The greatest thing you'll ever learn is just to love and be loved in return.

Eden Ahbez, "Nature Boy" (1948)

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Phạm Vân ANh
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1701 / 48
Cập nhật: 2016-01-26 07:37:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12
ông việc hàng ngày của thằng Út bây giờ là cắt cỏ. Sáng sớm đạp chiếc xe ba bánh ra khỏi nhà để trưa đạp về một xe cỏ đầy. Đầu buổi chiều lại đạp đi, tối mịt về với một xe cỏ nữa. Nơi cắt cỏ không cố định. Có lúc ở khu kho đạn của quân đội chính quyền cũ giáp với Bình Thạnh, nay thành vùng bỏ hoang cỏ mênh mông là cỏ; có khi vào tận bãi vành đai sân bay Tân Sơn Nhất, từ ngày giải phóng, chuyện canh gác chỉ còn hình thức, những vòng kẽm gai lớp trong, lớp ngoài trùng điệp đã bị mở phá từng khúc, các loại mìn cũng được tháo gỡ, dân cắt cỏ bò, ngựa quanh vùng tha hồ lẻn vào, nhưng nơi Út thích nhất và thường xuyên đến nhất vẫn là khu nghĩa trang bên trong bãi rác vừa gần nhà, cỏ lại mềm và ngon.
Những ngày đi cắt cỏ là quãng thời gian bơ vơ cay đắng nhất của Út. Cái đỉnh cao khốn nạn nó đang lãnh đủ không phải ở mức độ bị hành hạ và phân biệt đối xử mà do nó đã bước sang tuổi 17, tuổi thanh niên trưởng thành, có ý thức về tương lai, và nó đang có trong tay nghề nuôi và chữa bệnh cho bò thuộc loại giỏi; dù bị nhiều người nghi là "thánh cậu", là "phù thủy", nhưng kết quả hành nghề của nó, dân quanh vùng không mấy ai không biết. Đời nó, kể từ khi bị là thằng Khùng, mọi sự đầy đọa, chửi bới, đánh đập, khinh bỉ, nó đều chịu được và chịu quen đến nỗi nếu có một ngày, một lúc nào yên bình không bị ai đụng chạm, nó còn lo lắng thắc thỏm đến đắng miệng và căng thẳng như thể đang nhận dấu hiệu báo trước tai họa, như thể đang ở trong thời tiết êm ả giả tạo trước con giông. Gian nan, đau đời thế nào nó cũng chịu được hết, quen hết. Cứ đóng vai thằng khùng là mọi chuyện thành đơn giản. Khùng luôn luôn là tấm áo giáp bảo hiểm an toàn trước mọi làn đạn thù ghét, miệt thị, định kiến. Nó đâu ngờ tâm hồn và thể chất chai lì, miễn dịch của nó lại bị trọng thương từ nguyên do thật đơn giản. Đi cắt cỏ cũng là công việc cực nhọc khi một ngày cắt tới hai xe cỏ đầy, nhưng bù lại là không khí tự do hơn cảnh suốt ngày quanh quẩn trong chuồng bò với sự giám sát ngặt nghèo của Năm Thiên. Tuy nhiên, ngày này qua ngày khác phải xa chuồng bò, xa đàn bò đối với Út không khác gì cá bị tách khỏi nước.
Kể từ khi Vương trở về, mọi nền nếp trong nhà đều đảo lộn. Năm Thiên xưa nay lười biếng, mồm miệng đỡ chân tay, không bao giờ chú tâm vào công việc, chuyên bóc ngắn cắn dài, sa đà nhậu nhẹt, lại được Vương chỉ định quản lý trại bò. Ba Bá uất ức, bỏ nhà vượt biên không thoát, hiện nằm dài trong trại cải tạo tận Bến Tre. Nhà đang thiếu lao động thì Bảy Thiện đi bộ đội. Chính Hai Vương khuyến khích Bảy đi. Vương thuyết giảng: Trường học tốt nhất để một thanh niên thời đại mới rèn luyện nên con người mới không phải là tư tưởng tư hữu chật hẹp bên mảnh ruộng, mảnh vườn hay đàn bò, đàn heo gia đình mà là trường đại học quân đội. Trong chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt, không có gì giá trị hơn những chấm son chính trị trên bản lý lịch. Có lãnh tụ đã nói: Chính trị là thống soái. Còn gì tốt đẹp, vẻ vang hơn khi trong gia đình có nhiều người tham gia cách mạng. "Anh Hai" đã là người tiên phong, một tấm gương sáng, từ con trai một tướng cướp, một thằng bé nuôi bò, trở thành người có cương vị lớn trong xã hội, không có lý gì các em không noi theo. Năm Thiên nhờ bước ngoặt lịch sử, nhanh chóng trở thành Ủy viên Ủy ban Nhân dân phưòng, thêm thằng Bảy đi bộ đội, là nhà có ba người đồng chí, đồng lòng. Còn nhiều nơi trên đất nước, nhất là ở các vùng biên giới, đạn vẫn còn nổ, máu vẫn còn chảy, là thanh niên yêu nước lẽ nào có thể thờ ơ? Đi là để có dịp thử thách và cống hiến nhiệt tình cho Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đi cũng là để tự cải tạo mình bởi những năm sống dưới chế độ của bọn tay sai bán nước và bọn thực dân kiểu mới đế quốc Mỹ, không nhiều thì ít, thế nào cũng có nhiễm độc, đi để rửa vết nhơ cho gia đình vì những năm tháng đó trong nhà đã có một phần từ là ngụy quân chống phá cách mạng. Bảy Thiện hăm hở ra đi. Trong khi đó, Vương hàng tuần mới từ cơ quan đi xe hơi Mỹ về nhà vào chiều thứ bảy ở qua ngày chủ nhật để nhậu và chỉ đạo đường lối chung. Năm Thiên suốt ngày ký các thứ giấy tờ ở Ủy ban phường, tối nào về cũng say xỉn rồi lăn ra ngủ trước gà. Lao động chính trong trại bò chỉ còn ông Hai Rỡ tập tễnh, Sáu Là và thằng Út.
