If love is a game, it has to be the hardest game in the world. After all, how can anyone win a game where there are no rules?

CODY MEYERS

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2089 / 57
Cập nhật: 2015-11-21 22:31:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12
huyện giặc Pháp nhẩy dù rồi cũng bị quên đi, như bao nhiêu chuyện khác. Mỗi gia đình đã có, ít nhất, hai con dao găm. Dao găm, thứ dao mới lạ, bỗng trở thành quen thuộc với đời sống của mọi người. Cùng với sự quên lãng đề phòng giặc nhẩy dù, du kích cũng quên công tác tiêu diệt chó là yêu nước. Những con chó trốn thoát cuộc tàn sát tập thể đã lần mò về nhà chủ, tiếp tục sủa bâng quơ, và sinh đẻ. Làng thôn bớt ghê rợn đêm khuya. Bây giờ, khẩu hiệu mới: Chuẩn bị tổng phản công, Tích cực chuẩn bị tổng phản công… Quân Pháp sắp thua đến nơi. Tích cực chuẩn bị tổng phản công, đàn bà, con gái phải khuyến khích chồng con tòng quân. Tòng quân là yêu nước. Câu thơ mới viết khắp tường đình, tường miễu:
Đêm nay anh đi đánh Tây
Cửa nhà cậy có bu mày trông coi
Làm chi khóc lóc lôi thôi
Có vợ ai tồi như thế hay không
Chuẩn bị tổng phản công, thanh niên phải lên đường hàng tháng xa gia đình, đắp ụ, đào đường. Bài thơ Phá đường, ai nấy đều thuộc:
… Hì hà hì hục
Lục cục lào cào
Anh cuốc em cuốc
Đá lở đất nhào
Nào anh bên trai
Nào em bên nữ
Ta cùng thi sức ai tài hơn ai
Anh tài thì em cũng tài
Đường dài ta xẻ sức giai ngại gì
Đêm nay gió rét trăng lu
Rộn nghe tiếng cuốc chiến khu phá đường 1
Làng Tường An bắt đầu phát động cuộc thi đua mới: Thi đua tòng quân. Nhiều anh du kích quẳng mã tấu, xung phong tòng quân. Nhiều chị phụ nữ vất súng gỗ, xung phong đi làm nữ cứu thương, đi đào đường đắp ụ. Những người ở lại xung phong góp lúa nuôi bộ đội. Nhi đồng xung phong tới các chợ gắn huy hiệu, lấy tiền nuôi thương binh. Phụ lão xung phong làm mẹ nuôi bộ đội. Thương binh được mô tả là những ngừi hy sinh cho tổ quốc, dân tộc nhiều nhất:
Anh em thương binh mang nặng lòng bao nhiêu đau thương
Anh em thương binh quên mình từng phơi trong phong sương
Chí vẫn không quên lửa hận ôi căm hờn
Vì bọn thực dân nên dân chúng bị tàn sát
Xông pha gian lao song lòng anh nao nung chí
Hoa xuân đang tươi tưng bừng hy sinh anh ra đi
Hiến tấm thân cho tổ quốc anh tươi cười
Nặng lòng hy sinh đem xương máu hiến cho đời
Đạn reo khiến chí anh càng hăng hái
Vùng lên như anh muốn quyết xông pha…
Khoa đã hướng dẫn nhi đồng đi quyên tiền, ủng hộ anh em thương binh. Trong kháng chiến, không ai là không có trách nhiệm. Khoa say sưa thi hành mọi công tác. Không bao giờ quên Liên. Dường như, Khoa có hai cuộc đời. Cuộc đời của tập thể, và cuộc đời của riêng Liên. Nó muốn, mãi mãi, được sống như thế.
Mùa hạ qua. Mùa thu sang. Mùa đông tới. Mùa xuân về. Làng xóm vẫn bình yên. Máy bay khu trục đen thui chỉ bay thật cao, trên vùng trời Tường An. Bay qua. Giặc sợ hãi không dám nhẩy dù. Khoa cũng chẳng biết giặc đã nhẩy dù ở Việt Bắc, đã đuổi giạt bộ đội và chính phủ ta vào tận rừng sâu, nước độc. Làng Tường An chưa ăn bom đạn giặc, là bộ đội đang chiến thắng. Gần ba năm sống đời kháng chiến xa nhà nhịp theo đời sống mới, biệt ly thành phố rực rỡ ánh đèn điện, Khoa yêu đời sống áo nâu vô cùng. Thôn ổ dạy Khoa nhiều thứ, cho Khoa nhiều thứ. Khoa lớn vội, và Khoa cảm xúc nhanh. Tâm hồn Khoa mở rộng. Hương đồng gió nội ùa ngập, cùng với mộng ước êm đềm. Mộng ước đó, mỗi ngày, một thắm đặm, tưởng không bao giờ tàn phai. Nếu kháng chiến thành công, nếu giặc Pháp đừng bén mảng sang Thái Bình, mộng ước sẽ no tròn. Bàn tay Khoa sẽ nắm gọn mộng ước đó. Mộng ước làm người dân của một nước độc lập. Mộng ước được sống hoài với kỷ niệm tuyệt với, trên mảnh đất quê hương mình.
