Books are the bees which carry the quickening pollen from one to another mind.

James Russell Lowell

 
 
 
 
 
Tác giả: Asne Seierstad
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Bookseller Of Kabul
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2033 / 51
Cập nhật: 2015-11-23 23:45:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tiếng Gọi Của Ali
uốt nhiều ngày Mansur tự thấy ghê tởm đến gây nôn. Không thể tha thứ được, cậu nghĩ. Không thể tha thứ được. Cậu cố tắm rửa, nhưng chẳng thay đổi được gì cả. Cậu cố cầu nguyện. Cậu tìm trong kinh Coran, đi đến đền thờ, nhưng lúc nào cũng thấy mình bẩn. Những ý nghĩ ô uế của cậu những ngày qua đã biến cậu thành một người Hồi giáo xấu. Thượng Đế sẽ trừng phạt ta. Tất cả những gì ta làm đều sẽ quay lai với ta, cậu tự nhủ. Một đứa bé gái. Ta đã có tội với một đứa bé gái. Ta đã để cho nó bị xúc phạm. Ta đã không làm gì cả để ngăn lại.
Thời gian trôi đi, cô bé hành khất trở thành xa xôi, buồn nôn chuyển thành chán chường. Mansur chán cuộc sống hằng ngày của mình, chán cái lề thói đã quen, chán những câu thúc, cậu cáu gắt và khó chịu với mọi người. Cậu giận bố đã buộc chặt cậu vào cái cửa hàng này trong khi cuộc sống thì ở tận ngoài kia.
Mình mười bảy tuổi, cậu nghĩ. Mình mười bảy tuổi, mà đối với mình cuộc sống chưa bắt đầu đã chấm dứt rồi. Ngồi sau quầy hàng, cậu chờ đợi, cùi tay chống lên mặt bàn, hai bàn tay ôm lấy trán. Cậu ngước mắt và nhìn quanh, các cuốn sách về đạo Hồi, về Đấng Tiên Tri Mahomet, và những sách giải thích kinh Coran nổi tiếng. Cậu dỡ những cuốn truyện kể Afganistan, những cuốn tiểu sử các vị vua và công hầu, những tác phẩm lớn về các cuộc chiến tranh chống quân Anh, những cuốn sách dạy thêu theo lối Afganistan và những cuốn sách nhỏ chụp lại từ các sách về phong tục và truyền thống của Afganistan. Cậu chỉ nhìn qua tất cả những thứ ấy và đập mạnh nắm tay xuống mặt bàn.
Tại sao ta lại sinh ra làm người Afganistan? Ta rất ghét làm người Afganistan. Tất cả những thứ phong tục và truyền thống trì trệ này giết dần giết mòn ta. Phải tôn trọng cái này, phải tôn trọng cái khác, ta chẳng có được một chút tự do nào cả, ta chẳng tự quyết định được gì hết. Công việc duy nhất của bố ta là đếm tiền lãi thu được từ các sách kia. Ông ấy có thể vứt mẹ tất cả chỗ sách vở đó đi, cậu lầm rầm. Cậu hy vọng không ai nghe thấy cậu nói. Sau Allah và Đấng Tiên Tri, "bố" là người có địa vị cao nhất trong xã hội Afganistan. Nổi dậy chống lại ông là không thể được, ngay cả đối với một người cứng rắn như Mansur. Cậu chà đạp và la mắng mọi người, các bà cô, các chị em gái, mẹ, các em trai của cậu, nhưng không bao giờ, không bao giờ dám động đến bố. Mình là một tên nô lê, cậu lầm rầm. Mình làm việc chết xác để được cho ăn, cho ở và giặt giũ. Điều Mansur mong muốn hơn cả là được đi học. Cậu tiếc những người bạn và cuộc sống cậu đã có được ở Pakistan. ở đây cậu không có thì giờ để có bạn, và người bạn duy nhất cậu có là Ralimullah thì bây giờ cậu không thể giao du được nữa.
Vừa đúng ngày tết Afganistan - norouz. Trong cả nước người ta chuẩn bị các lễ hội. Trong năm năm gần đây, bọn taliban đã cấm các lễ này. Chúng cho đó là một thứ lễ tà giáo, một kiểu thờ thần mặt trời, vì nó có nguồn gốc xa xưa trong đạo Dô-rô-át - tôn giáo của "những người thờ lửa" - nảy sinh ở Ba Tư vào thế kỷ thứ VI trước lịch của chúng ta. Vậy nên taliban cũng cấm cuộc hành hương truyền thống vào dịp năm mới đến ngôi mộ của Ali, ở Mazar-i-Sharif. Suốt nhiều thế kỷ những người hành hương đã đổ về ngôi mộ Ali, để được rửa tội, cầu xin được tha thứ, được chữa khỏi bệnh, và đón mừng năm mới theo lịch Afganistan vào ngày 21 tháng Ba, ngày xuân phân, khi ngày và đêm dài bằng nhau.
Là anh em họ và con rể của Đấng Tiên Tri Mahomet, Ali là khalip[16] thứ tư. Người Chiite và người Sunnit bất đồng với nhau chính là về chuyện ông. Người Chiite cho rằng ông là người đứng hàng thứ ba sau Mahomet, còn người Sunnit thì lại cho ông thuộc hàng thứ tư, nhưng người Suunit, như Mansur và phần đông người Afganistan cũng coi ông là một trong những người anh hùng lớn của đạo Hồi. Lịch sử kể rằng ông là một chiến binh dũng cảm, lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu. Ali bị ám sát ở đền thờ Kufa tại Irak năm 661 và, theo phần lớn các sử gia, ông được an táng tại Nadjaf ở Irak, nhưng người Afganistan khẳng định rằng sau đó ông đã được những người cùng phái khai quật lên, vì sợ kẻ thù sẽ đến trả thù và băm nát xác ông. Họ buộc xác ông trên lưng một con lạc đà cái màu trắng và để cho nó chạy thật xa trên sa mạc. Đến nơi nào nó quị xuống, khalip sẽ được chôn ở đó. Truyền thuyết nói rằng nơi đó chính là Mazar-i-Sharif, có nghĩa là "mộ của bậc cao quý". Suốt năm trăm năm, trên nấm mộ chẳng có gì khác ngoài một tảng đá, nhưng đến thế kỷ XII, một nhà mộ nhỏ đã được xây dựng ở đó sau khi một mollah nằm mộng thấy Ali. Rồi Gengis Khan đến, phá hủy ngôi mộ, và ngôi mộ lại chẳng còn dấu vết gì suốt nhiều thế kỷ. Mãi đến thế kỷ XV người ta mới lại xây một lăng mộ trên chỗ được người Afganistan coi là có hài cốt Ali. Chính ngôi nhà mộ và lăng đó là nơi những người hành hương hướng đến.
Mansur nhất quyết thực hiện cuộc hành hương để được rửa tội. Cậu đã suy nghĩ rất lâu. Chỉ còn xin được phép Sultan, vì cuộc hành trình buộc phải vắng mặt ở cửa hàng nhiều ngày. Mà, có một điều bố cậu không thể chấp nhận, là sự vắng mặt của cậu.
Thậm chí cậu đã tìm được một người bạn đường, một nhà báo người Iran thường đến chỗ cậu mua sách. Một hôm, hai người đã nói chuyện với nhau về lễ đón năm mới và anh chàng Iran đã nói với cậu là trong xe của anh còn có chỗ cho cậu. Vậy là mình đã được cứu thoát, Mansur nghĩ. Ali đã gọi ta. Ngài muốn tha thứ cho ta.
Nhưng bố cậu không cho phép đi, viện cớ ông không thể thiếu cậu suốt cả tuần cậu đi vắng. Mansur phải sắp xếp các cuốn sách, trông coi người thợ mộc đến đóng những ngăn sách mới, và bán sách. Ông không còn tin ai khác, ngay cả Rasul, người em rể tương lai của ông. Giá như ông biết được Mansur đã trải qua nhiêu giờ cô độc trong tiệm sách. Mansur sôi sục lên. Do cậu sợ phải trình bày lời cầu xin này với bố, nên cậu nấn ná mãi đến tận hôm trước ngày lên đường. Chẳng còn làm thế nào được nữa. Mansur van nài. Bố cậu từ chối.
- Mày là con ta và mày phải làm những gì ta bảo, Sultan giải thích. Ta cần mày ở cửa hàng.
- Sách, sách, tiền, tiền, bố chỉ nghĩ đến tiền! Mansur kêu lên. Còn con, con thì bán những quyển sách về Afganistan mà chẳng biết tí gì về đất nước này cả, con chỉ mới bước chân một chút ra khỏi Kaboul, cậu xẵng giọng nói thêm.
Sáng hôm sau anh chàng Iran lên đường. Mansur phẫn nộ, làm sao bố cậu lại có thể từ chối cậu điều đó? Cậu lái xe đưa bố đến cửa hàng, chẳng nói một lời nào và chỉ trả lời ông nhát gừng. Nỗi hận bị dồn nén chống lại ông ta làm cậu điên cả người lên. Mansur chưa học hết mười năm ở trường thì bố cậu đã bắt cậu nghỉ, cậu không xong được cái trung học. Tất cả những gì cậu xin ông, đều bị từ chối. Cái duy nhất bố cậu cho cậu là một chiếc xe hơi, để tự lái, và trách nhiệm với một hiệu sách để cậu chết gí trong đó.