Nhưng Út lại được "giải phóng" với chân cắt cỏ chuyên nghiệp. Hai Vương rất tự hào gọi sự phân công mới với thằng Út là cuộc giải phóng, cuộc cách mạng tinh thần, tạo điều kiện cho nó mở rộng tầm mắt khỏi khung chuồng chật hẹp, lam lũ, tăm tối ra những vùng cỏ xanh bao la thoáng đãng, mà thực chất nhằm cách ly Út khỏi đàn bò với lý do: thần kinh không bình thường, lại từng có thời gian theo thầy Tám hành nghề chữa bệnh cho bò bằng mê tín dị đoan, nhỡ một lúc đãng trí hay quen thói dị đoan, cho bò ăn lầm, uống đồ dơ, đồ độc, xảy ra chuyện bò bệnh, bò chết rồi mất cả chì lẫn chài. Năm Thiên biết thừa đó là cư xử nhẫn tâm và vô lý với Út. Gã hiểu thằng Út như hiểu chính mình. Giữa người với người thì Út như một thằng khùng, nhưng với đàn bò, không ai chê nó được điều gì. Tuy nhiên, đính chính điều này với Vương, một người đang thừa thãi ngạo mạn và đắc thế, luôn tin chắc mình chỉ có những nhận thức và quyết định đúng đắn, sáng suốt, Năm sợ tự rước vạ vào thân. Hơn nữa, nếu như Vương hiểu đúng bản chất thằng Út, biết đâu nó lại được Vương tin cậy, gã sẽ mất chỗ đứng "thủ lĩnh" trong nhà. Thế là gã tán thành Vương, thậm chí còn ca ngợi: anh Hai thật công tâm và giàu lòng nhân ái khi xử với thằng Út.
Ông Hai Rỡ chỉ nín lặng lắc đầu. Kể từ khi bị Ba Bá giết hụt, rồi gãy chân, ông sống mềm nhũn, dường như mất cả khả năng cảm ứng với mọi biến động sai, đúng xảy ra quanh mình. Thấy Hai Vương sau hai mươi năm xa cách trở về với vinh quang đầy mình, niềm vui trong ông chưa kịp nhen thành lửa hâm nóng con tim lạnh giá bởi những mặc cảm tội lỗi, đã vội tắt lụi. Đau buồn chồng lên đau buồn. Với đôi chân tập tễnh, suốt ngày, ông tỉ mẩn cần cù từ sáng sớm tới tối khuya, hết việc này sang việc khác, quanh quẩn bên đàn bò. Trước khi đi ngủ, ông ngồi một mình với chai rượu đế bên bàn thờ những người thân đã khuất, nhâm nhi cho tới lúc díp mắt. Mọi chuyện xung quanh, ông như mù như điếc buông trôi hẳn ra ngoài tầm quan tâm. Và đương nhiên chuyện thằng Út bị đi cắt cỏ, ông cũng không một câu can thiệp.
Hồi Ba Bá ở nhà, vụ cỏ cho bò giải quyết rất đơn giản. Cứ có tiền là có người đến bỏ. Muốn bao nhiêu có bấy nhiêu. Nguồn thức ăn chính của bò là cám tổng hợp do các cửa hàng thức ăn gia súc hợp đồng cung cấp tận nơi. Rơm, hèm cứ sắp hết lại có người chở đến. Tiền giải quyết tất cả. Từ ngày giải phóng, nghề nuôi bò sữa cả miền Nam bị rơi vào cuộc khủng hoảng chung, nguồn giống, nguồn thức ăn, nơi tiêu thụ sữa đều xáo trộn, chệch choạch trong cảnh rã đám, chỉ những nhà trường vốn, có kinh nghiệm và bản lĩnh mới đủ sức chèo chống, cố duy trì đàn bò, còn phần lớn đều chuyển nghề. Giữa lúc đó, Ba Bá, trụ cột của trại bò ra đi, sự khủng hoảng, xáo trộn trong trại càng giống như con thuyền không lái. Lượng sữa hàng ngày ít hẳn, nguồn thu mua bất ổn, giá thu mua thấp, lại thanh toán chậm, tiền chỉ thấy ra, không thấy vào, chuyện nuôi bò bằng tiền như thời Ba Bá không khác nào anh túi rỗng đánh bạc. Không sao. Hai Vương rất tự tin nói: Cho bò ăn tiền là cách chăn nuôi kiểu tư bản, tạo cho bò thói quen phồn hoa giả tạo thực dân mới. Đó không phải bản chất chân chính của lao động chăn nuôi mà là vòng quay hàng hóa của dịch vụ thương mại, phản quy luật xã hội chủ nghĩa. Các nông trường quốc doanh ngoài miền Bắc người ta nuôi bò bằng cỏ, cứ thả cả đàn hàng trăm con ra bãi, con nào không chịu ăn, đói ráng chịu, chiều tối lùa về, ấy vậy chẳng thấy con nào chết hay bệnh, lượng sữa vẫn vượt kế hoạch, đài báo tuyên dương rầm rầm. Mà tại sao phải bày đặt vụ mua cỏ? Việc khác thì khó, chứ chỉ cắt cỏ thì một thằng khùng yên phận chắc chắn làm tốt hơn chục lần thằng tỉnh táo đứng núi nọ trông núi kia. Thế là Út trở thành cái máy cắt cỏ. Chuyện sẽ đưa Út đi khám, chữa bệnh thần kinh kể từ sau lời tuyên bố hùng hồn của Vương trong cuộc họp mặt gia đình, họ hàng hôm nào, không bao giờ được nhắc lại và cũng chưa bao giờ trở thành hiện thực.