Khoa chợt nhớ tới anh. Nó chỉ biết Vũ đi kháng chiến, vì căm thù giặc Pháp. Khoa chưa hiểu tâm sự của Vũ. Cũng chưa lần nào, Vũ nói cho Khoa nghe tâm sự mình. Vũ không căm thù gì cả. Vũ đi chiến đấu, với mộng ước đơn giản, là được trở về thị xã, cùng với mọi người, xây lại căn nhà đã bị tiêu thổ, trồng lại những hàng cây hồi bị chết, và gần gũi Thúy, yêu Thúy, yêu suốt đời.
Những ngày đầu tiên rời bỏ thị xã, Khoa buồn lắm. Vũ thì khỏi nói. Vũ trốn nhà theo bộ đội. Khoa bị quyến rũ bởi nguồn vui mới, mỗi lúc mỗi dâng trào. Khoa yêu cuộc đời hậu phương kháng chiến. Ở cuộc đời này, cái gì cũng đẹp, cũng mộng mơ. Sự phiền muộn thoáng qua, rồi chìm vội. Nếu Khoa lớn hơn, đủ tuổi vào bộ đội, chẳng hạn, Khoa sẽ thấy chuỗi ngày hậu phương kháng chiến là chuỗi ngày đẹp nhất, rực rỡ nhất, hào hùng nhất của lịch sử tranh đấu của dân tộc. Đây thời chinh chiến ngập ngừng lá nhớ hoa. Chưa có cuộc chiến đấu nào lãng mạn đến thế. Tiếc rằng, Khoa còn bé, nên Khoa mới cảm nổi con đường đêm ngập ánh trăng, Khoa và Liên đã sóng đôi bước chậm, nghe gió luồn qua lá những tiếng thầm thì.
- Khoa ơi!
Tiếng cu Đường gọi. Khoa phớt tỉnh, vẫn ngồi ở cầu ao xem đàn cá mương tranh nhau cái phổi gà. Đường léo nhéo:
- Tụi Đại Đồng đang phơi nắng chờ mày đó, Khoa ơi!
Đường đã chạy vào sân nhà Khoa:
- Mày đâu?
- Tao đây, đồng chí cu Đường!
Đường nhìn xuống cầu ao, toe toét:
- Không đồng chí, đồng chóe gì xất. Ngoài cuộc họp, đồng chí cái dồng điếu! Chúng nó đợi mày, mắt viền vải tây điều hết rồi. Này không đến ngay, tụi Đại Đồng bỏ về, là, tự nhiên, Tường An thua bét tĩ.
Khoa chợt nhớ đã hẹn thiếu nhi Đại Đồng đá bóng tại bãi tha ma, chiều nay. Cái bãi tha ma, kể từ hôm thanh niên Tường An xuống Ô Mễ xem trận thư hùng giữa hai đội Vũ Tiên và Thư Trì, đã biến thành sân vận động, có thể tập trung hết dân làng biểu tình đả đảo thực dân Pháp. Phong trào thể thao bình dân rất thịnh hành. Ruộng khô còn đầy gốc rạ, cũng là bãi bóng chuyền hay bóng tròn. Thanh niên Tường An san bằng bãi tha ma, đem trục đá kéo lúa tới, lăn phẳng mặt bãi, đẵn cau, trồng cột gôn. Chỉ cần một trái bóng da, mỗi bên đủ mười một người. Đá văng mạng. Đá không luật lệ. Chạy hàng tiếng. Đá bóng chán chê, về ao đình bơi lội. Thân thể khỏe mạnh, dẻo dai, để trường kỳ kháng chiến. Sợ gì đại bác tầu bay, Bền gan kháng chiến là Tây phải hàng. Bãi tha ma, một dạo, đã vắng hoe, vì dân làng bận lo học tập chống quân nhẩy dù Pháp, bây giờ, lại bắt đầu nhộn nhịp. Cùng với sự nhộn nhịp đó, dân làng tổ chức nhiều cuộc vui khác, tưởng chừng giặc Pháp sắp thua, chẳng còn hy vọng gì chiếm Thái Bình.
