái Chanh, Trái Quít hở, anh?
- Loài chó, đánh không để chỗ cho nó chạy, nó còn biết quay lại cắn loài người nữa là. Pháp tàn sát cách mạng, phải nhận lễ cách mạng xứng đáng.
- Pháp gục ngã cả bầy.
- Ý vậy.
- Ngày mai, Spitfire sẽ đảo lộn dài dài.
- Và, đại bác không chịu câm họng.
- lính Bùi Chu - Phát Diệm sang thêm nữa không?
- Chưa biết.
- Chỉ buồn cho đội bóng Trường Sĩ Quan Nam Định. Chắc họ lên căm nhông về rồi, không kịp từ biệt khán giả ái mộ!
- Họ thấm thêm nỗi đau nữa.
- Vâng. Còn tỉnh trưởng?
- Cứ việc an thân kiếp tôi mọi bù nhìn.
- Buổi trưa, em nghĩ về sinh viên sĩ quan tiểu tư sản, nghĩ về câu nói của anh Vọng, em định hỏi anh trên sân cỏ: hoàn cảnh dìu ta đi là hoàn cảnh nào. Thôi, anh ạ, em không hỏi nữa, để em tự tìm ra.
- Đúng.
Vừa lúc ấy, nhiều người xách thùng, ống bương lấy nước cứu hỏa chạy tứ tán. Chỗ tập trung mít tinh làm cản trở xe cứu thương của Pháp. Họ điên lên, khi một sĩ quan bị thương nặng chết, vì chậm trễ mấy phút. Lực lượng phòng hỏa và cứu hỏa của thị xã tan hàng trong sợ hãi.
Mấy hôm trước, Tòa tỉnh trưởng đã làm quan trọng cho lực lượng này. Ông Phó tỉnh trưởng không được đọc diễn văn. Lực lượng tự do giải tán. Toà tỉnh trưởng chằng can thiệp, chẳng phản đối gì. Một ngày ảo não cho dân thị xã dưới chế độ Bảo Hoàng.
- Mình chia tay, Khoa nhé!