Út càng như người mất hồn sau khi thấm thía thân phận mình. Nó thương đàn bò. Thà rằng rời khỏi nhà theo hẳn thầy Tám như hồi trước lại đành một nhẽ. Nhiều năm qua, không ít lần nó chứng kiến đàn bò nhà bị dịch tưởng chết hàng loạt. Những lúc đó nó nôn nao khắc khoải như chính mình đau bệnh, nhưng bò bệnh như cái hạn tự nó sinh ra. Lo chữa chạy, khỏi thì tốt; không khỏi, thương tiếc mấy cũng là chuyện vắn số của mỗi con. Đằng này bò lành mười mươi lại bị ốm o gầy mòn vì đói, bị ghẻ lở vì thiếu người làm, không được chăm sóc đến nơi đến chốn, bị bệnh vì cho ăn uống thiếu vệ sinh, tình thương với đàn bò trong Út pha lẫn cả sự phẫn uất. Nó bỗng thèm nhớ những ngày bên thầy Tám. Thầy tuy có hơi lợi dụng bề ngoài khùng dại của nó làm tấm bình phong "thánh cậu" để làm an tâm những thân chủ mê tín, tin thần linh ma quỷ hơn thầy thuốc, nhưng thật sự thầy nhìn nhận nó là con người tỉnh táo, đáng tin cậy cả về tư cách lẫn nghề nghiệp. Trong khi Vương ngược lại. Gã vẫn nói với mọi người nó là con người, thậm chí, còn hò hét đấu tranh cho quyền làm người của nó, nhưng rút cuộc, thân phận nó còn tệ hơn thời Ba Bá và cha nó. Hồi trước, nó chỉ như đứa trẻ bị ruồng bỏ, thích làm việc gì trong nhà thì tùy, không ai bắt, không ai ép, và được ăn no. Bây giờ, nó thường xuyên bị đói vì ngày chỉ có hai bữa trưa và tối; bữa ăn lại thiếu chất nên buông chén, buông đũa mươi phút bụng đã ngót. Càng nghĩ càng nản. Nó quyết định bỏ nhà.
Một buổi sáng, nó đạp chiếc xe ba bánh ra khỏi nhà, thay vì đến nơi cắt cỏ, nó sang nhà dì Bảy gửi xe, nói đi công chuyện rồi nhảy xe lam đến nhà thầy Tám.
Ngôi nhà hai tầng của thầy đã được sửa sang thật đẹp. Đồ đạc ở gian nhà ngoài bày chật kín, không thứ nào hợp với thứ nào, toàn đồ mới, tốt, khác hẳn phòng khách đơn giản trước đây. Nó mừng - thầy có đời sống khấm khá hơn. Niềm hy vọng được thầy tiếp tục cưu mang tăng lên.
Nhưng bước vào nhà, nó bỗng chùn chân khi chủ nhà là một người khác. Một phụ nữ son phấn ở quãng tuổi hai tư, hai nhăm.
- Chú tìm ai? - Ẳ hỏi xẵng.
- Thầy Tám.
- Tám nào? À! Tám thú y, chủ cũ nhà này hả? Bị bắt vì trốn cải tạo rồi. - Ẳ nói thêm, - Nhà này bị tịch thu. Bây giờ tôi là chủ.
Út hốt hoảng lui ra. Ẳ chủ mới thấy vậy có vẻ động lòng, hỏi:
- Tìm ông Tám có việc gì?
Út tần ngần đứng lại.
- Bà Tám ở đâu? - Nó hỏi.
Ẳ chủ nhà chỉ về con hẻm nhỏ cách chừng chục mét:
- Cứ vô một đoạn hỏi là biết.
Út lầm lũi đi vào con hẻm chật chội, khúc khuỷu. Nó không cần phải hỏi thăm vì chỉ đi chừng trăm mét đã gặp ngay bà Tám và đứa con gái lớn trạc tuổi nó đang ngồi tráng bánh cuốn nóng ở quầy hàng thô sơ ngay trước cửa ngôi nhà tôn tồi tàn. Bà Tám trông già xọm đi hàng chục tuổi, hai hốc mắt quầng thâm, người khô xác, ăn mặc giản dị. Vừa thấy Út, hai mẹ con đã nước mắt ròng ròng.