- Thôi được rồi, đột nhiên cậu thở dài. Con sẽ làm tất cả những gì bố yêu cầu, nhưng bố đừng tưởng là con vui vẻ lắm với những chuyện đó. Bố chẳng bao giờ để cho con làm những việc con muốn. Bố khiến con mệt nhoài.
- Sang năm mày có thể đi tới đó, Sultan trả lời.
- Không, con sẽ không bao giờ đi đến đó nữa và con sẽ không xin bố bất cứ cái gì nữa.
Người ta bảo rằng chỉ những người được Ali gọi mới có thể đi đến Mazar.Vì sao Ali không muốn cậu đến? Các hành vi của cậu là quá ư không thể tha thứ được chăng? Hay là bố cậu đã không nghe được tiếng gọi của Ali?
Sự hung hăng của thằng con khiến Sultan sợ. Ông nhìn cậu con trai mới lớn và không phải là không hoảng lên.
Sau khi đã đưa Sultan đến hiệu sách của ông và hai cậu em trai đến hiệu của chúng, Mansur mở cửa hàng của mình và ngồi vào sau chiếc bàn giấy đầy bụi. Cậu ngồi "theo tư thế ưu sầu", chống cùi tay xuống mặt bàn, cảm thấy cậu đã bị cuộc sống cầm tù và lúc nào cũng phủ đầy bụi sách lên người cậu.
Một chuyến hàng mới vừa đến. Để làm ra vẻ đàng hoàng, cậu phải biết được nội dung sách và miễn cưỡng lướt qua. Đấy là một tuyển tập thơ của nhà thơ bí hiểm Rỷmi, một trong những nhà thơ yêu thích của bố cậu và là người nổi tiếng nhất trong số các thầy tu khổ hạnh Afganistan, các nhà bí hiểm của đạo Hồi. Rỷmi sinh vào thế kỷ thứ XIII ở Balkh, gần Mazar-i-Sharif. Lại thêm một dấu hiệu, Mansur nghĩ. Cậu quyết định tìm ra một điều gì đó để chứng tỏ rằng cậu đúng còn bố cậu đã sai. Trong các bài thơ, thấy nói đến việc phải thanh lọc tâm hồn, phải vươn tới Thượng Đế - Người là sự hoàn thiện. Phải quên mình, quên cái bản ngã của mình đi. Rỷmi nói: "Bản ngã là một tấm màn ngăn cách con người với Thượng Đế". Mansur đọc thấy cậu phải làm thế nào để hướng về Thượng Đế, chứ không phải cứ loay hoay quanh chính mình. Một lần nữa, Mansur lại cảm thấy mình ô uế. Càng đọc, ham muốn được thanh lọc trong cậu càng lớn. Cậu dừng lại ở một trong những bài thơ giản dị nhất:
Nước nói với kẻ cáu ghét: hãy đến đây
Kẻ cáu ghét nói: tôi xấu hổ quá
Nước trả lời: làm sao ngươi muốn rửa sạch tội lỗi mà không có ta?
Nước. Thượng Đế và Rỷmi dường như muốn bỏ rơi Mansur. Cậu nghĩ anh chàng người Iran hẳn đã đang ở đâu đó rất cao trên những dãy núi tuyết Hindou Kouch. Suốt ngày cậu không sao nguôi được giận. Chiều xuống, đã đến lúc đóng cửa hàng, trước khi đi đón bố và các cậu em, rồi đưa họ về nhà để lại ăn cái món cơm muôn thuở và lại qua một buổi tối nữa trong cái gia đình suy tàn ấy.
Trong khi cậu đang khóa tấm lưới sắt trước cánh cửa bằng một cái khóa to tướng thì bất ngờ Akbar, anh chàng nhà báo người Iran, xuất hiện. Mansur không tin ở mắt mình.
- Anh không đi sao? Cậu ngạc nhiên.
- Có. Bọn mình đã đi, nhưng hôm nay đường hầm Salang bị đóng cửa. Tôi đã gặp bố cậu trên đường. Ông ấy nhờ tôi đưa cậu cùng đi. Chúng ta sẽ ra đi từ nhà tôi sáng mai lúc năm giờ, ngay sau khi hết giờ thiết quân luật.
- Ông ấy nói thế thật à? - Mansur không thốt nên lời được nữa - đúng là tiếng gọi của Ali, Người đã gọi tôi tha thiết đến thế, cậu thì thầm.
Mansur qua đêm ở nhà Akbar phòng khi bố cậu lại thay đổi ý kiến. Sáng hôm sau, bình minh, họ lên đường. Hành lý của Mansur chỉ có một cái túi xắc bằng nhựa nhét đầy những lon Coca và Fanta, bánh quy ép chuối và thịt chim kiwi. Akbar có một người bạn đi theo và không khí trong xe thật tuyệt vời. Họ mở nhạc ấn Độ và hát vang. Mansur có mang theo một cái kho báu nhỏ, một chiếc cát-xét phương tây: "Nhạc pop những năm 80". "Is this love? Baby, d'ont hurt me, no more!" vang lên trong không khí tươi mát buổi sáng. Họ đi chưa được nửa giờ mà Mansur đã chén hết gói bánh thứ nhất và uống hai lon Coca. Cậu cảm thấy tự do! Cậu muốn thét lên và thò đầu ra cửa xe:
- Youhoouu! Aliii! Ali! Con đến đây!
Họ đi qua những vùng cậu chưa bao giờ được nhìn thấy. Ngay sát phía bắc Kaboul đồng bằng Shomali đã trải dài, một trong những vùng đất bị chiến tranh tàn phá nhiều nhất ở Afganistan. Chỉ mới mấy tháng trước, máy bay B52 Mỹ đã đổ bom xuống đây.
- Đẹp quá chừng! Mansur kêu lên.
Nhìn từ xa, quả thật đồng bằng rất đẹp, những đỉnh núi Hindou Kouch phủ tuyết làm nền ở chân trời. Hindou Kouch có nghĩa là "kẻ tàn sát người hindou": trong cụm núi này, hàng ngàn binh lính ấn Độ đã bỏ mạng vì rét trong các cuộc tấn công vào Kaboul.
Khi họ đi đến chỗ đồng bằng, cảnh tượng chiến tranh mới lộ ra. Trái với những người lính ấn Độ, máy bay B52 đã không bị dãy Hindou Kouch ngăn lại. Nhiều doanh trại của quân taliban đã không được dọn dẹp sau các trận ném bom. Những căn lều hoặc đã trở thành những hố rộng toang hoác hoặc bị vãi tung ra khi bom rơi xuống mặt đất. Bên lề đường, một chiếc giường sắt cong queo, trên đó một người taleb có thể bị bắn chết lúc y đang ngủ, trông như một bộ xương. Ngay bên cạnh là một tấm chăn, đã rách tan hoang.
Các doanh trại này đã bị cướp phá nặng nề. Trong những giờ sau khi quân taliban bỏ chạy, dân chúng địa phương đã có mặt tại đây và chiếm lấy những chiếc chậu, những cây đèn thắp bằng hơi đốt, những tấm thảm và chăn của binh lính. Nghèo khốn đã khiến người ta coi việc cướp lột các xác chết là một điều hiển nhiên. Chẳng có ai khóc những người chết nằm bên đường hay trong cát. Trái lại là khác, dân chúng địa phương đổ xô vào các xác chết. Nhiều con mắt lồi ra khỏi tròng, da bị kéo rách, tay chân bị chặt đứt hay băm nát. Đấy là cuộc trả thù chống lại quân taliban trong nhiều năm qua đã khủng bố dân chúng vùng đồng bằng Shomali.
Trong suốt năm năm, cánh đồng này đã là chiến tuyến giữa quân taliban và lực lượng của Massoud thuộc Liên minh Phương Bắc, và đã sáu hay bảy lần thay đổi chủ. Vì chiến tuyến thường xuyên dịch chuyển, dân chúng địa phương phải chạy trốn, hoặc về hướng thung lũng Panshir hoặc về phương nam, hướng Kaboul. Sống ở đây phần lớn là người tadjik và những người không chạy trốn được có nguy cơ trở thành nạn nhân trong các cuộc thanh trừng chủng tộc của người taleb. Trước khi rút lui, bọn taliban đánh thuốc độc các giếng nước, đánh mìn các kênh và các hệ thống thủy lợi sinh tử đối vời vùng đồng bằng khô cằn này, trước chiến tranh vốn là vành đai nông nghiệp của Kaboul.
Mansur im lặng quan sát những ngôi làng kinh khiếp cậu đang đi xe qua. Phần lớn chỉ còn là những đống đổ nát, những bộ xương đứng trơ giữa quang cảnh chung qunh. Nhiều làng đã bọn taliban bị đốt cháy hoàn toàn khi chúng cố chiếm lấy phần còn lại cuối cùng của đất nước, một phần mười còn lại: vùng thung lũng Panshir, các dãy núi Hindou Kouch, và phía bên kia, các vùng sa mạc về hướng Tadjikistan. Chúng đã có thể làm được điều đó nếu không có ngày 11 tháng Chín, khi thế giới bắt đầu quan tâm đến Afganistan.