Khoa muốn hạ tụi thiếu nhi Đại Đồng, chiếm lại ngôi chùa của làng Tường An. Khoa muốn làm ông tiên, ông tiên đá bóng chiến như Vọng, như Vũ, như Côn, như Luyến… Và, Khoa viết thư mời tụi Đại Đồng, giao hẹn hễ Đại Đồng thua thì phải nhường ngôi chùa cho thiếu nhi Tường An, đêm đêm, tới họp hành, và tập kịch, tập trống. Thư mời không nói đến chuyện nếu Tường An thua, mà chỉ có một câu khích bác, là Đại Đồng sẽ đem rổ đựng trứng thối. Khoa tưởng tụi Đại Đồng không nhận lời.
- Nhanh lên mày!
Cu Đường giục nhắng. Khoa hỏi:
- Có bóng chưa?
Đường đáp:
- Rồi. Năm quả bòng, nướng mềm nhũn, còn nóng sốt sồn sột…
Khoa đưa tay vuốt tóc:
- Mình sẽ chiếm lại chùa.
Nó bước lên, và cùng đồng chí cu Đường thân mến co cẳng chạy. Tới cầu Chờ, Khoa phanh chân. Đường ngơ ngác:
- Mày đứng lại làm gì đây?
- Có con Liên ngoài bãi không?
Đường dậm chân, vò đầu:
- Liên, Liên, Liên cái…
Khoa bịt mồm Đường:
- Yêu cầu đồng chí đừng nói nhảm.
Đường toét mệng:
- Nó chờ mày cháy bố nó hết tóc rồi.
Khoa đẩy nhẹ Đường. Khuôn mặt nó tươi như ngọn cỏ ngậm sương. Nó lại co cẳng chạy. Chẳng mấy chốc, hai đứa đã tới bãi tha ma. Nhi đồng Tường An hoan hô Khoa vang lừng. Khoa tỉnh bơ, đảo mắt đây đó tìm kiếm, xem Liên đứng chỗ nào. Không thấy Liên đâu. Không hề thấy một đứa con gái. Nó chộp cánh tay Đường:
- Mày dám nói dối tao.
Đường cười xòa:
- Nó bảo nó sẽ tới coi mày sút thủng côn Đại Đồng. Thế nào nó cũng tới.
Khoa buông tay Đường ra, dọa dẫm:
- Nó không tới, mày biết tay tao.
Như là Vọng năm xưa, Khoa đang đóng vai trò của Vọng. Như là đội bóng của Vũ năm xưa, Tường An đang cổ võ, hối thúc, và tin tưởng Khoa sẽ đè bẹp Đại Đồng. Khoa cởi áo vất xuống bãi. Đường trịnh trọng nhặt lên. Khoa chạy vào sân bóng. Những đôi mắt long lanh theo rõi nó. Cuộc giao đấu bắt đầu. Không trọng tài. Tiếng hoan hô gà nhà, đả đảo gà người lấn át cả tiếng bịch bịch của chân cẳng đá nhau, đá ban bòng nướng. Khoa vừa tranh đấu, vừa ngó xem con Liên đã tới chưa. Đại Đồng xuýt làm bàn đôi ba lần. Tường An hò hét Khoa, thúc giục Khoa. Nó chả nghe thấy gì. Khoa không thiết đá bóng, không say mê chiến thắng. Nó đón hụt bóng liên miên, và toàn sút ra ngoài. Bỗng, đồng chí cu Đường hét lớn:
- Con Liên đã tới.
Khoa nhẩy cỡn lên. Quả bóng nướng, vô tình, rót vào tầm chân nó. Khoa đá được trái song phi tuyệt cú mèo. Mắt sáng rực, Khoa ngó Liên đương vẫy tay chào nó. Khoa phấn khởi vô cùng. Nó xung phong đá bóng. Xung phong như bộ đội xung phong giết giặc Pháp. Và, Tường An cho Đại Đồng nhặt trứng thối. Tiếng hoan hô vang dậy. Đại Đồng tiu nghỉu rút lui.
Ngay buổi tối hôm ấy, nhi đồng Tường An đã vác trống đồng sang ngôi chùa làng mình bị ông tiên hạng bét đánh cờ thua, mà khua ầm ỹ. Một ông tiên cừ khôi đã lấy lại chùa cũ. Ông tiên đó là Khoa, là Kim Đồng, là tuổi thơ lồng lộng và thần thánh của Việt Nam kháng chiến chống xâm lăng. Ông tiên mê gái. Ông tiên chiến thắng nhờ gái. Ông tiên chẳng hề biết điều ấy.
--------------------------------
1 Một đoạn thơ, của Tố Hữu.
Thằng Khoa Thằng Khoa - Duyên Anh Thằng Khoa