Hàng quán chỉ lèo tèo hai người khác thuộc hạng dân lao động. Út rầu rầu kéo chiếc ghế nhỏ bỏ không, khép nép ngồi cách mẹ con bà Tám một khoảng. Mắt nó cũng rơm rớm.
- Thầy làm sao? - Nó hỏi nhỏ.
Bà Tám nấc nghẹn, quệt nước mắt:
- Đi học tập. Chính ông Hai Vương, anh con, lệnh bắt.
Người Út sởn hết gai ốc:
- Làm sao?
- Sau hôm ông Hai đến đón con về, thầy đã linh cảm trước điều không hay, lo lắng rạc cả người. Hỏi hoài, cô mới vỡ lẽ. Cô và thầy xin trực tiếp gặp ông Hai ở tận sở, thật tình kể với ông về vụ cô Tư tự sát không dính dáng gì đến thầy. Sau khi bị lãnh hai nhát chém đáng đời, thầy cũng không giận cô Tư, nếu thù giận, thầy đã không nhận con theo truyền nghề. Thầy cũng thanh minh, đúng là có thời là trung úy chế độ cũ, nhưng là sĩ quan thú y, đã giải ngũ từ năm 1960, có giấy tờ đầy đủ... Hu hu... Ông Hai vỗ về: Anh chị cứ an tâm về đi, nếu đúng vậy sẽ không có chuyện gì xảy ra đâu... Cách mạng không xử oan ai bao giờ... Hu hu...
Út tê tái như chính nó là kẻ gieo tai họa lên gia đình thầy Tám.
Bà Tám sụt sùi:
- Oan ức cho thầy cô lắm, con ơi. Thầy bị bắt là hôm sau họ đuổi luôn mấy mẹ con ra khỏi nhà. Bây giờ, chính vợ chồng ông Hai về ở. Còn cô và các em may có gia đình đi vùng kinh tế mới bán rẻ ngôi nhà này, mấy mẹ con có chỗ dắt nhau vào ở, chứ không, ra hết lề đường rồi.
Út thắc mắc:
- Vợ anh Hai con ở ngoài Bắc mà?
- Đây là cô vợ bé mới dính. - Cô con gái bà Tám nhìn trước nhìn sau rồi thì thầm - Mấy ông cách mạng biến chất bây giờ cũng vợ bé, mèo chuột tùm lum à.
Út choáng váng. Nó nhớ lại lần đầu tiên gặp Hai Vương, rồi những ngày sau sống chung mái nhà, hễ mở miệng Vương toàn nói lập trường, đạo đức, lý tưởng, nhân nghĩa, nhân đạo...
Nó lùi lũi ra về. Nó vụng. Nó không biết nói gì thêm dù chỉ là những lời an ủi ngắn ngủi với bà Tám. Nó cảm thấy lao đao như người mất phương hướng.
Ra đến phố, nó đứng lại hồi lâu nhìn ngôi nhà cũ của gia đình thầy Tám như để ghi nhận thật sâu niềm chua xót rồi mới lảo đảo bỏ đi.
Nó sợ có thể vì cái tội bỏ nhà ra đi, chính nó cũng sẽ bị Vương bắt đi học tập cải tạo.
Nó lại âm thầm trở về với việc ngày cắt đầy hai xe cỏ. Tuổi thanh niên vừa nhổ giò, thời gian sống với thầy Tám có da có thịt lên được ít nào thì những ngày phơi nắng phơi mưa cắt cỏ vắt rạc đi hết, trông còi cọc khô khẳng chỉ còn như đứa trẻ mười lăm. Nó trở nên thèm ăn thèm uống đủ mọi thứ. Những bữa ăn có thịt, cá tươi như thời theo thầy Tám và thời Ba Bá chỉ còn trong ước mơ. Thực tế, ngày hai bữa cơm trưa và tối, trong nhà bây giờ chỉ còn Út và Sáu Là lủi thủi với nhau vì Hai Vương, Năm Thiên không mấy khi ăn ở nhà, nếu thảng hoặc có ăn thì là những bữa kéo bạn bè đệ tử về nhậu nhẹt tưng bừng, ông Hai Rỡ chỉ uống rượu thay cơm, nếu không la cà ngoài quán thì cũng một mình một bóng.
Những lúc không tránh được, phải thấy thằng Út và Sáu Là ăn uống cực khổ, Năm Thiên thản nhiên coi đó là chuyện bình thường, còn Hai Vương vỗ về, an ủi: Giai đoạn quá độ chuyển đổi giữa hai chế độ, từ kinh tế tư bản phồn hoa giả tạo sang kinh tế xã hội chủ nghĩa ưu việt, ăn chắc mặc bền thế nào cũng có ít nhiều xáo trộn đòi hỏi mỗi người phải thắt lưng buộc bụng. Ráng chịu đựng khó khăn một thời gian, sau này, cải tạo xong kinh tế nông nghiệp theo hướng xã hội chủ nghĩa, bữa ăn sẽ chỉ toàn thịt cá.
Cả thằng Út lẫn Sáu Là đều ù ù cạc cạc nhau và trệu trạo như không thể nuốt những lời dạy bóng mỡ từ miệng lưỡi Vương với miếng cơm trộn bo bo hôi nồng mùi bao bố.