Khắp nơi là những gì còn lại của những chiếc xe tăng cong queo, những chiếc xe nhà binh bị trúng bom và những mẩu sắt mà Mansur không thể đoán ra được vốn là những thứ gì. Chỉ có một người đơn độc đang di chuyển, vai vác một chiếc mai. ở giữa cánh đồng có một chiếc xe tăng, anh ta cẩn thận đi đi lại lại quanh xác chiếc xe, nó quá nặng để có thể dịch chuyển đi được.
Xe chạy nhanh trên con đường gập ghềnh. Mansur cố tìm làng của mẹ cậu, từ khi mới năm hay sáu tuổi đến giờ cậu chưa trở về đó. Ngón tay cậu cứ chỉ mãi về phía các đống đổ nát: "kia! kia!", nhưng chẳng làm sao phân biệt được cái này với cái khác. Nơi cậu đã cùng mẹ về thăm lúc cậu còn bé có thể là bất cứ cái nào trong những đống đổ nát đó. Cậu nhớ đã từng chạy trên các con đường và các cánh đồng. Bây giờ, vùng đồng bằng này là một trong trong những nơi bị gài mìn nhiều nhất trên thế giới. Chỉ đi trên đường là chắc chắn. Ven đường những đứa bé bước đi tay ôm những bó củi và những người đàn bà xách những xô nước. Họ cố tránh những chỗ trũng, ở đấy có thể có mìn. Chiếc xe của những người hành hương vượt qua các toán người đi gỡ mìn, họ cẩn thận kích nổ hay tháo kíp các quả mìn và cứ như vậy dọn sạch vài mét đất mỗi ngày. Bên trên những chiếc bẫy chết người đó, các hố nở đầy hoa tuy-líp dại màu đỏ đậm, cọng ngắn, nhưng phải ngắm chúng từ xa. Hái hoa có thể mất ngay một chân hay một cánh tay.
Akbar giải trí bằng cách đọc một cuốn sách hướng dẫn du lịch do cơ quan du lịch Afganistan xuất bản năm 1967.
- "Bên vệ đường, trẻ em bán những chiếc vòng kết bằng hoa tuy-líp màu hồng, anh đọc. Về mùa xuân, hoa anh đào, hoa mơ, hoa hạnh và hoa lê tranh nhau thu hút sự chú ý của khách du lịch. Hoa nở tràn lan theo khách trên suốt dọc đường từ khi rời Kaboul".
Anh phá lên cười. Mùa xuân này, chỉ có thể nhìn thấy một hay hai cây anh đào ương ngạnh sống sót sau những trận bom, tên lửa, ba năm hạn hán và các giếng nước bị đánh thuốc độc; và thử hỏi làm sao còn tìm được một lối hẻm để đi tới nơi hái những quả kia.
- "Đồ sứ địa phương thuộc loại những đồ sứ thanh nhã nhất của Afganistan. Xin chớ tiếc dừng chân ở các xưởng gốm dọc đường, tại đó những người thợ thủ công chế tạo những chiếc đĩa và những chiếc bình theo một truyền thống nhiều trăm năm", Akbar đọc tiếp.
- Này, có vẻ như cái truyền thống đó đã phải chịu một vố nghiêm trọng, Saùd, bạn của Akbar, đang lái xe, nhận xét.
Chẳng thấy cửa hàng bán đồ sứ nào trên con đường đang leo lên đèo Salang. Bắt đầu lên dốc. Mansur mở lon Coca thứ tư, và vung tay ném qua cửa xe. Thà vứt rác xuống một hố bom còn hơn là làm bẩn xe. Con đường leo lên phía đường hầm xuyên núi cao nhất thế giới. Đường thắt lại, một bên là núi dốc đứng, bên kia nước đổ xuống thành thác hay thành suối.
- "Chính phủ đã thả cá hồi xuống sông. Trong vài năm nữa, cư dân ở đây có thể có đời sống khá hơn", Akbar lại đọc.
Bây giờ, cá hồi đã bỏ đi hết. Sau khi xuất bản cuốn sách hướng dẫn du lịch, chính phủ đã có khối việc phải lo hơn là nuôi cá.
ở những chỗ kỳ cục nhất, những chiếc xe tăng cháy đen nằm chết dí. Về phía thung lũng, treo lơ lững trên các mép vực, đỗ nghiêng, lật ngữa hay văng ra thành nhiều mảnh. Mansur đếm và chẳng mấy chốc đã tới con số một trăm. Phần lớn là từ thời Liên Xô, khi quân đội Liên Xô từ các nước cọng hòa xô viết châu á đến, phía bắc, tưởng rằng họ đã kiểm soát được người Afganistan. Người Nga đã trở thành nạn nhân của sự tinh thông trong chiến tranh của quân moudjahidin. ở trên núi, họ thông thạo như những con dê. Từ xa, từ các điểm quan sát của họ, họ nhìn thấy những chiếc xe tăng Nga nặng nề bò tới như những con sên dưới thung lũng. Dù chỉ với vũ khí tạm bợ, quân du kích cũng hầu như không thể bị đánh bại khi nó ở phía sau trận địa. Du kích có mặt ở khăp nơi, cải trang thành người chăn cừu, súng kalachnikov giấu dưới bụng dê. Họ có thể tấn công chớp nhoáng các xe tăng bất cứ lúc nào.
Họ giấu những khẩu sung phóng rocket dưới bụng những con cừu lông dài, Akbar kể, anh ta đã đọc tất cả những gì viết về chiến tranh chống Liên Xô. Alexandre Đại Đế cũng từng rất khó khăn khi tiến qua những vùng núi này. Sau khi chiếm được Kaboul, ông đã quay về Iran, lúc đó là Ba Tư, qua đường Hindou Kouch.
- "Alexandre đã có thể viết những bài thơ ca ngợi những dãy núi này, chúng gây cảm hứng cho trí tưởng tượng về những điều huyền bí và về sự yên nghĩ vĩnh cữu", Akbar đọc trong cuốn sách sách hướng dẫn của sở du lịch. Chính phủ đã định một lập một trạm trượt tuyết, ở ngay đây! anh ta đột ngột kêu lên và nhìn những sườn núi dốc đứng. Năm 1967! Cuốn sách ghi rõ: "Một khi các con đường được rải nhựa!"
Như dự tính, các con đường đã được rải nhựa. Những chẳng còn được mấy chút nhựa. Và trạm trượt tuyết vẫn cứ còn là dự án.
- Có thể sẽ là một cuộc trượt dốc kinh hoàng, Akbar đùa. Hoặc có thể đánh dấu những chỗ có mìn bằng các cổng lượn! Du lịch mạo hiểm! Hay Những tua du lịch mạo hiểm Afganistan - cho những kẻ chán đời!
Mọi người đều cười. Đôi khi những chuyện bi đát của thực tế lại có vẻ như tranh hoạt hình hay đúng hơn là truyện phim kinh dị dữ dội. Họ hình dung một người trượt tuyết tan xác trên các sườn núi.
Du lịch, vốn là một trong những nguồn thu nhập chính của Afganistan, bây giờ đã thuộc về một thời dĩ vãng. Ngày trước con đường họ đang đi đây có tên là "hyppietrail"[17]. Những người tân tiến, và cả những người không tân tiến bằng đến đây tìm một thiên nhiên tươi đẹp, một lối sống hoang dã và cây haschid ngon nhất thế giới. Có cả thuốc phiện cho những ngời sành điệu hơn. Trong những năm sáu mươi và bảy mươi, hàng ngàn người hippy tìm đến những dãy núi này, họ thuê những chiếc xe Lada cũ và lên đường đi du lịch. Phụ nữ cũng lang thang một mình trong núi. Vào thời kỳ đó họ cũng có thể bị bọn vô lại và bọn cướp đường tấn công, nhưng đấy chỉ là một thứ kích thích cho chuyến đi. Ngay cả cuộc đảo chính lật đổ Zaher Shad, năm 1973, cũng không làm gián đoạn đợt sóng đó. Chính cuộc đảo chính cộng sản năm 1978 và cuộc xâm lược tiếp sau đó mới nhanh chóng chặn đường những người "du lịch hippy".
Ba người thanh niên đã đi được hai hay ba tiếng khi họ gặp những người hành hương. Đám người này hoàn toàn đứng im một chỗ. Tuyết bắt đầu rơi. Sơng mù trở nên đặc hơn. Chiếc xe trợt bánh. Saùd không có xích.
- Xe hai cầu thì không cần phải kéo, anh ta bảo đảm.
Càng ngay lại càng nhiều xe bị trượt bánh trong những ổ gà sâu dưới tuyết và băng. Khi một chiếc xe dừng lại, thì tất cả xe đều dừng lại. Đường hẹp không cho phép vượt lên. Ngày hôm đó xe đi từ phía nam lên hướng bắc, từ Kaboul lên Mazar. Ngày mai sẽ ngược chiều lại. Con đường núi này không thể đi xe theo hai chiều. Đi bốn trăm năm mươi kilômét từ Kaboul lên Mazar tốn ít nhất mười hai tiếng, đôi khi gấp đôi, thậm chí gấp bốn.
- Rất nhiều xe sa lầy trong bão tuyết và lở núi không thể thoát ra được trước mùa hè. Chính lúc này, vào mùa xuân, chúng nằm ở đây nhiều nhất, Akbar trêu họ.