Út thương Sáu Là. Nàng ốm rạc như xác ve, mất khả năng sinh đẻ, sống và làm lụng trong nhà cực hơn kiếp con ở, lúc nào cũng bơ vơ sợ hãi bên người chồng lạnh giá. Những tưởng chồng đi vắng nàng sẽ sống nhẹ nhõm, ai ngờ còn cực nhục hơn. Tháng nào cũng hai lần bòn góp bất cứ thứ gì trong nhà có thể đem bán lấy tiền, nếu không, phải chạy vay nợ lãi để có tiền mua đồ xuống Bến Tre thăm nuôi chồng. Hai chị em bên nhau như hai cái bóng âm thầm xa cách, một đằng kiếp thằng khùng, một đằng mặc cảm tội lỗi, đến mắt cũng không mấy khi nhìn thẳng vào nhau chứ đừng nói chuyện trò tâm sự. Mỗi ngày, vừa tảng sáng, Út đạp xe rời khỏi nhà đi cắt cỏ, Sáu cũng có mặt trong chuồng bò. Tối đến, Sáu lủi thủi về ngôi nhà đúc rộng thênh thang ở góc vườn một mình một bóng. Út cũng lẻ loi vơ vẩn trước thềm nhà gỗ, cho tới lúc có thể leo lên giường ngủ vùi. Nói của đáng tội, từ ngày được Vương "giải phóng" khỏi nhà thầy Tám trở về, nó cũng có được sự thay đổi đáng kể, thay vì phải ngủ vạ vật dưới chuồng bò như trước, nó được ngủ chung với Bảy Thiện ở tấm phản gỗ thao lao kê bên trái tủ thờ, trong ngôi nhà gỗ. Khi Bảy đi nghĩa vụ quân sự, nó được nằm một mình. Vương luôn kể đó là sự đổi đời lớn lao từ kiếp vật lên kiếp người do mình mang lại cho thằng Út. Gã có biết đâu cuộc đổi đời đó chẳng hề làm Út sung sướng. Hàng đêm, dù ban ngày cắt cỏ mệt đến đâu thì mệt, nó cũng không sao ngủ yên mỗi khi có những động tĩnh khác thường từ chuồng bò, điều mà nếu ở ngay trong chuồng, được tận tay chăm sóc từng con, nó không có tâm lý thấp thỏm. Nó có cái tật, hễ suốt ngày phải đi cắt cỏ vắng thì đành chịu, nhưng ở nhà, biết bò bị làm sao mà không chăm sóc được là nó bức bối. Nó quen thân thiết với bò hơn với người. Từ xa nghe tiếng kêu, tiếng thở hắt, tiếng dậm chân từ chuồng bò, nó có thể phân biệt được là của con nào, con nào đang đói, đang lạnh, con nào đang bị ngứa ngáy. Từ ngày Hai Vương bắt thực hiện nuôi bò theo phương pháp khoa học (!) không cho bò ăn từ tối đến sáng, không đêm nào bò không dậm dịch kêu đói. Nó rành rẽ và hòa đồng với đời sống loài bò nên nó khổ. Không ít lần không chịu nổi day dứt, nó đã rời khỏi giường, định lén xuống chuồng chăm sóc bò, nhưng ra đến đầu hồi nhà, chỉ còn cách chuồng dăm mét nó lại sợ, không dám vào. Khác với Ba Bá, Vương và Thiên chưa bao giờ đánh đập nó một lần, nhưng lại thường xuyên răn đe, nghi nó hại đàn bò vì bất mãn. Nghĩ đến việc Vương và Thiên tình cờ bắt gặp mình có mặt trong chuồng bò giữa đêm hôm khuya khoắt, nó sợ tai họa sẽ giáng xuống đầu. Nó không sợ bị đánh mà rất sợ bị bắt đi trại cải tạo.
Một hôm, đang cắt cỏ ở lề đường trong khu nghĩa trang, Út nghe thấy mấy người bán rau đạp xe với những chiếc sọt không trên đường về trò chuyện râm ran. Người nọ đi cách người kia một khoảng nên họ đều nói rất lớn.
- Nhà Hai Rỡ giàu có thế mà lúc đổ là đổ cái rụp. Phải bán hết trơn đàn bò thì đúng là hết thuốc.
- Trăm tội chỉ tại thằng Năm. Cái thằng mập dẻo lưỡi, ăn nhậu tối ngày. Hồi Ba Bá còn ở nhà đâu đến nỗi.
- Không có cha Hai Vương từ đâu về bật đèn xanh, các vàng thằng Năm cũng không ngóc nổi đầu với thằng Ba. Chỉ tội ông Hai Rỡ cố công xây dựng cơ nghiệp bao nhiêu năm.
- Lúc khùng lên ổng cũng dữ chớ bộ. Tôi tưởng ổng chém thằng Năm rồi.
- Tụi mình lớp sau không biết, chớ ông già tao kể hồi trước, Hai Rỡ là tướng cướp ngang dọc lẫy lừng. Nhà giàu ác bá khắp lục tỉnh nghe tên đều ngán, hàng năm, hàng tháng đều phải cho người cống nạp, đút lót để được an thân. Còn bọn Tây đích thân mời ổng ra làm tỉnh trưởng, ổng không thèm. Ổng thà làm dân, đứng về phía người nghèo.
- Ừa! Đấy là chuyện xưa, chứ bây giờ ổng giàu, cũng có ai dân nghèo được nhờ?
Những người bán rau đi khuất, tiếng trò chuyện của họ cũng hút theo. Thằng Út ngơ ngác một hồi. Bị đày đọa, chèn nén quá nhiều, quá lâu, nó mất hoàn toàn khả năng phản xạ nhanh trước những sự cố bất thường. Mọi thông tin và kích động từ bên ngoài đến với nó thoạt đầu bao giờ cũng trơn trượt đi. Chỉ sau khi định tâm, những điều nghe, nhận mới vòng trở lại thấm ngấm vào nó. Linh cảm thấy có chuyện không hay ở nhà, nó quơ vội đống cỏ vừa cắt xong chất lên thùng xe hối hả đạp về. Nó lo cho cha nó.
Út về gần bãi rác thì trời đổ mưa. Trời đất đang nắng sáng bỗng tối sầm. Trong khu trại bò người chạy nháo nhác. Út lấy làm lạ, ráng đạp xe thật nhanh. Lúc rẽ con đường vào cổng, nó sững sờ khi trước mắt cả phần vườn toàn những cây ăn quả lâu năm: vú sữa, nhãn, xoài, ổi xá lị, mãng cầu từ đầu cổng sau dãy chuồng bò chạy dọc hàng rào ó đến rặng mấy cây điều hoang giới hạn diện tích đất của gia đình đều bị đốn sạch. Những người vừa chạy trú mưa vào chuồng bò và mái hiên ngôi nhà gỗ chính là đám vừa chặt hạ vườn cây. Út thật sự hoang mang trước cảnh vườn cây bị tàn phá, những bóng cây quen thuộc, gắn liền với đời nó từ lúc nó lọt lòng nằm ngổn ngang, bị cưa chặt nát vụn, còn đất vườn từng khoảng bị đào sâu không rõ để làm gì. Út bỏ xe ngoài cổng dè dặt bước vào sân. Quanh nó toàn người lạ. Đến ba bốn chục người. Nhìn nhác qua mặt họ, nhận ra toàn dân làm thuê lam lũ, nó bớt ngán đi phần nào.
Nó chạy vội vào chuồng và kinh ngạc khi thấy các khoang chuồng trống huếch không còn bóng một con bò. Nhìn ra sân trước nó mới biết cả đàn bò đã bị dồn tụ ở góc sân, con nào con nấy run lẩy bẩy, ướt sũng trong màn mưa dày đặc, ánh mắt hốt hoảng bơ vơ không hiểu chuyện gì đang xảy đến với mình. Cuối chuồng, trước cửa kho, một đám đông khác khoảng hơn ba chục người tập trung với vẻ căng thẳng. Tiếng mưa xối xả trên mái tôn quá lớn, không phân biệt được những tiếng nói, tiếng ồn, nhưng Út cũng đoán được nguồn gốc mọi chuyện xảy ra từ chỗ đó. Mặc cho từ đầu tới chân ướt sũng nước mưa, nó tất tưởi đi nhanh lại. Vòng ngoài đám đông toàn các chú, bác, cô, cậu, dì và mấy người bà con lối xóm, mặt ai nấy đều cũng xúc động. Út hồi hộp chen vào. Một số người tránh cho nó đi.
Đứng giữa đám đông là ông Hai Rỡ mặt sát khí đằng đằng, lăm lăm trong tay con mã tấu nám gỉ do nhiều năm bị bỏ quên ở chỗ giắt phía sau tủ thờ đang đối đầu với Năm Thiên và Hai Vương. Mặt Thiên xanh mét như chàm đổ. Còn Vương khoa tay, gân cổ nói như hét:
- Ba phải nghe tôi, trước sau, chính sách Nhà nước cũng không khuyến khích kinh tế tư hữu, thả nổi cho các gia đình chăn nuôi kiểu tư sản. Đàn bò sau này sẽ chỉ có Nhà nước và hợp tác xã quản lý. Kinh tế gia đình chủ yếu là những gia súc, gia cầm nhỏ như heo, cá, gà, vịt... với số lượng nhỏ, chứ năm bảy chục, hàng trăm con trở lên đều phải nằm trong khu vực kinh tế có kế hoạch của Nhà nước và tập thể. Bây giờ càng nuôi càng hụt vốn, mình giải quyết chuyển hướng sớm là thức thời nhất.
Đã đuối sức bởi cuộc tranh cãi diễn ra suốt từ sáng, ông Hai Rỡ chỉ còn sức đứng trụ trên một chân lành, còn chân bị tật gần như buông lỏng. Người ông muốn xịu lả. Những nét giận dữ trên mặt chuyển dần sang dao động, yếm thế.
- Chúng mày... - Giọng ông run run đứt đoạn:... muốn... bán bò... phá...vườn... hãy giết tao trước đã.
Nhận ra cánh tay cầm mã tấu của cha đã cứng đơ, Út vội xán lại định đỡ.
- Thằng Khùng! - Hai Vương quát giật giọng - Muốn chết hả?
Năm Thiên và một gã thanh niên ở trần lực lưỡng chồm lại đẩy Út ngã bật ngửa.