Họ vượt qua một chiếc xe ca đang gây tắc đường, nó bị đẫy ngã hẳn về một bên, trong khi những người đi trên xe đó, trên đường đến viếng mộ Ali, đón đi nhờ các xe vượt lên trước, chậm như sên. Mansur cười khi đọc thấy các từ viết trên thành một chiếc xe: "Hmbork - Frankfork - Landan - Kabal"[18], cậu ta đọc các từ mới viết bằng chữ đỏ trên tấm chắn sốc và càng cười to hơn: "Wellcam! Kaing of Road".
- Một chuyến đi vương giả đấy.
Họ còn chỗ trên xe, nhưng không lấy thêm người nào của chiếc Kabal-express xin đi nhờ. Saùd, Mansur và Akbar với nhau thôi là đã đủ lắm rồi.
Họ đi vào hành lang thứ nhất, những cây cột lớn bằng bê tông và một cái mái để phòng đá rơi xuống. Nhưng các hành lang cũng rất khó đi qua: vì chúng đều mở toang, nên cũng đầy tuyết do gió thổi vào và đã biến thành băng. Những vết bánh xe bị đóng băng sâu hoắm là một thách đố thật sự đối chiếc xe không có xích này.
Đường hầm Salang, ở độ cao ba nghìn bốn trăm mét, và những hành lang, lên đến năm nghìn mét, là một tặng phẩm của Liên Xô cho Afganistan khi họ muốn nước này trở thành một Nhà nước vệ tinh của mình. Các kỹ sư Xô viết bắt đầu công việc xây dựng vào năm 1956 và đường hầm được hoàn thành vào năm 1964. Cũng chính người Nga đã làm những công việc rải nhựa đầu tiên trên các đường lộ Afganistan vào những năm năm mươi. Dưới thời Zaher Shah, Afganistan là một nước bạn. Vị vua có xu hướng tự do này buộc phải nghiêng về phía Liên Xô vì cả Hoa Kỳ lẫn châu Âu chẳng thấy chút lợi ích nào trong việc đầu tư vào Afganistan. Nhà vua cần tiền và chuyên gia, nên ông đã chọn cách làm ngơ trước những mối liên hệ ngày càng thắt chặt giữa nước ông với siêu cường cộng sản.
Đường hầm trở thành một yếu tố chiến lược chủ yếu trong cuộc chiến chống taliban. Cuối những năm chín mươi, viên tư lệnh Massoud đã cho đánh sập đường hầm, trong một cố gắng tuyệt vọng ngăn chặn cuộc tiến công của taliban lên phía bắc. Chúng đã tiến đến đó, nhưng không đi xa hơn được nữa.
Trời đã hoàn toàn tối, hay đúng hơn là ngả sang màu xám. Chiếc xe trật bánh, sa lầy trong tuyết, kẹt cứng trong những đường rãnh do các bánh xe đào nên. Gió thổi, chẳng còn nhìn thấy được chút gì trong đám tuyết vần vũ này và Saùd chỉ còn biết lái theo cái mà anh ta cho là vết bánh xe. Không có xích, chỉ còn Ali mới có thể bảo đảm được con đường đi đúng. Ta không thể chết trước khi đến được mộ của Người, Mansur tự nhủ thầm. Ali đã gọi ta.
Chỉ mới hơi sáng hơn lên một chút. Họ đang ở lối vào đường hầm. Một tấm biển ghi rõ: "Chú ý! Coi chừng hơi độc. Trong trường hợp dừng lại giữa hầm, phải tắt máy và cố đến cửa ra gần nhất." Mansur đưa mắt hỏi Akbar.
- Cách đây đúng một tháng năm mươi người đã bị kẹt trong hầm vì một trận lở đá, Akbar kể, bao giờ anh cũng biết rõ mọi chuyện. Lúc đó lạnh dưới hai mươi độ và đám lái xe cho máy nổ để giữ ấm. Nhiều giờ sau, khi đã xúc hết tuyết, người ta tìm thấy hàng chục người đã ngủ thiếp đi vì tác dụng của monoxít cácbon và chết vì ngộ độc. Akbar khẳng định trong khi họ đi sâu vào hầm: những chuyện như vậy vẫn thường xảy ra.
Chiếc xe dừng lại. Cả đoàn xe đứng im.
- Chắc chắn là tôi tưởng tượng ra thôi, nhưng quả thực là tôi đang đau đầu.
- Em cũng vậy, Mansur bảo. Hay ta đi đến chỗ lối ra gần nhất đi?
- Không, cứ tin là đoàn xe sẽ lại chuyển động ngay và thoát ra khỏi hầm, Saùd phản đối. Nếu đoàn xe lại chạy mà chúng ta lại không có trên xe của mình, thì chính chúng ta lại gây nên cảnh tắc xe mất.
- Bị ngộ độc là như thế này đây phải không? Mansur lo lắng.
Các cửa kính trên đều đóng kín. Saùd đốt một điếu thuốc. Mansur hét lên.
- Cậu điên đấy à? Akbar kêu lên trước khi giật điếu thuốc từ miệng anh ta và dí xuống chân. Cậu định đầu độc thêm chúng tớ hay sao?
Một không khí hoảng sợ lan tràn trong xe. Họ không nhích được tấc nào. Rồi một điều gì đó đã xảy ra: phía trước họ, đoàn xe chậm rãi nhích tới. Khi đã ra đến chỗ thoáng đãng, họ hết nhức đầu ngay; nhưng vẫn chẳng nhìn thấy gì cả trong cái đám bột nghiền màu xám đang quay cuồng trước mặt. Chỉ còn cách đi theo các vết bánh xe và những ánh đèn pha lờ mờ. Không thể quay xe lại được. Tất cả họ đều cùng tiến về phía một định mệnh chung. Tất cả những người hành hương đều đi theo những dấu vết do vô số những chiếc xe và băng tuyết dồn lại. Ngay cả Mansur cũng đã thôi không nhai bánh quy nữa, trong xe im lặng như chết. Cứ như là đang lần đi trong cõi hư không, nhưng là một cõi hư không trong đó những vực sâu, những trái mìn, những vụ lở đá và bao nhiêu tai họa khác sẵn sàng ập tới bất cứ lúc nào.
Cuối cùng sương mù cũng đã loãng bớt đi, nhưng họ vẫn còn ở bên bờ vực. Bây giờ khi tầm nhìn có rõ hơn thì gần như lại còn tệ hơn. Họ đang bắt đầu đi xuống. Chiếc xe chạy dích dắc từ mép đường bên này sang mép đường bên kia. Đột nhiên nó trượt ngang dốc. Saùd không còn điều khiển được gì nữa, anh ta chửi ầm lên. Akbar và Mansur bám chặt vào xe, cứ như cách đó có thể cứu được họ khi xe trượt ra khỏi đường. Trong xe lại im lặng căng thẳng. Chiếc xe trượt ngang, đứng thẳng dậy, trôi đi trước khi lại tiến lên theo lối zích zắc. Nó trượt qua một tấm bản càng khiến họ thất kinh: "Chú ý! Có mìn. Rất nguy hiểm!" Ngay sát bên ngoài, hay cũng có thể ngay chính trong khu vực họ đang trôi trượt, là cả một đống mìn. Chẳng có thứ băng tuyết nào trên thế giới này có thể che chở cho họ khỏi những quả mìn chống tăng. Thật là điên rồ, Mansur nghĩ; nhưng cậu im lặng. Cậu không muốn bị coi là hèn nhát, nhất là cậu lại còn trẻ. Cậu quan sát những chiếc xe tăng, ngay ở chỗ này, bị vải tung ra, bị tuyết phủ gần kín, và những xác xe, cả chúng nữa, cũng chẳng chạy được đến đích. Mansur đọc một lời cầu nguyện, lẽ nào Ali đã gọi cậu đến đây để rồi cho cậu đâm đầu xuống một vực sâu. Nếu nhiều hành vi của cậu đã không tuân theo đúng đạo Hồi, thì bây giờ cậu đến đây chính là để được thanh lọc, bỏ lại đằng sau mình những suy nghĩ tội lỗi và trở thành một người Hồi giáo tốt. Cậu đi qua đoạn đường núi cuối cùng lòng đầy lo sợ.
Sau một hồi khá lâu, họ đến được vùng thảo nguyên rộng thoáng, và những giờ cuối cùng cho đến Mazar-i-Sharif chỉ còn là trò trẻ con.
Trên con đường dẫn đến thành phố, họ bị những chiếc xe mui trần chở những người trang bị súng ống đầy người vượt qua. Trên các sàn xe, những người lính râu ria xồm xoàm chỉa các khẩu kalachnikov ra khắp phía. Xe họ nhảy lồm chồm trên các ổ gà với tốc độ một trăm cây số giờ. Bốn chung quanh chỉ toàn là sa mạc, thảo nguyên và đồi đá. Thỉnh thoảng họ đi ngang qua những ốc đảo xanh và những ngôi làng gồm những nhà xây bằng đất nén. Những người đàn ông thô kệch ra dấu cho họ đi qua chốt chặn, là một sợi dây buộc vào hai quả tên lửa đã cũ.
Họ đi vào thành phố, mệt mỏi, căng thẳng. Thật khó tưởng tượng, họ đã đi suốt mười hai giờ mới đến được đây.