- Cút ngay khỏi đây - Thiên chỉ mặt Út - Cắt cỏ xong chưa mà đã về? Đồ khùng. Cút!
Út nhẫn nhục ngồi ôm gối co rúm dưới chân mấy người lối xóm, mắt lấm lét như mắt chó mắc lỗi.
- Bây giờ ba giận tôi... - Hai Vương không chút bận tâm về thằng Út, tiếp tục la lối với cha -...Sau này, khi Nhà nước thực hiện chính sách cải tạo nông nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, ba sẽ thấy tôi đi trước chính sách một bước cũng vì ba, vì cứu danh dự cho cái nhà này thôi à. Ở miền Bắc, nửa công đất, ba con bò thôi cũng bị quy là địa chủ. Dính phải thành phần ấy thì tha hồ mà... Ba cứ nghĩ kỹ đi.
Năm Thiên xun xoe:
- Ba phải tin anh Hai, ba à. Mình ở đây chuyển bây giờ là chậm, chứ ở thành phố người ta đâu có đất có vườn, vậy mà cũng nhà nhà nuôi heo, người người nuôi cá trê phi. Sàn lầu, sân thượng, nhà cầu, bao lơn, gian thờ, hồ bơi, bể cá cảnh... chỗ nào tận dụng được cũng huy động ráo trọi, đua nhau hốt bạc. Có nhà biến hồ bơi thành hồ nuôi cá kiếm một vụ cả trăm cây vàng.
Út hiểu ra mọi chuyện. Hóa ra Hai Vương và Năm Thiên quyết định bán đàn bò, đồng thời phá vườn, đào hồ để chuyển sang nuôi heo và cá trê phi, một phong trào đang rầm rộ khắp chốn, khắp nơi. Người nó đang lạnh cóng bởi áo quần ướt và phận hèn yếu thế, bỗng trở nên nóng ran. Nó thấm thía được nỗi đau của cha. Nếu không còn đàn bò, ông không khác gì người bị hút hết máu. Chắc chắn phải có những bàn bạc, tranh cãi giữa Vương, Thiên với cha từ nhiều ngày trước đó mà nó không hề biết. Nó bồn chồn chỉ muốn xô ra đỡ cha.
Vừa lúc đó, chủ tịch phường Mười Bánh, một người đàn ông hom hem quãng ngót sáu chục tuổi, áo quần nhàu nát, người vẫn thường đến chén chú chén anh với Vương và Thiên tại nhà, nhã nhặn đến bên ông Hai Rỡ dỗ dành:
- Chú Hai ạ! Tôi thấy Hai Vương và Năm Thiên đều nói đúng đấy. Đổ mồi hôi sôi nước mắt mấy chục năm mới gây được đàn bò như bây giờ, ai nói bán đi một con mình cũng tiếc đứt ruột huống hồ bán cả đàn. Tụi tôi và bà con ở đây ai cũng thông cảm với nỗi đau của chú, nhưng đây là xu thế thời đại, cần phải thức thời, phải biết hy sinh lợi ích cá nhân vì nghĩa cả... - Mười Bánh vờ thân mật ôm vai Hai Rỡ, rồi nhân cơ hội giật luôn con mã tấu. - Để tôi cất cái của nợ này đi. Hòa bình thống nhất rồi, bạo lực không giải quyết được chuyện gì đâu.
Bị bất ngờ, tay chân đang tê dại, không phản ứng kịp, ông Hai Rỡ chịu mất con mã tấu một cách dễ dãi. Mắt ông bỗng nhược đi. Miệng ông lập bập như vừa trúng gió, không ai rõ ông định nói gì.
- Bây giờ, mời chú ngồi xuống ghế. - Mười Bánh vẫn tiếp tục ngọt ngào - Hay chú thích qua nhà nằm nghỉ, để tôi đưa chú qua. Nằm nghỉ một lát, tĩnh tâm là nhẹ người ngay thôi à.
Hai Rỡ cố cưỡng ra khỏi vòng tay Mười Bánh, nhưng mắt ông bỗng trợn ngược, da mặt tím ngắt.
- Chúng... mày...giết...iết...tao...
Kịp nấc lên rời rạc được mấy tiếng, ông Hai Rỡ ngất xỉu, mềm nhũn trong tay Mười Bánh.
Vương cũng vội đỡ cha và hét mấy người đứng gần:
- Đưa ông đi bệnh viện...
Gã quát Năm Thiên:
- Mày ra kêu thằng Chín đánh ngay xe tao vô.
Dì Bảy, em ruột má thằng Út, lăn xả vào khóc tức tưởi:
- Ối anh Hai ơi là anh Hai ơi. Ngày xưa đi ăn cướp bị trời quả báo thì đành một nhẽ... Ai ngờ chỉ nuôi mấy con bò cũng thành ra tội...Anh Hai ơi là anh Hai...
- Dì lạ nhỉ? Dì định quở cha tôi chết đấy hả?
Hai Vương la hắt đi, rồi cùng Mười Bánh khiêng Hai Rỡ ra sân, vừa đúng lúc người lái xe của Vương lùi chiếc xe Jép vào kế bên gốc si. Thằng Út như chịu một sức bật vô hình sai khiến chồm ngay đến trước Hai Vương.
- Không... ông... - Nó nói lắp - Không...được...được chở cha...cha đi...
- Thằng Khùng, cút ngay.
Hai gã thanh niên lạ mặt lập tức túm hai tay Út giật ngược rồi xô ngã sóng xoài ra ngoài mưa. Út lồm cồm vùng dậy xông vào tiếp, một gã liền chỉ mặt:
- Tao cho người trói giải mày lên quận bây giờ. Có cút đi không?
Chiếc xe Jép chở ông Hai Rỡ cùng dì Bảy và Năm Thiên vừa chuyển bánh. Hai Vương quay lại đám lái bò đang trú mưa ở đầu chuồng, hùng hồn khoát tay:
- Các anh đưa ngay bò đi. Chuyện vừa rồi là bình thường thôi. Không có cuộc cách mạng và lịch sử tiến hóa nào trải thảm nhung cả. Những tư tưởng lạc hậu tư hữu nông dân tán thành ngay con đường xã hội chủ nghĩa mới là điều ngạc nhiên.
Gã hướng về phía những người chặt hạ vườn và đào hồ đang đứng rải dưới hàng hiên ngôi nhà gỗ và lối cổng:
- Anh em đội mưa mà đào đi. Mưa chứng tỏ trời cũng đang ủng hộ chúng ta, đất mềm tha hồ năng suất. Dũng cảm tiến lên.
Đám lái bò gồm bốn người đứng đầu là gã trung niên ria mép đậm ra hiệu nhau tản ra sân lùa bò.
Thằng Út như bừng tỉnh. Nhìn những con bò bị đám lái xua dồn nháo nhác cất tiếng kêu hoảng sợ, ai oán, nó cảm thấy như chính mình đang bị hút hết máu, như ngôi nhà nó đang ở bỗng nhiên sập đổ, bị cướp... Dòng máu điên khùng bỗng sôi sục. Nó lao vào chuồng giật con mã tấu Mười Bánh vừa giắt lên mái nhà, xông tới gã ria đậm.
- Nó chém đấy. - Tiếng kêu thất thanh của một người khiến gã ria đậm giật mình quay lại.
Nhát chém thay vì trúng đầu, bổ sượt xuống vai gã.
- Ối trời!
Gã ria đậm co rúm người ôm bả vai đầy máu bỏ chạy, không may trượt chân, ngã sấp ngay vũng bùn dưới chân Út.
Nó vung mã tấu chém tiếp nhát thứ hai. Gã ria đậm sợ hãi lăn một vòng để tránh. Mũi mã tấu dính ngay bắp đùi gã, xé toác ống quần.
Hai Vương tái xanh tái xám, luýnh quýnh rút súng bắn chỉ thiên liền mấy phát, không thấy ai cản thằng Út, gã liền tung chân đá tung con mã tấu, nhưng Út đã xoay người chạy vào, nên cú đá bị trượt. Út xông tới gã thanh niên trong đám lái bò sắp chém tiếp thì Mười Bánh nhanh hơn chộp được tay dao. Mấy người khác nhân cơ hội tiếp ứng ôm ghì được Út, người giữ chân, kẻ giữ tay. Thằng Út vẫn điên cuồng giãy giụa cho đến khi bị quật ngã, ấn ngập mặt vào vũng bùn nhão nhoét toàn phân bò, ngạt thở, kiệt sức, mới chịu khuất phục.
Trong chốc lát, Út bị trói giật cánh khuỷu. Áo quần nó tơi tả, người ngợm, đầu tóc, mặt mũi bê bết bùn và máu.
- Giải nó lên công an quận. - Hai Vương thở hào hển, tức giận quát lác, nhưng thái độ đã mất hẳn vẻ quả quyết.
Gã run tay mãi mới đút được khẩu súng vào đai quần, hoang mang nhìn theo mấy người công an áp giải thằng Út ra xe. Một lúc, dường như cũng bị ám thị về việc làm không phải, gã hạ giọng, nói với mấy người lái bò:
- Lùa đàn bò vô chuồng để tính lại.
Đám lái bò chưng hửng. Nhưng họ cũng hiểu sự việc đến nước này, không thể có chuyện điều đình thương lượng gì hết.
- Thưa anh Hai...
- Cái gì? - Vương gắt gỏng quay lại.
Gã đứng đầu bọn phá vườn, đào hồ khúm núm:
- Thưa anh Hai... Bọn em có đào tiếp không ạ?
- Cứ đào... - Hai Vương loạng choạng và đơn độc trong trạng thái vô định - Cứ phá hết, đào hết... Đã cách mạng thì phải triệt để... - Tay gã mon men vào khẩu súng giắt ở bụng. - Chỉ có tiến lên chứ không có lùi...
Gã không đi về phía chuồng bò. Không vào nhà. Cũng không ra vườn. Như người mất phương hướng, gã ngất ngưởng bước theo vết bánh xe công an vừa áp giải thằng Út chạy ra cổng.
Ai nhìn theo hình hài rũ rượi, bê bết bùn và nước của gã cũng ái ngại. Nhưng ai cũng sợ, không dám cản hoặc gọi gã quay trở lại.
Gã cứ thế đội mưa ra đường, hướng về phía bãi rác.
Phần Hồn Phần Hồn - Nguyễn Mạnh Tuấn Phần Hồn