- Vậy là đi qua đường hầm Salang cũng bình thường thôi, Mansur nhận xét. Cứ tưởng tượng có những người đã phải mất nhiều ngày mới qua được đấy. Youhououou! Chúng ta đã đến nơi! Ali, con đã đến đây rồi![19]
Trên các nóc nhà, những người lính cầm súng sẵn sàng. Người ta sợ có biến loạn trong buổi chiều ngày đầu năm; ở đây, không có lực lượng giữ gìn hòa bình quốc tế, mà trái lại là hai hay ba thống lãnh chiến tranh đang đánh nhau. Những người lính đang đứng trên các mái nhà kia là người của viên quan cai trị, một người tên là Hazara. Những người lính ngồi trên xe mui trần là của thủ lĩnh ouzbek Abdul Atta Muhammad. Những người chiến đấu cho thủ lĩnh ouzbek Abdul Rashid Dostom nhận ra nhau qua bộ đồng phục của họ. Tất cả đều cầm súng hằm hằm chĩa ra các đường phố, nơi hàng ngàn người hành hương đang đi lại và trò chuyện từng nhóm, gần đền thờ, trong công viên, trên các vỉa hè.
Đền thờ màu xanh, một đốm sáng giữa bóng tối, như là một sự thần khải. Đấy là tòa nhà đẹp nhất Mansur từng được thấy. Chùm tia sáng là một tặng phẩm của sứ quán Hoa Kỳ, lúc ngài đại sứ đến thăm thành phố vào dịp năm mới. Nhiều ngọn đèn lồng đỏ chiếu sáng khu vườn quanh đền thờ, lúc này đã chật cứng người.
Tại đây Mansur sẽ cầu xin được tha thứ các tội lỗi của cậu. Tại đây cậu sẽ được rửa tội. Nhìn thấy ngôi đền lớn đó, cậu cảm thấy mệt và đói. Đối với một người đi đường, Coca với bánh quy kẹp chuối và thịt chim kiwi thì thật chẳng thấm vào đâu.
Các quán ăn đều chật cứng khách hành hương. Cuối cùng Mansur, Saùd và Akbar mới tìm được một mẫu thảm để ngồi trong một quán ăn tối om trên con đường bán chả nướng. Chỗ nào cũng đầy mùi thịt cừu rán, ăn với bánh mì và hành nguyên cả củ nhỏ.
Mansur nuốt một miếng hành to và cảm thấy gần như say. Lần nữa, cậu lại muốn bày tỏ niềm vui và hét to lên. Tuy nhiên cậu vẫn im lặng ngồi ăn, theo gương hai người bạn đồng hành. Dẫu sao, cậu không phải là một thằng nhóc và cậu cố làm sao cho ra vẻ giống Akbar và Saùd. Bình tĩnh, thoải mái, văn minh.
Sáng hôm sau Mansur bị đánh thức dậy bởi tiếng cầu kinh của vị mollah. "Allahu akbar - Thượng Đế là vĩ đại", vang lên như những chiếc loa khổng lồ gắn vào màn nhỉ cậu. Cậu nhìn qua khung cửa sổ hướng thẳng về phía ngôi đền đang sáng rực lên trong ánh mặt trời buổi sáng. Hàng trăm con chim bồ câu trắng bay lượn trên khu vực thiêng. Chúng được nhốt trong hai ngọn tháp trước căn phòng mộ và người ta bảo rằng nếu một con bồ câu tham dự vào cuộc bay của chúng, thì lông của nó sẽ trở thành màu trắng trong vòng bốn mươi ngày. Ngoài ra người ta cũng còn bảo rằng cứ bảy con bồ câu thì có một con là một linh hồn thiêng.
Cùng với Akbar và Saùd, cậu chen về phía các rào chắn của ngôi đền vào lúc 6 giờ 30. Nhờ có tấm thẻ nhà báo của Akbar, họ vào đến được giảng đài. Rất đông người đã qua đêm ở đây để cố được tới thật gần khi Hamid Karzaù,nhà lãnh đạo mới của Afganistan, người sẽ kéo ngọn cờ của Ali. Một bên là những người phụ nữ, một số trùm burkha, số khác chỉ choàng khăn trắng, bên kia là đàn ông. Trong khi phụ nữ yên lặng ngồi dưới đất, đám ông chen lấn rất dữ. Bên ngoài, các cây đông nghịt người trèo. Bất chấp cảnh sát cầm roi đi đi lại lại, càng lúc càng đông người nhảy phóc qua rào chắn và chạy để tránh các cú đánh rượt theo. An ninh được tăng cường vì tất cả các vị bộ trưởng sẽ đến.
Các quan chức chính phủ bước vào, Hamid Karzaù đi đầu, mặc chiếc áo choàng đặc biệt của ông bằng lụa kẻ sọc xanh và lục. Bao giờ ông cũng ăn mặc như thế mỗi khi ông đại diện cho Afganistan, mũ da cừu vùng Kandahar phía nam, áo choàng các vùng phía bắc và áo trong vùng các tỉnh phía tây, gần biên giới Iran.
Mansur nhướng cổ lên và cố len đến gần. Cậu chưa bao giờ được trực tiếp nhìn thấy Karzaù. Người đã loại được bọn taliban ra khỏi khu vực chính của chúng, là Kandahar, và đã suýt chết khi một quả tên lửa Mỹ bay lạc và đáp xuống chỗ quân của ông. Là người pachtoun ở Kandahar, Karzaù đã ủng hộ bọn taliban trong một thời gian ngắn, nhưng sau đó đã tận dụng vị trí thủ lĩnh bộ lạc popolzaù hùng mạnh của mình để tranh thủ những người theo mình trong cuộc chiến đấu chống taliban. Khi Mỹ tiến hành chiến dịch ném bom của họ, ông đã làm một cuộc đi mô tô liều chết vào tận dinh lũy của bọn taliban để thuyết các hội đồng bô lão rằng thời của bọn taliban đã chấm dứt rồi. Người ta bảo chính lòng can đảm chứ không phải những lý lẽ của ông đã chinh phục được họ. Trong khi các cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt chung quanh Kandahar, Karzaù cầm đầu cuộc tấn công vào thành phố, những người đại diện của Liên Hiệp Quốc ở Boon đã cử ông làm người lãnh đạo mới của đất nước.
- Chúng đã ra sức hủy hoại nền văn hóa của chúng ta. Chúng đã ra sức phá tan các truyền thống của chúng ta. Chúng đã ra sức tước mất đi của chúng ta đạo Hồi! Karzaù thét lên với đám đông. Bọn taliban đã cố làm ô uế đạo Hồi, đẩy tất cả chúng ta vào bùn đen, khiến toàn thể thế giới căm ghét chúng ta. Nhưng chúng ta biết thế nào là đạo Hồi, đạo Hồi, đấy là hòa bình! Năm mới bắt đầu từ hôm nay, năm 1381 [theo lịch đạo Hồi], sẽ là năm tái thiết đất nước. Sẽ là năm làm cho Afganistan trở thành một đất nước vững chãi, chúng ta sẽ thiết lập một nền hòa bình thực sự và phát triển xã hội của chúng ta! Ngày hôm nay, toàn thế giới giúp đỡ chúng ta, sẽ đến một ngày chúng ta sẽ trở thành một đất nước có thể giúp đỡ thế giới, ông hét to trong tiếng hoan hô của quần chúng.
- Chúng ta? Mansur thì thầm. Chúng ta giúp đỡ thế giới?
Cậu thấy dường như ý tưởng đó thật vô lý. Cả cuộc đời của cậu, cậu đã sống trong chiến tranh, Afganistan là một đất nước cái gì cũng nhận được từ bên ngoài, từ lương thực cho đến vũ khí.
Sau Karzaù, đến lượt nguyên tổng thống Burhanuddin Rabbani phát biểu. Một con người có thế lực lớn, nhưng không có quyền hành. Là nhà thần học và giáo sư ở trường đại học Cairo, ông đã thành lập đảng Jamiat-i-Islam, tập họp một bộ phận người moudjahidin. Ông có nhà chiến lược quân sự Ahmad Shah Massoud, người sẽ trở thành anh hùng trong cuộc chiến chống Liên Xô và cuộc kháng chiến chống taliban. Massoud là một người lãnh đạo có uy tín lớn, hết sức sùng tín, nhưng cũng thân phương Tây. Ông nói tiếng Pháp thông thạo và mong muốn hiện đại hóa đất nước. Bị giết trong một cuộc đánh bom liều chết do hai người Tunisie thực hiện hai ngày trước các cuộc tấn công khủng bố của Hoa Kỳ, ông đã được thần thoại hóa. Những người Tunisie mang hộ chiếu Bỉ và đóng vai nhà báo. "Thưa ngài chỉ huy, ngài sẽ làm gì đối với Oussama Bin Laden khi ngài đã thu phục được cả Afganistan?" là câu hỏi cuối cùng mà Massoud nghe được. Ông còn có thời gian cất tiếng cười lần cuối cùng trước khi bọn khủng bố cho phát nổ quả bom giấu trong máy quay phim của chúng. Ngay cả những người pachtoun ngày nay cũng treo ảnh người tadjik Massoud - con sư tử của vùng Panshir.
Rabbani dùng bài diễn văn của mình để ca ngợi Massoud, nhưng chính cuộc chiến tranh thiêng liêng chống Liên Xô đã đánh dấu thời vinh quang của ông.
- Chúng ta đã đuổi bọn cộng sản ra khỏi đất nước chúng ta, chúng ta có thể đánh đuổi tất cả các bọn xâm lược khỏi đất nước Afganistan thần thánh! ông hét vang.
Quân đội Nga đã rút lui vào mùa xuân 1989. Vài tháng sau đó, bức tường Berlin sụp đổ và cuộc tan rã của Liên Xô bắt đầu, điều mà Rabbani sẵn sàng coi như là vinh dự của chính mình.
- Không có djihad[20], toàn thế giới này sẽ còn nằm dưới ách của bọn cọng sản. Bức tường Berlin đã sụp đổ vì những vết thương chúng ta đã giáng cho Liên Xô và vì nguồn cảm hứng chúng ta đã đem lại cho các dân tộc bị áp bức. Chúng ta đã chia nhỏ Liên Xô thành mười lăm. Chúng ta đã giải phóng nhân dân khỏi ách cộng sản! Chúng ta đã cứu thế giới vì chủ nghĩa cộng sản đã chết, ở đây, tại Afganistan!
Mansur đứng mân mê chiếc máy ảnh của cậu. Cậu đã tiến đến gần sát giảng đài để chụp ảnh các diễn giả. Cậu muốn ghi hình Karzaù hơn cả. Cậu chụp liên hồi hình con người nhỏ nhắn mảnh khảnh ấy. Cậu sẽ có cái để về khoe với bố.
Hết người này đến người khác thay nhau lên giảng đài trong tiếng cầu kinh và các diễn văn nối tiếp. Một vị mollah cám ơn Allah, còn ông bộ trưởng bộ giáo dục thì giải thích rằng Afganistan cần trở thành một đất nước nơi vũ khí phải nhường chỗ cho internet.
- Phải thay thế súng ống bằng các máy vi tính, ông la to trước khi nói thêm rằng người Afganistan phải chấm dứt sự phân biệt giữa các nhóm tộc người. Hãy xem, ở bên Mỹ, họ cùng chung sống trong một đất nước, tất cả họ đều là người Mỹ. Chẳng có vấn đề gì cả!
Trong khi các vị đang đọc diễn văn, cảnh sát dùng roi quất vào đám đông; nhưng đều vô hiệu, mỗi lúc càng nhiều người vợt qua rào chắn xông về phía khu vực thiêng. Họ la hét to đến nỗi chẳng còn nghe rõ được các diễn văn. Tất cả trông giống như một tiết mục biểu diễn của quần chúng hơn là một buổi lễ tôn giáo. Trên các bậc cấp và các mái nhà chung quanh, đầy những người lính mang súng. Khoảng một chục nhân viên lực lượng đặc biệt Mỹ, cầm súng máy và đeo kính đen, đã được bố trí trên các mái bằng của ngôi đền để bảo về viên đại sứ Mỹ, mặt ông ta màu hồng tái. Một số khác đi lại trước mặt hay bên cạnh ông ta.
Đối với người Afganistan, việc những kẻ ngoại đạo dẫm lên mái đền là phạm thánh. Người không theo Hồi giáo không được phép đi vào bên trong. Có những người bảo vệ sẵn sàng xua họ ra; dẫu sao, những người bảo vệ cũng không quá bận, vì không có nhiều người phương tây đổ đến đây trong mùa xuân đầu tiên này sau khi bọn taliban sụp đổ. Chỉ có một hay hai người làm việc trong các tổ chức nhân đạo lẫn trong trong buổi lễ hội năm mới này.
Atta Muhammad và viên tướng Abdul Rashid Dostom, những thống lãnh chiến tranh đang xung đột với nhau, cũng có mặt ở giảng đài. Atta Muhammad là người chỉ huy thành phố này, còn người ouzbek Dostom thì cho rằng chính ông ta mới là người được quyền chỉ huy. Hai kẻ thù không đội trời chung lúc này đang đứng cạnh nhau để nghe các bài diễn văn. Atta Muhammad có một bộ râu taleb. Dostom thì có vẻ oai vệ của một võ sĩ sắp về hưu. Họ đã bất đắc dĩ cộng tác với nhau trong cuộc tấn công cuối cùng chống quân taliban. Bây giờ, giữa họ lại là chiến tranh lạnh. Dostom là thành viên nổi tiếng nhất của chính phủ mới, ông đã được chọn vì mỗi lý do duy nhất là để tránh việc ông định phá cái chính phủ này. Con người lúc này đang đứng nheo mắt về hướng mặt trời là một trong những kẻ được người ta lan truyền những chuyện kinh khủng nhất ở Afganistan. Trừng phạt những người lính có tội, ông cột họ vào xe tăng và cho xe chạy cho đến khi họ chỉ còn là những mảnh thịt đẫm máu. Một hôm, hàng ngàn lính taliban đã bị giải vào giữa sa mạc và nhốt trong một cái con-te-nơ. Chiếc con-te-nơ bị khóa lại và bỏ đấy. Mấy ngày sau, khi mở ra, da họ đã thành than vì nóng. Dostom còn nổi tiếng là một ông vua về lòng phản trắc và đã phục vụ rất nhiều vị thủ lĩnh trước khi phản bội họ hết người này đến người khác. Thời kỳ Liên Xô xâm lược, ông theo người Nga, là người vô thần và uống rượu vodka nổi tiếng. Bây giờ, ông đứng kính cẩn, ngợi ca thánh Allah và ca tụng chủ nghĩa hòa bình.
- Năm 1381 không ai có quyền phân phối vũ khí, vì việc đó sẽ dẫn đến những cuộc chiến và tăng thêm xung đột. Đây là một năm để dẹp bỏ súng ống đi, chứ không phải để phân phát thêm vũ khí mới nữa.
Mansur cười. Dostom chắc là đang mắc bệnh loạn óc. Ông đọc bài diễn văn một cách khó nhọc, cứ ngắc ngứ như một cậu học trò lớp dự bị. Lúc lúc ông lại dừng hẳn lại, rồi lại đọc tiếp, càng gầm lên to hơn.
Vị mollah cuối cùng kêu gọi chống chủ nghĩa khủng bố. Trong đất nước Afganistan hôm nay, có đủ các cuộc chiến đấu chống lại mọi thứ người ta không ưa thích, và mỗi diễn giả lại chống một thứ.
- Đạo Hồi là tôn giáo duy nhất, trong kinh sách thiêng liêng của mình, dạy phải chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố. Chủ nghĩa khủng bố đã phơi bày bộ mặt của nó ra với Afganistan, nhiệm vụ của chúng ta là chiến đấu chống lại. Điều đó không được viết ra trong bất cứ cuốn sách thiêng nào khác. Thượng Đế đã nói với Mahomet: "Ngươi sẽ không cầu nguyện trong một ngôi đền do bọn khủng bố xây lên." Những người Hồi giáo chân chính không phải là những tên khủng bố, bởi Hồi giáo là tôn giáo khoan dung nhất trong tất cả các tôn giáo. Khi Hitler giết những người Do Thái ở châu Âu, thì những người Do Thái ở vùng đất Hồi giáo đều được an toàn. Bọn khủng bố là giả Hồi giáo!
Sau nhiều giờ đọc diễn văn, cuối cùng ngọn janda, lá cờ màu xanh của Ali được kéo lên, đã năm năm nay nó không được treo. Cây cột đặt nằm dưới đất, ngọn quay về hướng ngôi đền. Trong tiếng trống và tiếng tung hô hoan hỉ, Karzaù kéo cây cột và lá cờ tôn giáo lên. Nó sẽ tung bay trong bốn mươi ngày. Người ta bắn súng chỉ thiên và các rào chắn được mở ra. Hàng chục nghìn người nãy giờ vẫn ở bên ngoài ùa vào phía đền thờ, ngôi mộ và lá cờ.
Đối với Mansur, cái cảnh đám đông và nghi lễ thế là đã đủ, cậu muốn đi rảo các cửa hàng. Ali hẵng chờ đấy đã. Cậu đã nghĩ đến việc này từ lâu, mỗi người trong gia đình phải nhận được một món quà. Nếu mỗi người đều nhận được một phần của chuyến đi này, thì sau này bố cậu sẽ tỏ ra rộng rãi hơn khi cậu cầu xin ông điều này điều nọ.
Trước hết cậu mua một tấm thảm cầu kinh, những chiếc khăn quàng và chuỗi hạt, rồi những chiếc bánh hình nón để bẻ và nhấm với trà. Cậu biết bà nội Bibi Gul sẽ tha thứ cho cậu mọi tội lỗi nếu cậu mang về những chiếc bánh nặng đến mấy kilô chỉ duy nhất ở Mazar mới có. Ngoài ra cậu còn mua những chiếc áo và đồ trang sức cho các bà cô và kính râm cho các em và các ông chú. Những thứ ấy không bao giờ thấy bán ở Kaboul. Đeo nặng tất cả các thứ ấy tống trong cái túi lớn màu hồng nhố nhăng những hình quảng cáo cho hãng "Pleasure - Special light cigarettes", cậu quay lại mộ khalip Ali. Các món quà năm mới phải được ban phước.
Cậu mang chúng vào trong hầm mộ và đi về phía các mollah đang ngồi gần những bức tường dát vàng. Cậu đặt các món quà trước một trong các vị ấy, ông ta đọc kinh Coran và thổi lên chúng. Khi kinh đã đọc xong, Mansur nhét lại các món quà vào túi và vội bước đi.
ở bức tường vàng, có thể nói một lời ước. Đúng theo các diễn từ ái quốc, cậu gục trán vào tường và cầu khấn: mong sao một ngày kia cậu tự hào được là một người Afganistan và đất nước Afganistan được tôn trọng trên thế giới. Đích thân Hamid Karzaù cũng không thể nói hơn được thế.
Mê mẩn vì tất cả những xúc cảm đó, Mansur đã quên mất lời cầu xin được thanh lọc tâm hồn và được thứ lỗi, là cái cớ khiến cậu đi đến Mazar. Cậu đã quên mất sự phản bội của cậu đối với cô bé hành khất, thân hình trẻ con bé nhỏ, đôi mắt hạt dẻ mở to, mái tóc rối tung của cô. Cậu quên mất rằng cậu đã không can ngăn tội lỗi của anh chàng bán bút máy to béo.
Cậu bước ra khỏi căn phòng mộ và đi về phía lá cờ Ali. Cạnh cột cờ cũng có những mollah đang đứng đó, họ nhận lấy các túi xắc của Mansur, nhưng chẳng có thời gian để giở các món quà ra. Đám đông những người hành hương đến xin ban phước cho các tấm thảm, chuỗi hạt, thực phẩm và khăn quàng mênh mông. Các vị mollah chỉ cầm lấy túi và quệt vội vào cây cột cờ, đọc một lời cầu nguyện ngắn trước khi trả lại chúng. Mansur ném cho họ vài tờ giấy bạc và như thế là các tấm thảm cầu kinh cùng các chiếc bánh hình nón đã được ban phước lần nữa rồi.
Cậu rất vui sướng được tặng chúng cho bà nội, cho Sultan, cho các ông chú, bà cô. Mansur bước đi vừa cười. Cậu rất vui. Cậu đã thoát ra khỏi cái cửa hàng của cậu, khỏi sự lệ thuộc vào bố. Cậu bước đi trên vỉa hè trước đền thờ cùng với Akbar và Saùd.
- Đây là ngày đẹp nhất trong đời em! Đẹp nhất! cậu reo lên.
Akbar và Saùd nhìn cậu ngạc nhiên, gần như lo lắng, nhưng cũng lây hạnh phúc của cậu.
- Em ngưỡng mộ Mazar, em ngưỡng mộ Ali, em ngưỡng mộ tự do! Em ngưỡng mộ các anh! Mansur reo lớn, vừa nhảy cẩng lên giữa đường.
Đây là lần đầu tiên cậu đi xa mà không có gia đình, ngay đầu tiên cậu không nhìn thấy một người nào trong gia đình mình.
Họ quyết định đi xem một bouzkachi. Các vùng phía bắc nổi tiếng về sự tàn nhẫn, hung dữ, nhanh nhẹn của các bouzkachi. Từ xa, họ thấy cuộc chơi đã bắt đầu. Những đám mây bụi phủ cả cánh đồng ở đó hai trăm con người cởi ngựa tranh nhau một cái xác hôm nay là của một con bê đã bị chặt đầu, chứ không phải một con bê như thường lệ. Những con ngựa cắn nhau và lao vào nhau, chồm lên và nhảy lên, trong khi những người kỵ mã, roi ngựa ngậm giữa hai hàm răng, cố giật lấy cái xác đang nằm dưới đất. Con bê chuyển từ tay người này sang tay người khác nhanh đến nổi đôi khi ta tưởng những người kỵ mã chuyền nó cho nhau. Mục tiêu là đưa được con bê từ đầu này đến đầu kia cánh đồng và đặt nó vào bên trong một vòng tròn vẽ dưới đất. Một số cuộc chơi quyết liệt đến nổi con vật bị xé tơi.
Khi chưa làm quen với trò chơi, ta có cảm giác như đây là các con ngựa đang lao vào một cuộc săn đuổi lẫn nhau cuồng loạn trên cánh đồng, trong khi những người kỵ mã cố giữ thăng bằng trên lưng chúng. Họ mặc những tấm áo choàng dài có hình thêu, đi những đôi ủng đế cao có trang trí và đội những chiếc mũ bouzkachi, những chiếc mũ chụp da cừu rộng vành làm bằng lông thú vật.
- Karzaù! Mansur reo lên khi thấy người lãnh đạo Afganistan trên cánh đồng. Và Dostom!
Người thủ lĩnh bộ lạc và người thống lãnh chiến tranh đấu tranh để chộp được lấy con bê. Để tỏ ra là một người lãnh đạo mạnh mẽ, phải tham gia các bouzkachi, không chỉ ở bên ngoài đám đông hỗn loạn, mà ở ngay chính giữa, nơi cuộc chiến đấu quyết liệt nhất. Tuy nhiên mọi thứ đều có thể thu xếp bằng tiền: thường những kẻ có thế lực trả tiền để người ta giúp cho họ dành được phần thắng.
Karzaù phi ngựa bên ngoài đám hỗn loạn và không thể thực sự theo kịp nhịp điệu chết người của những kỵ mã khác. Viên thủ lĩnh bộ lạc phương nam chưa bao giờ thực sự học được các quy tắc tàn bạo của bouzkachi. Đấy là một trò chơi của thảo nguyên và người con trai vĩ đại của thảo nguyên, viên tướng Dostom đã thắng, hay những người tchopendoz đã để cho ông ta thắng. Dostom đứng trên lưng ngựa như một vị tướng quân và đón nhận những tiếng hoan hô.
Đôi khi, hai phe đánh nhau, cũng có khi tất cả đều đánh lẫn nhau. Các trò chơi bouzkachi là một trong những môn thể thao man dã nhất thế giới, nó được du nhập vào Afganistan từ Mông Cổ vào thời Gengis Khan. Đấy cũng là một trò chơi ăn tiền, những khán giả nhiều thế lực mỗi lần đặt hàng triệu afgani. Trong trò chơi càng nhiều tiền, các cuộc chiến đấu càng dã man. Bouzkachi cũng là một trò chơi mang ý nghĩa chính trị quan trọng. Người lãnh đạo địa phương nào cũng cũng phải hoặc tự mình là một tchopendoz hoặc phải có một chuồng ngựa tốt và những kỵ mã giỏi. Chiến thắng đồng nghĩa với việc được tôn trọng.
Từ những năm năm mươi, nhà cầm quyền Afganistan đã cố gắng quy tắc hóa trò chơi này. Các tchopendoz đã chấp nhận các quy tắc, tuy biết rất rõ rằng dẫu thế nào chúng cũng không thể được tôn trọng. Ngay cả sau cuộc xâm lược của Liên Xô, các cuộc đấu vẫn tiếp tục, bất chấp tình hình đất nước đang hỗn loạn và nhiều người tham dự không đến được vì phải đi qua những vùng chiến tranh. Những người cộng sản, cố thủ tiêu các truyền thống lâu đời của người Afganistan, vẫn không bao giờ dám tấn công các bouzkachi. Ngược lại, họ cố tỏ ra quần chúng hóa bằng cách tổ chức các cuộc đấu, nhà độc tài cọng sản này tiếp nhà độc tài cọng sản khác thay nhau ngồi trên các khán đài, theo nhịp điệu các cuộc thanh toán lẫn nhau đẫm máu của họ. Dẫu sao họ cũng đạt đến chỗ phá huỹ mất một phần lớn nền tảng của các bouzkachi. Với công cuộc tập thể hóa, chẳng còn mấy ai giữ được một chuồng ngựa có hai mươi con được luyện tập đàng hoàng. Chúng bị phân tán và sử dụng trong công việc nông nghiệp. Khi một người chủ sở hữu biến mất, các con ngựa chiến và những người kỵ mã cũng biến mất cùng với ông ta.
Bọn taliban cấm các trò chơi này và coi chúng là phi-Hồi giáo. Lễ hội năm mới ở Mazar là cơ hội tổ chức cuộc chơi bouzkachi đầu tiên sau khi bọn taliban sụp đổ.
Mansur tìm được một chỗ ngay đằng trước, đôi khi cậu phải chạy lui để tránh chân ngữa chồm lên trước khán giả. Cậu chụp nhiều tấm ảnh - những bức chân dung ngựa khi chúng như đang vồ lên cậu, những đám bụi đất tung mù, con bê bị hành hạ, một Karzaù ở xa, một Dostom chiến thắng. Sau khi trò chơi kết thúc, cậu chụp ảnh bên cạnh một tchopendoz.
Mặt trời đã bắt đầu xuống và tắm cả cánh đồng mênh mông một màu đỏ. Cả những người hành hương cũng lấm đầy bụi. Bên ngoài sân đấu, những người bạn đường mệt nhoài tìm được một tiệm ăn. Ngồi quay mặt vào nhau trên những chiếc chiếu mỏng, họ lặng lẽ ăn. Xúp, cơm, thịt cừu và hành sống. Mansur nhai ngấu nghiến, rồi gọi thêm một suất nữa. Họ im lặng chào những người ngồi thành vòng tròn bên cạnh đang chơi trò vật tay.
Trà được đưa lên và đã đến lúc có thể trò chuyện.
- ở Kaboul đến à?
Mansur gật đầu.
- Đi hành hương?
Có vẻ hơi ngập ngừng.
- ừ. Đúng ra, chúng tôi mang chim cay đi, một cụ già gần như rụng hết cả răng trả lời. Chúng tôi từ Herat đến. Đã đi một vòng khá xa, Kandahar, Kaboul, rồi đến đây. Chính ở đây có những cuộc đấu chim cay hay hơn cả.
Ông cụ cẩn thận moi từ trong túi áo ra một cái bao nhỏ, từ đó ông lấy ra một con chim cay nhỏ bù xù.
- Nó đã thắng tất cả các trận chúng tôi tham gia đấy. Nó mang lại bao nhiêu là tiền. Bây giờ, nó đáng giá nhiều nghìn đô la, ông ta khoe.
Cụ già cho con chim cay ăn bằng các ngón tay cong như móng chim ưng. Con chim cay rũ lông và thức dậy. Nó bé đến nỗi có thể đứng trong lòng bàn tay nhăn nheo to lớn của ông cụ. Đấy là những người lao động đang đi nghỉ. Sau năm năm chơi trò đấu chim cay bí mật, phải giấu dưới thời taliban, cuối cùng họ đã có thể công khai hưởng niềm say mê của mình - nhìn hai con chim mổ nhau cho đến chết. Hay đúng hơn, hớn hở khi con chim cay nhỏ của mình đánh chết đồng loại của nó bằng những cú mỏ.
- Bảy giờ sáng mai đến đây, chúng tôi sẽ bắt đầu vào lúc ấy, ông cụ bảo.
Lúc bước đi, ông cụ dúi cho họ một mẩu haschich.
- Loại nhất thế giới đấy, ông cụ bảo. Lấy ở Herat đó.
ở khách sạn họ nếm thử và cuốn hết điếu này đến điếu khác. Rồi ngủ li bì suốt mười hai tiếng.
Mansur giật mình thức giấc lúc vị mollah gọi dậy cầu nguyện lần thứ hai. Đã mười hai giờ rưỡi trưa. Trong ngôi đền bên cạnh, lễ cầu nguyện đã bắt đầu. Lễ cầu nguyện ngày thứ sáu. Cậu phải đến đó. Và phải đúng giờ. Cậu đã bỏ quên bộ shalwar kamiz, bộ áo cánh với quần dài rộng ống của cậu ở Kaboul. Cậu rất thất vọng, biết mua quần áo cầu nguyện cho đúng cách ở đâu bây giờ? Tất cả các cửa hàng đều đóng cửa. Cậu chỉ biết chửi thề, tức giận.
- Thánh Allah chẳng cần gì đến quần áo của cậu đâu, Akbar ngái ngủ làu bàu, chỉ mong tống được cậu đi cho rảnh.
- Em phải tắm rửa, mà nước ở khách sạn thì đã bị cắt mất rồi, Mansur cằn nhằn.
Nhưng ở đây chẳng có Leila để mà mắng mỏ, Akbar thì quát cho ngay khi cậu vừa mở miệng than vãn. Nhưng nước ở đâu bây giờ? Một người Hồi giáo không thể cầu nguyện mà không rửa mặt, tay và chân. Mansur tiếp tục than thở.
- Em sẽ không đến đã kịp mất.
- ở cạnh đền thờ có nước đấy, Akbar nói, trước khi lại vùi đầu vào ngủ tiếp.
Mansur nhảy bổ ra ngoài, trong bộ quần áo đi đường lấm lem. Làm sao cậu lại có thể quên chiếc áo mặc trong lúc ra đi hành hương? Và cái mũ chụp để cầu nguyện của cậu nữa? Cậu nguyền rủa sự vô ý của mình vừa chạy về phía đền thờ màu xanh cho kịp giờ cầu nguyện. ở lối vào, cậu nhìn thấy một người hành khất vẹo chân. Hai chân của người ấy sưng vù và lốm đốm đen đặt duỗi trên lối đi, đã hoàn toàn bị nhiễm trùng. Mansur giật lấy chiếc mũ chụp để cầu nguyện của anh ta.
- Lát nữa tôi sẽ trả lại anh, cậu vừa nói vừa chạy, tay cầm chiếc mũ màu xám trắng, vành đã vàng ố vì mồ hôi.
Cậu đặt đôi giày ở lối vào và đi chân không trên những phiến đá cẩm thạch đã được hàng vạn bàn chân mài nhẵn. Cậu rửa tay và chân, ấn sâu chiếc mũ trên đầu và trang nghiêm tiến về phía những hàng người đang quay về hướng Mecca. Cậu đã đến kịp. Trong hàng chục hàng, mỗi hàng ít nhất cũng có đến cả trăm ngời hành hương, mọi người cúi lạy. Mansur quì ở hàng cuối và đọc theo các lời cầu nguyện, chỉ sau một lát, cậu đã ở giữa đám đông, nhiều hàng người khác đã đến thêm ở phía sau. Cậu là người duy nhất mặc âu phục, nhưng cậu cũng làm theo đúng như những người khác, trán dập xuống đất, mông đưa cao lên, mười lăm lần. Cậu đọc những lời kinh cậu thuộc và nghe lời giảng ngày thứ bảy của Rabbani, nhắc lại bài hôm qua.
Lời cầu nguyện được đọc sát ngay hàng rào chắn bao quanh đền thờ, ở đây những người bị bệnh nan y đến để mong được cứu chữa. Họ bị giữ lại đằng sau rào chắn để đề phòng lây nhiễm. Hai gò má sâu tái nhợt, những người bị bệnh lao cầu xin Ali ban cho sức lực. Trong số họ, có cả một người một người bị bệnh tâm thần, một cậu con trai cứ đập tay cuống cuồng trong khi một người anh của cậu cố dỗ cậu đứng yên. Phần đông chỉ đứng nhìn qua các song hàng rào, đôi mắt lờ đờ. Chưa bao giờ Mansur nhìn thấy cùng lúc nhiều người sắp chết đến thế. Đám người bốc lên mùi bệnh tật và chết chóc. Chỉ những người ốm nặng mới được vinh dự ngồi ở đấy để cầu xin Ali cứu chữa cho mình. Dựa lưng vào các tường của căn phòng mộ, họ chen nhau: càng đến gần được bức tường của ngôi đền xanh, thì họ càng chóng được lành bệnh.
Chỉ hai tuần nữa, tất cả đều sẽ chết mất thôi, Mansur nghĩ. Đôi mắt cậu bắt gặp cái nhìn của một người có nhiều vết sẹo đỏ sưng tấy lên. Hai cánh tay dài gầy đét của ông đầy những mụn và những vết thương gãi đến rớm máu, cũng như đôi chân ông, chòi ra ngoài chiếc áo trong, nhưng ông ta lại có một đôi môi hồng mịn rất đẹp gợi nhớ những cánh hoa mơ mùa xuân.
Mansur rùng mình và quay mặt đi, nhìn về phía hàng rào nơi có những người phụ nữ và những đứa trẻ con đang đứng. Những chiếc burkha đã bạc màu với những đứa con đau ốm đặt trên gối. Một người mẹ đang thiu thiu ngủ trong khi đứa con bị bệnh loạn nhiểm sắc thể của bà đang cố kể chuyện gì đó, nhưng cứ như là nó đang nói với một bức tượng bị phủ một tấm vải xanh. Có thể bà đã đi bộ suốt ngày nọ sang ngày kia để đến được ngôi đền và ngôi mộ Ali trong dịp năm mới này. Có thể bà đã bế con trên tay để cầu xin chữa bệnh. Chẳng thầy thuốc nào cứu chữa được cho nó nữa, có thể Ali sẽ cứu được nó.
Mansur nghe ớn lạnh dọc xương sống. Dưới tác động của bầu không khí hết sức căng thẳng này, cậu quyết định phải làm mới lại cả con người mình. Cậu sẽ trở thành một người tốt, một người Hồi giáo sùng tín. Cậu sẽ tuân thủ các giờ cầu nguyện, cậu sẽ bố thí, cậu sẽ nhịn ăn, cậu sẽ đi đến đền thờ, cậu sẽ không nhìn một cô gái nào trước khi cưới vợ, cậu sẽ để râu và cậu sẽ đi Mecca.
Khi đã hết giờ cầu kinh và Mansur đã nguyện hứa, thì trời đổ mưa. Ngôi đền thiêng và các nền đá đã được mài nhẵn sáng ánh lên sau màn mưa. Mưa to. Mansur nhảy bổ ra, cậu tìm thấy đôi giày và gặp lại người hành khất có chiếc mũ chụp cầu nguyện. Cậu ném cho anh ta mấy tờ giấy bạc và chạy băng dưới mưa qua quảng trường.
- Tôi đã được ban phước, câu reo lớn. Tôi đã được tha thứ! Tôi đã được thanh lọc!
Nước nói với người cáu bẩn: hãy đến đây
Người cáu bẩn trả lời: tôi xấu hổ quá
Nước trả lời: làm sao người muốn rửa sạch tội lỗi mà không có ta?
Ông Hàng Sách Ở Kabul Ông Hàng Sách Ở Kabul - Asne Seierstad Ông Hàng Sách Ở Kabul